1 năm trước Bề rộng quy mô hiện thực được phản ánh “Vỡ đê” bao quát hiện thực trên một phạm vi rất rộng.Nhiều thành phần xã hội từ nông thôn đến thành thị với: nông dân, địa chủ, cường hào, quan huyện, thầu khoán, Tổng đốc, Công sứ, gái mới, nhà báo chính trị phạm và cả chiến sĩ Cộng sản.Nhiều tình huống hiện thực đời sống đương thời: cảnh phu phen đắp đê, cảnh thôn quê lụt lội đến cảnh tư thất quan huyện, cảnh thầu khoán móc ngoặc với quan lại để kiếm chác trong “dịp may” vỡ đê, cảnh tra tấn ở huyện nha, cảnh nông dân biểu tình ở tỉnh lỵ, cảnh tòa soạn báo Lao động, cảnh vui chơi chợ phiên, cảnh khiêu vũ ở Hà Nội… Và xa xa, thấp thoáng cảnh nhà tù Côn Đảo, cùng bối cảnh phong trào chính trị sục sôi trong và ngoài nước.Dường như trong văn xuôi quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám, chưa có ai như Vũ Trọng Phụng có sức bao quát hiện thực trên bình diện rộng lớn, vẽ nên một bức tranh có quy mô như vậy về hiện thực xã hội Việt Nam đương thời. Like Share Trả lời
1 năm trước Miêu tả tất cả mọi thứ Nói đến các tiểu thuyết phản ánh hiện thực của cụ Vũ thì có một tiểu thuyết không thể không nhắc đến, đó là “Vỡ đê”Để nói về “Vỡ đê” thì trước hết nó miêu tả tất cả mọi thứ luôn các cậu ạ, cái gì cũng có, từ quá trình một người trở nên tốt đẹp rồi bị tha hóa dần, hay là những kẻ tha hóa thì mãi tha hóa, hay là cái tham nó đã đi vào cả một bộ máy, nó ung nhọt hết cả rồi.“Vỡ đê” đề cập đến rất nhiều vấn đề, nhiều một cách đáng ngạc nhiên so với 25 chương ngắn. “Vỡ đê” nói về chuyện quan trường, tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công, nói về những điều như cái giá của người phụ nữ trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến, nói về những điều phù phiếm của sự tân thời không đến nơi đến chốn…“Vỡ đê” nói về chuyện một ông quan huyện cố gắng thanh liêm, về một gia đình nho giáo có người con cả là tù nhân chính trị, về người mẹ già đợi con cả và lo cho số phận của thằng con thứ có học nhưng không có trải nghiệm, và lo cho chị con dâu cùng thằng cháu ruột.Xuyên suốt “Vỡ đê” vẫn là lời ngợi ca về Đảng cộng sản, về những cuộc cách mạng, những cuộc khởi nghĩa cứu lấy các nước thuộc địa và cái ý nghĩ tươi sáng của Phú. Cảm ơn Phú và Dung, bởi hai người là những người cứu lấy cái mạch buồn thiu đau khổ của tác phẩm.Kết thúc tác phẩm bằng việc cuối cùng cô Tuất là chị dâu của Phú phải tái giá, để lại đứa con trai ba tuổi lại cho mẹ chồng và Phú.Nói chung là, ngoài tính thời sự nóng nổi lúc nào cũng đúng về chuyện biến chất của một bộ phận quan lại (bây giờ là quan chức) và cuộc sống cơ cực của người dân dưới thời nửa thực dân nửa phong kiến, thì tớ nhận thấy tình yêu là điều đã phải dừng lại, để đi theo sau đất nước.Tớ nghĩ rằng văn chương thời nào cũng có cái đặc điểm của riêng nó, đặc biệt là các dòng văn học đương đại đầu thế kỷ XX, thì việc giải phóng dân tộc chính là ưu tiên hàng đầu. Đọc những tác phẩm như thế này giúp bọn mình một phần có thể hiểu hơn về lịch sử và quý trọng hiện tại, và cũng một phần hiểu được thái độ bài xích đối với tình yêu của một số bộ phận rất lớn người Việt, tình cảm của Phú với Dung, sau này bị chính Phú cảm thấy mệt mỏi, bị chính Phú coi thường rồi hất ra xa. Chàng vừa tự ti, vừa cảm thấy rằng mình đã phung phí biết bao nhiêu thời gian và công sức trong khi anh trai là Minh đang ra sức tuyên truyền khởi nghĩa giai cấp vô sản.Tớ đọc “Vỡ đê” cũng nhiều lần rồi, lần nào cũng cảm thấy có một cái mới để rút ra, và lần nào đọc xong thì vẫn cảm thấy việc cho cuốn sách ở chỗ dễ lấy, dễ với đều là một điều sáng suốt. Like Share Trả lời
1 năm trước Không khí đấu tranh chính trị sôi nổi Trực tiếp hoặc gián tiếp, “Vỡ đê” đã động đến hệ thống trật tự xã hội, đả kích bộ máy thống trị thực dân phong kiến, từ những nhân vật chóp bu đến những tên cai thằng lính, rõ ràng, không khí sôi nổi trong đấu tranh chính trị đương thời đã ùa vào trang viết của văn sĩ tả chân họ Vũ như một lẽ tất yếu.Ngòi bút của họ Vũ đã dựng nên và dành tình cảm cho nhà hoạt động cải tạo xã hội là ông giáo Minh như một tia sáng lạc quan đối với con đường phát triển của lịch sử, chứ không còn u ám thất vọng như các tác phẩm trước đó.Cái ưu trong tư tưởng chính trị của “Vỡ đê” là một phần tố cáo xã hội thực dân phong kiến và một phần đặt hy vọng hướng tới tương lai. Cái khuyết trong tư tưởng chính trị là Vũ Trọng Phụng giữ thái độ ôn hòa chứ không chống đối Mặt trận Bình Dân.Mặt trận Bình Dân (Front Populaire) ra đời ngày 14/7/1935, là liên minh kết hợp những đảng phái cánh tả. Mặt trận Bình Dân đắc cử và lên cầm quyền tại Pháp từ tháng 6/1936 với Léon Blum, thuộc đảng Xã hội (đảng Cộng sản tuy ở trong mặt trận nhưng không có mặt trong chính phủ).Dù chỉ nắm chính quyền trong thời gian 2 năm, nhưng Mặt trận Bình Dân đã để lại những định chế cải cách xã hội lâu dài. Chính quyền Léon Blum, với bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet, đưa ra những bộ luật mới về thuộc địa, luật lao động, luật báo chí được mở rộng tự do, quyền đình công bãi thị, ân xá chính trị phạm… tạo những hy vọng tự do và công bằng pháp lý cho người dân thuộc điạ. Những nhà văn, nhà báo thời đó, từ Hoàng Đạo đến Vũ Trọng Phụng, đều nhìn thấy ở Chính phủ Bình Dân một hy vọng lớn trong chính sách cải cách thuộc địa của người Pháp.Hy vọng về tương lai đất nước của Vũ Trọng Phụng chung quy là trông đợi vào một nước Pháp “nhân đạo hơn”, điều này thể hiện rõ thông qua suy nghĩ của Phú:“Một nước Việt Nam độc lập trong đó có một ông vua độc lập hay một ông tổng thống Việt Nam, mà tựu trung vẫn không chắc giữ vững được bờ cõi, hoặc là vẫn để cho dân quê ngu dốt, đói khát lầm than thì quả nhiên không khi nào bằng một nước Việt Nam hộ thuộc của một nước Pháp trọng công lý hơn, của một nước Pháp nhân đạo hơn.”Vũ Trọng Phụng đã đặt niềm tin vào Chính phủ Bình Dân và những trí thức “có học thức, có nhân phẩm” thay vì tin vào phẩm chất tinh thần và sức mạnh đấu tranh của quần chúng lao động. Quần chúng trong “Vỡ đê” chỉ là một đàn cừu do mấy tay cầm đầu kích động chứ không có ý thức hay sức mạnh gì. Việc đặt niềm tin sai chỗ và sai đối tượng đã thể hiện tư tưởng chính trị có phần ngây thơ của Vũ Trọng Phụng lúc đó.Nhưng dẫu sao thì, hiểu theo nghĩa cách mạng, Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn tranh đấu. Ông là một nhà văn tả chân, một nhà văn đích thực. Bởi vậy, không nên quá xét nét về tư tưởng chính trị đối với một nhà văn trước Cách mạng Tháng Tám. Like Share Trả lời
1 năm trước Chiều sâu nhận thức và sức mạnh tố cáo ách thống trị thực dân phong kiến Giá trị đặc sắc của tác phẩm “Vỡ đê” không phải ở bề rộng quy mô hiện thực phản ánh, mà nó ở chiều sâu nhận thức và sức mạnh tố cáo độc đáo. Điều này thể hiện trước hết ở chỗ nhà văn đã trực tiếp phản ánh hiện thực trên bình diện mâu thuẫn xã hội.Qua nạn vỡ đê với biết bao thảm trạng khốn khổ thê lương của người nông dân, nhà văn đã làm nổi bật lên mối mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị, nhất là chính sách cai trị tàn bạo của bọn thực dân quan lại, với nhân dân lao động bị áp bức bóc lột. Cảm quan về sự bất công xã hội vốn hình thành từ sớm ở văn sĩ tả chân họ Vũ, song đến tác phẩm này đã được mài sắc và phần nào tiếp cận với quan niệm giai cấp.“Vỡ đê” không còn là tiếng chửi học hằn phẫn uất trên lập trường cá nhân mà tác phẩm đã mang chủ đề chính trị thời sự, lấy đề tài trực tiếp từ phong trào đấu tranh chính trị đương thời. Nhà văn lên tiếng tố khổ cho người nông dân lao động bị áp bức bóc lột nặng nề bị dồn vào cảnh khốn nạn, bị đủ mọi tai trời ách đất, nạn bã rượu lậu, nạn trộm cắp, nạn hối lộ, nạn tham nhũng, nạn bất bình đẳng, nạn đàn áp, nạn điếm bút, nạn tuyên giáo, nạn tổng lý… Tiếng nói tố cáo của văn sĩ Vũ Trọng Phụng đã hòa vào tiếng thét đấu tranh đòi cơm áo, tự do, dân chủ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ khi đó.Tiểu thuyết xã hội “Vỡ đê” được giới nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá là một trong những tác phẩm có giá trị phê phán hiện thực sắc bén, sâu cay nhất của văn tài Vũ Trọng Phụng. Like Share Trả lời
1 năm trước Cuốn tiểu thuyết thông qua việc trình bày vấn đề tranh đấu của người dân đi hộ đê “Vỡ đê” gồm 3 phần với 25 chương, mang góc nhìn đa chiều, chân thực và nhân bản.Cuốn tiểu thuyết thông qua việc trình bày vấn đề tranh đấu của người dân đi hộ đê để phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự của đời sống chính trị, xã hội đương thời từ thành thị đến nông thôn, tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân quan lại đã đẩy người nông dân vào cảnh lầm than.Hành trình của nhân vật chính – cậu giáo Phú, từ lúc đầu lạc quan hy vọng vào tương lai tươi sáng nhờ Mặt trận Bình Dân, đến đi hộ đê, bị bắt bớ vì xúi giục dân gian bất tuân thượng lệnh, bị tra tấn dã man, được con gái quan huyện là Kim Dung thả ra, quay trở về. Hình như, chả giải quyết được gì, bởi cậu lại về sống trong bất lực, ngày qua ngày.Văn sĩ tả chân họ Vũ không chỉ tập trung vào nhân vật chính mà phân tán rộng khắp từ nhân vật, bề rộng quy mô hiện thực phản ánh đến chiều sâu nhận thức và sức mạnh tố cáo… Cốt truyện tả chân chân xác mà thú vị, để lại kết thúc mở và trăn trở cho mỗi người đọc. Like Share Trả lời
1 năm trước Một cuốn sách lên án những bọn lạm dụng cường quyền áp bức nhân dân lao động khổ cực Mùa nước sắp đến rồi, làm mình trong vô thức, nhớ đến quyển sách “Vỡ đê” của bác Vũ Trọng Phụng, thế là mình lôi cuốn sách này ra đọc. Đây là lần thứ 2 mình đọc quyển sách này, nhưng có lẽ ở lần đọc đầu, mình chưa hiểu thấu được nhiều về những khó khăn, sự khổ cực của người dân khi bị dòng nước kia cuốn trôi đi hết những “của cải” quý báu ít ỏi người dân nghèo chỉ trong nháy mắt. Cho đến lần đọc này, mình dường như thấu hiểu hơn cho hoàn cảnh đau xót ấy, khi mình đã được nghe, được chứng kiến đợt lũ lụt ở miền Trung vào năm 2020 vừa qua. Những thứ mà mình gầy dựng nên bao nhiêu năm trời chỉ trong phút giây đã vụt biến mất. Nhưng nghĩ lại thì thấy chúng ta vẫn còn may mắn đấy chứ, vì ít nhất vào thời điểm ấy, bà con miền ngập lụt còn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ không chỉ từ những “chiếc lá lành” mà còn đến từ chính chính quyền nhà nước. Để một lần nữa mình càng thấy bất công hơn cho những người dân ở vùng tổng Động Lung bởi những thứ họ đã phải gánh chịu do hậu quả của việc vỡ đê, trong đó cũng bao gồm cả gia đình cụ Cử nghèo khó.Cũng như một số tác phẩm khác viết về đời sống nhân dân trước những năm 1945, tác phẩm cũng lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người dân vào cảnh đói than cơ cực. Nhưng ở “Vỡ Đê”, sự lên án ấy không bị giới hạn lại ở một vùng nông thôn nghèo, mà nó còn phản ánh hiện thực trên một phạm vi rộng - từ nông thôn đến thành thị thông qua nhân vật Phú. Cậu là thanh niên tri thức trẻ vào đời với những niềm lạc quan, hy vọng rằng tương lai sẽ tươi sáng hơn nhờ mặt trận Bình Dân. Ban đầu, cậu hy vọng về sự thay đổi của chính phủ mục nát khi ngày ngày được mớm những thông tin về sự tự do bịp bợm. Sau đó, hy vọng của chàng lung lay thế rồi tắt hẳn. Chàng ức chế vì ách thống trị lộng quyền, ức chế cả những người dân chỉ biết có cam chịu. Và khi chọn cách hành động thì bị các thế lực đàn áp quyết liệt, Phú đã dừng lại, trăn trở rồi sống kiếp bất lực. Đó không chỉ là sự “tha hóa” của một thanh niên có tri thức, có tiếng nói, có lòng yêu nước, mà đó còn là sự phản ánh những người dân thấp cổ bé họng, yếu ớt dưới chính quyền mục nát đương thời, mặc cho họ có chất chứa đầy lòng yêu nước. Chính quyền ấy luôn lấy hạnh phúc, cuộc sống no ấm của người dân ra làm câu cửa miệng, nhưng đằng sau ấy là những hành động ăn uống, vui chơi trên mồ hôi xương máu của hàng vạn phu phen phải đắp đê, làng quê thì lụt lội, cuộc sống nhân dân thì cơ hàn, túng thiếu. Để đến cuối cùng, chính con người mở ra câu chuyện với những lí luận lớn lao đầy lòng yêu nước như Phú, đến sau cùng cũng đành ngậm ngùi gạt đi cái lý tưởng cao lớn ấy, quay về tiếp tục sống một cuộc đời “an yên” dưới sự cai trị của chính quyền đương thời.Trong tác phẩm có một câu nói của nhân vật Phú làm mình cũng trăn trở, bâng khuâng mãi: “Một nước Việt Nam độc lập trong đó có một ông vua độc lập hay một ông tổng thống Việt Nam, mà tựu trung vẫn không chắc giữ vững được bờ cõi, hoặc là vẫn để cho dân quê ngu dốt, đói khát lầm than thì quả nhiên không khi nào bằng một nước Việt Nam hộ thuộc của một nước Pháp trọng công lý hơn, của một nước Pháp nhân đạo hơn.” Có sai hay không khi lúc đọc câu văn này mình đã thầm đồng ý với quan điểm này của nhân vật Phú? Vì mình nghĩ, suy cho cùng, nhân dân cũng là gốc là rễ của một đất nước, liệu có thật sự quan trọng về cái gọi là “độc lập” trên danh nghĩa, nhưng sâu bên trong đó là những gốc rễ bị mục nát, thiếu chất dinh dưỡng, thiếu môi trường và cuộc sống tốt đẹp. Ta cứ khăng khăng muốn gìn giữ một chính quyền nào đó vì cái mác dân chủ, độc lập, nhưng chính cái mác đó lại khiến cho cho cuộc sống người dân rơi vào lầm than, khổ đày. Vậy lúc này “độc lập” để làm chi… Cậu nghĩ sao về điều này? Like Share Trả lời
1 năm trước Giá trị chủ yếu của “Vỡ đê” là ở tinh thần phê phán của nó đối với xã hội đương thời “Vỡ đê” mang đậm tính thời sự, nhiều sự kiện chính trị mới xảy ra ít lâu trước khi tác phẩm ra đời đã được ghi lại trên nhiều trang của “Vỡ đê”. Ở đây, nhà phóng sự, nhà báo Vũ Trọng Phụng đã có ảnh hưởng rõ rệt tới nhà tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.Giá trị chủ yếu của “Vỡ đê” là ở tinh thần phê phán của nó đối với xã hội đương thời. Qua nạn vỡ đê, tác phẩm đã bóc trần bản chất thối nát, vô nhân đạo của chế độ thực dân phong kiến. Bọn thống trị bóc lột, từ thực dân, tư sản, quan lại cường hào, đến đám chủ báo vô lương tâm, bọn “công tử”, “tiểu thư”, con nhà giàu đã lợi dụng tình trạng lụt lội, đói khổ của nông dân để xoay tiền, để thăng quan tiến chức, để ăn chơi xa xỉ, trong khi đó, người dân nghèo phải bỏ mặc nhà cửa, vợ con, nhịn đói nhịn khát, lăn vào vật lộn với nước lụt dưới những trận roi vọt túi bụi của bọn cai phu, bọn lính tráng.Đặc sắc của tác phẩm là không chỉ nói cuộc sống bi thảm của một vài người dân cùng, mà đề cập đến số phận của hàng trăm, hàng nghìn người, không chỉ kể nỗi khổ của họ mà còn nói được niềm phẫn uất và phần nào tinh thần phản kháng của họ, không chỉ thuật tả theo con mắt của kẻ đứng ngoài quan sát mà ít nhiều còn thể hiện tấm lòng của người trong cuộc.Đồng thời, mượn qua một số nhân vật tích cực (Phú, Minh, mấy người trợ bút của tòa báo Lao động), tác giả muốn đặt vấn đề lý tưởng xã hội và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thanh niên trí thức, đối với vận mệnh của đất nước và số phận của nhân dân; phác ra được đôi nét đáng quý về một số thanh niên có chí khí và tâm huyết, biết băn khoăn trước thời thế, muốn dứt bỏ những cám dỗ của lối sống hưởng lạc ích kỷ, mong góp sức mình vào cuộc đấu tranh vì lợi ích của nhân dân. Like Share Trả lời
1 năm trước PHONG CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT Đứng trước những rối ren về chính trị và xã hội, mỗi con người trong Vỡ Đê lại có diễn biến tâm lý khác nhau.Phú thì là điển hình của một tri thức trẻ khi xã hội đi vào tha hóa. Ban đầu, chàng hy vọng về sự thay đổi của chính phủ khi được mớm những thông tin về tự do bịp bợm. Sau đó, hy vọng của chàng lung lay thế rồi tắt hẳn. Chàng ức chế vì ách thống trị lộng quyền, ức chế cả những người dân chỉ biết có cam chịu. Chàng cũng hành động, nhưng khi bị các thế lực đàn áp quyết liệt, Phú đã dừng lại, trăn trở rồi sống kiếp bất lực.Kim Dung thì ham mê phù du vật chất, quen sống hưởng thụ. Tuy có cái tâm lương thiện nhưng Dung vẫn chỉ sống như vậy mà thôi.Quang – một anh hùng cam chịu, dẫu biết xã hội này cần nhiều tranh đấu nhưng vẫn không chịu động thủ vì còn vợ con, anh cho rằng cách mạng là quá nguy hiểm. Like Share Trả lời
1 năm trước GIÁ TRỊ HIỆN THỰC Có thể nói, trong những tiểu thuyết châm biếm của Vũ Trọng Phụng, cuốn Vỡ Đê có khả năng bao quát hiện thực rộng rãi nhất. Câu chuyện trong sách đã đi sâu vào ngóc ngách tâm trí của tất cả các tầng lớp xã hội, từ quan huyện cho tới nông dân, từ nhà báo chính trị phạm cho tới những chiến sĩ Cộng sản. Chính sự đối lập trong cuộc sống và suy nghĩ của những con người này đã cho thấy những rối ren trong đời sống đương thời. Trong khi phu phen đắp đê, làng quê lụt lội, nông dân biểu tình ở tỉnh lỵ thì thầu khoán móc ngoặc với quan để kiếm chác, giới thượng lưu vẫn vui chơi ở chợ phiên hay tham gia khiêu vũ ở Hà Nội. Người này lại vui chơi trên mồ hôi xương máu của hàng vạn người khác. Cùng lúc đó, tại những nhà tù nơi Côn Đảo xa xôi, phong trào chính trị sục sôi rực lửa.“Trên đê, người ta chạy đi, rồi lại chạy lại. Sự tấp nập giả dối lại ồn ào, hỗn loạn và nghiêm trọng hơn cả cái áy náy về phận sự. Thỉnh thoảng, chỗ này, chỗ kia, một tiếng mắng chửi, một câu văng tục, một tiếng đét của cái roi mây, những tiếng rên rỉ, hoặc kêu khóc, hoặc lầu nhầu…Trong những việc công cộng như thế, người ta lại thấy cái tinh thần giai cấp hiện ra đến nỗi ngang tai chướng mắt, vì một bọn người vô tích sự, nhờ tài sản hoặc chức vụ, đã tưởng là mình có quyền, cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là hành hạ một bọn người khác đông đúc hơn, tuy có ngu dốt hơn nhưng mà vất vả hơn, hữu ích hơn. Đã mấy hôm nay, hàng trăm phu phen đã làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, dưới những sự tàn nhẫn như thế. Đêm đến, họ túm tụm nhau dưới mấy dãy lều cọc tre mái lá, hở đằng trước, hở đằng sau, hở hai bên. Cái nhọc, cái rét, những cơn gió phũ phàng, những hạt mưa lạnh toát, đã làm xong cái gì mà công việc đào đất, khiêng đất, những câu mắng chửi, những cái thượng cẳng tay hạ cẳng chân, v.v… hãy còn bỏ dở. Đó là cảnh địa ngục giữa cõi trần.Không một ai lại đủ tư cách mua cơm nắm muối vừng của một mụ béo có khuyên vàng nặng trĩu ngồi bán ở cái lều cạnh điếm ở trên đê, một mụ đầu cơ lợi dụng, bóp cổ dân nghèo, không rõ người nhà ông thầu khoán, hay ông cán lục lộ, hay chân tay thân thuộc của ông quan.”Nếu như trong những tiểu thuyết trước, Vũ Trọng Phụng đi sâu vào miêu tả những biến chất của con người ở góc độ cá nhân thì ở tiểu thuyết Vỡ Đê này, ông đã dùng ngòi bút của mình để nói về những vấn đề chính trị mang tính phổ quát. Ngòi bút tố cáo cũng chính là tiếng thét đấu tranh. Ông tranh đấu để tiêu diệt những gông cùm tư tưởng trong xã hội, ông vạch trần nạn đàn áp, nạn tham nhũng, nạn điếm bút và vô số những con sâu mọt trong xã hội ung nhọt bấy giờ. Like Share Trả lời
1 năm trước NỘI DUNG Trong cuốn tiểu thuyết của mình, thông qua câu chuyện người dân đi hộ đê, Vũ Trọng Phụng đã phản ánh những vấn đề thời sự mang tính xã hội, vạch trần bộ mặt của bọn thống trị thực dân nửa phong kiến, lũ mặt người dạ quỷ đã đẩy nhân dân vào cảnh lầm than.Nhân vật chính trong truyện là cậu giáo Phú. Cậu vào đời với những niềm lạc quan hy vọng rằng tươi lai sẽ tươi sáng hơn nhờ mặt trận Bình Dân. Suy nghĩ của cậu dần thay đổi sau những lần đi hộ đê, bị bắt bớ vì xúi giục người dân bất tuân thương lệnh. Sau khi bị tra tấn dã man, Phú được Kim Dung – con gái quan huyện thả ra. Cuối cùng, cậu trở về cuộc sống quẩn quanh, sống bất lực ngày qua ngày mà chẳng giải quyết được việc gì. Like Share Trả lời
1 năm trước Xã Hội Đương Thời Trong Những Phóng Sự Châm Biếm Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng là cái tên xuất sắc trong bộ “tam kiệt tiểu thuyết”, đứng bên cạnh Số Đỏ hay Giông Tố đã làm dậy sóng xã hội đương thời. Cuốn sách tiếp theo này của ông đã bao quát tình hình xã hội xưa bằng cách đặc tả suy nghĩ và diễn biến cuộc đời của những cá nhân đơn lẻ. Mỗi nhân vật là một mảnh ghép trong bức tranh châm biếm xã hội mục ruỗng, đang trên đà tha hóa, xuống cấp cả về đạo đức lẫn cấu trúc chính trị. Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết đáng đọc bất kể chúng ta đang sống trong một xã hội như thế nào. Đọc sách để thấy cái tài của người cầm bút, để hiểu thêm về xã hội cũ, để thấm thía những đớn đau của người nông dân Việt Nam dưới ách một cổ hai tròng. Like Share Trả lời
“Vỡ đê” bao quát hiện thực trên một phạm vi rất rộng.
Nhiều thành phần xã hội từ nông thôn đến thành thị với: nông dân, địa chủ, cường hào, quan huyện, thầu khoán, Tổng đốc, Công sứ, gái mới, nhà báo chính trị phạm và cả chiến sĩ Cộng sản.
Nhiều tình huống hiện thực đời sống đương thời: cảnh phu phen đắp đê, cảnh thôn quê lụt lội đến cảnh tư thất quan huyện, cảnh thầu khoán móc ngoặc với quan lại để kiếm chác trong “dịp may” vỡ đê, cảnh tra tấn ở huyện nha, cảnh nông dân biểu tình ở tỉnh lỵ, cảnh tòa soạn báo Lao động, cảnh vui chơi chợ phiên, cảnh khiêu vũ ở Hà Nội… Và xa xa, thấp thoáng cảnh nhà tù Côn Đảo, cùng bối cảnh phong trào chính trị sục sôi trong và ngoài nước.
Dường như trong văn xuôi quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám, chưa có ai như Vũ Trọng Phụng có sức bao quát hiện thực trên bình diện rộng lớn, vẽ nên một bức tranh có quy mô như vậy về hiện thực xã hội Việt Nam đương thời.