Nếu như cách mạng là một dòng sông, và cuộc đời của mỗi chiến sĩ là một con suối đổ vào dòng sông đó, thì các em lại là những tia nước nhỏ bé, bất ngờ vọt ra từ một kẽ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng... Nhưng cái điều kỳ thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã len lỏi hòa vào dòng sông Cách mạng hùng vĩ, lúc nào không ai hay.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi trở thành bước ngoặt vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, là sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là sự do, hạnh phúc của biết bao nhiêu thế hệ con người. Nhưng mỗi khi ta nhắc đến những năm 1945 - 1946, những năm tháng chiến tranh đầy đau khổ, trong lồng ngực mỗi người con Việt Nam lại nhói lên như có một mũi kim, một vết sẹo lại rách toạc, bởi lẽ những tháng ngày ấy bao nhiêu sinh mạng đã ngã xuống, bất kể già trẻ, nam nữ. Sinh ra giữa cảnh nước mất nhà tan, Phùng Quán hiểu rõ thế nào là dòng máu, là mồ hôi của đồng bào, của những chiến sĩ, đặc biệt là của những cậu bé thiếu niên trinh sát mới chỉ mười hai, mười ba tuổi mà ông đã nhắc đến trong tác phẩm để đời của mình, Tuổi thơ dữ dội.
Tựa như một cuốn phim tua ngược về những năm 1945 -1946, những năm tháng đầy bi ai, khó khăn của nhân dân Việt Nam khi phải đấu tranh giành tự do dân tộc, phải đấu tranh với những tàn dư của những cuộc kháng chiến khốc liệt. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng vẫn chẳng thể nào át đi sự dũng cảm của những người lính trẻ kiên cường, bất khuất. Các em không ngại khói lửa bom đạn, không ngại những trận đòn roi, không ngại đói khát, dơ bẩn, xông pha ra mặt trận “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngòi bút cách mạng của Phùng Quán dạt dào, da diết nhưng cũng mộc mạc, giản dị đã xuất sắc phác họa lên khói lửa bom đạn, tro tàn của chiến tranh và những cuộc chiến đấu anh dũng của những “Vệ Quốc Đoàn con nít” vào năm 1945 - 1946.
1. Đôi nét về tác giả Phùng Quán và tác phẩm Tuổi thơ dữ dội
Nổi lên giữa thời kì loạn lạc, bom đạn, Phùng Quán là cái tên sớm để lại trong lòng độc giả ấn tượng mạnh mẽ so với những tác giả cùng thời. Con đường hành văn của ông đi song với chiến tranh Đông Dương, bên cạnh đó tác giả đã tham gia Vệ Quốc Quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân được nhắc đến trong tác phẩm Tuổi thơ dữ dội) vào năm 1945, vì lẽ đó nên những đứa con tinh thần của ông luôn mang hơi thở của chiến trưởng, của khí thế ngút trời, của mất mát và đau thương. Sau này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những biến cố phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Tác phẩm đầu tay, Vượt Côn đảo tuy không tạo được tiếng vang nhưng sau Đổi Mới, Phùng Quán đã thu hút được một lượng độc giả đông đảo bằng lối hành văn chân thật, chất phác, có đôi phần hài hước, dí dỏm.
Cho đến ngày nay, những tác phẩm của ông đã được tái bản và luôn được mọi người đón nhận, trong đó Tuổi thơ dữ dội là một mảnh ghép vô cùng quan trọng, gắn liền với tên tuổi của Phùng Quán. Tuổi thơ dữ dội được chắp bút vào những năm 1968 và được xuất bản vào năm 1988. Nhờ khí thế oai phong lẫm liệt toát ra từ những người lính cụ Hồ trong thời chiến hòa cùng lời văn trong trẻo, mộc mạc nhưng cũng đầy xót xa, luyến tiếc của Phùng Quán mà chỉ hai năm sau đó, cuốn tiểu thuyết đã được trao giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như được dựng thành phim cùng tên. Mặc dù chủ đề chiến tranh Việt Nam đã trở nên phổ biến nhưng vẫn luôn là một đề tài nóng hổi bởi lẽ những đau thương trong quá khứ, những nỗi thống khổ nhơ nhớp, dơ bẩn chưa bao giờ được phanh phui, vạch trần toàn bộ.
2. Khát khao vượt lên trên số phận cơ cực của những chiến sĩ nhỏ
Tuổi thơ dữ dội phác họa lại bối cảnh của những ngày Huế đổ máu, sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, Vệ Quốc Đoàn được thành lập và tác giả Phùng Quán đã lấy tiêu biểu là Trung đoàn Trần Cao Vân để kể về. Đặc biệt thay, trung đoàn 31 người này chỉ toàn là những cậu bé “vắt mũi chưa sạch”, những cậu bé lẽ ra nên ở nhà bắn bi, bắt ve chơi nhưng giờ đây trong tình cảnh đất nước gặp khó khăn, các em đã liều mình, đánh đổi cả tuổi thơ và sinh mệnh cho mặt trận, cho những chuyến liên lạc đầy nguy hiểm. Nhưng những đau đớn, khổ cực ấy có đáng là bao, chỉ cần được gia nhập Vệ Quốc Đoàn, được cống hiến dù chỉ là một phần nhỏ nhoi cho đất nước đã sướng hơn gấp trăm, gấp ngàn lần cái cảnh tù đày, nhục nhã khi phải sống chung với bọn quân xâm lược. Các em ấy, mỗi con người, mỗi cá thể nằm trong Trung đoàn Trần Cao Vân này lại có một câu chuyện khác nhau, có một hoàn cảnh gia nhập đội quân khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là để thoát khỏi kiếp sống đầy thống khổ, áp bức.
Dù mai đây có đói khổ gấp mười ri em cũng xin chịu. Em ưng thà phải ở truồng, ở lỗ mà chết đói trên chiến khu còn hơn phải về thành phố mà ở chung, ở lộn với tụi Tây, tụi Việt gian…
Đó là câu chuyện về em Mừng vì muốn hái lá thuốc chữa bệnh cho mẹ bị hen suyễn mà đã trèo lên hết tất cả các ngọn cây bút bút ở Huế, “khắp vùng Bao Vinh, Bãi Dâu, không có ngọn cây bút bút nào nó chưa trèo lên, tìm lá tầm gửi.” Em thương mạ, xót mạ nên dù có phải đánh đổi bằng cả tính mạng em cũng không tiếc nuối. Bởi vậy nên khi Mừng thấy “trên ngọn cây bút bút cao nhất trong khu vườn đằng sau doanh trại này, có đậu một tán lá tầm gửi rất to” , em đã liều mạng lẻn vào hàng ngũ của Vệ Quốc Đoàn để hái lá thuốc cho mạ. Hay đó là câu chuyện đầy xúc động về “chú thợ súng nhỏ”, Vịnh - sưa luôn chăm chỉ, gương mẫu, kỷ luật thép. Sau khi được điều đến chạy liên lạc trong Vệ quốc đoàn, Vịnh được mọi người tín nhiệm, tin tưởng tham gia những trận đánh mở màn ác liệt nổi tiếng: cầu Kho Rèm, nhà hàng Sáp - phăng - rông, trường Thiên Hữu. Không may vào trận đánh trường Thiên Hữu, người chính trị viên mà em kính trọng bị thương nặng. Trước khi ra đi, anh đã để lại cho Vịnh chiếc áo trấn thủ và lời nhắn nhủ “Ra trận nhìn cái áo của anh thì nhớ trả thù cho anh…” Sự ra đi của anh chính trị viên để lại trong lòng Vịnh - sưa một vết sẹo lớn nhắc nó luôn phải sống tử tế, thương người, thương dân, “để lại cho nó cuộc sống mẫu mực, trong sạch, tốt đẹp, cùng tình thương yêu của anh qua hơi ấm chiếc áo trấn thủ ngày ngày nó vẫn mặc…”
Tất cả các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, có những hoàn cảnh thật hài hước, éo le mà ta chẳng thể nào ngờ tới nhưng các em vẫn đối mặt với chúng bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Đó có thể là em Hòa - đen làm nghề bán đậu phộng rang nóng giòn hay em Bồng làm nghề giao bánh mì nóng giòn tình cờ cướp được một khẩu súng của một tên lính Tàu rồi giao nộp cho Vệ Quốc Đoàn để xin vào đơn vị. Trong đó có một câu chuyện đã khiến vô số độc giả phải rơi lệ, xúc động về cậu bé Vệ - to - đầu với những ám ảnh đau thương về gánh xiếc mà em phải tham gia trước khi vào Vệ Quốc Đoàn. Vệ trước khi tham gia liên lạc là một diễn viên nhào lộn của một gánh xiếc rong, nơi đã trói buộc cậu với những lưỡi dao sắc lẹm trong trò ném dao vào bia hay cảm giác da thịt rát bỏng khi phải phi thân qua vòng lửa cắm mười hai lưỡi dao nhọn hoắt. Hỏi quê quán ở đâu em cũng không biết, hỏi tên của em là gì em cũng không nhớ, hỏi cha mẹ đâu em lại càng không. Có lẽ những ký ức tăm tối ấy quá đáng sợ, thống khổ nên trí óc bé nhỏ của cậu bé chưa đến tuổi lên năm đã quá run sợ, vùi nát nó bằng tầng tầng lớp lớp những nỗi sợ khác.
Trường hợp nhập ngũ của nhiều em thật đặc biệt và khá tức cười, hiếm thấy trong lý lịch các chiến sĩ lớn tuổi…Nhưng cái điều kỳ thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hoà vào dòng sông Cách Mạng hùng vĩ, lúc nào không ai hay.
Biết là sẽ khổ, sẽ đói, sẽ mất mạng như chơi nhưng các cậu bé của chúng ta chưa một lần run sợ, chùn bước. Trong tay là tờ truyền đơn mà các em coi là bảo vật, trên gương mặt kia chưa bao giờ vụt tắt đi nụ cười tươi sáng, trong trẻo, kể cả trong những trần đòn roi xé thịt hay làn mưa bom bão đạn của địch, các em vẫn mang trên mình một nụ cười khinh miệt, coi trời bằng vung. Từng sinh mạng bé nhỏ ấy chạy băng băng, mải miết trên những con đường sỏi đá gập ghềnh, chông gai cho hòa bình của Tổ quốc vĩ đại, cho cuộc sống khắc khổ, bần cùng của chúng, cho những người mà chúng yêu thương. Dưới ngòi bút của Phùng Quán, những mẩu chuyện nhỏ về những cậu thiếu niên trinh sát ấy trở thành một mảnh ghép trong bức tranh tuổi thơ đầy sắc màu, có chút gam màu ảm đạm, tăm tối của sự bi thương nhưng cũng vô cùng rực rỡ của những tháng ngày rong ruổi bất tận, cống hiến sức mình cho đất nước.
3. Hình hài bi tráng của người lính trinh sát
Bạn sẽ nói gì khi nhắc đến chiến tranh? Có lẽ con người thời nay chẳng thể tưởng tượng nổi ngày xưa chiến tranh đã tàn phá nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng và sinh mạng đến mức nào. Tuổi thơ dữ dội tái hiện lại một thời bom rơi đạn lạc nuốt chửng lấy từng sinh linh bé nhỏ, bất kể đó là người già hay trẻ, là nam hay nữ đều ngã xuống trước nòng súng chết chóc của quân địch. Chúng nào biết đó là một cụ già lom khom hay một đứa trẻ sơ sinh, những kẻ tàn độc, máu lạnh ấy nào biết yêu thương, trân trọng gọi là gì? Nhưng quân ta cũng chưa một lần nào biết khuất phục là gì. Hết những toán người này lại đến những toán người khác, có người ngã xuống ngay lập tức lại có người yểm trợ, tiến lên phía trước. Chiến tranh cướp đi một phần tuổi thơ trong sáng, rong ruổi cùng chim chóc, ong bướm của những cậu thiếu niên trẻ tuổi nhưng cũng cho họ một khoảng thời gian dữ dội, cuồng nhiệt nhất mà không phải ai cũng có thể trải qua được. Các em cảm nhận sâu sắc được quãng đời ngắn ngủi của mình gắn chặt với sinh mạng của Tổ quốc, với từng tấc đất, từng miếng cơm, manh áo của đồng bào dân tộc bởi vậy nên các em phải gánh trên vai trọng trách và sứ mệnh vô cùng lớn lao.
Chiến tranh đã mài giũa nên tính chăm chỉ, cần mẫn và kỷ luật của cậu bé Vịnh - sưa nhưng cũng đồng thời lấy đi hơi thở thoi thóp của cậu. Có mấy ai đủ gan dạ trèo lên nóc thành trì của địch, trở thành ngọn đuốc sống chói sáng cả một trời khói bụi mịt mù của bom đạn? Là sự dũng cảm, liều mạng nào đã thúc giục em lập công cứu nước một thân một mình, không một mảnh vải vắt vai? Vào giây phút màn đêm bừng sáng nhất, thân hình gầy gò, trơ trọi của em vẫn đứng sừng sững trên đầu giặc để chỉ điểm cho đồng đội bắn trúng kho vũ khí, để ngước nhìn anh em chiến đấu thật anh dũng.
Chiến tranh khắc nghiệt giam giữ chú bé liên lạc Lượm - sứt trong nhà tù tăm tối, dơ bẩn, kìm hãm tâm trí cậu cùng những trận đòn roi xé nát da thịt nhưng cũng là lò lửa tôi nên trái tim sắt đá và trí thông minh, lanh lợi của những lần vượt tù hiểm hóc đến thót tim. Chẳng ai có thể ngờ một cậu chỉ mới mười bốn tuổi đã phải chịu đựng đủ mọi loại hình thức tra tấn dã man. Dù cho xương tan, thịt nát, thân người mệt mỏi rã rời nhưng ánh mắt cậu chưa một lần nào dập tắt đi ngọn lửa ý chí, kiên cường, cậu nhất quyết không chịu khai ra bất kì bí mật quân sự nào. Hay khi cậu nhẫn nhục xắn tay áo để dọn hố xí, tập hợp những người bạn tù lại lập ra “Đội thiếu niên chiến đấu lao Thừa Phủ” để chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau trong ngục tù tăm tối. Kể cả ba lần vượt ngục của cậu cũng khiến người đọc đứng ngồi không yên, tiếc hùi hụi khi cậu bị bắt lại và tra tấn thảm thiết. Lượm - sứt có lẽ là một nhân vật nêu rõ nhất tinh thần bất khuất, kiên cường của người chiến sĩ nhưng cũng mang trong mình lòng gan dạ, xốc nổi và cái tôi cao ngút trời của một cậu thiếu niên mười bốn tuổi.
- Còn lâu em mới thất kinh! Cha em trước làm Cộng sản, vượt tù đến năm lần tê anh ạ! Vượt đến lần thứ năm thì tụi hắn bắn chết.
– Nếu gặp dịp hay, em còn dám chơi tụi hắn một vố nữa không?
– Sợ chi mà không chơi anh!
Chiến tranh đầy đau thương cướp đi người mẹ đáng quý của cậu bé ngây thơ Mừng và đẩy em vào con đường bế tắc nhất khi bị nghi ngờ là Việt gian để rồi em chẳng thể yên lòng khi ra đi. Mừng mở đầu cho Tuổi thơ dữ dội với khoảnh khắc một chú bé nhỏ thó, nhanh nhẹn lẻn qua bên kia cầu rồi lẻn vào hàng ngũ của Vệ Quốc Đoàn. Dù chỉ mới mười hai tuổi nhưng Mừng đã rất nhiều lần lập công và gây ấn tượng với trung đoàn trưởng vì là một “tấm bản đồ sống” của chiến khu, lại nhanh nhẹn, biết quan tâm, giúp đỡ đến đồng đội, đặc biệt là câu chuyện trèo cây hái lá thuốc cho mẹ chữa bệnh đầy cảm động của em. Mừng kết thúc cuốn tiểu thuyết dài gần bảy trăm trang bằng một câu nói đầy ám ảnh “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!” khi cậu bị cả chiến khu quanh lưng, không ai tin tưởng. Câu nói mang dáng hình ngây dại mà trong sạch của cậu vang vọng trong tiếng bom rơi đạn lạc trở thành một nốt trầm bi thương, da diết trong lòng độc giả. Em là một hình ảnh đại diện cho tình yêu, sự ngây thơ, trong sáng vẫn luôn còn hiện hữu đâu đó quanh ta, dù là trong chiến tranh khốc liệt hay sự tàn sát chết người của bom đạn.
Tuổi thơ dữ dội không chỉ dừng lại ở tình mẫu tử cao cả của Mừng, những lần vượt ngục thót tim của Lượm - sứt hay tinh thần kỷ cương, quyết lập công hy sinh của Vịnh - sưa mà còn là câu chuyện về giọng hát trong trẻo của Quỳnh - sơn - ca, về con mắt nhìn người tinh tường của Bồng da rắn, về sự hài hước, lạc quan của Tư dát,… Chiến tranh dường như trở thành một chất xúc tác làm nổi bật lên phần con, phần người của những cậu bé thiếu niên trinh sát. Nét ngây thơ, hồn nhiên, những tiếng cười giòn giã vẫn luôn vang vọng khắp mặt trận, chiến khu là lời động viên, khích lệ to lớn trong lúc tuyệt vọng, cùng cực nhất khiến sự đau thương, mất mát và cái chết bỗng trở nên nhẹ bẫng.
Chúng ta quyết định ra đi thà chết không lui, để góp phần cùng các anh lớn đánh đuổi bọn thực dân cướp nước ra khỏi bờ cõi Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Khi đất nước đã tự do, Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập, thì nhất định người Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc gấp trăm nghìn lần hôm nay.
4. Bài cả bi tráng của những người chiến sĩ trẻ tuổi
Nếu không đọc Tuổi thơ dữ dội mấy ai biết được rằng vào cái tuổi ăn, tuổi lớn của những “Vệ quốc đoàn con nít” lại phải trải qua nhiều khó khăn, cực khổ đến vậy? Từng trang giấy thấm đượm một màu bi thương, khốc liệt của chiến tranh. Trên những hàng chữ là máu, là nước mắt và mồ hôi nhưng cũng là ngọn lửa bùng cháy đầy bi tráng, nhiệt huyết, quyết chí quyết thắng của đồng bào.
Những con người quật cường chiến đấu thật anh dũng, mang trong mình lòng quả cảm và tình yêu thương vô tận với đất nước đã không ngừng tiến lên xông pha ngoài mặt trận. Lúc đi các em thiếu niên hăng hái, mừng rỡ nhưng nào biết rằng chực chờ các em ngoài đó là bom, là đạn, là cái chết tưởng chừng biền biệt nhưng lại gần trong gang tấc. Các em đi không biết ngày trở về, bỏ lại người mẹ già đang đau ốm với căn bệnh hen suyễn, bỏ lại một tiền đồ xán lạn với ước ao được chơi nhạc cho cả thế giới, bỏ lại mái ấm, gia đình cùng những thú vui của tuổi thơ để chạy theo tiếng gọi của Cách mạng, của quyết tâm chiến đấu và hy sinh cao cả. Và rồi những cậu bé ấy ra đi chẳng tiếc một đời người. Những trái tim vỡ vụn, thân hình gầy guộc, đen nhẻm, lấm lem bùn đất, ghẻ lở nằm xuống với đất ấm, với mảnh đất các em đã dành cả tính mạng để bảo vệ. Vào khoảnh khắc mặt trời chiếu sáng ngời trên thiên đỉnh hay chỉ là một đêm không trăng gió lặng, các cậu bé dũng cảm ấy cũng muốn khắc ghi một chút công lao để noi gương các anh lớn, để thoát khỏi cảnh tù đày của bọn Tây, bọn Việt gian.
Tóm tắt bởi: Phương Anh - Bookademy
Hình ảnh: Hà Vy - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Mỗi nhân vật trong “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán đều đại diện cho một hình mẫu riêng biệt, nhưng điểm chung giữa họ là lòng yêu nước và tinh thần quả cảm. Lượm, với tính cách hồn nhiên và quyết tâm cao, chính là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kháng chiến.
Tác phẩm không chỉ kể lại câu chuyện của một nhóm thiếu niên mà còn phản ánh tinh thần của cả dân tộc Việt Nam. Qua từng trang sách, Phùng Quán đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi độc giả.