Tuổi 20 yêu dấu
Xem thêm

“Tuổi 20 yêu dấu’’ được Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành tháng 1.2003. Đây không phải lần đầu Nguyễn Huy Thiệp chọn nhân vật là một thanh niên mới lớn. Dù ở nông thôn hay thành phố, đều là những kẻ khước từ trật tự, căm ghét định chế xã hội, nên họ cô đơn và lựa chọn ra đi. Cú “tuột xích” của Khuê trong “Tuổi 20 yêu dấu’’ vì bị bố đuổi nhưng đó chỉ là giọt nước tràn ly cho khát vọng mà cậu có từ lâu. Trong cuộc phiêu lưu, cậu tiếp tục dấn thân vào phía khác của cuộc sống, chấp nhận trả giá. Độc giả bắt gặp mô típ quen thuộc ở các truyện ngắn trước của Nguyễn Huy Thiệp, như Chương trong “Con gái thủy thần’’: “Tôi đi, tôi không biết phía trước có gì. Tôi đi, hôm qua mưa, hôm nay nắng đẹp, ngày mai nắng…”; như Ngọc trong “Những người thợ xẻ’’: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc, bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau mày có trắng thế không?...”; hay Hiếu trong “Những bài học nông thôn’’: “Tôi cứ đi, đi mãi, tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông, mặt trời bao giờ cũng ở phía trước mặt tôi…”; và Khuê: “Tôi không biết, tôi không biết tôi có đang đi đúng đường không…”

Hình như Nguyễn Huy Thiệp có cái nhìn thấu thị tâm lý tuổi mới lớn và biết cách dùng ngòi bút cho thấy vấp ngã, sai lầm của người trẻ là có lý do. “Tôi chưa biết cách thương mình, và những vương vấn của tôi về mái nhà, về tình cảm xóm làng bao bọc dưới những màu sắc lãng mạn huyền thoại là một thứ văn hóa thấp kém, có sức trì kéo. Tôi chưa giác ngộ về lẽ tồn tại cá nhân cũng như của cả bầy người” (Con gái Thủy thần). Bằng các câu chất vấn trải dài như vậy, tác giả kéo người đọc vào trạng thái vừa đồng cảm, vừa đáng tiếc, lại vừa phân vân. Với tiểu thuyết này cũng vậy, thiền tông Phật giáo ảnh hưởng đến ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, ông cho nhân vật bước vào một hành trình đốn ngộ, từ sai lầm để tỉnh thức và nhận ra “bản lai diện mục’’ của mình.

Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, ở đời quan trọng là Chân - Thiện - Mỹ, trong đó, Chân là quan trọng nhất, là sự thành thật đối với tất cả vấn đề hay - dở, tốt - xấu… Cứ tưởng chân là dễ, nhưng không biết giả chưa chắc đã biết chân, và nhiều khi giả quá hóa chân, chân quá hóa giả. Ứng xử thế nào trước tình huống vì vậy còn quan trọng hơn. Ông viết “Tuổi 20 yêu dấu’’ bằng tình cảm dành cho con trai - người từng dính ma túy, cũng là đặt độc giả của mình trước một sự lựa chọn ứng xử không dễ.

Mỗi chương trong “Tuổi 20 yêu dấu’’ là một tiểu luận, luận về giáo dục, đời sống xã hội, tuổi trẻ mà nếu chỉ chú mục vào những phẫn uất, tiếng chửi xã hội thì mới đọc được lớp trên. Đặt mỗi người vào tình thế buộc phải đưa ra động thái, hoặc ngoảnh mặt thờ ơ hoặc chìa tay đón nhận, qua đó tác giả gửi gắm tình cảm, cái nhìn đầy thể tất đối với tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ thất bại.



Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại TP. Hà Nội, "Tuổi 20 yêu dấu" là “ tiếng thét kinh hoàng của người người trẻ tuổi đang làm mưa làm gió, và cũng là tiếng thét của người cha đau khổ”. Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn nhận định. "Tuổi 20 yêu dấu" là một tác phẩm quan trọng, đáng quan tâm của văn đàn 2018. "Tuổi 20 yêu dấu" là một cuốn sách hay. Mình có xu hướng ít đọc các tác phẩm văn học Việt Nam, nhưng cũng không rõ sao lại mua cuốn sách này. Và khi đọc, cuốn sách thực sự hấp dẫn. Có lẽ những ảo tưởng của người trẻ đều như vậy. Khi được tiếp thu một lượng kiến thức lớn và thừa, họ có xu hướng nhìn thế giới một cách vĩ mô, chỉ nhìn diện rộng, nhìn toàn cảnh và đánh giá cuộc đời thật đáng chán và con người thật chẳng ra gì. Tuy vậy, khi thực sự thò chân ra ngoài cửa nhà, khi phải thực sự sống và giao tiếp với những con người thực sự, thì mọi câu chuyện trở nên thực tế hơn, có thể khó chịu hơn nhưng cũng đem lại nhiều hi vọng hơn. Mình thích cách nhà văn Nguyễn Huy Thiệp miêu tả khá chi tiết câu chuyện của những con người mà Khuê gặp trên hành trình của mình. 

Nhà văn không đưa ra quá nhiều đánh giá về các nhân vật ấy, chỉ để họ kể chuyện và Khuê là người lắng nghe. Câu chuyện của con người có lẽ bao giờ cũng thế: có tốt có xấu, có trầm có bổng. Và Khuê thì như một tờ giấy trắng, cậu tiếp thu những con người đó mà không phán xét quá nhiều. Mình thích Khuê, lạc lối nhưng thẳng thắn. Mình thích những người thẳng thắn. Với mình những người như vậy gần nhất với trẻ con. Mình ghét kiểu trò chuyện nước đôi, ghét điệu bộ nói cười giả lả và không thật lòng. Khuê – nghĩa là ngôi sao – lương thiện, trong sáng và biết tiếp thu. Một cuốn tiểu thuyết ngắn mà có thể đưa ra nhiều vấn đề như vậy mình nghĩ là một thành công. Ở đó có những mặt tối xã hội: mại dâm, ma túy, buôn lậu; ở đó có tôn giáo, chính trị và giáo dục; ở đó có những bất công và kém may mắn; ở đó có những con người lao động tốt bụng và hiền hòa; ở đó có tình cảm, tình thân. Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Toàn bộ hành trình tuổi 20 của Khuê chỉ để đi tìm câu trả lời cho điều đó. Có lẽ câu trả lời chính là khi mình sống có ích cho cuộc đời, thì cuộc đời thật đáng sống. Mình cũng nghĩ thế. Những ngày tháng đi dạy trẻ con của mình, mình nhìn bọn trẻ hạnh phúc, tiến bộ, lớn lên, mình thấy cuộc sống mình vui. Vậy đó, cuốn sách mỏng của Nguyễn Huy Thiệp sống động đến vậy, làm đứa trẻ như mình cũng muốn sống đi thôi, đừng nằm nhà mà thù hận cuộc đời nữa.

Toàn bộ những tiếng chửi bậy, liều lĩnh, phá đám, điên rồ, tuyệt vọng, thách thức của Khuê 20 tuổi thực ra là tiếng khóc của một đứa trẻ, tiếng khóc từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ, chúng ta phải lắng nghe, phải nhìn thẳng, vì hiện thực là như vậy. Không phải mọi thanh niên đều chối từ định hướng, dạy dỗ của người cha; nhưng nó chỉ thấy sự giáo điều, thô thiển. Chính những người lớn ấy cũng không tìm thấy đường cho mình, nên họ mở ra cho đứa trẻ con đường còn tù mù hơn con đường mà họ đang tìm. Hiện thực là không ít những đứa trẻ đã và đang rơi vào hoàn cảnh đó. Khuê thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh. "Tuổi 20 yêu dấu" là sự cần thiết phải trả lời cho câu hỏi vô cùng hệ trọng và đau đớn về những người trẻ hiện nay. Đó là lý do nhà xuất bản Hội Nhà văn đã vượt qua không ít khó khăn để ký quyết định xuất bản "Tuổi 20 yêu dấu". Sự xuất hiện của "Tuổi 20 yêu dấu" không phải là chúc mừng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mà là lời chào đón cuốn sách của chúng tôi để cùng lắng nghe, chia sẻ, cùng tìm thấy được điều thực sự quan trọng ngay từ bậc cửa nhà mình ra đến quảng trường rộng lớn. Hành trình của tuổi 20 của một thanh niên có lẽ là đại diện cho thế hệ 8x. Mình hơi bất ngờ khi cuốn sách được cấp phép xuất bản, vì đoạn đầu nhân vật Khuê có cái nhìn rất tiêu cực về xã hội, chính trị, giáo dục và con người. Càng về sau có lẽ các định kiến vẫn còn đấy, nhưng cùng với những kinh nghiệm, đời hơn, nhân văn hơn, Khuê đã hiểu thêm một chút về cuộc sống: có tồi tệ chán ghét, nhưng cũng có những điều đẹp đẽ, nhân hậu.

Bằng việc khắc họa nhân vật tiêu biểu mang tính biểu tượng - Khuê, "Tuổi 20 yêu dấu" của Nguyễn Huy Thiệp đi vào một hiện thực khác của tuổi trẻ, vốn dĩ được tô hồng trước đó. Khuê trong tác phẩm là một thanh niên thành phố, bị bố đuổi ra khỏi nhà và phải dấn thân vào đời. Khuê cầm đồ, đi đua xe với đám bạn du côn, gặp những cô gái điếm, tham gia buôn lậu, hít heroin... Ngay từ những dòng đầu của tiểu thuyết đã hiện lên một nhân vật với câu chữ khác hoàn toàn mọi nhân vật văn chương đẹp đẽ thông thường. Dù ngược hoàn toàn với hình tượng được tô hồng bấy lâu, nhân vật Khuê đã gây ấn tượng bằng chính những nhầm lẫn, sai lầm của tuổi trẻ. Điều đó buộc chúng ta phải có thái độ khác, suy nghĩ khác: sẽ tiếp cận những con người thất bại, sai lầm ấy như thế nào - ngoảnh mặt thờ ơ hay chìa tay đón nhận. Đây là tiểu thuyết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm nhiều ý tưởng, đặc biệt là cái nhìn đầy bao dung với tuổi trẻ thất bại. Sự thất bại của Khuê - một nhân vật đầy cô đơn, cô độc, gợi lên nhiều yêu thương hơn là chán ghét. "Tuổi 20 yêu dấu" không phải là sự đổ lỗi. Đó là mong muốn đi sâu vào việc hiểu những người trẻ vấp ngã. Họ có những sai lầm, những lý do và tiếng nói riêng. Cuộc đời luôn có những điều hối tiếc và những điều không cần hối tiếc, vì những gì qua là đã qua rồi, dù thế nào cũng cứ vui đi; cũng đừng sợ sai lầm để có những khát vọng, để lắng nghe trái tim mình và sống thật mạnh mẽ.