Trong cuộc sống gia đình, đôi lúc chúng ta không thể tránh khỏi những xung đột cãi vã. Mâu thuẫn là một phần của cuộc sống, tìm ra phương hướng giải quyết và vượt qua những mâu thuẫn là điều cần thiết để con người nhìn nhận những giá trị thực của cuộc sống. Mà một trong những chìa khóa quan trọng nhất chính là sự sẻ chia tình cảm thật lòng giữa mỗi người với nhau. Trưởng thành khi biết khoan dung truyền tải các thông điệp về tâm lý giáo dục, cần thiết cho xã hội chúng ta ngày nay, khi mà nhiều giá trị bị đảo lộn, cha mẹ và con cái có ít thời gian để trao đổi với nhau. Dẫn đến sự lạnh lùng và thờ ơ trong cách hành xử của con người và những hệ lụy liên quan đến sức khỏe tinh thần cũng như sự đánh mất những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Sách viết dưới dạng những lá thư qua lại, đề cao việc chia sẻ cảm xúc bằng phương tiện và tâm cảm thực, hãy bước ra khỏi thế giới ảo để hiện thực hóa những điều nội tâm muốn lên tiếng.
Xem thêm

Tác giả kể chuyện qua những bức thư. Toàn bộ đều là thư tay. 50 bức thư của 12 thành viên trong một đại gia đình 4 thế hệ đã hé lộ mọi tình tiết của câu chuyện. Trong thư, các nhân vật chia sẻ quá khứ về mâu thuẫn gia đình làm tổn thương và gây nên những mối bất hòa giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, làm tan vỡ các mối quan hệ vẫn chưa thể hàn gắn.

Từ lá thư đầu tiên là khởi nguồn cho hiệu ứng viết thư lan tỏa, chúng ta được chứng kiến một hành trình “giải cứu tâm hồn” cho mỗi người, mỗi thế hệ và sự hợp lực để giải cứu cả gia đình. Những bức thư xâu chuỗi lại như những màn kịch. Vấn đề trong cuộc sống của mỗi thế hệ mỗi khác nhau, vấn đề của từng người trong từng thế hệ cũng tách rời.

Nhưng mối dây liên kết giữa họ là tình cảm gia đình, chính tình cảm ruột thịt đã giúp người ta bao dung hơn, mở lòng để tha thứ cho người khác và cho chính bản thân của mình. Lá thư cuối cùng là kết thúc mở về tương lai tốt đẹp và hạnh phúc, tuy tất cả chỉ là tưởng tượng của một đứa trẻ, nhưng quan trọng là mỗi người chúng ta đã bước ra khỏi những trang thư để tự giải cứu chính tâm hồn của mình. 

Người đọc khó mà nghĩ mình sẽ bị thu hút bởi những bức thư tay - hình thức trao đổi cổ điển và riêng tư như cách quyển tiểu thuyết tâm lý Trưởng thành khi biết khoan dung (NXB Trẻ) thể hiện. 

Nhưng hãy tin bạn sẽ đọc ngấu nghiến quyển sách như chính sức hút thật sự mà nó có, bởi vì trong ấy, tác giả - nhà văn Gérard Salem, một bác sĩ tâm thần học về tâm lý trị liệu gia đình - nói về chính bạn, gia đình bạn, tổ tiên bạn và cả thế hệ tương lai của bạn.

Cách mà loài "hữu nhũ" bắt đầu với nhau trong thế giới phải chăng từ sự liên kết trong gia đình và bắt đầu từ gia đình, một "quan hệ dài nhất trong cuộc đời mỗi con người là quan hệ anh chị em". Nhìn xuyên qua lớp vỏ hào nhoáng và hạnh phúc, sẽ thấy có rất nhiều sự thật xù xì thô nhám. 

Gia đình gần như là nơi luôn có các hội chứng: "hội chứng anh cả", "hội chứng ai ngoan hơn", "hội chứng thần tượng con cái", "hội chứng muốn con tiếp nối những thứ cha mẹ không làm được"...

Cách viết thư tay để "tìm một đối thoại thật sự" khiến ta tò mò, khi chính các bức thư ấy phơi bày nhiều sự thật trong gia đình mà chỉ có nói ra mới giải tỏa những hiểu nhầm.

Ai sẽ là người tham gia trò viết thư tay cùng Boris, sẽ giải mãi tất cả những khúc mắc, oán hờn, buồn giận mà Boris dành cho gia đình mình? Ai sẽ là người cùng giải quyết "bi kịch" Boris, khi trong bức thư đầu tiên đầy khắc nghiệt và cay đắng, anh đã làm cả gia đình đột nhiên rúng động?  

Từng bước một, tất cả những người trong gia đình Boris, kể cả những người thuộc dòng họ nội ngoại, cũng tham gia việc viết thư. Các lá thư đầy "hữu hình" đã gợi lên nhiều ký ức. Ai cũng cảm thấy được chia sẻ, được hiểu, được cảm thông và ngược lại, có trách nhiệm với những xung đột.

"Kẻ bỏ đi xa đôi khi âm thầm hi vọng người ta đi tìm mình" - như Boris nói với cha mình trong thư. Hay như của Sabine - cô cháu gái nhỏ - rằng "cái mà người ta gọi là gia đình, giúp cho ta vẫn là người, không trở thành người máy".

Khi đến với thế giới này, có khi ta chỉ có một lý do duy nhất là chỉ vì có ai đó đợi sẵn để ta gọi là ông bà, cha mẹ, anh chị em. Hãy cho nhau cơ hội tìm hiểu nhau trở lại, để thấu cảm, bao dung và biết ơn về cái nơi duy nhất trong cuộc đời mỗi người, nơi luôn có những tình thương vô điều kiện.