Trong Tôi là con mèo, Natsume Soeki đã mượn cái nhìn của loài vật này để miêu tả một thế giới vật chất đầy châm biếm ở Nhật. Tác phẩm ngay lập tức thu hút người đọc từ những chương sách đầu tiên khi chú mèo - nhân vật chính của câu chuyện - kể về sự gặp gỡ đầu tiên với con người trên một con đường ẩm ướt để rồi từ đấy, chú ta nhìn thấy vô vàn loại người, tầng lớp khác nhau trong xã hội. Chú mèo này không thể nói ra những suy nghĩ của mình khi đối mặt với đủ thói đời nhưng cách Natsume Soeki đào sâu vào suy nghĩ của chú thì lại vô cùng sắc sảo và trào phúng. Giống như tính cách của loài mèo vậy, có gì đó thật lạnh lùng, ngang nhiên và nhưng rất tinh tế trong góc nhìn của ông về một xã hội phù du và vô nghĩa.
Tôi là con mèo (Wagahai wa neko dearu) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Natsume Soeki. Mượn lời kể của một con mèo sống trong nhà một thầy giáo dạy trung học, tác giả đã vẽ nên bức tranh trào phúng về diện mạo điển hình của tầng lớp trí thức Nhật thời Minh Trị. Con mèo lắng nghe và quan sát các nhà khoa học tranh cãi trong căn phòng của "ông giáo" Kushami, thực chất đó là những cuộc thảo luận về triết học và nghệ thuật cũng như thói đời trong thế giới mà mãnh lực đồng tiền đang xâm chiếm tình cảm con người trong buổi giao thời và xung đột giữa văn hóa Đông - Tây ở Nhật Bản. Độc giả sẽ dễ dàng nhận ra sự tẻ nhạt và kệch cỡm trong lối sống, sự nửa vời và lười nhác trong học thuật của những nhân vật chính như ông giáo Kushami, nhà mỹ học Meitei, cử nhân khoa hoạc tự nhiên Kangetsu, rồi một vài nhà thơ, nhà phê bình… từ các cuộc tranh luận như bất tận của họ, xoay quanh nhiều vấn đề nghệ thuật kinh điển và hiện đại, của Nhật cũng như của thế giới.
Chương 1
Tôi là con mèo. Tôi chưa có tên.
Tôi chẳng biết mình được sinh ra ở đâu. Chỉ còn nhớ là tôi đã cất tiếng kêu "meo meo" ở một nơi ẩm ướt và tối tăm. Ở chỗ này, lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy một con vật được gọi là "người". Hơn nữa, sau này tôi được biết, đó là một thằng "học sinh", một loại người độc ác nhất trong loài người. Nghe nói bọn học sinh này thỉnh thoảng còn bắt chúng tôi nấu xáo nữa kìa. Nhưng mà hồi đó tôi chẳng nghĩ ngợi gì nên cũng chẳng sợ gì cả. Chỉ có điều, khi bị hắn cầm trong tay nâng bổng lên thì tôi thấy bủn rủn cả người. Khi tôi nằm yên trong lòng bàn tay và bình tĩnh nhìn vào mặt gã học sinh đó chính là lúc tôi đã bắt đầu nhìn vào cái gọi là "con người". Cái cảm giác kỳ lạ, khó tả của tôi lúc đó, bây giờ vẫn còn. Tôi ấn tượng nhất về cái mặt của hắn. Cái mặt, lẽ ra phải được trang sức bằng lông thì nó lại nhẵn thín như cái siêu đun nước. Sau này tôi đã gặp nhiều mèo, nhưng chưa bao giờ tôi bắt gặp một cái mặt nào thiếu hoàn chỉnh như thế. Không những thế ở giữa mặt lại còn bất ngờ có một chỗ lồi cao lên. Thế rồi từ trong cái gò cao đó, thỉnh thoảng lại có khói phun ra ùn ùn. Tôi bị sặc khói, thật là khốn khổ. Cho mãi đến gần đây tôi mới biết, đó là khói thuốc lá mà con người vẫn hút.
[...] Khi tôi tỉnh lại thì không thấy gã học sinh nữa. Những anh em cùng lứa với tôi rất đông cũng không thấy ai. Quan trọng nhất là mẹ tôi, cũng chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Hơn nữa, khác với nơi trước, chỗ này rất sáng. Sáng đến nỗi tôi không thể mở mắt ra được. Thấy tình hình có vẻ đáng ngờ, tôi cố trườn lên, bò thử xem sao thì thấy rất đau. Tôi đang ở trên đám rơm rạ, bây giờ bất ngờ bị vứt ra bãi cỏ tre .
Tôi lấy hết sức bò qua bãi cỏ, thấy phía bên kia có một cái đầm rộng. Tôi ngồi trước đầm mà suy nghĩ phải làm gì bây giờ. Tôi cũng chẳng nghĩ ra được cái gì rõ ràng. Một lúc sau, tôi nghĩ là nếu mình kêu thì có lẽ gã học sinh ấy sẽ lại đến đón chăng? Tôi kêu thử "meo meo" nhưng chẳng có ai đến cả. Trong khi đó, trên mặt đầm gió vẫn thổi rào rào và mặt trời thì sắp lặn. Tôi rất đói. Có muốn kêu cũng không ra tiếng nữa. Vô phương, tôi đành quyết định bò đến chỗ nào có cái gì để ăn, dù bất kỳ là món gì cũng được. Thế là tôi từ từ bò vòng qua phía bên trái đầm. Thật là cực nhọc! Nhưng tôi cố chịu đựng và gắng bò đi cho bằng được. Cuối cùng, tôi đã đến được một nơi có vẻ có người. Tôi nghĩ, hãy cứ vào đây đã, chắc rồi đâu sẽ có đó.
Tôi chui qua một cái lỗ thủng của hàng rào tre, vào trong một ngôi nhà. Duyên số thật kỳ lạ. Nếu mà cái hàng rào tre này không bị thủng, thì chắc là tôi đã chết đói ở bên đường rồi. Người ta thường nói: "Dưới cùng một bóng cây" mà! Cái lỗ thủng hàng rào này, cho đến nay vẫn là con đường để tôi qua lại thăm Tam Mao ở nhà hàng xóm.
Chà, chui vào cái nhà này xong rồi, tôi không biết từ giờ về sau mình sẽ phải làm gì đây? Trong khi đó trời đã sập tối. Bụng đói. Trời lạnh và mưa nữa. Tôi không thể rảnh rang để mà chần chừ được nữa. Thôi thì hãy cứ đành bước đến phía nào có ánh sáng và có vẻ ấm cúng cái đã. Bây giờ nghĩ lại mới biết, hóa ra lúc đó tôi đã ở trong nhà rồi. Ở đây, tôi lại gặp phải cảnh ngộ phải nhìn thấy những "con người" khác, ngoài cái gã học sinh kia. Người mà tôi gặp đầu tiên là người nấu bếp. Người này còn thô bạo hơn cái gã học sinh lúc nãy. Người này vừa nhìn thấy tôi là lập tức tóm luôn cổ tôi ném ra ngoài. Chà, thế này thì không ổn rồi! Tôi nhắm mắt, giao phó vận mệnh của mình cho trời. Nhưng mà đói và lạnh quá, không thể chịu nổi. Thế là tôi nhằm lúc người nấu bếp không để ý, lại bò vào bếp, rồi một lúc sau lại bị ném ra. Tôi nhớ là tôi cứ bò vào lại bị ném ra, rồi bị ném ra lại bò vào như thế, lặp đi lặp lại có đến 4 - 5 lần. Lúc đó sao mà tôi ghét cay ghét đắng cái kẻ gọi là người nấu bếp ấy thế! Sau này, có lần tôi đã công trộm một con cá trích của mụ này để trả thù, từ đó nỗi căm giận trong lòng tôi mới nguôi bớt.
Khi tôi sắp bị tóm cổ vứt ra lần cuối cùng thì người chủ nhà này xuất hiện, hỏi có chuyện gì mà ồn ào thế. Người hầu gái xách cổ tôi giơ về phía chủ, mách "cái con mèo cầu bơ cầu bất này, cứ ném ra nó lại bò vào bếp, bao nhiên lần rồi, thật khó xử quá!". Người chủ này vừa xoắn những sợi lông đen dưới mũi vừa ngó vào mặt tôi một chập rồi bảo: "Thế thì cứ để cho nó ở trong nhà đi". Nói rồi đi vào phòng trong. Ông ta có vẻ mồm miệng không nhanh nhẹn lắm. Người hầu gái giận dữ ném tôi về phía bếp. Thế là cuối cùng tôi đã quyết định: "Có lẽ chọn nhà này làm nơi ở của mình chăng"?! Chủ nhà của tôi chẳng mấy khi dàn mặt với tôi. Nghe đâu ông ta làm nghề dạy học. Cứ ở trường về là ông ta vào phòng sách, ở lì trong đó, hầu như chẳng bao giờ ra khỏi phòng. Những người trong nhà cho rằng ông ta là người học hành rất ghê. Bản thân ông ta cũng tỏ ra như vậy. Nhưng thực ra ông ta chẳng phải học hành gì như những người nhà tưởng. Thỉnh thoảng tôi có rón rén dòm vào trong phòng thì thấy ông ta hay ngủ trưa. Thỉnh thoảng ông ta còn để nước dãi chảy cả vào quyển sách đang đọc dở.
Ông ta bị đau dạ dày, da vàng vọt, tỏ rõ triệu chứng một con người ốm yếu, thiếu sức sống. Vậy mà lại ăn rất khỏe. Sau khi ăn bao nhiêu là cơm, ông ta uống men tiêu hóa Taka Diastase. Uống xong lại giở sách ra. Đọc được vài ba trang thì buồn ngủ. Rồi để nước dãi chảy vào sách. Đó là chương trình lặp đi lặp lại mỗi tối của ông ta.
Dạo này tôi bắt đầu vận động (để rèn luyện thân thể). "Mèo mà cũng vận động ư? Chỉ bố láo!". Những vị nào dễ dàng lạnh lùng phỉ báng như thế thì xin thưa rằng, chính các ngài, mặc dù nói như vậy, nhưng đến tận những năm gần đây vẫn chưa hề biết thế nào là vận động. Các ngài chỉ tâm niệm việc ăn rồi nằm như thiên chức của mình, ngoài ra không còn gì nữa. Hẳn các vị còn nhớ, các vị đã hí hửng sống cuộc sống "vô sự dĩ quý nhân", tự cho rằng không làm gì là cao quý nhất. Các vị coi niềm vinh dự của một ông chủ là suốt ngày thọc tay trong túi áo, không chịu nhấc cái mông sắp rữa lên khỏi mặt ghế. Rồi các phong trào rộ lên gần đây kêu gọi nào là phải vận động ư, phải uống sữa ư, phải tắm nước lạnh, phải xuống biển, mùa hè thì phải lên núi mà uống sương ư… các vị cũng coi tất cả những cái vớ vẩn ấy chỉ là một thứ dịch bệnh từ phương Tây lan sang Thần quốc này, cùng loại với các bệnh dịch hạch, lao phổi hay suy nhược thần kinh gì đó mà thôi.
Tôi mới ra đời năm ngoái, bây giờ mới một tuổi nên không biết cái cảnh hồi đó con người mắc những bệnh này ra sao. Không những không biết mà chắc lúc đó tôi còn chưa chập chờn, lảng vảng hay trôi dạt trên cõi thế gian này nữa.
Một năm tuổi của mèo có thể tương đương với mười năm tuổi của người. Mặc dù tuổi thọ chúng tôi ngắn hơn con người hai, ba lần, nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, một con mèo phát triển rất toàn diện. Vì vậy nêu ai đi tính năm tháng của con người cũng ngang bằng như ngày đêm của mèo thì thật nhầm lớn. Trước hết hãy cứ nhìn tôi đây thì biết, mới có chưa đầy một năm mấy tháng tuổi mà tôi đã có được chừng này kiến thức. Đứa con gái thứ ba của ông chủ thì tính ra đã ba tuổi, nhưng nói về tri thức thì phát triển rất chậm so với tôi. Nó mới chỉ biết khóc, biết đái dầm và biết bú mẹ mà thôi. Trước những sự ưu thời phẫn thế, so với tôi, nó là một đứa rất khờ dại, ngốc nghếch. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, khi tôi có thể thâu tóm tất cả lịch sử của vận động, từ tắm biển đến dưỡng sinh, đất trời… tất tần tật vào một chỗ cả. Chỉ riêng một việc này, nếu có ai đó lại ngạc nhiên thì chẳng qua chỉ vì tại con người vốn là những kẻ đần độn, thiếu hai chân, chứ không có gì khác cả.
Từ xa xưa, con người vốn dĩ là những kẻ ngu đần mà! Vì vậy gần đây mới làm rùm beng lên về tác dụng của thể dục thể thao, về lợi ích của tắm biển… cứ tưởng đó là một phát minh gì ghê gớm lắm. Tôi thì cái gì chứ cái đó, tôi đã biết từ lâu, từ trước khi sinh ra cơ.
Trước hết, nếu hỏi vì sao tắm biển là một vị thuốc thì cứ ra bờ biển là biết ngay. Trong biển rộng mênh mông kia, không ai biết là có bao nhiêu cá, nhưng chỉ biết rằng chẳng có con cá nào mắc bệnh, phải đi tìm bác sĩ cả. Tất cả chúng đều mạnh khỏe, bơi lội. Nếu mắc bệnh thì cơ thể sẽ không cử động nữa và khi chết thì nhất định xác sẽ nổi lên. Vì vậy sự "vãng sinh" (đổi kiếp) của cá được gọi là "lên", còn của chim thì là "xuống". Còn sự tịch diệt của con người thì được gọi là "nhập diệt". Hãy hỏi tất cả những con người đã từng đi qua Ấn Độ Dương xem họ có thấy cá chết bao giờ không? Dứt khoát là ai cũng sẽ trả lời "chưa bao giờ". Cái đó thì nhất định rồi. Dù anh có đi biển bao nhiêu lần cũng sẽ không bao giờ thấy được một con cá nổi lên trên sóng mà trút hoi thở cuối cùng đâu. Không, cá thì không thể nói là "hơi thở" mà phải gọi là "thủy triều" mới đúng. Không có ai nhìn thấy cá trút "thủy triều cuối cùng" cả. Giữa cái chốn bao la, mênh mông ấy, từ xưa đến nay, có đốt đuốc đi tìm suốt ngày đêm cũng chẳng bao giờ thấy một con cá "lên". Từ đó suy ra, cá vô cùng khỏe mạnh. Có thể quả quyết ngay như vậy. Vậy thì tại sao cá lại khỏe như thế? Nếu đem chuyện này mà hỏi con người thì còn lâu mới biết được.
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Trong tiến trình phát triển của thế giới, dù muốn hay không phải khẳng định rằng hiện đại hóa là một bước tiến bộ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản dưới thời kỳ Minh Trị, làn sóng Âu hóa lan tràn đến mức bất kỳ cái gì của phương Tây đều được xem là sang trọng, đúng mốt – mặt trái văn hóa có phần giống với Việt Nam thời Pháp thuộc – “tấn trò đời” mà Vũ Trọng Phụng đã đả kích trong “Số đỏ“.
Người dân xem việc tiếp thu càng nhiều càng tốt là biểu hiện cho mức độ văn minh của mình, không xem xét những thứ được tiếp thu là tốt hay xấu, là tích cực hay tiêu cực, là phù hợp hay chệch đường. Bề ngoài họ bắt chước rập khuôn, bên trong vẫn là bản tính nhu nhược được vun đầy suốt thời chuyên chế. Sự thay đổi quá nhanh không khỏi dẫn tới những sự vội vã, ép uổng, hóa thành kệch cỡm.
Rõ ràng rằng Soseki không chối bỏ quá trình hiện đại hóa, ông đồng tình với sự khai hóa văn minh nảy sinh từ nhu cầu nội tại nhưng không đồng tình với một Nhật Bản với tay theo Tây, chạy theo những giá trị giả tạo, những tầng lớp tư sản mới mê đắm đồng tiền, thang giá trị của con người được đánh giá bằng những tiêu chí không hề khách quan.