Chúng ta đều sẽ đi xa và rồi sẽ có một lúc nào đó chúng ta nhận ra mình nhớ nơi từng trưởng thành vô cùng.

Thường thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà?

Tôi đã không ít lần tự hỏi mình điều đó, mặc dù cũng như bạn, tôi biết rằng câu trả lời đơn giản là "tùy cảnh tùy người".

Nhưng tôi vẫn luôn hỏi mình câu đó, khi này khi khác...khi tôi sắp đi đâu xa, hay khi có ai đó sắp đi đâu xa. Tôi biết một người vừa bước chân khỏi nhà đã nhận ra nỗi nhớ.

Tôi cũng biết một người khác, mê mải dặm đường hai mươi năm, đến một chiều kia nhìn thấy trái xoài rụng ở Hawaii mới thực sự nhận ra nỗi nhớ nhà. Mà phải là trái xoài rụng xanh, chứ hai mươi mấy năm ăn xoài ngon xứ lạ mà có thấy nhớ nhung gì đâu.

"Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?". Thật ra, câu hỏi đó còn có một ý nghĩa khẳng định khác. Rằng, trước hay sau, bất cứ ai rồi cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà.

Tôi biết nhiều bạn trẻ, rời làng quê ra thành phố học đại học rồi ở lại lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp, và đầy niềm vui, thậm chí tràn trề hạnh phúc. Nhưng điều đó không ngăn được họ nhớ nhà.

Chỉ có điều...khi về lại nơi mình hằng tưởng nhớ, họ nhận ra tất cả đã đổi thay. Những con đường cũ. Mái hiên xưa. Cả những người thân yêu. Và chính họ...Đôi khi sự thay đổi mạnh mẽ đến nỗi không thể nào chấp nhận, và họ nhận ra mình không thể sống ở nơi chốn xưa được nữa.

Điều kỳ lạ là khi trở lại với thành phố, họ vẫn nhớ nhà.

Chúng ta đó. Người trẻ, người già. Chúng ta đều vậy cả.

Đôi khi, chúng ta tưởng nhớ nỗi nhớ nhà liên quan đến con người. Nhưng không phải thế. Chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến món ăn hay cảnh vật. Nhưng không phải thế. Không phải là những gì hiện hữu, không phải những gì có thể gọi tên. "Nhà" ở đây là một khái niệm khó định nghĩa. Đi càng xa thì khái niệm nhà càng rộng. Và nỗi nhớ sẽ càng thêm mênh mông.

Edgar Watson Howe cũng nói: "Cảm giác tệ nhất trên thế gian chính là nỗi nhớ nhà đến thường xuyên với một người, khi anh ta đang ở nhà". 

Cảm giác ấy, tôi cũng từng trải qua. Ở Sài Gòn, và tôi vẫn không nguôi thương nhớ Sài Gòn. Như một nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà là một căn bệnh nan y. Giống như chứng đau nhức xương, nó dậy lên mỗi khi trời trở gió.

Điều đáng nói là, chúng ta nên giữ nỗi nhớ nhà như một ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức, để dành khi khát trên chặng đường xa, thay vì đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nỗi nhớ, ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cây.

Tôi biết rằng một khi ta đã cảm thấy nhớ nhà, lòng ta sẽ khác. Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu. Yêu thương một người, một gia đình, một làng quê, một thành phố hay một đất nước ..

Đó chính là lý do mỗi chúng ta đều cần trải qua cảm giác nhớ nhà. Và để có cảm giác đó, chúng ta phải ra đi. Bạn có thể dễ dàng trở về, cũng có thể khó quay trở lại.

Bạn có thể tìm lại những cảm xúc xưa cũ sau rất nhiều năm tháng, cũng có thể không. Khả năng thứ hai thường xảy ra hơn. Nhưng hãy bình tâm, bởi Helen Keller nói đúng, rằng: "Những điều tốt nhất và đẹp nhất trong thế gian này thì không thể nhìn thấy hay chạm đến được - chúng phải được cảm nhận bằng trái tim".

Nếu như bạn nhớ nhà, hãy nhận ra rằng đó chính là yêu thương, và hãy để nó là yêu thương, chứ không phải luyến tiếc, tủi hờn hay oán giận. Bạn biết chăng, nỗi nhớ nhà sẽ khiến bạn nhận ra rằng chúng ta luôn có thể yêu thương từ một nơi rất xa. Và tình yêu thương, cho dù là yêu một ảo ảnh của hạnh phúc, thì vẫn luôn là một khởi đầu đẹp đẽ..

Một ngày nào đó khi bạn đi xa bạn sẽ biết đáp án chính xác cho câu hỏi "Mất bao lâu để bạn cảm thấy nhớ nhà".


Tác giả: Lê Trang - Bookademy

     ---------


Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

 

 

 

Xem thêm

“Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn” của Phạm Lữ Ân là một cuốn sách đặc biệt, bạn biết không? Nó không chỉ đơn thuần là một tập hợp các bài viết mà còn là một người bạn đồng hành, giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Khi đọc cuốn sách này, mình cảm thấy như đang được ngồi nghe những lời tâm sự từ một người bạn thân thiết, người đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và muốn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình.


Cuốn sách bắt đầu với câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy triết lý: "Nếu biết trăm năm là hữu hạn, bạn sẽ sống như thế nào?". Câu hỏi này ngay lập tức kéo mình vào một dòng suy nghĩ sâu sắc về giá trị của từng khoảnh khắc trong cuộc đời. Cuộc sống, theo tác giả, không phải là một cuộc đua dài mà là chuỗi những khoảnh khắc cần được trân trọng và sống hết mình.


Phạm Lữ Ân, bút danh chung của đôi vợ chồng nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận, đã viết nên cuốn sách này với giọng văn nhẹ nhàng, gần gũi nhưng đầy cảm xúc. Mỗi trang sách là một câu chuyện nhỏ, một mảnh ghép của cuộc sống, từ những niềm vui giản dị hàng ngày đến những trăn trở sâu xa về tình yêu, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Điều thú vị là dù những câu chuyện này không dài, nhưng chúng đều khiến mình phải dừng lại và suy ngẫm về ý nghĩa của chúng.


Một trong những điểm đặc biệt của "Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn" là cách tác giả đối diện với nỗi đau và mất mát. Thay vì né tránh hay bi lụy, Phạm Lữ Ân khuyến khích chúng ta chấp nhận những cảm xúc này như một phần tất yếu của cuộc sống. Mình nhớ có một đoạn trong sách nói về việc đối diện với sự mất mát: chỉ khi chúng ta chấp nhận sự hữu hạn của cuộc đời, chúng ta mới có thể sống một cách trọn vẹn hơn, yêu thương nhiều hơn và không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá.


Khi đọc những bài viết về tình yêu trong cuốn sách này, mình cảm nhận được sự chân thật và thực tế. Tình yêu không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn mà còn là những giai đoạn khó khăn, cần sự tha thứ và thấu hiểu lẫn nhau. Phạm Lữ Ân không tô vẽ tình yêu một cách lý tưởng hóa mà cho chúng ta thấy nó ở cả những góc khuất. Điều này làm mình cảm thấy những câu chuyện tình yêu trong sách thật gần gũi và dễ đồng cảm.


Cuốn sách cũng đề cập đến những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày. Những điều giản dị như một tách cà phê buổi sáng, một buổi chiều yên bình bên cuốn sách yêu thích, hay nụ cười của người thân yêu đều được tác giả khắc họa một cách tinh tế. Những niềm vui nhỏ nhặt này chính là điều làm nên hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.


"Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn" thực sự là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ để sống trọn vẹn mỗi ngày. Cuốn sách như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy uy lực rằng thời gian của chúng ta là hữu hạn, và chúng ta cần phải làm cho từng khoảnh khắc trở nên đáng giá.


Tóm lại, cuốn sách này không chỉ mang lại sự an ủi và động viên mà còn giúp mình nhận ra rằng cuộc sống ngắn ngủi này thật sự quý báu. Với lối viết nhẹ nhàng, chân thành và sâu sắc, Phạm Lữ Ân đã tạo nên một tác phẩm mà bất kỳ ai đọc cũng sẽ cảm thấy được khuyến khích và truyền cảm hứng để sống hết mình cho hiện tại.

0 điểm

Đôi khi có những khoảnh khắc trong cuộc sống vội vã này, con người ta vấp phải những mảnh vụn vỡ của nghịch cảnh ngoài sự mong đợi một điều gì đó, cái đau nhứt của những vết thương tâm hồn hay sự đè nén đến khó thở của một bao tải chứa đầy vạn áp lực và cũng có thể là tờ giấy của các mối quan hệ bị xé đôi không thể dán lại. Lựa chọn một liều thuốc để chữa lành cảm xúc ấy hay tìm đến một căn phòng tối và tự nhốt mình lại đều được quyết định ở bạn, nhưng tôi cho rằng: Nếu là một liều thuốc vừa nhẹ nhàng, sâu sắc, không cần gai góc nhưng vẫn có tác dụng tốt để làm biến mất mọi muộn phiền trắc trở ấy, chắc hẳn là việc ngồi xuống và cầm lấy một cuốn sách, cảm nhận từng câu chữ, tinh giãn trong thế giới của mỗi trang giấy và rồi chiêm nghiệm nhiều bài học, nhiều vấn đề sẽ làm thay đổi bạn. Tôi đã học được một câu nói khá nổi tiếng về giá trị của những quyển sách và nó đã giúp tôi tích cực hơn rất nhiều trong việc khám phá tâm hồn, tư duy của mình qua từng trang sách, đó là một lời nhận định đúng đắn của Harvey MacKay: "Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc". Sách cũng giống như một người bạn tri âm tri kỷ của những người luôn hướng đến những điều tốt đẹp và tích cực, là một tư tưởng nằm ngủ mãi trong lí tưởng sống của người thành đạt, sách chính là cứu cánh đắt lực để dìu dắt ta từng bước trưởng thành trên con đường thành công và cuốn sách "Nếu biết trăm năm là hữu hạn..." của nhà văn Phạm Lữ Ân là cứu cánh mạnh mẽ trên hành trình của tôi.


Tôi không đơn thuần xem những quyển sách tôi đọc chỉ là những xấp giấy chứa đầy ấp câu chữ, tôi xem mỗi cuốn sách là mỗi một thế giới riêng để tôi khám phá ra những nội dung khác nhau và đương nhiên cũng là những bài học, triết lý khác nhau, "Nếu biết trăm năm là hữu hạn..." cũng vậy, đây là một quyển sách với trăm ngàn giá trị đời sống đầy viên mãn, nó ảnh hưởng ít nhiều đến việc thay đổi góc nhìn của tôi về những điều xảy ra hằng ngày trong cuộc sống và giải mã những câu hỏi về cảm xúc mà tôi luôn tò mò nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng với suy nghĩ của mình. Quyển sách có tựa đề "Nếu biết trăm năm là hữu hạn...", chỉ có cái tên của quyển sách này thôi cũng đã khiến tôi dậy nên tâm trạng khát khao và rực rào sự xúc cảm, là cảm giác sắp được chạm đến và hái lấy một bông hoa mới trong vườn hoa chân lý cuộc đời. Đầu tiên là về tác giả của quyển sách này, Phạm Lữ Ân chính là bút danh chung của hai tác giả viết sách nổi tiếng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận, đây cũng là hai cây bút tài năng đã tạo ra kiệt tác tri thức này, tôi cũng đã từng đọc nhiều quyển sách của hai vị tác giả này như "Lạc giữa nhân gian" (Đặng Nguyễn Đông Vy) và "Những bức tranh phù thế", "Với ngày như lá, tháng như mây" (Phạm Công Luận), mỗi một quyển sách của hai tác giả này đều đã để lại cho tôi những dư vị khó quên và như nung nấu trái tim tôi bởi những điều mà hai tác giả này chia sẽ đều quá nổi lắng đọng, chân thành đến thụ cảm. Cuốn sách "Nếu biết trăm năm là hữu hạn…" được xuất bản lần đầu vào năm 2012, đến nay quyển sách này đã được tái bản 30 lần và hơn 10 năm tuổi, ngoài hai thi nhân chính đã viết ra những dòng tâm trạng này thì phía sau ánh hào quang của thi phẩm này cũng có những con người đáng được tri ân, giám đốc - tổng biên tập Phạm Trần Long, Họa sĩ thiết kế mỹ thuật Trần Quốc Anh và nhiều người khác,... Giữa nhân gian bao la rộng lớn, trên mỗi hành trình của mỗi con người đều rải rác khắp nơi nhiều câu chuyện chất chứa muôn vàn những màu sắc, những ân tình nặng trĩu và có những lần ta sẽ không thể bám trụ vào lý trí của mình mà phải để tâm hồn hòa tan vào đại dương cuộc sống, lặng sâu đến cung bậc tăm tối nhất dưới đáy đại dương và rồi tìm nguồn ánh sáng để tiếp tục tồn tại với một phiên bản mới hoàn hảo hơn được gọi là sự "trưởng thành", quyển sách này đã giúp tôi làm được điều đó. Trước khi biết đến quyển sách này, tôi đã từng là một người với nhiều suy nghĩ còn non trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm trong công việc, học tập và quan hệ đời sống, đã có những lúc tôi muốn đóng lại cánh cửa của đời sống ngoài kia để tự mình thay đổi hơn, nhưng trong đầu tôi thật sự trống rỗng, không có định hướng, chưa biết mình sẽ làm gì để đối diện với những thử thách trong tương lai và loay hoay mãi vẫn không tìm được một nơi ẩn trú dưới cơn mưa bão táp khi có quá nhiều điều tiêu cực đang đuổi theo tôi, sau đó chính cuốn sách này đã cho tôi được nhìn thấy ánh sáng của chân lý hiện thực, từ khái niệm về "nhà", "tình cảm gia đình", "quan hệ trong yêu đương", "lao động trong công việc" và các vấn đề dần như gần gũi, rất gần gũi trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng hiểu được nó. Trong 41 chương của cuốn sách này tôi không thể nói là mình thích chương nào và không thích chương nào, vì tất cả đều rất cần thiết cho bản thân tôi và các độc giả khác tôi nghĩ cũng như thế, mỗi một chương sách sẽ nói về một vấn đề khác nhau hoặc hơi khác nhau, điều khiến tôi ấn tượng về cách tác giả viết ra những chương sách này đều bắt đầu chủ đề hay vấn đề bằng một câu văn, đoạn trích dẫn, câu thơ, khúc hát và đó là khởi đầu cho tôi có cảm hứng để tiếp tục đọc những dòng chữ này, tác giả cho chúng tôi một câu chuyện về những người bạn hay người thân, những người xung quanh tác giả với một vấn đề đang nhức nhối của họ hoặc chung cho cả chúng ta, và từ đó mà cảm xúc người đọc đang từng bước được nâng lên cao trào qua từng khía cạnh mà tác giả nhận định, đan xen giữa chiều hướng quan điểm của tác giả là thêm vài mùi vị của kiến thức xã hội như một ví dụ chứng minh rõ rệt, thứ làm say mê nhất của biết bao độc giả khi trải nghiệm đọc quyển sách này đó là thủ pháp hành văn và ngôn từ của tác giả, lời văn được trau chuốt với âm điệu nhẹ nhàng, tinh tế còn phần ngôn ngữ vừa đơn giản, bình dị nhưng cũng sắc sảo từng điệp khúc khi nói đến giá trị và ý nghĩa, đi kèm với từng trang sách là hình ảnh minh họa được vẽ thủ công với màu sắc và hình thái đa dạng, phong phú dựa trên cảm xúc của mỗi chương. Nội dung và nghệ thuật của quyển sách như hai mảnh giấy dán chặt vào nhau, từng triết lý đến lời khuyên của tác giả như được mài dũa qua nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm của họ, dễ bén lẻn vào tư tưởng của độc giả để khai triển nó được tích cực hơn. "Ai qua là bao chốn xa" là chương đầu tiên của quyển sách và dù tôi không phải là người xa nhà nhưng tôi vẫn thấu hiểu được câu chuyện cũng như khái niệm của tác giả về chữ "nhà", với lời kể khiến tôi cảm thấy trân quý hơn từng ngày từng tháng khi còn nằm ngủ dưới mái nhà của mình. Một điều không phải quyển sách nào cũng có thể đạt đến như "Nếu biết trăm năm là hữu hạn…" đó là mỗi một thế hệ, một lứa tuổi, một người dù sống trong vị trí nào của xã hội khi đọc xong quyển sách này cũng như đã thoát khỏi lớp vỏ cũ của mình và cảm giác mình như đã là một con người mới cũng giống sâu hóa kén rồi phá vỡ vỏ kén ấy biến thành một con bướm tự do bay vào đời mà không còn phải lo âu hay suy nghĩ tiêu cực về điều gì nhiều như trước nữa. Cuộc sống là hữu hạn, mọi thứ sẽ đến rồi cũng sẽ đi trong chớp mắt cũng như kiếp ve sầu sau thu thôi, thanh xuân là độ tuổi đẹp nhất của đời người, hãy nhìn thấy bản thân mình, hãy có lý tưởng và hướng đi thật đúng, hãy tận hưởng cuộc sống bằng chính những giá trị mà bạn tạo ra, kiêu hãnh bước đi trên hành trình của mình để tìm thấy tòa lâu đài mà mình mơ ước đang mở cửa chào đón mình, sống và sống cho thật trọn vẹn như câu nói tâm điểm của cuốn sách: "Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, có gì ta không sống thật sâu…?".


Có quá nhiều những cảm xúc mà tôi đã tâm niệm và chiêm nghiệm từ thế giới của cuốn sách này, khi tôi viết ra những dòng này tôi cũng đã trưởng thành với suy nghĩ và tư duy của mình, không còn nhìn thấy sự tiêu cực luôn ẩn nấp xung quanh như trước nữa. Nếu các bạn vẫn còn đang loay hoay giữa chốn trần gian hoa lệ này, chưa biết phải đi đâu, chưa biết phải sống như thế nào và như thế nào mới gọi là sống, chưa cảm nhận được nhịp sống đang ngày càng thoáng qua như dòng chảy thượng nguồn và bạn cảm thấy mình bị bỏ lại trước sự ồ ập của cuộc đời thì tôi mong bạn hãy tìm đến cuốn sách "Nếu biết trăm năm là hữu hạn…" để bản thân được một lần chạm khắc dấu chân của mình vào vẻ đẹp của cuộc sống này khi không còn nhìn thấy bóng tối đâu đó phù du xung quanh nữa. Tôi biết ơn Phạm Lữ Ân (Đặng Nguyễn Đông Vy & Phạm Công Luận) cho tôi một cuốn sách với bao điều tích cực và đã giúp tôi thoát khỏi ngày tháng lạc lối của chính mình.

0 điểm


Có ai đó từng tham vọng tắt nắng buộc gió do cảm thức được cuộc sống là chuỗi ngày hữu hạn. Thời gian là tuyến tính và trôi qua nhanh như cát trôi qua kẽ tay. Với tác giả, chúng ta hãy chắt chiu từng phút giây một, sống trọn tuổi trẻ. Tư tưởng đó được hòa trộn trong những mẩu truyện nhỏ về tình yêu, con người, tuổi trẻ.

Như một bài thơ nào đó mà tác giả đã đọc – Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi. Con người lắm mộng tưởng và nhiều ước mơ. Hãy bắt tay vẽ giấc mơ đó ngay hôm nay. Bởi chinh phục giấc mơ cũng giống như chinh phục người bạn thích vậy. Nếu ta e dè, lo sợ, ta chẳng thể nào tiếp cận được nó. Nếu ta đang chìm đắm trong nó nhưng lại chỉ biết ảo tưởng về tương lai ta không thể cảm nhận được sự khó khăn, ngọt ngào của hiện tại.

“Có người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống đồng nghĩa với vật chất. Nhưng không. Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn. Vật chất, tinh thần, thể xác. Cổ điển hay hiện đại. Nắng và gió, ngày và đêm. Mặt trời, mặt trăng, cây cối núi sông và cỏ dại. Tình bạn, tình yêu. Mọi thứ, nếu bạn có thể nhận ra. Đáng buồn là nhiều lúc chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ thấy những ảo ảnh khác. Chúng ta bị ảo giác.”

Tưởng tượng rằng mỗi người có 60 năm để sống, để yêu, để cống hiến, bạn sẽ sử dụng nó như thế nào? Những trang sách bạn đang đọc sẽ giúp bạn nhìn thấy điểm bắt đầu. Đó là khi trong bạn có một quyển sách và bạn dũng cảm viết nó trên giấy. Đó là khi trong bạn có khúc mắc, đừng ngần ngại đối diện với bản thân, thậm chí là tâm sự với chinh tâm hồn mình.

“Đời người ngắn, đừng ngủ dài.” Đây là câu nói chứa đựng đầy ý nghĩa. Sự hữu hạn của cuộc sống không cho phép ta lãng phí dù chỉ là một phút cho những việc vô nghĩa. Nhưng đôi khi có những việc nhỏ nhoi lại mang đến cho ta nhiều ý vị. Sống trọn từng giây không có nghĩa là sống gấp. Nếu ta quá vội lại hóa không hay. Vội mà chi nếu nó không làm ta thấm thía từng giọt nắng ban mai, cảm nhận những cơn gió thoảng chất chứa tình. Mãi sau khi gấp quyển sách này lại, ta vẫn cứ nghe đâu đó lời Phạm Lữ Ân đang ru mình, ru đời



Đôi lúc ta cho rằng tình cảm của ta là vĩnh cửu đối với một sự vật sự việc gì đó. Ta yêu một bài hát và cho rằng đó là bài tuyệt nhất mà ta được nghe. Ta thích một bộ phim và khi xem trọn bộ, ta cảm thấy giường như đó là kiệt tác bất hủ. Ta yêu một người, yêu đến nỗi nghĩ họ là duy nhất. Nhưng, cái tuyến tính của thời gian làm ta ngày càng thấm sự nhạt nhòa, tàn phai của cảm xúc. “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” mang tới cho bạn đọc một cái nhìn chưa bao giờ cũ – Cảm xúc của con người là giới hạn – Nếu bạn muốn giữ cảm xúc thì phải biết nuôi dưỡng cảm xúc. Cũng giống như bài hát kia, nếu không có bản phối và cách hát mới thì nó cũng sẽ không thoát khỏi quy luật đào thải của thị trường âm nhac. Hay tình yêu thiêng liêng của bạn, Nếu không làm mới bản thân thì cả hai sẽ chìm vào ngục tối.

“Mình không bao giờ có thể quên buổi tối hôm đó, khi mình phát hiện ra một điều rất lạ. Đó là khi mình chỉ nghĩ về bản thân mình thôi, thì mình cảm thấy cô đơn cùng cực, và hầu như không lối thoát. Lúc ấy, tất cả những người xung quanh chỉ toàn là những cái bóng vô hình. Nhưng khi mình bắt đầu “nhìn thấy” người khác, nghĩ đến người khác thì mình nhận ra thì họ cũng có một thân phận riêng của họ, và mình thật sự không cảm thấy cô độc nữa. Trong một khoảnh khắc, có lẽ chính cái cảm giác không đơn độc ấy đã cứu mình thoát khỏi cái chết. Mình tìm ra ký do để sống, không phải từ bản thân mình mà từ người khác.”



Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?”

“Có đôi khi những bộn bề của cuộc sống cuốn ta đi như dòng nước hững hờ cuốn trôi chiếc lá. Cứ thế, ta vội vã làm, vội vã ăn, vội vã ngủ, vội vã yêu và vội vã… để sống! Chắc hẳn đã không ít lần mỗi chúng ta đều thốt lên “giá như…”

“Người ta gọi tuổi mới lớn là “tuổi biết buồn”. “Biết buồn” tức là chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu nhận ra sự hiện hữu của những khoảng trống trong tâm hồn. Biết buồn là khi nhận ra rằng có những lúc mình cảm thấy cô độc. Khi đó, hãy dành cho sự cô độc một khoảng riêng, hãy đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng ấy, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. để rồi sau đó, bạn bình thản bước ra, khép cánh cửa lại và trở về với cuộc sống bề bộn thường ngày, vốn lắm nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm vui...” 

Đây là  những đoạn trích dẫn mà tôi rất yêu thích nhất trong cuốn sách này. Từng câu, từng chữ như ăn sâu vào tâm trí của người đọc và cứ thế cuốn người đọc đi theo mạch truyện một cách nhẹ nhàng và đầy sâu lắng….

"Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn" là cuốn sách không những đưa ra những triết lý sống đầy sâu sắc, mà còn là sự chia sẻ, là lời tâm tình nhẹ nhàng, đầy sự chân thành và gần gũi mang đến cho mỗi chúng ta những bài học giá trị về cuộc sống.  Hãy luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, luôn dũng cảm đương đầu và cố gắng vượt qua mọi khó khăn,  thử thách trong cuộc sống muôn màu này. 

“Nếu biết trước trăm năm là hữu hạn” đã giúp tôi hiểu ra được rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, hãy bước thật chậm thôi trong từng giây phút hữu hạn của đời người, để có thể cảm nhận từng bước chân mình đang đi, để chiêm nghiệm được từng khoảnh khắc của cuộc sống, để cuộc sống ghi dấu vào tâm hồn mình và để biết rằng tâm hồn sẽ không bao giờ lãng quên những giây phút sống đã đi qua ấy. Hãy đọc cuốn sách để tìm thấy một khoảng lặng cho riêng mình và định hướng được con đường mà mình đang đi, bạn nhé!


“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là những câu chuyện về gia đình và là nỗi niềm của đứa con xa quê.

Chương đầu tiên của quyển sách có tiêu đề “Ai qua là chốn bao xa”, chương này nói về gia đình, về khái niệm “nhà”  là gì mà ai ai cũng muốn quay về sau những vấp ngã, những khó khăn và bộn bề lo toan của cuộc sống. Qua đó tác giả muốn nhắn nhủ đến bạn đọc, hãy luôn yêu thương gia đình mình, đừng đợi đến khi “qua bao chốn xa” rồi mới thấy yêu thương nhà, yêu thương gia đình, lúc đó có thể chúng ta đã không thể nào quay về lại được.

"Nếu biết trăm năm là hữu hạn” còn là những câu chuyện về tình yêu của tuổi trẻ, những rung động, những tổn thương của tình yêu đầu đời thơ ngây vụng dại.Thường thì tình yêu của tuổi trẻ sẽ gắn liền với quan niệm chờ đợi là hạnh phúc. Những với Phạm Lữ Ân thì khácqua những câu chuyện đầy cảm xúc tác giả khuyên những người đang yêu yêu đừng nên  giành tuổi thanh xuân chỉ để chờ đợi một người. Vì đây là thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình, bạn không nên chỉ vì một người không yêu thương mình mà lại bỏ qua nhiều cơ hội quan trọng khác trong cuộc đời.

“Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu.


Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là cuốn sách rất nổi tiếng được nhiều bạn đọc yêu thích của tác giả Phạm Lữ Ân - bút danh chung của cặp vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Hữu Luận. Hai vị tác giả này đã tạo nên hiện tượng đặc biệt trong văn hoá đọc của giới trẻ Việt nam hiện nay. Tất cả các bài viết của Phạm Lữ Ân sáng tác đều được trích dẫn rất nhiều trên mạng xã hội,  trên Youtube và trở thành cảm hứng cho rất nhiều sáng tác ca khúc và kịch bản phim.

Không chỉ thế, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” còn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam, cuốn sách đầu tiên xuất bản vào năm 2011 và cho đến thời điểm hiện tại thì cuốn sách này đã được tái bản 20 lần.

Đây là một cuốn sách vô cùng đặc biệt mà mỗi lứa tuổi đọc vào lại có một cảm xúc khác nhau. Đối với riêng tôi, cứ mỗi lần đọc tôi lại có thêm những cảm xúc mới, trải nghiệm mới cùng những bài học có ý nghĩa và đáng nhớ trong cuộc sống. Không như những cuốn sách khác, đọc nhiều chúng ta sẽ thấy nhàm chán, riêng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn" càng đọc tôi lại thấy mình trưởng thành hơn một chút, hiểu biết hơn một chút với những triết lý được trình bày rất đơn giản và dễ hiểu qua  giọng văn nhẹ nhàng và đầy sâu lắng, thấm đượm sâu vào lòng người.

Với tập hợp 40 truyện ngắn, viết về những chủ đề quen thuộc trong cuộc sống như  tuổi thơ, sự trưởng thành, cách chấp nhận, tình yêu, công việc, con người, ... kết hợp với cái giữa cái nhìn đầy sự trải nhiệm và  tinh tế, "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" là cuốn sách phù hợp với tất cả mọi người, ở bất kỳ lứa tuổi nào.  Đặc biệt là  những người đang không hiểu được chính bản thân mình, đang loay hoay đi tìm cho mình lối đi riêng trong cuộc sống.. 


Thường thì trong gia đình bạn sẽ cảm thấy cha là người nghiêm khắc và đôi khi khó gần hơn mẹ.

Tất nhiên cha và mẹ đều yêu thương chúng ta.

Nhưng cách yêu của họ không giống nhau.

Tôi có từng nghe ai đó nói rằng: “Mẹ yêu con bằng những cái ôm. Cha yêu con bằng tình yêu vững chãi”

Thường thì chúng ta vốn dễ nhận ra ngay sự dịu dàng, âu yếm trong tình thương của mẹ. Vậy nên sự nghiêm khắc, kỷ luật, “kiệm lời yêu thương” của cha đôi khi khiến bạn lầm tưởng “cha không thương mình”.

Theo cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, tình yêu của cha có thể có phần gai góc, xù xì nhưng cũng như mẹ, cha là người yêu thương và dõi theo bạn.

Thế tại sao tình yêu của cha thường nghiêm khắc hơn? Có lẽ là bởi “Những người đàn ông trở thành người cha không chỉ để hiện thực hóa ước mơ, mà còn để gánh vác trách nhiệm, nỗi lo lắng, đôi khi cả sự đau đớn và tuyệt vọng.”

Tình yêu không thể hiện bằng lời thì cha thể hiện qua ánh mắt.

Tình yêu của cha với con gái thường dịu dàng và nuông chiều hơn so với con trai. Bất chấp điều đó thì sợi dây kết nối giữa cha và con trai vẫn luôn mãnh liệt.

Cuốn sách đề cập đến người cha vì con gái bị phỏng toàn thân mà lấy da ở đùi để ghép cho con.

Cuốn sách cũng kể tình cha trong quyển sách “Ba ơi mình đi đâu” với người cha “có đến hai ngày tận thế”.

Toàn bộ phần này là một giọng văn dịu dàng và ấm áp.

Có cảm tưởng khi viết dòng này tác giả đang chìm trong những kỷ niệm với người cha của chính mình.

“Con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc đời mình. Ba mẹ yêu thương con không phải vì con ngoan vì con là con của ba mẹ, bởi vậy kể cả khi con trở thành một người xấu, một kẻ dối trá hay thậm chí trộm cắp, thì tình yêu của ba mẹ dành cho vẫn không thay đổi. Nhưng ba muốn con biết rằng ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người biết yêu thương”

Thế đấy, tình yêu của gia đình có lẽ thứ duy nhất không cần điều kiện. Ba mẹ là đứng về phía bạn, dõi theo bạn, ủng hộ bạn, an ủi bạn, chở che bạn, dù bạn có xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay khờ khạo, khéo léo hay vụng về. 

Hay nói như “Giờ đây, nếu có người hỏi con thương ai nhất trên đời, con sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay đó là mẹ. Và nếu người ta hỏi, ai là người thương con nhất, con cũng sẽ trả lời ngay là cha.”

Tình yêu của cha đôi khi nằm trong những khoảng lặng, trong ánh mắt. Nhưng sự kiệm lời của cha cũng mang đến ấm áp như tình mẹ:

“Không tiễn con ra phi trường

Ba chỉ ngồi lặng yên quay mặt

Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng”

Phần đầu của cuốn sách nói về việc chúng ta phải bắt tay vào thiết lập sự bình yên cho chính ngôi nhà của mình.

Với bạn nhà là gì?

Bạn có cảm thấy bình yên trong ngôi nhà của chính mình?

Đó có phải là nơi bạn nôn nóng trở về sau một ngày học tập mệt nhoài?

Đó có phải là nơi bạn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc vô tận?

Có lẽ mỗi người chúng ta, với những trải nghiệm sống riêng, có một định nghĩa khác nhau về nhà của mình.

Vì thế trong cuốn sách “Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn” của Phạm Lữ  Ân không cố định khái niệm nhà trên một phương diện nào đó.

Với tôi thì nhà chính là một ngôi nhà hai tầng sơn màu xanh, trong sân tràn đầy cây cối mà tôi lúc nào cũng mong đến cuối tuần để trở về.

Với những người khác nhà có thể là một con xóm nhỏ đầy ắp tiếng cười, tình làng nghĩa xóm. 

Nhà đôi khi có thể căn biệt thự xa hoa lộng lẫy.

Nhà có thể là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ.

Và nhà cũng có thể căn gác xép ọp ẹp, cũ kĩ.

Nhà cũng có thể là đất nước của bạn, thậm chí địa cầu của chính chúng ta; tùy thuộc vào định nghĩa trong tim mỗi người.

Theo tác giả thì nhà với bình yên không phải là hai khái niệm đồng nghĩa, mặc dù ai cũng muốn tìm thấy sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình.

Thông điệp mà bạn đọc có thể rút ra là “nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó”.

Như vậy, không phải tất cả trong các ngôi nhà đều là bình yên và hạnh phúc bởi “Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm”.

Vậy thiết lập sự bình yên cho ngôi nhà của mình được thực hiện như thế nào?

Mọi chuyện đơn giản hơn bạn nghĩ.

Cuốn sách đề ra những lời khuyên rất giản dị. Bạn có thể mang đến bình yên, hoặc tái thiết lập bình yên trong gia đình của mình, bằng những nụ cười, tình thương, những cái ôm và cái nắm tay. Yêu thương, sẻ chia và thấu hiểu là nền tảng của hạnh phúc gia đình.

Thế đấy, dù cho không lúc nào nhà cũng là nơi mỗi người mong mỏi quay về. Cuộc sống này không phải lúc nào cũng là màu hồng. Cũng có khi những đổ vỡ, nghi kỵ, thù hằn, chán ghét diễn ra ngay trong ngôi nhà của chúng ta. Tuy nhiên cuốn sách không xoáy sâu vào tiêu cực mà nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng và yêu thương ngôi nhà của mình khi có thể.

Nhớ về năm 2018, lúc đấy mình học lớp 10. Bản thân chưa hình thành nên khái niệm về thói quen đọc sách là gì ( thật ra mình có mua vài cuốn để đọc, nhưng đọc xong lại quên hết, đọc chỉ để có cảm giác là mình chăm chỉ) và thứ mình nghiêm túc đọc và nghiên cứu chỉ là đề cương hoặc tài liệu để thi cử thôi. Thế rồi trong một lần (tình cờ) lướt story của một trong những người bạn trên Facebook, mình đã vô tình gặp quyển sách này, thế là mình đã quyết định mua về và đọc thử chỉ với một lý do hết sức đơn giản là : bìa đẹp ( thật ra đến giờ vẫn vậy : D ). Trước khi đặt bút thì mình đã định sẽ lao vào viết về cảm nhận của bản thân ngay, nhưng chợt nhớ về lần đầu gặp quyển sách này, nên mình đã dành riêng một đoạn nhỏ dành cho lần gặp gỡ ấy : ))

𝑽𝒆̂̀ 𝒕𝒂́𝒄 𝒈𝒊𝒂̉

Phạm Lữ Ân là bút danh chung của cặp vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận, đến đây mình đoán rằng những thông tin cơ bản khác về tác giả có lẽ trên Google đã có nhiều rồi. Nhưng ở đây có một điều mình rất yêu thích về bút danh này, đó là tính 𝒄𝒉𝒂̂𝒏 𝒕𝒉𝒂̣̂𝒕. Điều này càng khiến mình thêm gắn bó và tâm đắc với những gì mình đọc hơn :“Có những lúc, với bút danh khác, tôi đã viết những bài hài hước trong khi tâm trạng buồn bã. Nhưng với Phạm Lữ Ân, điều đó là không thể. Nếu tôi viết mà không xuất phát từ nhu cầu tự thân, rồi sẽ đến lúc tôi viết ra bằng trải nghiệm của người khác, tôi sẽ nói những lời mà tôi không tin, tôi sẽ khoe khoang những kiến thức chóng vánh mà tôi có được từ Google.”

𝑪𝒂̉𝒎 𝒏𝒉𝒂̣̂𝒏 𝒄𝒖̉𝒂 𝒃𝒂̉𝒏 𝒕𝒉𝒂̂𝒏

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” được xuất bản lần đầu vào năm 2011. Cho đến thời điểm mình viết bài này thì sách đã được tái bản lần thứ 30. Sách bao gồm 263 trang với hơn 40 bài viết. Chất liệu chính của quyển sách được nung nấu từ những trải nghiệm, suy tư của “bộ đôi” tác giả về chặng đường và những cột mốc đã đi qua trong cuộc sống : từ khoảng thời gian tuổi ấu thơ, cho đến khi xoay quanh công việc, tình yêu, gia đình, sự trưởng thành,… qua đó đem đến những bài học, sự đúc kết, chiêm nghiệm, lời khuyên chân thành cho người đọc.Đầu tiên, có thể nói quyển sách thuộc thể loại self-help cũng không sai, nhưng riêng cá nhân mình thích dùng từ “Cảm Thức” hơn (dù chưa có thể loại sách nào như thế). “Cảm Thức” theo mình tìm hiểu là những điều mà con người nhận thức được bằng cảm quan, đó là sự kết hợp giữa cảm giác và nhận thức, từ đó cho ta một cái nhìn gần hơn với bản chất của sự vật, sự việc hoặc một cái nhìn nhất định về sự vật, sự việc đó. Do thế khi đọc quyển sách, dù cho có nhiều lời khuyên, triết lý, thậm chí là định nghĩa, dẫn chứng có hơi hướng hàn lâm một ít, nhưng mình vẫn cảm nhận được trong đó dáng vấp của sự mềm mại, của “sợi dây cảm xúc” nơi người viết – đủ để vươn và chạm đến tâm hồn người đọc. Văn phong của sách không cứng nhắc như đa phần những quyển sách thể loại self-help. Thêm vào đấy, sách được viết bởi lời văn mộc mạc, giản dị, sâu sắc, chân thành, và gần gũi. Những sự kết hợp ấy giúp mình dễ đọc, và dễ đồng cảm hơn.Điều đặc biệt tiếp theo mình cảm nhận được từ quyển sách này đó là thay vì nhàm chán, thì nó lại luôn khoác lên mình sự mới mẻ, dù là lần đọc thứ bao nhiêu. Dù mình đã đọc hết quyển sách ở một thời điểm cụ thể, tưởng chừng như lúc ấy đã tiếp thu được hết những suy nghĩ, thông điệp, bài học mà tác giả đang cố gắng truyền tải. Nhưng cho đến lần đọc tiếp theo, dù vẫn là quyển sách này, những bài viết ấy, thì đó đã mang một tầng lớp ý nghĩa mới nữa. Có lẽ đây là quyển sách thích hợp đi cùng mình ở mọi lứa tuổi, mỗi lần đọc lại, ta có thêm cho mình những cảm xúc mới, trải nghiệm mới cùng những bài học có ý nghĩa và đáng nhớ trong cuộc sống. Từ góc nhìn cá nhân, theo mình đây là một quyển sách thích hợp cho mọi lứa tuổi. Dù là ở ngưỡng cửa tuổi 20 với những lo âu, trăn trở, hoài bão, ước mơ về tương lai phía trước, hay ở tuổi 40 (hoặc hơn thế nữa) khi bản thân đã mang theo những kinh nghiệm, hồi ức về những năm tháng đã qua, và dù ta là ai, ta đang tìm kiếm điều gì đi nữa. Chắc chắn ta sẽ tìm ra câu trả lời cho một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn mình khi ta thật sự đắm chìm, chiêm nghiệm, suy tư về những gì trong sách. ( Tóm gọn :You should read it. That’s all ).Có thể nói rằng quan niệm sống, niềm tin, cách nhìn về cuộc sống,... và nhiều mặt khác trong suy nghĩ của mình đã phần lớn được tác động và hình thành nên từ quyển sách này. Nghe có vẻ khá nguy hiểm khi để một quyển sách –được viết bởi một người khác để làm nhiên liệu hình thành nên thế giới quan của mình. Nhưng mình nghĩ đó là một điều may mắn (ít nhất đối với mình) vì bản thân đã may mắn gặp đúng quyển sách trong đúng giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của một đời người.