Trong cuộc đời, mỗi con người đều gắn bó với một hay nhiều vùng đất, vùng quê mà mình đã sống, cùng biết bao kỷ niệm về những người xung quanh. Đôi khi, có những kỷ niệm chỉ là của riêng mình. Cuộc sống thường nhật với những lo toan khiến con người ít nghĩ về nơi mình sống, nhưng rồi đến một lúc nào đó phải rời xa, dù chỉ một thời gian hay phải xa mãi mãi, bạn sẽ nhớ về những vùng đất mình từng sống nhiều hơn. Thời gian càng trôi xa, kỷ niệm càng da diết. Với người này là hoài niệm nhưng với người khác lại là sự tiếc nuối về kỷ niệm đã qua.
Với suy nghĩ đơn giản, mình đã sống liên tục ở Kim Liên rất lâu, đã chứng kiến nhiều đổi thay, đã có nhiều đêm trăn trở tự mình ôn lại kỷ niệm, tôi xin được viết cuốn sách này ôn lại chút kỷ niệm còn đọng trong tâm trí. Trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kỳ khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống thế nào, và những người có quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân.
Về tác giả
Vũ Công Chiến nổi tiếng sau khi cuốn Hồi ức lính được xuất bản năm 2016 và được trao giải "Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc" của Hội Nhà văn Hà Nội một năm sau đó. Đây được xem là "một phát hiện thú vị và như một làn gió mới cho đời sống văn học", bởi ông không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, chỉ mới "tập viết văn" từ khoảng năm 2008 đến giờ. Ông tiếp tục gây ấn tượng với bạn đọc khi xuất bản cuốn hồi ức Kim Liên một thuở - viết về chính khu tập thể có tuổi đời nửa thế kỷ, đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội, trong đó có chính gia đình ông.
Về sách
Kim Liên một thuở là ký ức về Khu tập thể Kim Liên - một trong những khu tập thể đầu tiên Hà Nội. Gắn với ký ức ấy là nỗi niềm của bao con người đã từng gắn bó với nhà tập thể như chính tác giả.
Vẫn chỉ là cách kể chuyện thôi, nhưng Vũ Công Chiến muốn kể về một khu tập thể điển hình đầu tiên của Thủ đô qua hơn nửa thế kỷ. Trong đó có nhiều đổi thay về cảnh quan, về nhiều lớp người, nhưng vượt lên tất cả, cuốn sách vẫn cho thấy rằng, dù cuộc sống có trải qua nhiều thăng trầm, thì điều quý nhất có được vẫn là tình người, là nét văn hóa mang tên "Tập thể Kim Liên".
Kim Liên một thời thương nhớ
Năm 1954 miền Bắc nước ta được giải phóng.
Một nửa đất nước bắt tay vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Hà Nội không bị tàn phá trong chiến tranh nhưng còn nhỏ bé, phải xây dựng rất nhiều. Trong tinh thần quốc tế vô sản, các nước Xã hội chủ nghĩa anh em đã góp sức giúp nước ta xây dựng miền Bắc. Sau một chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958, Triều Tiên đã giúp sang giúp Việt Nam trong đó có việc xây dựng một khu tập thể mang tên Kim Liên, nằm ngay trên chính mảnh đất ruộng của làng Kim Liên, một trong bốn địa danh Tứ trấn của thủ đô Hà Nội. Mùa hè năm 1962, khu tập thể Kim liên được xây dựng xong về cơ bản, và bắt đầu đón những cư dân đầu tiên
Gia đình tôi vinh dự được là một trong những gia đình đầu tiên dọn đến ở khu tập thể Kim liên theo tiêu chuẩn được phân phối nhà ở của bố tôi. Hè năm 1962, tôi đã 9 tuổi, học xong lớp một và chuẩn bị lên lớp hai.
Gia đình tôi đã chuyển nhà đến mấy lần từ khi liên hệ từ khi về Hà Nội. Mỗi lần chuyển là được đến nhà mới rộng hơn. Vì vậy cứ nghe nói được chuyển đến nhà mới là tôi rất thích.
Cả nhà háo hức, một tuần lo dọn dẹp chuẩn bị mọi thứ để chuyển nhà. Nói cho oai thôi chứ có đồ đạc gì đâu. Bố mẹ tôi chỉ có một cái hòm gỗ đựng đồ, mua từ thời mới về Hà Nội. Còn một chiếc giường to nữa, vừa đủ cho cả mẹ và ba chị em chúng tôi nằm xoay ngang. Bố tôi được nguyên một chiếc chiếu cá nhân trải ra nằm dưới đất về đêm, ban ngày gặp lại cho vào gầm giường. Còn lại tất cả quần áo của cả nhà, nhét gọn lại vào hai cái túi vải. Một cái rổ to đựng bát đũa và mấy cái nồi, thế là hết. Chỉ có thứ lộn xộn nhất, sách vở của chị em tôi, và nhất là của mẹ tôi, vì mẹ tôi là cô giáo. Bố tôi lấy dây gai buộc gọn từng chồng sách vở cho khỏi lẫn lộn. Thằng Hoà em tôi là gọn nhẹ nhất vì năm tới nó mới bắt đầu vào lớp vỡ lòng.
Đồ đạc chả có bao nhiêu, thế mà cơ quan bố tôi điều cả một chiếc xe Com măng ca chở đồ lẫn người, giúp gia đình tôi dọn nhà.
Xe ô tô đi qua hết mấy đường phố, đi vào đường đất, thấy xung quanh có con dê, có ruộng rau và cuối cùng là rẽ vào một khu nhà cao tầng. Xung quanh nhà cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ cỏ mọc cao hơn người tôi. Xe dừng lại trước một toà nhà to. Quanh nó không có đường, hay nói đúng hơn là toàn đường đất nhỏ tạo thành nhờ xe ô tô chạy qua. Cả nhà xuống xe và bê đồ đạc lên tầng hai. Bố tôi xem lại tờ giấy phân nhà và dẫn cả nhà đi vào căn phòng ở cuối hành lang. Từ cầu thang rẽ trái sang đây chỉ có hai cái cửa, nhà tôi vào cái cửa thứ hai, thấy ngoài có đánh số 17 - 19. Bố tôi cầm trong tay hai chiếc chìa khóa đồng to tướng để mở cửa. Vào trong lại thấy có đến 5 cái cửa nữa. Bố tôi mở cửa căn phòng số 17. Đoa là nhà của gia đình tôi, phòng 17 của tòa nhà B9, khu tập thể Kim Liên. Trong nhà trống trơn, rộng rãi và còn thơm mùi vôi mới. Mẹ tôi lấy cái chổi lúa quét một lượt căn phòng, rồi cả nhà mới bê đồ đạc vào.
…
Tất cả mọi thứ đều đập vào mắt tôi. Tôi ngỡ ngàng và thích thú trước những điều mới mẻ và gợi trí tò mò ở đây, cái gì cũng nhìn, cũng ngắm, thậm chí là sờ thử. Căn nhà mới này đẹp và rộng hơn nhà cũ nhiều, lại có cả cửa sổ, có ban công sau nhà. Bố tôi bảo chỉ riêng trong nhà cũng đã rộng hơn 20 mét vuông rồi.
Cuộc sống của cư dân Kim Liên
Những người dân ở cùng B coi nhau như hàng xóm, giống như kiểu nhà quê, thân thiện chứ không sống tách bạch như các gia đình ở ngoài phố sau này. Vì thế về sau này có vài gia đình khác cũng có cho trẻ con mang đi vợt châu chấu. Bãi rộng, châu chấu nhiều, chả phải tranh giành gì.
Gia đình tôi còn được ăn châu chấu nhiều lần, cho đến khi hết mùa và người ta tổ chức phát quang hết cỏ để làm bãi đất. Chả ai gọi là sân, vì khắp quanh các dãy nhà toàn bãi đất, nên không phân biệt đâu là sân. Chơi ở chỗ nào mà chả được.
Những năm đầu, các bãi đất giữa các nhà B vốn có như thế nào người ta vẫn để nguyên như thế, lồi lõm và có nhiều khoảng trống nước đọng thành vũng. Có lẽ phải tới hơn chục năm như thế, vì cũng chả ai cần làm sân, và những bãi đất được dùng vào nhiều mục đích. Khoảng đất giữa nhà B9 và B10, chỗ hướng ra B6 được trồng rất nhiều chuối tây. Những cư dân Kim Liên dù sao nhiều người cũng từng ở chiến khu, quen tăng gia sản xuất, nên thấy đất ở đây tốt, vì vốn là đồng ruộng, nên đã đánh chuối con về trồng. Chẳng bao lâu mà vườn chuối đã lan rộng, tới cả gần trăm mét vuông. Nhiều nhà có chuối ăn.
Thời sơ tán
Thế là tôi đã phải rời xa Kim Liên, sau hơn hai năm sống và học tập ở đây. Mọi thứ đã quen, mà bây giờ phải về quê, làm quen với nếp sống mới. Dù buồn nhưng không thể khác được.
Mấy tháng đầu, làng quê tôi chả có tí tẹo nào không khí của thời sơ tán, dù trong làng cũng vài nhà có trẻ con sơ tán về ở. Đến vụ gặt cuối năm đó thì bắt đầu có phong trào đan mũ rơm. Rơm nếp đem về rút lấy ngọn, rồi xe lại bện mũ rơm. Cuộn rơm nếp bện to như cổ tay được quấn và kết lại theo hình cái mũ có vành rộng. Làm cả quai mũ cẩn thận. Mọi người bện mũ rơm cho cả trẻ em và người lớn. Sau đó, chúng tôi phải đem theo mũ rơm. Lúc nắng hay mưa lất phất có thể đội lên đầu thay cho mũ nón.
Tiếp đó ở lớp học và các gia đình đều phải làm hầm trú ẩn, phòng khi có máy bay Mỹ. Quê tôi toàn làm hầm chữ A nổi. Làm khung hầm bằng tre rồi trát xung quanh bằng rơm trộn bùn. Cuối cùng là đắp thêm một lớp đất dày bên ngoài. Chỉ có một cửa ra vào. Mỗi hầm chứa được năm, sáu người. Không đào hầm chìm vì để tránh ngập nước. Các chú dân quân xã bảo, làm hầm và đội mũ rơm để tránh mảnh đạn pháo của ta rơi xuống trúng người thôi, chứ trúng bom thì hầm gì cũng chết.
Suốt cả năm học đó, làng quê tôi yên bình. Chỉ có một lần giữa năm 1965, có một cái máy bay Mỹ ở đâu đó bay lạc vèo qua chiều. Chỉ nghe tiếng ào ào mà chả kịp nhìn thấy nó. Thế mà chú dân quân ngồi ở chòi gác ngoài đồng cũng bắn bừa một phát súng lên giời. Quan trọng hơn, các bà chị đang làm đồng hò hết ầm lên bắt những người mang theo nón trắng lúc ấy phải dùi nón xuống ruộng cho máy bay nó khỏi nhìn thấy. Sau đó là toần xã bắt dân không được để áo trắng. Người lớn, trẻ con, ai có áo trắng phải đem đi nhuộm màu hết. Chủ yếu là màu nâu, màu gụ. Các bà chị có nón cũng phải phết dầu hay sơn một màu sẫm lên nón.
Điều gì cho tương lai của khu Kim Liên?
Khu Kim Liên đã tồn tại qua hơn nửa thế kỷ. Mấy chục năm trời, bao nhiêu biến cố xảy ra. Những người ban đầu còn ở lại rất ít. Ở nhà B9, thế hệ thứ nhất, bố mẹ tôi và các chú các bác, nay chả còn mấy người, chủ yếu ở bên B9 chẵn. Thế hệ thứ hai là chúng tôi cũng không còn bao nhiêu. Không kể các gia đình miền Nam tập kết trở về Nam sau năm 1975, những người còn lại cũng chuyển dần đi. Chủ yếu là những nhà có điều kiện ít nhiều, mua đất nơi khác xây nhà hoặc mua căn chung cư mới rộng rãi hơn. Thế hệ thứ hai nhiều người giỏi, điều đó cũng đáng mừng. Cái đáng quý là sau khi ra đi như thế, hầu như lúc có thời gian, mọi người đều quay lại thăm Kim Liên. Giống như những người thoát ly quê nghèo đi tứ xứ làm ăn nhưng không thể quên được nơi mình đã từng được sinh ra, hay từng để lại một phần tuổi thơ, tuổi trẻ ở đó.
…
Kim Liên hôm nay và ngày mai đang thuộc về những chủ nhân mới. Thế hệ thứ hai là chúng tôi, hầu hết đang sang tuổi U70. Chúng tôi đã lên ông lên bà. Ngay con cháu chúng tôi, thế hệ thứ ba của khu tập thể Kim Liên cũng đã trưởng thành. Và con cái của chúng, thế hệ cư dân Kim Liên thứ tư cũng đã có nhiều cháu và đang cắp sách tới trường.
Thế hệ thứ ba và thế hệ thứ tư đều không biết được về thời sơ tán của cha ông, không biết về một thời kinh tế quan liêu bao cấp với bao nhọc nhằn của dân tộc. Họ chỉ còn biết qua sách báo, qua chuyện và càng về sau chỉ còn biết qua các bảo tàng. Họ cần cuộc sống mới, điều kiện sinh hoạt mới với xu hướng hiện đại, chứ không cần hoài niệm về quá khứ và gặm nhấm nó như cha ông họ. Đó là điều dễ hiểu.
Họ sẽ dễ dàng tiếp nhận một khu Kim Liên được cải tạo và xây dựng mới, đẹp và hiện đại. Tất cả đang ở phía trước. Mong sao cho bức tranh tương lai tươi sáng sẽ là hiện thực.
Lời kết
300 trang sách chứa đựng rất nhiều những câu chuyện nhỏ về cuộc sống hàng ngày, những kỷ niệm cả vui lẫn buồn về khu tập thể đặc biệt này. “Kim Liên một thuở” đơn giản là một tập hồi ký thắm đượm tình cảm mộc mạc chân thành của người con dành cả tuổi thơ và tuổi già nơi mảnh đất quê hương máu thịt. Dưới ngòi bút của Vũ Công Chiến, Kim Liên những năm 60 của thế kỷ XX như được sống lại một cách sinh động với người thật, việc thật, những khoảnh khắc rất thật. Tác phẩm không chỉ dành cho cư dân Kim Liên, mà còn là tư liệu quý giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về một góc Hà Nội rất khác trong những năm thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc.
Review chi tiết bởi: Diệu Linh - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Có một Kim Liên đậm văn hóa làng quê từng tồn tại hơn nửa thế kỷ giữa lòng phố xá thủ đô. Năm tháng đổi thay, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, văn hóa hàng phố đẩy lùi nét quê sâu vào ký ức của những thế hệ 6x, 7x, 8x từng một thời lớn lên trong khu tập thể Kim Liên. Nhưng ký ức ấy không phải là những điều xưa cũ bị đóng tập, lãng quên. Ký ức ấy mang sức sống mãnh liệt, như những nét sử được ghi bằng tâm thức những ai đã từng sống, từng đi qua thời bao cấp khó khăn, từng nhớ Kim Liên, yêu Hà Nội!
Tôi yêu Hà Nội bằng tình yêu của một lữ khách, mỗi năm đôi lần vội đến và vội đi vào những ngày Hà Nội sang thu lá nhuộm vàng đường phố. Hà Nội đọng lại trong tôi với ký ức về những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, những gánh hàng rong thơm ngát mùi ngô khoai nướng, xanh màu cốm, vàng hoa cúc hay đỏ thắm màu hoa hồng tỉ muội. Đương nhiên Hà Nội có vô vàn những góc khác đầy hiện đại và sang trọng nhưng tôi yêu hơn những điều nhỏ bé ấy. Đó cũng là lý do tôi tìm đọc cuốn sách "Kim Liên một thuở" - Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ của Vũ Công Chiến ngay từ lần đầu bắt gặp.
Với 13 phần viết về những năm tháng sống ở khu nhà cao tầng Kim Liên, Vũ Công Chiến trong vai người kể chuyện – người từng gắn bó với Kim Liên hơn nửa thế kỷ đã khái quát cuộc sống thường nhật ở Kim Liên từ những năm 1962 cho đến bây giờ. Với 279 trang sách, xuyên qua hơn nửa thế kỷ, có một Kim Liên hiện ra không khói bụi ô-tô, không có sự hiện diện của đời sống hiện đại. Kim Liên trong ký ức của Vũ Công Chiến mộc mạc, hiền hòa, êm đềm như một làng quê. Đó là hình ảnh về những dãy nhà tập thể cao tầng được sơn màu vàng, những lối cầu thang chật hẹp được co kéo thiết kế thêm con đường dắt xe đạp lên tầng lầu; những ổ khóa giống nhau như đúc và một chìa có thể mở được tất cả các cánh cửa phòng khác nhau dù chúng vẫn được đánh số thứ tự.
Trong khu tập thể ấy, nhiều gia đình đến từ nhiều miền quê khác nhau, công việc khác nhau, cơ quan xí nghiệp khác nhau nhưng họ nhanh chóng thân nhau không chỉ bằng tình thân láng giềng. Giữa thời buổi tem phiếu, bao cấp khó khăn, mỗi người đều biết lùi về phía sau để cùng chia niềm vui chung nhau cái bếp, chung vòi nước rửa rau vo gạo, chung cả không gian nhỏ bé của khu công cộng.
Kim Liên trong ký ức Vũ Công Chiến hiện hữu đủ đầy nhiều ngóc ngách của cuộc sống tinh thần và vật chất thời bao cấp đầy khốn khó, bận bịu. Từ những vật dụng cũ mèm, ẩm mốc, ngai ngái mùi gạo mốc, củi ẩm, dầu hỏa cho đến những âm thanh phát ra từ chiếc loa truyền thanh kể câu chuyện cảnh giác tối thứ bảy như món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là với cư dân Kim Liên. Cơ hồ đấy là những kỷ niệm khó phai nhất, khó khỏa lấp nhất mặc cho bây giờ cuộc sống đã hiện đại và đã có hàng ngàn kênh thông tin, giải trí.
Ở một góc khác, có một Kim Liên kiên cường dưới làn bom đạn, những lớp trẻ viết đơn tình nguyện bằng chính máu của mình để xung phong ra chiến trường. Sự kiên trung mang bản lĩnh của đất và người Hà Nội, sự quyết tâm và tinh thần dân tộc bất diệt.
Kim Liên bây giờ nhiều cái tên đã được thay đổi, mất đi. Khu tập thể có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nơi gắn liền kỷ niệm của nhiều thế hệ người Hà Nội thời gian khó không còn đơn thuần là nơi ở. Đó là hồn cốt Hà Nội, là ký ức của những người từng lớn lên, trưởng thành gắn bó với Kim Liên ngày xưa ấy. Trước xô bồ đổi thay của cuộc sống, trước những thông tin Kim Liên sẽ được cải tiến, sửa sang để tiến kịp sự phát triển của đời sống hiện đại, hiển nhiên Vũ Công Chiến cũng như nhiều thế hệ từng lớn lên ở Kim Liên sẽ nuối tiếc và nhớ nhung về nơi họ lớn lên, gắn bó máu thịt đầy thân thương. Nhưng ông vẫn nhìn nhận một cách khách quan rằng, Kim Liên hôm nay và ngày mai đang thuộc về những chủ nhân mới và ông mong nơi này có một bức tranh tươi sáng. “Một lúc nào đó có dịp trở lại nơi xưa chốn cũ, ta thường giật mình khi nhìn lại quãng thời gian cách xa, thấy nó trôi sao nhanh thế. Xa lâu đến nỗi ở vùng đất năm xưa đó, người xưa không còn mà cảnh cũ cũng đổi thay chẳng thể nhận ra. Khu tập thể Kim Liên là một vùng đất như thế trong tôi”.
Yêu Hà Nội, tò mò về một góc Hà Nội những năm tháng xa xưa, đọc thật kỹ cuốn sách nhưng tôi vẫn có chút e ngại khi đặt bút viết về nó. Bởi lẽ, với tình yêu lữ khách, tôi ngại mình chưa đủ thấm, chưa đủ tình để truyền tải những gì Vũ Công Chiến chắt lọc từ trái tim mình trong hơn nửa thế kỷ đi qua về nơi ông đã và đang sống, gắn bó và yêu thương. Nhưng ngẫm lại, có cơ hội tìm hiểu về Kim Liên một thuở cũng coi như là cái duyên. Đó là tư liệu quý cho tôi, cho những ai muốn biết về một góc Hà Nội trong lòng Hà Nội!