Dấu Chân Trên Cát của tác giả Nguyên Phong tái hiện giai đoạn xa xưa của nền văn minh Ai Cập cổ đại qua lời kể của Sinuhe – một người y sĩ Ai Cập đến Hy Lạp mở trường dạy học. Cuốn sách kể về câu chuyện cuộc đời ông kể từ khi ông còn bé đến khi đã trưởng thành, lưu lạc mọi nơi, trải qua bao sóng gió của cuộc đời, đã từng có những lầm lỗi phải trả giá đắt; thế nhưng cuối cùng, ông đã nghiệm được về lẽ sống của cuộc đời ông. Cuốn sách không chỉ là cuộc hành trình của người y sĩ Sinuhe, mà còn là bản ghi chép về sự sống, sự chết và sự vận hành của vũ trụ hướng tới vạn vật trên Trái đất. Đoạn trích dưới đây là cuộc đối thoại giữa một Pharaoh Ai Cập và Sinuhe về sự ảnh hưởng của vũ trụ hướng tới môi trường thiên nhiên và con người nơi chúng ta sinh sống.

 

Pharaoh ôn tồn nói:

- Con người cần phải có kiến thức về vũ trụ cũng như về môi trường thiên nhiên mà họ sinh sống. Chỉ khi nào biết quan sát vũ trụ bao la hùng vĩ, con người mới thấy họ nhỏ bé như con sâu, con kiến. Chỉ khi nào biết quan sát đại dương sâu thẳm, con người mới thấy họ chỉ là những bèo bọt nổi trôi.  Chỉ khi nào biết quan sát sa mạc mênh mông, con người mới thấy họ chỉ là những cát bụi bé bỏng. Nhờ biết quan sát mà con người ý thức được sự tương quan giữa vũ trụ và con người, rồi biết được những định luật cao cả vận hành vạn vật. Từ đó, họ biết khiêm tốn hơn và không còn đòi làm những chuyện vá trời lấp biển nữa. Theo ta, người nào biết được vũ trụ sẽ hiểu được mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ.

- Tại sao lại thế?

- Vì vũ trụ là môi trường hoạt động của mọi sinh vật, từ côn trùng đến thảo mộc, từ cầm thú đến con người và biết bao sinh vật mà kiến thức của chúng ta chưa biết đến. Vũ trụ không phải là một cái gì trống rỗng mà mọi sự xảy ra một cách ngẫu nhiên. Trong vũ trụ có một sự sắp đặt khéo léo mà ở đó tất cả đều phản ánh một sự thật rằng có một định luật cao cả chi phối mọi sự. Do đó, một người hiểu biết cần phải có kiến thức về vũ trụ.

- Nhưng... đó là kiến thức chuyên môn của các nhà chiêm tinh và dễ gì họ chịu truyền dạy cho người khác.

Pharaoh khẽ vỗ tay. Một ông già từ trong góc phòng bước ra.

Pharaoh chỉ vào tôi, nói:

- Này quan Thiên Giám, ta muốn ông đặc biệt chỉ dạy thêm cho Sinuhe kiến thức về khoa chiêm tinh. Ông hãy chỉ dẫn cho y tất cả những gì mà ông đã truyền dạy cho ta.

Ông lão vội cúi đầu

- Xin tuân lệnh Pharaoh. Lúc nào y sĩ muốn học thì hãy đến đây, tôi sẵn sàng hướng dẫn.

Pharaoh Amenophis chỉ tay lên bầu trời:

- Này Sinuhe, chiêm tinh là một ngành khoa học về vũ trụ mà người Ai Cập chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu. Theo khoa này thì có một ảnh hưởng hỗ tương giữa các tinh tú, Trái Đất và các sinh vật sống trong đó. Nếu nhìn lên không trung, ngươi sẽ cho rằng đó là một khoảng trống bao la, nhưng thật ra có một khí lực bàng bạc bao trùm khắp vũ trụ. Cái khí lực này hết sức vi tế mà chỉ rất ít người biết. Nó có khả năng thu nhận, phổ biến và truyền đạt tất cả những ấn tượng của mọi động lực trong tự nhiên. Cái ảnh hưởng hỗ tương đó là những từ lực, vì tinh tú đều là những khối nam châm có sức hút và ảnh hưởng lẫn nhau. Chính Trái Đất chúng ta đang sống cũng là một khối nam châm rất lớn có sức hút mạnh mẽ, và dĩ nhiên cũng bị chi phối bởi những từ lực phát sinh từ Mặt Trời hay các vì tính tú khác. Chính vì ảnh hưởng của những từ lực này mà mọi sự vật trong thiên nhiên luôn luôn biến đổi, lên xuống, trồi sụt theo các chu kỳ. Người nghiên cứu về vũ trụ phải biết rõ định luật về chu kì. Đối với đa số mọi người thì chu kì chỉ là những sự thay đổi về thời tiết hay mực nước thủy triều lên xuống, nhưng với người hiểu biết thì nó là những sự sắp đặt huyền bí và màu nhiệm vô cùng. Thật ra, mọi sinh vật đều có khả năng trải nghiệm được sự vận chuyển của luồng từ lực này vì sự rung động của nó ảnh hưởng lên thể chất của mọi sinh vật. 

- Nó ảnh hưởng như thế nào?

Pharaoh nhìn tôi mỉm cười:

- Chắc hẳn người đã biết ảnh hưởng lên xuống của thủy triều tùy thuộc vào sự di chuyển của mặt trăng. Mặt trăng cũng ảnh hưởng đến kinh nguyệt của phụ nữ. Là y sĩ, người biết rõ về những chứng bệnh điên loạn thần kinh chỉ phát ra vào những ngày trăng tròn. Nếu sự di truyền của mặt trăng có thể gây ra những ảnh hưởng cụ thể như thế thì hẳn không phải là điều vô lý khi cho rằng sự tác động của các tinh tú khác trong không gian cũng có thể gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự sống của mọi loài trên trái đất. Người phải biết rằng trong vũ trụ có những nguồn từ điện rất mạnh, luôn luôn thu hút, ảnh hưởng lẫn nhau theo sự di truyền của các tinh tú. Tất cả các tinh tú đều chứa đựng những luồng từ điện rất mạnh vì chúng di chuyển trong đường từ khí của vũ trụ. Do đó, tùy theo sự rung động của cơ thể các sinh vật cảm ứng với luồng từ điện nào mà chúng chịu ảnh hưởng bởi các tinh tú ấy. Là y sĩ đi hái thuốc, hẳn người biết rằng có những loại cây cỏ chịu sức hút của mặt trời và một số loại khác chịu sự thu hút của mặt trăng. Đa số hoa nở khi có ánh sáng mặt trời nhưng vẫn có một số loài chỉ nở về đêm, một số cây cỏ chỉ tiết ra dược chất vào giờ khắc nhất định khi các tinh tú nằm ở một vị trí nào đó và người y sĩ đi hái thuốc phải biết rõ điều này.

Pharaoh thản nhiên nói tiếp:

- Có những loại cây cỏ hợp tính chất nhau và có những cây cỏ xung khắc nhau vì chúng rung động theo các luồng từ lực khác nhau. Một cây nho không bao giờ mọc gần cây cải vì tính chất xung khắc nhưng cây nho lại thích leo bám vào cây olive vì chúng hợp nhau. Dĩ nhiên,  cây cỏ đã như thế thì loài người chắc chắn phải có những rung động mạnh hơn. Phần lớn những xúc cảm của con người chịu ảnh hưởng bởi những biến đổi của trạng thái từ điện trong tự nhiên. Sự nóng giận, ghen tức, tình thương, hay thù hận đều là những biến chứng của trạng thái rung động từ khí trong cơ thể con người. Tình thương là một trạng thái rung động rất phức tạp, nó được biểu hiện ra muôn ngàn khía cạnh khác nhau. Tình yêu cao thượng như tình mẹ con, tình yêu nghệ thuật, tình bằng hữu, đều là sự biểu lộ từ điện của sự giao cảm giữa những tâm hồn có sự rung động đồng nhịp hay đồng thanh, đồng khí với nhau. Từ lực của tình thương thuần túy này là căn bản của sự sáng tạo. Do đó, một người chưa biết yêu hay không thể yêu chẳng thể sáng tạo được. Cũng như thế, một kẻ để cho tâm hồn trở nên khô khan, chai đá, dửng dưng không còn xúc cảm thì khả năng sáng tạo của y cũng sẽ kiệt quệ, thui chột đi…

 

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Xem thêm

Hầu hết các tác phẩm phóng tác của Nguyên Phong đều lấy bối cảnh là một nền văn minh cổ xưa hoặc một thánh địa tôn giáo cùng những triết lý và tư tưởng đi cùng. Những câu chuyện vừa mang tính hư cấu vừa đẫm màu sắc sử thi. Dù căn bản là truyện kể của người khác nhưng tất cả những phóng tác ấy đều khá được yêu mến bởi những ngụ ý và thông điệp xuyên suốt về tình yêu thương và lòng cao thượng. 


Trong tác phẩm này, Sinuhe là hợp nhất của hỉ - nộ - ái - ố và cũng một chút tham - sân - si qua từng giai đoạn. Một vị lương y kế nghiệp cha chỉ mong sống một cuộc đời thanh bần và chữa bệnh cho người nghèo sau này lại trở thành một hầu cận tin tưởng của Pharaoh Akhenaten. Hoàn cảnh, môi trường và những đắm say tình ái khiến Sinuhe phải trả giá bằng việc mất tài sản, mất sự nghiệp, mất cả đấng sinh thành và hiểu lầm trong tình bạn với Horemheb, con trai người bán bánh nghèo khổ sau này trở thành lính ngự lâm. Những bôn ba khi thoát ly khỏi Ai Cập đến Palestin và tiếp tục hành nghề y đã khiến anh thay đổi toàn bộ lối sống và lối chữa bệnh của mình. Đã có lúc, tiền tài và danh vọng cướp đi sự ngây thơ nhân hậu của anh. 


Chính Pharaoh Akhenaten, vị vua minh đức và bác ái đã kéo anh trở lại với bản ngã của mình. Ông là người đã chinh qua bao nhiêu cuộc chiến, đối mặt với sự tranh giành quyền lực và những tham vọng xấu xa bỉ ổi từ trong ra ngoài, từ kẻ thù ngoại bang cho đến những người ruột thịt. Ông chỉ cho Sinuhe rằng việc duy nhất giải quyết sự bất đồng ý kiến hay dị biệt tư tưởng là tình thương vì nó đưa đến sự chấp nhận những khác biệt, thiếu tình thương là thiếu hiểu biết. Vũ khí mới không phải là cung tên giáo mác mà là các giáo sĩ, học giả, nghệ sĩ và nhà khoa học. Ông là một vị Pharaoh có tư tưởng cực kì tiến bộ.


Nền văn minh Ai Cập được xây dựng trên căn bản của khoa học chiêm tinh, khoa học về sự sống và khoa học về cái chết. Kiến thức về cái chết phải chăng chỉ là sự thất vọng về cuộc sống? Nếu những hạt giống của lòng cao thượng được nuôi dưỡng thì liệu rằng sự thất vọng ấy sẽ được thay thế chăng? Một vị minh triết hay một vị chân tu nào cũng sẽ nhận thức được rằng chiến tranh không thể giải quyết ổn thỏa mọi thứ mà chỉ có tình yêu thương mới giữ cho xã hội ổn định và con người được bình đẳng như nhau. 


Cuối cùng, Pharaoh Akhenaten khép mắt lại trong vĩnh hằng để lại sự tranh giành quyền lực cho nhóm người tham vọng nhưng cũng kịp trao tặng lại những lý tưởng về một xã hội đầy nhân ái cho Sinuhe, anh đem theo những chân lý ấy suốt hành trình làm y sĩ của mình đến tận cuối đời. 


Bỏ qua những giáo điều và triết lý ngập trong truyện, bỏ qua những tranh cãi về một tác phẩm phóng tác, điều rút ra được sau khi đọc chắc chắn sẽ cô đọng đủ để ta có thêm lý do chiêm nghiệm và thay đổi.

Một cuốn sách đáng kinh ngạc. Tưởng như chỉ là 1 cuốn sách nói về những thông tin hay ho về Ai Cập. Nhưng không, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, nó đưa mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nó chứa đựng hầu hết những quan điểm, suy nghĩ, những đắn đo của mình về các vấn đề khác nhau trên Trái Đất này. Các quốc gia đang được xây dựng dựa trên những nguyên tắc và nền tảng như thế nào, xã hội và nền kinh tế nên dựng xây ra sao. Con người nên sống như thế nào là tốt nhất. Thiên nhiên, con người và những vị tinh tú, cả Vũ Trụ bao la rộng lớn ngoài kia, liên quan mật thiết đến nhau như thế nào. Tôi là ai. Tôi có vai trò như thế nào trong Vũ Trụ này. Tôi phải làm gì để nhận biết được mình, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong dòng chảy lịch sử của Trái Đất, của Vũ Trụ. Tất cả đều được đặt ra trong cuốn sách này. Những giá trị, những quan điểm, lý tưởng của Pharaoh Akhenaten đã vượt qua khỏi không gian và thời gian của hàng ngàn năm lịch sử. Để khi mình nhìn lại, đứng ở vị trí khách quan của một con người ở thế kỉ 21, thế kỉ của một thế giới phát triển đủ hiện đại, thì chẳng phải là những điều mà không chỉ mỗi mình, mà còn rất nhiều người ngoài kia đang chú ý đến, cố gắng học hỏi và thực hiện sao. Những tri thức rộng lớn, đa chiều, những tư duy và quan điểm hết sức sâu sắc, với trái tim rộng lượng tràn ngập sự vị tha. Sự hiện diện và trị vị của Akhenaten đã để lại cho Ai Cập và những người quan tâm, nghiên cứu về một trong những nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới này những câu hỏi vẫn chưa ai giải đáp được. Ông ấy thật sự là ai. Tại sao Pharaoh này lại tạo ra cuộc cải cách tôn giáo táo bạo đến như thế. Tại sao những tư duy, quan điểm của ông lại đi trước thời đại đến vậy. Tại sao xác ướp của Akhenaten đến bây giờ được xem là xác vị vua hiếm hoi chưa được tìm thấy của thời đại các Pharaoh. Tại sao những dấu vết trong ngôi đền của vị Pharaoh này lại bị phá hủy. Tại sao vết tích của ông trong lịch sự Ai Cập lại bí xóa bỏ nhiều đến vậy. Đến giờ, những bí mật về Pharaoh Akhenaten vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp. Và phải rất lâu về sau, nhân loại mới trả lời được phần nào. Hoặc cũng có thể sẽ không bao giờ.

Đầu tiên là, cuốn sách này có rất rất nhiều câu triết lý sâu sắc. Nếu mọi người đã yêu thích những triết lý sâu sắc trong cuốn "Nhà giả kim" thì "Dấu chân trên cát" cũng mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì mình thích cuốn này hơn hẳn cuốn "Nhà giả kim "luôn bởi vì mình đọc có cảm giác gần gũi và dễ hiểu hơn.


Thứ hai là, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – tức là Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaoh Akhenaten. Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của vị Pharaoh này trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ.


Thứ ba là, nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaoh Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaoh nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy). 


Và thứ cuối cùng chính là tính drama của cuốn sách. Mình đã bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau trong những bộ phim Cung đấu của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam thì mình có đọc tập 6 của tiểu thuyết "Bão táp triều Trần – Vương triều sụp đổ" của Hoàng Quốc Hải, khỏi phải nói tính drama không thua gì những bộ phim cung đấu. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì "Dấu chân trên cát" chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.


“Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.”

Nội dung cuốn sách "Dấu chân trên cát" mang đến cho các bạn về giá trị tâm linh, văn hóa và cuộc sống xã hội phương Đông. Đồng thời, cuối cuốn sách là kết thúc mở đã để lại cho người đọc những suy ngẫm đáng quý dù cho xã hội hiện đại khác xa với nền văn hóa Ai Cập cổ đại xưa.

"Dấu chân trên cát" đã cho chúng ta một bài học rằng trên đời này không có cái gì là tuyệt đối. Những bài học thực sự thấm nhuần và đều đúng với mọi người khi ta tự ngẫm lại những gì đã qua, những gì mình đang nghĩ, đang làm và sẽ nghĩ, sẽ làm.

Thứ nhất, Khi bạn hiểu được vạn vật, vũ trụ là lúc bạn hiểu chính bản thân mình

Vũ trụ, vạn vật vô cùng rộng lớn, có thể thấu hiểu toàn bộ những gì trong vũ trụ là điều không thể trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng hãy tìm hiểu những thứ ở xung quanh ta bắt đầu bằng câu hỏi “vì sao”, để kiến thức của chúng ta ngày càng lớn dần và đừng bao giờ ngạo mạn và coi mình là trung tâm của vũ trụ. Vì thế bạn nên nhớ rằng nếu không hiểu được những thứ xung quanh thì việc hiểu chính bản thân mình cũng như cát bụi giữa sa mạc.

Thứ hai, đừng bao giờ cố gắng thay đổi thế giới, thay đổi người khác mà hãy thay đổi cố gắng chính mình

Mỗi người đều có những suy nghĩ, lối sống, tính cách và quan điểm sống khác nhau. Cũng giống như Sinuhe và Horemheb trong câu chuyện là bạn thân từ nhỏ nhưng mỗi người đều chọn cho mình một lối sống khác biệt để thực hiện ước mơ và khiến cho người khác phải tôn trọng và kính nể.

Tuy nhiên, hai người muốn tìm cách để thay đổi đối phương là vô cùng khó khăn. Hay việc thay đổi xã hội theo một đường lối mới khác hoàn toàn so với trước đây của Pharaoh Amenophis vô cùng khó khăn, gặp phải sự phản đối của cả xã hội, quan lại thâm chí là cả mẹ đẻ và em gái ruột

Do đó, thay vì thay đổi người khác, hãy thay đổi chính mình để tạo ra những bước đi đầu tiên để người khác hiểu được sự thay đổi của mình là tốt hay xấu. Từ đó, họ sẽ tự thay đổi để nhận về những điểm thuận lợi cho chính họ. Bởi chỉ có bản thân các bạn mới hiểu được mình cần những gì và mong muốn gì ở cuộc sống. Nên chúng ta không nên quá nghiêm khắc bắt buộc người khác phải thay đổi theo ý mình mà hãy học cách để hiểu, để thông cảm, để yêu thương và cùng song hành để cả hai cùng thay đổi.

Thứ ba, thất bại là điều để giúp chúng ta trưởng thành, để biết chân lý cuộc sống

Trong cuốn sách "Dấu Chân Trên Cát" cũng đã đề cập đến một chi tiết sau nhiều lần thất bại từ việc yêu cô nàng Nefer xinh đẹp, ghen tuông và thù hận với anh bạn thân Horemheb. Mà Sinuhe đã sang tân Palestine để trốn tránh và mang lòng báo thù trong tương lai.

Như vậy, thông qua hình ảnh của Sinuhe làm các bạn nhận ra rằng thù hận chỉ khiến cho cuộc sống đau khổ, cậu cần có cái đầu lạnh để suy nghĩ chín chắn hơn và tìm hiểu căn nguyên của vấn đề hơn là cứ phản ứng lại tất cả mọi thứ xảy.

Thứ tư, dù ở trong xã hội nào thì giáo dục luôn là một phần quan trọng của cuộc sống

Mỗi chúng ta đều khao khát có một cuộc sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Để hiện thực hóa khát vọng trên, giáo dục là cầu nối giúp các bạn làm điều đó, có sự hiểu biết về tình yêu thương đối với mọi người xung quanh. 

Hơn nữa, cả quá trình giáo dục tốt một đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ còn giúp chúng có đủ sức đương đầu với những thử thách sau này. Và đó là cách để chúng giữ lửa cho một đức tính cao thượng, tốt bụng trong mỗi con người. Tuy nhiên, bạn nên nhớ giáo dục là một tiến trình tổng quát và linh động, chứ không thể gò bó trong những quy luật cứng ngắc hay các giáo điều, vì nó là một nghệ thuật được phát triển từng ngày, từng giờ, từng phút.

Thứ năm, sự bình đẳng xã hội là yếu tố để đất nước phát triển.

Trong lịch sử và văn hóa Ai Cập, có rất nhiều triều đại họ trị vì đất nước thông qua chế độ giai cấp, chia để trị, từ đó cuộc sống của từng thành phần trong xã hội có sự khác biệt rất lớn. Chính vì sự phân biệt trong giai cấp mà cách suy nghĩ của từng cá nhân rất khác nhau, gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu, gây những tổn thất to lớn cho những người dân vô tội.

Vì vậy, mỗi người nên được đối xử bình đẳng với nhau, ai ai cũng có cơ hội học hỏi và phát triển cá nhân theo một cách tốt nhất.

Qua nhân vật Sinuhe, cuốn sách khám phá mạnh mẽ ảnh hưởng của tình yêu đến đời người, từ những vinh quang đến những thất bại đau đớn. Sinuhe, một người từng tự hào rằng của cải và danh vọng không thể mua chuộc được mình, cuối cùng lại mất tất cả: sự tự trọng, tính lương thiện và cả gia sản của mình vì tình yêu. Anh đã phải trải qua 10 năm lưu lạc, chìm trong oán hận, và mãi về sau mới nhận ra rằng không có tình yêu nào là mãi mãi, nhất là khi đối mặt với sự phản bội.

“Dấu chân trên cát” mang đến thông điệp rằng không có gì là tuyệt đối trong cuộc sống này. Chúng ta có thể cảm thấy mình vững vàng trước nhiều thứ, nhưng vẫn có thể bị lung lay bởi những điều hào nhoáng bên ngoài, đặc biệt là tình yêu. Cuốn sách cũng nhấn mạnh rằng bản ngã con người thường không ổn định và dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài.

Ngoài ra, “Dấu chân trên cát” còn là một ẩn dụ về sự trưởng thành trong hành trình tâm linh, khi con người đi theo sứ mệnh của mình và trải qua nhiều thử thách để nhận ra sự kết nối giữa bản thân và vũ trụ. Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn mà còn là một tài liệu giáo dục về nền văn minh Ai Cập, giúp người đọc hiểu sâu hơn về một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của loài người.