Lưu ý: Bài viết có chứa spoiler. Độc giả hãy cân nhắc trước khi đọc.

 

Xin thú nhận với các bạn độc giả, Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine - chắp bút bởi Ransom Riggs - quả thực là một món ăn tinh thần tuyệt vời cho bản thân tôi trong khoảng thời gian hiện tại. Tôi đến với cuốn tiểu thuyết qua những dòng bình luận trên các trang review của bộ phim chuyển thể cùng tên năm 2016. Tôi thích thú với việc xem phim chuyển thể của một bộ truyện nào đó trước hết, hơn là việc ngấu nghiến những trang sách. Điều này là do cảm quan cá nhân tôi nhận thấy rằng hiếm khi có bộ phim chuyển thể nào lại có thể truyền tải sâu sắc được cái chất của bộ truyện gốc. Do vậy, việc đọc sách sau lại dẫn đến một thú vui nho nhỏ nhưng phấn khích. Bạn vừa biết về nội dung của câu chuyện, nhưng đồng thời bạn cũng không hề biết một chút gì về nó cả. Vì sao tôi lại có đánh giá như vậy? Xin mời độc giả cùng tôi trải nghiệm Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine và những cái hay của cuốn sách này!


Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine là cuốn sách đầu tiên trong tuyển tập bao gồm 06 cuốn sách trong dòng thời gian chính và 01 cuốn spin-off được chắp bút bởi nhà văn Ransom Riggs. Những sự kiện dẫn đến việc ra đời của cuốn sách này, theo tôi, có thể nói là đặc biệt y như nội dung của nó vậy.

Cơ duyên của Riggs và Trại trẻ lại đến từ ngay chính công việc của tác giả. Tác phẩm The Sherlock Holmes Handbook (Cuốn sổ tay của Sherlock Holmes) của anh được ra mắt với tư cách phần nối tiếp của phim điện ảnh Sherlock Holmes công chiếu năm 2009. Chính trong khoảng thời gian viết nên cuốn Sổ tay, Riggs đã thu thập được một vài bức ảnh đặc biệt. Riggs đặc biệt đam mê những bức ảnh hoài cổ, và một ngày nọ anh nảy ra ý định viết một câu chuyện xâu chuỗi những nhân vật, tình tiết trong những bức ảnh này lại. Và đó chính là sự ra đời của tiểu thuyết Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine (Miss Peregrine's Home for Peculiar Children) - cuốn sách lọt vào danh sách Tiểu thuyết bán chạy nhất của The New York Times và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 2016.

Kéo theo sự thành công của Trại trẻ, Riggs đã tiếp tục sự nghiệp sáng tác của mình và cho ra đời 05 cuốn sách khác, tiếp tục chuyến phiêu lưu của Jacob và những đứa trẻ. 

Toàn bộ tiểu thuyết là thành quả của một sự lồng ghép sáng tạo đến bất ngờ. Chính nhờ cuốn sách này mà tôi nhận ra rằng cảm hứng quả thật bắt nguồn từ mọi thứ, nhất là trong đời sống thường nhật của con người. Chỉ với những bức ảnh đen trắng nhập nhòe mang đậm phong vị của thế kỷ trước mà chúng ta được đắm mình vào một thế giới tưởng chừng quen thuộc nhưng thực chất là tràn ngập những điều kì diệu. Hiếm có một cuốn sách nào lại có minh họa mang cái chất riêng như Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine, có lẽ là do toàn bộ cuốn sách được sinh ra là nhờ những bức ảnh hoài cổ ấy. Ngắm nhìn bức ảnh từ bìa sách tới những trang minh họa bên trong, ấn tượng đầu tiên của tôi là một sự “gai” người, bởi thước phim đen trắng u tối với cảnh vật và con người không mấy “bình thường”. Nhưng khi thực sự đắm chìm vào những trang sách, tôi mới thấy được sự tuyệt vời của những bức ảnh bởi chúng thực sự đã tạo ấn tượng quá đỗi mạnh mẽ và bởi khả năng khơi gợi óc sáng tạo, trí tưởng tượng của độc giả. Với mỗi một bức ảnh, độc giả như có thể qua nó mà thấy được cuộc sống, bối cảnh và câu chuyện ẩn sâu trong chúng.

Theo chân Jacob Magellan Portman, cuốn tiểu thuyết đưa độc giả ngắm nhìn cuộc sống của một cậu nhóc 16 tuổi từ những ngày tháng rất đỗi bình thường những trăn trở, lo âu ở cái tuổi dậy thì đến với một hành trình cam go không biết ngày kết thúc. 

Jacob lớn lên cùng những câu chuyện ông nội thường hay kể. Câu chuyện về thuở thiếu thời ông đã trải qua tại một trại trẻ được phù phép, nơi sinh sống của những đứa trẻ sở hữu năng lực phi thường: một cô bé biết bay, một cậu bé tàng hình, một cô bé có thể tạo ra lửa…

Năm tháng qua đi, Jacob dần không còn tin vào những điều phù phiếm, cậu đặt những bước đầu tiên vào một cuộc sống nhung lụa êm đềm do bố mẹ bày sẵn trước mắt. Nhưng cái chết đột ngột của người ông cậu kính yêu nhất đã làm thay đổi tất cả. Theo lời trăng trối của ông, cậu lên tàu tìm kiếm trại trẻ từng được nhắc đến trong những câu chuyện xa xưa. Và chính tại đây, cậu không chỉ khám phá ra bí mật động trời về thân thế của mình, mà còn bước chân vào một cuộc phiêu lưu sẽ biến cuộc đời tầm thường tẻ nhạt vốn có của cậu sang một trang mới, một hành trình vĩnh viễn không thể quay đầu…


Khi chúng ta còn là những đứa trẻ
Khi chúng ta mới chỉ là những đứa trẻ con vẫn còn đang đeo cặp sách ngày ngày đến trường rồi về nhà, cuộc sống lúc bấy giờ giản đơn lắm. Chúng ta không bị những thứ thuộc về thế giới của người trưởng thành đè gánh trên vai. Những giây phút cầm cuốn Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine trên tay, tôi thấy tấm tắc kỳ lạ bởi làm người lớn thật mệt mỏi, bao nhiêu điều phải âu lo suy nghĩ. Khoảng thời gian khi Jacob chỉ là một cậu bé 6 tuổi, tôi nhận thấy dường như đó là lúc mà cậu vui vẻ và hạnh phúc nhất. Cách dùng từ và sự hành văn của Riggs lúc này cũng xao xuyến, nhẹ nhàng và gây rung cảm đến lạ thường. Tác giả đưa chúng ta vào thế giới của Jacob 6 tuổi, không còn những buổi trị liệu tâm lý, không còn những mối quan hệ tưởng đẹp đẽ nhưng thực chất lại rỗng tuếch và xa lạ. Mọi thứ chỉ xoay quanh những lần kể chuyện về cuộc sống trước đây của ông nội trước khi đi ngủ hay những lần ông cho Jacob ngắm nhìn những bức ảnh cuộc sống êm đềm tại trại trẻ. 

Thú thật với độc giả, tôi khá bực bội khi phải chứng kiến cuộc sống “người lớn” khi nhân vật chính của chúng ta đang ngày ngày đương đầu. Nó như một lời gợi nhớ, một sự đánh thức, một lời cảnh báo rằng đúng, đúng vậy, trưởng thành thật mệt mỏi và dường như con người ta đã đánh mất bản thân mình khi tự đắm chìm bản thân vào những thứ phù phiếm của thế giới “người lớn”. 

Nhưng rồi, mọi thứ lại trở nên tốt đẹp hơn, Jacob đã tìm lại bản thân - thứ cậu ta đã đánh mất kể từ khi cậu không còn tin vào những câu chuyện “thần tiên” của ông nội. Sự tìm lại này diễn ra chậm rãi và mạch lạc, nhưng lại không yếu ớt. Lần đầu tiên khi tìm đến trại trẻ là một trải nghiệm không mất vui vẻ. Một cuộc hành trình dài gần 2 ngày với vô số lần chuyển máy bay, rồi nào là xe ô tô rồi phà để đến với một hòn đảo hoang vu nằm ở giữa đại dương. Tôi coi đây chính là sự thức tỉnh đầu tiên của Jacob, khi mà cậu đã vứt bỏ cái lo nghĩ thừa thãi quá nhiều của tuổi mới lớn để mà (có thể là) lần cuối cùng vùng lên tìm kiếm những ký ức về ông nội - hay chính là tìm kiếm bản thân mình.

Rồi “khách sạn” chỉ có duy nhất một phòng hay điện chỉ có thể dùng đến 10h đêm vì không có đủ dầu cho máy phát điện, những bữa ăn không mấy hấp dẫn hay những đứa trẻ xấu tính cùng tuổi cũng không thể ngăn cản Jacob đến với Trại trẻ. Cả làn sương mù dày đặc, con đường bùn lầy lội bẩn thỉu, những con cừu buồn thiu với bộ lông dày đặc bùn đất và chính chất thải của chúng…. cũng vậy. Đáng tiếc, ngôi nhà đẹp đẽ thần tiên không giống một chút nào với những lời ông nội Abe đã kể. Ngôi nhà mọc đầy cỏ dại, mang nặng dấu vết của thời gian và bom đạn, những con người sinh sống tại đó cũng không còn có mặt trên cõi đời này nữa (theo lời kể của dân cư trên đảo). 

Jacob đã thức tỉnh lần nữa! Có lẽ sợ hãi rằng một ngày nào đó mình sẽ hối hận, Jacob gạt bỏ mọi sự sợ hãi và chần chừ để một lần nữa tìm đến ngôi nhà đã bị tàn phá nặng nề phía bên kia đảo. Quả thật đây là một cố gắng không hề uổng phí! Jacob đã tìm đến đường hầm dẫn đến Vòng (dù bằng một cách không mấy vui vẻ), tìm đến những con người và cảnh vật xuất hiện trong các câu chuyện của ông nội, tìm được một phần nào đó của bản thân mà cậu đã đánh mất.

Tôi vui, vui lắm khi mà cuối cùng thì cái ngây thơ, vui vẻ và hồn nhiên ban đầu đã trở về với Jacob. Tình yêu to lớn của người ông dành cho cháu, tình yêu mới chớm nở của nhân vật chính và cô bé có thể tạo ra lửa hay tình bạn giữa Jacob và lũ trẻ thực sự đã đánh động tôi. Người lớn hay than vãn rằng trẻ con thật phiền, chúng nhõng nhẽo, khóc lóc và khó chiều. Nhưng sự thật là, trẻ con có những suy nghĩ, có logic riêng của trẻ con. Nó sáng tạo, không theo lẽ “thường” (cái lẽ mà do những người “trưởng thành” áp đặt lên thế giới) và quan trọng hơn cả, là nó vô lo vô nghĩ và tràn ngập những điều tích cực. Có lẽ vì vậy mà “người lớn” lại vừa than phiền trẻ con nhưng cùng lúc lại ước ao, yêu chiều chúng đến thể bởi đó là cách duy nhất để họ trở lại với đúng bản chất ban đầu - thứ mà chúng ta đã bị chai mòn dần trong cuộc sống.
 


Hồn Rỗng - Sự khắc nghiệt của Lớn Lên

Mọi câu chuyện cần có một kẻ xấu, và trong tiểu thuyết Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine, chúng ta có nhiều hơn một kẻ xấu và Riggs gọi chúng là Hồn Rỗng. Đây là một cách đặt tên và một sự dịch thuật hay bởi như trong tiểu thuyết đã nói:

Phải mất một thời gian chúng ta mới nhận ra những con quái vật ghê tởm miệng đầy xúc tu kia trên thực tế là những người anh em lạc lối của chúng ta, những kẻ đã bò ra khỏi miệng hố bốc khói nghi ngút mà thí nghiệm của chúng để lại. Thay vì trở thành các vị thần, chúng đã biến mình thành những con quái vật.

Một giả thuyết là chúng đã đảo ngược tuổi tác cho bản thân về một thời điểm thậm chí linh hồn của chúng còn chưa được hình thành, và cũng vì thế chúng ta gọi chúng là đám Hồn Rỗng - vì chúng không có trái tim hay linh hồn. Trong một sự trớ trêu mỉa mai, chúng đã đạt được sự bất tử vốn tìm kiếm.

Có lẽ do tôi nghĩ nhiều và viết quá nhiều, nhưng tôi nhận thấy một sự so sánh, biến đổi ở trong cách xây dựng nhân vật phản diện của tiểu thuyết. Những người đặc biệt theo như tác giả đã viết thì được chia thành hai trường phái, tôi tự gọi là chủ hòa - những người cảm thấy đã thỏa mãn với cuộc sống hiện tại và những kẻ bất cần - điều đã biến họ thành những con quái vật miệng đầy xúc tu kia. Tôi có cảm giác đây như một sự ẩn dụ: bọn Hồn Rỗng chính là hiện thân của sự trưởng thành nhưng theo một cách tiêu cực.  

Có vài người khi đến tuổi, họ chọn lựa việc sống an nhàn không có biến động. Những người khác, dù mục tiêu ban đầu là tốt (muốn đem lại sự thay đổi và đánh bại cái thực tại cũ nát) nhưng cách hoạt động lại không mấy vẻ vang và đem lại hệ lụy khôn lường. Cả hai bên đều có cái đúng và có cái sai, sự trưởng thành cũng vậy. Chúng ta khi lớn lên, một vài người lại sợ hãi sự thay đổi mà lựa chọn ngủ quên trong những vòng lặp bản thân mình tạo ra, một số khác lại mù quáng mà tiếp cận với trưởng thành một cách manh động và thiếu lý trí. Suy cho cùng, mỗi bên đều tự cho là mình đúng và dần dấn sâu vào vũng lầy mà thế giới người lớn đã bày sẵn và quên mất việc phải giữ vững bản tâm và sống thật với chính mình.

Xin nhắc lại một lần nữa, tôi khá mừng. Mừng vì cuối tiểu thuyết, Jacob và những đứa trẻ đã quyết định rời khỏi vòng lặp và chiến đấu với lũ hồn rỗng. Tôi coi đây là một bước tiến khôn ngoan khi vừa có thể thích ứng với sự trưởng thành, vừa làm bền mạnh cái bản tâm của mình. Cùng với đó, hành trình cam go ấy cũng là một sự giúp đỡ với hổn rỗng - những kẻ đã xa cơ lỡ vận, những kẻ lạc lối.

 


Thể chất - Tinh thần

Một điều gây ấn tượng và chú ý mạnh cho tôi trong Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine chính là những buổi gặp mặt với bác sĩ tâm lý của Jacob sau khi ông của cậu qua đời. Điều này đánh động vào tâm trí tôi một cách mạnh mẽ bởi thực sự hiện nay con người ta vẫn chưa chú trọng nhiều vào sức khỏe tinh thần của con người - đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển. Những chấn thương về mặt tâm lý hay những suy nghĩ từ lứa tuổi này khi lên tới lứa tuổi khác, cũng nên được coi trọng như sự phát triển về mặt thể chất. Con người ta được tạo nên bởi xác thịt và linh hồn như thực chất cả bản thân ta lẫn những người xung quanh thưởng chỉ để ý nhiều đến vật chất mà quên để trau dồi tâm hồn. Thể chất và tinh thần đều có giá trị ngang bằng nhau. 

Trong truyện, dù cho Jacob được bố mẹ gửi đến những buổi trị liệu tâm lý nhưng thực chất trong thâm tâm cậu nhân vật chính, những chấn thương tinh thần mà cái chết của ông cậu gây ra hay những bất đồng về quan điểm giữa cậu và cha mẹ, họ hàng đều không thể vơi đi nhờ những buổi gặp mặt đấy. Như cách phát triển tâm lý của Jacob từ đầu đến cuối truyện, không khó để nhận ra ý tưởng của tác giả Riggs: Bản thân ta mới chính là người có thể giải quyết những vấn đề tinh thần ấy và làm nó trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này không có nghĩa là ta quên đi mất sự hỗ trợ và quan tâm của những người xung quang mà ta cần phải kết hợp cân bằng sự trau dồi bản thân và sự giúp đỡ của ngoại lực.

 


Kết

Một tuyệt phẩm với trí tưởng tượng không có giới hạn được kết hợp từ con chữ và những bức ảnh hoài cổ nhuốm màu gothic, Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine sẽ làm mê hoặc không chỉ thiếu niên mà cả những người trưởng thành, bất kỳ ai còn muốn tin rằng những truyện cổ tích không hoàn toàn là hư cấu.

Tôi hoàn toàn đồng ý với lời ca ngợi của dịch giả dành cho Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine, chắp bút bởi Ransom Riggs. Nói không ngoa khi tôi đã thực sự đắm mình vào câu chuyện của Jacob và những người bạn của cậu và hoàn thành cuốn sách trong một buổi chiều nọ. Hi vọng độc giả sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời trên chuyến hành trình tìm lại bản thân của Jacob và thăm thú cái hay của tuổi thơ!

 

Review chi tiết bởi: Fang - Bookademy

Hình ảnh: Fang

 

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


Xem thêm

Ransom Riggs sinh ra tại một trang trại ở Maryland năm 1980. Ông lớn lên tại Florida và theo học trường công lập Pine View School for the Gifted. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Văn học Anh từ Đại học Kenyon và Đạo diễn tại Đại học Nam California. Ông được biết đến thông qua bộ tiểu thuyết viễn tưởng Trại trẻ mồ côi của cô Peregrine.

Từ nhỏ, Riggs bắt đầu viết truyện, chụp ảnh và làm phim. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Riggs đã thử sức ở lĩnh vực Điện ảnh nhưng chưa đạt thành công, thay vào đó ông bắt đầu viết kịch bản và blog. Năm 2009, ông ghi dấu ấn đầu tiên với cuốn sách The Sherlock Holmes Handbook dự án song hành cùng bộ phim Sherlock Holmes. Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine là dự án thứ hai của ông sau khi gặp gỡ nhà xuất bản Quirk Books với một số bức ảnh ông mong muốn có thể kết nối thành một câu chuyện.

Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine là bộ sách bán chạy nhất của Riggs với hơn 5 triệu bản phát hành và được đạo diễn Tim Burton chuyển thể thành phim dưới sự chắp bút của biên kịch Jane Goldman. Cuốn sách kể cậu thiếu niên Jacob Portman vì những ám ảnh sau cái chết của ông nội nên được đưa đến một hòn đảo ngoài khơi bờ biển xứ Wales nghỉ dưỡng. Tại đây, cậu gặp cô Peregrine (người có quen biết với ông nội) và những đứa trẻ đặc biệt sở hữu năng lực kỳ lạ. Jacob biết được nguyên nhân cái chết của ông và quyết tâm hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của người.

Bộ sách hiện đã phát hành 4 tập với tựa đề: Trại trẻ mồ côi đặc biệt của cô Peregrine, Thành phố hồn rỗng, Thư viện linh hồn và cuốn mới  A map of days. Ít ai biết được, câu chuyện về những đứa trẻ đặc biệt được khởi nguồn từ sở thích sưu tập ảnh của tác giả. Sau khi nhìn ngắm những bức hình chân dung và ảnh chụp thực cảnh, Riggs nảy ra ý tưởng viết nên một câu chuyện về những con người trong đó và ông bắt đầu thêu dệt câu chuyện đầu tiên như thế.

Ngay từ khi còn là một cậu bé, Riggs say mê sưu tầm mọi thứ. Lúc đầu là thẻ bóng chày và khi trưởng thành, Riggs dành sự quan tâm đặc biệt cho những bức ảnh cổ điển, mang đến cảm giác kỳ dị đặc biệt và bắt đầu săn tìm chúng từ khoảng 10 năm trước. Bộ tiểu thuyết của Ransom Riggs đã khéo léo sử dụng những bức ảnh đen trắng được ông tìm kiếm kết hợp cùng ngôn ngữ kể chuyện điêu luyện đã mô tả thành công về thế giới của những người sở hữu năng lực đặc biệt. Riggs chia sẻ, ông đã phải tìm kiếm trong nửa triệu bức ảnh để chọn được hình ảnh phù hợp với nhân vật cô Peregrine.

Trong cuộc hành trình đi ngược về quá khứ của ông nội Abe, Jacob cùng bố đến đảo Cairnholm, nơi tọa lạc trại trẻ của cô Peregrine năm xưa. Tại đây, Jacob đã từng bước, từng bước dấn thân sâu hơn vào quá khứ của ông nội, để rồi phát hiện ra, không chỉ niềm tin của cậu được đáp đền xứng đáng, mà còn là cả một chương mới cậu chưa bao giờ mường tượng sẽ là một phần cuộc đời mình. Chương bất ngờ ấy được đặt nền móng từ chính những gì ông nội cậu đã làm, đúng hơn là từng làm, và Jacob là người hoàn thành công trình được đánh đổi bằng những hi sinh ấy.

Câu chuyện xoay vòng quanh cái trục trung tâm là Jacob và ông nội Abe. Cậu bé là tương lai không bao giờ tồn tại của ông Abe, ở một khoảng thời gian khác, cũng như quãng đời của ông nội Abe ở trại trẻ của cô Peregrine chính là quá khứ chưa bao giờ tồn tại của cậu. Người này vừa là quá khứ, đồng thời cũng là tương lai của người còn lại, nhưng tuyệt nhiên không có một chút nào trong sự vận hành ấy là ép buộc. Nó giống như một sự kế thừa đầy tự hào di sản của ông cha mình. Di sản ấy là sự can đảm, là lòng bao dung, là tình yêu, và cả hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

Bối cảnh của cuốn sách cũng là một điều thực sự thú vị. Mọi mô tả chi tiết hơn sẽ chỉ vô tình tiết lộ những phần độc đáo nhất của cuốn sách, nhưng rõ ràng Ransom Riggs đã xây dựng hết sức thành công hai nửa đối lập đã mất và vẫn đang tồn tại của thế giới này: phần đã mất ngập trong nắng hè tươi sáng trong khi thực tại chìm trong bão biển và sương mù. Cũng như niềm say mê dành cho những bức ảnh cũ của mình, Rason dẫn dắt người đọc nhập tâm vào câu chuyện theo góc nhìn của anh, theo quan điểm của anh – những điều đẹp đẽ và huy hoàng nhất luôn nằm lại trong một quá khứ rất xa. Quan điểm này có phần đồng cảm với đạo diễn Woody Allen khi ông làm nên bộ phim Midnight in Paris đẫm chất thơ và một nỗi buồn rực rỡ của mình.

Dù có là quá khứ hay tương lai, đánh mất hay tìm lại, thì từng chương truyện trong Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine luôn được duy trì ở một trạng thái tĩnh lặng vượt ra khỏi dòng chảy của không gian và thời gian – sự tĩnh lặng tuyệt đối nằm kẹt lại trong những bức ảnh đã truyền cảm hứng cho cả cuốn sách. Và cứ như thế, Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine trôi lơ lửng trong chất liệu và cảm hứng đến từ những năm đầu thập niên 30.

Cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại văn học kỳ ảo kèm đôi chút rùng rợn dành cho lứa tuổi thiếu niên này sẽ khiến bạn khó có thể rời khỏi nó cho đến trang cuối cùng.

Những bức ảnh sẽ kể gì cho bạn? Thời điểm mà chúng ra đời, bối cảnh mà chúng ghi lại, hay những lời đề tặng được ghi nắn nót ở mặt bên kia? Với Ransom Riggs, những bức ảnh cũ xưa không chỉ kể cho anh câu chuyện về khoảnh khắc ngưng đọng của thời gian mà nó lưu giữ lại, mà còn trao vào tay anh những mảnh ghép rời rạc để người nghệ sĩ thỏa chí sáng tác, lắp ghép chúng với nhau thành một câu chuyện hấp dẫn khó chối từ.

Jacob là một thiếu niên sống một cuộc đời sung túc có được từ sự giàu sang mà mẹ cậu mang lại, với một cuộc đời đã được vạch sẵn. Cậu có một người ông thường xuyên kể cho cậu nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của mình tại trại trẻ của cô Peregrine cùng những người bạn phi thường. Mỗi câu chuyện ông kể lại đều kèm theo một bức ảnh chụp mà sự kì dị của nó sánh ngang với nhân vật mà nó làm nhân chứng cho sự tồn tại. Cậu bé Jacob lớn lên, ông nội Abe của cậu thì ngày một già đi, không ai còn tin những câu chuyện hay bức ảnh của ông nữa. Không ai nói ra, nhưng mọi người nghĩ ông cần vào viện dưỡng lão, trừ Jacob. Rồi một ngày kia, ông nội qua đời trên tay Jacob. Cái chết đầy mờ ám, giữa bãi đất sau nhà, cả cơ thể bị cào xé.

Cái chết của ông Abe đã vĩnh viễn chia cắt cuộc đời Jacob thành hai nửa trước – sau đầy day dứt. Mỗi ngày đi qua của nửa sau luôn gợi cho Jacob nhớ đến một điều gì đó cậu đã vĩnh viễn mất đi ở nửa trước, tất cả được đánh dấu bằng cái chết của ông nội Abe yêu dấu.

Người ta thấy ở Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine một hình mẫu điển hình của tuổi thiếu niên nổi loạn: cố gắng tìm cách để có được tiếng nói riêng, ương bướng và tìm cách chống đối, nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương của một trái tim nhân hậu. Đó là chú bé Jacob. Jacob yêu thương hết mực ông nội Abe của mình, tình yêu ấy chính là khởi nguồn của niềm tin vững chắc cậu dành cho ông, là động lực để cậu dấn thân vào cuộc phiêu lưu chỉ với mục đích chứng minh ông mình không phải là một lão già thích bịa chuyện. Tình yêu thương chính là khởi nguồn của cam đảm, của niềm tin và cả lòng bao dung trong tâm hồn cậu thiếu niên mới lớn.


Ransom Riggs viết: “Tôi hoàn toàn không biết hầu hết những ý tưởng đến từ đâu, nhưng cô Peregrine có một nguồn gốc rất đặc biệt. Vài năm trước, tôi bắt đầu sưu tầm những bức ảnh cũ – loại hình ảnh mà bạn có thể tìm thấy ở mấy khu chợ trời, bán giá vài xu một tấm. Đó chỉ là một sở thích bình thường, chẳng có gì là nghiêm túc, nhưng tôi bắt đầu để ý thấy trong những bức ảnh mình tìm được thì những điều kỳ lạ nhất và kích thích sự tò mò nhất là những bức ảnh của trẻ con. Tôi bắt đầu tự hỏi những đứa trẻ kỳ dị ấy là ai, câu chuyện của chúng là gì, nhưng những bức ảnh đã quá cũ và không có tên tuổi nào cả, nên chẳng có cách nào có thể tìm ra. Thế nên tôi nghĩ, nếu mình không thể biết câu chuyện thật sự của chúng, thì mình sáng tạo ra vậy. Thế là những bức ảnh ra đời trước, nhưng tôi cũng không bao giờ ngừng sưu tập thêm. Ngay cả khi bắt đầu viết truyện, tôi càng tìm ra nhiều hình ảnh để lồng vào truyện hơn. Rốt cuộc là, hình ảnh ảnh hưởng đến truyện và ngược lại”.

Đối với những ai mà trí tưởng tượng kém phong phú như mình thì khi xem mỗi bức ảnh giúp mình hình dung được rõ hơn và cũng thú vị hơn nhiều. Mọi người đều cho rằng những lời ông nội của cậu kể là chuyện nhảm nhí, không có thật. Rồi một ngày kia, ông nội qua đời trên tay Jacob, cái chết mờ ám giữa bãi đất sau nhà, nơi mà có thể có quái vật truy đuổi, cào xé ông trở thành nỗi day dứt không  yên cho cậu.

Cuối cùng Jacob đã quyết định cùng bố đến đảo Cairnholm, nơi tọa lạc trại trẻ của cô Peregrine năm xưa. Và đây là nơi bắt đầu chuyến du hành về quá khứ của Jacob. Là trại trẻ mà trước kia ông sống, nơi có cô bé Emma tóc vàng lơ lửng trong không trung – lơ lửng theo đúng nghĩa đen, nơi có cặp song sinh vô diện mặc đồ trắng cũ mèm tựa như hồn ma trong phim kinh dị, nơi có cô bé nâng được đá tảng khổng lồ hay cậu bé tàng hình mặc đồ lịch thiệp, vô tư đá bóng như bao đứa trẻ khác.

Khi này thì diễn biến của truyện mới thực sự cuốn hút nên nếu bạn đọc 1/3 truyện mà vẫn thấy chưa có gì đặc biệt thì cố gắng đọc tiếp nhé. Đọc Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine càng đọc lại càng thấy cuốn hút, lúc đến đoạn này mình như bị cuốn vào đó và trải nghiệm cùng Jacob luôn. Thực sự Ransom Riggs rất tài năng khi diễn tả những điểm nổi bật của mỗi nhân vật với năng lực kỳ lạ. Đó là chuyến phiêu lưu của tình bạn, của tình thân và cả tình yêu. Jacob là hình ảnh của những người trẻ đang đứng ngưỡng cửa tuổi trưởng thành đối diện với cuộc sống thực tại nhiều lắng lo, nhưng khi ngoảnh mặt vẫn là một tâm hồn tuổi thơ tôn thờ nhiều điều kỳ thú.

Trại trẻ đặc biệt quả thực đưa mình đến một thế giới khác, một thế giới của tuổi thơ, một thế giới của tưởng tượng. Còn phiêu lưu thế nào chắc là mình không spoil thêm nữa, bạn đọc và tự cảm nhận thôi. Truyện nằm trong danh sách best seller của New York Times suốt 52 tuần liên tiếp.

“Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine” được xây dựng từ những bức ảnh kỳ quái có thật. Là quyển sách bán chạy nhất New York Times trong 52 tuần liên tiếp đủ để nói lên sức hot của tác phẩm này.

Bắt đầu đọc truyện từ cái hồi lênh đênh trên đảo Lý Sơn, đọc xong thì cũng lâu mà tính mình thì lười nhác, dễ dãi với bản thân nhiều quá nên không review. Hôm nọ đi hội sách mùa thu 2016 mình đã tậu thêm được phần 2 là Thành phố hồn rỗng (Hollow City), giờ có thêm cả phần 3 Thư viện linh hồn (Library of Souls) nữa. Thêm nữa là 30/9 này sẽ khởi chiếu phim dựa trên tiểu thuyết này có tên “Mái ấm lạ kỳ của cô Peregrine” nên quyết tâm review quyển 1 luôn.

Thật sự thì ban đầu lúc đọc quyển này mình không tập trung lắm nên cứ bỏ dở rồi để đó, đến hôm đi café sách thì mới đọc hết được nên kinh nghiệm là muốn tập trung đọc sách chắc phải đi café :3 Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine (Miss Peregrine’s Home For Peculiar Children) có thể khẳng định là một tác phẩm hay và thú vị của nhà văn người Mỹ Ransom Riggs. Nếu muốn trí tưởng tượng bay cao bay xa, nếu muốn đọc những câu chuyện kỳ ảo kèm đôi chút rung rợn này thì bạn đọc truyện này đi.

Truyện kể về chuyến phiêu lưu của cậu bé Jacob Portman 16 tuổi. Điều mình ấn tượng trong truyện này là tất cả những hình ảnh được minh họa bằng những bức ảnh chụp kỳ quái có thật. Bức ảnh này cũng là nguồn cảm hứng của tác giả khi xây dựng truyện.

Tôi ngủ thiếp đi rồi lại bừng tỉnh, lại ngủ rồi lại thức dậy, nhịp chuyển động của đoàn tàu ru tôi vào trạng thái gà gật, trong đó thật dễ dàng quên rằng tôi không chỉ là một kẻ bị động ngồi nhìn, còn ô cửa sổ của tôi không chỉ là một màn hình chiếu bóng; rằng ngoài kia mọi thứ cũng đều thực như trong này. Thế rồi dần dà tôi nhớ lại mình đã trở thành một phần thực tại này ra sao: ông nội tôi; hòn đảo; đám trẻ…”Có phải tôi thực sự đang ở đây không?…”

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Martin Parr đã từng nói: “Với nhiếp ảnh, tôi muốn tạo ra hư cấu từ thực tế”. Mặc dù không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nhưng với trí tưởng tượng kinh ngạc cùng ngòi bút điêu luyện, Ramson Riggs đã thực sự thổi hồn vào các bức ảnh ông tìm thấy ngẫu nhiên ở hội chợ, tạo nên những câu chuyện hư cấu tuyệt vời từ thực tế với series truyện “Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine”.

Câu chuyện kể về Jacob Portman và hành trình cậu khám phá ra năng lực đặc biệt của bản thân qua những cuộc phiêu lưu và chiến đấu ngộp thở cùng với những người bạn đặc biệt của mình trong một thế giới bí ẩn. Ngay từ bé, cậu đã luôn được ông nội- Abraham Portman, một người đã từng có năng lực đặc biệt như cậu – kể về một thế giới huyền bí khác xa so với thực tại nhàm chán cậu đang sống. Nhưng càng lớn, Jacob lại càng không tin vào những câu chuyện ấy, cậu cho rằng ông chỉ đang kể chuyện cổ tích và ông đang bị lẫn nặng. Cho đến một ngày, ông cậu bị giết hại bởi một sinh vật gớm ghiếc mà chỉ mình cậu nhìn thấy, mọi quan niệm trong cậu mới thực sự thay đổi… Jacob quyết định đi tới Cairnholm để giải đáp những bí mật về ông và cũng để giải thoát cho mình khỏi những cơn ác mộng kinh hoàng. Và chính tại đây, số phận cậu đã rẽ bước. Cậu lạc vào một Vòng thời gian, nơi cậu gặp cô phụ trách năm xưa của ông nội và gặp những người bạn phi thường ông vẫn thường hay kể: Emma – cô gái tạo ra lửa, Millard – cậu bé tàng hình, Olive – cô bé biết bay,… Cùng với họ, Jacob đã chiến đấu hết mình chống lại thế lực xấu xa với những âm mưu thâm độc để giải cứu thế giới…

Gấp lại những trang sách cuối cùng, mình thực sự nể phục trí tưởng tượng độc đáo của Ramson Riggs. Chỉ từ những bức ảnh ngẫu nhiên, chẳng có chút liên quan, ông đã tạo ra cả một thế giới kỳ diệu với cốt truyện xoay vần, thống nhất, gay cấn và hồi hộp. Ramson đã đưa chúng ta từ Florida, Mỹ tới Cairnholm, xứ Wales đến London, Anh của cả quá khứ và hiện tại, của cả thế giới đời thường và phép thuật mà không hề có chút gượng ép. Mỗi địa điểm của từng mốc thời gian đều đượm trong mình không khí thời đại rất rõ nét. Không những thế, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật cũng được tác giả sử dụng triệt để khi khắc họa nhân vật Jacob với những diễn biến phức tạp trong từng hành động, với những giằng xé nội tâm giữa hiện thực và quá khứ, giữa tình yêu và sự thật phũ phàng, giữa những khao khát đời thường và sứ mệnh giải cứu thế giới. Ba tập truyện nối tiếp nhau, khá dày nhưng vẫn luôn giữ vững được mạch truyện và phong độ viết từ đầu đến cuối, ngôn ngữ trau chuốt, giàu hình ảnh và sức gợi… Với mình, đây quả thực là một series xuất sắc.

Tác phẩm là một câu chuyện kì ảo dành cho thanh thiếu niên, kể về hành trình khám phá bản thân của Jacob – cậu thiếu niên mười sáu tuổi. Jacob đã luôn thần tượng ông nội Portman và những câu chuyện hệt như cổ tích của ông: cậu bé vô hình, cô gái bay hay cậu chàng lực sĩ. Jacob đã luôn tin những lời ông nói từ năm lên sáu tuổi, cho đến sau này cậu cảm thấy điều thần tiên không thể là sự thật. Cậu chối bỏ quá khứ của ông nội, khiến ông chìm trong nỗi cô đơn về một quá khứ không thể chia sẻ cùng ai.

Cho đến một ngày, cậu nhận được điện thoại khẩn cấp từ ông. Jacob trở về nhà và tìm thấy xác ông trong vườn. Điều kinh khủng hơn chính là việc cậu đã thấy một con quái vật như lời kể của ông xuất hiện ở nơi ông mất. Nỗi mất mát, sự nghi hoặc khiến Jacob lâm vào khủng hoảng và ba mẹ cậu phải tìm đến bác sĩ tâm lý Golan để giúp đỡ cậu. Dựa theo những lời trăn trối của ông nội về “hòn đảo”, “cái vòng”, “lá thư”, “Emerson”, Jacob tìm được lá thư với dấu bưu điện từ Đảo Cairnholm. Với sự ủng hộ của bác sĩ tâm lý, Jacob lên đường đến đảo cùng ba mình – một nhà nghiên cứu chim. Trong lúc ba cậu bận rộn với việc khám phá thế giới loài chim, cậu đắm mình vào hành trình đi tìm trại trẻ - nơi ông cậu đã từng ở và luôn nhắc đến trong những câu chuyện, nơi ẩn giấu những đứa trẻ đặc biệt. Hy vọng đã dường như tắt lụi trong Jacob khi nơi cậu đến tan hoang vả đổ nát, không còn dấu hiệu của sự sống. Nhưng bằng một chút may mắn, Jacob đã đi vào Vòng thời gian Ba tháng Chín năm 1940, nơi Trại trẻ không hề bị ảnh hưởng bởi cuộc đánh bom và tất cả mọi người vẫn còn sống. Những câu chuyện của ông nội đều là thật khi cậu gặp được những người bạn của ông và người quản lý trại trẻ - cô Chim Peregrine. Những đứa trẻ đặc biệt là thật, những con quái vật là thật, và còn rất nhiều những trại trẻ như trại trẻ mà ông nội cậu đã từng sống. Ở đây, không ai già đi bởi vì họ luôn sống đúng một ngày 3/9/1940.

Những ngày đầu cậu tới thăm, cuộc sống ở trại trẻ đơn giản và thần tiên – chúng không phải lo nghĩ về điều gì, và ngày mai là một điều có thể dự đoán trước được. Nhưng khi mạng sống của những người xung quanh bị đe dọa, Jacob nhận ra cậu phải đối mặt với nhiều điều kinh khủng hơn vẻ ngoài an toàn nơi đây: những xác sống, hồn rỗng. Chúng không chỉ xuất hiện trong Vòng thời gian mà còn truy đuổi đến người thân và gia đình của Jacob. Đối với người bình thường, quái vật chỉ là tưởng tượng; nhưng chính những thứ tưởng - chừng - không - thật đó lại ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của tất cả mọi người. Thân phận thật sự của Jacob là gì? Tại sao cậu lại tìm ra được Vòng thời gian? Ai là người đã giết ông nội cậu? Những vụ mất tích của Chủ dòng thời gian là do đâu?

Đây là cuốn đầu tiên trong series gồm ba quyển của tác giả Ransom Rigg: Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine, Thư Viện Linh Hồn, Thành Phố Hồn Rỗng. Quyển sách này mang tính chất giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh nhiều hơn, là mở đầu cho cuộc phiêu lưu ở những quyển tiếp theo. Những thành công mà tác phẩm đạt được như nằm trong danh sách The New York Times Best Sellers dành cho sách nhiều tập trong 70 tuần, được dựng thành phim điện ảnh vào năm 2016 cho thấy sức hút mạnh mẽ của quyển sách này. Bất kì người đọc trưởng thành nào muốn quay về tuổi thơ, hãy đọc quyển sách để cảm thấy điều kì diệu không chỉ nằm trong trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Người lớn cũng có quyền tin vào một thế giới đầy phép màu.

Tớ đã từng nghĩ rằng nếu chúng ta trở thành người lớn thì ta có thể làm được bất cứ điều gì ta muốn nhưng hóa ra tớ đã lầm, chính vòng lặp thời gian của những đứa trẻ đặc biệt này đã khiến tớ trân trọng cảm giác khi được là trẻ con của mình. Việc những đứa trẻ này phải đối diện với quái vật Hồn Rỗng không chỉ là những trở ngại và khó khăn của chúng mà còn là của cả những độc giả như mình trên hành trình trưởng thành., việc có trở thành những con quái vật hay ăn mắt của đồng loại hay không chính là việc ta có đang trở thành mẫu người vô hồn vô cảm trong cuộc sống hay không. Mình đã rất vui khi tìm thấy được cuốn tiểu thuyết này. Mặc dù được gán mác là văn học thiếu nhi nhưng câu chuyện mà Ramson Riggs đã viết lại chính là những chiêm nghiệm về cuộc sống và cuộc đời mà mỗi chúng ta dù đang ở độ tuổi nào cũng cần phải suy ngẫm và thay đổi. Mặc dù thể loại văn học giả tưởng ở Việt Nam vẫn chưa thịnh hành và nổi tiếng như bộ tiểu thuyết “Harry Potter’ nhưng giá trị nhân văn và cốt truyện như những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimms chắc chắn sẽ khiến bạn phải đọc tất cả 6 chương của chuỗi văn học đầy tiềm năng này.