Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình thật kỳ quặc vì cảm thấy hoàn toàn choáng ngợp khi xung quanh có nhiều tiếng ồn, mùi hương nồng nặc hay ánh sáng chói lóa, đặc biệt là đèn huỳnh quang? Bạn đã bao giờ bị gọi là "quá nhạy cảm" hoặc "quá nhút nhát? Bạn có đặc biệt kích thích với những thay đổi về nhiệt độ, ngôn ngữ cơ thể và môi trường xung quanh? Tâm trạng của người khác có ảnh hưởng đến bạn không? Nếu vậy, bạn có thể rất nhạy cảm, và cuốn sách sau đây sinh ra để dành cho bạn.
Tác giả của ấn phẩm Người Nhạy Cảm là Elaine N. Aron - một giáo sư, nhà trị liệu tâm lý và tiểu thuyết gia. Là một người nhạy cảm mạnh, Aron cảm thông cho những con người phải đấu tranh với sự mâu thuẫn trong tâm lý hơn ai khác; cô đã khóc rất nhiều tuyệt vọng tách biệt mình khỏi thế giới hỗn loạn. Tác giả chia sẻ đã phải trải qua một hành trình dài từ trải nghiệm cá nhân đến nghiên cứu thực tiễn để thuyết phục bản thân rằng nhạy cảm không phải một khiếm khuyết, mà đó là một món quà vô cùng độc đáo, và giờ đây cô cảm thấy biết ơn khi trở thành một phần của nhóm người có tính cách thiểu số này. Với niềm tin mang tiếng nói của cộng đồng người nhạy cảm rộng rãi đến với thế giới, Aron ấp ủ đứa con tinh thần của mình từ năm 1992 và sau bốn năm, cuốn sách khoác lên mình tựa đề Người Nhạy Cảm chính thức ra mắt công chúng, không ngừng gây bão trong bảng xếp hạng sách bạn chạy của rất nhiều quốc gia.
Cuốn sách được chia làm mười chương: ở hai chương đầu, tác giả chủ yếu phổ cập người đọc những kiến thức lý thuyết căn bản và chuyên sâu của tính cách nhạy cảm; hai chương tiếp theo đề cập tầm ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý này tới sức khỏe đời sống của mỗi cá nhân và sự liên hệ với tuổi thơ của từng người; ba chương tiếp theo được sử dụng để thảo luận những tình thế mà người nhạy cảm thường xuyên đối mặt trong các mối quan hệ xã hội, mối quan hệ thân thiết, trong công việc; và những chương cuối cùng là những liều thuốc hàn gắn tâm hồn người nhạy cảm.
Ở cuốn sách độc đáo này, nhà tâm lý học nghiên cứu Elaine Aron đã nghiên cứu thành công nền tảng tâm lý học mới bằng cách xác định một đặc điểm tính cách chưa được chú ý nhiều trong quá khứ, một đặc thù mà ước khoảng 15-20% dân số mang trong mình. Vậy nhạy cảm qua quan điểm của tác giả là như thế nào?
Nhạy cảm là như thế nào?
Tính cách này biểu hiện một hệ thống thần kinh rất nhạy cảm đã hình thành từ khi sinh ra và có thể được di truyền, cũng giống như mọi đặc điểm tâm lý hoặc đặc điểm thể chất khác. Những người nhạy cảm cao phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều với hầu hết mọi thứ - từ các đặc điểm giác quan của các đối tượng và sự kiện, đến sự tinh vi của cảm xúc nội tâm và các mối quan hệ giữa con người với nhau. Người nhạy cảm tiếp nhận rất nhiều thông tin, có nghĩa là họ có thể bị choáng ngợp bởi ánh sáng, tiếng ồn lớn, mùi hương và sự lộn xộn, họ cũng gặp phải các triệu chứng căng thẳng về thể chất hơn - cơ thể của họ phản ứng dữ dội hơn với mọi vật; đây có thể là một điều phiền toái bởi vì nó khiến người nhạy cảm phải trăn trở quá nhiều. Nhưng xét về mặt tích cực, họ lại sở hữu trực giác tinh tế mà những người khác không có, điển hình là việc thấu hiểu tâm trạng của người khác, điều này mang lại cho người nhạy cảm một tài năng hứa hẹn về sự sáng tạo, cái nhìn sâu sắc và sự quan tâm — tất cả những đặc điểm mà xã hội của chúng ta cần. Do nhận thức ngày càng cao về mọi sự vật trong môi trường của họ, những người nhạy cảm cao trong nền văn hóa của chúng ta thường bị nghi ngờ về tính kiên định, và được khuyến khích phát triển cứng cáp hơn. Cô Aron chỉ ra rằng những người có đặc điểm này thường bị gán ghép nhầm lẫn với thuật ngữ khác trong quá khứ, các tên gọi khác được các chuyên gia mặc định điển hình là "nhút nhát", "hướng nội" hoặc "loạn thần kinh".
Không bằng lòng với nghiên cứu của các chuyên gia đi trước, tác giả quyết định dành rất nhiều thời gian để xác định và mô tả chuẩn xác đặc điểm của nhạy cảm bằng cách cung cấp tất cả bằng chứng nghiên cứu và giai thoại của những người tham gia phỏng vấn vì vấn đề này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân; và bằng chứng cho thấy việc trở thành một người có độ nhạy cảm cao vừa là một may mắn vừa là một gánh nặng, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau tác động cuộc đời của nhân vật đó. Mặc dù sở hữu đặc điểm này có thể khiến cuộc sống gặp nhiều thử thách nhưng tác giả, bản thân là một người nhạy cảm, nhấn mạnh rằng bản tính này không phải là một chứng rối loạn tâm lý hay một khiếm khuyết nhân cách cần phải loại bỏ.
“Chính sự nhầm lẫn giữa nhạy cảm và tâm lý bất ổn cùng tác động của chấn thương thời thơ ấu là một trong những lý do dẫn tới định kiến tiêu cực về người nhạy cảm.”
Đặc điểm nhạy cảm chỉ đơn thuần là một phần tính cách của mỗi cá nhân; một người sinh ra có tính nhạy cảm cao không nhất thiết bị giới hạn khả năng hưởng thụ cuộc sống, nhưng đặc tính ấy sẽ tác động đến mọi thứ, từ các mối quan hệ xã hội đến công việc, sinh hoạt của người đó. Tác giả chỉ ra rằng, xã hội thường không đánh giá cao những người sở hữu dạng tính cách này, đặc biệt là ở trẻ em và nam giới; vì vậy nếu bạn là hoặc biết một người nhạy cảm cao, cuốn sách sẽ này cung cấp những hiểu biết sâu sắc mang tính xây dựng, đem đến cái nhìn mới mẻ hơn, khoan dung hơn về trạng thái tâm lý độc nhất này ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trải nghiệm của những đứa bé nhạy cảm
Trong quá trình thực hiện bài nghiên cứu, Aron chỉ ra rằng có hai kiểu người nhạy cảm phổ biến: Một số người khổ sở với tình trạng trầm cảm và lo lắng, số còn lại hiếm khi rơi vào tình cảnh như vậy. Điều gì có khả năng tác động tạo nên sự khác biệt rõ rệt trong tâm lý của hai nhóm nhạy cảm như vậy? Câu trả lời đến từ sự liên hệ với thời thơ ấu, theo như tác giả giải thích:
“Hầu hết những người nhạy cảm bị trầm cảm lo lắng đều có một tuổi thơ khốn khó. Những người không nhạy cảm với tuổi thơ khốn khó không bị trầm cảm, lo lắng đến vậy.”
Đôi khi, vì nhiều lý do khác nhau có thể bắt nguồn từ vết thương tâm lý của chính người chăm sóc (bố mẹ, ông bà, vú nuôi,...), sự dạy dỗ gắn bó với đứa trẻ trở nên thiếu cẩn trọng. Trẻ con có thể đánh hơi được việc người chăm sóc mình có những dấu hiệu bất ổn và không an toàn, khiến chúng trở nên bất an khi phải duy trì một mối quan hệ bền vững và tìm cách thoát khỏi môi trường này. Một thái cực khác tệ hơn là người chăm sóc có hành vi đe dọa, bạo lực hoặc từ chối săn sóc đứa trẻ; và thói cư xử như vậy dẫn đến sự chấn thương tâm lý không thể tránh khỏi ở trẻ em. Các bậc phụ huynh cần thấu hiểu đứa con của mình để xây dựng chiến lược từng bước, họ hơn bất kỳ ai khác có thể đánh giá tường tận hành vi biểu hiện của con mình.
Một người nhạy cảm không thể nào mãi nhốt mình trong một không gian kín, đến lúc họ phải mạo hiểm bước ra thế giới, và nơi đầu tiên thử thách hành trình của họ chính là môi trường trường học. Hành trình đi học của các đứa trẻ được chia thành một loạt các giai đoạn, đáng chú ý nhất là tuổi thanh xuân đầy sóng gió, với tất cả những thay đổi sinh học. Đôi khi chúng quá tải với công việc học tập, choáng ngợp những ý tưởng táo bạo, kích động vì sự mâu thuẫn của cảm xúc; để kiềm chế nỗi sợ hãi này, các bạn trẻ cần chấp nhận rủi ro và khám phá nhiều hơn những gì cơ thể có thể xử lý. Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra lời khuyên rằng các học sinh cần học cách đương đầu với sự đe dọa từ kích động bằng các phương pháp gồm: cố gắng thoát khỏi tình huống hoặc kiểm soát tình hình, tạo niềm tin chịu đựng theo cách sáng tạo nào đó, tìm kiếm một người có khả năng giúp đỡ, tránh xa mọi người để không ai suy xét phản ứng của mình, cố gắng bầu bạn bên những người mình thật sự tin tưởng (gia đình, bạn thân), tự hứa với bản thân sẽ nỗ lực đế tránh những huống tương tự, và tập trung vào việc bình tâm hoặc cố gắng tiếp nhận thông tin từng bước một.
Phương pháp tiếp cận tinh thần
Trong công việc
Những người nhạy cảm cao hẳn không ai ưa thích việc làm quá giờ, hoặc môi trường làm việc căng thẳng và kích thích quá mức; họ cũng có xu hướng đánh giá thấp giá trị vai trò, sự tận tâm thầm lặng và khả năng đóng góp của bản thân. Nếu cảm giác bản thân mình đang rơi vào một trong những trường hợp trên, thì đấy là thời điểm thích hợp để một cá nhân nhạy cảm ngừng lại và điều chỉnh; họ cần phải nhắc nhở bản thân phải thực tế, không bị chìm đắm trong áp lực của việc sống theo kỳ vọng của người khác. Và nếu rơi vào tình trạng tuyệt vọng, họ nên điều chỉnh tính cầu toàn dễ lo lắng của mình và từ bỏ một số ý tưởng táo bạo luôn vấn vương trong bộ não.
Một nghiên cứu thú vị chỉ ra rằng, số đông các người nhạy cảm luôn nắm giữ vị trí tối cao trong xã hội hoặc một tổ chức. Để ủng hộ cho giả thuyết này, tác giả Aron đưa ra một phép so sánh vô cùng sáng tạo:
“Xã hội ngày càng khắc nghiệt, bao gồm toàn bộ xã hội phương Tây, xuất phát từ việc phân chia con người thành hai giai cấp, các chiến binh cùng nhà vua càng trở nên bốc đồng, trái lại, tầng lớp thầy tu, người phân xử, cố vấn càng chín hắn và hiểu biết sâu rộng. Tôi cũng đã nhấn mạnh sự cân bằng giữa hai tầng lớp này là nhân tố thiết yếu dẫn đến sự tồn tại của một nền văn hóa, và hầu hết người nhạy cảm đều hướng đến tầng lớp cố vấn hoàng gia một cách rất tự nhiên.”
Ở đây, tác giả đang chứng mình rằng, “những người theo phong cách chiến binh” thường đưa ra những quyết định bộc phát, bừa bãi, và thiếu cân nhắc; chính vì vậy, sự có mặt kịp thời của những người “thuộc tầng lớp cố vấn hoàng gia” sẽ mang lại những lời khuyên sáng suốt, đem lại một kết quả khả quan.
Vì vậy, đối với những người nhạy cảm, không ai có quyền thúc ép họ phải tạo dựng một hình mẫu lý tưởng hóa để hóa nhập với xã hội, họ cũng không cần phải đánh đổi bản chất đích thực của mình để hóa trang thành một nhân vật mà họ buộc thể hiện. Đó chắc chắn không phải tự do. Họ là người duy nhất có thế định nghĩa bản chất thật của mình, chứ không phải bản chất mà người khác muốn họ trở thành.
“Bạn được sinh ra để trở thành những nhà cố vấn, những người suy nghĩ và những vị lãnh đạo tâm linh có phẩm hạnh của xã hội. Bạn có đủ mọi lý do để cảm thấy tự hào.”
Trong các mối quan hệ
Nghiên cứu của tác giả cho biết người nhạy cảm thường yêu mãnh liệt hơn những người khác. Bất kỳ thời điểm nào trong một mối quan hệ, họ đều có thể trở nên quá phấn khích, đây có vẻ là một trải nghiệm đầy mơ mộng nhưng cũng có khả năng mang lại đau khổ, và đáng tiếc thay những mối tình tiêu biểu xảy ra thường xuyên ở người nhạy cảm là những tình yêu không được hồi đáp. Việc không được đối phương chấp nhận tình cảm của mình có thể tạo nên một làn sóng dữ dội trong cảm xúc của họ, hoặc giả sử mối quan hệ đó tiến triển theo chiều hướng tích cực hơn, thì những tưởng tượng lý tưởng hóa đối phương ngớ ngẩn sẽ khiến họ phản ứng mãnh liệt, và điều này rõ ràng có thể giết chết tình cảm của hai bên.
“Tình yêu với những cảm xúc dữ dội thường bị đối phương khước từ, bởi nó quá phi thực tế và đầy những đòi hỏi khắt khe. Đối phương thường cảm thấy ngột ngạt và không thực sự được yêu, bởi mọi cảm xúc của họ đều bị cân nhắc. Trên thực tế, có vẻ như người với tình yêu dữ dội không thực sự thấu hiểu người mình thương, đó chỉ là ảo tưởng về sự hoàn mĩ không thể chạm đến. Thậm chí, họ còn có thể vứt bỏ mọi thứ cho giấc mơ về một hạnh phúc hoàn hảo, thứ mà chỉ ngừơi kia mới có thể đem lại.”
Để hành động một cách khôn ngoan, những người nhạy cảm cao cần phải củng cố lòng tự trọng của mình và vượt qua nỗi sợ cô đơn, chứ không phải sống bất chấp. Người nhạy cảm cũng phải nhớ rằng đôi khi họ phải đối mặt với những khoảng lặng thiếu tình yêu thương từ đối phương, vì vậy cần khuyến khích nhau đối mặt với những bất an, khám phá những bí mật của bản thân hoặc tìm những sở thích chung thú vị. Có nhiều mẹo để xử lý xung đột, chẳng hạn như dành thời gian chờ và lắng nghe phản hồi.
Trong đời sống sinh hoạt
Để vượt qua mối ưu tư đày đọa quá nhiều, người nhạy cảm cao được khuyên nên xem xét bốn cách tiếp cận trị liệu: nhận thức-hành vi, giao tiếp giữa các cá nhân, thể chất và tinh thần. Họ có thể tiếp cận với một số loại thuốc phù hợp với bản thân mình. Những người nhạy cảm cũng cần bắt đầu chăm sóc cơ thể của mình theo chế độ, nếu những tình huống không quen thuộc luôn gây khó chịu, họ có xu hướng tránh né những điều đó ngay lập tức và mắc kẹt trong thế giới an toàn của riêng mình quá nhiều. Nhưng để thiết lập phản ứng nhất thời thành một thói quen dài hạn, họ có thể cần một chiến lược từng bước; tác giả đã đưa ra một vài gợi ý: trong một tình huống mới, người nhạy cảm có thể dẫn theo một người thân quen; họ có thể chia sẻ về nỗi niềm sợ hãi của bản thân, họ có thể tìm đến những nơi chốn khiến tâm trạng được khuây khỏa, nhưng cũng phải nhắc nhở bản thân tập lắng nghe những ý nghĩ dũng cảm trong thâm tâm mình.
“Có lẽ trưởng thành cực hạn là khi ta đạt được khả năng coi toàn bộ vũ trụ như một bến đỗ bình yên, và thân thể ta là một thế giới thu nhỏ, không giới hạn nằm trong lòng vũ trụ đó. Đấy gần như là một quá trình khai sáng. Nhưng hầu hết chúng ta sẽ cần đến những bến đỗ hữu hình trong một khoảng thời gian, ngay cả khi ta bắt đầu học cách xoay xở với những bến đỗ vô hình trong những tình huống khó khắn. Quả là như vậy, chỉ cần chúng ta thuộc cùng một nhóm, dù được khai sáng hay không, ta vẫn cần một bến đỗ bình yên hữu hình, một chút cảm giác đồng điệu.”
Ngoài ra, người nhạy cảm cao có thể kiềm chế sự kích thích của mình bằng cách hạn chế phản ứng với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh; dành một chút thời gian ngừng hoạt động và nghỉ ngơi cũng có ích cho tâm trạng, điều này rõ ràng bao gồm giấc ngủ, ăn uống lành mạnh và thư giãn; và họ cũng có thể tạo dựng cho mình một lối sinh hoạt lành mạnh và tịnh tâm, bao gồm thiền định, chiêm nghiệm hoặc cầu nguyện.
Lời kết
Trên thực tế, hầu hết những người nhạy cảm cao đều thông minh, chu đáo và nội tâm sâu sắc, chính vì thế những người sinh ra đã sở hữu tính cách nhạy cảm không nên cảm thấy kém cỏi vì tính cách độc đáo này. Cuốn sách Người Nhạy Cảm của Elaine N. Aron là một tuyên ngôn sống dành cho những người luôn mặc cảm tự ti về đặc điểm tâm lý mà bản thân may mắn sở hữu. Hãy biến cuộc sống muôn vàn những thử thách mới lạ thành một trải nghiệm đáng nhớ, hãy lấp đầy tâm trạng mình bằng những suy nghĩ tích cực, những nguồn năng lượng trẻ trung hạnh phúc, và hơn hết, hãy yêu thương tự hào vì sự nhạy cảm luôn tỏa nắng trong tâm hồn của mình!
Review chi tiết bởi: Diệu Anh - Bookademy.
Dành cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi là rất quan trọng khi bạn cảm thấy những yếu tố bên ngoài kích thích bạn quá mức. Tùy vào tính cách và công việc của mỗi người, thời gian nghỉ ngơi của các bạn có thể khác nhau, chẳng như nghỉ giải lao khi cảm thấy mệt mỏi trong một buổi làm việc, hội họp, giao lưu… hoặc một khoảng thời gian dài để cân bằng lại cảm xúc cá nhân.
Không có gì là lãng phí nếu bạn dành thời gian để chữa lành cho bản thân. Bạn không nên đợi đến lúc cảm thấy cực kỳ choáng ngợp, mệt mỏi mới nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Thay vào đó, hãy làm điều này trước khi sức chịu đựng của bạn đạt đến giới hạn. Bạn có thể thử một vài hoạt động đơn giản như: ở một mình, tránh xa những nơi đông đúc và ồn ào, tự xoa dịu bản thân bằng những bộ phim hay…