Mặt phải - một quyển sách thú vị và hào hứng, có khả năng thay đổi cuộc sống con người - sẽ tiết lộ cho bạn biết:
Làm thế nào để biến mọi khó khăn thử thách thành lợi thế cho mình.
Những người thành công nhất tìm thấy những cơ hội tốt nhất trong cuộc sống ở đâu.
Làm thế nào để biến tổn thất thành thắng lợi, và thất bại thành thành công.
Tác phẩm Mặt phải dựa trên một ý tưởng đơn giản và tràn đầy cảm hứng. Mọi khó khăn trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ, đều chứa đựng một cơ hội tương đương hoặc lớn hơn gấp nhiều lần.
Khi tác giả Adam J Jackson lần đầu tiên phát hiện mình mắc bệnh về da, ông chưa nhận thức được rằng căn bệnh này chứa đựng một mặt phải. Đến khoảng ba thập kỷ sau, ông mới tìm thấy mặt phải khi ông phát minh ra một trong những phương pháp chữa bệnh vảy nến không sử dụng steroid thành công nhất thế giới. Và hiện nay ông đang giúp đỡ cho hàng ngàn người mắc bệnh tương tự.
Adam không phải là người duy nhất biến khó khăn thành lợi thế cho mình. Quyển sách Mặt phải tràn ngập những mẩu chuyện của những người nổi tiếng và bình thường trên khắp thế giới: từ David Hasselhoff tới Bee Gees, từ Julio Iglesias tới Oscar Pistorius, Mặt phải sẽ thay đổi cách bạn đối diện với nghịch cảnh, và giúp bạn vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống.
Ở phần mở đầu của Mặt Phải, chúng ta bắt đầu khám phá xem liệu những khó khăn trắc trở trong cuộc sống có đi liền với những cơ hội hay không, và nếu đúng như thế thì bằng cách nào chúng ta tìm ra những cơ hội đó? Trong quá trình đi tìm lời giải đáp, chúng ta đã được nghe kể về nhiều câu chuyện trong đó các khó khăn, trở ngại và đủ loại nghịch cảnh đã trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi. Từ Julio Iglesias, Richard Branson đến Oscar Pistorius và Douglas Bader, chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều mất mát về tiền của lẫn cuộc sống cá nhân, những vụ tai nạn thương tâm, những căn bệnh đe dọa tính mạng và những bi kịch của con người, tất cả đã được chuyển hoá thành những trải nghiệm tích cực và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở phần thứ 2, tác giả sẽ trích dẫn và phân tích cho chúng ta thấy được những điều mà con người có thể rút ra được từ khó khăn, với những nhân vật người thật, việc thật. Jackson sẽ chỉ ra những bí quyết của người lạc quan, họ sẽ đối mặt như thế nào đối với những “cơ hội” mà cuộc đời đặt ra; hay là chỉ ra những câu hỏi then chốt của việc chuyển hóa cuộc sống. Từ đó người đọc sẽ được chỉ ra xem đâu là bí quyết tập trung tâm trí để tìm kiếm sức mạnh bên trong.
Phần cuối cùng có thể là phần viết ngắn nhất trong toàn cuốn sách, nhưng không có nghĩa đó là phần kém quan trọng nhất. Các câu hỏi mà tác giả đặt ra cũng giống như câu hỏi trong đầu mỗi người: Liệu có mặt phải ở mọi tình huống hay không? Mặt phải ở đâu trong tình hình kinh tế suy thoái? hay là Lạc quan có luôn là sự lựa chọn tốt nhất? Tất cả sẽ được giải thích ở cuối cuốn sách này.
Mặt phải không phải là 1 cuốn sách cẩm nang vạn bí kíp cho những tình huống mà bạn gặp phải, càng không phải là cuốn sách mà bạn mở ra rồi à đây là cách giải quyết cho vấn đề của mình. Mặt phải có thể nói là kim chỉ nam dẫn lối cho suy nghĩ mới, để từ đó con người có thể dựa vào đó mà phát triển con đường riêng của mình.
Chúng ta dễ có xu hướng phó mặc đời mình cho số phận hoặc ý trời, một số khác tin rằng cuộc sống chẳng qua là một loạt những kết quả ngẫu nhiên; họ tung xúc xắc, chắp tay và cầu xin thần May Mắn mỉm cười với mình. Nhưng khi nhìn vào cuộc sống của những người như Harland Sanders và Michael Bloomberg, hay Walt Disney và Peter Jones, chúng ta đi đến một kết luận rất khác về điều thật sự chi phối vận mệnh mình.
Trong nhiều trường hợp, rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà những trắc trở hay thất bại được chuyển hóa thành cơ hội. Dù không ai biết trước được kết quả, nhưng việc những người trong cuộc tìm ra một điều gì đó giúp dựng nên một tương lai ngập tràn hy vọng, thì theo nhiều cách, hoàn toàn có thể dự đoán được. Đó là vì trắc trở nào cũng mang theo cơ hội, và chỉ một số người có niềm tin và thái độ đặc biệt mới tìm ra cơ hội đó mà thôi.
Đây là chiếc chìa khóa đầu tiên đến với mặt phải. Việc tìm thấy những cơ hội tiềm ẩn trong cuộc sống không phụ thuộc vào những gì xảy đến với ta; vấn đề là chúng ta phản ứng như thế nào đối với những thử thách. Những người như Hsieh Kun-Shan và W. Mitchell đã chứng tỏ rằng, ngay cả khi đối mặt với bi kịch cùng cực, chúng ta vẫn có thể xây dựng một cuộc sống mới, theo nhiều góc độ, còn phong phú và ý nghĩa hơn xưa. Lý do là vì họ là những người hết sức lạc quan; họ mong đợi một cách tích cực vào tương lai.
Nếu không nhờ sự lạc quan, khi đối mặt với thất bại tài chính, Harland Sanders có thể đã phá sản và sống khổ sở cho đến cuối đời, Peter Jones có thể không trở thành Rồng và Anthony Robbins có thể sống lay lắt trên đường phố. Chúng ta biết rằng nhờ tinh thần lạc quan, chúng ta có thêm cơ hội hồi phục sau những căn bệnh chết người; và các nhà tâm lý học hàng đầu thế giới khám phá ra rằng trong bất cứ điều gì chúng ta lựa chọn, với cái nhìn lạc quan, khả năng thành công của chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều. Ngoài việc trở nên lạc quan hơn, những người tìm thấy mặt phải có khuynh hướng suy nghĩ như một doanh nhân; họ tích cực tìm kiếm cơ hội và lợi ích. Họ hướng đến tương lai, tập trung vào tiềm năng của mình và các khả năng trước mắt. Hsieh Kun-Shan giải thích đây là bí quyết để anh vượt qua những thử thách khắc nghiệt sau vụ tai nạn. Anh nói, “Tôi luôn nghĩ đến mặt tốt đẹp, trân trọng giá trị của những điều còn lại hơn là chìm đắm trong hối tiếc về những gì đã mất." Khi chúng ta tìm hiểu cuộc đời của Ben Underwood – cậu bé không có đôi mắt nhưng tự học cách để nhìn, và Amit Goffer - người đàn ông bằng chính bi kịch bản thân và tài năng của mình đã giúp cho người bị liệt bước đi trở lại, chúng ta nhận ra rằng không có gì là không thể. Với một thái độ đúng đắn, vẫn luôn có những khả năng và tiềm năng chưa được khám phá trong tương lai.
Việc tìm ra mặt phải đôi khi buộc chúng ta phải lùi lại một bước để nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và quan điểm khác nhau. Như cách Edison đã làm trong suốt cuộc đời ông, phân tích xem mình học được những gì từ trải nghiệm này và hoàn cảnh này đã bộc lộ ra nhu cầu gì có thể dẫn đến các khám phá mới. Nếu bản thân Amit Goffer không bị trói buộc vào chiếc xe lăn, ông sẽ không được thúc đẩy tìm kiếm những giải pháp khác cho người ngồi xe lăn. Điều ông đã làm có thể giúp hàng trăm ngàn người bước đi trở lại. Nếu Louis Braille không mất đi thị lực, hệ thống chữ Braille dành cho người khiếm thị có lẽ không bao giờ được phát minh.
Tương tự, vì giá phân bón vô cơ tăng phi mã nên người nông dân Steve Heard phải bắt tay vào tìm kiếm giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí và an toàn hơn cho môi trường, thậm chí cách mạng phương thức canh tác nông nghiệp trên toàn thế giới. Và, chỉ đến khi xếp hàng chờ đợi trong ba ngày dài, Sanu Kaji Shrestha mới khơi nguồn cảm hứng thay đổi cuộc sống của mình và hành động để cứu đất nước anh thoát khỏi thảm họa môi trường.
Đôi khi, mặt phải đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách chúng ta nhìn đời. Chúng ta thường không tin sự mất mát lại mang đến thành tựu, hay thất bại là bước không thể thiếu trên con đường đi tới thành công. Chúng ta không thể hình dung rằng một bi kịch, dưới bất kỳ hình thức nào, lại chứa đựng chất xúc tác cho một cuộc sống mới và nhiều ý nghĩa hơn. Nhưng, giờ đây chúng ta đã thấy rằng mất mát có thể đem lại thành công ở mặt phải. Khi Julio Iglesias đánh mất ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá của mình, anh đã tìm được một mơ ước khác và trở thành ngôi sao nhạc Pop quốc tế. Khi Mark Pollock bị mất thị lực, anh đã xây dựng một cuộc sống mới, đầy phiêu lưu và hứng thú mà anh chưa bao giờ dám mơ tới, và bằng cách đó, anh đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người trên khắp thế giới.
Tương tự, chúng ta đã thấy, nếu biết suy nghĩ đúng đắn, thất bại sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công. Một loại keo siêu dính được chế tạo bất thành lại trở thành món văn phòng phẩm không thể thiếu – giấy ghi chú Post-it, và Bette Nesmith Graham, một nhân viên đánh máy quá chán nản trước những sai sót, đã tìm ra giải pháp biến bà thành triệu phú. Những mẩu chuyện này và những câu chuyện khác nữa chứng minh rằng: nếu chúng ta có thể tập trung vào bài học rút ra từ thất bại và sự thất vọng, thì chúng ta đã đến rất gần mặt phải.
Khi chúng ta bị khó khăn ngăn trở, mặt phải sẽ mở lối cho chúng ta đi tới. Những người như W. Mitchell, Hsieh Kun-Shan và nhà soạn nhạc danh giá Kim Williams đã khẳng định rằng chúng ta không những có thể đương đầu với những nỗi đau và mất mát khôn cùng mà còn có khả năng biến đau khổ thành sức mạnh không tưởng làm thay đổi cuộc sống. Những người như Tiến sĩ Viktor Frankl sống sót qua nạn tàn sát người Do Thái, Joni Eareckson Tada vượt qua được tổn thương và cựu chiến binh như Đại úy Gerald Coffee, đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học lao vào tìm hiểu bằng cách nào và tại sao mà những người từng vượt qua nghịch cảnh cùng cực, đau khổ lại trở nên mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn. Và chắc chắn họ đã trưởng thành hơn nhiều trong suy nghĩ hoặc tâm hồn sau những trải nghiệm. Các kết quả nghiên cứu cho thấy bất kỳ nghịch cảnh nào cũng chứa đựng một mặt phải bởi luôn luôn có một ý nghĩa sâu xa đằng sau nó. Tiến sĩ Viktor Frankl đã khám phá qua những trải nghiệm của ông – một người sống sót sau vụ thảm sát người Do Thái, và qua công việc của mình – một chuyên gia tâm thần học, rằng tất cả những nỗi đau đều có ý nghĩa và đó cũng là ý nghĩa sống mà sâu thẳm trong mỗi chúng ta khao khát, hơn bất cứ điều gì.
Những câu chuyện về mặt phải nhắc nhở chúng ta rằng có lẽ điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình yêu và sự ủng hộ của gia đình, bè bạn. Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào chất lượng những mối quan hệ quanh ta. Đó không chi là nguyên tắc làm nên hạnh phúc, mà hầu như tất cả những người tìm thấy mặt phải đều biết ơn những người xung quanh - gia đình và bạn bè - bởi sự đóng góp không nhỏ vào thành công của họ. Bác sĩ James Ruben, chuyên phẫu thuật mắt nhi khoa, người chữa trị cho Ben Underwood, nhấn mạnh tính quan trọng của tình yêu và sự hỗ trợ của những người thân yêu. Ông nói, "Trong đời tôi, tôi không nghĩ mình sẽ gặp được một người nào đặc biệt như Ben và tôi cũng chưa từng thấy ai đáng nể như mẹ của Ben. Tôi nghĩ đó chính là bí mật tạo nên tài năng đáng kinh ngạc của cậu bé."
Giáo sư Peter Schulman của trường Đại học Pennsylvania cảnh báo những ai tin rằng mình có thể chống chọi mọi thứ một mình: "Ngay cả một người cực kỳ lạc quan đôi khi vẫn rơi vào trạng thái bi quan khi họ gặp căng thắng nghiêm trọng hoặc kéo dài." Khi buộc phải đối mặt nghịch cảnh, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn với sự hỗ trợ của những người xung quanh ta.
Cuối cùng, thông điệp được khẳng định từ những con người đã tìm thấy mặt phải là khi mọi việc trở nên tồi tệ, chúng ta cần chuyển hóa ý nghĩa sự việc và đặt ra câu hỏi giúp ta tìm thấy những điều tích cực. Những câu hỏi then chốt tập trung khai thác khả năng trong tương lai thay vì níu giữ quá khứ. Nhưng, mặt phải cũng nhắn gửi chúng ta rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng như ta mong đợi. Chúng ta có thể ngửa mặt lên trời và nguyền rủa số mệnh, nhưng trừ khi chúng ta chấp nhận sự thật, nếu không ta sẽ không bao giờ rũ bỏ được gánh nặng thương đau và thất vọng của quá khứ để tiếp tục bước đi, nhìn về tương lai với nhiều hy vọng và mong ước.
Với tôi, bài học có ý nghĩa nhất mà mặt phải mang lại là qua những đấu tranh trong cuộc sống, tất cả chúng ta, mỗi cá nhân đều ngạc nhiên nhận ra mình mạnh mẽ đến không tưởng. Đó là khi chúng ta hiểu cuộc sống này không xảy đến với chúng ta, mà là cuộc sống diễn ra thông qua chúng ta. Không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ hiểu rằng những gì xảy đến với chúng ta hôm nay không quyết định tương lai của chúng ta; mà chính cách chúng ta ứng phó với những trở ngại sẽ quyết định phần lớn con người chúng ta mai sau.
Cứ cho rằng nghịch cảnh là tiền thân của những kết quả tích cực và tổn thương có thể giúp bản thân và tâm hồn chúng ta phát triển, người ta vẫn tự hỏi liệu sự đau đớn và thống khổ có thật sự cần thiết hay là một điều tốt hay không. Chắc chắn, như chúng ta đã thấy, nỗi đau giúp con người trưởng thành hơn và nhiều cơ hội sẽ không được tìm thấy nếu hoàn cảnh khác đi. Những sự đau khổ có “cần thiết" cho việc phát triển hay không? Giáo sư Tedeschi và Calhoun, hai chuyên gia về sự phát triển sau tổn thương đều nắm rõ điểm này. Họ nói, "Chúng tôi không cho rằng tổn thương là “tốt". Đối với hầu hết những người từng vượt qua tổn thương, thì sự phát triển sau tổn thương và nỗi đau sẽ tồn tại song song, và sự phát triển có được là từ nỗ lực đương đầu với khó khăn chứ không phải từ chính tổn thương đó”.
Các nhà chuyên môn tiếp tục nhấn mạnh rằng, “Tổn thương không cần thiết cho sự phát triển". Họ nói con người hoàn toàn có thể “trưởng thành và phát triển theo hướng tích cực chứ không nhất thiết phải trải qua bi kịch hay tổn thương". Chẳng có gì đảm bảo sau tổn thương con người sẽ trưởng thành hơn, ngay cả khi sự phát triển này được quan sát thấy ở những người đã vượt qua bi kịch cuộc sống, thì cũng chẳng ai mong muốn những khủng hoảng, mất mát và tổn thương ấy.
Đây là bài học quan trọng nhất của mặt phải; một lần nữa nó khẳng định tiềm năng trong tất cả chúng ta, không chỉ để đương đầu với gian nan thử thách mà còn để tìm ra một điều gì đó bên trong khó khăn, giúp chúng ta tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn.
Chúng ta thường ngoái nhìn quá khứ với nỗi tiếc nuối và khát khao những gì lẽ ra nên xảy ra, và khi làm như vậy, chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội phía trước. Tôi hy vọng rằng quyển sách này sẽ mang tới một thông điệp về niềm hy vọng và là nguồn động viên trong những thời điểm khó khăn và thay đổi, dù có đau buồn đến mấy. Thay vì nhìn lại, chúng ta có thể hướng về phía trước với sự tự tin và niềm kỳ vọng cho tương lai, và bằng cách đặt những câu hỏi đúng đắn, tất cả chúng ta đều có thể tìm ra mặt phải.
Review bởi: Yến Linh - Bookademy
Hình Ảnh: Hạnh Quyên - Bookademy
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Đã đọc cuốn sách này từ lâu nhưng khi đọc lại, tôi vẫn thấy kinh ngạc như lần đầu tiên. Tôi thích cách tác giả đặt ra những ví dụ rất điển hình và sống động về cách những thất bại có thể trở thành vận may của chúng ta.
Nếu bạn đang gặp rắc rối và cần nhìn thấy ánh sáng, hãy đến với cuốn sách này.