Một bản tình ca khiến độc giả của biết bao nhiêu thế hệ phải thổn thức, phải mê say. Hoa Tuylip Đen đã thổi vào tâm hồn tôi những sắc thái đẹp nhất của thiện chí, và trả lại cho tôi cái cảm xúc đắm say thuần khiết nhất của tình yêu, trong cơn hoang mang buồn bã vì những bất công và rào cản chia cắt một mối tình qua tấm song sắt.

Hoa Tuylip Đen là một tiểu thuyết lịch sử và lãng mạn được viết bởi ngòi bút tài ba của đại văn hào Alexandre Dumas, và chính thức xuất bản vào năm 1850. Câu chuyện lấy bối cảnh tại đất nước Hà Lan xinh đẹp ở thế kỷ 17, trong giai đoạn xung đột chính trị phức tạp của nền cộng hòa tại quốc gia này.

Người nghệ sĩ yêu hoa

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết - bông hoa tulip đen, được nuôi dưỡng bởi lòng đam mê tâm huyết của chàng nghệ nhân trồng hoa Cornelius van Baerle, một người bác sĩ, nghệ sĩ sở hữu gia sản kếch xù. Nhắc tới một tác phẩm nghệ thuật là nhắc tới người nghệ sĩ. Anh từ lúc ra đời đã có xuất phát điểm xa hơn tất thảy những người khác; xuất thân từ một gia đình có gia thế và người cha đỡ đầu là một chính trị gia lỗi lạc danh tiếng, tuy vậy anh không màng gì đến địa vị danh vọng hay lợi lộc mà chỉ đoái hoài nuôi dưỡng một tình yêu duy nhất với loài hoa quý tộc tulip. Cả tuổi trẻ của Cornelius chỉ dành để tìm tòi, sáng tạo và ra đời những giống hoa tulip mới - những giống hoa sặc sỡ kiêu sa nổi danh khắp toàn lục địa; anh rút lui khỏi mọi con đường chính trị mà người cha đỡ đầu quyền lực đã đề bạt cho mình. 

Trong thời kỳ “bùng nổ hoa tulip ở Hà Lan”, nơi mà ngày ấy loài thực vật này được xem như là một quốc bảo của dân tộc, đã diễn ra một cuộc thi có quy mô lớn mà số tiền thưởng hậu hĩnh đã thách thức trí tuệ và sự sáng tạo vô biên từ những nhà khoa học tài ba: lai tạo và nuôi trồng thành công hoa tulip màu đen, phải là đen tuyền, đầu tiên trên thế giới. Việc lai tạo thành công một giống hoa tulip hiếm có như vậy đã là một thử thách khó nhằn với người nghệ nhân trồng hoa, nhưng con đường nghiên cứu và bảo vệ thành quả của Cornelius còn trở nên thách thức hơn bao giờ hết vì vô tình dính líu vào những mưu đồ chính trị mà bản thân anh còn không hề quan tâm. Vậy liệu những sản phẩm của Cornelius van Baerle có thành công? Và liệu anh phải làm như thế nào để giải thoát bản thân khỏi những toan tính kế sách chính trị mà người ta tố cáo nhằm tước đoạt anh? Đó là nội dung cốt yếu mà tiểu thuyết gia Alexandre Dumas giữ độc giả thắc mắc xuyên suốt câu chuyện.

Trò chơi quyền lực  

Như đã giới thiệu, những chương đầu độc giả sẽ ngỡ ngàng lạc vào khung cảnh hỗn loạn và khắc nghiệt trong nội bộ chính quyền của đất nước Hà Lan. Hai người anh em Corneille de Witt (cha đỡ đầu của Cornelius van Baerle) và Jean de Witt (bạn thân của van Baerle) tại thời điểm này là những chính trị gia hàng đầu nhà nước, cụ thể là vị trí nghị sĩ và thủ tướng, và dẫu là người trong cùng một nước thì họ vẫn có các thế lực thù địch lăm le lật đổ chức vụ cao quý của mình. 

Trò chơi vương quyền vốn không bao giờ kết thúc có hậu; ngoài việc “không tự nguyện” thay đổi chính sách để khôi phục vị trí quốc trưởng cho hoàng thân Guillaume d’Orange, hai anh em de Witt còn phải đối mặt với ánh nhìn khinh miệt và hung hăng của đồng bào kích động và bọn Organiste (những kẻ ủng hộ triệt để Guillaume d’Orange) với cáo buộc ám sát hoàng thân và phản động Hà Lan theo Pháp. Tuy sự thật là hai nhà chức trách vĩ đại cả về tinh thần lẫn tâm hồn này hoàn toàn lương thiện, họ vẫn phải hứng chịu rìu búa từ một bộ phận dư luận bị kích động bởi Guillaume d’Orange, với mong muốn thủ tiêu hai anh em này để ông ta sớm leo lên ghế quốc trưởng. 

Một trong những phân đoạn rùng rợn nhất cuốn tiểu thuyết đã diễn ra ngay tại những chương đầu, khiến mọi độc giả không thể không bàng hoàng và kinh hãi trước sự tàn nhẫn lẫn cô độc mà hai anh em de Witt phải đối mặt. Corneille và Jean de Witt bị hãm hại theo cách không thể ám ảnh và đau đớn hơn, xác hai người bị vằm nát và treo lên hai bậc thang trưng bày giữa quảng trường trong cơn giận dữ kiêm hả dạ của đám đông điên loạn, đặt dấu chấm hết cho đế chế quyền lực của gia đình de Witt nhưng để lại tro tàn cho thế hệ dòng dõi liên quan. 

Tình hình ẩu đả chính trị nội bộ lôi kéo sự chú ý của toàn bộ nhân nhân ở mọi tầng lớp cả nước, ngoại trừ thanh niên trẻ trung đa tài Cornelius van Baerle, người đang nắm giữ một loại tài liệu tuyệt mật có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bất kỳ ai liên quan mà chính anh cũng không hề biết nội dung. Corneille de Witt đã trao cho anh bức thư này mà không tiết lộ tầm quan trọng của vấn đề, với niềm tin rằng van Baerle - người đủ khôn khéo để không bao giờ dính líu vào chính trị, vô tình có thể che đậy bí mật này. 

Éo le thay de Witt lẫn van Baerle đâu có ngờ rằng chàng nghệ sĩ trồng hoa này có một kẻ thù không đội trời chung cũng hung dữ, cũng táo tợn, cũng mãnh liệt không kém gì bọn quần chúng mù quáng đối với người cha đỡ đầu của mình. Đó là lão hàng xóm Boxtel - một tay chơi hoa tulip lâu đời và có chút ít tiếng tăm, tất nhiên những điều đó chỉ xảy ra trước khi van Baerle xuất hiện. Say mê và sùng bái hoa tulip chẳng thua gì van Baerle, Boxtel ban đầu hăng say công việc của mình với mục đích chân chính và niềm đam mê mãnh liệt là đem những đứa con tinh thần của mình cống hiến cho vẻ đẹp thanh tao của tạo hóa đến toàn lục địa, chính tinh thần ấy đã giúp hắn ta gặt hái được một chút thành tựu và vốn liếng. Nhưng bản chất độc ác và ghen tị đã biến gã thành một kẻ ám ảnh điên rồ với thành công của van Baerle, hắn ta không có được cái diễm phúc là giàu có để sắm sửa đầu tư như van Baerle nên đâm ra so bì với chàng trai trẻ. Bị sự tự ái và thèm thuồng gia cư khang trang của đối thủ chiếm lĩnh đầu óc, Boxtel dần hình thành những suy nghĩ xấu xa; lão sử dụng thủ đoạn để phá hoại công sức của chàng nghệ sĩ hàng xóm: rình rập ban đêm tại vườn nhà van Baerle để triệt phá các giống hoa tulip (hắn thành công một nửa), sử dụng ống nhòm từ xa để quan sát hành động của van Baerle và phòng thí nghiệm nơi nghiên cứu cất trữ các củ giống. Hằng ngày đôi mắt gã cùng chiếc ống nhòm lởn vởn trong nhà của van Baerle mà không hề bị phát hiện, từ đây Boxtel nắm bắt được thông tin của hai sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn mang tính quốc gia: 

Một, tài liệu tuyệt mật mà Corneille de Witt gửi gắm Cornelius van Baerle và nơi cất giấu nó.

Hai, ba củ giống hoa tulip màu đen tuyền tuyệt tác đầu tiên trên thế giới đã được lai tạo bởi bộ óc phi thường van Baerle.

Cái ý nghĩ chết tiệt là hãm hại van Baerle để tước đoạt số củ giống ấy và chiến thắng giải thưởng béo bở vô thức lập trình trong đầu hắn, gã say mê với kế hoạch tố cáo van Baerle hơn là yêu thương chăm chút cho di sản hoa tulip của mình. Rõ là gã đã hoàn toàn thành công với kế hoạch đó, chỉ với một bức thư nặc danh kể lại câu chuyện trao đổi tài liệu giữa Corneille và Cornelius cùng nơi chốn cất giấu tập tài liệu ấy; vài giờ sau khi hai anh em de Witt bị ám sát, đến lượt van Baerle được đội binh tinh nhuệ của hoàng thân đến khám xét, và không thể biện hộ, chàng nghệ sĩ trẻ bị áp giải đến tù. 

Nhưng có phải ta vẫn hay nói số phận của những con người cao thượng, độ lượng, và chân chính sẽ luôn được Thượng Đế bảo trợ; trong cái tăm tối của ngục tù, chút ánh sáng lẻ loi vẫn có thể dẫn một học giả toàn tài đến lối thoát. Cornelius vô phúc chết lặng vì bị kết án oan nhưng đủ minh mẫn để mang theo những vật thể vô giá theo mình, ba củ giống Tulip đen được gói ghém khẩn thiết trong một tờ giấy được viết khẩn trương bởi Corneille de Witt gửi cho chàng trước khi chết, đáng tiếc thay trong những thời phút tự do mong manh nhất chàng đã không kịp đọc lá thư ấy. Van Baerle hẳn đâu có ngờ, ngoài ba củ giống tulip đen tuyền có thể làm thay đổi tương lai của bất kỳ ai sở hữu nó, thì tờ giấy bọc phía ngoài mà anh chưa kịp đọc (và chả bao giờ đọc) lại có thể thay đổi toàn bộ vận mệnh của anh. 

Ban đầu Cornelius van Baerle bị giam tại nhà tù La Haye và sau phiên điều trần với toàn án anh bị kết án tử hình vì tội che dấu tài liệu bí mật giữa ngài de Witt với vua nước Pháp Louis XIV. Tuyệt vọng và phó mặc cho số phận, chính van Baerle cũng không tưởng được nơi căn hầm ẩm thấp tăm tối ấy lại có một bông hoa nở thắm rực rỡ hơn bất kỳ loài hoa tulip nào anh từng sở hữu. Bông hoa vô giá này là người con gái của tay quản ngục, một cô gái xinh đẹp có đôi mắt hút hồn, tuy mù chữ nhưng biết đối nhân xử thế; chính sự chu toàn của cô đã dấy lên trong anh lòng tin tưởng tuyệt đối, chàng viết di chúc chuyển lại toàn bộ gia tài của mình cho cô gái nếu anh qua đời, bao gồm cả những giống tulip giá trị. Như đã nhắc ở trên, Chúa luôn phù hộ cho những con người đức độ toàn tài; anh ta không bị xử tử; Hoàng thân thương hại anh vì tinh thần bình tĩnh thản nhiên chứng minh mình vô tội ở tòa, thay vào đó van Baerle bị đày đến một pháo đài nhà tù ở Loewestein với án chung thân. 

Sóng gió và niềm tin

Niềm an ủi duy nhất của anh là Rosa; nhờ tài ăn nói thuyết phục, cô cùng cha đã được cử đến nhà tù nơi giam cầm van Baerle để họ có thời gian thực hiện bí mật kế hoạch nuôi trồng hoa tulip cùng nhau. Đây là khoảnh khắc rung động nhất đối với mọi độc giả, một tình yêu thuần khiết nhất được hình thành giữa một cánh cửa sắt. Trí tuệ và lòng nhân hậu của chàng đã cảm mến con gái người cai ngục và nàng với tình yêu nồng nàn cùng lòng chân thành đã chiếm trọn con tim của người nghệ sĩ. Từ câu chuyện phiêu lưu ái tình ấy, cả một hệ thống xung động xã hội cũng lần lượt được tái hiện mạnh mẽ và sâu sắc. Trải qua bao cách biệt địa vị, kiến thức, khoảng cách, họ cùng nhau gây dựng lên một di sản vĩnh cửu bất diệt - tình yêu; tình yêu mãnh liệt đã khiến hai con người vừa mới quen này dựa dẫm vào nhau, cùng nhau thực hiện những kì tích không tưởng. Rosa thay van Baerle chăm sóc nuôi trồng các củ giống tulip đen, một tình yêu không vụ lợi; van Baerle dạy Rosa cách đọc và viết chữ, một tình yêu cao cả. 

Tuy thế trong mỗi cuộc tình, những gia vị đối lập cơ bản nhất của tình yêu luôn trỗi dậy thử thách sự kiên định; tính ghen tị và nghi ngờ dần chiếm lĩnh đầu óc hai bạn trẻ. Tuy yêu nhau tha thiết, nhưng Rosa vẫn đem mối quan ngại hờn dỗi rằng van Baerle thương hoa hơn mình, và van Baerle trong những khoảnh khắc xúc động nhất vì quá nâng niu những củ giống tulip đen, đã vô tình khiến Rosa tổn thương. Chính những sắc thái tâm lý hỗn độn như thế mới chứng tỏ được mối quan hệ này liệu có thật sự vững vàng. Họ lánh gặp nhau một thời gian để rồi ngộ nhận tình cảm của cặp đôi này da diết đến cỡ nào; van Baerle nhận ra chân lý của đời mình: bông hoa đẹp nhất mà anh thuộc về là Rosa, chứ không phải một loài tulip nào khác; còn Rosa, với một lòng yêu van Baerle day dứt, mặc cho tương lai của anh tối tăm mịt mù xung quanh bốn bức tường địa ngục, và nay mai cô khó mà yêu người đàn ông nào đắm đuối đến vậy, nàng một lòng thay chàng chăm sóc giống hoa tulip đen như người mẹ lo toan cho đứa con của mình. 

“Hoa tulip của anh là con gái của em. Em dành cho nó tất cả thời gian mà em sẽ dành cho con em, nếu em làm mẹ. Chỉ có trở thành mẹ nó, em mới thôi không là tình địch của nó nữa.”

Không dừng lại ở đó, tình yêu của họ còn bị cản trở bởi tên hàng xóm Boxtel, gã cuồng hoa điên loạn tức tưởi vì không thể đánh cắp được củ giống tulip đen lúc van Baerle bị bắt, và thất bại chồng chất ức chế khiến gã hành động như quỷ dữ mất hẳn tính người. Bản chất tham lam đã xúi quẩy hắn ta thực hiện những âm mưu xấu xa rồ dại, biến hắn thành một kẻ ăn cướp, kẻ đồi bại táo tợn. 

“Đó là vì sao chúng tôi đã nói đôi bạn trẻ tội nghiệp ấy cần phải được sự bảo trợ trực tiếp của Chúa.” 

Đây là cách xây dựng cốt truyện của Alexandre Dumas, người luôn say sưa với những tình tiết éo le, gây chấn động nhằm xoay chuyển toàn bộ cục diện cuộc chơi.

Ở những chương cuối cùng, độc giả được chứng kiến những phân cảnh đấu trí giữa từng nhân vật, giữa ba kẻ yêu hoa đấu tranh đòi quyền sở hữu bông hoa tulip đen tuyền quyền lực đã nở rộ: van Baerle, Rosa, và Boxtel được chia làm ba nhánh truyện khác nhau. Boxtel lấy trộm bông hoa tulip đen từ phòng của Rosa và hớn hở bỏ trốn đến hội đồng hoa Hà Lan tại xứ Harlem xa xôi để chiếm đoạt giải thưởng, Rosa âm thầm lặng lẽ bám đuổi Boxtel để đòi lại công lý cho mình và người yêu mà không một lời báo trước, riêng van Baerle bất thần suy sụp vì tưởng đã đánh mất hai mối tình tuyệt diệu của anh, chàng hung hăng đánh đập người canh ngục để rồi bị kết án.

Câu chuyện đi đến chặng cuối khi cả ba đều đặt chân tới Harlem, nơi Rosa và Boxtel tranh đấu lời lẽ với nhau để thuyết phục hoàng thân Guillaume d’Orange và chủ hội đồng hoa về chủ nhân thực sự của bông tulip đen, còn van Baerle được giải đến đây để hoàng thân xét xử tội tình. Ở đoạn kết, với tất cả lòng yêu thương, am hiểu và sự tận tụy của mình, nàng Rosa xinh đẹp đã vạch trần toàn bộ sự thật nhờ mang theo củ giống thứ ba làm chứng và lá thư bọc ngoài nó (lá thư mà Corneille de Witt đã gửi van Baerle). Đây là điểm mấu chốt để giúp hoàng thân tỉnh ngộ; thổ thẹn nhận ra sai lầm kết án oan người dân của mình, Guillaume d’Orange với niềm an năn hối hận đã trao tặng thành quả cho Rosa, đồng ý đặt tên cho bông tulip đen là Rosa-Baerlensis và trao trả tự do cho van Baerle, trong cùng thời điểm Boxtel vì quá cay đắng tức tưởi đã ngất lịm rồi chết. 

Lời kết

Hoa Tulip Đen là một câu chuyện dựa trên một sự kiện lịch sử có thật. Nhà văn người Anh Robin Buss từng giải thích trong bài viết nghị luận văn học của mình rằng Alexandre Dumas lấy cảm hứng cho câu chuyện của mình từ các yếu tố lịch sử của Cộng hòa Hà Lan (bao gồm hai vụ giết người tàn bạo) và hiện tượng “tulipmania” (cuồng hoa tulip) ở thế kỷ 17 của đất nước này. Mặc dù tác phẩm này có thể không phải là tiểu thuyết đặc sắc nhất của Dumas, nhưng độc giả sẽ bị khuất phục bởi một câu chuyện tình đơn giản nhưng trọn vẹn và mãnh liệt; một mối tình vượt mọi định kiến, duy nhất một tình yêu thuần khiết, và chỉ có thứ tình cảm linh thiêng gọi là tình yêu ấy mới có đủ sức mạnh giúp con người chạm đến những điều phi thường.

Review chi tiết bởi: Diệu Anh - Bookademy



Xem thêm