“Đối với con người, công cụ và đồ dùng thường nhật là sáng tạo ngoài tự nhiên, của riêng con người. Nhưng thực ra không có công cụ đồ vật nào không từ bản thân con người và mọi hành vi của họ sinh ra. Cái ghế chính là hình ảnh của bộ xương con người trong tư thế ngồi vuông góc, cái bát chính là đôi bàn tay chụm lại… cứ thế, cứ thế thế giới đồ vật được phát minh từ nhu cầu va chạm với thế giới tự nhiên và từ những hình thức mô phỏng một cách vô thức từ xu thế hành động của con người. Có dân tộc nghĩ ra cái bánh xe, có dân tộc phát minh đồ gốm, có dân tộc tìm ra thuốc súng… rồi quá trình thông thương giao lưu những phát minh được sử dụng ở mức độ nhân loại, tùy theo khả năng phát triển của từng dân tộc.”


Mọi thứ xảy ra trên đời xảy ra đều có nguyên nhân và ý nghĩa của nó, và đồ vật cũng không phải là ngoại lệ. Chúng không chỉ phục vụ những nhu cầu phát sinh trong cuộc sống của con người mà còn là đại diện, một nhân chứng lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa của con người, của khu vực và cũng như của thời kỳ mà những con người đó đang tồn tại và sinh sống. Bề dày lịch sử của mỗi quốc gia không chỉ được ghi nhận qua những sự kiện lịch sử mang tính trọng đại, quyết định đến vận mệnh và thời kỳ, mà còn bởi đời sống vật chất của con người, được thể hiện qua những công trình, đồ vật được phát minh trong những thời kỳ nhất định. Tương tự, lịch sử Việt Nam là một chuỗi thời gian với sự ra của các đồ vật, công trình xen kẽ lẫn nhau. Những ghi chép giải thích về sự xuất hiện và ý nghĩa của khía cạnh vật chất trong đời sống của người Việt Nam trong thời kỳ “tiền công nghiệp” được diễn tả một cách sâu sắc, cẩn thận, tỉ mỉ kèm theo vô vàn hình minh họa đặc sắc trong cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” của tác giả Phan Cẩm Thượng.



Tác giả Phan Cẩm Thượng, sinh năm 1957, là họa sĩ, là nhà giáo dục, nghiên cứu và phê bình văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Không những là nhà nghiên cứu, phê bình văn hóa và nghệ thuật có tầm ảnh hưởng nhất trong khoảng 20 năm từ sau thời kỳ Đổi mới, tác giả Phan Cẩm Thượng còn chuyên tâm viết báo, viết phê bình triển lãm, tập trung nghiên cứu văn hóa cổ cũng như biên soạn sách về nghệ thuật cổ và nghệ thuật và nghệ sĩ hiện đại. Bên cạnh đó, ông từng công tác giảng dạy tại Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật thuộc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1984 đến năm 2002. Kho tàng các tác phẩm của ông bao gồm những ấn phẩm quan trọng và giá trị sâu sắc như: ”Điêu khắc cổ Việt Nam”, “Họa sĩ trẻ Việt Nam”, “Đồ họa cổ Việt Nam”, “Nghệ thuật ngày thường”, “Văn minh vật chất của Người Việt”. Tác giả Phan Cẩm Thượng có nhiều hoạt động nghệ thuật và nghiên cứu tiêu biểu. Ông đã dành hơn 40 cuộc đời để nghiên cứu về văn hóa dân gian, các công trình mỹ thuật, kiến trúc cổ, và trên hết đó là cả hệ thống tinh thần của người Việt. Đối với ông, việc nghiên cứu về văn hóa và di sản Việt Nam như là “một sự sắp đặt” với mình, và việc được sống trong thời kỳ mà những văn hóa cổ tồn tại luôn khiến cho ông dạt dào cảm xúc. Tác giả đã từng tâm sự rằng: “Thực sự người Việt Nam mình văn hóa để lại không còn nhiều, mà bị tàn phá bởi chiến tranh, những cuộc bài trừ mê tín dị đoan… nên còn lại rất ít, làm cho chúng ta tưởng chúng ta sống trong một đất nước rất nghèo nàn, trống không. Nhưng thật ra, nếu như các bạn biết vào thế kỷ 18 ở Việt Nam có 11.800 cái làng, mỗi một làng có một cái đình, một cái chùa, một cái đền; mỗi cái chùa có khoảng vài chục đến hàng trăm tượng Phật, các đình rất nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối, phù điêu… thì sẽ thấy di sản văn hóa rất lớn chứ không phải nhỏ. Chúng ta có 11 nghìn chùa, 11 nghìn cái đình, 11 nghìn cái đền, thế mà bây giờ chỉ còn vài trăm cái, và chỉ vài cái được nguyên vẹn. Thế mới biết chúng ta đã phá hủy di sản lớn như thế nào…”



Chính sự trân trọng, gắn bó với văn hóa, di sản và đời sống tinh thần của người Việt Nam của tác giả đã được thể hiện một cách sâu sắc thông qua tác phẩm “Văn minh vật chất của Người Việt”. Đây không chỉ là cuốn sách thông thường về lịch sử và văn hóa VIệt Nam mà hơn thế, đó còn là công trình nghiên cứu đồ sộ, giàu giá trị của tác giả. Nội dung của công trình nghiên cứu này được tái hiện dưới dạng những câu chuyện về nền văn minh qua đời sống vật chất của người Việt Nam, từ khái quát đến chi tiết. Mỗi chương tập trung vào những khía cạnh, những công trình và đồ vật thuộc về văn hóa Việt Nam, được minh họa qua rất nhiều hình vẽ, những bức ảnh chân thực mà sống động. Cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” đã xuất sắc giành được giải B của Giải thưởng sách quốc gia vào năm 2021. 


Chúng ta là người con của miền đất chữ S mang tên Việt Nam, nhưng những gì mà mỗi người chúng ta biết về chính nơi mình sinh sống giống như những giọt nước nhỏ li ti trong đại dương mênh mông, còn rất nhiều điều chúng ta cần học hỏi. Và trên hết, càng nghiên cứu, càng tìm hiểu, chúng ta càng nhận ra rằng bản thân chưa thật sự hiểu được hết về đời sống tinh thần, vật chất của nền văn hóa mà chúng ta đã gắn bó từ lâu. Cuốn sách bao gồm 5 chương với 36 các chủ đề nghiên cứu khác nhau. Với mỗi chủ đề, chúng ta có thể đọc riêng lẻ mà không lo sẽ không hiểu được các phần khác. Ở mỗi chương, chúng ta sẽ có cơ hội được khám phá về những khía cạnh khác nhau như đời sống hàng ngày, công trình kiến trúc, ẩm thực, đồ dùng hàng ngày, văn hóa nghệ thuật,...

  • Chương một: Những mặt cắt lịch sử

  • Chương hai: Từ bàn tay đến công cụ

  • Chương ba: Cơm tẻ là mẹ ruột

  • Chương bốn: Sống dầu đèn - Chết kèn trống

  • Chương năm: Nghệ thuật và hành vi

Tin chắc rằng, với cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt”, chúng ta sẽ được mở rộng tầm mắt về những nét đặc trưng trong đời sống vật chất của người Việt Nam, một lần nữa sống trong quá khứ của những nét văn hóa cổ. 


Khi đọc cuốn sách này, một trong những nội dung đã để lại ấn tượng đặc biệt với tôi chính là các nội dung của chương 1: Những mặt cắt lịch sử. Trước khi Việt Nam trở thành một đất nước hiện đại, một điểm du lịch hấp dẫn và đặc sắc thì chúng ta có những cách thức sinh hoạt như thế nào, và làm thế nào để duy trì cuộc sống khi so với cuộc sống hiện đại ngày nay, cuộc sống khi ấy còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề? 


Nét sinh hoạt của một cá nhân, một gia đình, dù là trong hoàng tộc hay nông dân, công nhân có thể đã quá quen thuộc với những cá nhân ấy, không có gì bí ẩn, vì một ngày trôi qua nhanh như cái chớp mắt và mỗi ngày hầu như đều như nhau, nhưng chính những thói quen sinh hoạt này lại phản ánh một cách rất rõ ràng về tập quán sinh hoạt của một dân tộc. Bằng việc khảo sát và nghiên cứu một ngày thường của người Việt, với 4 giai tầng sỹ công nông thương, ngõ hầu, tác giả cho chúng ta biết về những đặc điểm về đời sống của người dân Việt, những điểm nào đã mất, những điểm nào được duy trì và những điểm nào mới được du nhập. Một ngày sinh hoạt của nhà vua, của thầy đồ, của người thợ mộc, của chàng lái buôn, của tay cán bộ đều được diễn tả qua các giai đoạn từ việc khi mới thức dậy sẽ làm gì, tối đêm qua đã có những hoạt động gì, những hoạt động này phục vụ cho những lợi ích cá nhân gì cũng như tính chất nói chung của nếp sống sinh hoạt ấy. Mỗi cá nhân thuộc những tầng lớp khác nhau sẽ có cách sinh hoạt khác nhau, và được tác giá sử dụng những ngôn từ với các sắc thái đa dạng để diễn tả. Nếu như để vẽ nên một ngày sinh hoạt của một vị vua, tác giả sẽ dùng những ngôn từ trang trọng, khiến cho người đọc có thể cảm nhận được sự xa hoa nơi cung đình, cũng như sự tận tụy trong cách hầu hạ của đám nô tài với vị vua ấy, cũng là thái độ thành kính mà tác giả dành cho nhân vật được nhắc đến, dành cho một nét văn hóa của người Việt Nam. Khi diễn tả những sinh hoạt trong một ngày thường của các tầng lớp dưới, như người thợ mộc, chàng lái buôn, tay cán bộ, từ ngữ mà tác giả sử dụng có xu hướng trở nên gần gũi và quen thuộc hơn, thể hiện được thân phận và phong cách sống của họ. Với mỗi chức phận, sẽ có cuộc sống, cách sinh hoạt, mục đích sống riêng, và chính điều này đã phản ánh chế độ xã hội và tư tưởng thời bấy giờ. 

Sự sáng tạo của người Việt Nam trong đời sống vật chất là nội dung trọng tâm mà tác giả mong muốn truyền tải thông qua cuốn sách này. Từ con người, công cụ, đồ dùng, lương thực, thực phẩm được tạo ra, nhằm phục vụ một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của họ. Thế giới vật chất của người Việt Nam trước thế kỉ 19, một nền văn minh thủ công và nông nghiệp đã được gây dựng nên từ sự sáng tạo của người Việt. Ở phần nội dung về xe cộ, thuyền bè, giao thông đường thủy và đường bộ, tác giả đã có những diễn giải rất kỹ càng về cách người Việt Nam di chuyển, đi lại, cũng như không quên bổ sung những giải thích về bất cứ phương tiện, đồ dùng nào được nhắc đến. Tất cả hiện lên như một bức tranh sống động về Việt Nam thời xưa. Ngày xưa, giao thông chưa phát triển và còn nhiều khó khăn. Trong thời kỳ phong kiến, giao thông bằng con đường sông nước là phổ biến hơn cả, nhưng gặp nhiều nguy hiểm vì sông lớn, nước lại chảy xiết. Về sau, đường bộ xuất hiện, người ta gọi đường bộ là tỉnh lộ, quốc lộ. Vào thế kỉ 11 đến 14, những con đường này rất rộng, từ bốn đến năm thước tây, đủ rộng cho đạo quân với năm người lính chạy ngang hoặc hai cỗ xe ngựa chạy song song. Cứ mươi dặm sẽ có một quán trạm, hay còn được gọi là dịch đình, được đặt ở đó để làm chỗ dừng chân, nghỉ ngơi cho những người qua lại hoặc cho lính chạy thư của triều đình đổi ngựa trạm. Những con đường này ban đầu chỉ phù hợp với việc phòng thủ quân phương Bắc, rồi dần dần, qua thời gian, phù hợp hơn với việc thông thương. Với địa hình ấy, người Việt Nam đã sáng tạo ra những phương tiện và cách thức di chuyển để thích nghi với cuộc sống. Chúng ta xây cầu đá và cầu gỗ, chúng ta di chuyển bằng các loại xe kéo và thuyền bè, đò. Chúng ta dùng những chiếc thuyền bè ấy để chở người, chở vật, cũng dùng để sinh sống trên sông. Thuyền của chúng ta rất đa dạng, ngay cả thuyền được sử dụng ở từng vùng cũng sẽ có sự khác nhau. Và xe kéo của chúng ta có nhiều loại như xe bò kéo, xe ngựa, xe ba gác, xe kéo tay. Tất cả chúng đều là những nét văn hóa, những di sản mà có lẽ chúng ta cũng cần phải ghi nhớ. 



Đời sống vật chất của người Việt Nam là một bức tranh văn hóa sống động, được hồi sinh bằng tình yêu, bằng lòng yêu nước sâu sắc, bằng những ngôn từ giản dị mà giàu giá trị của tác giả Phan Cẩm Thượng. Chúng ta, hãy ít nhất một lần trong đời, thử đắm mình trong hơi thở của lịch sử, để nhìn lại dòng chảy của lịch sử và học cách trân quý những giá trị lịch sử, văn hóa. 


Tóm tắt và Review bởi: Quỳnh Trang - Bookademy

 Hình ảnh: Phương Mai

 -------------------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm