Chúng ta là những cá thể không giống nhau tuy nhiên lại sống trong quy chuẩn, cộng đồng và mối quan hệ ràng buộc với nhiều hoặc rất nhiều người khác với những mức độ quan trọng và sự thân thiết khác nhau. Ngay từ lịch sử hình thành của nhân loại, tổ tiên chúng ta đã là những sinh vật sống theo bầy đàn, hỗ trợ, gắn bó lẫn nhau thậm chí là có sự kết nối rất mạnh mẽ. Chính vì vậy mà thế giới có phát triển và hiện đại tới đâu thì chúng ta, vẫn đã - đang và sẽ luôn luôn sống trong xã hội, được bao bọc bởi “đám đông”. Chính vì vậy mà cuốn sách: “Tâm lý học đám đông” của nhà văn Gustave Le Bon như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật, hé lộ cho chúng ta những góc sáng và tối khác nhau của xu hướng cảm xúc và hành động của “đám đông”, sự phụ thuộc của nhiều người vào “thủ lĩnh” và là ánh sáng chiếu vào bức màn, làm sinh động, sắc nét những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong lịch sử loài người mà thay đổi hướng phát triển to lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa hay xã hội và cả ở hiện tại - khi dòng chảy thời gian đang diễn ra.
Đôi nét về tác giả
Gustave Le Bon ( 1841-1931) là một Nhà tâm lý học đại tài người Pháp ở thế kỷ XIV. Sách của ông đem đến giá trị nghiên cứu to lớn và là tiền đề cho những phân tích chuyên sâu về tâm lý sau này. Với bối cảnh phương Tây thời bấy giờ, những thứ liên quan đến tâm lý học là điều gì đó khá mơ hồ và chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, tác giả lại một trong những người tiên phong trong “khai phá” lĩnh vực tâm lý học không phải ở những bệnh nhân nữa mà ở một khía cạnh đầy tiềm năng nhưng cực kỳ quan trọng chính là “Tâm lý học đám đông”.
Ông từng nhận định: “Kiến thức về ngành khoa học này soi rọi rất nhiều hiện tượng lịch sử và kinh tế, mà nếu thiếu thì những hiện tượng này hoàn toàn không thể hiểu được”. Nói cách khác, đây là nguyên nhân hoặc tác nhân trực tiếp dẫn đến những thay đổi, trở thành cuộc “Cách mạng” của sự chuyển mình lúc bấy giờ.
Đây cũng là đáp án cho hỏi tại sao cuốn Tâm lý học đám đông lại được xem như góc nhìn tuyệt vời của Nhà tâm lý học đại tài về xã hội Pháp đương thời.
Đôi nét về cuốn sách
Cuốn Tâm lý học đám đông là một chuyến xe chở những độc giả như tôi khám phá những sự kiện lịch sử đương thời. Ở đó, những cuộc chiến tranh hay thay đổi về luật pháp, sự phát minh hay sự kế nhiệm,... đều bị tác động bởi những tư tưởng, lối tư duy và hành động của những người đi đầu, những người làm chủ chính hoàn cảnh đó và dẫn dắt cả cộng đồng, tập thể và xã hội tiến lên một bước thay đổi cả lịch sử phát triển.
Chính vì vậy mà Nhà tâm lý học Le Bon đã đưa ra hai yếu tố chính, là nền móng hạ tầng cho những viên gạch kế tiếp xếp lên tạo thành những chuyển biến lớn như vậy. Đầu tiên chính là sự sụp đổ của những đức tin, tín ngưỡng, sự tín nhiệm vào chính trị, xã hội - tiền đề của nền văn minh nhân loại. Kế đến chính là hình thành những yêu cầu mới, đòi hỏi những điều kiện cao hơn, kiến thức, … ở mức độ cầu kỳ và chỉn chu hơn để sinh sống, làm việc và hưởng thụ nên những phát minh, sáng chế hay thu nạp những tư tưởng mới, cách mạng công nghiệp mang đến xã hội hiện đại, tối ưu và hiệu suất hơn.
Tâm lý học đám đông gồm 3 phần chính với những nội dung được sắp xếp như những bậc thang, dẫn dắt độc giả đi từng bước một, làm rõ những thắc mắc và vén màn những góc khuất sự kiện lịch sử thế giới.
Phần 1: Tâm hồn đám đông
Chương 1: Các đặc điểm chung của đám đông - Quy luật tâm lý về sự thống nhất tinh thần của đám đông
“Đám đông” là tập hợp những cá nhân bất kỳ ngôn ngữ, độ tuổi, nghề nghiệp, mức sống nào đang tập trung lại với nhau - đây là định nghĩa cơ bản nhất mà chúng ta thường gặp. Tuy nhiên, từ góc nhìn Tâm lý học, “đám đông” lại được nhận định rất khác: “Trong những hoàn cảnh nhất định, và chỉ trong những hoàn cảnh đó, một nhóm người sẽ có những đặc tính mới rất khác so với đặc tính của từng các nhân cấu thành nhóm đó. Nhân cách có ý thức biến mất, tình cảm và suy nghĩ của mọi cá nhân đều hướng về một phía. Một tâm hồn tập thể được hình thành, dù chỉ là tạm thời, nhưng thể hiện những đặc tính rất rõ ràng.”
Nói một cách dễ hình dung, họ như những mầm cây khác nhau trong bóng tối, có thể vươn về nhiều hướng khác nhau cơ mà khi Mặt trời lên và tỏa những tia nắng ấm áp đầy năng lượng xuống thì tất cả những mầm cây ấy đều cố gắng hướng đến nơi ánh sáng ấy, trong chính thời gian đó, tất cả đều với mục đích để hứng những tinh túy nhất, thúc đẩy quá trình quang hợp trong mỗi tế bào diệp lục của mình.
Chương 2: Tình cảm và đạo đức của đám đông
Nghe đến hai từ “đám đông” thì trong đầu tôi liền nghĩ ngay đến cụm “đám đông gây rối”, “đám đông bị kích động”, “đám đông hỗn loạn”,... Vậy nên có vẻ như tác giả đã khẳng định rất cụ thể rằng “Đám đông” là trò đùa của các tác nhân kích động bên ngoài, những phần tử với mục đích không hề thiện chí. Đám đông là kiểu phản ứng rất mạnh với những kích thích từ bên ngoài đến mức cực đoan. Tùy theo các mức độ khác nhau tác động vào, các cá nhân trong đám đông đó sẽ phản ứng đến mức mà khi chỉ có một mình họ thì sẽ không gay gắt và liều mạng như vậy. Chính vì vậy, đám đông cũng là cái cớ hoàn hảo để con người trong đó bộc lộ đúng bản chất hung dữ, sự nóng giận và hành động của bản thân.
Hay nói khác đi, đám đông là những điều không được mưu tính trước về tư duy phản ứng với tác động cũng như hành động. Họ có thể trải qua những cảm xúc phản ứng không hề giống nhau, logic của họ cũng không có nhiều liên kết với thông tin ban đầu mà dựa rất nhiều vào sự đánh giá chủ quan của những thành viên trong đó. Đám đông mặc định hình ảnh mà họ tin tưởng, xuất hiện trong tâm thức có quan hệ gần gũi trực tiếp với sự việc đang diễn ra hơn là sự thật của chính vấn đề đó.
Chương 3: Những tư tưởng, lập luận và trí tưởng tượng của đám đông
Theo như những nghiên cứu và tổng hợp tài liệu, Nhà tâm lý học Le Bon đã phân nó ra làm hai loại cơ bản. Đầu tiên là những tư tưởng ngẫu nhiên, không có quy luật và ảnh hưởng bởi những thức cực kỳ chủ quan như sự hâm mộ, tin tưởng với một cá nhân hay học thuyết mà mình biết. Loại còn lại là những tư tưởng gói gọn trong những khuôn khổ cơ bản nhất có ở trường học, môi trường gia đình, di truyền và đây là sự bền lâu, bất di bất dịch như những đức tin có từ xa xưa hoặc thậm chí những quy chuẩn còn phù hợp và áp dụng đến tận ngày nay.
Bên cạnh đó, năng lực lập luận của đám đông cũng không cố định. Đây là sự liên kết, xâu chuỗi các sự việc khác nhau với một số nét tương đồng và còn kết luận, khái quát vấn đề rất vội vàng trong những trường hợp cụ thể khác nhau.
Chương 4: Những hình thức tôn giáo có trong tất cả các niềm tin của đám đông
Ở mức độ liên quan đến tín ngưỡng và lòng tin, đây đã là những lối mòn tư duy nên tác giả Gustave Le Bon viết: Niềm tin của đám đông mang tính phục tùng mù quáng, tính bất khoan dung một cách khắc nghiệt và đòi hỏi được truyền bá một cách bạo lực, những điểm này vốn gắn liền với tình cảm tôn giáo. Chính vì vậy có thể nói rằng mọi niềm tin của họ đều mang hình thức tôn giáo.
Với những dẫn chứng từ sự kiện lịch sử vang động một thời như Cải cách tôn giáo, Vụ thảm sát ngày lễ thánh Bartholomew, thời kì khủng bố và tất cả các biến cố tương tự, đều là hệ quả của những tình cảm tôn giáo của đám đông chứ không phải là hệ quả từ ý chí của những cá nhân riêng lẻ nữa.
Phần 2: Các quan điểm và niềm tin của đám đông
Chương 1: Những yếu tố gián tiếp tác động lên các niềm tin và quan điểm của đám đông
Từ cơ sở là những nghiên cứu cấu tạo cơ sở niềm tin của đám đông thì đây là phần mà tác giả đưa ra những luận điểm, phân tích sâu hơn về nguồn gốc, sự hình thành các quan điểm, niềm tin vững chắc ấy của đám đông.
Tác động chính tạo nên niềm tin của đám đông tập trung vào hai loại chính: Gián tiếp và Trực tiếp. Những nhân tố trực tiếp là thứ then chốt và lộ diện sau cùng bởi như những bài giảng thuyết, phát biểu của các nhà hùng biện, thuyết giáo. Còn những nhân tố gián tiếp là thứ điều khiển đám đông chấp nhận các niềm tin và tư tưởng khác những thứ cơ bản ban đầu. Nó làm họ chắc chắn rằng hai thứ không có sự mâu thuẫn và liên quan mật thiết với nhau. Tên của chúng là chủng tộc, truyền thống, thời gian, các thể chế chính trị cũng như sự khác biệt của nền giáo dục.
Chương 2: Những nhân tố trực tiếp tác động đến quan điểm của đám đông
Đó là những thứ họ có thể nhìn thấy bằng mắt thường và có tính thuyết phục cao như hình ảnh, ngôn từ và những công thức. Hình ảnh là thứ phong phú và dễ ghi nhớ nhất, nó sẽ làm những quan điểm hay công thức được đón nhận một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Còn ngôn từ là thứ chỉ cần bạn có đủ kỹ năng sử dụng các câu, cú pháp và nghĩa của nó thì tính thuyết phục đám đông tin vào những lập luận hoang đường nhất.
Tiếp sau đó là những ảo tưởng và kinh nghiệm của chính thành viên trong đám đông đó. Ảo tưởng là khát khao mãnh liệt một điều xa vời nào đó xảy ra. Họ từ ru ngủ và làm hài lòng chính mình về những thứ bản thân tưởng tượng ra. Bởi vậy mà từ buổi bình minh của các nền văn minh, đám đông luôn chịu ảnh hưởng của những ảo tưởng. Điều đó đã được một tác giả tổng kết: Nếu người ta phá hủy tất cả các tác phẩm và công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ tôn giáo trong các viện bảo tàng và thư viện, phá nát rồi chất đống trước sân nhà thờ, thử hỏi những giấc mơ vĩ đại của loài người còn lại gì? Đem lại phần hi vọng cho con người phần hi vọng và ảo tưởng mà nếu không có nó con người không thể tồn tại, đó là lý do tồn tại của các thần linh, các anh hùng và các nhà thờ.
Phần 3: Phân loại và mô tả đám đông
Sau các phần trên về những quan sát, nghiên cứu, đánh giá để tìm ra những quy luật, cách thức hoạt động và hướng phát triển của đám đông cũng như những đặc điểm cụ thể của nó thì ở phần cuối này Nhà tâm lý học Le Bon đã phân loại và đưa ra các mô tả cực kì chi tiết và thuyết phục về đám đông mà ông đã dành rất nhiều thời gian trong đời cho sự đi tìm những kết luận này. Đó là những tính chất như: “ Đám đông không thuần nhất”, “Các đám đông không thuần nhất”,...
Và để chốt lại cho những kiến thức tuyệt vời và những khám phá thú vị về Tâm lý học đám đông, Le Bon đưa ra nhận định: “Hiểu rõ tâm lý của các tầng lớp cũng như tâm lí của những loại đám đông khác, tôi không thấy bất kỳ trường hợp nào bị kết tội sai lại muốn được giải quyết với quan tòa hơn là với bồi thẩm đoàn. Với các bồi thẩm, sẽ có nhiều cơ may được tuyên vô tội, và ít cơ may hơn với quan tòa. Chúng ta hãy e sợ sức mạnh của đám đông, nhưng chúng ta hãy sợ hơn thế rất nhiều sức mạnh của một số thế lực. Đám đông có thể bị thuyết phụ, còn những kẻ quyền lực thì không bao giờ.”
Cảm nhận cá nhân về cuốn sách
Như lời các chàng trai từng nói: “ Hiểu được tâm lý của phụ nữ đã là điều bất khả thi nhất trên đời”. Tuy nhiên Le Bon lại không chỉ dừng ở việc hiểu được tâm lý của cá nhân mà ông còn hiểu và đưa ra những quy luật, giải thích và xu hướng cho tâm lý của cả một tập thể - Đám đông thì quả là những tâm huyết, đam mê cực kỳ lớn với mảng kiến thức sơ khai về Tâm lý học thời bấy giờ. Bởi vậy, có lẽ trong chính chúng ta cũng nên học tập quan sát, nhớ và tìm hiểu tại sao người khác lại hành động như vậy và điều quan trọng hơn cả là hiểu và yêu thương chính bản thân mình. Giả sử với một chàng trai, khi muốn biết tại sao người con gái của mình lại không vui và cáu giận. Trước hết, hơn cả việc trách ngược lại cô ấy là con gái lắm chuyện, khó tính và hay đặt điều thì hãy cố gắng nhìn nhận chính mình xem hôm nay có quên lịch trình gì hay có hành động nào khiến cô ấy buồn lòng hay không?
Nói như thế nào thì Tâm lý học cũng là một mảng phạm trù kiến thức mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ và có đam mê tìm hiểu. Bản thân là người từng mắc bệnh tâm lý và chính là kẻ overthinking chính hiệu thì những kết luận được đưa ra bởi những nghiên cứu, sự tâm huyết và kiến thức chuyên môn uyên bác như trong cuốn sách này là “bữa ăn tinh thần” cực kỳ bổ ích đối với tôi. Suy cho cùng, đám đông ngoài kia cũng chỉ là những con người ở thời điểm đó có nhiều điểm chung tập hợp lại với nhau. Chính bản thân họ cũng có những bí mật và sự tự ti muốn dấu đi nên khi hòa mình vào đám đông mới dám bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc và thậm chí là hành động bản năng nhất của mình bởi không lo sợ bị đánh giá hay phán xét.
“Tâm lý học đám đông” giúp chính tôi hiểu những người trong tập thể đó hơn. Đồng thời sau khi đọc cuốn sách này, tôi cũng phác họa được chân dung của chính mình khi hòa vào những đám đông khác nhau. Vậy nên mong là chúng ta, mỗi người sẽ tìm được những “đám đông” thuộc về riêng mình, nơi mà có những người cùng tần số và lối suy nghĩ tốt hoặc hơn mình, hỗ trợ lẫn nhau để tiến lên chứ không phải là sự tụ tập của tiêu cực, tha hóa và lệch lạc về mặt tư duy và thậm chí nghiêm trọng hơn là đạo đức hay pháp luật.
Lời kết
Nhà tâm lý học lỗi lạc Le Bon đã viết cuốn sách “Tâm lý học đám đông” với tất cả những tinh túy trong nghiên cứu, là những tìm hiểu và phân tích đa chiều, tỉ mỉ của ông với mảng đề tài này. Bởi vậy mà gói gọn trong hơn 250 trang sách là những kiến thức, mắt xích và câu trả lời xuất sắc nhất cho những sự kiện lớn trong lịch sử thế giới thế kỷ đó. Và điều đáng trân quý hơn là những giá trị ở đây sẽ luôn được lưu truyền, áp dụng và đưa vào giảng dạy ở hiện tại và mai sau nữa. Để tâm lý học nói chung và những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý nói riêng trở thành điều thân thuộc và gần gũi với mọi người hơn. Sau cùng, chính bản thân tôi sau khi đọc cuốn sách và tìm hiểu về cuộc đời tác giả thì những thứ được tôi ghi lại và lưu giữ không còn chỉ đơn thuần là những dòng lý thuyết khô khốc trên trang vở nữa.
Thân ái.
Tóm tắt bởi: Ngọc Anh
Hình ảnh: Ngọc Anh - Bookademy
------------------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Đến quyển IV, tác giả đã phân tích và chỉ ra các yếu tố tâm lý đám đông dựa theo lý thuyết của ông, bao gồm những điểm mà ông đồng tình và những điểm còn chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra những điểm khác biệt trong nghiên cứu của mình với các nhà nghiên cứu xã hội học khác.