Mỗi câu nói đều chứa đựng ý nghĩa hàm ý của riêng nó, liên quan mật thiết đến cả người nói lẫn người nghe. Một lời nói được cất lên có quá trình xác định dựa trên cơ sở cuộc sống của người nói và được điều chỉnh sau khi xem xét cuộc sống của người nghe. Đó là một quá trình mang tính tất yếu. Và bản thân chúng ta cũng biết “khéo ăn khéo nói” cũng là một kỹ năng sống có thể làm nên thành công. Vậy thay đổi ngôn từ có thực sự làm thay đổi cuộc sống?. Đến với cuốn sách Sức mạnh của ngôn từ của hai tác giả Shin Dohyeon và Yun Naru, độc giả không chỉ tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi trên mà còn tìm ra các phương pháp trau dồi ngôn từ, giao tiếp cũng như thay đổi quan điểm của bản thân về ngôn từ. Những câu hỏi thông thường chúng ta đặt ra như " Tại sao cùng một nghĩa từ mà người ta sử dụng nó trong cách diễn đạt hay đến vậy? " hay đơn giản là " Từ này có được đặt trong ngữ cảnh này không nhỉ?" là những câu hỏi mà tôi tin chắc bạn sẽ có lời giải đáp khi đọc cuốn sách này.
Tác giả là ai?
Cuốn sách được viết bởi 2 tác giả người Hàn Quốc- Shin Dohyeon và Yun Naru và được dịch thuật bởi V- BTS Vietnamese Fanpage.
Shin Dohyeon là tác giả chuyên viết về lĩnh vực nhân văn học. Ông học chuyên ngành Triết học, vừa viết sách vừa đi học. Ở giảng đường, ông được mọi người và giáo viên đặt cho cái tên thân thương là “người gỗ”, với mong muốn rằng ông sẽ có một cuộc sống chân thật và giản dị như một cái cây, yêu bản thân mình và yêu cả thế giới này. Các tác phẩm của ông gồm Sức mạnh của ngôn từ và Câu văn yêu thích của Joseon. Đặc biệt với cuốn sách Sức mạnh của ngôn từ, nếu bạn là Army chính hiệu thì chắc bạn sẽ biết đến cuốn sách này. Cuốn sách này đã được V, thành viên của nhóm nhạc BTS đọc và thu hút nhiều sự quan tâm. Dự kiến, cuốn sách sẽ được phát hành ở các quốc gia khác như Indonesia, Nhật Bản.
Ngoài ra còn có sự đóng góp của tác giả Yun Naru, là giáo viên đang dạy môn Ngữ văn ở một trường phổ thông tại Seoul. Với niềm đam mê viết ra những tác phẩm bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân nên bà đã tập trung nghiên cứu, đi sâu vào ngành Nhân văn học, bao gồm cả Triết học. Cuốn sách này cũng chính là thành quả của quá trình đó. Trong cuộc phỏng vấn, bà cũng nhấn mạnh: " Sau này tôi sẽ tiếp tục học tập để viết những tác phẩm mới và sâu sắc mà không bị ràng buộc bởi suy nghĩ của người khác".
Với "sự song kiếm hợp bích" của hai tác giả, cuốn sách ra đời đã thu hút nhiều sự quan tâm của đọc giả và được biết đến lan rộng thông qua tình huống "định mệnh".
Nhắc đến sự thành công của cuốn sách, cũng nên dành lời khen cho nhà dịch thuật đến từ V- BTS Vietnamese Fanpage đã có đội ngũ dịch thuật sâu sắc. Họ đã tận tâm, tâm huyết dịch lại cuốn sách này để đến tay người Việt độc giả.
Qua cuốn sách Sức mạnh của ngôn từ, bạn nhận được gì?
Cuốn sách có 9 chương từ cơ bản đến nâng cao khai thác nội dung cụ thể, chi tiết từng phần. Điều này có thể giúp đọc giả hình dung và thực hành.
Chương đầu tiên là chương "rèn luyện". Tác giả nhận định đây là một phương pháp mở rộng chiếc bát ngôn từ. Trong chương 1, tác giả chia thành 4 nội dung khai thác:
Một chiếc bát góc cạnh thì nước bên trong cũng không phẳng lặng
Dù thiện hay ác- Đừng suy nghĩ
Tôi luôn làm chủ bản thân
Mỗi người là một tác phẩm
Yêu bản thân hơn thế giới ngoài kia
Đừng sống theo cảm xúc
Theo dõi để nhận biết
Chương 2 là "quan điểm"- thay đổi quan điểm. Nhà văn xây dựng, thay đổi quan điểm, nhìn nhận của tác giả thông qua phương pháp "rèn luyện" trên. Trong chương này, các nhà văn đã khai thác nội dung thành 7 phần nhỏ:
Lời nói thiếu chủ quan thì vô nghĩa
Chỉ cố gắng để nhìn nhận sáng suốt
Quan điểm thay đổi thì lời nói cũng thay đổi
Không thể không có thế giới quan
Pháp sư và thợ mộc đứng hai vị trí khác nhau
Học hỏi nghiêm túc mới có thể thay đổi
Chân lý không chỉ có một
Chương 3 là "trí tuệ"- để lời nói trở nên sâu sắc. Tác giả nhắc đến trí tuệ như một phương thức giúp bạn đọc có thể biến lời nói trở nên sâu sắc. Tác giả chia 7 phần nội dung nhỏ trong chương này:
Cao hơn tấm lòng chính là trí tuệ
Sự phẫn nộ vì "tên họa sĩ điên rồ" đã khiến tôi làm thơ
Con người sắp mất thì lời nói phải
Đọc sách cũng phải quyết đoán
Phải phân tích mới thay đổi được thế giới
Đừng để mình bị ngôn từ giam cầm
Hãy suy xét cả hai mặt của lời nói
Chương 4 là "sáng tạo". Nếu nhắc đến ngôn từ, ta thường nghĩ đến sự sáng tạo nhưng đối với tác giả đây lại là phương pháp giao tiếp mới lạ. Phương pháp này được nhà văn chia thành 7 phần:
Sức mạnh vô hạn bên trong bạn
Mẫu hình thay đổi khi tư duy thay đổi
Mới mẻ không phải là gián đoạn
Kết hợp cũng là một ý tưởng
Quá khứ phục vụ hiện tại
Hãy chú ý đến "khoảng trống"
Thay đổi khi bạn viết và thay đổi khi bạn chia sẻ
Chương 5 là "lắng nghe"- phương pháp thực hành lắng nghe. Trong chương này, tác giả đưa ra một số vấn đề về nắm bắt, phê bình và nhìn nhận về lời nói xấu. Chương được chia thành 7 phần nội dung nhỏ khai thác:
Muốn nhận lại, hãy cho đi
Không để tâm thì không nghe thấy
Chí nhân dụng tâm như một tấm gương
Hiểu biết và hiểu lầm luôn tồn tại song song
Nắm bắt được ấn ý, văn cảnh sẽ tự nhiên mở ra
Phê bình giúp bạn rèn luyện bản thân
Không cần bận tâm những lời nói xấu
Chương 6 tác giả nhắc đến "câu hỏi"- đặt câu hỏi tốt và trả lời tốt. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi và tìm câu trả lời phù hợp tương ứng. Có lẽ bạn đọc sẽ thấy chưa này khá lạ lẫm vì có cảm giác gần như không liên quan đến ngôn từ cho lắm. Nhưng thực chất chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau đấy. Trong chương này, tác giả cũng chia ra cụ thể 7 phần nội dung nhỏ khai thác cho bạn đọc:
Không học hành thì chẳng có gì để nói
Những điều vốn dĩ không tồn tại
Câu hỏi giúp thay đổi cái nhìn
Phải mềm mỏng đến mức lưỡi dao sắc cũng mòn
Mọi sự việc đều cần một điểm dừng đúng lúc
Người ta bắt đầu hỏi khi tin tưởng đối phương
Phương pháp chiến thắng trong một cuộc tranh luận
Chương 7, nhà văn đưa ra một kỹ thuật giao tiếp khác- “phương pháp đối thoại”. Trong phương pháp này, tác giả đã nêu ra một số cách cụ thể cũng như bài học đáng giá trong việc cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.
Đầu tiên là, tấn công trực diện, binh bất yếm trá
Hai là, hướng đến những lời nói trung hòa
Ba là, hôm nay chưa nhận thức được thì ngày mai nói lại
Bốn là, không có gì ngu ngốc hơn là không biết mà tỏ ra biết
Năm là, đồng ý và hiểu biết là hai vấn đề khác nhau
Sáu là, muốn nắm quyền chủ động thì hãy biết dẫn dắt
Bảy là, dùng chiến lược nhưng đừng nói dối
Chương 8, tác giả nhắc đến “tự do” như là một lời khái quát thể hiện quan điểm về lời nói nên nói, lời nên bỏ cũng như lời khuyên về cách sử dụng lời nói.
Đầu tiên tác giả nhắc đến "Ba nguyên tắc giao tiếp"
Hai là, tác giả mượn lời nói ẩn ý "dù ly rượu vang có bị lãng quên, hương vị của nó còn lại mãi
Ba là, một câu khái quát nội dung bí ẩn " trở thành người tự do"
Bốn là, một lần nữa mượn lời ấn ý "sau khi leo lên được chiếc thang, hãy đá nó đi"
Năm là, không cần thực hiện mọi giao ước
Sáu là, khoảng cách giữa "Vâng" và "Ừ"
Bảy là, nhà văn kết thúc chương bằng một lời dẫn: "Thiền đình là im lặng và im lặng là thiền đình"
Và cuối cùng chương 9 như là một chương đưa ra dẫn chứng, câu dẫn thực tiễn từ những người có tiếng nói như Khổng Tử, Mạnh Tử, Thích Ca Mâu Ni,...Tác giả dẫn dắt những câu nói, những kinh nghiệm của họ để làm nổi bật phương pháp, quan điểm mà tác giả đã đưa ra về kỹ năng giao tiếp, sử dụng ngôn từ.
9 chương đại diện cho một phương pháp, quan điểm khác nhau. Mỗi chương tác giả cụ thể hóa các phần nhỏ như lời giải thích, cách áp dụng hay thậm chí là lời khuyên đến cho độc giả.
Như vậy, cuốn sách này định hướng rõ ràng cho độc giả những phương pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp, cách sử dụng ngôn từ hiệu quả mà bạn có thể không ngờ tới.
Ấn tượng về cuốn sách
Trong cuốn sách Sức mạnh của ngôn từ, các nhà văn đã sử dụng nhiều câu nói, thông điệp, lời trích dẫn hay gửi tới người đọc:
"Một chiếc bát góc cạnh thì nước bên trong cũng không phẳng lặng"- Tuân Tử
"Đừng nghĩ đến cái thiện, cũng đừng nghĩ đến cái ác. Vậy khuôn mặt thật của bạn là gì?"- Huệ Năng
"Không có khả năng kiểm soát cảm xúc, đó là sự lệ thuộc.
Người sống theo cảm xúc không sống vì quyền lợi của bản thân mà của định mệnh.
Họ thấy những điều tốt đẹp nhưng buộc phải làm những điều tồi tệ, đó là sức mạnh của định mệnh."- Spinoza
"Theo dõi những gì đang xảy ra trong cơ thể, theo dõi những gì đã biến mất khỏi cơ thể.
Cũng như đối diện với cảm giác và trái tim, hãy theo dõi mọi đối tượng."- Thích Ca Mâu Ni
Và còn rất nhiều lời trích dẫn mà tôi nghĩ bạn sẽ chững lại một nhịp khi đọc đến. Mỗi lời trích dẫn đều gắn liền với hàm ý và nội dung của chương, của phần chương đấy.
Cảm nhận của bản thân
Tôi biết đến cuốn sách Sức mạnh của ngôn từ thông qua thành viên V BTS nhưng ở lại, yêu thích nó và muốn giới thiệu cuốn sách này cho mọi người vì nội dung của nó. Cải thiện giao tiếp xã hội, cách sử dụng ngôn từ hiệu quả thực sự tác động không nhỏ đến với đời sống của chúng ta, thay đổi nhiều điều, nhiều phương diện trong cuộc sống mỗi người.
Ngoài ra bản thân tôi còn học được cách làm chủ cảm xúc của mình. “Làm chủ cảm xúc là biết cách điều chỉnh cảm xúc sao cho phù hợp. Làm chủ cảm xúc giúp hạn chế những lời nói mang tính khiêu khích, chọc giận, u uất. Chỉ khi đó mới có thể tự bảo vệ mình và không tổn thương người khác”.
Bí mật nhỏ cho bạn: Nếu ai đặc biệt đam mê Triết học, khám phá về ngành Nhân văn học thì cuốn sách này Sức mạnh của ngôn từ rất phù hợp với bạn. Nhưng nếu bạn không thích Triết hay sợ Triết thì bạn vẫn đọc được đấy, các nhà văn và nhà dịch thuật đã vận dụng chính phương pháp đã đưa ra trong cuốn sách này để truyền tải nội dung dễ hiểu nhất cho bạn.
Tác giả: Nguyễn Phương Huyền My- Bookademy.
Hình ảnh: Nguyễn Phương Huyền My
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Câu nói của triết gia Tuân Tử được tác giả đặt ở ngay phần mở đầu cuốn sách. Tác giả ví mỗi người đều có một chiếc bát ngôn từ riêng. Tùy thuộc vào bản tính của bản thân mà chiếc bát đó có hình tròn, méo, đầy hay vơi khác nhau. Vì thế, để nói được những lời hay ý đẹp, trước hết bạn phải chắc chắn rằng mình có một khối óc đủ sâu sắc, hiểu biết thấu đáo. Ngược lại, nếu bạn ngông cuồng, sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực có thể gây tác dụng ngược, khiến mọi người xa lánh mà thôi. Cuối cùng, bạn cần phải biết làm chủ cảm xúc của mình trong mọi tình huống. Luôn nhớ rằng, từng câu chữ nói ra đều phải xuất phát từ tận lòng yêu thương. Hãy đặt cái tôi xuống khi tranh luận với mọi người.