“Trong tất cả các môn khoa học, sai lầm đi trước sự thật, và tốt nhất nó nên đi đầu tiên hơn là đi cuối cùng.” (“In all science, error precedes the truth, and it is better it should go first than last.”) - Horace Walpole
Khoa học rốt cuộc là gì mà khiến con người phải quan tâm và theo đuổi, đam mê nó đến vậy? Theo Wikipedia, khoa học là “hệ thống kiến thức về những định luật, cấu trúc và cách vận hành của thế giới tự nhiên, được đúc kết thông qua việc quan sát, mô tả, đo đạc, thực nghiệm, phát triển lý thuyết bằng các phương pháp khoa học.” Khoa học xuất hiện trong đời sống hàng ngày của chúng ta ở diện mạo của những ứng dụng, tiện ích, thiết bị, thuốc men mà chúng ta sử dụng. Ngay cả chúng ta cũng là một phần của khoa học, khi mà những cơ chế, quá trình, hiện tượng của cơ thể, tâm lý, năng lực của con người đều được nghiên cứu, phân tích và tổng hợp nhờ có khoa học. Nếu không nhờ có khoa học, chúng ta không thể có cuộc sống hiện đại và tiện nghi như bây giờ. Khoa học tồn tại đến ngày hôm nay, nhờ vào sự tò mò, và những nỗ lực cố gắng của con người.
Tuy nhiên, khoa học mà chúng ta nhìn thấy chỉ là những gì mà các nhà khoa học muốn công chúng nhìn thấy. Tất cả những thứ trên đời đều có hai mặt, và khoa học cũng không phải là ngoại lệ. Khoa học có những góc khuất mà khi được hé lộ đều khiến những ai nghe và biết đến phải rùng mình. Trong lịch sử đã có không ít người đã lấy danh nghĩa làm vì khoa học và nhân loại để che đậy tội ác của mình. Họ đã không nương tay với con người, động vật, cây cỏ để làm nên tên tuổi cho bản thân mình. Đằng sau vẻ hào nhoáng, nhân nghĩa đó là bộ mặt tàn bạo, điên cuồng. Được thôi thúc bởi những câu chuyện này, tác giả Simon Kean đã viết nên cuốn sách Phía sau tội ác nhân danh khoa học - Khám phá bí mật tội lỗi của những hoạt động khoa học tàn ác và phi nhân tính (Tựa đề gốc: The Icepick Surgeon: Murder, Fraud, Sabotage, Piracy, and Other Dastardly Deeds Perpetrated In The Name of Science).
Đôi nét về tác giả:
Sam Kean là một nhà văn ăn khách người Mỹ. Ông sinh ra và lớn lên ở bang South Dakota, nước Mỹ. Ông từng học Vật lý và Anh văn tại trường đại học Minnesota. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ với tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Thư viện học. Hiện tại, Sam Kean là biên tập viên cho tuyển tập khoa học The Best American Science and Nature Writing, tái bản lần thứ 18. Các cuốn sách của ông đều theo hướng tường thuật về những phát hiện khoa học có giá trị, nhận được rất nhiều lời khen từ nhiều tờ báo có tiếng tăm như The Wall Street Journal, Library Journal, hay The New York Times. Một số các tác phẩm của ông bao gồm: The Disappearing Spoon, The Violinist's Thumb, Caesar's Last Breath: Decoding the Secrets of the Air Around Us, The Bastard Brigade: The True Story of the Renegade Scientists and Spies Who Sabotaged the Nazi Atomic Bomb, The Tale of the Dueling Neurosurgeons: the History of the Human Brain as Revealed by True Stories of Trauma, Madness, and Recovery và không thể không kể đến cuốn sách Phía sau tội ác nhân danh khoa học - Khám phá bí mật tội lỗi của những hoạt động khoa học tàn ác và phi nhân tính. Tác giả Sam Kean cũng đã nhận được một số giải thưởng, thành tích đáng nể trong sự nghiệp của mình. Tiêu biểu nhất là khi cả 4 cuốn sách của ông, bao gồm The Disappearing Spoon, The Violinist's Thumb, Caesar's Last Breath: Decoding the Secrets of the Air Around Us, The Tale of the Dueling Neurosurgeons đều nằm trong top các cuốn sách khoa học hàng đầu của Amazon. Ngoài việc viết sách, ông còn viết cho Tạp chí New York Times, Mental Floss, Slate, Psychology Today và The New Scientist.
Cảm nhận về cuốn sách:
Phía sau tội ác nhân danh khoa học - Khám phá bí mật tội lỗi của những hoạt động khoa học tàn ác và phi nhân tính là cuốn sách đem đến những khám phá khoa học, cũng như những tội ác của con người phía sau vỏ bọc mang tên “khoa học”. Cuốn sách mang đến cảm giác từ bất ngờ đến sợ hãi trước sự bất chấp và phi nhân tính mà con người có thể đạt đến. Ở phần 1 này, mỗi chương sách đều là những câu chuyện rùng rợn về những góc khuất của khoa học. Nhưng tất nhiên, đó không phải là những câu chuyện tầm thường. Những câu chuyện này đều có tính chất gây tranh cãi, bởi chúng phục vụ cho khoa học, đồng thời lại là nguyên nhân gốc rễ sinh ra nhiều án mạng. Nội dung cuốn sách không đơn thuần nằm ở việc tường thuật những câu chuyện rùng rợn một cách chi tiết, xác thực mà còn đi sâu vào tâm lý của kẻ phạm tội, nhấn mạnh đến động cơ thực tế của những vụ án mạng khoa học. Chúng ta chắc hẳn đều biết một điều rằng, tội phạm là những kẻ có tâm lý bất ổn, thường bị thôi thúc bởi những chấp niệm khó bỏ, và có những suy nghĩ độc hại. Tuy nhiên, lý do vì sao họ trở thành những kẻ đáng bị lên án nhất trong xã hội thực sự rất phức tạp.
Ở mỗi chương sách, chúng ta không chỉ được học về những “chiến tích” khoa học mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng những bức chân dung của những kẻ nhân danh khoa học để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Phần mở đầu của cuốn sách cũng là chân dung của việc lạm dụng khoa học. Những kẻ phạm tội khoa học có tâm lý vô cùng phức tạp. Bởi vì không thể kiểm soát trí tò mò, nên họ đã quyết tâm đi đến cùng, để thoả mãn những khát khao khám phá những điều mới lạ. Cá nhân họ mong muốn tạo ra những kỳ tích, nhưng họ có thể làm bất cứ điều gì, đi đến bất cứ giới hạn nào để đạt được điều đó. Không thể phủ nhận rằng những khám phá của họ có sức ảnh hưởng đáng kể đến khoa học, khiến cho những nhà khoa học lỗi lạc và uyên bác cũng phải suy ngẫm về bản thân, nhưng để tạo ra sự thay đổi đó, đã không có ít người phải bỏ mạng. Những “nhà khoa học” này không những có tâm lý phức tạp, họ còn có cách sống rất “dị”. Họ sẵn sàng lăn xả, nên cảm nhận được từng sự thay đổi và cực hạn của thiên nhiên. Những mô tả hay những bản tường thuật về những khám phá của họ chi tiết và gần như chính xác, cặn kẽ nếu so sánh với thực tế. Họ gần như không giấu diếm điều gì khi kể về những chiến tích của mình.
Thông thường, động cơ mà con người phạm tội có liên quan đến tiền bạc, chính trị, danh tiếng hay những thứ không sạch sẽ, nhưng đối với tội phạm khoa học, động cơ ấy chính là động lực Faust về mưu cầu tri thức. Thoạt đầu khi nghe đến động cơ này, chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu, rằng: Làm thế nào mà một người có thể “phạm tội” chỉ vì muốn tìm hiểu và khám phá kiến thức? Theo tác giả Sam Kean, các nhà khoa học có khả năng cao vượt qua ranh giới đạo đức, khi công việc của họ chủ yếu nằm ở việc nghiên cứu, và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Họ có xu hướng phiến diện khi không đạt được mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, họ rất dễ rơi vào cái bẫy của khoa học, rằng khoa học là hiện thân cho những điều tốt đẹp. Sự ảo tưởng này cũng là sự viện cớ cho những việc phi đạo đức mà họ làm. Họ đánh lừa những người khác bằng những điều tốt đẹp của khoa học, và cũng đánh lừa chính bản thân mình, rơi vào cái bẫy cho chính mình đặt ra. Họ tự thuyết phục bản thân mình, và cả những người khác, về việc những nghiên cứu của họ sẽ tạo ra những thay đổi nhất định đến nền khoa học nhân loại, hay sẽ có lợi ích như thế nào đến những người ủng hộ họ. Trên thực tế, những kết quả họ mang lại có thể đem đến những thứ mới mẻ hay những điều cần cân nhắc, suy ngẫm, nhưng suy cho cùng, một điều có thể chắc chắn rằng: Những “kiệt tác” của họ khiến nhân loại phải suy nghĩ nhiều hơn về đạo đức nghề nghiệp nói chung, cũng như đạo đức khoa học nói riêng. Một ví dụ dưới đây về nữ hoàng Cleopatra sẽ chứng minh về nhận định này.
Xuyên suốt cuốn sách, một trong những ví dụ của việc sử dụng khoa học với mục đích sai trái với bản chất của nó chính là nữ hoàng Cleopatra. Ở phần lời mở đầu, tác giả Sam Kean miêu tả rằng, theo truyền thuyết, Cleopatra là người thực hiện thí nghiệm khoa học phi đạo đức đầu tiên trong lịch sử. Vào một thời điểm nào đó trong thời gian trị vì của bà (khoảng từ năm 51 đến năm 30 trước Công nguyên), trong giới các nhà học giả Ai Cập đã dấy lên một câu hỏi: Thời điểm sớm nhất để biết đứa bé vẫn còn ở trong bụng mẹ là trai hay gái là khi nào? Vì không ai biết câu trả lời, chính bà đã tự tay thực hiện những thí nghiệm đó lên những người hầu gái của mình. Bà yêu cầu những người hầu gái tuân thủ theo những quy trình thí nghiệm, và khi đã đến thời điểm thích hợp, bà sẽ yêu cầu được xem những “vật thí nghiệm” đó. Tiếp theo, bà đưa ra kết luận rằng, sau 41 ngày kể từ ngày thụ thai, giới tính của thai nhi có thể được xác định. Bên cạnh sự phi đạo đức của thí nghiệm này, có một điều rất khó lý giải chính là sự ám ảnh của Cleopatra về thí nghiệm này. Thí nghiệm này không có ý nghĩa gì đối với khoa học hiện đại, bởi các bác sĩ đã đưa ra nhận định rằng sau 6 tuần thụ thai, ở thai nhi chưa xuất hiện bộ phận sinh dục, nên việc đưa ra kết luận về giới tính. Có thể thấy rằng, nữ hoàng Cleopatra nhiều quyền lực, nhưng bị những thứ khoa học làm mờ mắt, đến nỗi không từ bất cứ thủ đoạn nào để có được thứ mình muốn. Bà đã quyết tâm thực hiện thứ bà cần làm để có được kết quả mình muốn tìm, và bà đã thực hiện thành công đến nỗi mất hết nhân tính, lòng nhân đạo đã bị băng hoại trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Bên cạnh đó, lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều khám phá khoa học có giá trị khác. Một trong những ví dụ điển hình là “cướp biển” Dampier. “Cướp biển” William Dampier (1651 - 1715) là một nhà thám hiểm, nhà hàng hải và nhà tự nhiên học người Anh, đã từng đến Úc và có 3 lần đi vòng quanh Thế giới. Ông sinh ra và lớn lên tại làng East Coker thuộc vùng Somersetshire, Anh Quốc. Dampier mồ côi cha mẹ ở tuổi 16, và từ đó ông bỏ dở việc học, và đi làm nhân viên cho một chủ tàu ở Weymouth. Có lẽ đây là bước ngoặt trong cuộc đời của William Dampier. Từ năm 16 tuổi, ông đã đi du lịch đến vùng đất Newfoundland, sau đó đi du thuyền đến vùng Đông Ấn và Vịnh Mexico. Từ năm 1678 đến năm 1691, William Dampier tham gia vào các hoạt động cướp biển, chủ yếu ở những nơi nằm dọc theo bờ ở biển phía tây Nam Mỹ và ở khu vực Thái Bình Dương. Trong một chuyến đi, ông đến nước Úc vào năm 1688, được cho là ở bờ biển phía Bắc lân cận với đảo Melville. Mặc dù hành nghề “cướp biển”, trong khoảng thời gian đó, ông không tìm thấy gì để cướp bóc, và không thích người dân và phong tục của những người dân ở những nơi ông đặt chân đến. Một sự kiện đáng nhớ trong khoảng thời gian chinh chiến trên biển cả của ông là khi ông được bổ nhiệm vị trí chỉ huy con tàu Roebuck thám hiểm cho Bộ Hải quân Anh. Ông đã thực hiện nhiều chuyến đi, và đã đặt chân đến nhiều nơi: Mũi Hảo Vọng, vịnh Shark miền Tây nước Úc,... Ngoài ra, ông cũng đồng thời thực hiện những chuyến đi cá nhân khi trở về Vương quốc Anh, thu về rất nhiều chiến lợi phẩm có giá trị cao. Trong những chuyến đi ấy, ông gặp nhiều sự cố và khó khăn, từng trốn khỏi tàu, bị tấn công. Đối với ông, có một thứ còn giá trị hơn cả vàng ngọc châu báu, đó chính là những ghi chép của ông trong các chuyến đi. Ông luôn mang theo bên mình và làm mọi thứ để bảo vệ, bảo quản những ghi chép đó. Ngoài ra, ông từng cưới một cô hầu gái tên Judith, với mục đích hoàn lương, nghỉ hưu nghề cướp biển. Nhưng khi cuộc sống trở nên khó khăn, người cướp biển cần phải kiếm sống. Không thể ghi nghề nghiệp “cướp biển” vào lý lịch, ông quyết định sắp xếp các ghi chép thực địa của mình thành một cuốn ghi chép hành trình. Trong sự nghiệp của William Dampier, một trong những tác phẩm để đời của ông là cuốn sách “A New Voyage Round the World” (Tạm dịch: Một chuyến du hành mới vòng quanh thế giới) đã được xuất bản vào năm 1697. Đây là một thành công vang dội đối với Dampier, bởi cuốn sách là một kho tàng những ghi chép vô cùng chân thực và sống động về lịch sử tự nhiên và nhân loại học từng được viết. Những ghi chép của ông về động thực vật học, hay những trận chiến với thiên nhiên được miêu tả và kể lại vô cùng cặn kẽ, giống như những chi tiết ấy đang diễn ra trước mắt người đọc. Dampier không chỉ thể hiện khối lượng tri thức đồ sộ của mình, mà còn thể hiện sự dũng cảm, gan dạ đối đầu với những thử thách mà bản thân đã ghi chép trong sách. Mặc dù cuốn sách nhận được không ít lời khen và đánh giá cao, ông không kiếm được nhiều tiền từ những lần xuất bản sách vì thiếu sự tồn tại của luật bản quyền. Những lợi nhuận mà Dampier đánh mất đã rơi vào tay những tên “cướp biển” trong lĩnh vực văn học. Khi ông không thể tiếp tục và chỉ huy con tàu Roebuck, ông háo hức bỏ lại quá khứ phía sau, bước lên con tàu với tâm thế tự tin một cách thái quá. Ông cho rằng bản thân thông minh và có hiểu biết khoa học hơn bất cứ ai, nhưng thiếu sự quyết đoán và bản lĩnh để dập tắt những vấn đề bất ổn đã xảy ra. Ông không gây được thiện cảm với cấp dưới của mình, bị cấp phó coi như một tên cướp biển cặn bã. Những rắc rối cứ vây quanh Dampier và trở thành bạo lực trên tàu. Thậm chí, sau này ông đã bị Tòa án dị giáo Công giáo ở Brazil chấm dứt các chuyến đi vì không thích một người cướp biển theo đạo Tin Lành. Bên cạnh đó, khi trở lại đất liền, ông đã phải sống trong một xã hội đã bị đầu độc bởi những định kiến về mình. Mặc dù là nhà khoa học có tài, nhưng Dampier đã làm những việc tàn ác với con người. Một kết cục đáng tiếc cho một người đầy triển vọng như Dampier.
Cuốn sách không đơn thuần là sách tổng hợp những câu chuyện về khoa học, đời sống và con người. Cuốn sách còn khai thác lĩnh vực tâm lý học, truy tìm và phân tích động cơ của những con người có thể bất chấp tất cả để thực hiện những thí nghiệm phi đạo đức. Với nội dung lôi cuốn, khiến cho độc giả “sởn gai ốc”, cùng với lối diễn đạt lôi cuốn, ngôn từ cụ thể cũng như lập luận rõ ràng, Phía sau tội ác nhân danh khoa học - Khám phá bí mật tội lỗi của những hoạt động khoa học tàn ác và phi nhân tính là một cuốn sách hấp dẫn và có chiều sâu. Với lĩnh vực rõ ràng, thông điệp của cuốn sách rất cụ thể, đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Nhà bác học Einstein từng nói rằng: “Nếu không có tư cách, khoa học sẽ bị diệt vong, và các nhà khoa học thiếu đạo đức thường tạo ra một nền khoa học tồi tệ.” Đây cũng là thông điệp chủ đạo mà chắc hẳn tác giả Sam Kean muốn đem đến cho các độc giả của mình. Và quan trọng nhất, có thể kết luận rằng, Sam Kean là một nhà nghiên cứu tài năng cũng như có sức thuyết phục tuyệt vời.
Tóm tắt bởi: Quỳnh Trang - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
Tác giả có lối kể chuyện lôi cuốn, mạch lạc cùng giọng phê bình sắc bén mà không khắc nghiệt về các nhà khoa học ngày xưa đã vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức khoa học của chúng ta ngày nay. Cái hay của tác giả là khắc họa rất rõ tính cách cá nhân của mỗi nhà khoa học cùng cuộc sống riêng của họ một cách ngắn gọn mà vô cùng sinh động. Câu chuyện của mỗi nhân vật cho mình thấy được những cá tính khác biệt cùng đam mê của họ trong dòng chảy cuộc sống xã hội nói riêng cũng như lịch sử nói chung. Giọng đọc ấm, truyền cảm, thể hiện tốt giọng văn của tác giả, giúp mình có thể vừa nghe vừa cảm thụ được tác phẩm.