Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm là tập nhật ký của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm được viết tay từ những năm 1968 - 1970. Cuốn sách đã cho ta thấy lại những hình ảnh đầy gian khổ, khó khăn của những thanh niên xung phong, những cuộc chiến đầy trắc trở hiểm nguy. Cùng với đó là những dòng ghi chép chân thành của cô về những nỗi đau mà Đế Quốc Mỹ đã gây ra. Quyển sách sẽ khiến bạn phải bật khóc trước sự chân thành và giúp cho bản thân ta nhìn nhận lại những điều cao đẹp của cuộc sống này, những cây đắng bi thảm có thể trong kiếp người của chính mình.
Đôi nét về nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và tác phẩm
Cô sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, lớn lên trong một gia đình tri thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là dược sĩ kiêm giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội. Đặng Thùy Trâm là cựu học sinh của trường Chu Văn An ở Hà Nội, cô mang trên mình tài năng ca hát nên đạt được nhiều huy chương trong các cuộc thi văn nghệ tại thủ đô, bên cạnh đó Đặng Thùy Trâm còn năng nổ tham gia các câu lạc bộ thơ văn của trường.Cô tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thuỳ Trâm xung phong vào công tác chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 thì chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công làm ở một bệnh viện quân y với tư cách là một bác sĩ quân y. Cô được kết nạp vào Đảng ngày 27 tháng 9 năm 1968. Sau đó, vào ngày 22 tháng 6 năm 1970 trong một chuyến đi công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh Dũng lúc mới chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề. Hiện nay hài cốt của Đặng Thùy Trâm được mai táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.
Cuốn nhật ký được viết trong ba năm cô làm bác sĩ ở Đức Phổ, nó cho thấy sức tàn phá khốc liệt của chiến tranh và tâm tư người lính xa nhà bằng những dòng ghi chép chân thực. Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được xếp vào một trong mười sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2005 tại Việt Nam.Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào ngày Thương binh liệt sĩ năm 2005 và một năm sau đã bán hơn 400000 bản. Năm 2007, tác phẩm được phát hành tại Mỹ và nhiều quốc gia khác với tên tiếng Anh là Last night, I dreamed of peace và tính đến hôm nay, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng. Cuốn nhật ký hiện đang được lưu giữ tại Viện Lưu trữ về Việt Nam ở bang Texas, Hoa Kỳ.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn nhật ký đã phơi bày thực tế tàn khốc của chiến tranh chống Mỹ.
Có thể nói cuốn Nhật ký giống như một thước phim trắng đen đã phơi bày nên sự tàn khốc, khó khăn của chiến tranh chống Mỹ. Chỉ bằng những dòng chữ thôi mà đã đủ để cho ta cảm nhận được sự đau đớn, khắc nghiệt và nguy hiểm của các trận đánh ác liệt của quân và dân ta, sự tàn phá, càn quét của Đế Quốc Mỹ. Và cũng thông qua sự thực tế tàn khốc này này ta cũng nhìn thấy được những sự hi sinh của các thanh niên xung phong, họ vẫn sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu, cống hiến cho đất nước.
Trên con đường giải phóng đất nước ngày ấy, Thùy Trâm đã tiếp xúc với các anh em bộ đội và cả người thân của họ nữa. Có cả những người mẹ Việt Nam anh hùng tiễn con đi không có ngày trở lại, có những người vợ đã mất chồng và 3, 4 đứa con. Những hy sinh trong chiến tranh hẳn người Việt Nam nào cũng đã từng được nghe hoặc biết đến qua nhiều phương tiện truyền thông. Nhưng chỉ khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nghe những lời tâm sự của người con gái ngày đêm đối mặt với bom đạn, ta mới thấu được những khắc nghiệt đến kinh người của cuộc chiến tranh ngày ấy. Trong quyển Nhật ký này có những trang sách khiến người đọc phải rùng mình và hiểu được lý do tại sao ngày xưa dân ta lại căm thù giặc đến vậy. Nếu đã đọc sách, bạn sẽ không thể quên được hình ảnh những người lính bị bom dội cụt tay, mất cả đôi chân hay bỏng toàn cơ thể. Đồng thời cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm cũng ca ngợi tinh thần chiến đấu bền bỉ của nhân dân ta.
“Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này.” – Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Nhật ký Đặng Thùy Trâm chứa đầy những dòng chữ đầy nước mắt và xót xa.
Trong suốt ba năm công tác ở Quảng Ngãi, Đặng Thùy Trâm đã đem toàn bộ tâm tư sâu kín của mình viết vào cuốn nhật ký, nó ghi lại những năm tháng chiến đấu gian khổ của dân tộc và sự hy sinh cao cả của một thế hệ anh hùng. Mỗi dòng nhật ký đều chất chứa nhiều tâm tư của đứa con xa nhà, cô đã nhớ về Hà Nội cùng những kỷ niệm ấm áp bên gia đình và gửi lời hỏi thăm người thân vào từng trang viết. Tuy mang trong mình sự lo lắng cùng với khát khao được trở về nhà nhưng nữ chiến sĩ phải gạt đi nỗi nhớ để tiếp tục cố gắng, cô tin rằng ngày mai đất nước hòa bình thì bản thân sẽ được sống những ngày tháng tươi đẹp như trước đây.
“19.5.70
Địch càn lên súng nổ rần rần con vẫn cười, bình tĩnh ra công sự. Địch tập kích vào căn cứ, vừa chạy địch có đêm phải ngủ rừng con cũng vẫn cười, nụ cười vẫn nở ngay cả khi tàu rọ và HU-1A quăng rocket xuống ngay trên đầu mình…
Vậy mà khi nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu trên cả hai miền, lòng con xao xuyến xót xa và cũng có những lúc những giọt nước mắt thấm mặn yêu thương chảy tràn trên đôi mắt của con.” – Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Có những lần Đặng Thùy Trâm vô cùng sợ hãi trước tiếng súng hay đạn nổ của địch muốn từ bỏ và rồi động lực giúp cô vượt qua điều đó là người thân cùng với đồng đội đang chiến đấu cùng mình. Chính điều đó, đã giúp cô trở nên mạnh mẽ và không còn run sợ hay muốn chạy trốn. Có một sự thật xót xa là cứ sau mỗi lần càn quét của địch thì số người bị thương tăng lên rất nhiều, nữ bác sĩ trẻ đã tận tâm chữa trị và đem tình yêu thương của mình dành cho bệnh nhân ghi vào cuốn nhật ký. Cô miêu tả chân thực và chi tiết những cơn đau của người chiến sĩ, từ đó độc giả có thể hình dung được hậu quả kinh khủng sau mỗi cuộc chiến đấu.
Càng tâm huyết với nghề bao nhiêu thì tình cảm Thùy Trâm dành cho bệnh nhân lại càng lớn bấy nhiêu. Giữa nơi núi rừng heo hút, Thùy Trâm vẫn dành tình cảm sâu sắc cho người em nuôi, đó chẳng phải tình cảm nam nữ thông thường mà còn là tình người, tình cách mạnh trao cho nhau trong những ngày gian khổ nhất.
Thùy Trâm luôn yêu Tổ Quốc, yêu Đức Phổ và nhớ về Hà Nội thân yêu. Đi đến nơi nào, Thùy cũng dành cho người dân những tình yêu nồng đượm, thứ tình cảm giản dị mà quả là xa xỉ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
"5.6.69
Địch triển khai thêm, không thể ở đó được nữa, đêm nay đa số cán bộ và thương binh dẫn nhau chạy xuống Phổ Cường. Tối không trông rõ mặt người nhưng có lẽ ai cũng cảm thấy rất đầy đủ những nét đau buồn trên khuôn mặt từng cán bộ và thương binh. Mình lo đi liên hệ giải quyết công tác đến khuya mới về, thương binh đã đi ăn cơm xong, nằm ngổn ngang trên thềm nhà Đáng, một vài người đã ngủ, số còn lại khẽ rên vì vết thương đau nhức. Còn lại trên đó ba cas cố định chưa có người khiêng, một số cán bộ lãnh đạo còn trên đó, mình cần trở về. Trở về lúc này thật gay go, không hiểu địch nằm ở đâu. Nhưng biết làm sao, yêu cầu công tác đòi hỏi mình phải trở về, dù chết cũng phải đi…” – Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Những con chữ lay động trái tim người đọc
Nhân dân miền Nam phải đối mặt với sự nguy hiểm trước những trận truy lùng của giặc Mỹ, bởi bọn chúng có thể đột kích trong đêm tối hoặc tờ mờ sáng nên ta phải luôn nâng cao cảnh giác. Họ có thể hy sinh bất cứ lúc nào bởi chúng không tha cho bất cứ ai, mạng sống con người lúc đó bị xem như cỏ rác.
"25.8.69
Những ngày căng thẳng tột bậc. Đêm đêm bọn Mỹ đi quanh làng chui nằm trong lúa để sáng sớm tinh mơ lại bò vào làng tập kích thật sớm. Sáng nay mới mờ mờ sáng chúng đã bao quanh xóm. Mình xuống công sự với tư thế đã sẵn sàng, nằm dưới công sự nghe chúng la hét, lùng sục phía trên, cái cảm giác ghê tởm căm thù có một sức nặng như một trọng lượng đè lên trái tim mình.
Trong trận càn sáng nay, mẹ con chị Thu Hương bị thương. Chị Thu Hương, người y tá xã mà xưa rày mình cùng ở với chị, mới đêm hôm cùng ngồi với mình tâm sự cho đến tận khuya. Lần đầu tiên mình nghe người mẹ của một đứa con “tập tàng” tâm sự về nỗi đau buồn trước sự lỗi lầm của họ. Thằng bé con chị bụ bẫm và xinh xắn như một đứa trẻ Tây âu sáng nay bị hai mảnh cối xuyên vào ngực đúng vùng tim không hiểu có sống nổi không. Chiến tranh là vậy đó, nó không từ trẻ nhỏ, không từ một bà già và đáng ghê tởm vô cùng là bọn Mỹ khát máu.” –Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Những người anh hùng luôn mang trong mình niềm tin và ước mơ về một tương lai tươi sáng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chính nỗi đau mất mát ấy đã tiếp thêm động lực cho người ở lại quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chưa một lần run sợ, chưa một lần trốn chạy, Thùy Trâm cũng như bao thanh niên Việt Nam thời ấy, họ hy sinh khi chẳng ai biết mặt đặt tên. Khi đọc đến cuối cuốn sách, ta sẽ cảm thấy nặng lòng vì cuộc chiến đang vào hồi gay gắt nhất và điều ấy cũng có nghĩa là cuộc đời Thùy Trâm sắp kết thúc. Cuốn nhật ký khép lại vào ngày 20.6.1970, những dòng chữ cuối cùng…
“20.6.70
Đến hôm nay vẫn không thấy ai qua. Đã gần mười ngày kể từ hôm bị bom lần thứ hai. Mọi người ra đi hẹn sẽ trở về gấp để đón bọn mình ra khỏi khu vực nguy hiểm mà mọi người nghi là gián điệp đã chỉ điểm này. Từ lúc ấy, những người ở lại đếm từng giây, từng phút. Sáu giờ sáng mong cho đến trưa, trưa mong đến chiều... Một ngày, hai ngày... rồi chín ngày đã trôi đi mọi người vẫn không trở lại! Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu óc mình và những người ở lại. Vì sao? Lý do vì sao mà không ai trở lại? Có khó khăn gì? Không lẽ nào mọi người lại đành đoạn bỏ bọn mình trong cảnh này sao?
Không ai trả lời bọn mình cả, mấy chị em hỏi nhau, bực bội, giận hờn rồi lại bật cười, nụ cười qua hai hàng nước mắt long lanh, chực tràn ra trên mi mắt.
Hôm nay gạo chỉ còn ấn một bữa chiều nữa là hết. Không thể ngồi nhìn thương binh đói được. Mà nếu đi, một người đi thì không đảm bảo. Đường đi trăm nghìn nguy hiểm. Còn nếu đi hai người thì bỏ lại một người, nếu có tình huống gì xảy ra thì sao? Và không nói gì xa xôi, trước mắt trời sẽ ập nước xuống, một mình loay hoay làm sao cho kịp. Chằng ni lông trước thì sợ máy bay? Cuối cùng cũng phải hai người đi. Chị Lãnh và Xăng ra đi, mình đứng nhìn hai chị quần xắn tròn trên vế, lặn lội qua dòng suối nước chảy rần rần, tự nhiên nước mắt mình rưng rưng...
Bất giác mình đọc khẽ câu thơ:
Bay giờ trời biển mênh mông
Bác ơi có thấu tấm lòng trẻ thơ…
Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thật ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt.” – Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Có một câu nói của bác sĩ Đặng Thùy Trâm mà đến nay vẫn đang truyền cảm hứng cho biết bao người “Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Mỗi khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống này, hãy nhớ tới cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm để tiếp thêm cho mình động lực đứng dậy.
Cảm nhận của bản thân
Ngay khi mở trang đầu tiên của cuốn sách đã làm tôi có một cảm xúc lạ kỳ ở trong lòng ngực. Khi bắt đầu đọc thì trước mắt tôi như một bộ phim tua chậm rõ ràng, chân thực mà dạt dào cảm xúc. Cuốn sách đã được tìm thấy trên người của một nữ Việt Cộng. Nó đã suýt bị ném vào trong lửa. Nhưng một người phiên dịch đã giữ lại “vì trong đó có lửa”. Cả thanh xuân của Chị được lưu giữ lại trong quyển nhật ký nhỏ. Chị không có nhiều thời gian viết Nhật ký hàng ngày, dù bận với những ca mổ, sơ cứu thương binh. Rồi những lần chạy địch hay đến công tác ở những nơi mới. Nhưng không khi nào Chị quên mang theo và dành thời gian để viết Nhật ký cả. Dù là Nhật Ký nhưng nó thực sự tri thức. So với chúng ta ngày nay, những thanh niên của cả bốn mươi năm về trước họ sống khác lắm. Họ thánh thiện đến kỳ lạ. Dù biết rằng ngày mai có thể là ngày cuối cùng của anh hoặc là tôi ngã xuống dưới mũi đạn, bom rơi. Nhưng không! Họ chẳng màng. Thứ họ quan tâm là Hòa Bình là đoàn tụ với gia đình. Họ khao khát Hòa Bình. Họ muốn được trở về bên ngôi nhà thân thương nơi có mẹ, có cha, có anh chị em….Dù ngày đó đối với họ còn rất xa. Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm vẫn luôn là một quyển sách chắp lửa, truyền động lực cho bản thân tôi và cả thế hệ trẻ sau này. Bởi các giá trị bền bỉ của nó, cuốn sách là dòng hồi ức đau thương về chiến tranh do Mỹ gây ra cho Việt Nam để lại nhiều hậu quả và những sự mất mát cho nhiều con người thời ấy. Tác phẩm cũng gửi đến nhiều thông điệp sâu sắc đến chúng ta - những con người được sống trong thời bình. Càng đọc quyển sách thì ta càng trân trọng cuộc sống hoà bình này, biết quý trọng cuộc sống ngày nay hơn. Bản thân tôi xin phép dành một lời: xin cảm ơn! Cảm ơn những gì mà các Anh, các Chị đã hy sinh để có được sự bình yên cho đất nước. Và những ngày tháng chiến đấu đầy đau thương đã qua rồi. Bây giờ, là sự cống hiến cho đất nước, giúp đất nước một ngày càng phát triển của các thế hệ ngày nay để xứng đáng với sự hi sinh của các chiến sĩ ngày trước.
Tóm tắt và review bởi: Lý Ngọc Xuân
Hình ảnh: Lý Ngọc Xuân
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
REVIEW SÁCH: NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" là một tác phẩm đặc biệt, không chỉ là cuốn sách mà còn là nhịp cầu nối liền những xúc cảm sâu lắng giữa quá khứ và hiện tại. Đây là tập hợp những trang nhật ký chân thực của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một nữ liệt sĩ kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ghi lại những khoảnh khắc sống động, đầy cảm xúc trong cuộc đời bà giữa khói lửa chiến tranh.
Từng trang viết trong cuốn sách là lời tâm sự chân thành của một cô gái trẻ tràn đầy lý tưởng, yêu đời nhưng cũng không ngừng trăn trở giữa những đau thương và mất mát. Thùy Trâm không chỉ ghi lại những ngày tháng gian khổ, hiểm nguy tại chiến trường mà còn bộc lộ những nỗi đau giằng xé trước sự ra đi của đồng đội, của những người bệnh mà bà không thể cứu chữa.
Những câu chữ của bà mang sức nặng của chiến tranh, nhưng vẫn thắp lên ánh sáng của lòng nhân ái và niềm tin vào một tương lai hòa bình. Một đoạn nhật ký đầy cảm xúc có viết: "Đời ta là một khúc quân hành, dù khó khăn gian khổ vẫn dâng trọn cho ngày mai."
Giữa chiến tranh tàn khốc, Thùy Trâm vẫn tìm thấy những khoảnh khắc dịu dàng của tình yêu, của khát vọng sống. Những dòng tâm tư gửi về gia đình, về mẹ, về mối tình chưa trọn khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào. Bà viết về nỗi nhớ Hà Nội, về mong mỏi được sống trong hòa bình như một lời nhắc nhở đầy đau đáu rằng chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng, mà còn chia lìa những ước mơ giản dị nhất.
Câu chuyện trở nên đặc biệt hơn khi chính những người lính Mỹ – những người ở "bên kia chiến tuyến" – đã giữ gìn cuốn nhật ký này vì nhận thấy trong đó không phải là lời hận thù, mà là trái tim của một con người đầy nhân văn. Họ đã đưa cuốn nhật ký trở lại Việt Nam sau hàng chục năm, như một biểu tượng của sự thấu hiểu và hàn gắn.
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" không chỉ kể câu chuyện của một cá nhân mà còn là tiếng nói của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến, những con người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước. Nhưng sâu xa hơn, nó là lời kêu gọi hòa bình, là tiếng nói của tình yêu thương vượt lên trên mọi đau thương, thù hận.
Đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" là trải nghiệm không dễ dàng vì mỗi trang viết đều trĩu nặng cảm xúc. Nhưng chính những giọt nước mắt khi đọc từng dòng nhật ký ấy sẽ giúp ta trân trọng hơn giá trị của hòa bình, của cuộc sống hiện tại. Đây không chỉ là một cuốn sách, mà là một tấm gương phản chiếu những hy sinh thầm lặng và vĩ đại của biết bao con người trong lịch sử.
"Có những cuốn sách chạm vào trí óc, nhưng "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" lại chạm đến trái tim. Đó là lý do vì sao nó luôn sống mãi trong lòng người đọc."