Với lối kể chuyện án chồng án kết hợp cùng với giọng văn điềm đạm, dung dị, Lôi Mễ đã chiêu đãi người đọc một bữa tiệc của cảm xúc, đi từ những cảm thông, thương xót, xen lẫn hồi hộp, kịch tính, đến cả những phẫn nộ và uất ức đến nghẹn lòng. Để rồi cuối cùng khi đã vỡ lẽ ra tất cả, ta tự hỏi rằng liệu còn có thứ phép màu diệu kỳ nào ban đến ánh sáng để xua tan đi màn đêm đen của số phận kia?
Là đứa con tinh thần đã đưa bậc thầy Lôi Mễ trở lại với người đọc sau 5 năm “phong bút”, tác phẩm Nàng tiên cá đã nhanh chóng thu hút sự mong đợi và đón chờ của biết bao người hâm mộ. Bởi lẽ với tựa đề mang đậm chất cổ tích, Nàng tiên cá mang đến cho chúng ta hoài niệm về những thế giới giả tưởng đầy mộng mơ trong các câu chuyện thần thoại cổ xưa. Thế nhưng trái với sự “mộng tưởng” ấy, Lôi Mễ đã viết nên một câu chuyện quá đỗi đau thương, tối tăm và đầy bi kịch.
Với sự trở lại lần này, Lôi Mễ đã đem đến cho người hâm mộ một làn gió mới khi tác phẩm của ông không còn xoay quanh hành trình phá án và trưởng thành của chàng cảnh sát Phương Mộc năm nào. Nàng tiên cá cũng không hề đẫm máu hay tàn khốc, cũng không có nhiều tình tiết dồn dập hay nghẹt thở, bởi đây không phải là một cuốn sách thuần về trinh thám điều tra. Tuy điều này có thể sẽ khiến một số fan trinh thám của thầy Lôi cảm thấy hụt hẫng, thế nhưng bạn chớ vội bỏ qua, bởi câu chuyện của Nàng tiên cá lại hiện thực và lôi cuốn hơn bao giờ hết.
Từ trước nay, đề tài về tâm lý trẻ em luôn là một mảnh đất màu mỡ để các tác giả thể hiện tài hoa của mình. Những cái tên nổi bật trong danh sách này có thể kể đến như Bạch dạ hành - Keigo Higashino, Đứa trẻ hư - Tử Kim Trần, Thú tội – Minato Kanae,... Điểm chung của các tác phẩm trên đều lột tả chân thật quá trình phát triển tâm lý và hành vi của những đứa trẻ thông minh, thiên tài nhưng lại có cuộc sống tuổi thơ đầy bất hạnh. Rồi không biết từ lúc nào, chúng đã bước chân vào những con đường tội lỗi không lối thoát. Thế nhưng không giống với các đàn anh đi trước, khi nhân vật chính không còn xoay quanh hình ảnh những cô cậu bé thông minh tài giỏi, chứa đầy những mưu mô toan tính. Mà ở Nàng tiên cá Lôi Mễ tập trung khai thác góc nhìn và thế giới nội tâm của những thiếu nữ 16, 17 tuổi, một lứa tuổi với nhiều sự mong manh, biến động, là khoảng thời gian quan trọng trong việc hình thành tính cách của con người. Dưới sự giáo dục của gia đình và xã hội, sẽ quyết định xem những đứa trẻ ấy sẽ là những đứa trẻ ngoan hay sẽ là những đứa trẻ hư. Với phong cách hoàn toàn mới lạ như thế, đã cho thấy khả năng nhập tâm và phân tích tâm lý tài tình của bậc thầy Lôi Mễ trong sự trở lại đầy mới mẻ lần này
Tóm tắt nội dung
Câu chuyện đưa ta quay về những năm 1994, khi ảnh hưởng của chính sách một con ở Trung Quốc và tư tưởng sinh con nối dõi đã sinh ra những “đứa trẻ ma”: không hộ khẩu, không giáo dục, khiến chúng chỉ có thể lặng lẽ mà tồn tại. Tô Lâm, một cô bé học sinh cấp 3 hiền lành ngoan ngoãn, là con gái lớn trong một gia đình lao động phổ thông, là chị gái của một “đứa trẻ ma”, là nạn nhân của tư tưởng trọng nam khinh nữ và bạo lực học đường. Cuộc sống của một thiếu nữ đang ở độ tuổi xuân xanh ấy thế mà lại nhuốm màu cô đơn, u ám. Khi ở nhà, cô luôn phải chịu sự đối xử bất công khi bố mẹ luôn thiên vị cho đứa em trai, ở trường học thì bị bắt nạt bởi những đứa học sinh có vị thế trong xã hội. Và trong một chiều sắp mưa gió, đứa trẻ ngoan ấy đã bị những đứa trẻ không ngoan kia xô xuống cống ngầm. Đầy đớn đau, tuyệt vọng ở trong cái nơi tăm tối ấy, thế nhưng đó lại chính là khoảng thời gian mang đến thứ hạnh phúc ấm áp, ngắn ngủi trong cuộc đời của cô hơn cả thế giới trên mặt đất đầy tàn khốc ngoài kia. Bởi một khi đã quay trở lại, cô không thể còn là đứa trẻ ngoan như ngày xưa được nữa.
Cùng lúc đó, sau một trận mưa đêm dữ dội, sức chảy xiết của dòng nước đã đẩy bật ba cái xác phụ nữ đang phân huỷ từ cống ngầm ra kênh đào thành phố, khiến cảnh sát phải nhanh chóng bắt tay vào điều tra vụ án đầy man rợ này.
Hai sự việc kỳ lạ ấy cứ diễn ra song song và nối tiếp nhau, khiến cho người đọc không khỏi thắc mắc rằng sự liên quan giữa một nữ sinh cấp ba và một vụ án mạng tàn khốc như thế có thể là gì.
Một câu chuyện xoay quay những khung cảnh sinh hoạt tưởng chừng như quá đỗi dung dị, bình thường và vụn vặt, thế nhưng lại ẩn chứa biết bao góc khuất ẩn mình sau dáng vẻ bình yên ấy.
Mảnh ghép từ những gia đình không hoàn hảo
Câu chuyện trong Nàng tiên cá là câu chuyện về những gia đình rất đỗi quen thuộc trong xã hội. Đó là những mẫu gia đình không hoàn hảo, không trọn vẹn, không hạnh phúc theo cách này hoặc cách khác, đem đến một bức tranh tổng thể về mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa tình yêu và sự ích kỷ của con người.
Đó là gia đình của cô bé Tô Lâm với những người bố, người mẹ mang trong mình tư tưởng bảo thủ về vấn đề giới tính, là cố chấp với việc hy sinh hạnh phúc của một đứa con này để đổi lấy hạnh phúc cho đứa còn lại – hay nói đúng hơn là để che lấp đi mặc cảm tội lỗi của họ. Không chỉ về mặt vật chất, mà về cả tinh thần hay những cử chỉ yêu thương cũng là điều xa xỉ đối với những đứa trẻ này. Một “đứa trẻ ma” không được đi học dù đã lên 8 tuổi. Một cô nữ sinh cấp 3 ngay cả một đôi giày thể thao trắng đã bẩn cũng không thể vứt đi. Trong gia đình ấy, những con người sống chung với nhau dưới một mái nhà nhưng họ lại không hề có bất kỳ một sự liên kết hay cảm thông dành cho nhau. Đã có lúc, người đọc phải tự hỏi rằng liệu bố mẹ của Tô Lâm có yêu thương đứa con do chính mình sinh ra? Vì sao họ có thể đối xử tàn nhẫn với một đứa trẻ như thế chỉ vì sự ích kỷ của bản thân mình?
Tôi đã bị ruồng bỏ. Mọi thứ về tôi đã được thay thế bằng hộ khẩu thường trú, danh tính hợp pháp, một đứa trẻ được đi học và cả một khoản tiền chưa biết là bao nhiêu. Ừm đúng như ông ta nói, “Coi như chưa có đứa con này bao giờ”. Tôi từng cho là bà ta không thích tôi, thì ra cả ông ta cũng không thích tôi”
Thế nhưng, bố mẹ nào mà không yêu thương con, không đau đớn, bất lực khi nhìn thấy những khổ đau mà con mình phải chịu đựng.
“Nhà chúng em…” Vợ Tô lại nấc lên. “Chúng em có lỗi với Tô Lâm, đến cái hộp bút cũng chưa mua cho nó bao giờ, nên con bé mới phải dùng đỡ bằng hộp thuốc đó. Nó ngoan ngoãn biết điều như vậy, không đáng phải sinh ra trong cái nhà này…”
Có lẽ từ trong thâm tâm của những người cha mẹ ấy, họ luôn hiểu những được những thiệt thòi, những vất vả mà con mình lẽ ra không đáng có. Phải chăng đó cũng chỉ là những con đường tối tăm duy nhất mà họ buộc phải lựa chọn để tiếp tục tồn tại trong thế giới thiếu vắng đi sự bao dung này. Một gia đình phổ thông không có mấy điều kiện, một ông bố bà mẹ suốt ngày phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền thì lấy mấy thời gian để có thể quan tâm, thấu hiểu được những đứa con đang ở độ tuổi mới lớn của mình. Thế nhưng kể cả như thế, họ cũng không nên thể hiện sự lạnh nhạt, phẫn nộ lên những đứa trẻ vô tội kia. Nếu bố mẹ Tô Lâm yêu thương em nhiều hơn, đối xử tốt với em hơn thì có lẽ số phận của em cũng đã khác.
Đó là gia đình của cô bé Khương Đình, là kết quả sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố và mẹ đã khiến em phải rời xa vòng tay của bố. Thế nhưng may mắn hơn Tô Lâm, em có một người mẹ vô cùng ân cần và chu đáo, một người mẹ yêu thương con đến mức có thể làm tất cả mọi thứ chỉ để bảo vệ con, để giữ chặt lấy bàn tay của con, để không muốn con rời xa khỏi hạnh phúc của mình. Có thể nói rằng, so với Tô Lâm, em là đứa trẻ hạnh phúc hơn hẳn. Thế nhưng, không ai có thể hiểu được ai khi không ở trong vị trí của họ. Đã bao giờ mẹ của em tự hỏi sự tranh giành giữa bố và mẹ khiến cho em cảm thấy mệt mỏi? Đã bao lần em cảm thấy ngột ngạt, yếu đuối trước sự bao bọc, che chở của mẹ?
“Suốt ngày cơm với nước!” Khương Đình chỉ xuống chân. “Mẹ có nghĩ đến Tô Lâm không? Bạn ấy có gì ăn, mẹ đã quan tâm bao giờ chưa?”
Và khi đứng trước lựa chọn giữa hạnh phúc của bản thân và tương lai của con mình, liệu quyết định của người mẹ có phải là do sự ích kỷ cá nhân và khát khao chiến thắng người chồng cũ?
Rõ ràng có cơ hội tốt để Đình Đình nhẹ nhàng đặt chân vào Bắc Đại với Thanh Hoa. Em thật ngoan cố, vì ích kỷ mà phá hỏng tương lai của con mình.”
"Đúng đấy, tôi thật ngoan cố!"
Tuy vậy, hành xử của mẹ Khương Đình lại không hề đáng trách mà vô cùng đáng thương, khiến cho chúng ta không khỏi xót xa đồng cảm. Là bậc cha mẹ, không ai không muốn bảo vệ con mình. Dù cho khi có đứng trước biết bao chuyện bất bình trong xã hội, mấy ai muốn con mình trở thành anh hùng nhưng lại nguy hiểm đến tính mạng của bản thân như thế. Đối với mẹ, em không chỉ là một người con ngoan, mà còn là niềm vui, niềm an ủi và là chỗ dựa tinh thần sau khi đã trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chính vì thế, mẹ không nỡ xa em, không nỡ buông tay em để đến với thế giới rộng lớn ngoài kia.
Ngọc Thục ôm con vào lòng, có cảm giác không phải thắng một vụ kiện, mà thắng cả thế gian này.
Góc khuất của những gia đình tan vỡ ấy đã được Lôi Mễ khắc hoạ và thể hiện một cách vô cùng chân thật, cho ta thấy được những tàn dư tâm lý của nó tác động sâu sắc lên tâm hồn của những đứa trẻ vô tội.
Đó còn là gia đình của Mã Na, là một gia đình khá giả với một ông bố đầy quyền uy trong xã hội. Cũng chính vì thế mà em trở thành một đứa trẻ ngỗ nghịch, vô lễ, tàn ác và xem thường tất cả mọi người. Với một điều kiện tài chính và xã hội lý tưởng như thế, đáng lẽ em phải là đứa trẻ ngoan ngoãn, xuất sắc nhất. Thế nhưng em lại chính là sự thất bại của một “phương pháp giáo dục bằng đồng tiền”. Mỗi khi em làm sai hay gây ra lỗi lầm, bố của em đều dùng tiền bạc và quyền lực để che giấu đi mọi tội lỗi ấy. Chính điều đó đã khiến cho em trở nên ngang tàn, cho rằng bản thân có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.
Nhìn vợ như mất trí, Mã Đông Thần càng rối tinh rối mù, cùng lúc câu nói của Hàn Mai đã thức tỉnh anh. “Vì vậy”, anh kéo vợ lên khỏi sàn. “Chúng ta không được để cảnh sát nhúng tay vào vụ này”.
Cách giải quyết vấn đề của bố Mã Na lại một lần nữa nêu lên mối quan hệ giữa tình yêu và sự ích kỷ của con người. Đó là một ông bố vô cùng yêu thương con, nhưng tình yêu của ông đi liền với sự vô cảm trước tình yêu của những người bố mẹ khác. Ông cũng yêu con mình như cách mẹ Đình Đình yêu thương em. Thế nhưng, đôi khi tình yêu của cha mẹ lại biến thành sự ích kỷ và tàn nhẫn, khiến họ bất chấp tất cả để bảo vệ con mình, để chứng minh con mình luôn đúng
“Chúng mày giàu sang con cái là người, chúng tao nghèo hèn thì con cái không phải là người sao? Một đứa con gái nuôi đến mười bảy, mười tám năm chỉ đáng tiền một bữa rượu?”
Đáng buồn thay, đây không chỉ còn là vấn đề giữa các bậc cha mẹ với nhau, mà đó còn là sự phân biệt giai cấp trong xã hội. Nếu bạn đã từng xem qua bộ phim nổi tiếng của xứ Kim Chi, Toà án vị thành niên (Juvenile justice) thì vấn nạn này sẽ càng được khắc họa một cách chi tiết và lạnh lùng hơn bao giờ hết. Chỉ cần đó là con của mình, các bậc cha mẹ quyền quý sẵn sàng làm bất cứ hành động vô lương tâm, bỉ ổi nào để bảo vệ cho cuộc đời của nó, mà không chần chừ chà đạp lên lòng tự trọng và hạnh phúc của những người khác. Để rồi cuối cùng, những đứa trẻ chưa một lần phải chịu trách nhiệm như chúng, đã đánh mất đi tấm lòng lương thiện duy nhất của chính mình.
Nàng tiên cá tái hiện lại một bức tranh hiện thực u ám
Trong suốt câu chuyện, hình ảnh màn đêm u ám luôn bao trùm lấy các nhân vật. Đó là những tháng ngày vô vọng diễn ra dưới cống ngầm, là những buổi đêm đầy ngột ngạt mà ta thậm chí không muốn quay trở về nhà. Dường như ở mỗi nhân vật, ta đều cảm thấy họ luôn muốn nói lên những tấm lòng suy nghĩ của mình, để biện minh giải thích cho những lựa chọn của họ. Kể cả là tên sát nhân kia, vì sao hắn làm lại vậy, vì sao hắn lại phải tìm kiếm niềm vui với một cách thức mất nhân tính như thế? Những bóng đêm ấy luôn bám theo họ, đối lập với thứ ánh sáng hào nhoáng của cuộc sống thực tại.
Nàng tiên cá cũng vẽ nên một bức tranh hiện thực đầy u ám, nơi mà đồng tiền còn có tiếng nói hơn cả nhân quyền, nơi mà những bất công của con người cũng chỉ là một vấn đề có thể dễ dàng cho qua, nơi mà sự thật là một hiện thực đầy đớn đau mà chúng ta phải mất mát, đánh đổi để có được nó. Hiện thực ấy, đáng buồn thay, lại chính là những thứ vẫn luôn diễn ra xung quanh ta từng ngày từng giờ.
Còn đó biết bao nàng tiên cá trong xã hội hiện đại
Nàng tiên cá với một kết cấu chặt chẽ và có chiều sâu, câu chuyện bao gồm nhiều tình tiết và tuyến nhân vật chính phụ khác nhau. Chính vì thế mà các thức kể chuyện xen kẽ, thay đổi ngôi kể và điểm nhìn đã được sử dụng vô cùng hiệu quả nhằm để lột tả thế giới nội tâm và quá trình chuyển biến tâm lý của nhân vật, Qua đó, ta có thể hiểu hơn về của những người phụ nữ mang thân phận “nàng tiên cá” trong xã hội. Ngày nay, tuy chính sách một con đã được Trung Quốc thay đổi và nhận thức của con người về vấn đề phân biệt giới tính đã ngày càng tiến bộ hơn theo sự phát triển của xã hội. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những cô bé “Tô Lâm” của hiện tại vẫn luôn từng ngày mong mỏi và tìm kiếm sự giải thoát cho chính bản thân mình khỏi những gọng kìm vô hình đến từ định kiến trong tâm thức của mỗi con người. Họ là nạn nhân, là những con người đã chết ở tuổi 20 của cuộc đời nhưng vẫn phải gượng mình để tồn tại. Liệu ta có chắc rằng, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã hoàn toàn bị xoá bỏ khi mà thực trạng bất bình đẳng giới vẫn luôn là một vấn đề đáng lo ngại? Liệu các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ, có thể tự tin rằng mình là người bạn thấu hiểu con cái nhất? Hay trong thực tế, tỉ lệ mắc các bệnh về tâm lý ở trẻ vị thành niên luôn có xu hướng gia tăng dẫn đến biết bao sự việc đau lòng. Liệu có bất kỳ ông bố bà mẹ nào chắc chắn rằng mình sẽ dễ dàng phát hiện ra nếu đứa con thân yêu của mình đang là nạn nhân của bạo lực học đường? Tất cả những câu hỏi ấy, không một ai có thể tìm được lời giải đáp bởi lẽ, câu trả lời lại nằm ở chính suy nghĩ và hành động của mỗi người, có thể quyết định đoạn kết của “nàng tiên cá” sẽ như thế nào.
Cảm nhận cá nhân
Nàng tiên cá là tác phẩm đầu tiên đưa tôi đến với Lôi Mễ. Và quả thật không hổ danh là bậc thầy, ông đã khiến tôi phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ sự cảm thán này đến cảm thán khán.
Nhịp điệu của Nàng tiên cá ở mức vừa phải, không quá chậm rãi khiến người đọc mất kiên nhẫn nhưng cũng đủ tiết tấu nhanh để lôi cuốn ta lật sang trang mới. Cách xây dựng cốt truyện tuy không quá mới mẻ nhưng cũng không vì thế mà nhàm chán. Ban đầu, nếu bạn đọc tác phẩm này với ý niệm là sẽ được dẫn dắt vào một vụ án đầy lắt léo, là sự đấu trí giữa một vị thanh tra quả cảm và một tên hung thủ với chỉ số IQ vô cùng cao thì bạn đã lầm. Các yếu tố trinh thám chỉ là một mảng màu nhỏ trong bức tranh đầy mê hoặc này. Thế nhưng, không hề thừa thãi, mà chính câu chuyện đằng sau vụ án ấy lại khiến tôi một lần nữa sững sờ vì quá đỗi bất ngờ. Dù cho manh mối về hung thủ đã được Lôi Mễ rải rác trong suốt tác phẩm, thế nhưng bạn sẽ không thể nào tìm được sự thật đến cuối cùng. Chính vì thế, tôi khuyên bạn hãy đọc tác phẩm này với một phong thái thoải mái, an nhiên nhất.
Điều khiến tôi thích nhất ở tác phẩm này là cách Lôi Mễ lồng ghép các yếu tố hiện thực vào trong một tác phẩm trinh thám xã hội. Nàng tiên cá là một tác phẩm dễ đọc, phù hợp cho lứa tuổi vị thành niên và cả các bậc phụ huynh. Từng câu chuyện như từng mảnh ghép của đời thực, là tấm gương phản chiếu những gì đang xảy ra trong từng mái ấm của các gia đinh. Ở đây, bố mẹ sẽ được một lần nữa duy ngẫm và nhìn lại cách thức giáo dục con cái của mỗi chúng ta. Liệu các bậc cha mẹ đã dành đủ thời gian để quan tâm đến con em của mình? Liệu những đứa trẻ đang ở tuổi nổi loạn ấy còn có những tâm tư, những suy nghĩ nào ẩn giấu sau dáng vẻ vô tư lự ấy. Sau biết bao tác phẩm về đề tài trẻ vị thành niên này, chúng ta cũng đã có thể nhận thức được hệ luỵ khôn lường mà một đứa trẻ hư mang đến cho xã hội.
Lời kết
Nàng tiên cá là một tác phẩm đáng để đọc và suy ngẫm với những tình tiết trinh thám, gây cấn được kết hợp hài hoà và hợp lý với các yếu tố tâm lý xã hội. Qua câu chuyện của cô bé Tô Lâm, Lôi Mễ đã thể hiện khát khao, ước mơ về một thế giới mà ở nơi đó những người phụ nữ, hay bất cứ ai đều có thể tự tin vươn mình trong sự bao dung và hiền hoà của biển cả, để rồi khi ấy, sẽ càng có nhiều đứa trẻ ngoan hơn để giúp nàng tiên cá nhanh chóng có được hạnh phúc của riêng mình.
Tóm tắt và review bởi: Quê Hương - Bookademy
Hình ảnh: Quê Hương
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Đêm đen, trong trang văn Lôi Mễ, vừa trực quan mà cũng đầy tính biểu tượng. Đêm đen, hình ảnh liên tục trở đi trở lại trong sáng tác của Lôi Mễ một lần nữa xuất hiện ở cuốn tiểu thuyết dẫu ông có đổi mới phong cách thì hình ảnh đó vẫn tiếp tục ám ảnh xuyên suốt hơn 400 trang sách. Để độc giả nhận ra, trong đêm tối mịt mùng, “cái ác” vẫn đang “chảy ngầm dưới lòng sông lạnh” như một hệ thống cống ngầm chằng chịt, phủ bóng đêm đặc quánh không tìm thấy đường ra.