GGT“Hãy để thức ăn là thuốc của bạn” Hippocrates - người sáng lập ra trường Y học Hippocratic đã từng tuyên bố. Liệu ta có thể tự chăm sóc sức khỏe bản thân tại nhà, có thể tự phòng bệnh chỉ bằng những món ăn hằng ngày? Hoàn toàn có thể, nào ngay bây giờ hãy cùng tôi bắt đầu một cuộc hành trình chăm sóc sức khỏe bản thân và những người thân trong gia đình bạn bằng thảo dược nhé.

        Cảm nhận đầu tiên về sách

      Tôi đọc tác phẩm Năng lượng sống từ thảo dược của tác giả Rosalee De La Forêt trong những ngày nghỉ dịch. Trước đây, đối với tôi thảo dược là một chủ đề vô cùng mới mẻ và ít khi tiếp cận trong cuộc sống. Nhưng Năng lượng sống từ thảo dược đã cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác, thảo dược không phải những điều xa lạ, mà thảo dược đôi khi chỉ là những nguyên liệu từ thiên nhiên bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong bếp hay trong vườn nhà. Năng lượng sống từ thảo dược đã gieo sự hiểu biết về chăm sóc sức khỏe bằng năng lượng xanh, bằng những loại gia vị, thảo dược để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, sách được thiết kế với nhiều hình ảnh màu sắc thú vị, cùng những câu từ dễ hiểu.

         

Bước đầu tiên để thấu hiểu thảo dược và gia vị

        Để hiểu được thảo dược phần đầu của tác phần đầu của tác phẩm, tác giả đã giới thiệu về những lợi ích, năng lượng học của thảo dược, thảo mộc, và năng lượng học trong bệnh tật, giúp ta khám phá ra cơ địa của của bản thân để lựa chọn những loại thảo dược phù hợp.Và cách để tận dụng tối đa quyển sách này vào hành trình chăm sóc sức khỏe.


Lời tự sự của bản thân cùng những bước đi tiếp theo

         Như một số người trẻ hiện đại khác, trước đây tôi thường ăn uống theo sở thích thay vì ăn uống cho sức khỏe của bản thân, mỗi khi bị ốm tôi thường sử dụng thuốc kháng sinh thay vì dùng thảo dược. Khi đọc Năng lượng sống từ thảo dược, tôi đã nhận ra rằng trong vườn nhà tôi đang chứa đựng khá nhiều loại thảo dược mà bố mẹ đã trồng và tôi có thể hoàn toàn tận dụng các loại thảo dược trong vườn theo những chỉ dẫn trong sách. Sách giúp tôi hiểu thêm về thông tin của thảo dược như cách dùng, công dụng, lưu ý đặc biệt và liều lượng khuyến nghị cho từng loại thảo dược. Đồng thời chia sẻ các nghiên cứu về tác dụng của các loại thảo dược đó trên người. Và có một chuyên mục nữa trong sách mà tôi tin chắc rằng những người yêu nấu nướng sẽ rất thích, đó là mục cuối cùng sau mỗi loại thảo dược tác giả sẽ chia sẻ cách nấu các món ăn, thức uống cùng loại thảo dược ấy. Vậy bạn có thể thoải mái chế biến các loại thảo dược thành những món ăn hấp dẫn cho gia đình, hay những thức uống giải khát tốt lành cho cơ thể và một vài món ăn vặt cho những đứa trẻ nhà bạn. Ở những trang sách cuối cùng tác giả sẽ chia sẻ cho bạn những trang cung cấp thảo dược, thảo mộc uy tín để bạn có thể thỏa sức chế biến các món ăn từ thảo dược. Tôi, sau một năm đọc và cùng gia đình ăn uống và thường xuyên sử dụng thảo dược, bệnh tiêu hoá của mẹ tôi đã được cải thiện rõ rệt, trong những kì thi quan trọng tôi đã sử dụng phương pháp xông tinh dầu hoa oải hương hoặc hoa hồng để giảm bớt căng thẳng. Và điều cuối cùng là dành cho bạn, hãy đi bước đi đầu tiên trong hành trình đưa cơ thể của bạn đến gần với thiên nhiên nhé. Chúc bạn thành công trên hành trình ấy và luôn có một cơ thể khỏe mạnh.

      

Tóm tắt bởi: Bảo Ngọc - Bookademy

Hình ảnh: Bảo Ngọc 

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

“Hầu hết mọi người không nghĩ café là một thảo dược. Tuy nhiên, nếu chúng ta định nghĩa thảo dược là một loại cây dùng làm thuốc, thì café không những là thảo dược mà còn là loại nổi tiếng nhất thế giới. Con người uống hơn 500 tỉ cốc café mỗi năm và hơn 75 triệu người kiếm sống nhờ nó”. Vốn là một người không thích đi gặp bác sĩ khi bệnh, thường nói câu “thà ăn đủ chất còn hơn uống thuốc”, nên khi thấy cuốn sách “Năng lượng sống từ thảo dược” thì mình chỉ đắn đo giây lát rồi quyết định rước em nó về. Đã từ lâu mình tìm kiếm một quyển sách chứa tương đối đầy đủ thông tin về các loại thực vật, công dụng của chúng trong nấu ăn và làm thuốc, thì nay mình đã gặp được một quyển sách như vậy. Sách được chia thành từng phần rõ rệt rất tiện để tra cứu. Trong phần I “Giới thiệu về thảo dược và gia vị”, có cả một chương giải đáp lập tức thắc mắc “Làm thế nào để tận dụng tối đa cuốn sách này”. Phần II bắt đầu đi sâu một cách chi tiết về từng nhóm thảo mộc mang Vị Cay (tiêu, ớt, gừng, oải hương, hương thảo, nghệ…), Vị Mặn (tầm ma), Vị Chua (hoa hồng, lá trà – mình nghĩ lá trà phải thuộc nhóm vị đắng chứ nhỉ), Vị Đắng (cocoa, café…), Vị Ngọt (hoàng kỳ). Cuối sách gồm các phần Chú giải, Hướng dẫn nguồn cung cấp thảo mộc (phần lớn là các nhà bán sỉ và lẻ ở nước ngoài), Mục lục tham khảo và Lời cảm ơn. Cách đây khoảng hơn 15 năm, mình rất ghét các loại thảo mộc như tỏi, hành, tiêu. Khi lỡ ăn trúng chúng thì mình rất buồn nôn. Thay đổi đầu tiên diễn ra khi mình đọc cuốn Oxford Picture Dictionary và thấy tranh vẽ cảnh đầu bếp phi hành tím (shallot onion) trước khi xào bông cải xanh (broccoli), mình bắt chước và cảm thấy…ngon! Thay đổi thứ hai diễn ra sau khi mình đọc cuốn này, vì biết rằng những thảo mộc mang tính nóng và dễ khiến hơi thở có mùi như tỏi – hành – gừng lại rất hợp với người có năng lượng lạnh / ẩm như mình nên mình đã tích cực sử dụng chúng khi làm bếp hằng ngày. Ngoài ra, tỏi – gừng – tiêu cũng có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch tăng sức đề kháng và giúp ích cho hệ tiêu hóa, rất thích hợp dùng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nên mình càng chăm chỉ dùng chúng cho cả người thân và bạn bè. Phụ nữ trẻ thường ghét các loại gia vị cay nồng và kinh ngạc trước cảnh đàn ông có thể cho thật nhiều hành vào món ăn, nhưng sau một thời gian thử dùng với định lượng và cách nấu nướng hợp lý, mình đã có thể tận dụng được các đặc tính tuyệt vời của thảo mộc cay nồng đối với sức khỏe và cảm thấy hơi thở + mùi cơ thể cũng không đến nổi khủng khiếp! Có ý kiến cho rằng nếu nấu hành – tỏi chín kỹ quá cũng không tốt nhưng theo quyển sách này thì khi nấu chín tỏi vẫn thu được kết quả tốt từ các tính chất của nó. “Nấu nướng cũng chuyển hóa tỏi và giảm phần nào nhiệt tính của nó, khiến bạn dễ ăn một lượng lớn tỏi hơn”. Còn tiêu là thứ không nên xay trước bỏ trong lọ vì chúng sẽ bay hơi và mất tác dụng. Cách nên làm là để nguyên hạt tiêu trong cối xay tiêu gỗ đặt trên bàn ăn, trước khi ăn thì xay và rắc tiêu ngay lên đĩa, như vậy sẽ tận dụng được hương thơm và đặc tính hỗ trợ tiêu hóa của tiêu. (Tra Google Image “wooden pepper mill” để xem hình cối xay tiêu, loại này chưa thấy bán phổ biến ở VN, mình may mắn được tặng một cái đem từ Thụy Sỹ về, dùng rất thích). Ở đoạn trên mình có nói đến “năng lượng lạnh / ẩm”. “Năng lượng” ở đây không có gì cao siêu hoặc xa lạ, nó là “cảm giác vật lý mà bạn trải qua hàng ngày”. Nhìn chung thì mình cho rằng nam sẽ có năng lượng nóng / khô (mang tính dương) còn nữ sẽ có năng lượng lạnh / ẩm (mang tính âm). Nhưng năng lượng khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người, khi biết được năng lượng của bản thân thì bạn sẽ dễ dàng sử dụng thảo mộc sao cho hiệu quả nhất bằng cách tận dụng năng lượng của thảo mộc, thí dụ mình mang năng lượng lạnh / ẩm nên thích hợp và thích xài các thảo mộc mang tính khô / ấm như tỏi, gừng, tiêu, bạc hà… (và thường xuyên cần được nắm tay + ôm). Cũng cần lưu ý thảo mộc giống như thuốc Đông y, khi dùng chúng thì bạn không thể mong đợi hiệu quả tức thời như thuốc Tây, mà chúng sẽ kết hợp và tác động đến cơ thể bạn một cách từ từ chậm rãi, có khi mất vài tháng đến vài năm, nhưng có thể yên tâm rằng đây là một loại tình yêu luôn được đáp lại, bạn sẽ không bao giờ thất vọng, đau buồn hay bị phản bội khi đã đem lòng yêu thảo mộc. Mình thắc mắc vì sao cuốn “Năng lượng sống từ thảo dược” không nói đến các loại hành, ngò, diếp cá, canh giới, tía tô, rau húng… chẳng lẽ chúng không thuộc nhóm thảo mộc hay không dễ tìm ở nơi tác giả sống? Mình xin bổ sung thêm một hiểu biết nho nhỏ của mình về lá tía tô, đây là một loại rau thơm có tác dụng cầm máu cho vết thương nhỏ (nhai đắp lên vết thương), ăn thường xuyên hoặc nấu nước tắm có thể giúp trắng da (phụ nữ Nhật thường áp dụng), ngoài ra, tía tô là sự kết hợp hoàn hảo với sushi / sashimi + nước tương + wasabi. Tuy là một quyển sách để sử dụng trong bếp nhưng “Năng lượng sống từ thảo dược” lại có bìa cứng màu trắng, do đó khi đọc phải nâng như sách hứng như hoa. Xét kỹ thì cuốn này nhỏ hơn và ít thông tin hơn cuốn “How food works” nhưng có lẽ vì toàn bộ các trang thuộc loại giấy bóng in màu nên giá bìa cao hơn “How food works”. Sách đi kèm với 5 bookmarks bìa cứng về thảo mộc rất rất đẹp, rất thích hợp chụp minh họa với các quyển sách về ẩm thực khác. Đối với một đứa luôn tự xưng là yêu thiên nhiên và mê nấu nướng như mình thì mua được cuốn này giảm 50% quả thật là một niềm dzui to lớn. Cuốn sách đã góp phần thay đổi hoàn toàn thói quen nấu nướng của mình (cộng với cuốn “Mặn Béo Chua Nóng” nữa). Tuy thông tin trong sách chưa đầy đủ lắm nhưng mình cho rằng đây là quyển sách xứng đáng để sở hữu bởi các mọt yêu sách và yêu bếp.