Hoà nhịp vào cuộc sống đôi khi khiến tôi nhận ra cuộc sống này phức tạp hơn ta tưởng tượng rất nhiều. Mỗi ngày thức dậy ta phải đối mặt với nhiều tình huống khác nhau. Mỗi người thường phải chuẩn bị cho mình những chiếc mặt nạ cho mỗi người phải gặp gỡ, mỗi hoàn cảnh gặp phải. Thật áp lực! Điều đó khiến ta luôn phải suy đoán những ẩn ý đằng sau mỗi câu nói, mỗi hành vi, thậm chí là nét mặt của mỗi người, nếu không muốn bị coi là một người “kém duyên” trong mắt người khác. Thật áp lực! Nhưng đó là thế giới ngoài kia và cách những người khác đối diện, liệu chúng ta có cần, có nên, có thể thay đổi cách đối diện với xã hội và những người xung quanh, mỗi người có một quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhưng, nói theo cách của cuốn sách tôi đang giới thiệu thì: Mặc kệ mà*, ngồi xuống đây và tôi sẽ kể cho bạn nghe hai nhân vật chính trong câu chuyện hôm nay: Sam và Justin. Những mẩu truyện giữa họ có thể sẽ lật đổ suy nghĩ của chúng ta về cái cách mà con người có thể chung sống với nhau như thế nào.

Tôi biết đến cuốn sách này do một người chị gái giới thiệu (và đến giờ tôi vẫn không hiểu sao một người con gái lại có thể đọc say mê và khuyên tôi nên đọc cuốn sách như vậy). Từ cái khoảnh khắc mà tôi đọc chương đầu cuốn truyện, tôi bị ấn tượng (hoặc sốc mạnh) với ý nghĩ: “làm sao một cuốn sách có thể viết và dùng từ ngữ như vậy, đây có phải quyển truyện được xuất bản từ một nhà xuất bản uy tín không thế?”. Có thể cam đoan với các bạn, dù bạn là ai, khi bạn đọc cuốn sách này, cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai thường là những từ như: dung tục, tục tĩu, thô tục, … hay bất cứ từ ngữ thô thiển nào bạn có thể nghĩ tới – chủ yếu đến từ người cha. Phải nói luôn đây là cuốn sách đầu tay của Justin Halpern, cuốn sách được viết ban đầu trên trang Twitter riêng của anh, mỗi ngày là những câu nói “bá đạo” của bố. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn những ghi chú của anh được hàng nghìn, trăm nghìn người theo dõi. Nhiều người muốn giới thiệu anh, các nhà sản xuất phim truyền hình muốn mời anh, phóng viên muốn phỏng vấn. Đó là động lực để Justin xuất bản cuốn sách này. Sau khi xuất bản cuốn sách ngay lập tức trở thành best – seller tại Mỹ và được mua bản quyền và dịch sang 21 thứ tiếng khác nhau, trong đó có Việt Nam. Chiến tích này đủ để cho thấy, nó không chỉ là một cuốn sách thẳng thắn hay đơn giản là những câu chuyện mắc ói, vô duyên như cái suy nghĩ của người đọc khi nhìn vào tựa đề.

Cuốn sách này đã lật đổ hai suy nghĩ của tôi về cách viết sách và thế giới của người Mỹ ở ngoài kia. Không dùng cái cách viết văn hoa, thậm chí còn không cố gắng sử dụng từ ngữ bình thường trong văn viết, Justin như đang bật đoạn băng ghi âm một cách chính xác lời mà người bố nói hàng ngày. Đó là cách nói khiến tôi hoài niệm về bố của tôi. Đó là những câu chuyện, hoặc đôi khi chỉ là những câu nói rất thô tục cũng chỉ về những vấn đề rất thường nhật: nấu ăn, khám bệnh, đi chơi, trông trẻ, … mà những câu nói ấy đôi khi được đệm thêm những câu chửi thề, những tiếng than thở, mắng mỏ một cách rất vô nghĩa – nhưng chính nó lại thể hiện thứ tình cảm mà không phải ai cũng dám bộc lộ với bạn. Thật vậy, tôi nghĩ đối diện với xã hội ngày nay, ít ai dám nói, dám giao tiếp một cách thẳng tuột, và vô tư đến thế. Cách nói chuyện rất riêng, rất tục ấy làm tôi phải lục lại những cuốn sách của những tác giả phương Tây để liếc qua, đọc lại và tự hỏi: Liệu cái nhìn của mình về quốc gia cờ hoa có quá mơ mộng, quá “hồng” hay không? Khi mà bức tranh về gia đình trung lưu của nước Mỹ được Justin ghi lại thật khác ngay cả trong bối cảnh sống, công việc, học tập, hay lời nói – vốn là công cụ được dùng trong sách.

Cuốn sách này giúp độc giả hình dung về cuộc sống gia đình người Mỹ trung lưu, không phải cuộc sống trong phim ảnh, mà là cuộc sống thật với vô vàn khó khăn của nó. Đó là các nhà biên kịch tương lai làm bồi bàn trong nhà hàng, và chuyên gia trong lĩnh vực “dược phẩm hạt nhân” làm việc cật lực hàng ngày tới tận tối khuya với rất nhiều áp lực.

Tổng quan về cuốn sách, đây là cuốn sách tập hợp những câu chuyện đời thường giữa người cha và con trai: Sam và Justin – chủ yếu là thông qua những lời nói, những tình huống dở khóc dở cười; đôi khi có sự tham gia của những thành viên trong gia đình, những người hàng xóm, họ hàng “thân thiện”. Những mẩu truyện trong cuốn sách – vì một lý do nào đấy đã được tác giả quyết định sắp xếp một cách “lộn xộn” – không theo bố cục thời gian, không gian, từ khái quát cho tới chi tiết, hay các bài học từ lớn đến nhỏ, … hay bất cứ cái bố cục nào mà con người từng biết đến. Không. Cuốn sách chỉ đơn giản là một tập hợp mà bạn có thể lựa chọn đọc bất cứ câu chuyện, lời nói nào mà bạn thấy thích thấy tâm đắc. Từ những bài học cho những việc xảy ra thường ngày như: bạn trai, bạn gái, ăn uống, dọn dẹp, … Hay đến những chuyện lớn lao như: cách cư xử, tôn trọng người khác, cách giao tiếp, biểu đạt,… Nhiều khi câu chuyện được chia sẻ một cách: có người sẽ gọi đó là thẳng thắn, có người thì nói nó là: vô duyên, hay như một câu tục ngữ của Việt Nam: “ruột để ngoài ra”. Những cách chia sẻ cách giáo dục của ông bố nhiều lúc chính tôi cũng cảm thấy thật khắc nghiệt, nhưng chí lý và dạy ta nhiều điều về cách ta biểu lộ bản thân, và phớt lờ cái nhìn soi mói của những người xung quanh.

Chúng tôi ngồi xuống, và bố tôi bảo với cô phục vụ cho chúng tôi hai cốc nước cam. Cô ta rời đi, còn ông hướng sự chú ý sang tôi.

“Tao là đàn ông, tao thích làm tình,” ông nói.

Đám sinh viên bên cạnh tôi đờ người ra, sau đó bật cười khùng khục. Càng lúc càng hoảng, tôi nhận ra rằng ông đang định ném bất cứ câu chuyện nào về tình dục lên đầu tôi ở đây, ngay lúc này, trong một nhà hàng Denny’s

Có thể nói Lời vàng của bố là những bài học rất chân thực, nó có thể vận ngay vào những hoàn cảnh xung quanh chúng ta. Không phải là những câu chuyện, hay những lời răn dạy đao to búa lớn hay nói một cách văn hoa đầy triết lý mà ta tìm thấy hoặc được nghe thấy từ internet, giáo viên, hay những cuốn sách self-help ( nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận vai trò của những phương tiện hay cách thức truyền tải này), nhưng mỗi cách thức truyền tải lại có những tác động rất riêng hoặc độc đáo và hiệu quả của mỗi phương thức truyền tải lên mỗi đối tượng lại khác nhau.

Đối với tôi mà nói, cách người bố sử dụng những câu nói, trong những bối cảnh ấy là những liều thuốc mạnh, đôi khi như một cái khoan, đục thẳng vào sự tự tin tự tôn, mặc cảm của mỗi ngườ; mà tôi ngờ rằng nếu đổi bản thân vào thì có thể khiến tôi hoặc phải sợ run người hoặc phải cắn rứt phát khóc lên được. Vậy sau khi đọc xong cuốn sách, tôi thấy được điều gì?

Một người cha thương con.

Tình cảm không phải là vật chất, vậy nên nó có thể được biểu đạt bằng bất cứ loại hình nào. Là thứ mà đôi khi ta cảm nhận được chứ không thấy được hay nhìn được. Tình cảm của người cha trong cuốn sách trên đôi khi là những bài học bằng lời nói tục, nói thẳng đôi khi khiến con đau lòng, nhiều lúc nó lại là những lời tâm sự, trò truyện khiến ta thấm thía về tình cha con. Những lời khuyên của ông với con không chỉ là với Justin mà cả Dan, Evan, nhiều khi được vọt ra một cách trực quan nhất, không phải là những lời hoa mĩ miêu tả thế giới, con người; mà thường là những ví dụ sát sườn, nhưng khiến ta phải sáng mắt ra về tính thực dụng của chúng. Có thể đôi khi những lời nói ấy cũng khiến ngay cả chính 3 đưa con cũng phải khó chịu, xấu hổ, thậm chí sợ hãi vì cái tính nóng nảy của bố mình:

Phát hiện ra tôi thử cần sa: “Hay phết chứ nhỉ?... Thật không? Ồ, vậy là ý kiến chúng ta khác nhau rồi. Mặc dù vậy, đừng bảo với mẹ mày là bố nói thế đấy nhé. Bảo với bà ấy là tao chửi mắng mày và gọi mày là đồ ngu nhé. Thật ra thì đừng có nói gì với bà ấy cả. Mày thấy đấy, bây giờ bố bị chứng hoang tưởng, có hút xách gì đâu.”

Trách nhiệm làm việc nhà: “Ở trường đại học mày là người lớn, nhưng mày vẫn sống trong nhà của tao. Hừ. Những âm thanh đó nghe càng chối hơn với mày khi mày nói to lên nhỉ”

Tôi bị bạn gái đầu tiên đá đít “Nghe này, bố biết là mày đang buồn. Nhưng cả hai đưa mày mới mười chín tuổi, mày không thể nghĩ rằng cả đời này chúng mày chỉ phịch mỗi nhau được. Chỉ tổ nhảm nhí thôi”

Những người cha thường được miêu tả là cục mịch, nghiêm khắc và thường thô lỗ. Nhận định ấy phần nào đúng trong câu truyện này, nhưng nếu nghĩ người cha chỉ có thể thể hiện tình thương qua những câu mắng, câu nói thẳng thì có thể chúng ta nhầm, người cha trong câu truyện đôi khi thương con chỉ qua những thái độ, và những lời dạy bảo ôn tồn mà không phải ai cũng có thể đủ để bỏ cái tôi xuống mà thừa nhận:

“Con ạ, con phải ăn cám lợn có một tuần thôi. Mẹ con phải chịu đói suốt cả thời thơ ấu. Khi con ngủ dậy và nồi cơn tam bành như tối nay, mẹ con sẽ cảm thấy rất tồi tệ. Nó giống như con bảo rằng con chẳng quan tâm đến những gì mẹ con đã trải qua. Hiểu chưa?

Tôi trả lời đã hiểu, và ông kể thêm với tôi một chút về việc tài sao ông cảm thấy khó chịu khi tôi nổi đoá

Thức ăn đóng một vai trò rất lớn trên chặng đường lớn khôn của đời bố. Nó là cách bọn bố kiếm sống chứ không chỉ là vi món ăn. Vì vậy khi con làm ầm ĩ lên vì nó thì bố bị động chạm, Ông nói

Nhưng tại sao bố lại không phải ăn món đấy? Mẹ đang ăn, và mẹ biết trước nó như thế nào. Tại sao bố lại không phải ăn? Tôi kiên quyết nói.

Ông ngồi im một giây, sau đó bỏ tay ra khỏi vai tôi: “Được, có hai lý do. Lý do thứ nhất là bố hiểu giá trị của đồng tièn, bởi vì ngày nào bố cũng phải nai lưng ra làm việc để kiếm tiền – việc này con chưa bao giờ phải làm cả.”

“Nhưng mẹ cũng làm việc đấy thôi”, tôi ngắt lời.

“Ừ, vì vậy nên bố mới nói đến lý do thứ hai, đó là mẹ con tốt hơn bố cả tỉ lần”

Một người đàn ông.

Bố không chỉ truyền tới con năng lượng yêu thương thông qua những lời động viên, những câu chửi bới, mà người cha còn xuất hiện với một vai trò của người đàn ông có phẩm cách. Không chỉ là cách đối xử với những người trong gia đình sao cho ra dáng, đó còn là cách giáo dục con cái để chúng đối mặt với những bất công của cuộc sống, đôi khi còn bao gồm cả sự tự ti khi phải va chạm với xã hội. Thông qua những câu chuyện trời ơi đất hỡi, thậm chí là lố bịch của bản thân, ông bố đã truyền đạt những bài học để trở thành một người tử tế, một người biết cách cư xử, cách đối xử công bằng và yêu thương với người khác. Khi đọc cuốn sách này, ta được nhìn thế giới theo lăng kính của người cha khiến mọi thứ hiện lên rất đơn giản: đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà:

Rồi sau đó là câu nói khiến bố tôi giận điên lên

Con không xứng với cô ấy! Thật nhục quá đi!

Bố tôi nhìn xuống sàn nhà và lẩm bẩm với chính mình “không xứng” hết lần này tới lần khác, giống như Indiana Jones cố gắng tìm hiểu xem điều mà tay thổ dân kỳ dị nói trước khi chết có manh mối gì không. Rồi ông nổ tung.

“Chuyện này thật là vớ vẩn bỏ mẹ đi được!” ông gào lên.

Lúc này tôi rời phòng khách và tìm cách nấp trong hành lang để vẫn nghe được câu chuyện.

“Không xứng? Mày nói không xứng là thế đếch nào? Mày là đàn ông, còn nó đơn giản là đàn bà? Chỉ thế thôi, mẹ kiếp!”

Thế đấy, dù thế giới muôn màu muôn vẻ, mỗi người là cá thể khác nhau, làm những công việc khác nhau thì trong mắt ông ấy thế giới chia hai giới tính, thế thôi. Dạy con cách cư xử, cách tự tin, hoặc đơn giản là dạy con nhìn thế giới một cách đơn giản đừng quá đặt nặng những vấn đề như vậy. Đương nhiên, tiền bạc, địa vị, nghề nghiệp luôn là một phần không thể thiếu để thể hiện vai trò xã hội của ai đó, nhưng đôi khi ta phải lựa chọn quên đi những điều ấy để thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Nhưng điều tôi rút ra khi đọc cuốn sách này là: bạn có thể rút ra bất kỳ bài học “bỏ mẹ, chết tiệt”, qua những lời cọc cằn của bố, đó có thể xa xôi, phức tạp và mang đậm tính triết lý về cái chết hoặc đơn giản là cảnh giác với sự tử tế của người lạ.

Lời kết: Có lẽ khi thật sự trải đời, được thấy được chứng kiến những gì chúng ta nói với nhau, rồi lừa dối nhau, ta mới thấm thía và cảm nhận được ý nghĩa khi được nghe nói những gì thật lòng và thẳng thắn như vậy. Cuốn sách này không đưa đến cho tôi những kiến thức chuyên sâu, bài học lớn lao nó kéo ta về với những thứ gần gũi nhất. Có thể câu chuyện diễn ra có bối cảnh Mỹ nhưng đó cũng là bài học giáo dục với những bậc cha mẹ dù mang màu dau, hay tư tưởng nào. Tình yêu thương có thể truyền tải qua bất kỳ lời nói, hành động nào – chỉ cần đó là tình yêu thương.


Tóm tắt bởi: Sơn Dương – Bookademy

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Cuốn này sẽ giúp ta hình dung ra những gia đình ở Mỹ nhưng không phải một cuộc sống của gia đình trung lưu, khá giả ăn chơi như ta vẫn hay tưởng tượng mà đó là một cuộc sống đầy khó khăn. Đặc biệt là hình ảnh người bố trong câu chuyện, ông phải làm việc thật chăm chỉ, cực nhọc cả ngày để chăm lo cho gia đình. Ông là một người thẳng tính, và thô lỗ, vì vậy lời nói của ông có phần khó nghe. Ông luôn cằn nhằn với cậu con trai của mình nhưng với cậu, đó chính là những lời khuyên rất đúng, rất dễ đi vào lòng người. Vì vậy cuốn sách mới có tựa đề “lời vàng của bố”. Tuy những lời lẽ ấy là thô thiển nhưng chính điều đó đã tạo nên sự khác lạ cho cuốn sách. Những gì tác giả viết trong đó không quá xa vời hay khó mường tượng mà rất giản dị và chân thực, kể cả lời văn cũng vậy. Cuốn sách chỉ như một cuốn nhật ký kể lại những gì tác giả đã nghe, đã cảm nhận được, nhưng qua đó, nó lại trở thành một cuốn cẩm nang sống rất ý nghĩa. Ông bố trong truyện có thể là thô thiển, lời nói là khó nghe nhưng những lời nói ông dành cho cậu con trai đều là từ đáy lòng, mong muốn cho cậu con trai luôn được sống thật tốt… Bố mẹ ta dù họ làm gì, mà ta cảm thấy họ không đúng nhưng trên hết, họ vẫn một lòng muốn chúng ta được sống hạnh phúc.

Khác hẳn với những cuốn sách viết về đề tài gia đình, cách dạy và chăm sóc con cái khác, “Lời Vàng Của Bố”, nghe thì có vẻ là một cuốn sách nhẹ nhàng, tình cảm đến từ cách dạy dỗ, quan tâm con của bố. Nhưng hoàn toàn không phải vậy, tựa đề cuốn sách đã lừa bạn rồi.

Cuốn sách là lời kể của một người con trai về người bố của mình. Ông bố này là một người khá thô lỗ, hay chửi rủa và la mắng con trai mình. Ông luôn “dành” những lời lẽ khó nghe, cộc cằn với đứa con. Chắc chắn, nhiều bạn sẽ cho rằng đây là cách dạy con không đúng, phản khoa học. Sự thật đúng là vậy nhưng ẩn sâu trong những câu nói, cách ứng xử thô lỗ đó, cuốn sách lại đem đến cho bạn đọc điều đáng suy ngẫm. Đó chính là tình yêu vô bờ bến của người cha với con mình. Là một người cha cực kì đặc biệt, không giống những người cha khác trong cách ông giúp con mình trưởng thành, người cha này đã cho chúng ta thấy được rằng, không phải lúc nào lời nói hoa mỹ cúng là cách tốt nhất để dạy con. Mà đôi khi, bạn cần phải cứng rắn, mạnh mẽ và thật nghiêm khắc với con mình. Sau cùng, dù là một ông bố không mấy hoàn hảo, không mấy dịu dàng nhưng trong cảm nghĩ của người con và nhiều bạn đọc khác, đây là một ông bố tuyệt vời.

Tại sao “Trẻ em” dưới 13 tuổi không nên đọc sách “Lời vàng của bố”? Đây không phải sách dành cho thiếu nhi vì lý do những ngôn ngữ mà tác giả sử dụng trong quyển sách khá “dung tục”, mà các em nhỏ thì luôn được khuyến khích “không nói tục chửi bậy”.

Thế nhưng, khi đã trưởng thành hơn, biết đâu là cư xử đúng mực thì việc sử dụng ngôn ngữ là phụ thuộc vào bản thân người nói. Những lời “chất phác” trong quyển sách này sẽ khiến bạn nhận ra, đâu đó là hình ảnh của mình trong cuộc sống. Bạn sẽ không phải hối tiếc nếu bỏ thời giờ ra để đọc cuốn sách này đâu.

Từng chương sách là từng bài học mà bố dạy cậu con trai trong hành trình trưởng thành. Ngôn từ bố dùng đôi khi thật khó nghe, nhưng lại là những lời quan tâm rất thật lòng.

Bố dạy con về sự quan trọng to lớn của gia đình trong “Không đâu bằng nhà mình”. Bố nói cho con biết tiền quan trọng thế nào để không phung phí. Bố muốn con “không phải việc gì cũng căng sức ra mà làm”, rồi thì “cố gắng hết sức, và nếu vẫn làm không tốt thì tìm cách rút nhanh”.

Với chuyện tình cảm, bố bảo con rằng “Tự tin là con đường dẫn tới trái tim phụ nữ” và “Thật mừng khi người mình yêu lại cần mình”. Khi con đạt được điều gì thì con phải “tin là mình xứng đáng”

Nếu con thất bại hay mệt mỏi thì con vẫn có gia đình. Và dù trong trường hợp nào thì con cũng luôn “Phải học cách lắng nghe, đừng bỏ ngoài tai những điều nghe được”.