Chúng ta đều muốn tạo được ấn tượng, thể hiện bản thân trong xã hội này. Nhưng để gây được ảnh hưởng đối với người khác, trước tiên bạn cần phải hiểu được họ. Bạn không thể thành công nếu chỉ dựa vào kỹ thuật giao tiếp, và khi người ta phát hiện ra điều này, họ sẽ nghĩ rằng bạn chỉ đang cố diễn kịch hoặc có động cơ nào khác đằng sau đó. Thế là họ chẳng muốn thiết tha chia sẻ bất kỳ điều gì cho bạn cả.

“Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được.” Chìa khóa thật sự để gây ảnh hưởng đối với người khác chính là con người thật của bạn, là hành động tạo cho người khác cảm giác đáng tin. Lắng nghe và thấu hiểu là một trong những nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong quan hệ giữa người với người, là chìa khóa để có được thiện cảm của mọi người. Đa số chúng ta nghe không phải để thấu hiểu với người khác, mà là để đối đáp. Người ta thường thông qua vô thức của mình để gạn lọc những gì mình nghe được và thường có thói quen suy bụng ta ra bụng người để phán xét cuộc sống của người khác. Tất cả chúng ta đều nói, nhưng không ai nghe. Và con người, ở mọi nơi, luôn muốn được lắng nghe. Vì thế con người bị thu hút mạnh bởi những người lắng nghe họ. Cho nên, nếu muốn tạo ra tác động trong thế giới ồn ào này, thì món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tặng cho bất cứ ai chính là lắng nghe họ. Như cái cách mà những người bạn bốn chân trong cuốn Lắng nghe như một chú chó và tạo dấu ấn của bạn với thế giới dành riêng cho chúng ta.

Giới thiệu sách

Chúng ta sống trong Kỷ nguyên Kết nối – hay người ta bảo thế. Trong vài thập kỷ qua, hàng tỉ đôla công nghệ được đầu tư để phát triển những phương thức mới giúp con người kết nối với nhau. Với mỗi hạ tầng kết nối mới xuất hiện – điện thoại di động, phòng chat, email, thư thoại, tin nhắn tức thời, Skype, Facebook, Twitter, game trực tuyến… – cộng đồng nhân loại tiến đến gần chúng ta hơn. Danh bạ điện thoại và địa chỉ email của chúng ta thường dài dằng dặc, và nhiều người có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn kết nối trên LinkedIn, bạn bè trên Facebook và/hoặc người theo dõi trên Twitter. Gần như theo nghĩa đen, chúng ta nắm cả thế giới trong lòng bàn tay. Thật đáng kinh ngạc!

Chúng ta đang sống trong một thế giới mọi người đều nói – hoặc nhắn tin, hoặc tweet – và hầu như không ai lắng nghe. Liên tục kẹt ở chế độ đầu ra, chúng ta bỏ qua việc tạo ra những kết nối thực sự cả trong công việc lẫn trong cuộc sống riêng. Đã đến lúc cần có cái nhìn mới về việc lắng nghe và chẳng cần tìm kiếm đâu xa hơn người bạn lông thú thân thiết dưới chân ta. Loài chó có điều gì khiến chúng trở thành nguồn an ủi tinh thần và được hân hoan ca ngợi? Dù không nói được ngôn ngữ của chúng ta nhưng bạn phải thừa nhận rằng chó là bậc thầy giao tiếp.

Trong cuốn sách dí dỏm mà sâu sắc này, Jeff Lazarus cho chúng ta thấy lắng nghe thực sự có thể củng cố mọi mối quan hệ trong cuộc sống. Lắng nghe là chất liệu thần kỳ kết cấu nên quan hệ thực sự với người khác. Con người đều thấy bị thu hút với những ai biết lắng nghe; muốn làm ăn với người biết lắng nghe và có khuynh hướng tin cậy những người đó hơn. Lắng nghe là kỹ năng tuyệt vời nhất của loài chó, mà chúng ta – những con người – có thể học hỏi rất nhiều từ chúng.

Bằng cách lắng nghe như một chú chó, chúng ta sẽ tìm ra những kết nối mới… đồng thời tạo dấu ấn của riêng mình với thế giới.

Về tác giả

Jeff Lazarus có sự nghiệp trải dài đã hơn hai thập kỷ tại một trong những công ty dược phẩm hàng đầu thế giới. Ông là chuyên gia tư vấn khoa học sức khỏe, giữ vai trò liên lạc viên khoa học cho các bác sĩ, viện sĩ viện hàn lâm, và các nhà giáo dục sức khỏe. Ông giảng dạy kỹ năng nói chuyện trước đám đông ở cấp đại học và hướng dẫn nhiều lớp tập huấn về lắng nghe, kỹ năng thuyết minh và gắn kết khách hàng. Tình yêu dành cho những chú chó của ông được miêu tả trong cuốn sách phát hành năm 2015, Dogtology, một khám phá lạ thường về sự tôn sùng đến cuồng tín của loài người đối với chó.

“Cảm ơn tất cả những chú chó đã lắng nghe tôi “sủa” trong nhiều năm qua; Sau cùng tôi luôn cảm thấy khá hơn.”

Chó lắng nghe giỏi như thế nào

Lần cuối bạn nghe thấy một trong những câu sau đây là khi nào?

  • Con chó của tôi luôn nhắn tin trong khi tôi đang cố nói chuyện với nó; nó thật thô lỗ!
  • Mỗi lần tôi tìm cách nói chuyện, con chó của tôi cứ ngắt lời. Nó không chịu dừng.
  • Tôi cố gắng kể chuyện của mình nhưng con chó của tôi luôn phải “trên cơ” tôi bằng một câu chuyện nó cho là hay hơn rất nhiều
  • Con chó của tôi là đồ giả tạo; thảo mai; nó cười tươi với bạn nhưng bạn có thể thấy nó chỉ đang tìm cách điều khiển bạn.
  • Tôi không thể nói cho hết câu, con chó của tôi luôn kết thúc hộ tôi.

Phải thú nhận rằng, tôi hiếm khi nghe thấy những lời nhận xét như vậy về chó.

Chó lắng nghe toàn tâm toàn ý, hoàn toàn thoải mái với sự im lặng, biến ta thành trung tâm thế giới của chúng, không phán xét, không ngắt lời, không tranh luận, quở trách hay chỉnh sửa, vô cùng kiên nhẫn, tha thứ và quên đi, không bị phân tâm bởi những cuộc hội thoại diễn ra trong đầu chúng.

Chó tạo dấu ấn trên đời không phải bằng cách gây chú ý hơn mọi người, cũng không phải bằng việc nghĩ ra những cách bắt chuyện mới thông minh hay hấp dẫn hơn. Mà chỉ đơn giản bằng sự hiện diện của nó và sự lắng nghe trong thế giới ồn ào này. Sự hiện diện của chó rất đỗi chân thật trong thế giới của email và tin nhắn, của những giá trị ảo, và những mối quan hệ tưởng chừng rất gắn kết nhưng lại dễ dàng bị phá vỡ. Mọi người đều sẽ nhớ rằng đã trò chuyện với bạn, không phải vì những gì bạn nói, mà vì cách bạn thể hiện khiến cho họ cảm nhận. Ngược lại, chó chỉ đơn giản là lắng nghe thôi. Chúng chẳng đánh giá khi bạn ấp úng kể về một điều gì đó, hay cũng chẳng bắt bạn phải vui lên khi bạn nói rằng mình buồn. Chúng sẵn sàng ngồi đó, đợi bạn mở lòng, lắng nghe bằng tất cả các giác quan cơ thể, và cọ đầu vào người bạn như thể chúng đã hoàn toàn thấu cảm được.

Lắng nghe toàn tâm toàn ý

Hầu hết con người hiện đại chúng ta đều bị kẹt ở chế độ “đầu ra”. Chúng ta có thể biết cách ngậm miệng lại thực sự (thỉnh thoảng) nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển được không gian bên trong để lắng nghe. Bên trong chúng ta tràn ngập những suy nghi, ảo mộng và tâm tư cá nhân. Và chúng ta là những người đang đau khổ.

Vậy chúng ta có một vấn đề ở đây. Chúng ta không lắng nghe. Nhưng vấn đề lớn hơn là chúng ta không biết rằng mình có vấn đề. Thay vào đó, chúng ta tiếp tục giải quyết theo hướng ngược lại, bằng việc tìm ra nhiều cách hơn và mới mẻ hơn để tiếng nói của mình được lắng nghe. Tất cả quy về ba nguyên tắc cơ bản:

“Tất cả chúng ta đều nói, nhưng không ai nghe.

Con người, ở mọi nơi, muốn được lắng nghe.

Con người bị thu hút mạnh bởi những người lắng nghe họ.”

Lắng nghe là việc mà con người chúng ta đã biết từ lúc mới lọt lòng, trước cả việc học đi và học nói. Do đó, mọi người luôn nghĩ rằng bản thân biết “lắng nghe”, vì nó vốn tự nhiên như là hít thơ hàng ngày vậy. Không ai nghĩ rằng lắng nghe thực ra lại  là một kỹ năng quan trọng cần học. Vậy bạn có từng trò chuyện thực sự, giải bày tất cả tâm sự của mình với một chú chó chưa? Không phải là những câu độc thoại thông thường như “Bắt tay nào” hay “Xoay ba vòng và mi sẽ được thưởng” dành cho chó, mà là bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư của mình cho người bạn bốn chân đó.

Loài chó được ban cho một khả năng tuyệt vời, đó là tài năng lắng nghe thiên bẩm. Trên thực tế, chó lại là bậc thầy của việc lắng nghe mà con người cần phải học hỏi. Loài chó lắng nghe bằng cả cơ thể, dành cho chúng ta sự chú ý trọn vẹn, tận tâm và đầy năng lượng. Con người cần quyết tâm lắng nghe bằng cách vận dụng ba cơ quan: đôi mắt, trái tim và đôi tai. Một đôi mắt biết nói, một trái tim biết để tâm và một đôi tai biết lắng nghe vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải thể hiện sự chú ý của mình dành cho đối phương bằng toàn bộ cơ thể, bộc lộ biểu cảm cơ thể theo cách tự nhiên nhất của riêng bạn cho đối phương thấy bạn quan tâm đến điều họ đang nói.

Tất nhiên, nếu bạn muốn ai đó lắng nghe bạn thật sự, bạn nên chắc rằng đây là lúc thích hợp để họ lắng nghe bạn.

“Dừng hoạt động trí óc hiện tại, chuyển sang chế độ lắng nghe.”

Hạnh phúc đích thực là chú cún con ấm áp

Chó chân thật và ấm áp, chúng thành thật với cảm xúc và không giả vờ, chúng thật sự quan tâm đến bạn. Có rất nhiều câu chuyện về những chú chó xông vào đám cháy cứu người hay bảo vệ con người khỏi những kẻ tấn công. Loài chó có bốn hành vi bầy đàn nói chung: an ủi, chia sẻ, thông báo và giúp đỡ. An ủi có lẽ là thứ loài chó giỏi nhất, vì vậy chúng còn giúp chữa bệnh cho con người, cho những người có tổn thương về thể chất hay tâm lý.

Con người mong muốn có những mối quan hệ mà trong đó, họ cảm thấy có thể bộc lộ bản thân một cách chân thật, trọn vẹn nhất, với sự chấp nhận hoàn toàn. Điều này hiển nhiên đúng. Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy thoải mái với một người lắng nghe bạn, không ngắt lời, không phán xét, cũng không cố chỉnh sửa bạn mà chấp nhận tất cả sự thật về bạn.

“Sự dễ mến là yếu tố bị đánh giá thấp nhất trong tương tác giữa con người.”

Đằng sau lời nói

Lắng nghe thường được hiểu là thu nhận âm thanh của lời nói, nhưng con người là sinh vật sống với cảm xúc, vì vậy việc tiếp nhận lời nói không đủ để đọc vị con người. Đằng sau lời nói của con người còn kèm theo cảm xúc, con người cần được thấu cảm và loài chó làm rất tốt điều này.

Tin nhắn văn bản khiến yếu tố cảm xúc mất đi, hoặc dễ gây hiểu lầm, hay bày ra thứ cảm xúc giả tạo. Ngữ điệu rất quan trọng trong lời nói, cùng một câu nói nhưng với những ngữ điệu khác nhau, dụng ý cho ra hẳn cũng sẽ khác, điều mà tin nhắn văn bản không làm được.

“Con người muốn được thấu cảm, chứ không phải chỉ là được lắng nghe.”

Một chú chó sống lang thang ở Cork – Ireland có tên là Danny. May thay nó đã được cứu và hiện giờ Danny rất nổi tiếng trong đám học sinh nhờ việc đi khắp nước Anh cung cấp một dịch vụ đặc biệt: Danny nghe bọn trẻ tập đọc. Chú chó ấy thật sự lắng nghe. Danny có tên chính thức là READ (Reading Education Assistance Dog- chó hỗ trợ tập đọc), hoặc nói đơn giản là: chó lắng nghe.

Có vẻ như nhiều trẻ em thấy dễ dàng tập đọc với chó hơn với con người. Theo bài viết trên The Guardian của London: khi bọn trẻ đọc cho nó nghe, Danny không phê bình hay sửa phát âm của chúng, điều này giúp trẻ tự tin khi đọc vì Danny không hề phán xét. Nó không phán xét, cũng ko cười cợt bọn trẻ. Bọn trẻ thích ý tưởng này và nói: chó không đáp lại và không làm khó chúng con, cũng không tỏ thái độ hay ngắt lời nếu trẻ đọc quá chậm hay đọc vấp một hai từ.

Danny giành được nhiều sự ghi nhận và giải thưởng trong đó có giải Động vật xuất chúng từ Quỹ phú lợi động vật quốc tế cho việc làm chó lắng nghe.

Sức mạnh của sự im lặng

Con người có thôi thúc không ngừng là phát ra âm thanh, hoặc nếu không như vậy thì họ vẫn nghe tiếng động do người khác tạo ra, hoặc từ thiết bị nào đó. Sự im lặng đối với một số người có thể là cực hình. Bạn hãy thử tưởng tượng bạn ngồi cùng một người bạn và cả hai im lặng không nói gì, đột nhiên bạn sẽ cảm thấy có gì đó kỳ lạ, nói đúng hơn là khó xử. Bạn sẽ nghĩ rằng có gì đó xảy ra với người kia, nhưng chẳng có gì cả. Vài phút im lặng thôi là đủ để khiến người nói thấy “lo âu, sợ hãi, tổn thương và bị từ chối”. Nhưng đôi lúc bạn phải ngậm miệng lại, vì kho báu thật sự là từ những người khác, thông qua việc ta lắng nghe họ. Có một điều rất đơn giản, bạn càng ít nói, lời nói của bạn càng có sức nặng.

“Im lặng là nơi diễn ra giao tiếp thực sự với người khác.”

Chó – kỳ quan mù công nghệ

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, công nghệ đã và đang chi phối cuộc đời thực của hầu hết mọi người. Chúng ta đều sống trong một thế giới công nghệ ảo, các mạng xã hội, tương tác qua tin nhắn, email mà không phải gặp mặt trực tiếp. Chúng ta quan tâm số lượng người thích bài viết, số lượng bạn bè hay người theo dõi chúng ta trên các nền tảng mạng xã hội, mà chẳng ai để tâm rằng chúng ta có thật sự kết nối với những người đó hay không. Quá trình hiện đại hóa dẫn đến kết quả là mọi người ít quan tâm đến nhau hơn. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một nhóm bạn đi chơi cùng nhau, dù vẫn đang ngồi với nhau nhưng mỗi người lại chỉ dán mắt vào điện thoại của mình, làm chuyện riêng, chứ ít khi giao tiếp với nhau. Đã bao lâu rồi chúng ta không thật lòng trò chuyện với một người, liệu những kết nối ảo, những con số tương tác ấy có mang lại giá trị gì cho bản thân mình hay không? Chẳng ai dám nói chắc chắn được, nhưng người ta cũng chẳng mảy may thức tỉnh khỏi sự thật ấy.

Khi quan hệ giữa người với người dần trở nên trừu tượng và không thực tế, thì số lượng người nuôi chó cũng tăng cao kỷ lục. Chó là mối quan hệ duy nhất trong cuộc sống của chúng ta từ chối bị số hóa bằng mọi cách.

Chó là đỉnh cao mù công nghệ: một thực thể nhiều lông, ấm áp, ẩm ướt, “thơm tho” trong một thế giới chịu chi phối bởi nối mạng.

Chó là thứ có thật: liều thuốc giải hoàn hảo cho cách giao tiếp vội vã, hời hợt theo kiểu nhấn nút của chúng ta.

Chó kéo chúng ta khỏi máy tính, Ipad. Chúng khiến ta dính bẩn, bốc mùi, chúng nhảy chồm lên tặng ta nụ hôn đầy nước dãi. Chó kết nối ta với những điều có thật.

Công nghệ rất kỳ diệu, nhưng nó cũng làm giảm nghiêm trọng nhu cầu và cơ hội được lắng nghe thật sự. Các trang mạng xã hội hay tin nhắn văn bản chỉ có giá trị thực sự khi chúng ta sử dụng chúng để chăm sóc các mối quan hệ trong đời sống thực, duy trì các mối quan hệ đó và tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ trực tiếp chứ không phải để thay thế hoàn toàn nó. Một cuộc gặp trực tiếp chứng tỏ rằng bạn coi trọng thời gian và bản thân đối phương bằng cách thể hiện rằng bạn sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức trong lịch trình của mình cho họ. Sự trân trọng này chỉ có thể được thể hiện tự nhiên nhất, hiệu quả nhất trong giao tiếp trực tiếp mà thôi. Nói cách khác, những cuộc “gặp gỡ” trên không gian mạng có chất lượng đường truyền tốt không đồng nghĩa với việc mối quan hệ ấy sẽ bền chặt.

“Điện thoại vẫn nằm đó khi bạn cần.”

Luôn sẵn sàng trình diễn

Chó luôn sẵn sàng trình diễn. Chúng không sợ những điều sắp xảy tới, không lo lắng về những gì chưa biết trong tương lai, chúng sẵn sàng làm những điều gián đoạn lịch trình của chúng, và coi đó là tiếng gọi phiêu lưu. Trái lại, con người luôn sợ hãi những thứ chưa từng xảy đến, lo âu trước những thứ không thể đoán trước. Con người lo lắng phải gián đoạn lịch trình của mình, lo sợ phải tạm gác mọi việc của mình sang một bên chỉ để lắng nghe một ai đó. Con người không sẵn sàng để trình diễn mọi lúc như loài chó, họ cảm thấy không vui khi lịch trình của họ bị gián đoạn hoặc buộc phải thay đổi vì một tác nhân nào đó, họ sẽ cảm thấy khó chịu, và đôi lúc là bực bội khi mọi thứ trái với ý muốn của họ. Nhưng con người lại là một sinh vật kỳ lạ, khi từ bỏ kiểm soát và cho phép những bất ngờ xảy ra, ta thường có những trải nghiệm tốt nhất trên đời.

Cảm nhận cá nhân

Ở đâu đó chúng ta đã từng nghe: Con người chỉ mất hai năm để biết nói, nhưng lại phải mất cả đời để học cách lắng nghe. Vậy chúng ta đã thực sự biết lắng nghe chưa? Câu trả lời là chưa hẳn. Phần lớn chúng ta không bao giờ có thể lắng nghe tốt gần bằng chó. Khi ở cùng với chú chó của mình, chúng ta cảm thấy mình quan trọng, vì chúng biến ta thành trung tâm trong thế giới của chúng. Chúng không cố ngắt lời hay lấn át, khiến ta xao nhãng hay ngắt lời ta khi đang nói. Chúng chỉ truyền sự chú ý phi thường đến chúng ta và khiến ta cảm thấy rằng ở bên ta là điều tuyệt vời nhất trên đời.

Loài chó đã dạy cho chúng ta từ hàng thế kỷ nay bài học về cách lắng nghe – lặng lẽ, trắc ẩn, không phán xét, khích lệ – như một chú chó.Bạn có thể không chắc chắn vị trí của mình trong lòng người khác, nhưng với người bạn bốn chân của mình, bạn chính là độc nhất. Chú chó của bạn là điều duy nhất trên Trái Đất này yêu bạn hơn yêu chính bản thân nó.

 

Tóm tắt bởi: Thanh Thảo - Bookademy

Hình ảnh: Yến Phương

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

Xem thêm

Jeff Lazarus đã viết một cuốn sách self-help thực sự đáng tin cậy: "Lắng nghe như một chú chó và tạo dấu ấn của bạn với thế giới" bìa 83167- do HCI Books xuất bản.

Đúng và thú vị, tại sao lại cần phải diễn đạt một thứ gây tò mò như tiêu đề vậy chứ? Chúng ta mới không có khả năng lắng nghe người khác. Sự thiếu chú ý của chúng ta dành cho người khác.

Và do đó, ý tưởng lấy cảm hứng từ chú chó của Jeff Lazarus: những chú chó của chúng ta và thế giới ít phức tạp hơn, chân thực hơn nhiều của chúng là một ví dụ cho mọi người.

Rốt cuộc, một con chó là thế này: tình yêu bao la dành cho chủ, tham gia vào mọi niềm vui và nỗi buồn của một gia đình, chúng mang lại nhiều niềm vui và khả năng phát triển mối quan hệ và kết nối tốt đẹp và lành mạnh với chủ.

Lazarus bắt đầu khẳng định rằng, vâng, đó là sự thật, con người là một động vật xã hội như tất cả chúng ta đều biết, nhưng trong 20 năm qua, với sự bùng nổ của mạng và với sự ra đời của nhiều cách khác để giao tiếp ảo, Facebook, Twitter, Instagram, Whatsup, chúng ta đã mất đi khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác.

Chúng tôi là xã hội, nhưng theo một cách khác với quá khứ.

Tương tác của chúng tôi xấu đi rất nhiều.

Nhiều người không có thời gian cho người khác. Có cuộc sống ảo có thể là tốt nhất và có thể được sử dụng thay thế cho cuộc sống bình thường.

Vấn đề là hiện nay có ít bạn bè thực sự hơn so với 20 năm trước và tình bạn ngày càng xấu đi với sự xuất hiện của liên lạc ảo. Liệu rằng điều đó là khả thi? Chúng tôi có nhiều bạn bè trên FB hoặc các mạng xã hội khác và nói chung là có nhiều sự cô độc hơn.