Có một câu nói đại ý thế này: nếu tâm lý phụ nữ đều dễ hiểu và dễ nắm bắt, thì trên đời này quả thực chẳng còn điều gì thú vị để khám phá nữa. Thuở xa xưa, Thiên Chúa đã nặn Adam từ bụi đất theo hình ảnh của Ngài, và rồi rút xương sườn của nam nhân đó để tạo nên hình hài một người phụ nữ, tên là Eva. Adam khi ấy đã nói rằng: “Người này là làm bởi xương tôi, bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì do người nam mà ra”. Kể từ khi loài người mới được khai sinh, ngay từ trong những câu chuyện, đàn ông và phụ nữ đã luôn gắn liền với nhau, song hành cùng phát triển, cùng tạo dựng nên những gia đình nhỏ, những cộng đồng, xã hội và rộng hơn nữa là làm nên cả thế giới nhân sinh này. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của hai giới ấy, ắt hẳn sẽ xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm về vị thế của mình với nửa kia. Và phụ nữ, bởi không có sức mạnh như đàn ông nên không biết tự khi nào đã được gắn mác như “những kẻ yếu thế” trong xã hội. Các bà, các mẹ, thậm chí là các chị em, vẫn hay thường than với nhau sao mà làm con gái khổ thế. Nào là lo cơm nước, dọn dẹp mà đồng thời vẫn phải ra đường kiếm tiền như đàn ông. Rồi còn sinh con đẻ cái là một chuyện, nuôi nấng, dạy dỗ thế nào lại là một chuyện khác. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, chẳng phải rốt cuộc cũng một tay người đàn bà phải gánh hay sao? Thế nhưng Kim Oanh - với vị thế là một người phụ nữ hiện đại, sống trong một thế giới mà phái yếu giờ đã có chỗ đứng vững chắc không kém gì đàn ông, đồng thời được tiếp thu luồng văn hoá tiến bộ từ phương Tây đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ thông qua con chữ của mình rằng: “Làm phụ nữ không khổ tí nào!”


Tác giả

Kim Oanh

Ngày sinh: 19/08

Là một tác giả của thế hệ trẻ, Kim Oanh thường viết những cuốn sách về chủ đề tình yêu, hôn nhân, giới tính mà đặc biệt là phụ nữ. Bằng giọng văn lôi cuốn, sắc sảo, những tác phẩm của chị luôn giành được sự yêu thích của rất nhiều bạn đọc trẻ bởi lối tư duy sáng tạo và phù hợp với xu hướng của thời đại. 

Một số cuốn sách của Kim Oanh:

- Yêu Đi Đừng Sợ

- Nhìn Thấu Lòng Người

- Làm Phụ Nữ Không Khổ Tí Nào

- 365 Sách Lược Xử Thế

Làm phụ nữ không khổ tí nào?

Ngay từ tựa đề của cuốn sách, Kim Oanh bằng ngòi bút đầy mị lực của mình đã lôi kéo độc giả vào một “cơn tò mò không thôi”. “Làm phụ nữ không khổ tí nào” – câu nói có thể sử dụng nhiều ngữ điệu khác nhau, như đánh thẳng vào vấn đề chính mà tác giả nhằm khẳng định thông qua cuốn sách. Suốt bao lâu nay người đời vẫn coi phụ nữ là những cá thể mang nặng trách nhiệm với không chỉ xã hội mà còn là gia đình, chồng con và đặt ra vô vàn quy chuẩn để họ tuân theo. Thế mà tại vì sao Kim Oanh lại có thể tự tin tuyên bố rằng phụ nữ chúng tôi không hề khổ, ngược lại còn rất hạnh phúc? Cuốn sách của chị như một lẽ dĩ nhiên, sẽ phần nào giải mã cho những thắc mắc ấy của độc giả. 


Nữ quyền – chiếc cúp chiến thắng của phụ nữ trước đàn ông?

Trong Làm phụ nữ không khổ tí nào, mặc dù không trực tiếp đề cập hay cất tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ phong trào nữ quyền nhưng tác giả Kim Oanh vẫn phần nào khéo léo khi lồng ghép một cách rất nhẹ nhàng, tinh tế quan điểm đúng đắn và tiến bộ của mình về vấn đề có thể nói là tương đối nhạy cảm trong thời điểm hiện nay.

Nữ quyền (còn được gọi là quyền nữ giới hay quyền phụ nữ) theo Wikipedia định nghĩa là một loạt các phong trào và hệ tư tưởng chính trị - xã hội nhằm xác định và thiết lập sự bình đẳng về chính trị, kinh tế, cá nhân và xã hội của các giới. Có thể thấy ngay từ khái niệm cơ bản nhất, phong trào nữ quyền đã thể hiện tư tưởng, mục đích mấu chốt của nó là đòi quyền bình đẳng giữa các giới, khẳng định tiếng nói và chỗ đứng của phụ nữ cũng vững chắc như đàn ông. Thế nhưng nhiều người, không hiểu vì nguyên cớ gì lại hiểu nữ quyền theo một hướng khác, chệch ra khỏi đường ray định nghĩa ban đầu của nó. Họ cho rằng phong trào đòi quyền lợi cho phái nữ thực chất là một cách chống đối lại cánh mày râu của chị em, những người phụ nữ đang cố khẳng định mình để hiên ngang giành chiến thắng trước các ông chồng và làm chủ gia đình, xã hội này. Lối tư duy đó từ lâu đã được xem như là biểu hiện rõ nét cho cái gọi là nữ quyền độc hại. 

Để rồi khi những suy nghĩ ấy ăn sâu vào tiềm thức của con người, chúng ta bắt đầu hành xử theo sự dẫn dắt nó và khiến nỗ lực khẳng định mình của người phụ nữ dần trở nên cực đoan.


Phụ nữ cùng những hiểu lầm về chính mình

Khi người phụ nữ càng cố gắng thể hiện mình, không ngừng tìm kiếm một chỗ đứng, một vị thế như cách để ganh đua với người đời - những kẻ đang hoặc chí ít là đã từng xem nhẹ khả năng của phái nữ - thực chất họ chỉ khiến cho bản thân mình dần trở nên yếu đuối, chán nản đến sức cùng lực kiệt.

“ “Có thể tự mình làm tất cả mọi thứ” chính là biểu hiện của sự yếu đuối. Bởi nếu bạn thực sự mạnh mẽ, bạn không cần chứng tỏ rằng bạn có thể tự mình làm được”

Ngay từ phần đầu tiên của cuốn sách, với 3 chương 1, 2, 3 lần lượt được đặt tiêu đề là: “Phụ nữ mạnh mẽ”, “Phụ nữ độc lập” và “Phụ nữ tự tin” – tương ứng với 3 tiêu chí nổi trội thể hiện khí chất của một phụ nữ hiện đại. Đó là quan điểm chung của rất nhiều người, không chỉ riêng gì phái nữ, cũng không cụ thể đặt ra cho bất kì độ tuổi nào. Hầu hết tất cả mọi người xưa nay đều cho rằng là như thế. Chẳng có gì sai trái khi một người phụ nữ cố gắng khẳng định khả năng của bản thân mình. Nhưng cũng chưa hẳn là tốt nếu ta cứ giữ định kiến đàn bà muốn độc lập thì phải hoàn toàn tách khỏi đàn ông, không được phép dựa dẫm hay phụ thuộc vào người khác. Bản chất của bất cứ người phụ nữ nào cũng mang trong mình sự mỏng manh, khao khát được yêu thương, được che chở, vậy nên mới được đặt cho là phái yếu. Kim Oanh cho rằng phái nữ hoàn toàn có thể trở nên mạnh mẽ, độc lập và tự tin trong tất thảy mọi việc từ cuộc sống xã hội đến hôn nhân gia đình. Thế nhưng cũng phải hiểu rằng nếu phụ nữ có những giây phút yếu ớt, mềm lòng và cần đến một bờ vai để dựa dẫm, thì điều đó cũng chẳng có gì là xấu cả.

“Tôi khẳng định, cách hiểu “phụ nữ mạnh mẽ là phụ nữ không cần đàn ông” là sai”

Tác giả đã thể hiện quan điểm một cách mạnh mẽ như thế ngay từ phần đầu cuốn sách. Bằng cách đưa ra những luận điểm chắc nịch cho thấy sự khác biệt về cấu trúc sinh học giữa nam và nữ, vai trò trong cuộc sống chung của hai giới ngay từ thời nguyên thuỷ cùng bản năng bảo vệ người khác đã được định hình từ trong bộ gene của đàn ông, Kim Oanh ngầm thể hiện quan điểm nhân văn khi cho rằng phụ nữ hoàn toàn được phép trở nên yếu đuối. Giọt nước mắt hay tiếng thở dài cũng không thể nào khiến vị trí của phụ nữ trong xã hội bị đánh giá thấp đi, bất cứ ai cũng có quyền được khóc, đó là lý do mà tuyến lệ tồn tại. Phái nữ cũng vậy, có quyền được trở nên nhỏ bé, quyền được buông bỏ, được tìm kiếm sự giúp đỡ mỗi khi bản thân cảm thấy không thể gồng gánh được công việc này nữa. Đó mới thực sự là lối tư duy hiện đại, đúng đắn về nỗ lực khẳng định mình của người phụ nữ. 

Một biểu hiện của phong trào nữ quyền độc hại khá tương đồng với câu chuyện này, đó là việc một số người “quyết” không lấy chồng, sinh con để không phải ở nhà làm những công việc nội trợ. Kể từ khi phụ nữ được tạo ra trên thế giới này, họ đã được trao cho thiên chức thiêng liêng, cao cả là làm vợ, làm mẹ. Có những người khao khát có con, được nâng trên tay sinh linh bé nhỏ và tự mình nuôi nấng, chăm nom. Tất nhiên không thể nào coi đó là cô ấy đã từ bỏ quyền tự do, tự gò bó mình vào đàn ông hay gia đình, bởi làm mẹ vốn dĩ đã là trách nhiệm và bản năng của tất cả những người phụ nữ.


Phụ nữ, đàn ông và tình yêu

“Người đàn ông bạn yêu không còn yêu bạn nữa luôn là điều khó chấp nhận. Không người phụ nữ nào có thể bình thản trước sự thật đó. Chỉ là có người lựa chọn trốn tránh, có người lựa chọn đối mặt để tìm hạnh phúc mới. Và bởi thế, có phụ nữ bất hạnh, và cũng có phụ nữ viên mãn”

Giữa phụ nữ và đàn ông, nếu để gọi tên cho một mối quan hệ kỳ diệu nhất, thăng hoa nhất, nhưng cũng lại khắc nghiệt, đau thương nhất thì có lẽ chính là tình yêu. Con người dễ dàng đem đến cho nhau hạnh phúc chỉ qua vài câu yêu thương đơn giản, nhưng đồng thời cũng có thể nhanh chóng tước đoạt nó.

Có một tình trạng chung tương đối phổ biến ở nhiều cặp đôi yêu nhau, đặc biệt là đối với các bạn trẻ ngày nay. Đó là việc chia tay sau khi đã xảy ra chuyện quan hệ tình dục. Và những người con trai trong câu chuyện nghiễm nhiên sẽ mang tiếng là kẻ “chỉ biết làm chứ không biết chịu trách nhiệm”. Còn người con gái, đương nhiên rồi, sẽ trở thành nạn nhân của việc làm nông nổi, bồng bột ấy. Thế nhưng, nếu xét ở một khía cạnh nào đó, việc đổ lỗi này chẳng khác nào người phụ nữ đang tự biến mình thành phe yếu, khiến bản thân trở nên khổ sở, cần đến sự thương hại từ người khác. Đối với những bạn nữ không may bị xâm hại hoặc quan hệ do ép buộc được xếp vào trường hợp đặc biệt mà chúng ta sẽ không đề cập đến ở đây. Nhưng bên cạnh đó, hầu hết những sự việc tương tự xảy ra giữa các cặp đôi thường là do cả hai cùng tự nguyện và xem đó như là sự kết tinh của tình yêu. Đến khi chia tay, không hiểu sao nhiều cô lại vội vàng kết luận người yêu mình là kẻ tệ bạc, theo cách nói của Kim Oanh là coi đàn ông như một cái máy, được cài đặt sẵn chế độ chiếm đoạt khi mới yêu và sau khi có được người phụ nữ rồi sẽ lập tức chuyển sang chế độ ruồng bỏ, ngán ngẩm. 

Kim Oanh đã giải thích cho hiện tượng phổ biến sau khi chia tay này thông qua quá trình chị tập trung quan sát và so sánh thái độ đối với cuộc sống của phụ nữ Việt Nam và phương Tây. Nói về độ bền bỉ, sức dẻo dai, tần tảo trong công việc kiếm tiền lẫn chăm sóc gia đình, phụ nữ phương Tây hẳn chưa thể so đo với các bà mẹ Việt. Thức khuya, dậy sớm, vừa đi làm kiếm tiền vừa nấu cơm, giặt giũ, chăm chồng, nuôi con,… một tay người phụ nữ Việt làm hết mà vẫn dư sức. Thế nhưng để xét về thái độ trong công việc hàng ngày, cùng sự tích cực trong tư duy về cuộc sống, phụ nữ Việt lại có vẻ lép vế hơn những người bạn phương Tây. Ở các nước phát triển, có lẽ một phần do sự ảnh hưởng của giáo dục, con gái thường lớn lên với sự tự tin về bản thân, mạnh mẽ đứng ra quyết định ngay cả những vấn đề to lớn về cuộc đời mình mà không cần phụ thuộc vào người khác. Bởi vậy mà dẫu có điều gì xảy ra, họ cũng không đổ tại thời thế hay dễ dàng bị nghịch cảnh quật ngã. Kể ra không phải để chê trách phụ nữ nước mình, phần nào đó do được dạy dỗ chưa thực sự đúng ngay từ nhỏ nên con gái Việt Nam khi lớn lên đã mang sẵn trong mình một tâm lý mình được sinh ra để hi sinh, để cống hiến cho chồng con, gia đình và xã hội. Đồng thời, trong trí óc của các bé gái non nớt ngay từ khi còn nhỏ đã được các bà mẹ gieo rắc một tư tưởng có phần hà khắc: con trai là những kẻ xấu xa, chúng sẽ đến khi các con còn trẻ, còn chưa chín chắn trong suy nghĩ để hòng lừa gạt và rời bỏ các con sau khi đã hoàn thành mục đích của mình. 

Quay lại vấn đề thái độ của phụ nữ sau khi quan hệ, Kim Oanh chia phản ứng của những cô gái này thành hai kiểu phổ biến: một là quy chụp trách nhiệm lên vai người đàn ông, bắt anh ta phải có sự đền đáp cho việc quan hệ giữa hai người mà theo cô gái là cô ấy làm thế như một sự hi sinh cao cả cho tình yêu này, mặc dù ban đầu bản thân cô đã tự nguyện làm thế chứ không hề có đe doạ hay ép buộc gì ở đây; kiểu thứ hai là những người phụ nữ dễ quỵ luỵ, yếu đuối hay thậm chí là suy sụp bởi suy nghĩ “mất lần đầu rồi là sẽ mất đi giá trị” đè nén. Suy cho cùng, dù xã hội đã phát triển đến một mức độ mà con người hiện đại có thể tư duy vô cùng thoải mái về vấn đề tình yêu, tình dục và hôn nhân, thế nhưng ở đâu đó, vẫn có những bậc cha mẹ quá hà khắc với câu chuyện nhạy cảm này, khiến cho con cái của họ nếu có lỡ thực hiện việc quan hệ trước hôn nhân dễ trở nên đau khổ, sợ hãi. Chính suy nghĩ có khi nào khi kết hôn, chồng và gia đình anh ta sẽ coi thường mình vì mình không còn trong sạch đã khiến cho người phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam ta nói riêng bị coi như nạn nhân của mọi cuộc tình đổ vỡ, không có khả năng quyết định cuộc đời mình mà phó mặc cho người đàn ông, để rồi khi vỡ lở, tất cả trách nhiệm phải quy về anh ta chứ đàn bà không thể lo toan cho chính cuộc đời mình. 

Đàn ông không phải ai cũng xấu xa, người tốt ngoài kia còn rất nhiều và thái độ của họ đối với bạn phần nào đó do chính bạn tạo ra đấy thôi. “Khiến đàn ông cảm thấy họ như tội đồ chỉ vì đã lên giường với bạn chính là cách nhanh nhất khiến anh ta nhàm chán, thậm chí là sợ hãi bạn.” Phụ nữ có nhiều cách để trở nên thu hút, Kim Oanh cũng đề cập rất nhiều đến hình tượng chuẩn mẫu của một người phụ nữ hiện đại và “vũ khí” nào khiến đàn ông không thể rời mắt khỏi họ. Nhưng chị cũng khẳng định đó chắc chắn không phải thái độ bi quan hay đổ lỗi cho cánh mày râu, vì như thế sẽ chỉ khiến họ ngán ngẩm hơn mà thôi. Phụ nữ ngày nay cần suy nghĩ phóng khoáng, dung hòa giữa thuần phong mỹ tục và thời đại tiến bộ, để không còn phải gồng mình lên chiến đấu với những tư tưởng giờ đã cũ mòn.

Lời kết

Khác với hầu hết những tác phẩm, bài báo, nhận định,… xưa nay vẫn viết về câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ, Kim Oanh không biến cuốn sách của mình thành sân khấu để chị em được khóc thương cho số phận hẩm hiu, bèo bọt của mình, hoặc đơn giản là kể lể về nỗi thống khổ đè nén thân phận người đàn bà. Trong lối tư duy quyết đoán của cây bút này, phụ nữ không hề khổ sở như cái mác mà người đời vẫn thường hay gắn cho họ. Xã hội bây giờ cũng không còn cố gắng tìm đủ mọi cách để gò bó phụ nữ như thời phong kiến nữa. Bởi vậy nên nếu có sự hiện diện của hai chữ “khổ sở” trong định kiến về cuộc đời của phái yếu, đó chắc chắn là do lối tư duy của con người đã dần trở nên sai lệch hoặc không còn phù hợp nữa. 

“Thân em như hạt mưa sa/Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”, đã xưa lắm rồi cái thời mà phụ nữ bị tước đi quyền tự quyết định cuộc đời mình. Thế nên chúng ta - những cá thể đang tồn tại trong một thế giới phát triển, có lẽ cũng cần gạt đi suy nghĩ so sánh phụ nữ thông qua sự giàu có, nổi tiếng hoặc bằng việc đánh giá những người đàn ông xung quanh cô ấy. Hạnh phúc là một khái niệm tưởng chừng rõ ràng nhưng lại rất đỗi trừu tượng, bởi mỗi người có một quy chuẩn khác nhau về nó. Vậy nên có lẽ cũng đã đến lúc phụ nữ được sống hạnh phúc bằng chính những gì mình tự cảm nhận thấy, thay vì bằng ánh nhìn của người khác về cuộc đời mình.

“Hạnh phúc không phải là may mắn, mà là lựa chọn. Định mệnh của phụ nữ không phải là sinh ra đã khổ. Thái độ sống mới là thứ quyết định số phận!”



Tóm tắt bởi: Hoà Hương - Bookademy

Hình ảnh: Thu Trang

Xem thêm

Các bạn có cảm thấy yêu thương những người phụ nữ xung quanh cuộc đời của bạn không, là bà là mẹ là chị của mình đấy ạ. Tôi thì rất yêu thương mẹ , sau khi đọc xong cuốn sách này thì tôi lại càng thấy yêu thương, trân trọng mẹ của mình hơn nữa. "Làm phụ nữ không khổ tí nào" là một cuốn sách đầy cảm hứng và ý nghĩa, viết bởi tác giả Kim Oanh. Cuốn sách này không chỉ là một lời khích lệ cho phụ nữ mà còn là một lời nhắc nhở về sức mạnh và giá trị của chúng ta. Tác giả đã chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm cá nhân, từ đó truyền cảm hứng và khích lệ cho độc giả để tự tin và tự thể hiện. Cuốn sách tập trung vào việc khẳng định rằng phụ nữ không chỉ phải chịu khổ và đối mặt với những rào cản xã hội mà còn có thể tự thể hiện và đạt được thành công trong mọi lĩnh vực. Cuốn sách này mang đến một cái nhìn mới về nữ quyền và sự phát triển cá nhân. Tác giả đã khéo léo truyền đạt thông điệp rằng không có giới hạn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Bằng cách sử dụng những ví dụ cụ thể và lời khuyên cảm động, Kim Oanh đã tạo ra một cuốn sách động lực và gợi mở. Cuốn sách được viết với ngôn ngữ dễ hiểu và lôi cuốn, phù hợp với mọi độc giả. Tác giả đã sắp xếp nội dung một cách logic và có cấu trúc, giúp người đọc dễ dàng tiếp thu và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng mang đến những bài học quý giá về tình yêu, sự tự tin và sự đồng hành với nhau. Tóm lại, "Làm phụ nữ không khổ tí nào" là một cuốn sách đáng đọc và suy ngẫm. Tác giả Kim Oanh đã tạo ra một tác phẩm cảm hứng và khích lệ, khẳng định sức mạnh và giá trị của phụ nữ. 

Cuộc đời của mình đã từng chứng kiến rất nhiều người phụ nữ rất khổ. Họ khổ từ khi còn bé đến khi già rồi vẫn khổ. Câu nói "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà", đây là một câu nói mà tôi nhận thấy tại sao lại đổ hết lên người phụ nữ như vậy. Đàn ông thì sao? Có phải là phụ nữ không có sức mạnh, sự mạnh mẽ như đàn ông nên mọi điều sai trái đều bắt đầu từ người phụ nữ, do họ mà lại có chuyện đó xảy ra sao? Cuốn sách mà tôi muốn nói đến đây là một cuốn sách rất hay mà tôi nghĩ các bạn nên dành ít thời gian để đọc, hãy đọc một lần để biết được phụ nữ là những người khổ sở như thế nào. "Làm phụ nữ không khổ tí nào" là một cuốn sách đáng đọc và cảm nhận. Tác giả Kim Oanh đã đưa ra những quan điểm và suy ngẫm sâu sắc về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Cuốn sách không chỉ tập trung vào việc khẳng định sự quyền lực và giá trị của phụ nữ, mà còn truyền cảm hứng và khích lệ cho các độc giả để tự tin và tự thể hiện. Từ những câu chuyện và ví dụ cụ thể, tác giả đã tạo ra một cuốn sách đầy cảm xúc và ý nghĩa. Đọc sách này, tôi đã nhận thấy rằng phụ nữ không chỉ phải chịu khổ mà còn có thể sống thật với chính mình và đạt được thành công trong mọi lĩnh vực.

– Cuốn sách phá vỡ mọi định kiến yếu mềm về con gái
– Giúp phụ nữ chủ động, tự tin làm chủ cuộc đời mình
Làm phụ nữ, bạn có thể kiêu hãnh đi trên đôi giày cao gót, khoác lên người một chiếc váy xinh xắn thời thượng. Làm phụ nữ, bạn có thể biến hóa từ một cô nàng bánh bèo thành một cô nàng cá tính chỉ cần bạn muốn. Làm phụ nữ, bạn có thể bộc lộ cảm xúc theo cách mà bạn thấy thoải mái nhất mà không bị đè nén. Làm phụ nữ, bạn có thể sáng nắng chiều mưa trưa gió mùa là chuyện hết sức bình thường. Làm phụ nữ, bạn có thể biến những điều tưởng chừng không thể trở thành chân lý.
Với những đặc quyền chỉ dành riêng cho phụ nữ đã được cả thế giới công nhận ấy, bạn hoàn toàn có thể dùng nó để “xoay chuyển” thế giới theo cách riêng của mình. Từ đó thay vì mệt nhoài than thở “Làm phụ nữ sao khổ quá", làm phụ nữ – bạn hãy tận hưởng điều này như một đặc ân trời ban dành cho bản thân.
Vốn dĩ định mệnh của phụ nữ không phải là sinh ra đã khổ, sinh ra đã thiệt thòi, vất vả. Thế nên dù có trắc trở ra sao hãy cứ lạc quan mà mỉm cười nhắc nhở chính mình: “ Làm phụ nữ không khổ tí nào”.
Với “Làm phụ nữ không khổ tí nào” – cuốn sách này sẽ cho bạn cái nhìn rất khác biệt để trở thành người phụ nữ hạnh phúc, thay vì nói những điều bạn muốn nghe Kim Oanh sẽ nói cho bạn những điều bạn cần biết để hiểu được giá trị mà mỗi người phụ nữ nên có và duy trì trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ hiểu ra rằng: giá trị của bản thân mới là thứ quyết định cuộc sống của bạn.
“Làm phụ nữ không khổ tí nào” – bằng việc đưa ra những dẫn chứng ví dụ xác thực qua các nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học, bạn sẽ thấy rõ những lầm tưởng lâu này vẫn đóng rễ trong quan điểm của mình về việc phụ nữ thì nên thế này hay thế kia.
“Làm phụ nữ không khổ tí nào” – hãy đọc cuốn sách này để biết tiến cũng biết lùi, biết lúc nào nên tỏ ra yếu mềm và lúc nào nên mạnh mẽ, biết rằng mình cũng xứng đáng được trân trọng và yêu thương thay vì phải tỏ ra bất cần để thể hiện giá trị nữ quyền.
Bởi đã đến lúc phụ nữ cần bước ra từ những lề thói cũ, những định kiến và sự tự giới hạn về “phận hồng nhan” để chủ động làm chủ cuộc đời của mình!