“Kẻ nào đuổi theo loài hoa mộng ảo, sớm muộn cũng sẽ hủy hoại bản thân mình.”
Có khi nào chúng ta nghĩ rằng, những ảo tưởng do chính mình tạo ra sẽ đẩy chúng ta vào nguy hiểm không? Hoặc thậm chí, những thứ mà chúng ta theo đuổi liệu có thật không, hay đó chỉ là những thứ chúng ta tạo ra để làm hài lòng bản thân? Khi một bi kịch này dẫn đến bi kịch khác, có cách nào để có thể tránh được nó không?
Câu văn trên chính là lời dẫn ở phía sau cuốn sách. Chỉ một câu văn này thôi, có ai mà không cảm thấy rùng mình, nhưng cũng không kém phần hồi hộp chứ? “Hoa mộng ảo”, loài hoa khác lạ đầy ma mị, nhưng là khởi nguồn của chuỗi thảm kịch tưởng chừng như không bao giờ kết thúc, là thế lực chết người có thể khiến con người chao đảo vì nó.
Higashino Keigo là nhà văn trinh thám ăn khách không chỉ tại Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông sinh năm 1958 tại Osaka, Nhật Bản. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Điều kì diệu ở tiệm tạp hóa Namiya”, “Ảo dạ”, “Phía sau nghi can X”, “Bạch dạ hành”, “Bí mật của Naoko”... Các tác phẩm của ông chủ yếu thuộc thể loại trinh thám, đồng thời được lồng ghép với những yếu tố đa dạng như tình yêu, kiến thức khoa học… Quan trọng nhất, các tác phẩm của ông nhắc đến những bức xúc hàng ngày, những vấn đề xã hội mang tính thời sự một cách tinh tế, khéo léo. Bên cạnh đó, Higashino Keigo cũng gặt hái được rất nhiều thành tựu trong sự nghiệp của mình. Vào năm 1985, ông đạt giải Edogawa Rampo lần thứ 31 với tiểu thuyết “Giờ tan học”. Với tiểu thuyết “Bí mật của Naoko”, ông đã giành giải Mystery Writers of Japan Inc. Bên cạnh đó, giải thưởng Naoki lần thứ 134 được trao tặng cho ông với tác phẩm “Phía sau nghi can X” vào năm 2006. Với phong cách táo bạo, cốt truyện sáng tạo, không kém phần hấp dẫn, ai có thể ngờ một kỹ sư chế tạo máy như Higashino Keigo có thể tạo nên những tác phẩm văn học bí ẩn, cống hiến cho nền văn học nước nhà.
Hoa mộng ảo là tiểu thuyết trinh thám có chứa yếu tố kỳ ảo, được đăng liên tục trên tạp chí từ tháng 7 năm 2002 đến tháng 6 năm 2004. Sau đó, tới tháng 4 năm 2013 mới được Higashino Keigo chỉnh sửa, và viết lại thành tiểu thuyết hoàn chỉnh để xuất bản. Ông đã bổ sung thêm những tình tiết để nội dung của tác phẩm bám sát với tình hình thực tại, bao gồm cả chi tiết liên quan đến thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 11/03/2013 ở Nhật Bản.
Hoa mộng ảo mở đầu với hình ảnh một gia đình 3 người đầm ấm, với những khoảnh khắc đời thường. Họ cùng nhau đi tới ga tàu, người vợ cùng đứa trẻ tiễn người chồng đi làm. Nhưng họ đâu có ngờ rằng khoảnh khắc đi tới ga tàu đó lại là khoảnh khắc định mệnh, mang người chồng rời xa gia đình nhỏ của anh vĩnh viễn. Người chồng cảnh sát đó bị sát hại ngay trước sự chứng kiến của vợ và con của mình, trong khi người vợ cũng bị tấn công. Ngay sau đó, một câu chuyện khác mở ra. Đó là câu chuyện về một gia đình có truyền thống đi ăn lươn vào dịp lễ Thất tịch hằng năm. Ngoài việc ăn lươn, họ còn đi hội phố hoa khiên ngưu. Tại lễ Thất tịch năm đó, cậu con trai út tên Sota của gia đình ấy đã gặp gỡ cô bé Takami và hai người trở nên rất thân thiết với nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian, Takami bất ngờ dừng liên lạc với Sota, rồi dần dần biến mất. Từ đó, Sota tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ tới phố hoa khiên ngưu kể từ năm sau. Đó mới chỉ là phần mở đầu. Nội dung chính của Hoa mộng ảo xoay quanh nhân vật Rino cùng vụ án chàng trai tuổi đôi mươi Naoto - người họ hàng xa của Rino - sắp đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật bỗng chốc tự sát bằng cách nhảy qua cửa sổ. Sau đó, Rino tiếp tục chứng kiến vụ án ông nội của mình bị sát hại ngay tại nhà riêng.
Tất cả những bi kịch này đều xoay quanh một thứ duy nhất, chính là “hoa mộng ảo”. Tất cả những người liên quan đến những bi kịch đó, dù đóng vai trò như thế nào, đều không thể tránh khỏi “hoa mộng ảo”. Manh mối duy nhất trong vụ án của ông nội Rino chính là “loài hoa màu vàng”. Trong truyện, loài hoa có màu vàng vô cùng đặc trưng đó có tên gọi là “hoa khiên ngưu”. Tác giả Higashino Keigo chắc hẳn đã tạo ra “hoa mộng ảo” với ý nghĩa rằng loài hoa đó tạo nên ảo giác, nhưng đồng thời ám chỉ đến loài hoa khiên ngưu vàng đã gần như tuyệt chủng. Phải chăng, nếu cứ đuổi theo loài hoa màu vàng không tên này, chẳng phải sẽ không tìm được gì sao? Những nhân vật trong truyện cứ đuổi theo loài hoa bí ẩn ấy, nhưng mãi mà không tìm ra được gì. Loài hoa màu vàng đó, không phải hoa khiên ngưu, cũng không thể là loài hoa nào khác. Phải chăng, chỉ cần có liên quan tới loài hoa ấy, thì sẽ không thể tránh khỏi bi kịch sao? Chỉ cần nghĩ đến việc này thôi, cũng đủ thấy rùng mình.
Loài hoa mộng ảo - hoa khiên ngưu vàng này có liên quan sâu sắc đến những sự việc được nhắc đến trong cuốn sách. Từ gia đình có truyền thống làm cảnh sát có cậu con trai út cá biệt, một gia đình có truyền thống làm bác sĩ đã loại bỏ di sản mà chính họ cho là có ảnh hưởng không tốt tới họ chỉ vì trách nhiệm và chấp niệm cá nhân, cho đến Rino - cô gái chạy trốn khỏi vinh quang trong quá khứ và cuộc sống ở hiện tại - đánh mất người thân, tất cả đều có sự liên quan của loài hoa kỳ lạ ấy. Vụ án này được lồng ghép với vụ án khác, bí ẩn này nối tiếp bí ẩn kia. Trong quá trình điều tra, ngay cả nhân vật Rino cũng có một câu thoại với Sota như tóm gọn tất cả cảm xúc trong hành trình đi tìm sự thật này: “Hai chúng ta giống nhau thật. Dù chúng ta cố hết sức đi theo con đường mà mình tin tưởng nhưng rồi chẳng biết tự khi nào lại trở thành những đứa trẻ lạc lối.” Rõ ràng, đây không chỉ đơn thuần là hành trình đi tìm sự thật đằng sau các vụ án, mà còn là hành trình đi tìm chính bản thân mình của các nhân vật.
Cảm nhận cá nhân
Là một người đã đọc nhiều tác phẩm của Higashino Keigo, tôi luôn mong chờ mỗi tác phẩm sẽ đem đến những bất ngờ khác nhau cho mình. Tôi tình cờ tìm được Hoa mộng ảo, bị thu hút bởi cái tên hoa mộng ảo và đóa hoa màu vàng rực rỡ trên bìa sách. Ngay chính cái tên Hoa mộng ảo cũng khiến ai lướt qua cũng phải dành ra thời gian suy ngẫm, và lời dẫn trên bìa sách cũng khiến người đọc thật ấn tượng. Vậy thì phần cốt lõi thì sao?
Ấn tượng ban đầu với Hoa mộng ảo thực sự rất lôi cuốn, chỉ với tên sách cùng lời dẫn có thể khiến cho tôi thực sự bị cuốn vào hành trình đi tìm loài hoa ấy. Mỗi cuốn sách của bác Keigo đều là một hành trình đi tìm sự thật, bóc trần những vấn đề nhức nhối của xã hội. Đó là sự hài hòa khi lồng ghép hai yếu tố: trinh thám và xã hội. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết “Sự cứu rỗi của thánh nữ”, trong quá trình điều tra nguyên nhân cái chết của người chồng, các nhân vật trong truyện lần ra những manh mối về việc người đàn ông đó đã ngoại tình khi hôn nhân không hạnh phúc. Ngoại tình luôn là vấn đề gây tranh cãi trong xã hội, dù hành vi này xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào. Tương tự như vậy, khác với những tác phẩm khác, Hoa mộng ảo chủ yếu tập trung vào những mối quan hệ trong gia đình, truyền thống lâu đời và khi những mong muốn của những thành viên trong gia đình không giống như truyền thống đã có từ lâu. Với biệt tài của mình, Higashino đã khéo léo đưa những vấn đề đó vào các chi tiết trinh thám. Trên thực tế, những vấn đề xã hội đều xuất phát từ những bất cập, mâu thuẫn trong hệ tư tưởng của các cá nhân, để rồi để lại những hậu quả lâu dài, khó có thể sửa chữa. Trong Hoa mộng ảo cũng vậy, những vấn đề xã hội được nhắc đến đã dẫn đến những thảm kịch, đánh đổi bằng mạng người.
Higashino Keigo là nhà văn được biết đến với biệt tài xâu chuỗi những sự việc trong câu chuyện của mình. Trong các tác phẩm của ông, từng câu từng chữ đều mang những ý nghĩa nhất định. Khi đọc sách của ông, không thể cứ thế mà bỏ qua bất cứ phần nào, vì chúng đều được gắn với nhau bằng những mắt xích quan trọng. Trong Hoa mộng ảo, hai vụ án chính cách nhau 50 năm, nhưng đều có điểm chung là liên quan đến “loài hoa màu vàng kỳ lạ” cũng như những người có liên quan. Tất cả những vụ án trong truyện tưởng chừng như rời rạc lại liên quan mạnh mẽ đến vậy. Vụ án này sinh ra vụ án khác. Ông chắc hẳn cố ý sắp xếp những vụ án như vậy trên cùng một mạch truyện, buộc người đọc phải tham gia vào quá trình bóc trần sự thật cùng với những nhân vật của mình. Cách kể chuyện của ông rất lôi cuốn, ngôn từ đơn giản, nên việc theo dõi cốt truyện đối với độc giả không hề khó khăn. Xét về câu chuyện của Hoa mộng ảo, phần yếu tố xã hội được diễn tả sâu sắc, đôi khi chưa được cân bằng với phần trinh thám. Các nhân vật khá giống nhau về tâm lý, hoàn cảnh, nhưng để độc giả nhớ đến từng nhân vật, có lẽ sự khác biệt này chưa thể thỏa mãn điều kiện này. Ở yếu tổ trinh thám, mạch truyện của Hoa mộng ảo khá trầm ổn, không có nhiều những tình tiết kịch tính, gay cấn như những tác phẩm khác. Mạch truyện này có lẽ đòi hỏi ở người đọc sự kiên nhẫn, suy ngẫm về cách xâu chuỗi các chi tiết trong truyện. Phải chăng các chi tiết chưa được khai thác đủ sâu?
Khi đọc truyện của tác giả Keigo, những bất ngờ không chỉ nằm ở sự thật của vụ án, mà còn ở những câu chuyện phía sau. Đó có thể là sự thật hiển nhiên, có thể đoán ra từ đầu, nhưng cũng có thể là những bí mật gây chấn động. Cuối cùng, người đọc được khai sáng về ý nghĩa của loài hoa mang tên “mộng ảo”. Loài hoa được đặt tên như vậy, bởi lẽ bản thân nó có thể khiến cho người nào tiếp xúc với nó những tác dụng “mộng ảo”. Bản thân tên của nó đã nói lên tất cả. Đây là điều khá dễ đoán ngay từ đầu, từ lời dẫn đầu truyện. Đó cũng là “lời nguyền” xâu chuỗi những chi tiết trong truyện. Dẫu biết rằng loài hoa này có cái tên thật bí ẩn, tôi vẫn luôn mong chờ sự diễn giải của tác giả về một ý nghĩa nào đó sâu sắc hơn. Và bất ngờ sau cùng nằm ở những câu chuyện bên lề. Những cái kết do tác giả tạo nên vừa có kết quả xác định, cụ thể, vừa là cái kết mở để người đọc suy ngẫm. Khi đọc Hoa mộng ảo, tôi thực sự mong chờ cái kết sâu sắc hơn. Phần kết khá dễ đoán, và những ý nghĩa của nó đều nằm rải rác xuyên suốt phía trước.
Suy cho cùng, Hoa mộng ảo là tác phẩm có thể chưa thỏa mãn người đọc về mặt trinh thám, hay chưa thể đạt đến những kỳ vọng về một tác phẩm trinh thám. Tuy nhiên, tác giả Higashino Keigo đã thành công giữ vững phong cách, tài năng của mình xuyên suốt câu chuyện. Luận về giá trị nhân văn mà ông mong muốn truyền tải thông qua câu chuyện của mình, đó là những thông điệp ý nghĩa. Bài học đầu tiên mà ai cũng có thể rút ra là những câu chuyện về gia đình. Truyền thống, những mối quan hệ, hệ tư tưởng… của mỗi người trong gia đình đều có sự ràng buộc với nhau, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Bên cạnh đó là một chủ đề cũng không kém phần nhức nhối, đó là trách nhiệm trong gia đình. Thế nào là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ? Thế nào mới là yêu thương con cái đúng cách? Thế nào mới là có hiếu với cha mẹ? Phải chăng tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái chính là đặt kỳ vọng lên những đứa con của mình, để rồi khi chúng làm khác đi, lại thất vọng trăm bề không?
Trong truyện không có nhiều chi tiết về việc này, tác giả cũng không đi sâu nhưng dù sao, những vấn đề này cũng góp phần làm nên cá tính của những nhân vật trong truyện. Ngoài ra, có một vấn đề không thể bỏ qua, đó là mục đích của khoa học. Khoa học sinh ra là để phục vụ cuộc sống, phục vụ con người, giảm bớt áp lực, khó khăn của cuộc sống. Khoa học đang được ngày càng đơn giản hóa để ai cũng có thể tiếp cận nó. Bản chất của khoa học không xấu, nhưng qua tay người nào muốn dùng nó với mục đích không thiện chí, thì lúc này bản chất của khoa học sẽ bị biến đổi theo hướng tiêu cực. Khoa học được sinh ra để phục vụ cuộc sống, nên những lợi ích thu được từ nó không nên được đánh đổi bằng mạng người. Sự ràng buộc giữa khoa học và đời sống vật chất không thể nào chối bỏ. Nếu không có đủ điều kiện về tài chính, khoa học cũng chỉ là một giấc mơ hão huyền, không bao giờ có thể chạm tới.
Đối với tôi, còn một chủ đề khác trong truyện đáng được quan tâm, dù không nổi bật bằng những chủ đề trên. Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật khiến tôi có ấn tượng nhất chính là Akiyama Rino - cô gái đánh rơi vinh quang trước mắt. Nhân vật này để lại cho tôi sự tiếc nuối khôn nguôi, bởi lẽ đây là người có tài năng thiên bẩm, mang niềm hi vọng có thể bước ra đấu trường quốc tế môn bơi lội nhưng cơ hội này sụp đổ ngay trước mắt cô vì tâm lý bất ổn của bản thân. Cô ấy sợ quá khứ, sợ nước, sợ mọi người bàn tán, và cô ấy chạy trốn.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu cô ấy chỉ là căng thẳng, hay do cô ấy thực sự không đủ năng lực nên mới bỏ chạy? Cô ấy có thực sự “giỏi” hay không? “Tài năng” là thứ trời cho, nhưng để biến tài năng thành “giỏi” thì phải trải qua quá trình khổ luyện lâu dài. Những người có tài năng thiên bẩm vốn sinh ra đã khác biệt, nên vô hình chung, trên đôi vai của họ đã có sẵn những áp lực không chỉ từ những người biết đến tài năng ấy, mà còn từ chính bản thân họ. Phải chăng những tài năng thiên bẩm luôn cố gắng để “khác biệt”, “hơn người”? Nếu như có tài năng mà không giỏi bằng người khác, phải chăng cái họ sợ chính là điều này? Có lẽ, những người có tài năng thiên bẩm không chỉ cần nỗ lực rèn luyện, nâng cao bản thân, mà còn phải rèn luyện bản lĩnh của mình. Con người cần so sánh bản thân với quá trình mình đã trải qua, không phải so với quá trình của người khác, bởi mỗi người mang trong mình những khả năng, mục đích, và kỳ vọng khác nhau.
Cuối cùng, Hoa mộng ảo đã để lại những gì trong lòng người đọc? Tạm bỏ qua yếu tố trinh thám qua một bên, những thông điệp mang tính nhân văn, nếu được suy ngẫm lâu dài, có thể khiến người đọc lay động, tiếp tục hành trình tìm kiếm sự thật cùng các nhân vật cũng như đồng hành cùng tác giả trên những hành trình khác nữa.
Tóm tắt bởi: Quỳnh Trang - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Hoa mộng ảo – khiên ngưu vàng, loài hoa từng nở rộ trong lịch sử rồi dần biến mất trong đời sống. Loài hoa “ma quỷ” đưa người ta tiến gần hơn tới “mộng ảo”, nhưng cũng hủy hoại con người mãi chìm đắm vào “ảo mộng”. Hoa khiên ngưu vàng, một loài hoa có thật, nhưng ở tiểu thuyết Hoa mộng ảo, loài hoa này còn mang thêm giá trị biểu tượng khác.
Biểu tượng cho “tâm ma” của con người sinh ra từ lòng tự ti, ganh ghét, đố kỵ, từ ước mơ vượt quá tầm với mà hóa thành ảo vọng… khiến người ta không từ thủ đoạn để đạt mục đích. Khiên ngưu vàng nếu được sử dụng hợp lý, dược tính của loài hoa này sẽ rất hữu ích trong y học. Nhưng nếu gắn liền với “tâm ma” con người, khiên ngưu vàng lại trở thành loài hoa “ma quỷ” mê hoặc lòng người. Hoa mộng ảo, như thực như hư, như tượng trưng cho chính cuồng vọng ẩn sâu trong góc khuất tăm tối trái tim mỗi người.
Vì thế lời nguyền hoa mộng ảo: “Kẻ nào theo đuổi loài hoa mộng ảo, sớm muộn cũng sẽ hủy hoại bản thân mình”, sẽ còn ứng nghiệm ở hiện tại, dù khiên ngưu vàng có tuyệt chủng. Bởi trong lòng đã sẵn “tâm ma”, đã chìm sâu vào ảo mộng, thì dù không có chất dẫn khiên ngưu vàng, kẻ đó cũng sẽ tự hủy hoại trong chính mộng ảo hắn xây dựng lên.