Bởi vậy mà nhà văn cũng đề cập cho độc giả về những mặt lợi ích khi áp dụng các phương pháp khác nhau cho những nhóm đối tượng khách hàng được phân định rõ như vậy là một đề xuất tuyệt vời cho những người làm kinh doanh nói chung và bộ phận tư vấn, chăm sóc khách hàng nói riêng. Không dừng lại ở đó, với sự nghiên cứu tỉ mỉ trong hành vi con người thuộc mảng Tâm lý học thì giáo sư Adam còn có đem đến nhiều gợi ý mang tính xây dựng cũng như giai thoại của ông để áp dụng và vận hành trong lĩnh vực Khoa học khác.
Ở một khía cạnh khác, với một người trẻ như tôi hiện tại, việc “Cho và Nhận” là những định nghĩa rất khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên từ bé, tôi được được dạy rằng mình không quá giàu để lúc nào cũng có đủ khả năng và nguồn lực để giúp đỡ người khác. Cơ mà cũng không phải là nghèo để lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào người khác chờ đợi sự ban phát hay hỗ trợ. Chúng ta muốn thứ gì, phải chính bản thân chủ động, nỗ lực để đạt lấy, đó mới là thứ thực sự thuộc về mình. Còn khi cho đi, với tâm thế để người được nhận vui vẻ vượt qua sự khó khăn, thiếu thốn của hiện tại thì tôi không có nghĩ quá nhiều là họ phải trả lại mình bằng cách này hay cách khác.
Adam Grant là giáo sư trẻ nhất tại Wharton, đồng thời được công nhận là giáo sư có thành tích ấn tượng nhất tại ngôi trường nổi tiếng này. Anh được Business Week bình chọn là một trong những giáo sư tiêu biểu nhất và cũng là một trong 40 giáo sư trẻ dưới 40 tuổi xuất sắc nhất thế giới. Vốn đa tài, anh là cựu giám đốc quảng cáo, cựu vận động viên nhảy cầu chuyên nghiệp và còn là một ảo thuật gia xuất sắc.
Adam đã xuất sắc hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý tại Đại học Michigan trước thời hạn ba năm, tốt nghiệp Đại học Harvard với thành tích ấn tượng, nhận được bằng khen của Phi Beta Kappa. Ngoài ra, anh còn được tôn vinh là Giảng viên Xuất sắc ở các khóa học tổ chức tại các tổ chức danh tiếng như Google, the NFL, Merck, Pixar, Goldman Sachs, Facebook, Microsoft, Apple, Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Bộ Quốc phòng Mỹ, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ. Anh đã đóng góp một số ý tưởng cho The Apprentice, từ đó giúp các sinh viên huy động được một nguồn quỹ hơn 175.000 đô-la để thành lập Make–A–Wish Foundation nhằm phát triển các kỹ năng lãnh đạo, hợp tác, làm việc nhóm và xây dựng mối quan hệ.
Dữ liệu từ các nghiên cứu của Adam xuất hiện trong hàng loạt đầu sách bán chạy cũng như trên các phương tiện truyền thông như Today Show và New York Times. Ngoài ra, Adam còn có hơn 60 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành tâm lý và quản trị uy tín. Năm 2011, Adam nhận được ba giải thưởng danh giá từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, Học viện Quản trị, và Hội Công nghiệp và Tâm lý tổ chức.
Đôi nét về cuốn sách
“Give and take - Cho và nhận” là một cuốn sách thực sự có ấn tượng rất mạnh với mình, khiến bản thân phải suy ngẫm và đánh giá lại khái niệm “Cho đi” và “Nhận lại” chưa hoàn chỉnh của mình. Đây cũng có lẽ là lý do khiến hầu hết độc giả có phản ứng cực kì tích cực với nó. Từ đó mà làm nên sự đặc biệt cũng như điểm nhất trong chính sự nghiệp viết lách của tác giả.
Từ những trải nghiệm giảng dạy, tiếp xúc với nhiều nhóm đối tượng khác nhau từ sinh viên đến các ngành nghề khác với tư cách là giáo sư giảng dạy trẻ nhất của ngôi trường là niềm ao ước của bao người Wharton, ông đã có những nhận định liên quan đến những phong cách suy nghĩ dẫn đến cách hành xử và biểu hiện ra bên ngoài.
Cuốn sách này có thể được xem là một bài tiểu luận nghiên cứu sâu về tâm lý học hành vi của con người. Chính vì vậy mà tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá rất cao, kể cả những giáo sư lớn tuổi khó tính như Tony Hsieh, Dan Ariely, Susan Cain, Robert Cialdini,... Không những vậy còn có sự công nhận của những nhà điều hành các tập đoàn nổi tiếng khắp thế giới là Google, McKinsey, Merck, Estée Lauder, Nike, thậm chí vinh dự nhất là được NASA có những nhận xét cực kỳ tốt. “Give and Take” chính là cuốn bí kíp mang lại cho chúng ta những phương pháp hiệu quả nhất về đối nhân xử thế hay hành xử trong nhiều tình huống để thấu tình đạt lý nhất. Từ đó mà không chỉ thay đổi cá nhân mà còn có tác động tích cực đến những người xung quanh, đến cộng đồng.
Phần đầu tiên của cuốn sách phác thảo các nguyên tắc thành công của hầu hết chúng ta và giải thích lý do tại sao và làm thế nào - phương thức để họ đạt đến bước cuối cùng của nấc thang thành công ấy. Thêm vào đó, tác giả cũng giới thiệu các phương pháp độc đáo mà những người này sử dụng, kết hợp bốn yếu tố chính: mạng lưới quan hệ, sự hợp tác, cách xác định giá trị và lan tỏa ảnh hưởng.
Phần kế tiếp của cuốn sách này đưa ra những lập luận, dẫn chứng về những điều nhận được và đánh mất đi của việc lựa chọn thái độ, hành vi ứng xử với người khác cũng như cách cân bằng chúng. Một sự thật khéo léo mà bạn có thể không nhận ra đó chính là những người giáo viên thường lựa chọn giảm thiểu đến mức tối đa áp lực dồn nén của bản thân bằng phương thức cho đi hơn là giữ lại hoặc che dấu nó. Với cách tương tự, những người kiếm được nhiều tiền cũng có xu hướng cho đi ở mảng vật chất để tìm cho mình những bình yên nơi tâm hồn.
Cảm nhận cá nhân về cuốn sách
Trước đây, khi còn chưa có được góc nhìn rộng và khách quan hơn như hiện tại, tôi là người thực sự rất để ý những thứ mình nhận được và cho đi, cả những tích cực và tiêu cực xung quanh. Nhất là khi còn là một người bi quan và luôn nhìn nhận mọi thứ với con mắt xám xịt. Thời điểm đó, tôi cứ dựng hết tất cả phòng thủ của bản thân lên như một con nhím xù lông với những gì gây ra sự nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của mình. Khoảng thời gian đó thực sự rất mệt mỏi và đầu óc lúc nào cũng quay mòng mòng bởi những lời lẽ không tốt của người khác về mình. Tuy nhiên, đến hiện tại tôi mới hiểu ra, sự an toàn hay yên bình nằm trong chính nội tâm của mình. Một người kiên định với tín ngưỡng của mình, có một ước mơ để theo đuổi, có một gia đình để chăm sóc, có những người bạn để phát triển, trong tim có người để yêu thương thì những khó khăn hay những thứ không hay từ miệng của người khác cũng chỉ là hòn đá ven đường, đặc điểm của nó là chẳng liên quan đến cuộc đời và tâm trạng của chúng ta được nữa.
Quay lại vấn đề ban đầu của cuốn sách đặt ra “Cho đi như thế nào mới đúng, nhận lại bao nhiêu là đủ?”. Hãy xoay lăng kính về chuyện tình cảm một chút. Ta sẽ nhận ra là, không một ai có thể đồng hành với ta từ khi cất tiếng khóc chào đời tới khi nhắm mắt tạm biệt và chìm vào giấc ngủ sâu mãi mãi chính là bản thân mình thôi. Đừng quá xem trọng hay đặt kỳ vọng quá nhiều về người khác, mong mỏi được nhận lại từ bất kỳ ai điều mà mình ao ước hoặc suy nghĩ về kết quả đó. Thay vào đó hãy yêu thương bản thân mình thật nhiều đến mức bạn luôn mỉm cười và thấy nhẹ nhõm trước khi đi ngủ, có gu thời trang hợp và chính mình soi gương thấy xinh đẹp nhất, một làm da được chăm sóc cẩn thận và một chế độ ăn khoa học nhé. Bên cạnh đó cũng đừng quên tưới cho mảnh vườn tâm hồn của mình nước để luôn tươi tốt mỗi ngày, để nó được tắm dưới ánh nắng ấm áp. Khi bạn yêu bản thân mình, biết giá trị mình ở đâu thì năng lượng ấy không chỉ lan tỏa ra xung quanh mà còn giúp những người nhận được điều đó cảm thấy thoải mái khi bên cạnh hay trò chuyện với bạn nữa đó.
Không những vậy mà qua cuốn sách tôi cũng hiểu khi chúng ta cho đi cũng chính là khi được nhận lại. Người nhận không còn đơn thuần đưa tay ra và nhận lấy mà ngay cả người cầm món quà đó cho đi cũng nên biết biết ơn người nhận, biết ơn họ đã cho phép mình được san sẻ yêu thương, cho phép mình quan tâm chăm sóc hay cho phép mình làm điều mình thực sự muốn làm. Đơn giản như khi chúng ta yêu nhau. Hãy nhìn sự khác biệt giữa yêu đơn phương và yêu từ phía hai người. Một người theo đuổi bạn, luôn mua đồ ăn sáng và đứng ở cổng chờ để chở bạn đi học. Nếu là người bạn yêu thì thực sự là sự ấm áp và hạnh phúc tuy nhỏ bé nhưng cực kì đáng trân trọng. Ở mặt khác của vấn đề, khi người đó là người đeo đuổi bạn, bạn thấy phiền và không muốn dây dưa nữa nhưng cứ cố chấp như vậy thì có vẻ nó là sự mệt mỏi cho cả bạn và người đó. Thực sự chỉ là một tình cảm nhưng phụ thuộc vào người nhận nữa có phải không?
“Của cho không bằng cách cho”. Đây cũng là một bài học rất đáng được truyền tải nhiều hơn ở thời điểm hiện tại, khi mà ai cũng bận rộn và muốn hoàn thiện công việc theo cách tiết kiệm thời gian nhất. Như bạn có thể thấy trên Tik Tok dạo gần đây đang tẩy chay hiện tượng Nờ Ô Nô khi có thái độ, hành vi và lời nói lỗ mãng, thiếu tôn trọng người lớn tuổi khi thực hiện phát cơm cho họ. Rõ ràng giúp đỡ người khác là điều cực kì tích cực, tốt đẹp và đáng được khen ngợi. Tuy nhiên cách anh ta thực hiện nó lại khiến cộng đồng mạng phẫn nộ và thậm chí còn bị kênh truyền hình quốc gia VTV phản ánh về hành vi sai trái này của mình. Tặng người ta một phần ăn nhưng lại mở miệng nói những lời lẽ như xúc phạm như vậy thì rốt cuộc giá trị ở đây chẳng còn gì, chẳng phải là giúp đỡ người khác nữa rồi. Chúng ta có quyền lựa chọn cách cho, cách thể hiện khác để bớt nhàm chán hoặc giúp người nhận đỡ cảm giác được ban phát ân huệ. Tuy nhiên nó phải khiến không chỉ người cho mà còn cả kẻ nhận thấy vui vẻ và được tôn trọng, được kết nối.
Bởi vậy cũng chính là lý do tại sao cùng định hướng là giúp người nghèo những bữa ăn ngon thì content của bạn Quan Không Gờ lại được hưởng ứng và ủng hộ như vậy. Thậm chí chính bản thân tôi khi xem cũng phải rưng rưng xúc động. Các bạn ấy quan tâm, hỏi han những người đó, cách bạn lựa chọn món đồ ăn tinh tế từng chút một như vậy. Đúng là một phong trào, một người dẫn đầu cách sống thực sự rất xứng đáng để nhiều người trong chúng ta học hỏi và đồng thời thay đổi cách thức chúng ta hành động để ngày càng tốt hơn nữa.
Một câu nói rất hay mà tôi cực kì tâm đắc là “Đừng vì thế giới này không dịu dàng với bạn mà bạn lựa chọn không còn dịu dàng với những người khác”. Thực sự khi tôi thay đổi cách suy nghĩ theo định hướng này, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng rất nhiều.
Thật ra không chỉ riêng tôi có vấn đề của mình, tôi không hoàn hảo, mặc cảm, tự ti, bị đem ra để trêu ghẹo hay bàn tán mà hầu như ai cũng có vấn đề của riêng mình. Nhưng việc tôi chọn làm bây giờ không phải để ý những thứ méo mó, xấu xí đó để tổn thương hơn nữa mà là mặc kệ những điều xấu xa tự vùi dập lẫn nhau. Hãy cứ yêu thương, mỉm cười và hướng về tương lai với tham vọng của mình, với những người mình ngưỡng mộ và trân trọng. Cuộc đời này nói ngắn không ngắn, bảo dài lại không quá dài. Nó là hành trình của sự yêu thương và sự trưởng thành của những cảm xúc, những trải nghiệm và cũng là nhiều hơn những hành trình mà bạn tự bản thân đưa mình tới vùng đất mới, khám phá xung quanh cũng như khai phá chính bản thân.
Lời kết
“Give and take - Cho và nhận” của tác giả Adam Grant là một cuốn sách tôi cực kì recommended cho các độc giả nên tự mình đọc và cảm nhận. Chính bản thân tôi cũng đã có rất nhiều thay đổi trong cả suy nghĩ, cách nhìn nhận cũng như hành động sau khi đọc nó. Dù là tình cảm hay vật chất, đừng chỉ cho đi vì thấy người khác cần điều đó, vì tiện tay, vì thấy nhiều người cũng làm vậy. Hãy cho đi vì chính cách cho và người nhận của bạn khiến bạn vui vẻ, cực kỳ vừa lòng hoặc là thậm chí hạnh phúc khi được cho đi như thế. Thực ra trước đây tôi từng nghĩ, cứ cho đi hết tất cả những gì mình có thì sẽ nhận lại những gì mà mình mong đợi. Thực ra lúc đó rất tham lam, tôi luôn cố làm những thứ khiến mình mệt mỏi để quan tâm người kia hơn, khiến họ biết bản thân tôi tốt như nào. Nhưng lại vô tình lờ đi sự khó xử trong ánh mắt ấy. Vốn dĩ như vậy đã không phải cách cho đúng rồi. Tôi nên dành cho người ta thứ tình cảm mà khiến người ta thoải mái nhất, tình yêu là ràng buộc, cũng là tự do, là trách nhiệm cũng là buông lỏng. Vậy nên, từ khi tôi nhìn nhận ra được thì dù trong lòng có mong muốn quá nhiều cũng không còn đặt kỳ vọng quá nhiều nữa, vốn dĩ bản thân tôi đang rèn luyện hằng ngày để hướng đến những thành tựu trong tương lai. Thay vì kỳ vọng ở người khác, đặt quá nhiều, phụ thuộc tình cảm, tâm trí vào một người hay làm mình buồn, khiến mình phải suy nghĩ nhiều thì tôi học cách tập trung vào mình, yêu mình nhiều hơn, lắng nghe xem tôi muốn điều gì, tôi thích cảm nhận thế giới này thế nào. Vì đôi khi quá đặt tâm tư vào một người khiến mình mất cân bằng với những mối quan hệ thân thiết khác như gia đình hay bạn bè. Bố mẹ ngày một già hơn rồi, thời gian của họ cũng bởi vậy mà bên chúng ta không nhiều nữa, quay lại, gọi điện hỏi han, về quê thăm họ. nấu cho họ những bữa ăn ấm áp. Bạn bè ai cũng ngày một bận rộn với học tập và làm việc, càng khó sắp xếp được thời gian và địa điểm để gặp gỡ. Vậy nên càng phải biết cách kết nối với họ, bởi suy cho cùng, bạn thân là người mà tôi tin tưởng và thoải mái bộc lộ cảm xúc và con người thật của mình nhất. Thực sự khi hiểu ra điều này, không có lý do gì để thiên vị cho người kia hơn nữa. Thực sự cho đi và nhận lại cũng đơn giản như thế.
Thân ái.
Tóm tắt bởi: Ngọc Anh
Hình ảnh: Ngọc Anh - Bookademy
"Give and Take" của Adam Grant là một cuốn sách về tâm lý, đưa ra một luận điểm rất thú vị. Trong sách, Adam nói rằng con người về mặt tâm lý có thể chia ra ba loại: taker (kiểu người thường mong muốn lấy được nhiều hơn cho), matcher (kiểu người có qua có lại cho toại lòng nhau) và giver (kiểu người thường cho nhiều hơn nhận, khi cho thì không kì vọng gì nhận lại). Cái chúng ta thường thấy là những giver thường bị xem là những loser (kẻ thua cuộc) vì cho nhiều quá, hay còn gọi là "khờ quá", ví dụ những người làm công tác xã hội chẳng hạn, lương thì thấp công việc thì vất vả, lại phải gặp nhiều đối tượng nghèo khổ, cuộc sống không có giàu có, đầy đủ gì...Tuy nhiên, thực tế thì những giver lại là những người có chất lượng cuộc sống tốt nhất, nói theo quan điểm Á Đông thì là "cảm thấy thanh thản nhất trong tâm hồn". Khi cho đi mà không tính toán nhận lại, bạn thường là còn nhận được nhiều hơn, nhất là về những mối quan hệ, những kết nối hỗ trợ lâu dài và có giá trị hơn tiền bạc, địa vị nữa. Sách đưa ra rất nhiều trường hợp thú vị, đúng với rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, kể cả kinh doanh, buôn bán, những nghề mà ai cũng nghĩ phải rất bon chen mới thành công được.
Giver cũng có nhiều kiểu, selfless giver là kiểu cho hết, cho tất cả những gì mình có và rất dễ bị lợi dụng. Otherish giver là kiểu cho thông minh, tức là cho đi nhưng phải phù hợp với sở thích, hoàn cảnh thời gian của bản thân, tức là phải thương mình nữa, cho đi nhưng phải coi đứa được cho là ai, nếu nó thủ đoạn quá hoặc lười biếng quá thì cần điều chỉnh mình cho phù hợp, cho đi cũng phải có chiến lược, biết cách cho nào là phù hợp và hiệu quả nhất cho kết quả chung. Làm người tốt cũng cần thông minh nữa, khó lắm chứ đâu dễ gì.
Vậy còn nếu mình muốn trở thành một giver thông minh thì phải làm sao? Mình thấy có hai yếu tố quan trọng sau: học cách lắng nghe, bạn không thể cho đúng và cho phù hợp khi mà bạn không hiểu người khác đang cần gì, muốn gì; học cách giúp người khác và mình cùng thành công và pay it forward (nếu được cái gì thì chia sẻ tiếp đến những người khác), đừng để nỗi sợ hãi người kia sẽ vượt mặt mình đạp mình xuống đè nặng trong lòng, giúp nhau thường là sẽ đi xa hơn và thành công hơn, hay ít nhất trong lòng mình cũng thấy dễ chịu nhẹ nhàng.
Sách rất chất lượng, nhiều lắm mình không thể kể hết được. Bản thân mình khi đọc thấy rất vui, mình thấy thật biết ơn cuộc đời vì đã cho mình cơ hội được gặp rất nhiều givers trong đời, chỉ là họ chưa được gọi tên như thế thôi.