Ồ tại sao lại là một con thỏ chứ nhỉ? Chẳng ai lại muốn biết
về thỏ. Người ta muốn đọc những câu chuyện về những con chó trung thành như
Hachiko, những con mèo tinh ranh mà nhân tính như Zorba của Luis Sepúlveda, hoặc
quá lắm thì người ta thích nghe chuyện về một con chim sẻ, hay bồ câu, hay loài
gì gần gũi với con người ấy, những loài mang lại sự đồng cảm nhiều hơn cho họ. Thỏ
thì không, nhiều người cũng nuôi thỏ, nhưng những con thỏ qua lớp kính của tiệm
bán thú cưng thì khác với những con nhảy vun vút ngoài tự nhiên.
Richard Adams có thể viết được gì từ cái loài mà đứng hàng
đáy chuỗi thức ăn?
Richard Adams thế mà lại viết được rất gì và này nọ từ cái
loài đứng hàng đáy đấy nhé.
Trước tiên là nghệ thuật nhân hóa. Khoan nói về ý nghĩa nhân
sinh của câu chuyện, tôi cũng đọc qua nhiều loại sách nhân hóa động vật rồi,
nhưng Đồi Thỏ thì có gì đó khác lắm, vượt bậc hơn, cầu toàn hơn. Dĩ nhiên rồi,
gần 500 trang sách lận cơ mà! Tác giả làm gì trong 500 trang sách đó chứ?
Câu trả lời chính là, Richard Adams xây dựng hẳn cả một xã hội
loài thỏ ở đây. Chắc chắn là không có con thỏ nào nói tiếng người rồi (tôi đùa
thôi), nhưng chúng cũng giao tiếp với nhau, như con người vậy, chúng cũng có bầy
đàn và thứ tự, chúng cũng chia công việc và san nhau bữa tối. Thế giới trong Đồi
Thỏ như một xã hội loài người thu nhỏ, có kẻ đứng đầu, có người theo sau, có những
tập thể sống và làm việc cùng nhau, cũng có cả những bạt ngạt hiểm nguy ngoài
xa.
Lũ thỏ phải bỏ quê nhà, lên đường tìm tới một vùng đất bình
yên để sinh sống, chúng phải nghĩ cách để vật lộn sinh tồn.
Thay vì nói là nhân hóa, tôi thấy giống như sự bình đẳng hóa
hơn. Động vật trong đây cũng có các tập tính xã hội và hệ thống ngôn ngữ hệt như con người.
Giống như là, thỏ là thỏ, chứ không phải là “con người đội lốt thỏ” như hằng hà
các câu chuyện thiếu nhi khác đã tìm cách để nhân hóa loài vật.
Từ cuốn sách này, tôi mơ hồ cảm nhận được một triết lý Phật giáo xa xưa rằng "Mọi chúng sinh đều bình đẳng."
“Đã lâu lắm rồi kể từ khi Thần Mặt trời tạo ra thế giới,
Ngài cũng nặn ra cả các vì sao mà thế giới này là một trong số đó. Ngài tạo ra
tất cả bằng cách tung phân của mình lên bầu trời và đó là lý do tại sao cây cỏ
lại mọc dày như thế trên trái đất. Thần Mặt trời làm cho nhưng dòng suối tuôn chảy.
Chúng chảy theo Ngài trong lúc Ngài đi trên bầu trời và khi Ngài rời khỏi đây
chúng ngóng tìm Ngài suốt đêm. Thần Mặt trời tạo ra chim chóc và muông thú,
nhưng lúc đầu, muôn loài đều giống nhau. Chim én và chim két là bạn và chúng đều
ăn các loại hạt và ruồi nhặng. Cáo và thỏ cũng là bạn và đều ăn cỏ. Có vô số cỏ
và ruồi nhặng bởi vì thế giới vừa được sinh thành, còn Thần Mặt trời thì chiếu
sáng và mang hơi ấm đến cho thế gian.”
Chính vì giáo lý đó mà tôi cảm giác như lũ thỏ trong này được
đặt lên trên ngang hàng cùng mọi giống loài khác.
Có một câu trích dẫn từ sách khá hay mà nhờ nó tôi mới tìm tới cuốn này:
“Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng huỷ hoại cuộc sống của các sinh vật khác hoặc làm tổn thương chúng. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.”
Từ lâu cái “tính thú” trong con người là cái mà biết bao nhà
triết gia vĩ đại đã trỏ tay vào đổ tội cho muôn vàn lần lầm lỗi của nhân loại.
Này là Phaedrus với hình ảnh cỗ xe được kéo bởi những con ngựa trắng tượng
trưng cho cảm xúc và những con ngựa ô tượng trưng cho lòng ham muốn. Kẻ đánh xe
là con người đại diện cho phần lý trí mềm yếu và bất toàn, sẽ cầm cương kiềm giữ
lũ ngựa trắng và quất roi vào đám ngựa ô. Phần lý trí được phác họa nên dưới
dáng hình của nhân loại trong khi những phần còn lại của phi lý trí được dựng
nên dưới hình dáng của súc vật. Plato chắc là nhân tố đầu tiên trong dòng lịch
sử định tội cho “bản năng” là tính thú vì nó khiến con người ta sa đà và lạc lối.
Nói hơi xa vời một chút đi. Tôi luôn cảm thấy cảm xúc và lý
trí là thứ quá dễ bị nhập nhằng. Plato cho rằng cảm xúc và ham muốn là súc vật,
sẽ dắt con người đi xa, nhưng đôi khi chúng ta cũng đâu biết được là do bản
năng lôi kéo hay là do chính mình đang “vẽ đường cho hươu chạy.”
Dựa vào xuất thân đi lính của Richard Adams thì có người
cho rằng tác phẩm này như một ví von ẩn dụ cho cuộc đấu tranh chống lại một cuộc
chiến lớn nào đó trên thế giới, đối với tôi thì tôi tự thấy cũng đúng đấy nhưng
nó chẳng cần là một ẩn dụ cho cuộc chiến nào quá vĩ mô, bởi con người ta vẫn
đang chiến đấu với chính bản thân mình mỗi ngày để có thể sinh tồn.
Đồi Thỏ có những lý tưởng triết học khá thú vị mà theo đó
thì đối với tác giả, động vật chỉ làm mọi thứ để sinh tồn. Động vật không có lý
trí và vì chỉ có bản năng nên chúng cũng chẳng có nhiều tâm tư tình cảm phức tạp,
cái gì chúng thấy tốt thì làm. Nếu phải bỏ quê nhà để bảo toàn mạng sống thì phải
bỏ quê nhà thôi, nếu thiếu thỏ cái để duy trì nòi giống thì phải đi tìm thỏ cái
về thôi. Thế giới bên trong những con thỏ vừa nhân hóa mà vẫn đặc màu động vật.
Mọi cuộc chiến trong Đồi Thỏ vận hành theo cách “cần để sống” – nghĩa là muốn sống
thì phải chiến, phải đánh, phải vùng lên, phải bỏ chạy, phải làm mọi cách để sống.
Nhờ đó Đồi Thỏ được tin rằng đã tiếp sức cho Chủ nghĩa tự
nhiên, nó là một trường phái văn học mà theo đó khuynh hướng của nó là miêu tả
một cách khách quan, chính xác đối với thực tại, và mô tả tính cách con người
dưới sự tác động của bản chất sinh học hoặc môi trường sống chứ không kể đến yếu
tố xã hội – lịch sử. Và bởi vì thế, trong đấy đã có rất nhiều tình tiết khiến
tôi hơi lấn cấn nhưng ngẫm lại thì trong trong tự nhiên hẳn là chúng phải như
thế rồi.
Nhân vật của Chủ nghĩa tự nhiên không phải là con người – kể
cả có viết về con người cũng thế, mà là những bản tính. Nó là những sự tồn tại
ngẫu nhiên, không giàu cảm xúc, không giàu những phức cảm mà chỉ có cảm nghĩ và
hành động bị chi phối bởi sinh lý, di truyền, môi trường hay hoàn cảnh. Mọi tình tiết diễn ra rất tự nhiên, không
có phân vân, đắn đo, mọi thứ chỉ là một cuộc phiêu lưu của bầy thỏ.
Ngôn từ trong sách cũng rất dễ thương, rất là “thiếu nhi”, đối
với cách viết phóng khoáng như vậy thì thế giới tự nhiên cứ thế mà tuôn ra,
tràn đầy trên sách. Richard Adams chắp bút cho mọi cái đầu sáng tạo có thể tưởng
tượng một cách đủ đầy về thế giới hoang dã ngoài kia với một bút pháp đầy tính
điện ảnh cùng những con đồi và bầu trời
vời vợi, “nơi cuộc sống đang phập phồng ngoài kia trên cánh đồng, trong rừng
cây, bên bờ sông, xa khỏi các đô thị và thành phố.”
“Vào tháng bảy, da trời vẫn xanh thắm, đặc như kèm và dường
như sà thấp ngay bên trên những ngọn cây xanh, nhưng giờ đây cái màu xanh ấy nằm
tít trên cao và ngày một hiếm hoi hơn, mặt trời trượt nhanh hơn về phía Tây và
một khi ở đó, nó chìm xuống chậm chạp, to lớn, ngái ngủ, đỏ tía như quả tầm
xuân trong bụi thạch nam, báo hiệu trước sẽ có sương giá.”
Đối với tôi thì thế giới trong Đồi Thỏ quá chừng xinh đẹp, nếu
có ai chê thì chắc họ chê vì nó mô tả nhiều, như một bài văn tả cảnh của học
sinh cấp hai, chỉ có điều là bài văn này với tôi thì xuất sắc quá. Nó khiến tôi
mơ mộng, bay bổng giữa những trang sách như thể chính mình đang lạc vào một
cánh đồng nào đó, để rồi chỉ cần lật thêm vài trang tôi lại bị nhấn vào giữa một
cánh rừng khác, với những chiều không gian được miêu tả sâu ngút ngàn đã khiến
mọi giác quan của tôi như cảm nhận được cả những điều mà tôi chỉ đang tưởng tượng.
Tôi thấy được sự nâng niu thiên nhiên trong từng con chữ.
Tôi sẽ không đi sâu vào những thành tựu mà cuốn sách này
mang lại, tôi chả bao giờ muốn đi sâu vào tìm hiểu xem một cuốn sách đạt được
bao nhiêu thành quả gì vì luôn luôn, lúc nào cũng thế, chỉ cần chúng ta đọc,
chúng ta sẽ đoán được lờ mờ đâu đó một cuốn sách như này chắc chắn đã được trao
cho bao nhiêu cái giải thưởng. Tôi đoán Đồi Thỏ được bạt ngàn.
Tôi cũng không có ý định tóm tắt quá nhiều về nội dung sách,
tôi không bị ấn tượng về tình tiết của nó, thông điệp của cuốn sách có thể làm
lòng tôi rung động một chút, nhưng tôi bị ấn tượng bởi những gì mà nó truyền tải
và cái thứ văn phong mà nó khoác lên hơn.
Con chữ của nó rất dễ đi vào lòng người, trôi vào tâm trí,
con chữ đơn giản mà có nhiều tầng triết lý. Tôi nghĩ cỡ mà tôi bé đi 10 tuổi,
chắc tôi sẽ đọc Đồi Thỏ với tâm thế rất khác. Những bài học ngụ ngôn được bọc
dưới những ký tự nhảy nhót trên trang giấy, ý nghĩa triết học của nó nằm lọt thỏm
bên trong như phần nhân của viên kẹo mềm, trẻ con chỉ đánh lưỡi vài cái là tan, người
lớn thì phải nhấm nuốt từ từ, cẩn thận chút, rồi tự gật gù với bản thân, “viên
này có nhân vị vải.”
Thật ra cuốn sách này thời gian đầu đã bị nhiều nhà xuất bản
từ chối vì họ nghĩ nó quá “trưởng thành” so với sách dành cho con trẻ, nhưng chắc
có một thế lực nào đó vì dù sao thì con người cũng hay thay đổi, mà giờ đây Đồi
Thỏ sừng sững ở đây, trở thành tượng đài cho cả một thể loại văn học. Tôi nghĩ
nếu mà được thì xin mạn phép so sánh nó với Hoàng Tử Bé đi vậy, Đồi Thỏ như kiểu
một phiên bản nâng cấp của Hoàng Tử Bé. Hoặc gần hơn nữa, gần hơn nữa chúng ta
có Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, vậy thì Đồi Thỏ còn hơn cả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký nữa. Ngoại
trừ việc quá nhiều nhân vật sẽ khiến chúng ta bị bối rối một chút ở mở đầu, thì
đây là một cuốn sách quá đồ sộ, đồ sộ về mặt nội dung lẫn ý nghĩa.
Nó không giống những câu chuyện “cổ tích thiếu nhi dành cho
người lớn” khác, khi mà những thông điệp cần truyền tải phải viết ra một cách mờ
mờ ảo ảo, thì Đồi Thỏ phô bày nó một cách rất nghiễm nhiên. Như đã nói thì
không có một “con người đội lốt thỏ” nào ở đây cả, nhưng cách mà chúng giao tiếp,
cách mà chúng hành động sẽ luôn gợi nhắc cho người đọc về một ký ức tương tự
nào đó mà họ đã từng trải qua. Độc giả sẽ thấy mình trong những con thỏ, dù có
thể họ chưa bao giờ phải kinh qua một giờ khắc sinh tử nào đi nữa, nhưng đâu đó
sẽ có những lời thoại khiến con người ta cảm giác như thể họ đang đọc về chính
mình.
"Anh thà tiếp tục những việc mà mình có thể làm còn hơn
là thất bại khi cố làm những việc mình không thể."
“Nhiều người nói rằng họ thích mùa đông, nhưng thực ra cái
mà họ thích là cảm giác mình có thể chống lại mùa đông lạnh giá ấy. Với họ, thức
ăn trong mùa đông không thành vấn đề. Họ có bếp lửa và quần áo ấm. Mùa đông
không thể làm hại họ và vì thế chỉ làm tăng cảm nhận của họ về sự khôn ngoan và
an toàn. Với chim chóc, muông thú và cả những người nghèo, mùa đông lại là cả một
vấn đề.”
Dĩ nhiên khi viết về một thế giới động vật hoang dã, chẳng có ai lại không viết về sự hiện diện của con người. Cũng như bao cuốn sách khác, con người trong Đồi Thỏ xuất hiện, mở màn cho hàng loạt tai ương. Họ đến cùng cái quyền tự nhân danh mình là kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn và cho phép bản thân được định đoạt sự tồn vong của mọi loài.
Cũng như bao cuốn sách khác, con người trong Đồi Thỏ xuất hiện với sự xấu xí và tham lam.
Nhân tiện nói qua thì cũng nói lại, con người không phải là
kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn.
Nếu sử dụng cách tính điểm bằng cấp độ dinh dưỡng trung bình
thì con người là động vật ăn tạp chỉ với điểm số là 2,21 – một hạng mức trung
bình mà nơi đó chúng ta chỉ ngang bằng với cá cơm và lợn.
“Loài người sẽ chẳng bao giờ dừng lại, cho đến khi họ làm ô nhiễm cả Trái Đất, và hủy hoại các loài động vật còn lại.”
Chẳng biết phải tốn thêm bao nhiêu giấy bút để mô tả cho đủ
cái sự tàn phá của nhân loại lên tự nhiên và muôn vàn môi trường sống khác,
nhưng chắc chắn là ngày nào tình trạng báo động này còn tiếp diễn thì ngày đó vẫn
có người đứng lên phê bình điều đó.
Con người quên mất rằng họ nào phải chủ nhân hay thánh thần gì
của Trái Đất mà cứ hành xử như thể mình là thế vậy.
Đồi Thỏ được xếp thứ hai sau tác phẩm giễu nhại kinh
điển của Orwell là Trại Súc Vật, dầu là đều đi theo lối viết thêu dệt
ngụ ngôn bằng việc nhân hóa động vật, thì Đồi Thỏ lại vượt trội hơn về tính
nhân văn và triết lý.
Trại Súc Vật đầy những ngôn từ xúc xiểm, những thông điệp
chính trị lộ liễu giễu cợt, to giọng chỉ trích hiện thực để hồi đáp cho những lời
oán than của con người trong thời đại. Trong khi đó thì Đồi Thỏ nền nã và có vị
đầm và kết dính như mật ong.
Richard Adams đã từng chia sẻ rằng,
“Tôi 52 tuổi khi phát hiện ra mình biết viết. Giá mà
tôi biết sớm hơn. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà văn cho
đến khi tôi thành nhà văn.”
Nghe đáng yêu làm sao.
Có lẽ bởi vì Trại Súc
Vật được viết ra để phục vụ cho con người thời cuộc, còn Đồi Thỏ được viết ra
chỉ để giúp một ông bố chiều chuộng mấy cô con gái nhõng nhẽo, nên ngòi bút của
ông tuôn ra đầy những điều “dễ nuốt” vô cùng. Dĩ nhiên nó còn đi kèm một vài yếu
tố đen tối, bạo lực, kinh dị, và trọng nam nữa, nhưng như tôi đã nói thì trường
phái Chủ nghĩa tự nhiên cùng khả năng tưởng tượng phi thường của tác giả đã khiến
những điều đó trở nên hợp lý trong bối cảnh về động vật nơi hoang dã.
Có thể Đồi Thỏ cũng truyền tải một thông điệp chính trị về
chủ nghĩa tự do, hay một loại diễn ngôn về cách mạng nào đó trong bối cảnh đấy
của thế giới, nhưng những thứ đó hẳn phải nằm sâu lắm dưới những cuộc chiến và
thiên di của bầy thỏ, dưới những tình tiết cốt truyện không đòi hỏi mấy về sự
suy diễn của đạo lý mà, ừ, trẻ con biết đến bao giờ mới hiểu được.
Tôi tò mò cảm nhận của một đứa trẻ sẽ khác với người lớn thế nào sau khi chúng đọc cuốn sách này, trẻ con có một phương thức lý giải về thế giới tưởng tượng theo một cách mà người lớn không bao giờ sánh bằng. Và tôi nghĩ thật kỳ diệu làm sao khi một người đàn ông 52 tuổi đã trải qua cuộc Thế Chiến thứ hai mà vẫn có thể đắp nên một thế giới nơi mà thiên nhiên chẳng tượng trưng cho một thế lực nào trừ chính nó, và tạo ra một câu chuyện về bầy thỏ nhỏ bé mà có sức hút vô vàn.
Tóm tắt bởi: Khánh Vy - Bookademy
Hình ảnh: Khánh Vy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy.
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Khánh Vy - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tuy số lượng không nhiều nhưng các tổ chức các nhà lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng có thể đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có được những khách hàng và những nhân viên trung thành nhất. Họ có xu hướng làm lợi cho những người khác trong cùng ngành kinh doanh. Họ có nhiều cải tiến hơn, và quan trọng nhất là họ có khả năng duy trì tất cả những điều đó trong một thời gian dài. Nhiều người trong số họ đã làm thay đổi nền kinh tế. Một vài trong số họ thậm chí thay đổi cả thế giới.