“Theo định nghĩa của từ điển, ngôn ngữ là thứ mà con người dùng để nói chuyện, với nhau. Nhìn theo phương diện này, thì chúng ta là những sinh vật duy nhất có thể sử dụng ngôn ngữ, vì khái nhiệm trên chỉ giới hạn trong loài của chúng ta. Nhưng thú vị không khi biết rằng cây cũng có thể nói chuyện với nhau? Nhưng bằng cách nào?”.
_Trích sách Đời Sống Bí Ẩn Của Cây_
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thường sử dụng cụm từ “Hành tinh xanh” để chỉ địa cầu nơi chúng ta đang sống, đó không chỉ là màu xanh của đại dương mà còn là màu xanh của thảm thực vật. Thực vật được công nhận là một trong nhiều chủ nhân của trái đất trong buổi bình minh của sự sống. Từ những sinh vật nhỏ bè, tảo sống trong nước rồi tiến hóa thành rêu, từ dưới nước thực vật cũng bắt đầu di cư lên cạn trong trong kỷ Ordovic với sự xuất hiện của thạch tùng, dương xỉ cho đến thực vật hạt trần và thực vật hạt kín như ngày nay.
Hệ thống thực vật tồn tại trên trái đất được đánh giá là hết sức đa dạng và phong phú với xấp xỉ gần 500.000 loài. So sánh với sự xuất hiện sinh sau đẻ muộn của con người, thì thực vật đã tự sở hữu cho nó một bề dày tiến hóa và phát triển.
Liệu con người đã thực sự hiểu hết về các loài cây? Làm cách nào mà thực vật có thể tồn tại và phát triển một cách lâu dài đến thế? Rừng thực sự có vai trò như thế nào với cuộc sống của con người? Đó là những thứ mà chúng ta sẽ cùng nhau được tìm hiểu qua cuốn sách “ Đời Sống Bí Ẩn Của Cây” của tác giả người Đức: Peter Wohlleben.
Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
Peter Wohlleben sinh năm 1964, tại Bonn nước Đức. Ông là người quản lý rừng và là một tác giả viết về các chủ đề sinh thái bằng một ngôn ngữ phổ thông.
Cuộc đời ông giống như được định mệnh an bài gắn liền với rừng. Sau khi tốt nghiệp trường lâm nghiệp ở Rottenburg am Neckar, Peter Wohlleben nhận công việc như một nhân viên kiểm lâm rừng của chính phủ ở Rhineland-Palatinate vào năm 1987.
Nhiệm vụ chính của ông khi làm việc cho chính phú là quản lý một khu rừng sồi, dẫn đoàn tham quan tìm hiểu về rừng cho các sinh viên ở học viện cũ của ông. Trải qua thời gian dài gắn bó với rừng, sự thức tỉnh và sợi dây liên kết tình cảm trong ông với các cánh rừng ngày càng trở nên sâu sắc. Ông cảm thấy thất vọng khi chứng kiến sự thiệt hại mà các kỹ thuật và công nghệ gây ra đối với cây. Mọi thứ đã khiến cái nhìn của Peter Wohlleben thay đổi.
Tác phẩm “Đời Sống Bí Ẩn Của Cây” nguyên gốc tiếng Anh là “ The Hidden Life Of Trees” được xuất bản vào năm 2015, gây được tiếng vang lớn và tạo dựng tên tuổi của ông, tác phẩm lọt vào danh mục best- seller do New York Times bình chọn. Ngoài ra tác phẩm còn được lựa chọn làm chủ đề chính cho bộ phim tài liệu cùng tên khởi chiếu năm 2020.
Tóm tắt tác phẩm
“ Đời Sống Bí Ẩn Của Cây” mang nội dung truyền tải hệt như cái tên của nó vậy, sách giúp cung cấp cho người đọc những kiến thức về đời sống của cây rừng dưới sự quan sát và tìm hiểu của tác giả, kết hợp cùng nhiều bằng chứng khoa học được nghiên cứu trong thời gian gần đây.
Khi đọc tác phẩm chúng ta sẽ cảm nhận được ranh giới giữa thực vật và con người được xóa nhòa nhờ lối sử dụng từ ngữ độc đáo, giúp người đọc trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn. Cái nhìn mà tác phẩm truyền đạt đến cho độc giả là cách nhìn từng cá thể, quần thể cây giống như những cá nhân, xã hội nhân loại, cây cũng mang những cảm xúc linh hồn của riêng nó. Chúng ta sẽ cùng được khám phá “cây cảm thấy gì”, “chúng giao tiếp như thế nào”, “những phát hiện đầy thú vị về xã hội thực vật mà bấy lâu nay chúng ta tưởng đã rõ”.
Sách bao gồm 36 chương bóc tách từng khía cạnh vấn đề của một cá thể cây cho đến cách một xã hội cây vận hành, cùng với những tác động mà một rừng cây sẽ ảnh hưởng tới nhân loại. 36 chương trong sách khi người đọc trải nghiệm sẽ thấy một sự sinh động và mang tính con người của cây cối như : cây cũng có tình bạn, cây cũng giao tiếp với nhau, cây cũng có trường học,...
Tình thần mà cuốn sách truyền đạt đến cho người đọc rất dễ được tiếp thu, cái nhìn của sách là cái nhìn của một nhiếp ảnh gia đầy mơ mộng và đẹp đẽ, khả năng biến sự phức tạp thành đơn giản của Peter đạt trình độ rất cao khi trình bày các bằng chứng nghiên cứu khoa học bằng một ngôn ngữ rất dễ hiểu. Cuối sách có một bảng phụ lục tra cứu những thuật ngữ và các bằng chứng khoa học được tác giả dẫn ra để củng cố sự chắc chắn của quan điểm trình bày trong sách đã được giới khoa học thừa nhận chứ không hề là cái nhìn chủ quan một chiều.
Những điều thú vị về cây cối
Điều đầu tiên mà Peter muốn truyền tải đến người đọc đó chính là, cây cối cũng có tính tổ chức xã hội gần tương đương với mô hình xã hội của loài người.
Có những cái cây trong khu lâm trường khai thác mặc cho thân bị cắt không còn bất cứ cành nào, hay những cây đổ ngã do tự nhiên chỉ còn mỗi gốc lại vẫn có thể tồn tại lâu đến như vậy? Về cơ bản một cây muốn tồn tại cần phải đảm bảo đủ 2 yếu tố cơ bản đó là có sự quang hợp và có đủ nước trong đất. Một cây khi chỉ còn mỗi gốc bị mất hết các cành các lá thì không còn khả năng quang hợp chính vì thề trên cơ sở khoa học cây đó chắc chắn phải chết. Những gốc cây hóa đá xù xì mà tác giả phát hiện ra trong một chuyến đi tham quan rừng lại vẫn còn sống dù đã trải qua hàng trăm năm. Bí mật chỉ được phát hiện khi những cơn mưa rừng trút xuống rửa trôi tầng đất mặt để lộ một hệ thống rễ cây đan xen kết nối giữa các gốc cây ở gần nhau lại với nhau giống như một hệ thống hang của loài kiến.
Nhưng tại sao các cây xung quanh lại phải chia sẻ dưỡng chất của mình với một cây sắp chết? Đây chính là khẳng định đầu tiên để nói rằng cây có tính gần giống với xã hội loài người. Trong xã hội loài người chúng ta cũng lựa chọn chủ động chăm sóc nuôi dưỡng những người yếu thế hơn giúp đỡ họ, mục đích là xây dựng một công đồng người vững mạnh. Cây cũng nhận ra điều tương tự, chúng hiểu rằng làm việc cùng nhau sẽ hiệu quả hơn, để một cây có thể sinh trưởng lâu dài thì đòi hỏi rất nhiều các yếu tố, nếu các cây tạo thành một quần thể rộng lớn nó sẽ thay đổi khí hậu khu vực đó, che gió ngăn bão tốt hơn, cùng nhau chia sẻ thức ăn. Bằng chứng đã chỉ ra rằng các cây rừng sống đơn lẻ thường có tỉ lệ bị chết cao hơn là các cây được tròng trong một quần thể cùng loài có sự tương hỗ lẫn nhau.
Để một xã hội có thể vận hành chơn chu các thành viên trong xã hội đó phải có sự thấu hiểu nhau, để làm điều đó con người đã phát minh ra ngôn ngữ vậy liệu cây có ngôn ngữ của riêng nó không?
Cây không biết nói vậy chúng dùng phương thức nào để liên lạc. Câu trả lời là cây dùng mùi hương. Mùi hương chính là phương tiện giao tiếp chủ yếu của cây cối. Mùi hương trong thế giới thực vật được sử dụng để truyền đi các thông điệp như là đang có động vật ăn lá sâu bệnh ở gần, một cây trong quần thể loài bị yếu. Hình thức liên lạc bằng mùi hương tồn tại rất nhiều điểm hạn chế, thứ nhất nó truyền đi rất chậm chỉ cỡ khoảng 0.84667cm/phút, thứ hai nó sẽ bị hạn chế khoảng cách truyền đi do yếu tố thiên nhiên như gió mưa. Để khắc phục vấn đề đó cây còn liên lạc với nhau qua mạng lưới các sợi nấm trong lòng đất. Đây là cách truyền tin được đánh giá là tinh vi không thua kém mạng lưới viễn thông của con người. Cây sẽ phát những xung tín hiệu qua rễ của chức các tín hiệu này được mã hóa và truyền đi thông qua hệ thống sợi nấm dày đặc lan truyền ra khắp cả khu rừng.
Cây còn biết tự điều tiết khả năng sinh sản của chúng. Theo quy luật chọn lọc tự nhiên của Darwin, mỗi loài sẽ tự tiến hóa và phát triển để phù hợp với môi trường sống. Dù là loài hiền lành nhưng không có nghĩa là cây không có kẻ thù, mỗi mùa sinh sản đến cây phải đối mặt với muôn vàn những nguy hiểm như hươu cao cổ ăn chồi cây, các loài động vật gặm quả, côn trùng thiên địch,... Một số nghiên cứu được đề cập trong sách thực vật đã tự phát triển những cơ chế đặc biệt giúp tối ưu hóa khả năng sinh sản của chúng, cây tạo ra nhiều mật ngọt là phần thưởng để con trùng giúp thụ phấn, một số cây thì trì hoãn thời điểm sinh sản chờ một cơ hội tốt hơn.
Hình tượng khu rừng đâm chồi vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, rụng lá vào mùa thu, rụng lá vào mùa đông đã rất quen thuộc với hầu hết tất cả chúng ta. Chúng ta coi điều đó là hiển nhiên, nhưng nếu chúng ta quan sát kĩ hơn thì toàn bộ việc này vẫn còn là một bí ẩn lớn, vì điều ấy nghĩa là cây phải cần một thứ rất quan trọng: Ý thức về thời gian. Mọi người vẫn lầm tưởng cây cảm nhận được nhiệt độ quanh môi trường mà phát triển, nhưng sự thật ngược lại đã được Peter chứng minh trong sách của ông. Chỉ đơn giản là một chu trình vận hành 4 mùa thôi thì cây đã phải sử dụng những linh kiện tân tiến nhất của chúng mới có thể làm được.
Bằng cách nào mà cây có thể tồn tại lâu đến như thế? Nếu quan sát người anh em họ hàng trong bộ thực vật mà nói cây hoàn toàn có thể chọn cách sống giống như một bông hoa: phát triển bùng nổ vào mùa hạ, nở hoa kết hạt rồi hóa thành đất mùn.Lối sống của một bông hoa là cực kỳ tiến hóa phù hợp với điều kiện biến thiên không xác định, thậm chí là tàn khốc của giới tự nhiên, thì với cách phát triển sinh sản, đem gen truyền lại cho thế hệ sau của một bông hoa tốn ít thời gian hơn một cái cây rất nhiều. Đi ngược lại với quy luật tiến hóa, cây không quan tâm đến việc đó, chúng đơn giản sống trung bình hàng trăm năm, có khi là cả hàng ngàn năm. Một bông hoa khi kết hạt sẽ lụi tàn những chỗ cho một sinh linh mới, cây được Peter miêu tả là có sự ham thích nán lại với cuộc sống, chính vì thế chúng chọn một lối sống chậm rãi, trì hoãn bản năng sinh học mà bất kỳ loài nào tồn tại cũng đều hướng tới (đem gen truyền lại cho thế hệ sau với số lượng nhiều nhất), thông thường chỉ khoảng 5 năm một lần cây mới phát tán đi những mầm sống từ thân cây mẹ, vì cây muốn tồn tại lâu mà diện tích và điều kiện sinh sống thì có hạn chính vì thế cây rất hạn chế số lượng cây con mọc mới được tạo ra vì sợ bị cạnh tranh. Từ đây ta nhìn thấy một khía cạnh khác của cây, chúng cũng thật ích kỉ và biết hưởng thụ.
Lợi ích của cây rừng
Không khó để một học sinh có kiến thức khoa học sơ đẳng cũng biết rằng cây quang hợp tạo ra oxi. Một nhầm tưởng rằng cây hấp thụ bao nhiêu khí CO2 sẽ lọc trở lại bằng đấy lượng khí O2.Trong suốt cuộc đời của mình, cây trữ đến 22 tấn cacbon dioxit trong thân, cành, và hệ thống rễ của chúng. Thường thì khi mà cây chết, một phần cacbon dioxit sẽ bị quay trở lại khí quyển , nhưng hầu hết số khí này sẽ bị khóa lại vĩnh viễn trong hệ sinh thái. Rừng thật sự là một cái máy hút cacbon dioxit khổng lồ liên tục lọc và trữ lại thành phần không khí này.
Nước một thứ nguyên tố cấu thành sự tồn tại của một sinh vật sống. Nguồn gốc của nước từ đâu? Nhiều người trong số chúng ta sẽ có nhanh được đáp án đó là từ mưa, nước bốc lên thành dạng hơi và được gió thổi vào đất liền, nhưng một điểm cần chú ý đó là phạm vi hoạt động tối đa của cơ chế gió thôi hơi nước chỉ hiệu quả trong khoảng 400 dặm cách từ bờ biển vào đất liền ( 644m). Vậy những vùng đất sâu bên trong làm sao mà có được nước. Chúng ta nên cùng nhau gửi lời cảm ơn đến cây cối. Cây cối sẽ làm nhiệm vụ hấp thu hơi nước rồi dự trữ vào trong cơ thể rồi hơi nước sẽ được bộc hơi ra ngoài thông qua hoạt động quang hợp, các hơi nước này sẽ bốc hơi lên cao, tạo thành mây rồi đi sâu vào đất liền, một vòng lặp như thế cứ tiếp diễn giúp vận chuyển dòng nước đi sâu vào đất liền. Có thể nói cây cối giống như những trạm bơm nước hữu cơ giúp vận chuyển lượng nước quý giá phục vụ sự sống của cả một đại lục rộng lớn.
Không khí trong rừng rậm là ví dụ hoàn hảo về không khí mạnh lành,·những người muốn hít một hơi thật sâu không khí trong lành hoặc tham gia các hoạt động thể chất trong không khí đặc biệt dễ chịu sẽ bước vào rừng rậm. Có rất nhiều lý do để làm việc đó, không thể phủ nhận không khí thực sự sạch hơn rất nhiều bên dưới cây, vì cây đóng vài trò giống như một máy lọc không khí khổng lồ. Sở dĩ cây có thể làm được điều đó là nhờ vào hệ thống vòm là khổng lồ, những phiến lá trên những tán vòm đó đung đưa trong gió, bắt lấy những hạt lớn hạt nhỏ bay lửng lơ qua. Những hạt bị lọc đi không những gồm chất gây ô nhiễm (bồ hóng, phấn hoa, bụi bị thối từ dưới đất) mà còn có những phế phẩm có nguồn gốc từ con người đặc biệt nguy hại như axit, chất hydrocacbon độc hại. Thực tế đã chứng minh các khu đô thị nếu có một hệ thống hồ điều hòa khu vực cây xanh thì tỉ lệ ô nhiễm không khí giảm đáng kể, các vùng dân cư sống gần rừng luôn có số lượng người mắc các bệnh về hô hấp ít hơn hẳn các nơi khác.
Con người và rừng
Nếu chúng ta cùng nhau nhìn vào lịch sử chung của con người và động vật, thì những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ hai mươi và khoảng thập kỷ đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt là khả quan tích cực. Đúng là vần còn tồn tại hình thức chăn nuôi công nghiệp với điều kiện nuôi nhốt tồi tệ, vẫn còn nhiều những thí nghiệm được tiến hành trên động vật và muôn vàn kiểu bóc lột khác. Tuy nhiên khi chúng ta đã dần chấp nhận rằng động vật cũng có những cảm xúc của riêng chúng, thì con người đã dần có cái nhìn nhân đạo hơn. Những đạo luật nhân đạo dành cho động vật được ban hành và thực thi ở nhiều quốc gia, lối sống ăn chay cũng được cổ động, ngày càng có nhiều người từ bỏ thịt hoặc nghĩ nhiều hơn về cách mà mình nên mua thịt để thúc đẩy việc đối xử nhân đạo với động vật.
Và bây giờ đã đến lúc chúng ta cũng cần phải thay đổi cách suy nghĩ của mình về cây. Qua hàng loạt các câu chuyện, dẫn chứng, sự phân tích của Peter Wohlleben chúng ta cũng nhận ra cây cũng có những cảm xúc và ý thức. Cây không chỉ là một sự sống mang tính vật thể mà cây còn có những điểm tương đồng không khác bao nhiêu so với con người và các loài động vật khác.
Đồ gỗ chúng ta sử dụng, củi chúng ta đang đốt, thậm chí là sách nơi chúng ta lưu trữ những tri thức cũng là đang được làm làm ra từ gỗ, những cái cây bị đốn hạ, bào, chế tác nhằm phục vụ mục đích cá nhân riêng của con người, trong khi đó cây không hề có được một chút lợi ích từ việc làm này. Chúng ta dùng những vật sống đã bị giết để phục vụ cho mục đích của chúng ta, điều này có khiến hành vi của chúng ta đáng bị chỉ trích không?
Thực ra xét cho cùng chúng ta cũng là một mắt xích của tự nhiên, chúng ta được tạo ra theo cách mà chúng ta chỉ có thể sống sót nếu có sự giúp đỡ của các vật chất hữu cơ từ các loài khác.Việc chúng ta cần làm giờ đây khi đã ý thức được dù là động vật hay thực vật chúng đều tồn tại những ý thức riêng có sự gần gũi nhất định với cong người. Chúng ta nên đối xử với chúng một cách tốt hơn, lần tới hãy suy nghĩ thật kĩ khi bẻ một cành cây, hãy chú ý một chút đến bông hoa mà chẳng may chúng ta dẫm phải, hãy quan tâm đến các vấn đề khí hậu môi trường nhiều hơn. Con người- thực vật- động vật là sợi dây liền mạch không thể tách rời chỉ cần một mối nối gặp vấn đề sẽ gây ra hậu quả không lường.
Kết luận
Sách là một tác phẩm hay, không những cung cấp cho người đọc những kiến thức về khía cạnh sinh học của cây, mà còn đánh thức sự đồng cảm của mỗi chúng ta, chưa bao giờ chúng ta thấy bản thân con người và cây cối lại có nhiều điểm tương đồng với nhau như thế. Sách cũng từng vấp phải nhiều tranh cãi về việc tác giả liệu có đang lạm dụng những từ ngữ miêu tả cuộc sống con người để dùng trong việc phân tích cuộc sống của cây nhằm mục đích chèo lái mê hoặc người đọc hay không? Những điều mà Peter viết trong sách tất cả đều có căn cứ và lý luận học thuật, 76 bài nghiên cứu được giới khoa học thực hiện là bằng chứng thép giúp củng cố vững vàng quan điểm về việc cây cối cũng có ý thức riêng. Mỗi người trong chúng ta nên đọc tác phẩm một lần để thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, để kết nối lại sợi dây liên kết của chúng ta với thiên nhiên, từ đó có cách sống yêu thương và nhân văn hơn khi đối xử với muôn loài.
Tóm tắt bởi: Nghĩa Trần - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Tôi đã mê mẩn cuốn sách này. Giống như, tôi không thể ngừng đọc. Đó là một cái cây khổng lồ chứa đầy khoa học. Và tôi đã tham gia hết. Nếu bạn biết tôi, bạn biết đấy, tôi thích hoạt động ngoài trời cũng nhiều như việc tôi thích đọc sách. Đối với tôi, thiên nhiên là một người thầy tuyệt vời bởi vì cô ấy có thể khiêm tốn, giáo dục bạn và khiến bạn nghẹt thở trước vẻ đẹp của cô ấy. Tuy nhiên, vì nó liên quan đến nội dung cụ thể của cuốn sách, có lẽ bạn đang tự hỏi: "Một cuốn sách về cây cối. Thôi nào Chris, thật không?" "Nó thú vị đến thế à?" Về điều đó, tôi sẽ nói hoàn toàn, và đây là lý do tại sao. Bạn sẽ tìm hiểu cách cây cối giao tiếp, cách chúng thu thập và lưu trữ nước, cách chúng xua đuổi sâu bệnh và quan trọng nhất là cách chúng giúp ích cho hành tinh và môi trường xung quanh. Cuốn sách giải thích rất tốt từng khái niệm và tôi nghĩ các chương đã trôi qua rất nhanh. Nếu điều này có vẻ giống điều gì đó mà bạn quan tâm thì tôi khuyên bạn nên thử xem. Bạn sẽ không bao giờ nhìn cái cây theo cùng một cách nữa.