So với những người thất bại, những người thành công thật sự đã thất bại nhiều lần hơn, chỉ đơn giản là vì họ đã cố gắng nhiều lần hơn! Tự phá vỡ vòng tròn an toàn của bản thân vì rồi sẽ đến một ngày nó không bảo vệ bạn được nữa, khi mà điều đơn giản nhất bạn cũng không có khả năng thực hiện nó nữa. Con đường đi đến thành công không thiếu những lần thất bại, vấp ngã và sự đơn độc. Chấp nhận và vượt qua nó, càng vấp ngã để trưởng thành, ta mới hiểu được giá trị thực sự của thành công.
Cuốn sách được viết bởi Billi P.S.Lim - cuốn tự truyện viết về cuộc đời của ông tuổi thơ khó khăn đè nén, những thất bại lần đầu thi vào đại học, chiến tranh xảy đến và mọi thứ trở nên hỗn loạn. Billi Lim bắt gặp cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu” của tác giả Napoleon Hill, cuốn sách truyền cảm hứng cho ông cả cuộc đời.
Bước chân đến đỉnh cao trong kinh doanh rồi rơi vào tuyệt vọng khi sự nghiệp sụp đổ, nhấn chìm Billi Lim vào địa ngục. Sau những vấp ngã hiện nay ông trở thành diễn giả có thể nói được 5 thứ tiếng: Anh, Malaysia, Indonesia, Mandarin, Thái Lan. Đây cũng chính là thông điệp, lời cổ vũ tinh thần với bài học cuộc đời mà ông dành cho bạn đọc.
Hành trình khởi nghiệp của Billi P.S.Lim
Qua 4 chương đầu, cuộc đời ông tái hiện lên một cách chân thực, tuổi thơ đầy khó khăn và bất hạnh khi bị bạo hành bởi người cha, bị đối xử bất công trong gia đình. Bước ngoặt lớn đánh dấu sự thay đổi về nhận thức của ông khi đọc được cuốn sách “Nghĩ giàu làm giàu” làm thế nào để đạt được thành công. Nhờ đó thôi thúc ông với khao khát khẳng định mình, ông đã mạnh dạn tranh cử vào chức vụ cao nhất trong Hội sinh viên Đại học Malaysia. Thời điểm đó Billi Lim chỉ là một cậu sinh viên vụng về, vừa thiếu kinh nghiệm, lại có số phiếu bầu cao thứ ba. Kết quả thật đáng ngạc nhiên khi ông được bổ nhiệm vị trí thư ký của Hội sinh viên.
Một vài biến cố chính trị, tư tưởng xã hội tại Malaysia và trường đại học đã gián tiếp khiến ông chủ động tạm dừng việc học tại trường với tấm bằng đại cương. Hiện thực trần trụi như một cái tát, mất tự tin khi không thể nào xin được việc tại quê nhà mình sau một thời gian khá dài. Cuối cùng ông đã có lựa chọn đúng đắn là tiếp tục quay lại trường học hoàn thành nốt tấm bằng cử nhân khoa học.
Buổi hội thảo: “Dám trở nên vĩ đại” mà ông tham dự, đã khiến ông bừng tỉnh khỏi cơn mê. Cảm giác “trống rỗng” trong thành công của chính mình. Sau đó Tập đoàn Fortiss Sdn. Bhd, một công ty bán hàng trực tiếp với số vốn góp của mỗi thành viên là 1000 RM (263 USD) ra đời. Ông trở thành Giám đốc điều hành của công ty với một sản phẩm độc nhất – chất tẩy rửa dạng lỏng đa năng, kế đến thành lập hội “Những người khó thất bại” (IHK) nhằm huấn luyện nhân viên thông qua một cuộc hội thảo mang tên “Sinh ra để được tự do”.
Tất cả dường như đang tiến triển rất thuận lợi, đề tài bàn tán của cả nước khi được đồng hành cùng Phó Thủ Tướng trong buổi diễn thuyết. Nhưng sâu bên trong ông đầy ắp nỗi sợ hãi và rỗng tuếch về cái gọi là “thành công”. Sự phát triển nhanh bao bọc bởi hào nhoáng bên ngoài nhưng thiếu đi giá trị cốt lõi thực sự thì khó mà phát triển lâu dài được. Đến khi công ty phá sản, thì khi đó ông mới ý thức được thành công thực sự là thế nào.
Thời điểm khó khăn nhất đối với bạn là gì, còn đối với Billi. Lim chính là khi đang đứng trên đỉnh cao danh vọng thì lại mất hết tất cả, không còn gì trong tay, phải quay trở lại với căn phòng tồi tàn, cứu đói bằng gói mì tôm hàng tháng trời, bị bạn gái bỏ chăng. Thất bại khi ở độ tuổi 30, không còn là nỗi sợ, ông nhanh chống lấy lại tinh thần và coi đó là nguồn động lực tiếp nối cho thành công rực rỡ.
12 chương tiếp theo của cuốn sách là những mẩu chuyện ngắn hiện thực về thành quả to lớn của thất bại, kèm theo những câu chuyện có thật về những tấm gương vĩ nhân của thế giới. “Càng chịu nhiều thất bại, họ lại càng trở nên vĩ đại hơn”, kết nối tâm trí người đọc vào lối tư duy tích cực giúp ta thẳng thắn hơn khi nhìn nhận nhận sự thất bại.
“ Nếu bạn có bằng cấp, bạn là người thành công. Không có, bạn là kẻ thất bại.”
“Nếu tìm được việc, bạn là người thành công. Không tìm được, bạn là kẻ thất bại.”
Liệu tiền bạc,địa vị, công việc có đang dần trở thành thước đo của xã hội, khi mà để đạt được kết quả đó, không ai quan tâm bạn đã bỏ ra những gì, đau đớn bao nhiêu. Hầu hết mọi người đều phạm phải sai lầm là coi thất bại như kẻ thù của sự thành công. Do đó dẫn đến kết cục là sự sỉ nhục mà xã hội “dành cho” sự thất bại. Một cách áp đặt giá trị hết sức thấp kém truyền bá quan niệm sai lầm
Dám Thất Bại là quyển sách khuyến khích các bạn nên đọc để có góc nhìn đúng đắn về nỗi sợ đối với thất bại. Ở đây không bàn về thành công và những cách để đạt được thành công mà chỉ đưa đến bạn ý nghĩa thực sự của thất bại mang. Chính cách vượt qua thất bại sẽ định hình con người bạn, tương lai, số phận đều là do bạn tự mình nắm giữ. Đúng hay sai là ở góc nhìn, mọi vấn đề luôn có hai mặt, lựa chọn là của bạn.
Tôi chắc chắn một điều rằng, không ai mãi may mắn luôn thành công cũng như không ai mãi thất bại. Trên mỗi bước đi đều có vật cản, vì vậy tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta nhận thức như thế nào, tư duy ra sao, chúng ta nắm bắt cơ hội như nào… Biến cái thất bại thành tươi đẹp vì sau cơn mưa cầu vồng bảy sắc sẽ xuất hiện và rực rỡ nhất. Đối với những ai đã từng cố gắng và đã từng thất bại quyển sách này sẽ đồng hành cùng bạn trên những chặng đường tiếp theo. “Dám thất bại” bạn sẽ thành công. Đây cũng chính là thông điệp mà tác giả Billi P.S.Lim muốn gửi gắm đến chúng ta.
Thất bại không phải điều gì đó tồi tệ. Thường ta sẽ không cố gắng bởi sợ thất bại, nhưng triết lý sống của tác giả là chiến thắng bằng cách thất bại.
Đôi khi bạn sẽ phải làm những việc mà bạn không thích, thậm chí chán ghét. Bởi lẽ, bạn phải trải qua đau đớn nhất thời để đạt được những thành quả lớn lao trong dài hạn.
Những hành động nhỏ và có quy tắc sẽ cấu thành toàn thể hành vi của bạn. Mỗi bước nhỏ đều có giá trị, vì thế hãy coi trọng chúng và bắt đầu xây dựng sự nghiệp, cuộc sống hay mối quan hệ từ những bước nhỏ.
Thất bại hay không – đó là do ý thức của bạn cho là thế. Giống như những gì Henry Ford từng nói “Cho dù bạn nghĩ là bạn có thể hay bạn không thể thì bạn đều đúng hết”. Điều đó có nghĩa là, bản chất của một sự vật sự việc là do chủ quan chúng ta quyết định chứ không phải ai khác.
Bởi thế, nếu có vấp ngã, đừng vội coi nó là một sự thất bại. Thay vào đó, hãy coi nó là một cơ hội để học tập và phát triển. Bạn có biết sự khác biệt lớn giữa những người thành công và những người thất bại là gì không? Đó là người thành công biết nhìn vào mặt tích cực của sự việc để tiếp tục cố gắng. Chúng ta thường lầm tưởng rằng chỉ cần ai đó giỏi việc gì đó thì cuối cùng họ sẽ giành chiến thắng. Nhưng thực sự kẻ chiến thắng vĩ đại nhất cũng chính là kẻ thua cuộc thảm bại nhất.
Hãy nhớ rằng, bạn chỉ thực sự thất bại khi quyết định từ bỏ. Chỉ cần thay đổi quan niệm về thất bại, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để bước tiếp.