“We continue to shape our personality all our life. If we knew ourselves perfectly, we should die.” (Tạm dịch: Chúng ta tiếp tục hình thành tính cách trong suốt cuộc đời mình. Nếu chúng ta đã hoàn toàn hiểu rõ bản thân, chúng ta nên chết đi cho rồi) Câu nói của nhà văn đoạt giải Nobel - Albert Camus –đã khái quát nên một quy luật bất biến của nhân sinh, rằng sự thực là chẳng một ai trong chúng ta có thể tự tin vỗ ngực xưng rằng mình đã hiểu hết chính con người mình. Không có một vùng đất nào kì bí như xứ sở bên trong tâm hồn con người, nơi mà có thể nói là nguy hiểm và khó lường đến nỗi không một nhà thám hiểm nào đủ can đảm và khả năng để chinh phục, ngay cả bản thân chúng ta - người nắm quyền sở hữu mảnh đất này. Một nhà văn vĩ đại đã nói như vậy, còn một học giả trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách con người thì sao? Liệu ngành tâm lý học đã có thể nào tìm ra được con người thật sự ẩn sâu bên trong lớp vỏ bề ngoài của mỗi chúng ta? Brian R. Little cùng cuốn Who Are You, Really?: The Surprising Puzzle of Personality (Tạm dịch: Bạn Thật Sự Là Ai?) sẽ phần nào hé mở câu trả lời cho câu hỏi muôn đời này. 


Về tác giả

“Tiến sĩ Brian R. Little là học giả và diễn giả nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách con người và tâm lý học động lực. Nghiên cứu tiên phong của ông về ảnh hưởng của các công trình cá nhân và “đặc điểm tự do” đối với cuộc sống con người đã mang lại một cách lý giải sâu sắc và mở đường cho sự phát triển của chúng ta.

Hiện tại Tiến sĩ Brian đang làm việc tại Đại học Cambridge trong vai trò thành viên của Viện Hạnh Phúc (Well-being Institute) và lãnh đạo của Nhóm Nghiên cứu Sinh thái học xã hội thuộc Khoa Tâm lý học.”

Với vai trò là một tác giả, Brian R. Little cũng đã đánh dấu tên tuổi của mình bằng một số cuốn sách thành công như:

- Me, Myself And Us: The Science of Personality and the Art of Well-Being (Tạm dịch: Tôi, Bản Thân Và Chúng Ta)

- Who Are You, Really?: The Surprising Puzzle of Personality (Tạm dịch: Bạn Thật Sự Là Ai?)

 

Về tác phẩm Bạn Thật Sự Là Ai?

“Để trả lời câu hỏi “Bạn là ai?”, bạn cần nhiều thông tin hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc hiểu các đặc điểm tính cách bẩm sinh và hoàn cảnh xã hội của mình. Thông qua quyển sách Bạn Thật Sự Là Ai?, Tiến sĩ Brian R. Little giới thiệu với chúng ta “bản tính thứ ba” của con người - một bản tính khác với bản tính sinh học và bản tính xã hội mà các nhà khoa học đã nhắc đến từ lâu. Ông còn cho chúng ta thấy bản sắc của chúng ta được định hình bởi các công trình cá nhân mà ta thực hiện mỗi ngày”.

 

Tổng quan về đặc điểm tính cách

“Hiểu bản thân chính là khởi đầu của mọi sự hiểu biết.” 

_ Aristotle _

Hầu hết chúng ta đều đang sống và mang theo bên mình một niềm tin bất diệt rằng mình đang làm tốt nhiệm vụ nắm giữ những điểm mấu chốt trong tính cách. Có nghĩa là ta cho rằng bản thân thực sự hiểu từng đặc điểm, tính trạng, mong ước của chính mình và hoàn toàn có thể lý giải cho mọi hoạt động tâm lý vẫn diễn ra hàng ngày. Thế nhưng sự thật chưa hẳn đã là như vậy, chúng ta không hiểu bản thân mình như vẫn thường nghĩ, ngược lại, chính con người thật ẩn giấu sâu bên trong mỗi cá thể mới là bài toán hóc búa nhất mà không phải ngành khoa học nào, hay bất cứ cá nhân có chuyên môn nào cũng có thể giải đáp được. Thậm chí là chính bản thân mỗi con người, đôi khi khả năng kiểm soát cũng chỉ dừng lại ở mặt cơ thể sinh học, còn nội tâm bên trong vẫn là một vùng đất mới khó lường cần được khai phá. 

Mặc dù vậy, ngành tâm lý học vẫn đang ngày đêm nỗ lực theo đuổi vùng đất “khó nhằn” này, nội tâm con người sở hữu một chiều sâu đáng kinh ngạc, đó là lý do mà tâm lý học vẫn không ngừng phát triển thuận theo tiến độ của nhân loại. Trên thực tế, những nguyên do tác động đến tâm trạng, hành vi của một cá nhân không thể nào được liệt kê hay bao quát hết được. Có muôn vàn tác động từ khách quan đến chủ quan là tiền đề để dẫn đến một hành động đôi khi vô cùng nhỏ nhặt của con người. Ở đây, Brian Little đã đưa ra một hành động nghe có vẻ “ngốc nghếch” vì ai cũng biết là bất khả thi, nhưng cái hay ho là mỗi cá nhân, với đặc điểm tính cách khác biệt, sẽ có những phản ứng khác nhau trước ví dụ này: đó là câu chuyện về việc thử liếm cùi chỏ của mình. 

Theo các nghiên cứu chuyên sâu của ngành tâm lý học, đặc điểm tính cách của con người cơ bản được hình thành và phát triển dựa trên một vài nhân tố chính bao gồm: Con người nguyên bản của bạn, Con người xã hội của bạn và Bản thể đặc trưng của bạn. Hay còn được hiểu đơn giản là sơ đồ mối quan hệ giữa yếu tố sinh học, xã hội và đặc trưng. Các phương diện này không loại trừ lẫn nhau mà tương tác qua lại, bổ trợ lẫn nhau nhằm tạo nên đặc tính hoàn chỉnh cho một cá thể người. 

 

Công trình cá nhân và Bối cảnh cá nhân

“Công trình cá nhân là tập hợp mở rộng của các hành động có ý nghĩa nổi bật đối với cá nhân người thực hiện trong một bối cảnh cụ thể.”

Hàng ngày, mỗi chúng ta đều tự tạo ra cho mình vô vàn những công trình cá nhân như thế, dù là cố ý hay trong vô thức. Công trình cá nhân có thể là một hành động rất đỗi bình thường và nhỏ nhặt, nhưng cũng có thể là đại diện cho cả một khát khao cháy bỏng mang tầm nhân loại. 

Mấu chốt ở đây không chỉ là tự tạo cho mình một công trình cá nhân, mà là phân tích và đánh giá nội dung của những công trình đó với mục đích để nó tự hé lộ nhiều điều. 

Khái niệm nghe có vẻ mơ hồ này thực chất lại phản ánh rất nhiều điều thú vị về con người bạn, thậm chí là khả năng thành công của từng cá nhân. Cụ thể, những người sở hữu công trình cá nhân hướng về bản thân, mặc dù chiếm số lượng không nhiều nhưng lại có mức độ thành công cao hơn và hạnh phúc hơn so với những người thường theo đuổi mục tiêu đến từ bên ngoài. Bên cạnh đó, những người có xu hướng miêu tả mục tiêu theo cách “thoả hiệp nửa mùa”, không rõ ràng hoặc như đang cố gắng phải hoàn thành một chỉ tiêu nào đó thường sẽ có ít khả năng hoàn thành công trình cá nhân của họ hơn so với những người mô tả mục tiêu thẳng thắn. Dĩ nhiên là những nghiên cứu này đều được dựa trên thống kê cụ thể, chính xác và khách quan.

Công trình cá nhân sẽ không có ý nghĩa gì nếu không thể áp dụng vào thực tế, cụ thể là có những tác động ít nhiều đến đặc điểm tính cách của bạn. Các công trình và đặc điểm tính cách luôn được gắn liền với nhau, song song cùng tồn tại. Với từng phương diện khác nhau theo Năm nhóm tính cách lớn đã nêu ở trên, mỗi người sẽ có cách hành xử riêng, tuân theo hoặc đi ngược lại với công trình cá nhân của mình. Và theo tác giả thì con người ra quyết định như thế nào cũng được, miễn là bản thân thực sự muốn vậy. Ngay cả khi những hành động của bạn đi ngược lại với những gì vẫn thường thấy, điều đấy cũng có thể là dấu hiệu cho một thành công sắp đến bất ngờ nhờ vào việc bạn có thể khai phá ra “nét tính cách tự do” mới mẻ, chinh phục một giới hạn hoàn toàn khác của bản thân. Điều đó lí giải cho một vài trường hợp nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực chất lại không mấy bất ngờ khi những diễn viên hài nổi tiếng thế giới như Robin Williams hay Mike Myers tự mô tả bản thân là “người hướng ngoại trong hoàn cảnh cụ thể và là một người hướng nội trong hầu hết khoảng thời gian còn lại”. Tuy nhiên thì dù cho sự khai phá tính cách mới đó có giúp bạn thành công hay không, chúng ta vẫn sẽ cảm thấy không ít mệt mỏi khi phải đi ngược lại với đặc điểm tự nhiên vốn có của mình. Brian đưa ra những giải pháp khác nhau như một liều thuốc chữa lành cho khoảng thời gian không được sống là chính mình đó và gọi nó bằng cái tên khá dễ thương là “Góc hồi phục năng lượng và ngăn ngừa tình trạng kiệt sức”. 

Bối cảnh cá nhân được giải thích là “các yếu tố như vật lý, địa lý, văn hoá, xã hội của môi trường bên ngoài”, những phương diện khách quan và linh hoạt vẫn hàng ngày tác động ở một mức độ nào đó vào cuộc sống của bạn, đặc biệt là ảnh hưởng đến các công trình cá nhân mà bạn đang gây dựng. Và nếu như những đặc điểm thuộc về bản chất hệ sinh thái vốn dĩ rất khó để thay đổi, thì bạn hoàn toàn có thể đưa ra quyết định uốn nắn bối cảnh cá nhân. Ở đây, Brian R. Little không còn đặt công trình cá nhân ở một địa ốc riêng nữa, mà gắn liền nó với những cá nhân khác cũng đang sống và làm việc xung quanh chúng ta. Tác giả đã chia nhỏ các thể loại công trình cá nhân theo mối tương quan giữa những cá thể người với nhau. Từ công việc đến đời sống, môi trường công sở đến trong quan hệ tình cảm và thậm chí còn liên quan đến yếu tố văn hoá, chính trị. Tất thảy những yếu tố trên đều có khả năng tác động đến quá trình hình thành, đặc trưng riêng của mỗi công trình cá nhân. Brian kể một câu chuyện điển hình về sự khác biệt tương đối “nằm ở tính quản lý” của các công trình này “trong mối quan hệ tình cảm mật thiết”. Cụ thể, khi David Frost - người dẫn chương trình, nhà báo đến từ Vương Quốc Anh – thực hiện một nghiên cứu tại Đại học Surrey, ông đã thu thập một danh sách công trình cá nhân mang tính tình cảm riêng tư. Và những gì số liệu thống kê được đã chỉ ra rằng người có xu hướng tính dục thuộc nhóm thiểu số, tức là nhóm LGBT, có cách xây dựng công trình cá nhân về chủ đề này khá tương đồng với những người thuộc nhóm dị tính. LGBT+ hay LGBTQ+ là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân),… Mặc dù câu chuyện về giới tính ngày nay đã dần không còn xa lạ với thế giới nữa, việc thực sự có thể khiến tất cả cá nhân đến từ mọi vùng miền, đất nước mở rộng tư tưởng và thoải mái đón nhận cộng đồng LGBT vẫn gặp phải nhiều thử thách rất lớn được đặt ra. Công trình của Frost đã chứng minh điều này dẫn đến hệ quả những cá nhân thuộc nhóm LGBT thường đánh giá các công trình cá nhân của họ trong lĩnh vực tình cảm là ít có tiến triển và khó đem lại một kết quả mong muốn. Tuy nhiên, với các nhóm khác nhau, đến từ những khu vực khác nhau, lại có cách nhìn nhận khác về công trình cá nhân. Điều này chứng minh sự ảnh hưởng của bối cảnh cá nhân đến với cách nghĩ, cách quan niệm của mỗi người về thế giới.

 Không phải bất kì ai cũng sẵn sàng trả lời cho câu hỏi “Bạn thật sự là ai?”, và sống là chính mình đôi khi vẫn còn là thử thách khó khăn cho mỗi người. Có quá nhiều rào cản khiến cho một cá nhân không thể “là chính mình” theo nhiều cách khác nhau. Nguyên nhân khách quan đến từ sự đánh giá của mọi người xung quanh, tuy nhiên phần lớn xuất phát từ bản thân mỗi người. Bởi trong mỗi cá thể, luôn tồn tại nhiều nét tính cách, đặc điểm khác nhau. Điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống thiếu trung thực, thiếu đạo đức hay thậm chí là mâu thuẫn nội tâm. Thế nhưng, đa chân tính chỉ đơn giản là việc con người có thể sống theo nhiều cách khác nhau ở những hoàn cảnh cụ thể và điều đó hoàn toàn không có gì lạ thường hay xấu xa cả. Nhận xét của George Kelly nhằm củng cố cho quan điểm đó: Mỗi cá nhân không thể khăng khăng tuân theo công trình cá nhân của mình một cách bảo thủ, con người cần phải thay đổi để tiếp tục phát triển thành những phiên bản tốt hơn. Hoặc ít nhất, cách sống linh hoạt, không ngừng đổi mới sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên thú vị hơn rất nhiều. 


Thế giới bên ngoài không phải lúc nào cũng có ý muốn thay đổi các công trình cá nhân theo ý của xã hội, bởi vậy con người cũng không cần thiết phải trở nên cứng nhắc hay đề phòng nếu ai đó muốn góp ý. “Chúng ta đã thấy sự hỗ trợ tinh thần từ những người xung quanh quan trọng như thế nào đối với thành công của các công trình cá nhân, vì vậy, tạo điều kiện để duy trì sự hỗ trợ này là rất cần thiết”. Đôi khi, cũng cần dành lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ chúng ta trong quá trình tìm ra bản thể của mình và nỗ lực khẳng định nó.

Trong cuốn sách của mình, Brian R. Little đã liên tiếp đưa ra những ví dụ cụ thể về các nghiên cứu khoa học, tâm lý học hành vi, các hiện tượng, sự việc gắn với những cái tên có thực trong cuộc sống hàng ngày. Điều này góp phần củng cố cho luận điểm mà tác giả đưa ra, đồng thời cũng giúp cho cuốn sách trở nên dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn. Suy cho cùng, Bạn Thật Sự Là Ai vẫn là một tác phẩm không dễ để tiếp nhận toàn bộ nội dung một cách sâu sắc nhất, bởi vấn đề liên quan đến bản thể của mỗi cá nhân quả thực vẫn còn là câu hỏi lớn đang bị bỏ ngỏ. Nhưng tác giả đã rất khéo léo trong việc truyền tải nội dung đến với độc giả, khiến người đọc dễ dàng thấu hiểu và tiếp nhận hơn.


 

Lời kết

Brian R. Little đã khẳng định một quy tắc cuộc sống nếu càng ngẫm nghĩ, ta lại càng thấy tâm đắc. Chúng ta đã đi cả một chặng đường dài để tìm hiểu về sự ảnh hưởng của con người sinh học, hoàn cảnh sống hay môi trường xung quanh đến công trình cá nhân của mỗi người. Để cuối cùng nhận thấy “thước đo rõ ràng nhất cho mức độ hạnh phúc của con người không phải là sống hạnh phúc mà là sống hết mình”. Chỉ khi được khẳng định mình, sống là chính mình, con người mới phát huy được hết những khả năng còn tiềm ẩn bên trong. Bên cạnh đó, việc bảo toàn công trình cá nhân luôn cần đi đôi với tâm thế cởi mở đón nhận cái mới. Sự không ngừng thay đổi của các nét tính cách phản ánh tầm ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội đến với công trình cá nhân, và cũng phản ánh sự khao khát được phát triển đến những mức cao hơn của con người.

Dù vậy, con người không nhất thiết mải mê chạy theo những thành tích cá nhân, đôi khi cũng cần dành phần thưởng cho bản thân vì đã cố gắng không ngừng nghỉ, sự thả lỏng giúp cho các công trình cá nhân được hình thành một cách hiệu quả hơn. Mỗi chúng ta đều xứng đáng được nghỉ ngơi, và thực sự cần được nghỉ ngơi. Thả lỏng đôi khi cũng là một kiểu cố gắng.

 



Tóm tắt bởi: Hoà Hương - Bookademy

Hình ảnh: Cẩm Anh


--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


 

 

 


Xem thêm

Dựa trên các nghiên cứu dài hàng chục năm về "bản tính thứ ba", “Bạn Thật Sự Là Ai?” không chỉ mang đến một lăng kính mới giúp mỗi người tìm được hướng đi tiệm cận hơn với chân tính, mà còn gợi mở cách thức giúp bạn thiết kế nên phiên bản tương lai để có thể sống trọn vẹn cuộc đời như mình mong muốn.

Bạn là một người trầm tính, là người hướng ngoại, người thích chăm sóc người khác, người nóng tính, dễ cáu bẳn,…

Khi đứng trước những câu hỏi này, ta luôn có lý do hợp lý để giải thích cho tính cách của mình, và phần lớn, chúng được khắc họa dựa trên những yếu tố như hoàn cảnh gia đình, văn hóa cộng đồng, môi trường chính trị mình đang sống,…

Không riêng gì bạn, ngay cả các nhà tâm lý học cũng đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu và tranh luận mới đi đến kết luận: bản thể hiện tại của mỗi người là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền bên trong và các tác động đến từ xã hội bên ngoài; tất cả đã định hình nên cuộc đời và cách ta hành xử.

Thế nhưng, nếu yếu tố di truyền và bối cảnh xã hội làm nên bản chất con người, thì lý giải thế nào khi có rất nhiều nhân vật kiệt xuất trên thế giới lại từng sinh ra trong nghèo khó, xuất thân từ môi trường đầy xung đột, như Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, nam diễn viên huyền thoại Cary Grant hay Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey,…?

Xuất phát từ ý tưởng khác biệt với các đồng nghiệp, “Bạn Thật Sự Là Ai?” của Brian R. Little là sự đúc kết cô đọng của các công trình nghiên cứu và tìm hiểu, được ông thực hiện trong hơn nửa thế kỷ.

Cuốn sách giúp ta lý giải ngoài đặc tính sinh học và đặc điểm xã hội thì vẫn còn điều khác tác động và làm nên chúng ta.

“Bạn Thật Sự Là Ai?” là một câu hỏi lớn của đời người mà không phải ai cũng sớm tìm được đáp án. Hoặc có những người đã vội nhắm mắt khoanh bừa vào ô “sinh ra vốn vậy" hay “xã hội đẩy đưa". Tiến sĩ Brian R. Little với những đóng góp lớn lao trong việc nghiên cứu tính cách con người và tâm lý học động lực thông qua cuốn sách này đã chứng minh cho chúng ta thấy tiềm năng của mỗi cá nhân có thể vượt xa hơn khỏi rào cản của xã hội hay các yếu tố về gen di truyền. 

Hãy chủ động giành lấy tương lai của chính mình, xây dựng nó với những công trình cá nhân cốt lõi - những công trình là lẽ sống của bạn mỗi ngày. Nhưng trong quá trình hết mình vì tương lai ấy, mong bạn đừng quên để chừa chỗ cho những bất ngờ mà cuộc sống mang lại. Hãy cởi mở với những người bạn mới, hãy cho phép mình ngạc nhiên với những niềm vui và hạnh phúc ngoài mong đợi. 

Theo đuổi những công trình cá nhân định hình nên bạn là điều quan trọng, nhưng hãy nhớ thả mình vào từng khoảnh khắc của hiện tại, dù là nỗi buồn hay hạnh phúc, bởi tất cả những điều đó mới có thể giúp bạn trả lời cho câu hỏi đời người rằng “Bạn Thật Sự Là Ai?”

Nếu bạn đang hoang mang tìm kiếm câu trả lời cho việc tìm hiểu chính mình, về lý do mình được sinh ra và lý do với những thành công hay thất bại xung quanh mình, hy vọng cuốn sách nhỏ của tiến sĩ Brian R. Little có thể trở thành ngọn đèn hải đăng rực sáng, hướng bạn đến nơi an toàn trong đêm tối vẫy vùng với những câu hỏi chơi vơi. 

Trong cuốn sách này, Brian phân tích chi tiết cho chúng ta về ý nghĩa của những công trình cá nhân từ “các công trình hướng về bản thân" cho đến các công trình cá nhân nơi công sở, trong mối quan hệ tình cảm và các yếu tố văn hoá chính trị. Từ các phân tích đó, “Bạn Thật Sự Là Ai?” đưa ra những đánh giá cụ thể về các công trình cá nhân, bởi: “Biết rõ các nội dung của các công trình cá nhân của bạn là rất quan trọng nhưng biết cách đánh giá chúng còn quan trọng hơn.” Vì nó sẽ tác động trực tiếp đến hạnh phúc và tương lai của bạn. 

Nhiều người trong số chúng ta thường mặc định tính cách hay bản thể của mình là không thể thay đổi, nhưng Brian đã chứng minh thông qua cuốn sách này, rằng khi ta nhìn nhận tính cách ở góc độ “thực hiện các công trình cá nhân" thay vì mặc định bản thân “sở hữu các nét tính cách vốn có" chúng ta sẽ nhìn ra được tiềm năng để thay đổi. Chúng ta có thể lựa chọn điều chỉnh các công trình cá nhân một cách có ý thức theo những cách mà chúng ta không thể dùng để thay đổi các đặc điểm tính cách của mình. 

Tuy các công trình cá nhân của chúng ta cũng có mối liên kết chặt chẽ với năm nhóm tính cách lớn và cả hạnh phúc của chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa rằng các đặc điểm tính cách này sẽ tác động trực tiếp tới hạnh phúc của mỗi cá nhân. 

Ví dụ: Người ta có thể đánh giá người hướng ngoại dễ cảm nhận hạnh phúc hơn những người hướng nội, nhưng ngược lại không phải người hướng nội nào cũng khó chịu với một cuộc sống bất hạnh. Họ vẫn có thể phát huy sở trường của mình, thực hiện những công trình cá nhân hướng họ tới niềm hạnh phúc. 

Nói tóm lại, Brian và “Bạn Thật Sự Là Ai?” đưa ra vô vàn dẫn chứng, để chứng minh rằng “khi nói đến hạnh phúc, các công trình cá nhân có thể tác động vượt trội hơn các đặc điểm tính cách. Điều này mang đến cho bạn hy vọng rằng bạn không phải là nạn nhân của những đặc điểm tính cách bẩm sinh.”

Và “những gì bạn làm có ý nghĩa lớn hơn những gì bạn có sẵn khi chào đời". 

Brian cũng đưa ra những câu chuyện và ví dụ cụ thể, giúp bạn hiểu rõ được sức mạnh của bản thân mình - sức mạnh của người nắm quyền với những thay đổi diễn ra xung quanh. Như cách Brian đã chứng minh bạn có thể chọn một nét tính cách tự do để vượt qua bản tính sinh học của mình, bạn cũng có thể chủ động thay đổi môi trường để dọn đường cho các công trình cá nhân giúp bạn chủ động hơn với thành công hay thất bại của cuộc đời mình. 

Nếu có ai đó bất chợt hỏi bạn: “Bạn là ai?” 

Bạn sẽ trả lời như thế nào? 

Tôi là một nhân viên văn phòng, tôi là một người hướng nội, là một người biết chịu trách nhiệm, hay là một người kiên định,… 

Có hàng ngàn, hàng vạn đáp án được đưa ra cho câu hỏi ngắn gọn này. Bởi chúng ta đều có nhận thức về những nét tính cách cơ bản định hình nên chính mình. Vậy từ cơ sở nào mà bạn lại đưa ra được những định nghĩa về bản thân mình như vậy? 

Có rất nhiều người - trong đó có thể có cả bạn, cho rằng: cuộc đời được định hình sẵn và chẳng thể thay đổi được. Cũng giống như câu hỏi “Bạn là ai?” đã được mặc định bởi hoàn cảnh sống hay các yếu tố như: gia đình, văn hóa cộng đồng, môi trường chính trị,… 

Thế nhưng, tiến sĩ Brian R. Little - học giả và diễn giả nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách con người và tâm lý học động lực, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Bạn Thật Sự Là Ai?” lại cho rằng: Dù có trả lời câu hỏi “Bạn là ai?” theo cách nào đi chăng nữa thì cũng không thể nào thể hiện đầy đủ bản chất thật sự của chúng ta. 

Và bởi “thật quá hạn hẹp nếu bạn chỉ đơn giản định nghĩa bản thân như một sản phẩm của tác động sinh học và ảnh hưởng xã hội". 

Đó cũng là một trong những lý do khiến ông chắp bút nên cuốn sách “Bạn Thật Sự Là Ai?” - cuốn sách với tâm huyết và sự tận tụy của Brian R. Little nhằm thuyết phục bạn rằng con người bạn còn được định hình bởi các công trình cá nhân bắt nguồn từ cả nền tảng sinh học lẫn văn hoá chứ không chỉ bởi yếu tố di truyền hay kinh nghiệm sống. 

Những công trình cá nhân mà tiến sĩ nêu ra trong cuốn sách này có thể khiến bạn mở rộng giới hạn bản thân theo các chiều hướng mới và làm cho cuộc đời mình thêm ý nghĩa. Cách nhìn nhận bản thân này sẽ giúp bạn tự hỏi: “Thật sự thì mình là ai?”. Và khi đã được trang bị kiến thức để tự hiểu mình, bạn có thể biết mình đang sống như thế nào và bắt đầu chủ động định hướng tương lai của chính mình.