Là một quốc gia “cửa ngõ” của Đông Nam Á, Việt Nam từ ngàn đời nay đã được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới. Trong quá trình tiếp xúc ấy, ta tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa từ các nền văn hóa lớn như văn hóa Trung Hoa, văn hóa Ấn Độ (thông qua con đường biển từ phía Nam hoặc từ các nước Thái Lan, Campuchia). Dẫu tiếp thu rất nhiều tinh hoa của những nền văn hóa lớn như vậy, Việt Nam vẫn không tuân theo hoàn toàn, không “đồng hóa” mình với những nền văn hóa đó mà học hỏi rồi từ đó làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc của chính đất nước mình. Một trong những nét đẹp văn hóa làm nên màu sắc riêng của nước ta chính là tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ. Ta có thể tìm hình ảnh và thông tin về loại tín ngưỡng này một cách rất dễ dàng trên mạng. Tuy nhiên, do đây chỉ một tín ngưỡng chứ không phải tôn giáo nên vẫn chưa có hệ thống phân cấp, điển tích điển cố về các vị Thánh thống nhất hoàn toàn với nhau giữa các vùng miền. Chính vì vậy, trong quá trình tìm kiếm thông tin trên mạng, ta rất dễ bị bối rối, hoang mang trước vô số nguồn thông tin. Để có hiểu biết bao quát, thương đối có hệ thống về Đạo Mẫu, ta nên tìm đọc những cuốn sách nghiên cứu về loại hình tín ngưỡng dân gian này. Một trong những đầu sách về Đạo Mẫu là cuốn Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ Chốn thiêng nơi cõi thực - Thạc sĩ Trần Quang Dũng chủ biên. Với lượng kiến thức rộng, bao quát và đầy đủ, công trình trên hứa hẹn sẽ cung cấp cho những bạn đọc lần đầu muốn tìm hiểu Đạo Mẫu một lượng thông tin mới mẻ, bổ ích và vô cùng thú vị.

Đạo Mẫu từ hàng thế kỉ qua là tín ngưỡng đặc trưng của người Việt. Đạo Mẫu là tổ hợp những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc: âm nhạc, trang phục, nghi lễ, lịch sử,... Việc UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ Mẫu" tại Việt Nam là "Di sản Văn hóa Phi Vật thể", là tài sản chung của nhân loại, càng xác định ý nghĩa đặc biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa Việt Nam nói riêng và của nền văn hóa toàn nhân loại nói chung. Đạo Mẫu không đứng một mình một cõi. Đây là thành quả của việc kết hợp những nét của Đạo Giáo và Phật Giáo với hệ tư tưởng tôn sùng tính nữ, tôn sùng một “bà mẹ thiên nhiên vĩ đại” luôn yêu dân giúp dân của người Việt từ ngàn xưa.


Sự khác biệt cơ bản của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được nói tới so với các loại hình tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần đã có trước đó là hệ thống phân cấp: “Tam phủ” (Tam tòa Thánh Mẫu” và “Tứ phủ” (gồm bốn “phủ” thể hiện quan điểm nhận thức về thế giới tự nhiên của người Việt cổ: Thiên, Địa, Thoải, Nhạc).

Thiên phủ tượng trưng cho miền trời, có màu sắc đặc trưng là màu đỏ. Địa phủ tượng trưng cho miền đất, được nhận biết bởi màu vàng. Thoải phủ tượng trưng cho miền nước (“thoải” là âm đọc trại đi của chữ “thủy”) với màu sắc đặc trưng là màu trắng. Cuối cùng là Nhạc phủ (miền rừng) với các màu tượng trưng là xanh lá cây, lam, chàm, tím, xanh da trời. Với đặc thù là tín ngưỡng dân gian và có tính mở (Tứ phủ vạn linh), hệ thống các vị phải thờ của trong điện thờ Đạo Mẫu có nhiều điểm giống với Phật giáo và Đạo giáo. Qua thời gian, với nhiều sự thu nạp từ nhiều nguồn khác nhau, hệ thống thờ tự của Đạo Mẫu có thể được tóm lại như sau: Chư Phật - Vua Cha - Thánh Mẫu - Quan lớn - Chầu Bà - Ông Hoàng - Thánh cô - Thánh cậu. Có thể thấy dù Thánh Mẫu là trung tâm thờ tự của tín ngưỡng, nhưng trên Thánh Mẫu còn có Chư Phật và Vua Cha (Tứ phủ Vua Cha). Chư Phật, với đại diện là hình ảnh Phật Bà, cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo đến tín ngưỡng thờ Mẫu còn hình ảnh Vua Cha lại thể hiện rất rõ dấu tích của Đạo giáo. Điều này cho thấy sự hội nhập, giao thoa văn hóa đã có từ rất lâu ở Việt Nam. Khi tiếp nhận, ta không tiếp nhận một cách thụ động, hấp thụ toàn bộ mà không suy xét. Người Việt cổ rõ ràng đã xem những văn hóa ngoại lại ấy như một phần của chính mình, biến đổi cho phù hợp với sự thờ phụng nền văn hóa - tín ngưỡng bản địa. Phật Bà luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện thờ. Các điển tích về ngài không thực sự rõ ràng, có dấu ấn riêng mà được lồng vào các huyền tích của Thánh Mẫu. Trong khi đó, bốn vị Vua Cha có cho mình các huyền tích rất đặc sắc. Câu chuyện về các ngài gắn với những chiến công hiển hách cho đất nước, gắn với việc cứu giúp dân lành, làm cho cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no. Bốn vị Vua Cha (Tứ phủ Thần Vương) bao gồm: Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua Cha Bát Hải Động Đình, Ngũ Nhạc Thần Vương và Bắc Âm Phong Thiên Nguyên Đại Đế. Tuy nhiên, thông thường ta chỉ thấy trong điện thờ đại diện một vị là Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế hoặc ba vị gồm Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua Cha Địa phủ Diêm La và Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Vua Cha chia làm bốn vị theo bốn phủ, Thánh Mẫu cũng vậy. Trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ cũng có bốn vị Thánh Mẫu cai quản Trời, Đất, Nước Rừng. Tuy vậy, trong các điện thờ, cũng chỉ thường thấy thờ tôn tượng của ba vị Thánh Mẫu, gọi là Tam toàn Thánh Mẫu, đại diện cho ba phủ: Thiên (Trời), Nhạc (Rừng) và Thoải (Nước). Cho đến nay, có nhiều hướng lý giải khác nhau cho việc thờ ba vị chứ không phải bốn vị. Một là thuyết “thiên-địa đồng quy”, coi việc thờ Mẫu Thiên cũng giống như thờ Mẫu Địa. Mẫu Địa có thể được đồng hóa với Mẫu Thiên ở một số vùng miền. Ở những vùng miền khác, Mẫu Địa và Mẫu Nhạc (Rừng) cũng được xem là như nhau vì miền Rừng cũng mọc ngay trên miền Đất, hai miền này có thể được xem là một. Giả thuyết tiếp theo là Mẫu Thượng Ngàn được đưa vào sau trong Tứ phủ Thánh Mẫu và Ngài ngự chính ở Động Sơn trang hay Cung Sơn trang. Dù chỉ thờ ba hoặc một vị, trong các bản văn chầu, khoa cúng còn được lưu truyền và nhiều văn bản tài liệu khác, ta vẫn ghi nhận trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ có thờ bốn vị Thánh Mẫu bao gồm: Thánh Mẫu Cửu Trùng, Thánh Mẫu Thần chủ, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Trong các nghi lễ hầu đồng, khi hầu giá các vị Thánh Mẫu chỉ trùm khăn phủ diện để thỉnh các ngài về tráng bóng rồi thăng, chứ không mở khăn.

 


Các huyền tích về Thánh Mẫu

Thánh Mẫu Cửu Trùng, hay Cửu Trùng Thiên Thanh Vân Công chúa. Từ các tư liệu còn lưu truyền đến nay, hình ảnh Thánh Mẫu Cửu Trùng rất quan trọng trong thần điện từ xa xưa, là vị Thánh Mẫu ngự trên trời, cai quản chốn thượng giới. Đề thờ Thánh Mẫu đến nay được biết đến là đền Mẫu Cửu và đền Sở ở thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Thánh Mẫu Thần Chủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ được biết tới là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tuy Thánh Mẫu xuất hiện trong lịch sử khá muộn, khoảng thế kỷ XV, nhưng ngay khi xuất hiện lại có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hệ thống thờ phụng trong các thần điện, cũng như niềm tin của nhân dân về sự tồn tại linh thiêng của ngài. Theo huyền tích, ngàu là Đệ nhị Tiên cung (Công chúa con Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế), có ba lần giáng sinh nơi trần gian. Khi còn trong thân xác phàm trần, Mẫu cũng có cha mẹ, chồng con. Các tích truyện về ngài luôn là những tích truyện ca ngợi những đức tính tốt đẹp, đáng để noi theo của bà như lòng hiếu thảo, sự chung thủy. Thánh Mẫu là biểu tượng của nếp sống hướng thiện cao đẹp mà bất cứ ai cũng phải noi theo. Khi Ngài hiển thánh, ngài lại tiếp tục ban tạo phúc lành cho nhân dân, bảo hộ cho dân lành, trừng trị kẻ ác. Qua những năm tháng lịch sử dài đằng đẵng, khắc ghi công ơn của ngài, nhân dân tôn ngài thành một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, bên cạnh Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử và Phù Đổng Thiên Vương.

 

Thánh Mẫu Thoải cung hay Mẫu Thoải, là Thánh Mẫu Đệ Tam trị vì miền sông biển. Theo huyền tích lưu truyền trong dân gian, ngài là Xích Lân Công chúa, con gái Vua Cha Thủy Quốc Động Đình, nên duyên với Kinh Xuyên vốn dòng trâm anh thế phiệt. Kinh Xuyên nghe lời xằng bậy của vợ hai là Thảo Mai, nghi oan cho Mẫu tội không chung thủy nên đày ngài lên chốn rừng sâu Với đức hạnh sáng ngời của mình, ngài được muôn loài trong rừng quý mến, hằng ngày dâng tiến quả hoa. Một hôm, nho sinh Liễu Nghị trên đường trở về sau kỳ lên kinh ứng thí, qua chốn rừng sâu gặp được người tiên, cảm thương nỗi niềm đã nhận lời chuyển giúp lá thư của Mẫu cho Vua Cha. Mẫu được giải oan, quay trở về long cung. Các triều đại phong kiến Trần, Lê đã ghi nhận và ban các đạo sắc phong cho ngài vì những lần hiển linh cứu dân cứu nước.

 

Thánh Mẫu Thượng Ngàn là vị Thánh Mẫu cai quản miền rừng núi. Ở Lạng Sơn, dân gian tin rằng ngài là Công chúa La Bình, con của Đức Thánh Tản Viên và Mỵ Nương công chúa. Nàng là một giai nhân tuyệt sắc, lại có nhiều tài nghệ, thường đi chu du cùng cha khắp các rừng núi, hang động. Đi tới đâu, Công chúa cũng đều quyến luyến với phong cảnh ở đó, cùng cây cỏ chim muông bầu bạn. Các vị thần ở núi non rất yêu quý nàng. Ngọc Hoàng biết được, lấy làm khen ngợi, phong nàng là Thượng Ngàn Công chúa, cai quản tám mươi mốt cửa rừng chố Nam Giao. Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV, Mẫu nhiều lần âm phù giúp Lê Thái Tổ tránh được những cơn nguy khốn.

Dưới hàng Thánh Mẫu là Ngũ vị Tôn Quan. Đây là năm vị quan lớn thừa lệnh Vua Cha và Thánh Mẫu cai quản Tứ phủ, từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ. Trong các đền, điện, phủ, đây là năm vị quan lớn được thờ ở Ban Công đồng, hoặc ở cung cấm tại nơi chính thờ từng vị. Cùng với quan điểm thống nhất về việc thờ phụng Ngũ vị Tôn Quan, theo quan niệm địa phương, ở vùng An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, còn có mười đền thờ thập vị Hoàng tử con Vua Cha Bát Hải Động Đình. Ngoài ra, còn thờ thêm các vị Quan lớn theo quan niệm dân gian ở một số vùng, miền.

 

Tứ phủ Chầu Bà, hay Tứ phủ Thánh hầu là các vị thánh nữ thay quyền Thánh Mẫu cai quản khắp bốn phủ. Hiện nay trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ chưa có sự thống nhất về số lượng các vị Thánh Chầu. Tuy nhiên, về cơ bản, các vị đều có hiện diện ở cả bốn phủ: Thiên, Địa, Thoải, Nhạc.

 

Tứ phủ Thánh Hoàng hay Tứ phủ Ông Hoàng là các vị Thánh nam dưới hàng Chầu Bà. Các Thánh Hoàng được gọi tên theo thứ tự từ Ông Hoàng Cả đến Ông Hoàng Mười. Tùy từng địa phương nơi thờ phụng các Thánh Hoàng, huyền tích về các Ông có sự phong phú và đa dạng vô cùng, tuy nhiên, các huyền tích đều có điểm chung là gắn liền với những nhân vật lịch sử, thường là các danh tướng có công diệt giặc, hoặc là những người khai sáng, có công mở mang đất nước. Điều này cũng thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Trong các đền, điện, phủ, ở hàng Tứ phủ Thánh Hoàng, đại diện có Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười thường được thờ ở Ban Công đồng, dưới hàng Ngũ vị Tôn Quan hoặc thờ ở ban riêng. Các ngài thường đảm nhiệm chức năng thay quyền Vua Cha, Thánh Mẫu ban tài, tiếp lộc, ban công, bao quyền, phù trợ việc học hành, thi cử; cũng có khi chấm lính, bắt đồng hoặc ứng đồng xem bói (Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười). Công trình nghiên cứu trên còn giới thiệu về Tứ phủ Thánh Cô, Tứ phủ Thánh Cậu và hàng thần linh trấn trị bản đền là Ngũ Hổ (năm Ông Hổ) và Ông Lốt (Ông Rắn).

Bên cạnh việc giới thiệu các vị Thánh được thờ trong đền, điện, phủ thuộc Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, công trình còn giới thiệu về các lớp tín ngưỡng có mối quan hệ mật thiết với thờ Mẫu. Là một tín ngưỡng dân gian dân tộc của người Việt, thờ Mẫu Tứ phủ không chỉ học hỏi và chịu ảnh hưởng từ những nền văn hóa lớn của thế giới mà còn thu nạp cả những lớp tín ngưỡng thờ cúng phái sinh sau này trên chính mảnh đất Việt Nam xinh đẹp. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Việt ta thường lập đền thờ các vị tướng lĩnh, tổ nghề có công lớn trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Những dòng thờ nhỏ lẻ như vậy cũng được nhập thành một bộ phận trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Những anh tài kiệt xuất ấy đôi khi được đồng hóa với một trong những vị thánh trong hệ thống thờ tự chính quy, đôi khi cũng có cho mình một ban thờ riêng trong đền thờ Thánh Mẫu. Sự thu nạp có chọn lọc, hợp lòng dân, hợp lòng triều đình phong kiến như vậy giúp Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ trở nên vững mạnh hơn, lan tỏa rộng rãi hơn trong cả đời sống của quần chúng nhân dân lẫn quan lại quý tộc. Ba lớp tín ngưỡng thờ phụng được phối thờ cùng với hệ thống các vị Thánh trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ bao gồm: Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, Phụng thờ các vị Chúa Bà và Tín ngưỡng thờ Tứ vị Hồng Nương. Ở đây tôi xin tập trung vào lớp tín ngưỡng được biết đến rộng rãi nhất cũng như được nhân dân tin theo nhiều nhất là Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là sự thể hiện rất tập trung của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các vị anh hùng vì nước, vì dân, trong đó, các vị Thánh được phụng thờ đều là những nhân vật lịch sử, huyền tích về các vị gắn với những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc dưới thời nhà Trần (thế kỉ XIII). Trung tâm của tín ngưỡng chính là Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Chính sử Việt Nam còn ghi rõ về gia thế và xông lao của Đức Thánh Trần Hưng Đạp đối với công cuộc đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Ngài là nhà quân sự tài ba, là chiến thần trăm trậm trăm thắng, là vị thần tử trung thành một lòng vì quân chủ. Trong tâm thức dân gian, ngài là vị Thánh bảo quốc, an dân, trừ yêu, dẹp loạn, cứu độ chúng sinh lầm than, cơ cực.

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, sức sống của Tín ngưỡng thờ Mẫu là minh chứng không thể phủ nhận cho các giá trị của tín ngưỡng. Việc UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại một lần nữa hợp thức hóa và tôn vinh ở tầm quốc tế những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. (Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO)

Do từng bị nhiều kẻ gian lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi bất chính, việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam từ bị cấm và bị xem như một thứ tà đạo. Tuy nhiên, sau khi được đánh giá, nhìn nhận lại một cách cẩn thận, Tín ngưỡng thờ Mẫu được trao trả lại những gì nó xứng đáng được nhận vì đã là một lớp Tín ngưỡng nhân đạo, nhân văn, thể hiện nhiều đạo lý tốt đẹp và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bài trừ mê tín, bảo vệ các di sản văn hóa tốt đẹp là bổn phận cao quý của những người con đất Việt. Qua việc tìm hiểu công trình nghiên cứu trên của Trần Quang Dũng, với việc thu nạp các kiến thức cần thiết, bạn đọc sẽ phân biệt được đâu là các hành vi lợi dụng thờ Mẫu để tuyên truyền mê tín dị đoan, đâu là thực hành các nghi lễ văn hóa đặc sắc mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.  

 --------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
Xem thêm

Trong các tín ngưỡng ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là tín ngưỡng nội sinh mang bản sắc Việt, của người Việt. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy sự giao thoa văn hoá thờ Mẫu với văn hoá Phật giáo (Ấn Độ) và Đạo giáo (Trung Hoa). Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia và còn của cả nhân loại. Mỗi dịp Tết đến xuân về, văn hoá thờ Mẫu lại được thể hiện sinh động trong đền, điện, phủ... khắp các làng xã Việt Nam. Mặc dù đâu đó vẫn có những hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh nhưng giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hoá của người dân Việt Nam. Tín ngưỡng ấy giúp xoa dịu nỗi đau, mất mát, thiệt thòi; tạo niềm tin to lớn cho con người hướng thiện và vươn tới những giá trị tốt đẹp hơn. Người mẹ, từ bao đời nay luôn là tượng đài vĩ đại, bất diệt vì tình yêu thương bao la vô bờ bến. Sáng nay qua Đền Mẫu thờ mẹ Thánh Gióng trong khu di tích Đền Sóc, tôi có thấy một đoạn viết: “Tưởng nhớ công ơn, nhân dân lập đền thờ mẫu thân, thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc Việt: khi ta sinh ra có mẹ ôm ấp, che chở, khi chúng ta không ở cõi đời này nữa cũng là khi ta về với mẹ, mẹ luôn ở bên và dìu dắt ta suốt cuộc đời”. Đối với tâm thức dân gian Việt Nam, nói đến tín ngưỡng đơn giản là nói đến hình ảnh Người Mẹ. Bởi vì “Người Mẹ là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, trái tim nhân hậu và cốt cách Việt Nam”... Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ cho chúng ta gần và bình yên hơn khi được Mẹ chở che, trọn đời...

Khi được hỏi về “Cuốn sách của năm”, không hiểu sao mình chỉ nghĩ đến cuốn sách này. Cho dù mình chắc rằng biết nếu mình nói về nó, thì chính là mình không biết tự lượng sức mình, bởi vì mình chỉ mới bước đi những bước chập chững đầu tiên trong chặng đường dài tìm hiểu về văn hóa của chính dân tộc mình thôi. Nhưng có một điều gì đó bên trong đã thôi thúc mình nói về nó. Nói về một tín ngưỡng mang bản sắc dân tộc Việt Nam dường như đang bị bỏ quên và sợ hãi trên chính nơi chôn nhau cắt rốn này. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2012. Và có lẽ là, chưa di sản văn hóa nào lại gần gũi với chúng ta hơn thế. Có năm nào hội Phủ Dầy không nô nức du khách? Có năm nào Phủ Tây Hồ chưa từng lên tivi vì kẹt cứng mỗi dịp xuân về? Tuy nhiên, do có sự đứt gãy văn hóa trong một thời kỳ dài, dẫn đến sự hiểu biết không đúng đắn, nhiều người đến nay vẫn cho rằng tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ theo một quan niệm như “đồng bóng”, “mê tín dị đoan”… và rất ngại ngùng, thậm chí trốn tránh nhắc đến, cũng như tìm hiểu về nó. Trong số hàng chục ngàn người đến các Đền, Phủ cầu an mỗi năm, liệu có được bao nhiêu người hiểu rõ đền, phủ đó thờ những ai? Vì sao lại thờ các vị ấy? Trong tác phẩm “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, Đại đức Hae Min từng viết: “Chính sự thiếu hiểu biết về các tôn giáo khác Là nguyên nhân gây ra sự đàn áp và các mẫu thuẫn tôn giáo Những lời dạy của các thánh nhân đều rất hay và đáng trân trọng Sẽ không hại gì nếu bạn tìm hiểu chúng đâu.” Vậy thì chúng ta còn ngại gì khi tìm hiểu chính tín ngưỡng của dân tộc mình. Đây là một quyển sách sơ lược về Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ. Tuy vậy, sách cũng có khá nhiều kiến thức cơ bản cho nhu cầu của một người chưa biết gì về Tín ngưỡng này và muốn khám phá. Sách gồm hai phần chính: Chốn linh thiêng, Thiêng nơi cõi thực và Phụ lục về nơi Cửa Thánh. Ở phần đầu tiên, Chốn linh thiêng, hệ thống các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu, với những thông tin cơ bản nhất như tên hiệu, công trạng, nơi thờ tự tiêu biểu. Bên cạnh đó, cuối phần có giới thiệu thêm về các lớp tín ngưỡng có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, ví dụ như tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, tín ngưỡng thờ Tứ Vị Hồng Nương. Phần thứ hai, Thiêng nơi cõi thực, cung cấp thông tin về một số nghi lễ trong tín ngưỡng, về khăn áo, hoa man – tài mã, lễ vật tiến cúng… Đặc biệt nhất ở trong tác phẩm, là hai trang viết nhỏ nói về chính những vấn đề còn tồn tại trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ hiện nay. Vì sao một tín ngưỡng đẹp như vậy lại ngày càng biến tướng? Và mình khá là ấn tượng ở chú thích của một tấm ảnh trong mục này, cũng là tinh thần chúng ta nên giữ gìn trong các vấn đề tâm linh: “Việc Thánh cốt ở lòng thành…” Ngoài ra, như một món quà nhỏ phía cuối sách, bên cạnh danh sách các Đền, Phủ quan trọng được các tác giả hệ thống với địa chỉ, số điện thoại…; còn có một bài Văn khấn Đền/phủ thông dụng, mà chúng ta có thể áp dụng ngay trong mùa xuân sắp về. Đừng e dè với một quyển sách. Một quyển sách không thể khiến người đọc đi “hầu đồng” ngay được. Không phải cứ tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu là ngày mai chúng ta có thể hát văn. Khi hiểu đúng, khi không còn ngần ngại, không còn sợ hãi, chúng ta mới có thể bảo tồn được di sản văn hóa này. “Tín ngưỡng là một nét văn hóa. Văn hóa tạo nên linh hồn dân tộc. Một dân tộc không có bản sắc là một dân tộc chết.”

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực là một ấn phẩm đặc biệt, bởi mặc dù ra đời sau rất nhiều cuốn sách khác viết về Tín ngưỡng, nhưng đây là lần đầu tiên có một cuốn sách được kết tinh từ tâm huyết, trí tuệ của một nhóm tác giả gồm nhiều nhà nghiên cứu, nhiều đồng đền, thanh đồng, cung văn nổi tiếng. Trong số họ, có những người đã dành cả cuộc đời “nhất tâm phụng sự Tiên Thánh”, với mong mỏi duy nhất là góp phần bảo tồn, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa Tín ngưỡng cho các thế hệ kế tục. Với nội dung được cấu trúc rõ ràng, luận giải khá tường minh về hệ thống thần điện - các vị thánh trong Tín ngưỡng, kèm chỉ dẫn chi tiết về các đền, phủ quan trọng cũng như thông tin cơ bản về các nghi lễ thực hành Tín ngưỡng vốn đang có nhiều biểu hiện bị mai một hoặc bị biến dạng, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực là cuốn sách thật sự cần thiết đối với những ai đã, đang và sẽ quan tâm, tìm hiểu về Tín ngưỡng, cũng như đối với các đệ tử Tín ngưỡng. Cuốn sách còn có gần 100 bức ảnh màu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng, ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sinh động của việc thực hành Tín ngưỡng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, tại sao ta không dành một chút ít thời gian để tìm hiểu về chúng nhỉ? Các bạn thử một lần đi xem và trải nghiệm một buổi hầu đồng sẽ thấy rất nhiều điều thú vị và bổ ích, để thấy được rằng Tín ngưỡng Thờ Mẫu nếu được hiểu đúng không phải là cái gì đó Mê tín dị đoan như một thời gian đã từng bị hiểu nhầm hay do người ta lợi dụng để biến thành Mê tín dị đoan. Trước hết là trong khung cảnh trang nghiêm nơi cửa thiền, trong khung cảnh lung linh hơi chút huyền ảo của hương, nến và hoa. Một buổi hầu đồng bắt đầu như thế. Không thể thiếu trong một buổi hầu đồng là phải kể đến âm nhạc. Tiếng đàn Nguyệt réo rắt, lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt cùng tiếng trống, tiếng phách, tiếng sáo, tiếng chiêng hoà quyện vào làn điệu hát văn quyến rũ, nghe hoài không chán. Các nhân vật trong tín ngưỡng Thờ mẫu Tú phủ mà nhân dân ta tưởng nhớ lập đền thờ đều là những người có công với dân, với nước có công xây dựng vùng đất mình cai quản. Bạn sẽ được gặp những Quan giám sát nhà Trần, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh với ão mão chỉnh tề nguy nghi hùng dũng. Hay những ông Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười khăn áo dịu dàng, tài đức vẹn toàn không ai sánh được. Những Chúa Thác Bờ, Cô bé Thượng Ngàn miền sơn cước với cảnh vật rừng núi bao la. Những Chầu Lục, Chầu Bát, Chầu Mười, Cô Bơ, Cô Chín và rất nhiều những nhân vật khác. Mỗi nhân vật hiện lên qua những trang phục và cách phục sức khác nhau (hay người ta còn gọi là đóng đồng), màu sắc khác nhau: trắng, vàng, đen, xanh, đỏ, tím tuỳ từng nhân vật. Chứng kiến một buổi hầu đồng bạn sẽ được thoả mãn mọi giác quan: nghe, nhìn và cảm nhận. Nếu bạn đi một lần mà vẫn chưa hiểu lắm thì cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu thêm về tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ bởi những nghiên cứu, sưu tầm, hình ảnh minh hoạ được tác giả đưa vào trong quyển sách này. Điều thú vị ở cuốn sách là ở cuối có một số những đền và địa điểm thờ các vị Thánh được thờ trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ và một bài cúng thông dụng mà ai cũng có thể học được. Nói thật là mỗi lần đi xem các buổi hầu đồng chỉ muốn ngồi nghe và xem mãi không dứt ra được.

Khi được hỏi về “Cuốn sách của năm”, không hiểu sao mình chỉ nghĩ đến cuốn sách này. Cho dù mình chắc rằng biết nếu mình nói về nó, thì chính là mình không biết tự lượng sức mình, bởi vì mình chỉ mới bước đi những bước chập chững đầu tiên trong chặng đường dài tìm hiểu về văn hóa của chính dân tộc mình thôi. . Nhưng có một điều gì đó bên trong đã thôi thúc mình nói về nó. Nói về một tín ngưỡng mang bản sắc dân tộc Việt Nam dường như đang bị bỏ quên và sợ hãi trên chính nơi chôn nhau cắt rốn này. . Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2012. Và có lẽ là, chưa di sản văn hóa nào lại gần gũi với chúng ta hơn thế. Có năm nào hội Phủ Dầy không nô nức du khách? Có năm nào Phủ Tây Hồ chưa từng lên tivi vì kẹt cứng mỗi dịp xuân về? . Tuy nhiên, do có sự đứt gãy văn hóa trong một thời kỳ dài, dẫn đến sự hiểu biết không đúng đắn, nhiều người đến nay vẫn cho rằng tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ theo một quan niệm như “đồng bóng”, “mê tín dị đoan”… và rất ngại ngùng, thậm chí trốn tránh nhắc đến, cũng như tìm hiểu về nó. Trong số hàng chục ngàn người đến các Đền, Phủ cầu an mỗi năm, liệu có được bao nhiêu người hiểu rõ đền, phủ đó thờ những ai? Vì sao lại thờ các vị ấy? . Trong tác phẩm “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, Đại đức Hae Min từng viết: “Chính sự thiếu hiểu biết về các tôn giáo khác Là nguyên nhân gây ra sự đàn áp và các mẫu thuẫn tôn giáo Những lời dạy của các thánh nhân đều rất hay và đáng trân trọng Sẽ không hại gì nếu bạn tìm hiểu chúng đâu.” . Vậy thì chúng ta còn ngại gì khi tìm hiểu chính tín ngưỡng của dân tộc mình. . Đây là một quyển sách sơ lược về Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ. Tuy vậy, sách cũng có khá nhiều kiến thức cơ bản cho nhu cầu của một người chưa biết gì về Tín ngưỡng này và muốn khám phá. . Sách gồm hai phần chính: Chốn linh thiêng, Thiêng nơi cõi thực và Phụ lục về nơi Cửa Thánh. . Ở phần đầu tiên, Chốn linh thiêng, hệ thống các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu, với những thông tin cơ bản nhất như tên hiệu, công trạng, nơi thờ tự tiêu biểu. . Bên cạnh đó, cuối phần có giới thiệu thêm về các lớp tín ngưỡng có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, ví dụ như tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, tín ngưỡng thờ Tứ Vị Hồng Nương. . Phần thứ hai, Thiêng nơi cõi thực, cung cấp thông tin về một số nghi lễ trong tín ngưỡng, về khăn áo, hoa man – tài mã, lễ vật tiến cúng… . Đặc biệt nhất ở trong tác phẩm, là hai trang viết nhỏ nói về chính những vấn đề còn tồn tại trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ hiện nay. Vì sao một tín ngưỡng đẹp như vậy lại ngày càng biến tướng? Và mình khá là ấn tượng ở chú thích của một tấm ảnh trong mục này, cũng là tinh thần chúng ta nên giữ gìn trong các vấn đề tâm linh: “Việc Thánh cốt ở lòng thành…” . Ngoài ra, như một món quà nhỏ phía cuối sách, bên cạnh danh sách các Đền, Phủ quan trọng được các tác giả hệ thống với địa chỉ, số điện thoại…; còn có một bài Văn khấn Đền/phủ thông dụng, mà chúng ta có thể áp dụng ngay trong mùa xuân sắp về. . Đừng e dè với một quyển sách. Một quyển sách không thể khiến người đọc đi “hầu đồng” ngay được. Không phải cứ tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu là ngày mai chúng ta có thể hát văn. Khi hiểu đúng, khi không còn ngần ngại, không còn sợ hãi, chúng ta mới có thể bảo tồn được di sản văn hóa này. “Tín ngưỡng là một nét văn hóa. Văn hóa tạo nên linh hồn dân tộc. Một dân tộc không có bản sắc là một dân tộc chết.”