Lịch sử nước Mỹ từng có một nhà công nghiệp vừa được kính nể và khâm phục bởi tài làm giàu nhanh chóng nhưng cũng vừa bị khiếp sợ bởi những tham vọng khôn cùng của nhà công nghiệp này. Đó chính là John Davison Rockefeller – người được mệnh danh là người giàu nhất trong những người giàu nhất. Từ một người đào khoai tây thuê với mức lương 4 xu mỗi giờ, Rockefeller đã xây dựng và thiết kế nên một đế chế, một gia tộc hùng mạnh và nắm giữ khối tài sản lên tới 3 tỷ đô-la thời bấy giờ. Vậy con người xuất chúng ấy có tuổi thơ như thế nào? Tính cách mâu thuẫn trong con người ấy được hình thành ra sao? Tất cả điều hấp dẫn cần khám phá về tuổi thơ của một con người, một gia tộc hùng mạnh bậc nhất nước Mỹ thời bấy giờ sẽ được tiết lộ thông qua cuốn sách Gia tộc Rockefeller (Titan: The Life of John D. Rockefeller), chắp bút bởi Ron Chernow – Tác giả từng đoạt giải thưởng National Book Award.

Cuộc đời của John Davison Rockefeller được ghi dấu đặc biệt bằng sự im lặng, bí ẩn và trốn tránh. Dù là chủ của một đế chế dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là chủ của các tổ chức từ thiện quy mô lớn hàng đầu trong thời đại bấy giờ, Rockefeller vẫn là một nhân vật khó hiểu. Ông đã dành cả đời để che đậy đi nhiều tính cách khác nhau dưới các lớp vỏ bí hiểm khó xác thực. Là người nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ, những hành động và phát ngôn của ông đều được ghi chép và phân tích tỉ mỉ trên các mặt báo. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim và là tâm điểm của công chúng, Rockefeller vẫn là một ẩn số khiến người ta phát điên bởi ông dành phần lớn cuộc đời ở đằng sau những bức tường trong điền trang và những tấm kính mờ bao quanh văn phòng.

Ông bà nội: Godfrey Rockefeller & Lucy Avery

Khoảng năm 1723, một chủ cối xay tên là Johann Peter Rockefeller đã đưa vợ cùng năm người con lên thuyền đến Philadelphia và định cư trong một trang trại ở làng Somerville, sau đó tới Amwell, New Jersey. Ông đã thành công và sở hữu nhiều đất đai tại nơi này. Hơn một thập kỷ sau, Diell Rockefeller, người anh em họ của Johann, rời miền Tây Nam nước Đức để chuyển tới New York. Một cuộc hôn nhân đã diễn ra, đó là sự kết duyên của Christina (cháu gái của Diell) với William (cháu trai của Johann).

Trái ngọt của cuộc hôn nhân giữa William và Christina là người con trai Godfrey Rockefeller, ông nội của ông trùm dầu mỏ, đồng thời là tổ tiên trực hệ không ai ngờ đến của gia tộc.

Năm 1806, Godfrey cưới Lucy Avery tại Great Barrington, tiểu bang Massachusetts, bất chấp những nghi ngại của gia đình bà. Thật đáng buồn, Godfrey Rockefeller lại không tương xứng với người vợ tháo vát của mình. Ông có dáng vẻ nghèo hèn, toát lên nét sợ sệt của người luôn thất bại, trong khi đó Lucy lại là người tự tin, cuốn hút và có học vấn cao hơn Godfrey. Lucy sinh được 10 người con, trong đó người con thứ ba, William Avery Rockefeller, được sinh ra tại Granger, New York vào năm 1810. Đó chính là cha của John D. Rockefeller.

Godfrey là người vui tính, tốt bụng nhưng tắc trách và nghiện rượu. Thói nghiện rượu của chồng đã khiến Lucy căm thù rượu và sau này bà luôn nhắc nhở đứa cháu trai của mình về điều đó.

Ông nội Godfrey là người đầu tiên hình thành trong tâm trí John D. một mối tương đồng giữa sự thân thiện với tính bất cẩn, khiến ông có thiên hướng ưa thích những người điềm tĩnh, kín tiếng, biết làm chủ cảm xúc hơn.


Hình mẫu của bà nội Lucy còn ảnh hưởng tới tính cách của John D. Rockefeller nhiều hơn thế. Thông qua nhiều giai thoại còn lưu lại, có thể phỏng đoán rằng Lucy là người có khả năng quản lý cả gia đình và trang trại. Bà chưa bao giờ né tránh việc nặng nhọc.

Bà có thể tự mình dựng một bức tường đá mà chỉ cần sự hỗ trợ của hai con bò.

Lucy là một người phụ nữ tháo vát và nhanh trí, và tất cả những phẩm chất ấy đều được thể hiện trọn vẹn ở cháu trai của bà là John Davison Rockefeller. Và có một điều không thể không nhắc tới khi nói về Lucy, đó là bà vô cùng hứng thú với thảo mộc và những phương thuốc tự chế từ những “bụi cây thuốc” trong vườn nhà. Nhiều năm sau, John D. Rockefeller tò mò muốn biết liệu những phương thuốc tự chế ấy có giá trị y học thật hay không nên đã gửi chúng tới phòng thí nghiệm.

Có lẽ do chính niềm đam mê y học thừa hưởng từ Lucy, mà sau này John D. đã thành lập viện nghiên cứu y học xuất sắc thế giới.

Vùng đất và người dân ở Richford, New York

Người Mỹ xưa chọn cách đổ xô di tản đến những vùng hoang dã ở phía Tây New York như một cách thức tìm kiếm cơ hội mới. Gia đình Rockefeller không phải là ngoại lệ.


Vào những năm 1820, Godfrey và Lucy quyết định tiến về vùng đất Richford, New York, một vùng đất còn thưa thớt dân cư. Khi gia đình Rockefeller đặt chân đến đây, nơi này vẫn chỉ là vùng biên giới hoang vu, và cho tới năm 1821 thì mới trở thành thị trấn. Sự khai hoá ở vùng đất này vào thời điểm đó vẫn còn rất lạc hậu.

Rừng rậm bao quanh, cùng với đó là nhiều loài thú: gấu, nai, báo đen, gà tây hoang và thỏ đuôi bông. Vào ban đêm, mọi người thường đốt đuốc để doạ những bầy sói lang thang kiếm ăn.

Năm 1839, vào thời điểm John D. Rockefeller ra đời, Richford đang dần trở thành một thị trấn nhỏ. Một số ngành công nghiệp non trẻ bắt đầu xuất hiện tại nơi đây như các nhà máy cưa, nhà máy lúa mạch, nhà máy chưng cất rượu,..., ngoài ra còn có cả trường học và nhà thờ. Hầu hết cư dân nơi đây kiếm sống bằng hoạt động canh tác nhọc nhằn, nhưng những người mới đến lại mạnh dạn và tràn đầy hi vọng. Bất chấp những đặc điểm lối sống của vùng biên giới, họ đã mang đến đây văn hoá sống giản dị và tiết kiệm của Thanh giáo New England mà sau này ghi dấu đậm nét trong con người John D. Rockefeller.

Giữa bức tranh toàn cảnh về một thung lũng màu mỡ và vẻ đẹp đồng quê, nhà Rockefeller cố gắng vật lộn với cuộc sống khắc khổ trong một ngôi nhà nhỏ và đơn giản, sâu khoảng 7m và rộng khoảng 5m, được ghép bằng các thanh dầm và gỗ đẽo.

Cha mẹ: William Avery Rockefeller & Eliza Davison và nguồn gốc cái tên “John Davison Rockefeller”

Không thể không nói tới người cha của John là William Avery Rockefeller. Ở tuổi 20, William Avery lựa chọn lối sống lang bạt. Suốt cả cuộc đời, ông dành phần lớn sức lực cho những mánh khoé lừa gạt và trốn tránh những công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, ông sở hữu vẻ quyến rũ bất cần cùng ngoại hình vạm vỡ với chiều cao gần 1m80, khuôn ngực nở, vầng trán cao và bộ râu dày màu nâu vàng, vì vậy mọi người luôn bị che mắt bởi diện mạo ấy. Ông luôn lo sợ có ai đó nhận ra và vạch trần mánh khoé lừa đảo của mình. William Avery Rockefeller hoạt động trên phạm vi khá rộng lớn để trốn tránh pháp luật. Ông lang thang gần 50km đến Tây Bắc Richford, các vùng lân cận Niles và Moravia và rồi gặp Eliza Davison, chính là người vợ tương lai của mình. Bà hoàn toàn bị lừa trước trò bịp bợm của William và dù có bán tín bán nghi về con người này, kể cả khi phát hiện ra sự thật, bà cũng không thể cưỡng lại được sức hút của ông.

18/02/1837, bất chấp sự phản đối của người cha vợ, đám cưới của William và Eliza đã diễn ra. Hầu hết người dân Richford không tin việc Eliza và William gặp nhau chỉ là tình cờ. Họ tin rằng đây là cái bẫy mà William giăng sẵn để giành lấy tài sản của nhà Davison.

Cuộc hôn nhân trong dối trá ấy đã hợp nhất cuộc sống của hai con người với tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, mở đầu cho một loạt chuỗi rắc rối và bất hoà sau này. Chính điều ấy cũng góp phần nhào nặn nên những mâu thuẫn trong tính cách của John D. Rockefeller.


Cuộc hôn nhân của hai người sớm gặp phải sóng gió. Chẳng bao lâu sau đám cưới, William dập tắt hoàn toàn mọi suy nghĩ của Eliza về một đời sống vợ chồng lãng mạn. William không những không bỏ tình nhân cũ của ông là Nancy Brown (quản gia nhà William) mà còn có con với cả tình nhân. Năm 1838, Eliza sinh đứa con đầu lòng là Lucy. Vài tháng sau, Clorinda, con gái ngoài giá thú của Nancy ra đời. Vào đêm 08/07/1839, Eliza hạ sinh một bé trai, chính là John D. Rockefeller.

Đứa trẻ này, sinh ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Van Buren, đã được định mệnh sắp đặt trở thành một nhà tư bản xuất sắc trong tương lai của nước Mỹ và “sống sót” qua thời kỳ Chính sách Kinh tế mới lần thứ hai của Tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Giống như những trùm tư bản khác như Andrew Carnegie (sinh năm 1835 và là nhà tài phiệt ngành thép, góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỉ XIX), Jay Gould (sinh năm 1836 và là nhà đầu cơ, nhà tài chính, tài phiệt ngành đường sắt) hay J. Pierpont Morgan (sinh năm 1837 và là nhà kinh doanh, tài chính, từ thiện và sưu tập nghệ thuật người Mỹ, có vai trò to lớn trong nền công nghiệp Mỹ cuối thế kỷ XIX), John D. Rockefeller chào đời vào cuối những năm 1830 và trưởng thành trong cuộc bùng nổ công nghiệp sau Nội chiến.

Khi John được vài tháng tuổi, Nancy Brown tiếp tục sinh người con gái thứ hai là Cornelia. Như vậy là chỉ trong vòng hai năm, William Avery Rockefeller có tới bốn người con.

Chính vì thế, John Davison Rockefeller (được đặt theo tên ông ngoại) kẹt giữa hai người chị em cùng cha khác mẹ được sinh ra trong tội lỗi.

Cuộc sống rắc rối của mẹ và tuổi thơ khốn khó của con – Vùng đất keo kiệt

Eliza không thể thoải mái với hai đứa con ngoài giá thú của chồng, nhưng vốn là một người phụ nữ nông thôn xa nhà, bà đã khoan dung với Nancy Brown đến không ngờ. Trái với những gì mọi người tưởng tượng, Eliza thương xót Nancy. Có lẽ bà xem tình cảnh mà bà đang phải chịu đựng (một chồng hai vợ) là hình phạt mà bà xứng đáng phải nhận vì đã không lắng nghe lời can ngăn của cha.

Tuy nhiên Nancy không phải là rắc rối duy nhất của Eliza. Vấn đề đau đầu hơn nằm ở chính người chồng của bà: William Avery Rockefeller. Ông thường xuyên bỏ mặc bà ủ rũ suốt ba năm trời ở Richford để chạy theo chủ nghĩa cá nhân đầy thách thức và vượt ra khỏi khuôn phép xã hội. Ông thường bỏ đi buôn bán xa nhà với những chuyến đi đầy bí ẩn. Dù cho vẫn chu cấp đầy đủ cho gia đình trong những ngày đi xa, việc vắng nhà triền miên cùng những lần phản bội liên tục tái diễn đã thiêu rụi sự lãng mạn trong tâm trí của Eliza. Tất cả chỉ còn lại là sự cam chịu và nhẫn nhục.

Dù cho mọi hoá đơn vẫn được William thanh toán đầy đủ, nhiều người chứng kiến đã thuật lại về cuộc sống khốn khó của gia đình cậu bé John D. Rockefeller tại miền đất Richford. Họ kể rằng chưa bao giờ từng nhìn thấy những đứa trẻ nào đáng thương hơn thế. Quần áo của chúng cũ rách, trông chúng dơ dáy và đói khát.

Nhưng may thay, trong tình thế ác mộng, người mẹ Eliza dường như trở nên mạnh mẽ hơn thay vì gục ngã. Người dân Richford khen bà là một người phụ nữ tuyệt vời. Dù cho người chồng luôn vắng nhà vài tháng, cô vẫn trông coi được cả trang trại rộng 60 mẫu và luôn cố tìm cách chi trả các khoản chi phí.

Tất cả đều ảnh hưởng đến suy nghĩ của John D. Rockefeller. Những ký ức đầu tiên của ông luôn gắn liền với sự cẩn trọng. Ông bỏ qua người cha luôn vắng nhà cùng người ông nghiện rượu mà chỉ nhớ đến mẹ Eliza và bà nội Lucy – hai người phụ nữ nhẫn nại và mạnh mẽ trong cuộc đời của ông.

Dường như ông có khả năng tự bảo vệ bản thân khỏi những ký ức không vui, giữ kín và biến chúng thành động lực củng cố lòng quyết tâm.


Có thể nói John D. Rockefeller không biết gì về Nancy Brown (bà bị William Avery Rockefeller đuổi khỏi nhà) cũng như những góc khuất tối tăm trong cuộc sống ở Richford, tuy nhiên ông vẫn mơ hồ về việc phải trải qua cuộc sống nơi kinh khủng ấy. Khi nói về quyết định rời Richford của gia đình, John gói gọn cả vùng đất tuổi thơ này trong vài từ: “Vùng đất keo kiệt”.

Nơi đó rất đẹp. Nhưng người dân lại lãng phí công sức để đào những gốc cây lên và cố gắng trồng trọt trên mảnh đất khô cằn.

Kết

Tính cách của một đứa trẻ chính là sự phản ánh rõ nét về môi trường mà nó lớn lên và John Davison Rockefeller không phải là ngoại lệ. Được sinh ra trong thời đại bùng nổ công nghiệp sau Nội chiến tại Mỹ, cùng với sự ảnh hưởng từ ông bà, cha mẹ và miền đất Richford, John D. Rockefeller có đầy đủ tố chất để trở thành một nhà tài phiệt trong nền kinh tế và thực tế thì đúng là như vậy.

Cuốn sách Gia tộc Rockefeller của tác giả Ron Chernow mang tới cho người đọc những thông tin vô cùng đầy đủ về một con người, một gia tộc hùng mạnh bậc nhất nước Mỹ thời bấy giờ, và một trong những thông tin đắt giá để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về con người này chính là những biến cố và tác động có ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thơ và việc hình thành nên nhân cách của con người ấy.

Tác giả: DO

Hình ảnh: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

John D. Rockefeller không tin vào sự cạnh tranh. Ông lý luận rằng độc quyền là mô hình kinh doanh tốt nhất vì sự vận hành trơn tru của nó. Ông bắt đầu khởi nghiệp với quy mô nhỏ với tư cách là một nhà máy lọc dầu ở Cleveland và phát triển cùng công ty của mình, Standard Oil, và trở thành công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ông cũng chẳng thật sự quan tâm đến việc phải đè bẹp ai để đạt được điều này. Thật là chuyện tồi tệ. Và ông cũng tin rằng mình chẳng làm điều gì trái với lương tâm cả. Tôi nghĩ nếu Chúa Giê-su đặt JDR (hội thánh Baptist) xuống ghế và giải thích cho ông những điều ông đã làm là sai, JDR vẫn sẽ không đồng ý với Ngài. Sau khi nghỉ hưu, Rockefeller vẫn tiếp tục cống hiến những điều tuyệt vời. Ông yêu thích việc quyên góp tiền của mình cho người khác. Tôi không cũng không ngờ tới ông chính là người đã sáng lập Đại học Chicago, và Cao đẳng Spelman dành cho phụ nữ da màu. Ông sẽ không thích ghi danh mình lên những khoản quyên góp ấy. (Trung tâm Rockefeller ở Thành phố New York được phát triển và đặt tên bởi con trai ông, John D. Rockefeller, Jr.). Tôi nghĩ rằng mình có lẽ sẽ đọc hết tất cả sách của Ron Chernow. Tôi chưa đọc cuốn nào mà không xứng đáng 5 sao cả.

Có thể hiểu được tại sao ý kiến ​​của công chúng về Rockefeller lại bị chia rẽ đến vậy, từ chỉ trích gay gắt tên trùm cướp cho đến tôn vinh ông là nhà từ thiện vĩ đại nhất thế giới. Vấn đề cốt lõi là liệu bạn có tin rằng đạo đức có thể là một bài tập kế toán, với những món quà xa hoa dành cho các tổ chức từ thiện sẽ vượt xa những tội ác trong quá khứ hay không. Chắc chắn từ quan điểm kinh tế, tính đến lãi suất kép, Rockefeller đã đóng góp nhiều điều tốt đẹp bằng đô la cho thế giới hơn là điều xấu. Như họ nói, việc kiếm được một triệu đô la đầu tiên là điều khó khăn nhất - đó là lý do tại sao một số mối hận thù có thể sẽ luôn tồn tại. Là một cuốn tiểu sử, cuốn sách này mắc phải sự nhạt nhẽo của nhân vật chính. Mặc dù là một người đàn ông có nguyên tắc, kỷ luật và không thay đổi, nhưng anh ta không có gì nổi bật về sức thu hút cá nhân, kỹ năng chính của anh ta là kiếm tiền và quyên góp tiền. Điều này không làm cho việc đọc quá thú vị. Bối cảnh của nền kinh tế Mỹ thời hậu chuông với sự củng cố chặt chẽ và tình trạng tham nhũng ngoạn mục đã phần nào bù đắp cho điều này.

Cuốn sách hay ở những điểm sau: tác giả phân tích chi tiết về vai trò quan trọng của đạo Ki tô giáo trong cuộc đời Rockefeller, đánh giá cẩn thận các mục tiêu chiến lược của Standard Oil và chiến thuật kinh doanh đi kèm, cùng một chương tuyệt vời ghi chép mối quan hệ của Rockefeller với các ông trùm khác là Andrew Carnegie và J.P. Morgan.

Tuy nhiên, bất kỳ tiểu sử nào về Rockefeller cũng sẽ không hoàn chỉnh nếu không dành nhiều sự chú ý đến công việc của nhà báo điều tra muckraking Ida Tarbell. Loạt bài 19 phần mang tính đột phá của bà về Standard Oil đã vạch trần các hoạt động kinh doanh độc quyền của Rockefeller và góp phần dẫn đến sự tan rã của công ty này vào năm 1911. Đánh giá của Chernow về công trình của Tarbell và tác động của nó đến cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của Rockefeller thật tuyệt vời.

Nếu tiểu sử về John D. Rockefeller này không hoàn hảo thì những thiếu sót cũng rất ít. Một số độc giả có thể thấy phiền vì tác giả không bỏ qua những chủ đề có thể kém thú vị; Chernow luôn chọn cách điều tra toàn diện không chỉ những gì đã xảy ra mà còn cả lý do đằng sau.

Bên cạnh đó, đây không phải là một cuốn sách “khó đọc” nhưng cách kể chuyện không phù hợp để “nuốt” vội vã. Trên nhiều trang, mỗi câu dường như được thiết kế tỉ mỉ để có sức mạnh tối đa - hầu như không có câu cú thừa thãi. Điều đó, cùng với độ dài của cuốn sách, khiến đây trở thành một hành trình tiểu sử đòi hỏi nhiều hơn mức trung bình ... nhưng chắc chắn đi kèm với phần thưởng tương xứng.

Nhìn chung, “Titan: The Life of John D. Rockefeller, Sr.” của Ron Chernow xếp hạng trong số những cuốn tiểu sử hay nhất trong gần 300 cuốn tiểu sử tôi đã đọc. Chỉ với tư cách là một nhà viết tiểu sử bậc thầy, Chernow mới có thể phân tích chuyên môn và nhân hóa hoàn toàn đối tượng của mình. Với lối kể chuyện được xây dựng thông minh và phong cách sắc sảo, cuốn tiểu sử này sẽ hấp dẫn gần như bất kỳ ai quan tâm đến Thời kỳ Mạ vàng (Gilded Age), việc sử dụng quyền lực công ty không bị kiềm chế hoặc một câu chuyện cuộc đời vô cùng hấp dẫn.

Xếp hạng tổng thể: 4 ¾ sao