Covid-19 chắc chắn sẽ là một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Những tác động mà đại dịch này để lại có lẽ không cần phải trình bày bởi thông tin về những con số báo động gây ra bởi Covid-19 đã được công khai rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và có lẽ, khi nhớ về khoảng thời gian nền kinh tế toàn cầu bị đóng băng chỉ bởi một khối cầu gai góc có kích thước vỏn vẹn 125nm với khả năng lây nhiễm, không ai là không khỏi rợn người. Phòng ngủ bỗng dưng trở thành văn phòng, các dịch vụ ngoại tuyến trở thành trực tuyến, những cuộc họp mặt face-to-face biến thành các buổi Zoom meeting,... Đó là chưa kể khoảng cách giàu – nghèo đang ngày càng bị nới rộng dẫn tới hậu quả chia rẽ xã hội. Khối cầu có đường kính 12.742km đã từng bị rung lắc dữ dội chỉ bởi một con sinh vật bé hơn nó cả triệu triệu lần.

Tin vui là Covid-19 đang dần được nhân loại khống chế. Thế giới đang chuyển mình sang một thời kỳ mới – Thời kỳ hậu Corona. Vậy theo bạn, cú chuyển mình này sẽ mang lại cơ hội hay thách thức cho loài người? Theo nhận định của Scott Galloway, cuộc khủng hoảng này vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng mang theo những tia hy vọng cho thế giới, và tất cả lập luận sắc bén nhưng cũng không kém phần dí dỏm của ông nhằm chứng minh cho nhận định trên sẽ được trình bày trong cuốn sách Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng (Post Corona: From Crisis to Opportunity).

Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách Tứ đại quyền lực (The Four) – một tác phẩm xuất sắc nói về bốn doanh nghiệp có sức ảnh hưởng áp đảo nhất hành tinh trong Kỷ nguyên 4.0 là Amazon, Apple, Facebook và Google – thì chắc chắn bạn sẽ không còn lạ lẫm cái tên Scott Galloway. Không ngại ngùng và cũng chẳng kiêng dè hay thận trọng, Scott mạnh dạn chứng minh cho tất cả chúng ta một điều rằng những hiểu biết của cả thế giới về bốn cái tên quyền lực kia gần như đều sai bét. Phá tan làn khói thần bí vây quanh bộ tứ quyền lực, Scott thẳng tay lột phăng chiếc mặt nạ dát vàng của The Four để mổ xẻ chiến lược và năng lực thao túng siêu phàm của họ với thế giới. Và chắc chắn một điều là tính tới thời điểm hiện tại, chưa một tác giả nào có thể làm được điều này tốt hơn Scott Galloway.

Là vị Giáo sư Marketing trẻ tuổi tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, Scott Galloway từng được Poets & Quants vinh danh là một trong những giáo sư giỏi nhất thế giới vào năm 2012. Không chỉ vậy, ông còn là thành viên Ban Giám đốc của The New York Times, Urban Outfitters và Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California Berkeley. Năm 2020, kênh podcast Pivot của Scott Galloway được bình chọn là podcast về kinh doanh của năm.

Với những hiểu biết sâu sắc về tình hình kinh tế thế giới cũng như khả năng phân tích sắc sảo, Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng của Scott Galloway như một bản cáo trạng chi tiết về tình hình thế giới sau cơn đại dịch kinh khủng hàng đầu trong lịch sử nhân loại – Đại dịch Covid-19, từ đó ông gợi mở những cơ hội cũng như thách thức cho toàn thể chúng ta khi thế giới đang bước chân vào một thời kỳ hoàn toàn mới – Thời kỳ hậu Corona.

Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng: Một cuốn sách với góc nhìn đa chiều về tình hình thế giới hậu Covid

Chỉ với hơn 200 trang sách, Scott Galloway đã mang tới cho độc giả những góc nhìn đa chiều về tác động kinh khủng của đại dịch Covid-19 tới cục diện thế giới, từ ảnh hưởng của nó tới sự đảo lộn cuộc sống của chúng ta cho tới nhận diện nguy – cơ thông qua một góc nhìn đầy tính logic.

Không nói suông và cũng chẳng nặng nề lý thuyết, Scott Galloway minh họa cho độc giả thấy được những tác động của đại dịch toàn cầu này thông qua hệ thống các con số và đồ thị chi tiết. Tất cả đều nhằm mục đích mang tới cho chúng ta góc nhìn đa chiều về cách mà khối cầu 125nm mang tên vi-rút Corona đang khiến cho trật tự thế giới thay đổi như thế nào.

Nếu bạn dành một chút thời gian để ngấu nghiến nghiền ngẫm cuốn sách Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng, chắc chắn bạn sẽ thu thập được rất nhiều những thông tin hữu ích về một thời kỳ mới mà thế giới vừa chập chững đặt chân vào: thời kỳ hậu Corona. Cụ thể, Scott Galloway sẽ mang tới cho bạn năm góc nhìn về những tác động của đại dịch Covid lên bối cảnh toàn thế giới:

1. Covid với sự đào thải và phân tán hoạt động kinh doanh;

2. Covid với sự củng cố vị thế bá chủ của The Four và một số gã khổng lồ công nghệ khác;

3. Covid với những con kỳ lân khác;

4. Covid với hoạt động giáo dục đại học;

5. Covid với sự thịnh vượng chung của các giai tầng xã hội.

Giờ thì, hãy cùng điểm qua xem Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng sẽ cung cấp cho chúng ta những phân tích sâu sắc như thế nào về thế giới qua năm góc nhìn phía trên nhé.

Thời kỳ hậu Corona – Góc nhìn số 1: Sự đào thải

Sự đào thải đang diễn ra trong thời kỳ hậu Corona muốn nói tới điều gì? Và nó có tương đồng với quy luật “Chọn lọc tự nhiên” mà Charles Darwin đã từng đề xuất vào năm 1859 không?

Câu trả lời là “Có”. Chỉ khác rằng, thay vì sự chọn lọc được diễn ra trên loài chim sẻ như Darwin đã từng quan sát cách đây hơn 100 năm, nó đang ngấm ngầm đào thải hàng loạt các tổ chức kinh tế ra khỏi bản đồ thế giới. Kẻ yếu đang liên tục bị loại khỏi cuộc chơi trong khi những gã khổng lồ đã mạnh thì lại càng thêm mạnh. Chưa bao giờ những doanh nghiệp trung bình nhỏ lại rơi vào tình thế bấp bênh như bây giờ.

Sự đào thải đặt ra cho các doanh nghiệp hàng loạt những bài toán liên quan tới sự thay đổi nếu như muốn tồn tại. Thông qua một số phân tích trong Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng, Scott Galloway đã rút ra được những bước chuyển mà doanh nghiệp trong thời kỳ Corona đang hoành hành đã từng áp dụng để sống sót và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Thứ nhất là sự lên ngôi của tiền mặt. Trong đại dịch, tiền mặt là vua và cơ cấu chi phí chính là mức oxy trong máu mới. Nói chung, công ty nào có tiền mặt, nợ ít hoặc nợ lãi suất thấp, tài sản có giá trị cao và chi phí cố định thấp thì sẽ có cơ hội tồn tại cao hơn. Tất cả liên quan tới khái niệm “vốn” bởi vì trong đại dịch, sự tự chủ về vốn chính là một trong những chìa khóa để vượt qua khó khăn khi các dòng đầu tư từ bên ngoài luôn trong trạng thái bị dè chừng.

Thứ hai là bài toán về quản trị khủng hoảng. Bài toán này nói tới việc nếu doanh nghiệp A đang đủ may mắn để có ưu thế sống sót thì nó sẽ phải linh hoạt hơn trong cách phản ứng với đại dịch, trong khi nếu công ty B đang dần chết thì hãy cố gắng “vắt kiệt bầu sữa” của thương hiệu để phục vụ tốt nhất cho những người đã thực sự làm nên giá trị của thương hiệu ấy: nhân viên và khách hàng.

Cuối cùng là bài toán về cơ cấu chi phí biến đổi. Doanh nghiệp nào càng có cơ cấu chi phí biến đổi linh hoạt, tỷ lệ quay vòng tài sản cố định càng cao thì càng dễ sống sót.

Sự đào thải làm cho các công ty “mỏng” lần lượt rời khỏi cuộc chơi trong khi những gã khổng lồ đang ngày càng được gia cố sức mạnh. Chọn lọc tự nhiên đang diễn ra và thị trường đang tưởng thưởng cho người chiến thắng nhiều hơn bao giờ hết.


Song song với sự đào thải, một tác động lớn khác của Covid-19 lên nền kinh tế chính là nó đã tạo ra sự phân tán của hàng loạt ngành nghề kinh doanh. Sự phân tán này được hiểu theo đúng nghĩa đen là phân tán theo địa lý. Rạp phim bây giờ được đặt trong phòng khách (Netflix), cửa hàng tiện lợi bây giờ được đặt ngay trước cửa nhà (Amazon), văn phòng làm việc bây giờ được đặt trong phòng ngủ và trước màn hình máy tính (Zoom),... Những thói quen sinh hoạt mà có lẽ sẽ mất cả trăm năm để hình thành thì nay lại trở thành một điều quá đỗi bình thường. Tin vui là xu hướng này đang mang lại nhiều tác động tích cực hơn là tiêu cực. Dễ thấy nhất chính là chi phí mặt bằng được cắt giảm, nhưng ở phía sau, còn một tác động nữa mà nhiều người sẽ không tin nhưng nó là sự thật, và đó chính là sự gia tăng của năng suất lao động. Bất chấp những định kiến cho rằng làm việc từ xa gây ra sự chậm trễ, dữ liệu ban đầu cho thấy năng suất làm việc đang tăng lên, ít nhất là ở một số công ty.

Một khía cạnh nhạy cảm khác chính là vấn đề liên quan tới bảo mật và thu thập dữ liệu người dùng khi bạn sử dụng các nền tảng công nghệ trong thời kỳ Covid, và những phân tích về hai hình thái mạng xã hội này (đỏ và xanh) đều được trình bày chi tiết trong Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng của Scott Galloway.

Thời kỳ hậu Corona – Góc nhìn số 2: Sự củng cố vị thế bá chủ của The Four và một số gã khổng lồ công nghệ khác

Thay vì phải vật lộn với đại dịch, sự xoay chuyển của hành vi người tiêu dùng đang mang lại một “mỏ vàng” cho The Four cùng một số gã khổng lồ công nghệ khác như Microsoft, Netflix, Shopify hay Tesla. Covid-19 càng hoành hành, những công ty công nghệ lớn càng lên ngôi và củng cố vị thế bá chủ của họ. Nhờ Covid-19, những công ty này đang được đẩy nhanh với tốc độ đi sớm tới mười năm.


Không sai khi nói rằng trong đại dịch, thời của công nghệ đã đến. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất nhiều sản phẩm hơn, với giá rẻ hơn và bán được sản lượng cao hơn miễn là họ định hướng phát triển mô hình theo dạng trực tuyến và dữ liệu. Tuy nhiên, tất cả đều phải chấp nhận ở phía sau The Four bởi The Four có một lợi thế mà các doanh nghiệp khác không có, chính là quy mô. The Four có chi phí vốn thấp hơn, thế mạnh độc quyền và quy mô lớn. Với sự thay đổi tạo ra bởi đại dịch, The Four cùng một số công ty công nghệ khác vì thế mà càng trở nên lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên, sự thống trị hống hách này mang lại một rủi ro rất lớn và tác động trực tiếp tới thế giới trong thời kỳ hậu Corona. Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng của Scott Galloway chỉ ra rằng sự cạnh tranh ở đây sẽ không thực sự cân bằng và thiếu đi tính sáng tạo. Các ông lớn sẽ thu lợi nhuận nhờ vị thế “cá voi” của mình thay vì tạo ra giá trị thực sự. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nhận định đây là một hình thức cạnh tranh phi lành mạnh.

Một rủi ro khác cũng kinh khủng không kém khi The Four và các tập đoàn công nghệ khác củng cố vị thế bá chủ của họ nhờ tác động của đại dịch Corona chính là sự nhúng sâu của họ vào cuộc sống và xã hội của chúng ta. Càng lên ngôi, những ông lớn càng có xu hướng thâm nhập sâu vào cuộc sống riêng tư và tình cảm của chúng ta cũng như sức khỏe của nền dân chủ. Tiêu cực nhất chính là việc các công ty công nghệ này chịu trách nhiệm trực tiếp trong hành vi gieo rắc bất đồng và tính cực đoan trong xã hội (các meme tung hô bạo lực, các thông tin kích động việc nổ súng trên mạng xã hội,...).

Thời kỳ hậu Corona – Góc nhìn số 3: Những con kỳ lân khác

Không chỉ The Four, một số ngành kinh doanh khác vẫn nỗ lực tận dụng những tác động của đại dịch Covid-19 để đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Họ được coi là những kẻ đột phá trong thời kỳ Corona hay những con kỳ lân. Trong số những con kỳ lân xuất sắc của thời kỳ đại dịch, sáng giá nhất có lẽ sẽ phải kể đến một số cái tên quen thuộc như Airbnb, Netflix, Shopify, Spotify, Tesla, Twitter, Uber hay TikTok.

Đại dịch Corona đã giao nhau với giới khởi nghiệp. Chưa bao giờ có nhiều nguồn vốn và nhiều con kỳ lân được hoàn thiện đến như vậy trong lịch sử. Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng minh họa hiện tượng này với hình ảnh “vụ đốt chuồng kỳ lân”. Rất nhiều công ty kỳ lân được ra đời trong giai đoạn này, tuy nhiên chỉ khác rằng lần này là hầu hết các kỳ lân sẽ sống sót dưới dạng này hay dạng khác. Sự đột phá trong giá trị của họ có thể lớn hơn trước nhiều lần.

Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng phân tích chi tiết một số kỳ lân tiêu biểu cùng những thông tin liên quan tới cách mà những quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn để nuôi béo những chú kỳ lân này. Cách nhận định của Scott Galloway trong góc nhìn này là vô cùng sắc sảo nhưng cũng không kém phần dí dỏm và hình tượng hóa.

Thời kỳ hậu Corona – Góc nhìn số 4: Hoạt động giáo dục đại học

Không nhiều ngành nằm gần bờ vực thảm họa do Covid hơn là giáo dục đại học.


Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng chỉ ra một sự thật rằng đại dịch Corona hoàn toàn có khả năng thanh trừng những ngôi trường vốn chỉ tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất và phụ thuộc vào những sinh viên không đậu vào các trường lớn hơn. Ở chiều ngược lại, các trường cung cấp một nền giáo dục vững chắc với mức học phí tốt sẽ được an toàn.

Một tác động không tưởng nữa từ khối cầu 125nm này chính là nó đã làm cho một cơ số các trường đại học bị rơi vào trạng thái “ảo tưởng”. “Ảo tưởng” ở đây nghĩa là Ban Điều hành trường vẫn có niềm tin rằng họ hoàn toàn có thể tổ chức được các lớp học bình thường bằng cách thiết kế lại không gian lớp học, ký túc xá, nhà ăn chung,... để phù hợp với quy định giãn cách xã hội, thay đổi lịch học và đặt ra những nội quy mới trong khuôn viên của trường. Sự ảo tưởng này được một giáo sư tâm lý trên tờ New York Times gọi là “lạc quan phi thực tế đến mức trở thành ảo tưởng”. Điều này hoàn toàn đúng, bởi sinh viên là những con người năng động, thích di chuyển, và trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, sự tổ chức lớp học theo kiểu như thế này sẽ biến những đối tượng sinh viên này trở thành các bệnh nhân siêu lây nhiễm. Đó là chưa kể tới hàng loạt đối tượng khác nữa như nhân viên phục vụ, bảo vệ,... Tại sao sự ảo tưởng này lại xảy ra? Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng chỉ ra rằng tất cả là do sự tuyệt vọng tới từ hiệu trưởng. Vận hành một “cỗ máy đắt đỏ” trong tình hình sự hỗ trợ từ chính phủ dành cho giáo dục cũng bị giảm dần qua nhiều thế hệ khiến cho nhiều trường đại học trở nên phụ thuộc vào học phí.

Vì vậy, thay vì dành cả mùa hè năm 2020 để tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm dạy và học trực tuyến (một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận trong nhiều thập kỷ), trường đại học lại dành hàng đng thời giờ và tiền của để theo đuổi ảo giác đồng thuận rằng họ có thể bảo vệ ngôi trường của mình.

Kết quả là sự thảm bại. Covid-19 có ảnh hưởng sâu sắc tới ngành giáo dục đại học tại Mỹ và chắc chắn sẽ có một loạt các trường đại học bị đào thải trong thời gian tới. Tuy nhiên, viễn cảnh phía trước vẫn tươi sáng chứ không bi đát như chúng ta tưởng. Scott Galloway đã đưa ra một số khuyến nghị trong Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng nhằm đưa hoạt động giáo dục đại học có thể vượt qua được khó khăn trong thời kỳ đại dịch và sẵn sàng bước chân vào thời kỳ hậu Corona. Đó là gì? Hãy khám phá trong cuốn sách của ông nhé.

Thời kỳ hậu Corona – Góc nhìn số 5: Sự thịnh vượng chung của các giai tầng xã hội

Tương tự như các tổ chức kinh tế lớn, những tác động do đại dịch gây nên và ảnh hưởng trực tiếp tới các giai tầng xã hội cũng vẫn sẽ là bài ca con cá: Kẻ giàu càng giàu thêm.


Khi phân tích sự thịnh vượng của các giai tầng xã hội trong cuốn sách Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng, Scott Galloway dẫn dắt độc giả theo mạch tư duy rất logic.

Đầu tiên, ông khéo léo phê phán các chiêu trò của chủ nghĩa tư bản – một hệ thống được xây dựng dựa trên sự ích kỷ và hàm chứa nhiều vấn đề bất bình đẳng. Ông đưa vai trò của chính phủ vào trong việc “ghi nhận những mối quan tâm về đạo đức và nguyên tắc” nhằm đưa đất nước đạt được sự thịnh vượng lâu dài. Chìa khóa để đạt được sự thịnh vượng này là giữ cho các lực lượng sản xuất được cân bằng và điều này chỉ có chính phủ mới đủ khả năng xem xét. Không dừng lại ở đó, Scott Galloway còn bày tỏ sự thất vọng về sự kiêu ngạo của người Mỹ trong đại dịch. Nước Mỹ đã từ bỏ việc hợp tác quốc tế khi virus Corona bùng phát. Nhân danh chủ nghĩa cá nhân, nhiều người Mỹ đã từ chối sự hy sinh dù là nhỏ nhặt nhất, ví dụ như việc đeo khẩu trang hay hủy bỏ các sự kiện tụ tập.

Tiếp theo, Scott Galloway chỉ ra sự thất bại của các gói cứu trợ bởi chúng chính là thứ sẽ đặt lên lưng các thế hệ sau một món nợ khổng lồ. Chính phủ liên bang đã sai lại càng sai khi phản ứng của họ với đại dịch thể hiện rõ bản chất thuật ngữ “Nhóm thân hữu”. Thay vì để thị trường tự nếm mùi thất bại, chính phủ lại hỗ trợ tầng lớp giàu có bằng cách sử dụng tiền đánh cắp của thế hệ sau.

Dưới lớp vỏ bọc “bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”, chúng ta đã trao hàng nghìn tỷ đô-la cho những người mạnh mẽ nhất.

Scott Galloway tiếp tục chỉ trích gay gắt chủ nghĩa thân hữu và sự bất bình đẳng của quốc gia trong thời đại dịch. Đất nước Mỹ đã làm bùng nổ các khoản nợ để người giàu trả ít thuế hơn. Một đồ thị thể hiện tỷ lệ thuế tính theo phần trăm thu nhập được Scott trích trong cuốn sách thể hiện rõ sự bất bình đẳng này.

Tiền là sự chuyển giao công việc và thời gian và chúng ta đã quyết định rằng con cái mình sẽ cần phải làm việc nhiều hơn trong tương lai và dành ít thời gian hơn cho gia đình, nhờ đó những người giàu có ngày hôm nay có thể trả thuế thấp hơn.

Scott tiếp tục phân tích về một hệ thống đẳng cấp mới. Trong hệ thống đẳng cấp mới này tại Mỹ, xã hội trở nên hưng thịnh hơn nhưng rất ít tiến bộ. Sự bất bình đẳng đang ngày càng một tăng và chúng bắt nguồn từ luật thuế, hệ thống giáo dục và dịch vụ xã hội tệ hại của Mỹ. Xã hội Mỹ bị phân chia theo hệ thống đẳng cấp mới do kết quả của chủ nghĩa thân hữu và doanh nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Những gì xảy ra ở cấp độ cá nhân cũng đang xảy ra ở cấp độ công ty. Khi luật thuế của Mỹ hướng về phía tầng lớp cổ đông thì ở cấp độ công ty, các tập đoàn lớn đã hợp tác với chính phủ. Hệ quả của hệ thống đẳng cấp mới này chính là nó sẽ bóp ngạt sự đổi mới sáng tạo và kìm hãm tăng trưởng việc làm.

Scott Galloway tiếp tục phân tích về “nền kinh tế bóc lột” tại Mỹ. Các công ty thống trị bóc lột mọi thứ họ tiếp xúc và bắt đầu từ chính nhân viên của họ. Đại dịch sẽ chỉ châm ngòi cho việc bóc lột này trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu bạn cần minh họa thì Amazon trong The Four chính là một điển hình.

Sau cùng, Scott nêu ra bài toán về trách nhiệm của chính phủ. Ông cũng đề xuất rằng nước Mỹ cần bầu ra những quan chức tin tưởng vào chính phủ, tôn trọng khoa học và hiểu rõ mối đe dọa của quyền lực tư nhân tập trung. Theo Scott, một đơn vị bầu cử rộng hơn sẽ có nghĩa là các công chức được bầu chọn đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng rộng lớn hơn.

Ngoài ra, trong góc nhìn thứ 5, Scott Galloway còn mang tới cho độc giả cái nhìn về bi kịch của giai cấp bình dân cùng một số giải pháp mà người Mỹ có thể áp dụng để chiến đấu lại với những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 đang gây ra lên toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội của đất nước. Tất cả đều được trình bày chi tiết trong Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng.

Kết

Thời kỳ hậu Corona: Luôn có cơ hội trong khủng hoảng là một công trình nghiên cứu và tổng hợp đầy tâm huyết của Scott Galloway. Thông qua cuốn sách, Scott Galloway mang tới cho chúng ta một cái nhìn tổng quan nhất và rõ ràng nhất về những gì đang xảy ra trong tình hình hiện tại bị gây ra bởi đại dịch Covid-19, từ đó rút ra được những ý nghĩa sâu sắc để nước Mỹ nói riêng và toàn bộ nhân loại nói chung cùng sẵn sàng bước chân vào một thời kỳ hoàn toàn mới – Thời kỳ hậu Corona.

Chúc cho mọi người luôn được bình an và cùng nhau sát cánh để đẩy lùi đại dịch Covid-19.


Tác giả: DO

Hình ảnh: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Tôi thực sự không biết tại sao cuốn sách này lại nằm trong mục kinh doanh của chuỗi cửa hàng Barnes and Noble tại địa phương của tôi vì nó không liên quan gì đến điều đó. Vị trí đó khiến tôi lo lắng rằng đây là một đường dây đầy tâm lý để giúp mọi người nghĩ rằng họ có thể trở thành triệu phú hoặc giúp các triệu phú hiện tại cảm thấy đặc biệt hơn về tài sản của họ. May mắn thay, không có trường hợp nào đúng như vậy. Bản văn này chủ yếu là một bản tuyên ngôn cho ý tưởng và chức năng của "Luyện tập có chủ ý". Những người trong số các bạn theo một ngành chuyên môn cao và hướng đến thực hành với các phương pháp và truyền thống lâu đời có thể đã biết một số điều này rồi. Là một nhạc sĩ, nhiều khái niệm trong số này là một phần trong quá trình thực hành và giảng dạy của tôi nhưng phần giải thích sâu về thực hành trên một số lĩnh vực được trình bày ở đây mang tính thông tin cao và cung cấp nhiều thông tin thực sự mới như tiêu đề hứa hẹn. Tóm tắt của họ là cụ thể và chặt chẽ nhưng vẫn còn hơi dài để trích dẫn đầy đủ. Tuy nhiên, đặc điểm chính của cuốn sách mà tôi thấy hấp dẫn nhất là việc "kéo lại bức màn" không ngừng mà Ericsson tham gia vào liên quan đến quan niệm về cái gọi là nhà bác học nghệ thuật hay "tài năng bẩm sinh" và ở phía ngược lại của quang phổ những nhãn hiệu ngớ ngẩn như: giọng điếc, không có tài năng hoặc không có khả năng tự nhiên. Có khả năng bạn có thể nghĩ đến một số giai thoại và câu chuyện mà bạn đã xem trên tin tức về những khả năng dường như không thể giải thích được, tuy nhiên, chưa bao giờ có nhiều kiểm tra ngoài điều đó để khiến bạn ngạc nhiên về khả năng đáng kinh ngạc như vậy lại có thể xảy ra. Cảnh báo spoiler: nó đã không. Trong mỗi trường hợp, từ Mozart cho đến đứa trẻ mới nhất mà bạn thấy trên bản tin làm được điều gì đó phi thường, đều có một lịch sử trải nghiệm, học tập và thực hành đặc biệt như khả năng của chúng. Việc giải thích khả năng của chúng không làm giảm chúng và chính khả năng giải thích này sẽ khiến và giữ cho văn bản này được yêu thích trong lĩnh vực này trong một thời gian dài. Rất khuyến khích đặc biệt nếu bạn thấy tác phẩm ngắn hơn và có trọng tâm hẹp hơn, "Mật mã tài năng" của Daniel Coyle cũng hấp dẫn.

Trong khi ta vẫn còn đang lo lắng về thực tại thì giáo sư Galloway đã quan sát được viễn cảnh của tương lai và anh ấy đã sáng tạo thêm một cuốn sách tuyệt vời nữa. Cách thể hiện của cuốn sách thực sự rất đa dạng từ một loạt các số liệu thực tế đến các câu chuyện hay cả câu đùa hài hước cũng như những thông tin chi tiết và thách thức phải đối mặt. Phần cốt lõi của cuốn sách chủ yếu xoay quanh công nghệ vì nếu bạn tìm hiểu về Galloway thì bạn cũng biết được rằng anh ấy là một trong những tiếng nói tiên phong trong những tác động mà cuộc cách mạng công nghệ đã mang lại, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Nhưng cuốn sách còn thể hiện quan điểm thần kì của anh ấy về việc học bằng cấp và cả một chương thể hiện vô cùng mạnh mẽ những thách thức mà xã hội chúng ta đang phải đối mặt. Bạn có thể không hoàn toàn đồng ý với tất cả những quan điểm của anh ấy, nhưng chúng sẽ làm bạn phải tự suy ngẫm. Từng câu chữ được viết theo giọng đọc nhanh và dễ hiểu của Galloway nên quá trình đọc chúng vô cùng thú vị. Nó không chỉ đơn thuần là một cuốn sách kinh doanh mà còn mang lại nhiều giá trị hơn thế.

[Dịch] Post Corona nói về ảnh hưởng của đại dịch Covid lên các lĩnh vực kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Scott Galloway lập luận rằng về sự chênh lệch giữa các công ty lợi nhuận và phi lợi nhuận chỉ ngày càng lớn hơn dưới ảnh hưởng của đại dịch. Các công ty công nghệ đang ngày càng phát triển vượt bậc trong khi các ngành công nghiệp khác như hàng không và bán lẻ đang lao dốc, thậm chí nghiêm trọng hơn là phá sản. Chiến lược chi phí biến đổi ưu việt hơn chi phí cố định, và các công ty không có tài sản cố định như Uber, Airbnb và WeWord sẽ sống sót sau đại dịch. Tác giả cũng xem xét ccahs mà đại dịch trở thành chất xúc tác cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhằm số hóa sự tương tác giữa bệnh nhân và nhân viên chăm sóc sức khỏe qua các đơn thuốc trực tuyến cũng như ứng dụng video tư vấn sức khỏe. Cuối cùng, đại dịch là cơ hội tối ưu để giáo dục chuyển sang các nền tảng học tập trực tuyến, mở rộng quy mô giảng dạy cho những nhóm học sinh lớn hơn và giảm học phí cho học sinh. Tôi thích cuốn sách này nhưng tôi ước gì Scott Galloway có thể đưa vào nó nhiều các nghiên cứu điển hình và chi tiết hơn, tôi cảm thấy đôi lúc anh ấy đưa vào cuốn sách quá nhiều những dự đoán chung chung mà không có lời giải thích chi tiết nào về cách mà anh ấy có được kết luận như thế. Tôi ngờ rằng anh ấy đã phải vội vã hoàn thành để kịp xuất bản cuốn sách này.