Như một câu chuyện cổ tích, từ ngôi trường làng huyện Krong Ana trên cao nguyên Đăk Lăk, cậu học sinh lớp 11 đã bước ra thế giới để trở thành một công dân toàn cầu. Với ước mơ điên rồ, niềm tin cháy bỏng và tinh thần không bỏ cuộc trước khó khăn, cậu đã chứng minh rằng dù được sinh ra ở bất cứ đâu, chúng ta cũng có thể làm được những điều to lớn

Về tác giả Đỗ Liên Quang….

Đỗ Liên Quang (1993), sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng trồng cà phê ở cao nguyên Đắk Lắk

-         Năm 2010 nhận học bổng toàn phần trường UWC Hà Lan

-         Năm 2012 nhận học bổng toàn phần của Đại học Duke Mỹ và là Chủ tịch Hiệp hội sinh viên quốc tế tại Duke

-         Năm 2016 tốt nghiệp cử nhân khoa học não bộ  và ngành phụ Kinh tế học

-         Năm 2017, tham gia chương trình đào tạo quản lý của công ty Nike

-         Hiện tại làm việc cho công ty Amazon tại thành phố Seattle, Mỹ

Về cuốn sách Trường làng vẫn ra thế giới….

Trong một buổi học ở trên trường,  khi nói về vùng cao nguyên thơ mộng, giảng viên của mình đã say sưa kể về loài hoa hoa dã quỳ. Mình đã rất chú ý đến phần cô nói đó là khi đất đai đầy gió ngàn, khi cây cỏ đã héo khô dường như không còn sức sống thì tất cả nguồn sống đều dồn vào bông hoa dã quỳ. Trong sự sống dường như biến mất ấy, hoa dã quỳ vẫn rạng rỡ cho đời, tỏa sáng mạnh mẽ. Rồi mình lại liên tưởng đến bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương về người đồng mình. Mình thấy rằng những con người bình dị nơi ấy dù cho cằn cỗi của đời, dù cho khổ cực nắng choi chang nhưng vẫn tỏa sáng như vì sao, như hoa hậu H’henie hô vang hai tiếng Việt Nam ở sân khấu quốc tế, là bông hoa của núi rừng, một dã quỳ yêu thương và Đỗ Liên Quang cũng là một người như thế.

Có lẽ phong cách Tây Nguyên dù đã bôn ba nhiều nơi nhưng vẫn còn trong bản thân tác giả, đó là bình dị trong lời kể, một sự bộc trực thật thà khi kể về cuộc sống của mình. Tác giả viết về quê hương mình bằng sự tự hào không hề xấu hổ, không hề tự ti. Xuyên suốt cuốn sách tác giả đều viết về gia đình về bè bạn, về quê hương xứ sở. Đó là những bến đỗ khi mỏi mệt mà cũng là động lực để tác giả tiếp tục cố gắng, tiếp tục phấn đấu không nản lòng. Đó là điều đầu tiên mình thích ở cuốn sách này.

Tiếp theo đó là tác giả viết về bản thân nhưng không hề ngại ngần viết về những lúc mắc sai lầm của mình, không viết theo lối phô trương quá nhiều về điểm tốt của bản thân. Từ trang đầu cho đến trang cuối cùng đều viết về quá trình không ngừng nỗ lực, không ngừng thay đổi của bản thân, chấp nhận thay đổi vì mọi người, lắng nghe góp ý của người khác để trở nên tốt hơn.

Cuốn sách không có những đạo lý lên gân xáo rỗng, không có sự hô khẩu hiệu,   khoong có quá nhiều những ngôn từ hoa mĩ mà chúng ta có thể dễ dàng thấy tác giả nói về hành trình của mình như một sự chiêm nghiệm, như một sự gợi ý cho những người trẻ tuổi trẻ lòng. Mình không đọc cuốn sách như một cuốn selfhelp mà mình đang nghe một người kể chuyện phiêu lưu của mình – một cuộc phiêu lưu của những điều tưởng chừng như không thể

Điều mình thích ở cuốn sách nữa đó chính là phảng phất trong ngòi bút của người viết đều nhắc đến những cuốn sách và những bản nhạc. Chính những trang sách đã tạo nên trong cậu học sinh lớp 11 ấy một niềm tin mãnh liệt ở bản thân mình, niềm tin mình có thể làm nên những điều to lớn, cậu đã vận dụng được những gì mình đọc vào chính bản thân mình không để việc đọc thành sự vô nghĩa. Còn âm nhạc nó thôi thúc trong cậu sức mạnh vượt qua rào cản ngôn ngữ, vượt qua nỗi nhớ nhà, vượt qua những lúc nản lòng. Không chỉ vậy âm nhạc còn là cầu nối giữa bạn bè năm châu, kết nối những trái tim lại với nhau không phân biệt màu da và ngôn ngữ…


Cuốn sách không chỉ dành cho người trẻ mà mình nghĩ dành cho tất cả mọi người để chúng ta có động lực tin rằng dù cho khó khăn có bủa vây cũng không được bỏ cuộc

Có ai đó đã cho rằng bạn sinh ra trong nghèo khổ không phải lỗi của bạn, nhưng bạn chết trong nghèo khổ thì đó là lỗi của bạn. Thật vậy mỗi người chúng ta sinh ra sẽ có quê hương xứ sở khác nhau, vận mệnh khác nhau, nhưng không có nghĩa chúng ta vịn vào nguồn gốc chúng ta sinh ra để biện minh cho sự không cố gắng của mình. Vận mệnh có thể khó tránh, nhưng chúng ta vẫn có thể tự bản thân thay đổi bởi khi chúng ta thực sự muốn trời đất sẽ hợp lực của chúng ta. Đỗ Liên Quang sinh ra ở mảnh đất gió ngàn đất bazan, nơi mà ba cậu oằn lưng trên những cánh đồng, nơi tất cả đều nghĩ rằng đi nước ngoài là một điều xa xỉ, nơi có thể không phát triển như các thành phố lớn, nơi mà đi du học là một thứ ước mơ viển vông hay quá điên rồ. Tuổi thơ của Đỗ Liên Quang đi qua là những đêm nhìn lên bầu trời cao rộng như cổ tích, nhìn lên may bay bay lên trời để mơ ước bay lên như một chú chim đến một chân trời mới. Cuộc sống của cậu không quá vất vả nó bình dị bình yên vô cùng khi có gia đình, bạn bè luôn ở bên cạnh, được đi học đầy đủ. Cậu có con đường rất dễ dàng đó là đỗ Đại học có việc làm bình thường như bạn bè cùng trang lứa nhưng cậu không chọn như vậy, cậu muốn con đường của mình không đi theo lối mòn, cậu mong muốn mình sẽ đi một con đường khác, con đường mà ít người đi, một con đường khó hơn thử thách sức kiên nhẫn của lòng người hơn….Với cậu bé Đỗ Liên Quang với trái tim rực lửa khám phá ấy, cuộc sống với cậu phải là một cuộc thử thách mạo hiểm. Cậu muốn thấy bản thân mình phải làm được điều gì đó, để làm được phải mở rộng tầm nhìn, phải nghĩ về những điều lớn lao hơn nhiều vượt qua những khuôn mẫu trước đây. Cậu muốn chứng minh rằng, tất cả chúng ta dù được sinh ra ở đâu trên thế giới, dù đó là một thành phố lớn hay là một ngôi làng nhỏ ở cao nguyên, đều có thể vươn lên và làm những điều to lớn hơn bản thân mình

Cậu đã quyết tâm, cậu đã tìm tòi để bước ra thế giới. Dĩ nhiên khi quyết định từ bỏ tất cả, khi quyết định không đi theo lối mòn sẽ phải đánh đổi. Đó là đến một nơi không có thân thích, đến một nơi xa lạ, không có thứ thân thuộc, con người sẽ khác, ngôn ngữ sẽ khác. Con mắt trong ngần của cậu bé lớp 11 cũng đầy suy nghĩ nhưng không làm thì sẽ không còn cơ hội nữa, thời gian không chờ ai, kì thi Đại học cũng sắp đến, làm cái gì mới và lớn cũng thật khổ tâm. Nhưng trong cậu ước mơ ây đã rất lớn và cậu đã quyết định làm mà không hề hối hận. Con người chúng ta luôn có nhiều lựa chọn, có người chọn cuộc sống an nhàn, theo sự sắp xếp, có người chọn cuộc sống phiêu lưu to lớn đến mạo hiểm điên rồ, mỗi người đều có quyền chọn cuộc sống cho riêng mình, bất cứ lựa chọn nào đều đáng được tôn trọng. Đọc cuốn này, trong mình được nhen nhóm một ngọn lửa tin rằng bản thân lựa chọn mạo hiểm không hề sai trái và thiếu suy nghĩ như mình vẫn nghĩ, mình vẫn nên tiếp tục ước mơ của mình đi ra thế giới không ngại ngần. Có lẽ không chỉ mình mà bất cứ ai trẻ tuổi trẻ lòng ham muốn mạnh mẽ cũng được truyền động lực to lớn, những người còn đang theo lối mòn sẽ có một gợi ý thay đổi cuộc đời mình.


Cuộc gọi định mệnh từ Hà Nội như một dấu mốc cho cuộc đời cậu, cậu đã chọn ra Hà Nội dù cho đi một mình đến một thành phố lớn, cậu đã sợ sệt nghĩ vì có người giỏi hơn mình. Sự tự ti ấy là dễ hiểu nhưng cậu vẫn làm vẫn đi với đôi mắt đầy niềm tin kiên định…và may mắn của cuộc đời đã mỉm cười với Đỗ Liên Quang như một giấc mơ cổ tích.

Điều mình thích ở tác giả đó là tác giả đã không ngủ quên trên chiến thắng của mình. Nhiều người chúng ta khi đạt đến sự thành công thường ngủ quên rất lâu trên thành tựu của mình quên đi sự phấn đấu. Cuộc sống không có nấc thang cuối cùng, đến một nấc thang chúng ta sẽ phấn đấu trên những tầm cao mới. Có câu nói rằng: “Hãy sống lâu như đời núi và vươn tới tầm cao”, mỗi giây phút của cuộc đời rất quý hiếm phải tận dụng để không ngừng cố gắng bước đi thật mạnh mẽ. Cậu đến UWC ngay từ những ngày đầu đã tạo mục tiêu phấn đấu cho mình, thay vì nghỉ ngơi cho thành tích của mình vừa đạt được, cậu đã hòa đồng với bạn bè, cố gắng học tập

Dĩ nhiên sang một đất nước mới cách xa quê hương mình rất nhiều thì không tránh được những khó khăn như ngôn ngữ, lối sinh hoạt. Có những lúc chưa biết ước mơ của mình tiếp theo sẽ ở điểm dừng nào, hay có lúc mâu thuẫn với bạn bè, hay có lúc điểm chưa cao, hay lo lắn bản thân chưa làm được, cậu luôn có bạn bè ở bên cạnh kịp thời. Cậu đã có những ngày tháng ở UWC rất đẹp, cậu đã đến với đất Mỹ - Đất nước của hứa hẹn của bao người mong muốn đổi đời. Cậu đã thử thách chính mình, cậu không còn trốn trong vỏ ốc của sự tự ti nữa, cậu đã phá bỏ bức tường rào cản để là một công dân toàn cầu

Ở cuốn này, Đỗ Liên Quang viết rất nhiều về bạn bè khi học ở UWC, mỗi người thanh niên đến từ các quốc gia đều mang trong mình mong muốn thay đổi bản thân, thay đổi quê hương mình. Mình nhận ra khi đọc cuốn sách rằng những người đến từ các quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, màu da khác nhau đều bình dị dễ gần không hề xa lạ. Họ nói về đất nước quê hương họ bằng tất cả niềm tự hào, họ nói về chính mình không một sự e ngại. UWC như một cầu nối kết nối họ với nhau, quả là có những cái duyên gặp gỡ như một sự may mắn đưa chúng ta đến với thay đổi. Văn hóa cũng như phim ảnh đã là cầu nối với những cô cậu học sinh đó, những buổi giao lưu, những buổi tranh luận, những chuyến đi bụi đến các quốc gia khác, những dự án tình nguyện vì cộng đồng đã trở thành những kỉ niệm đẹp đẽ trong họ suốt quãng đường dài và rộng của cuộc đời. Và ngay cả ngày cuối cùng ở ngôi trường đó, họ vẫn hát vang những bài ca tuổi trẻ rộn ràng và vui tươi.

Có lẽ số phận chúng ta cần một chút may mắn, Đỗ Liên Quang đã có những may mắn nhất định nhưng rất xứng đáng, cậu đã ước mơ cậu đã cố gắng nên may mắn đã mỉm cười với cậu. Hạnh phúc không thể đến với sự cầu xin mà nó ở sẵn trong tay chúng ta, nó len lỏi sâu trong trái tim chúng ta. Cậu đã bỏ công sức của mình thì may mắn ấy là món quà của sự cố gắng đó. Nếu ai đó chưa có sự may mắn thì đừng nản lòng hãy có niềm tin thật kiên định.


Gấp lại trang sách này, mình thấy sự gặp gỡ cuốn sách này thật kịp lúc, nó đến trong những ngày thu bình yêu của Hà Nội, nó đến khi mình đang rất hoang mang và khó khăn với những dự định ước mơ của mình, phải buông bỏ thật khó khi lựa chọn chỉ có một. Mình đã mất hướng đi, mình đang để tháng ngày trôi qua mà không hiểu bản thân mình thực sự muốn gì, mình đang cố gắng vì điều gì, mình cứ làm cho đến khi không thể cố gắng được nữa, mình không tìm thấy xuất phát của mình vì nguyên nhân gì. Cuốn sách như một ngọn gió ban mai thức tình trong mình cần nghiêm túc hơn với bản thân mình, cần sống chậm lại tạm dừng lại để suy nghĩ lại dự định của mình. Nó nhen nhóm trong mình ngọn lửa kiên đinh rằng bước ra khỏi lối mòn, bước ra khỏi sự sắp xếp mà đến con đường mới mẻ là điều nên làm và không có gì là không thể thực hiện được nếu mình có lòng tin. Thực sự cuốn sách này không chỉ chiêm nghiệm, cuốn sách nhắc nhở mỗi chúng ta hãy đi theo tiếng gọi của con tim mình bởi đây là cuộc đời của mỗi người, chúng ta không thể bỏ qua ước mơ của mình để chạy theo cuộc đời người khác. Vất vả, gian lao, đám mây đen bủa vậy quanh là những điều luôn xảy ra nhưng không vì thế chúng ta ngã quỵ trên thất bại mà biết đứng dậy để mạnh mẽ bước tiếp vì chúng ta không cô đơn, chúng ta có gia đình bạn bè để là chỗ dựa tinh thần

 Review chi tiết bởi Quỳnh Anh - Bookademy

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhập thêm thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

 Đăng kí để trở thành CTV của Bookademy tại link:

http://bit.ly/2Hxkazt


Xem thêm

Sách kể hành trình của Đỗ Liên Quang – từ ngôi trường làng huyện Krông Ana trên cao nguyên Đăk Lăk, cậu học sinh lớp 11 đã bước ra thế giới để trở thành một công dân toàn cầu. Với ước mơ, niềm tin cháy bỏng và tinh thần không bỏ cuộc, cậu đã chứng minh rằng dù được sinh ra ở bất kỳ đâu, chúng ta cũng có thể làm được những điều to lớn.

Không khí Tây Nguyên mùa này rất trong lành. Những buổi sớm tinh mơ có một chút gì đó vừa hối hả lại vừa yên bình.

Bảy giờ sáng. Tôi mở mắt nhưng vẫn chưa muốn dậy. Giường ngủ của tôi và em trai nằm cạnh cửa sổ lớn nhất trong nhà, khi nào cũng mở để không khí lùa vào. Nhờ thế mà mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi nhìn thấy luôn là bầu trời cao trong xanh.

Và âm thanh mà tôi nghe thấy là tiếng gió thổi nhẹ nhàng, luồn lách đung đưa qua những chùm lá xanh rì của cây chôm chôm rừng già cỗi trước hiên nhà.

Khi còn nhỏ, lũ trẻ chúng tôi năm nào cũng ngây thơ trông chờ cây chôm chôm này ra quả để rồi thất vọng khi biết rằng cây rừng hiếm khi có quả. Từ nhỏ tới lớn, tôi mới chỉ thấy có một lần duy nhất.

Tôi hít một hơi thật sâu để không khí tháng ba của mảnh đất Tây Nguyên tràn ngập vào lồng ngực. Thời tiết Tây Nguyên rất đặc trưng, chỉ có hai mùa: Mùa mưa và mùa khô.

Mùa khô kéo dài từ tháng mười một tới tháng tư năm sau. Tôi biết rõ điều này vì mỗi dịp sau Tết vào khoảng tháng hai hay tháng ba, những người nông dân lại kéo nhau đi tưới cà phê. Bố tôi cũng vậy và hôm ấy ông lên rẫy từ rất sớm.

Mùa khô của Tây Nguyên không có gì ngoài nắng và gió. Nhưng nắng Tây Nguyên rất đặc biệt và không thể lẫn đi đâu được: Đủ nóng để giữa trưa mọi người trong làng rủ nhau trốn dưới bóng cây chôm chôm, nhưng cũng lại không gắt đến mức có thể kìm chân lũ trẻ chúng tôi ra ngoài nô đùa.

Vào những ngày mùa khô, trò ưa thích của chúng tôi là đi bắt bươm bướm. Tôi không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra trò này nhưng phải thú nhận là rất sáng tạo.

Chúng tôi xé lấy một mẩu giấy nhỏ màu trắng, xiên một lỗ nhỏ rồi dùng sợi dây chỉ cũng màu trắng để cột vào một chiếc gậy dài, sau đó thay nhau cầm cây gậy và chạy dọc con đường đất.

Lũ bướm đang hút mật ở những bụi cây râm bụt tưởng những mảnh giấy nhỏ là bướm cái liền đuổi theo. Cả đàn, cả đàn, nhiều không kể. Và lũ chúng tôi cười vang giữa những cánh bướm dập dờn.

Thực ra nếu nói mùa nắng không có gì cả thì thật là sai. Mùa nắng còn có mùi thơm. Mùi thơm của hoa cà phê, những chùm nhỏ trắng tinh như bông gòn nổi lên giữa màu xanh bạt ngàn của nương rẫy. Mùi thơm của hoa ngũ sắc mọc trắng những con đường đất đỏ. Và mùi thơm của hoa dã quỳ trải vàng ngọn đồi nơi chúng tôi nô đùa những buổi trưa trốn ngủ.

Còn nữa, không khí Tây Nguyên mùa này rất trong lành. Những buổi sớm tinh mơ có một chút gì đó vừa hối hả lại vừa yên bình. Hối hả vì nhà nhà đều chuẩn bị lên rẫy trước khi mặt trời ngó đỉnh đầu và cái nắng bắt đầu xả xuống.

Người trong buôn dậy sớm lắm, từ bốn hay năm giờ sáng khi gà còn chưa gáy, họ đã dậy nấu bữa sáng và sắp xếp dụng cụ đi làm. Nhưng vẫn yên bình vì dù bận bịu thế nào, người ta cũng không quên dừng lại chào nhau một câu, trao nhau một vài lời trêu đùa và chúc nhau một ngày tốt lành.

Tôi tự nhủ sẽ chỉ nằm trên giường thêm năm phút nữa. Thằng em tôi vẫn đang ngủ ngon lành. Tôi quay sang nhìn nó và mỉm cười, vuốt nhẹ nhúm tóc phủ trên trán. Rồi tôi nhìn lên bầu trời, vẫn cao và xanh. Thỉnh thoảng mới có một vài gợn mây trắng lướt thướt trôi.

Một chiếc máy bay bay ngang qua, để lại một vệt mây dài như sợi chỉ. Khi còn nhỏ, sự xuất hiện của một chiếc máy bay bao giờ cũng khiến tôi và lũ bạn hào hứng. Chúng tôi hô hoán ầm ĩ như là có đĩa bay người ngoài hành tinh xuất hiện. Không đứa nào trong số chúng tôi dám mơ ước sẽ có ngày được đi máy bay.

Đi máy bay là cho người nhà giàu. Thậm chí hơn thế, nó là một thứ gì đó rất xa xôi và kỳ diệu, là biểu tượng cho con đường tới một chân trời mới. Vì thế mà bây giờ tôi vẫn cảm thấy xúc động mỗi lần nhìn thấy máy bay.

Tôi tự hỏi trong đầu, “chiếc máy bay đó bay từ đâu tới, đang bay đi đâu, những người trên chiếc máy bay đó làm gì?”. Tôi cảm thấy ghen tị, họ thật may mắn, họ có thể thấy bầu trời như thế nào, những đám mây ra sao, mọi thứ dưới mặt đất từ trên cao trông xuống thì như thế nào.

Không thể nằm dài được nữa, tôi nhảy phóc ra khỏi giường, không quên khép màn lại để thằng em tôi tiếp tục ngủ. Bình thường tôi không bao giờ ăn sáng cả, chẳng thế mà tôi gầy tong teo như một cái que.

Mẹ đã rất nhiều lần phàn nàn về việc này nhưng mà tôi không thay đổi gì nhiều. Nhưng sáng hôm ấy tôi lại cảm thấy đói lạ lùng và muốn ăn một cái gì đó, nên vào bếp lấy một gói mì tôm, cho vào bát rồi đổ nước sôi. Mẹ biết hai anh em tôi lười ăn nên đã mua hẳn một thùng mì Hảo Hảo để trong bếp làm lương thực dự trữ cho hai đứa.

Trong khi chờ mì tôm chín, tôi ngồi trước thềm nhà vuốt ve con cún. Nó cũng ve vẩy đuôi vài cái đáp lại rồi ngoảnh mặt đi, chắc cũng còn chưa tỉnh ngủ. Lững thững trước sân nhà là mấy con chim bồ câu đang tìm mổ từng hạt thóc vương vãi. Thỉnh thoảng những con gà mái đột nhiên từ đâu xuất hiện với đàn con líu ríu, thế là hai nhà bồ câu và gà xông vào đánh nhau giành thức ăn.

Gia đình ở nông thôn như nhà tôi thường nuôi nhiều con vật khác nhau. Nhà tôi có hai con chó, hai con mèo, một đàn bồ câu, một đàn gà, một bể cá, một bể ếch, không khác gì một sở thú mini. Tất cả đều là do bố tôi thiết kế. Bố tôi cũng thích trồng cây ăn quả quanh nhà, nào thì chôm chôm, mận, xoài, bơ, mãng cầu, rồi mía, nên anh em tôi chẳng thiếu đồ ăn vặt, mỗi mùa một thứ.

Đang ngồi yên lặng nhìn mấy con vật và nghĩ vẩn vơ thì đột nhiên có tiếng chuông điện thoại reo lên. Thể nào cũng là thằng Long, bạn thân nhất của tôi, gọi điện để hỏi bài.

“Alo!”.

“Alo, cho chị hỏi đây có phải là số điện thoại nhà em Đỗ Liên Quang không?”.

“Một cuốn sách gói trọn cả 6 năm hành trình dài trên con đường bước ra biển lớn của một người dám mơ ước, dám khát khao. Những khó khăn và thất vọng khi bị người khác từ chối giúp đỡ, những hạnh phúc trào dâng khi nhận được kết quả sau một thời gian mệt mài cố gắng. Những tự ti và rụt rè khi bước vào một môi trường mới với sự đa dạng về văn hóa, về hiểu biết , về trình độ, … Và có cả những kỉ niệm vô giá cùng những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới,… Vượt qua mọi mặc cảm, tự ti, vượt qua những rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, điều cuối cùng đọng lại sau những chuyến đi là tình cảm ấm nồng của những người xa lạ anh bắt gặp trên con đường bước ra thế giới. Cảm ơn anh vì đã dành thời gian, công sức và tâm huyết để viết ra cuốn sách này, để mang tới cho những bạn đọc, trong đó có em hiểu biết thêm về cuộc sống của những du học sinh UWC, và đặc biệt hơn, là để em cảm nhận được rằng những tự ti, những rào cản và khó khăn về ngôn ngữ mà mình gặp phải đều có thể giải quyết được, bởi vì anh và cả những anh chị đi trước đều đã làm được điều đó. Đọc từng trang sách, tưởng tượng ra hình ảnh một cậu học trò trên vùng đất cao nguyên nhiều nắng gió từng đêm có gắng chuẩn bị cho bộ hồ sơ UWC năm 2010, em thấy đồng cảm, thấy được phần nào hình ảnh của mình trong quá khứ và hiện tại. Những điều anh chia sẻ trong cuốn sách ” Trường làng vẫn ra thế giới ” đơn giản, chân thực nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống, với trải nghiệm của cá nhân em. Nếu có cơ hội, em mong mình sẽ được đón đọc cuốn sách tiếp theo của anh kể về hành trình sau khi tốt nghiệp đại học bước vào cuộc sống ở Mỹ. Luôn luôn ủng hộ những bài chia sẻ của anh và đón chờ những chia sẻ tiếp theo!”

Một quyển sách 100 điểm! Tại sao là “100 điểm”? Hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn luôn gắn liền với gánh nặng về điểm số, kéo theo những câu chuyện về thứ hạng mà quên đi đâu mới là mục tiêu để theo đuổi. Anh Quang thì có cho mình ngọn hải đăng. Trích từ suy nghĩ của anh trong chuyến xe từ Hà Nội về nhà sau kì phỏng vấn UWC “Điều duy nhất ngăn cản chúng ta chính là suy nghĩ của chính bản thân mình. Hãy tin vào bản thân và đừng tin vào những gì được coi là thường lệ. Thường lệ là thứ dành cho những người muốn thuộc về đám đông. Nếu chúng ta giải phóng được niềm tin, chúng ta sẽ dám ước mơ những điều to lớn và vì thế hành động gan dạ hơn để đạt tới những điều người khác không nghĩ tới…Ngày hôm ấy, trên chuyến xe đò, tôi đã quyết định với bản thân sẽ mang niềm tin đó suốt phần đời còn lại.” Điều đặc biệt là khi ấy, anh vẫn chưa hề có kết quả học bổng UWC. Và thậm chí anh vẫn tin là mình sẽ trượt: vì kém về điều kiện so với các bạn. Nhưng anh đã lần đầu nhìn thấy một tia hy vọng-khi dám ước mơ, và chọn đó là lẽ sống cho mình. Sống có khát vọng: 100 điểm. Hành trình của anh Quang không cao siêu, cũng không có nhiều về những phương pháp nhưng lại là nguồn sức mạnh tinh thần cho bất kì ai, những ai sinh ra với những “điều được xem như” bất lợi không thể thay đổi. Chấp nhận đồng thời cũng tin và dám chiến đấu vì một cơ hội để vươn lên. Cách kể gần gũi và thân thiện, đây sẽ là cuốn sách hay cho các bạn trẻ.

Cuốn sách là những câu chữ chân thực, xúc động và đầy rạng rỡ của một cậu học sinh lớp 11, bước ra thế giới, từ ngôi trường làng trên cao nguyên Đắk Lắk, để trở thành một công dân toàn cầu.

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc điện thoại bất ngờ giữa tiết trời tháng ba Tây Nguyên đã mở ra cho cậu học sinh tỉnh lẻ lớp 11, không trường chuyên, không thành phố, cơ hội để chạm tay đến ước mơ, được bay lên bầu trời cao rộng, mà đã từng tưởng chừng như xa vời vợi. Con đường làng gồ ghề mà Quang đi ngày xưa nay đã trở thành con đường bằng phẳng vươn ra thế giới.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả Đỗ Liên Quang đã miêu tả rất chân thực từng khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời, thay đổi từ giây phút Quang nhận được cuộc điện thoại đó. Đó là chuyến xe ra Hà Nội lần đầu tiên, ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, hay những đoàn người hối hả, những đường dây điện chằng chịt. Đó là lần đầu tiên đi máy bay, rồi lần đầu tiên ra nước ngoài, rồi những người bạn đầu tiên trên khắp thế giới…Từng chương sách là những câu chuyện nhỏ mà xúc động về hành trình khám phá thế giới rộng lớn, một thế giới to hơn ngôi làng nhỏ Đắk Lắk, to hơn con đường từ nhà tới trường, từ nhà lên rẫy, xa hơn những đồi cà phê xanh ngát…

Cuốn sách giống như câu chuyện kể về những năm tháng mới chập chững bước ra thế giới để đi du học cho tới khi tốt nghiệp đại học học ở Mỹ. Cuốn sách được chia thành 3 phần chính. 

PHẦN MỘT: NẾU DÁM ƯỚC MƠ

Mình đọc xong phần này với thứ cảm xúc thật khó tả. Ngưỡng mộ anh thật sự. Chắc chỉ siêng năng, có ý chí. Đây thực sự không chỉ là một cuốn sách đọc cho vui khi rảnh mà nó còn truyền thêm động lực cho bản thân mình. Để có được học bổng của UWC anh đã phải tự làm bài luận mà không có giáo viên nào giúp đỡ, rồi thì 16 tuổi 1 mình đi Hà Nội (lần đầu tiên anh ra Hà Nội),... Lòng quyết tâm của anh rất cao. Nếu dám ước mơ, ''Tin vào bản thân là mình sẽ làm được'' là câu châm ngôn của anh. Bạn hãy thử hỏi xem bản thân đã tin chính mình chưa? Thực tế thì có nhiều người trả lời là "Có" thế mà trong những tình huống hàng ngày vẫn không thể tự đưa ra ý kiến của mình. Khi mà đã tin vào bản thân mình rồi thì điều mà bạn cần làm là cố gắng, phấn đấu từng ngày một để thực cái ước mơ, cái đam mê mà mình theo đuổi. Mình tin là bạn sẽ làm được.

PHẦN HAI: NHỮNG NGÀY THÁNG TƯƠI ĐẸP - ĐẸP! NÓ THỰC SỰ RẤT ĐẸP.

Bản thân chương trình mà anh theo học đã là một môi trường đặc biệt, gồm nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì thế mà có rất nhiều câu chuyện được anh kể. Cuộc đời ta là một "lớp học" mà có nhiều điều ta phải học không chỉ trong sách vở mà còn ở nhiều thứ trong cuộc sống như cách ăn như thế nào cho lịch sự,...Mình nhận ra chúng ta chỉ là những con người bé nhỏ trong thế giới to lớn này. 

Hành trình 2 năm học UWC của anh bạn này thực sự thú vị với những buổi tối buổi trốn ra ngoài ăn kebab, rồi thì cùng nhau chạy bộ qua nước khác, đi du lịch "bụi" tới các nước khác. Điều đó dạy cho mình 1 điều quý giá là đôi khi ta cần vượt ra khỏi vùng an toàn- nơi mà ta luôn luôn ở. Vượt ra một tí để biết thêm nhiều thứ, mỗi chuyến đi là một bài học. Vượt ra một tí để biết cách mà thế giới vận hành hàng ngày như thế nào và dĩ nhiên nó không vận hành theo cách ta muốn.

PHẦN BA: CHÂN TRỜI MỚI

Một chân trời mới, một cuộc sống mới, hành trình mới và một tương lai mới. 

4 năm học đại học ở Duke trôi qua nhanh chóng, anh tập trung vào hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, đặt những mục tiêu mới cho bản thân. Điều làm anh thiếu tự tin ở giai đoạn này là những kì thị về chủng tộc và quốc tịch. Các sinh viên luôn nhìn anh với một anh mắt khác và có chút khinh thường. Thay vì việc chịu đựng cảnh phân biệt như vậy cho đến khi ra trường anh đã thực sự rất dũng cảm khi đứng lên hỏi bài thầy. Một quyết định thật sự đã thay đổi anh. Mình thực sự cảm thấy khâm phục với sự dũng cảm này của anh. Trong cuộc sống luôn có những trắc trở, những khó khăn, cả những thất bại nữa. Thế nhưng ta cần phải biết hành động không phải là để chống chịu nó mà là để vươn lên đánh bại nó, đánh bại cái sợ của chính bản thân. Và sau khi vượt qua nỗi sợ ấy, chắc chắn ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Một ví dụ đơn giản, ta tập thể dục càng chịu đau thì sẽ càng hiệu quả.

Cuối cùng, anh dành tất cả lời cảm ơn chân thành nhất đến ba mẹ, bạn bè, thầy cô, những người đã giúp, góp phần trên con đường du học của anh. Dù ta có như thế nào đi nữa, thành công hay thất bại,...ta đều phải cảm ơn họ-những người đã giúp ta. Luôn biết ơn cũng là điều mà giúp anh thành công trong sự nghiệp.