“Làm thế nào để trở thành một CEO?” là câu hỏi được đặt ra rất nhiều với những người đang trên con đường lập nghiệp của mình. Nhưng để có thể trở thành một CEO, dù tổ chức của bạn có quy mô lớn, vừa hay nhỏ đi chăng nữa, chắc chắn nỗ lực của bạn bỏ vào đó không hề nhỏ một chút nào. Các CEO hàng đầu trên thế giới cũng vậy, nhưng họ khác với đám đông ở chỗ, thành công của họ khiến chúng ta phải ngưỡng mộ. Vậy làm sao họ có thể trở thành những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn như vậy? Cuốn sách Trước khi tôi là CEO (Before I was CEO), được viết bởi Peter Vanham, sẽ nỗ lực giải đáp những thắc mắc đó của bạn bằng cách kéo tấm màn che phủ hành trình cá nhân của 20 CEO đến từ khắp nơi trên thế giới.

Nếu bạn chưa biết CEO là gì thì đây là một chức vụ trong một tổ chức, người nắm giữ nó được gọi là Tổng giám đốc điều hành. Nói cách khác, CEO là vị trí điều hành cao nhất của một tổ chức. Nhiều người có suy nghĩ rằng CEO là những người vốn đã sinh ra ở vạch đích, họ là những con người luôn nhận được sự ủng hộ của may mắn và không bao giờ phải lo lắng đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Họ là những con người đã trải qua nhiều nghịch cảnh hơn hẳn so với những người khác, và để có được vị thế như hiện tại, cái giá mà họ phải trả không hề nhỏ một chút nào.


Nghịch cảnh chỉ những biến cố trong cuộc sống dù ta không hề muốn nó xảy ra. Chúng ta ai cũng đã từng trải qua một vài nghịch cảnh của cuộc đời mình cho đến bây giờ, và các CEO nổi tiếng trên thế giới cũng vậy. Tuy nhiên, họ khác những người còn lại trong đám đông ở cách mà họ phản ứng với những biến cố đó. Trong sự nghiệp của mình, các CEO xuất sắc trên thế giới đã gặp phải rất nhiều rắc rối trong cuộc sống cũng như tại các công ty mà họ làm việc. Những khoảnh khắc khó khăn đó đã để lại cho họ rất nhiều bài học đáng chiêm nghiệm. Và những khoảnh khắc đó, dưới ngòi bút của Peter Vanham, từ những câu chuyện được kể bằng lời nói, nay đã được chuyển thành các câu chuyện trên trang giấy, tất cả hợp lại tạo nên cuốn sách Trước khi tôi là CEO.

CEO và nghịch cảnh

David Kenny và Orit Gadiesh là hai CEO của Bain. Làm việc cho Bain là một trong những lựa chọn của họ, họ không chọn Bain chỉ vì tiền bạc hay triển vọng nghề nghiệp, mà bởi vì họ yêu thích triết lý hoạt động của công ty. Vì vậy, trong sự nghiệp, hãy để bản năng dẫn lối chứ không phải là tiền bạc hay danh vọng.

Đã có lúc Bain đứng bên cạnh bờ vực bị phá sản, không ai trong hai người biết liệu công ty có thể sống sót hay không, và liệu bản thân họ có thể trụ lại công ty hay không. Tuy nhiên, dù tương lai phía trước khá mù mịt, với quyết tâm kiên trì đến cùng, cuối cùng họ đã cùng công ty thoát ra khỏi màn sương mù ấy. Lý do quan trọng nhất chính là vì họ biết hướng “chính Bắc” của mình là gì. Đó chính là “phục vụ khách hàng của công ty”, đó chính là niềm tin rằng những gì họ làm là độc đáo và có giá trị với khách hàng của mình. Họ tiếp tục làm với một niềm tin rằng nếu đi đúng hướng, họ sẽ đưa được “con tàu” Bain trở lại “vùng biển êm đềm”. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra hướng “chính Bắc” cho sự nghiệp của mình. Mỗi người sẽ có một hướng “chính Bắc” khác nhau, nhưng tất cả đều sẽ là câu trả lời cho câu hỏi: Chính xác thì mình đang cố gắng làm việc gì? Tại sao mình làm vậy? Mình có giỏi làm việc đó không? Và nó có giá trị với những người khác không? Nếu một người có thể trả lời được những câu hỏi trên thì chứng tỏ người ấy đã tìm thấy được hướng “chính Bắc” cho sự nghiệp của mình. Khi đó anh ấy có thể làm tốt công việc của mình, bất chấp những bất ổn đến từ ngoại cảnh.

Tuy nhiên chỉ tìm ra được hướng “chính Bắc” thôi thì chưa đủ. Đây mới chỉ là điều kiện cần của thành công. Một CEO xuất sắc còn phải biết khi nào nên kiên định và khi nào nên thay đổi hướng đi. Đó chính là điều kiện đủ cho sự thành công của họ. Trên thực tế, cả Gadiesh và Kenny đều đã từng bỏ nhiệm vụ chuyên môn ít nhất một lần trong sự nghiệp của mình. Gadiesh bỏ chương trình tiến sĩ, còn Kenny bỏ dở chương trình ở GMI. Bản thân từ bỏ hay kiên trì đến cùng không phải là vấn đề, lý do đằng sau đó mới là quan trọng. Nếu hướng “chính Bắc” hiện tại không phù hợp với bản thân thì chúng ta cần cân nhắc thay đổi, đó không phải là sự từ bỏ và thiếu kiên định. Chỉ khi bạn biết bản thân phải làm gì nhưng bạn không làm thì khi đó bạn mới chính là một kẻ từ bỏ.


Trước những nghịch cảnh trong cuộc sống và sự nghiệp, các CEO đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Chúng được lan tỏa thông qua những câu chuyện mà họ chia sẻ trong cuốn Trước khi tôi là CEO.

  • David Kenny, CEO của Bain, đưa ra lời khuyên rằng chúng ta không nên sợ thất bại và cũng không nên ngại đối mặt với nó, thứ đáng sợ chính là việc ta không học được gì từ những thất bại đó.
  • Trước khủng hoảng dot – com, Sennaphthy “Kris” Gopalakrishnan, CEO của Infosys, đưa ra lời khuyên rằng chúng ta cần phải tin tưởng vào bản thân mình, phải tìm kiếm sự hài lòng ở chính hiện tại, nên nhận ra vai trò của hoàn cảnh và của người khác khi tìm được thành công.
  • CEO Raf Keustermans đưa ra lời khuyên rằng thành công là sự kết hợp của may mắn, tìm ra môi trường thích hợp để phát triển và kiên trì. Để có được may mắn thì cần phải chăm chỉ, ngoài ra cần phải có một môi trường phát triển phù hợp, và quan trọng nhất là không được lười biếng.

CEO và cơ hội

Vậy còn cơ hội thì sao? Cơ hội là mặt trái của nghịch cảnh, là sự xuất hiện của một sự kiện nào đó với xu hướng đem lại sự tích cực. Và cơ hội cũng chính là một trong số những yếu tố làm cho các CEO khác với những người còn lại trong đám đông. Những con người đã từng đưa tổ chức của họ lên đến đỉnh vinh quang này đều biết cách tận dụng các cơ hội trong suốt hành trình sự nghiệp của mình. Nhưng điều quan trọng là họ đã chủ động theo đuổi những cơ hội đó đến mức độ nào so với việc các cơ hội tự nhiên xuất hiện. Đôi khi, trong kinh doanh, “há miệng chờ sung” chưa hẳn đã là xấu, còn việc cố gắng chạy theo các cơ hội chưa hẳn đã là tốt. Ý nghĩa của việc nhìn nhận các cơ hội vì thế trở nên quan trọng hơn rất nhiều.

Alberto Vitale, CEO của công ty xuất bản Random House, là một người Ý. Khi nhắc đến ông, người ta nghĩ tới một con người luôn “theo đuổi giấc mơ Mỹ”. Ông ngưỡng mộ thái độ dám nghĩ dám làm của người Mỹ và coi nó như kim chỉ nam cho sự nghiệp của mình. Cơ hội đến khi ông nhận được học bổng Fulbright và lần đầu được đặt chân lên đất Mỹ vào năm 1950. Bằng khả năng tận dụng cơ hội của mình, ông đã đưa Random House trở thành một trong những nhà xuất bản lớn nhất Mỹ. Câu chuyện về sự nghiệp của ông được tóm tắt lại trong cuốn Trước khi tôi là CEO đã giúp cho người đọc tiếp thu được rất nhiều bài học ý nghĩa.

  • Phải luôn chủ động trong công việc, luôn động tay động chân, luôn bám sát mục tiêu. Đó chính là một cách để tự tạo ra cơ hội cho hoạt động kinh doanh.
  • Không ngừng nỗ lực hết mình để phát triển tầm nhìn của bản thân, chăm chỉ với công việc của mình.
  • Hãy luôn vây quanh mình bằng những người phù hợp và trao quyền cho họ. Có thể hiểu đây là một hành động tạo cơ hội phát triển cho người khác. Khi mọi thành viên trong một tổ chức cùng nắm bắt được cơ hội, tổ chức đó sẽ có cơ hội phát triển.

Những triết lý của Vitale vẫn đang được áp dụng tại Random House hàng ngày, hàng giờ.


Tuy nhiên, cũng có những người đạt tới đỉnh cao dù cho con đường tới đích của họ được đánh giá là “có phần may mắn nhiều hơn”. Thực chất may mắn là một dạng của cơ hội tự nhiên, điều quan trọng là chúng ta có thái độ như thế nào khi nhìn nhận về sự may mắn (tin tưởng vào chúng hay là không).

Geoffray Garrett và Peter Henry là hai người như vậy. Họ là những Giáo sư đại học đến từ cựu thành viên của Khối “Thịnh vượng chung” của Anh là Jamaica và Úc. Câu chuyện họ chia sẻ trong cuốn Trước khi tôi là CEO thể hiện rõ vai trò của sự may mắn trong việc đưa họ trở thành “họ” của hôm nay. Nếu không có một tình huống may mắn nào đó, vào một thời điểm ngẫu nhiên nào đó, chưa chắc họ đã thành công như bây giờ. Nếu Henry không say mê bóng rổ, ông sẽ không gặp Austan Goolsbee trên sân bóng rổ đại học, và Goolsbee có thể chưa bao giờ nghĩ đến anh khi phải tìm kiếm một cố vấn cho Tổng thống Obama. Nếu Garrett không quyết định cho sự nghiệp học hành của mình một cơ hội ở một trường học xa xôi, ở một đất nước mà ông chẳng biết gì, ông sẽ không thể biết được một vị cố vấn luận án có tầm ảnh hưởng thực sự lớn.

Tuy nhiên, những cơ hội tự nhiên đó vẫn phải mang dấu ấn cá nhân nếu như ta muốn dùng nó làm điểm tựa để đi đến thành công. Bởi cơ duyên là khả năng khám phá ra một thứ gì đó bằng sự tình cờ và trí thông minh, đây vốn là những thứ chúng ta không phải cố công tìm kiếm. Điều quan trọng là phải tin tưởng rằng những khám phá đó sẽ đem lại một thành quả lớn lao. Hãy coi sự đáng giá của cơ duyên không bởi vì lý do nào khác ngoài việc chúng ta được trải nghiệm chúng, phải đặt mình vào tình huống mà những điều tốt đẹp có thể xảy ra nhưng không có mục tiêu cụ thể đó trong đầu. Đó chính là bài học rút ra từ câu chuyện về sự may mắn của Geoffray Garrett và Peter Henry.

CEO và nơi “vùng sâu vùng xa”

Điều thú vị là trên thế giới cũng có những nhà lãnh đạo tiến tới đỉnh vinh quang bằng con đường mà ít ai chúng ta nghĩ tới. Paul Bulcke, CEO của Neslté, và Jean – Francois van Boxmeer, CEO của Heineken là hai ví dụ tiêu biểu. Họ đã đạt tới thành công như thế nào? Câu chuyện họ chia sẻ thông qua cuốn sách Trước khi tôi là CEO đã vén tấm màn bí mật đó. Thay vì tiến hành một bước đột phá lớn, họ đã tiến tới đỉnh cao bằng việc quay lưng lại với nó. Họ không nhắm tới một địa vị nào và cũng không lo nghĩ về tương lai nhiều như hiện tại. Họ đã chọn đến một nơi hẻo lánh, sống một cuộc sống cách xa những trung tâm của công ty họ. Kiểu hành vi này cho phép họ đầu tư vào bản thân, học hỏi trong bóng tối, và cuối cùng, họ trở lại trung tâm của sự chú ý như những cá nhân giỏi cân bằng và có hiệu quả cao. Thông qua câu chuyện của hai CEO lẫy lừng, người đọc có thể rút ra được một số bài học ý nghĩa để áp dụng chúng vào sự nghiệp của mình.

  • Không phải là ta không nên tham vọng, nhưng dù cho tham vọng của ta trong sự nghiệp có là gì đi chăng nữa, hãy đảm bảo cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống ở trạng thái cân bằng. Cần phải biết kiềm chế sự háo hức của mình.
  • Không ngại xa xôi hẻo lánh, điều quan trọng là cần phải hoàn thành tốt công việc của mình.
  • Dám đi ngược dòng, dám khác với số đông, nhưng phải hợp lý và đúng thời điểm.


CEO và sự giải phóng

Con đường trở thành một CEO không hề đơn giản. Nghịch cảnh có, cơ hội có, may mắn cũng xuất hiện. Tuy nhiên, con đường các CEO lên tới đỉnh cao không giống nhau. Có những người gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng có những người gặp rất nhiều trắc trở, hành trình của họ không hề suôn sẻ. Họ chỉ có khả năng nắm bắt được cơ hội tới với họ, bởi vì một số khía cạnh khác trong cuộc sống đã vô tình tạo ra sự cản trở và ngăn họ tiếp cận được với các cơ hội khác, ví dụ như việc họ được sinh ra như thế nào, xuất thân ở đâu, hoàn cảnh gia đình ra sao,.... Đó đều có thể là những chướng ngại vật cản những CEO trong hành trình leo tới đỉnh cao của mình. Điều mà họ cần phải làm chính là vượt qua những trở ngại này và “thoát khỏi chúng”. “Chiến thắng” khi đó sẽ vô cùng giá trị.

Câu chuyện mà Rick Goings (CEO của Tupperware) và Susan Cameron (CEO của Reynolds American) chia sẻ trong cuốn sách là minh chứng cho những nhà lãnh đạo đi đến đỉnh cao bằng con đường này. Họ có xuất phát điểm không mấy thuận lợi khi so sánh với các CEO khác. Goings chỉ học ở một trường đại học không có danh tiếng và thậm chí còn bỏ học đại học để tự kinh doanh. Ông thất bại không biết bao nhiêu lần, thậm chí có lúc ông chỉ còn một số tiền ít ỏi trong túi, đủ để mua một lọ bơ và một ổ bánh mì đủ sử dụng trong vòng một tuần. Cameron cũng gặp nhiều biến cố khi bà còn nhỏ. Cha mẹ bà li dị khi bà 12 tuổi. Theo Cameron kể, người cha của bà đã “không làm tốt nhiệm vụ chăm sóc gia đình”, khiến cho mẹ của bà – một thư ký bình thường – vô cùng vất vả và phải gắng gượng nuôi bà ăn học. Cameron sớm ý thức điều đó và bà đã quyết định đi làm từ năm 15 tuổi để “giải phóng về mặt tài chính” cho người mẹ của mình. May mắn thay, bà đã sớm tìm được đam mê của mình trong ngành mỹ phẩm và thuốc lá, và giờ đây, Reynolds American – một công ty lớn của Mỹ chuyên sản xuất thuốc lá – được điều hành bởi chính người con gái nghị lực ấy.

Câu chuyện của Rick Goings và Susan Cameron kể lại trong Trước khi tôi là CEO muốn gửi gắm tới độc giả một số bài học ý nghĩa để áp dụng trong sự nghiệp của mình.

  • Muốn tiến lên đỉnh cao phải phá bỏ xiềng xích, đó có thể là những hoài nghi về học vấn, về gia cảnh, về những tự ti, những tổn thương trong tình cảm, những mặc cảm đối với xã hội,....
  • Từ bỏ không phải là từ bỏ nếu đã trải nghiệm đủ. Theo Rick Going, rất nhiều người không thành công được chỉ bởi vì họ từ bỏ quá sớm. Từ bỏ không phải là bỏ cuộc, không phải là buông xuôi mà là tiến lên phía trước. Khi đã trải nghiệm đủ thì cần phải ý thức được nhu cầu của sự thay đổi đặt ra trước mắt mà thực hiện bước nhảy, đó chính là tư duy “từ bỏ không phải là từ bỏ”.

Trong cuộc sống và trong sự nghiệp không thể thiếu vai trò của gia đình. Với Susan, động lực của bà chính là người mẹ của mình dù cho tình cảm gia đình của bà sớm bị tổn thương. Bà dùng nỗi đau để làm nghị lực vươn lên. Ở chiều ngược lại, có những CEO may mắn hơn Susan Cameron. Nhờ tình cảm gia đình, nhờ một nơi họ gọi là “nhà”, sự nghiệp của họ trở nên thăng hoa. Câu chuyện của Barry Salzberg và Johan Aurik trong cuốn sách là những minh chứng cho điều đó.


Barry Salzberg kể rằng ông sẽ không đánh đổi các mục tiêu sự nghiệp của mình bằng con trai của ông. Ông đã có cơ hội để đi toàn nước Mỹ nhưng quyết định ở lại New York để điều trị bệnh cho con trai của mình. Và điều đó cũng không ngăn được ông đạt được những thăng tiến trong công việc của mình. Năm 2007 ông trở thành CEO của Deloitte của Hoa Kỳ, năm 2011 ông được bổ nhiệm làm CEO toàn cầu.

Johan Aurik là CEO của A. T. Kearny – một công ty tư vấn hàng đầu. Ông nhận thấy sự nghiệp tư vấn của mình có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cá nhân, phải hi sinh thời gian dành cho gia đình. Ông và vợ mình đã chấp nhận điều đó và thống nhất quan điểm thực tế: Thi thoảng ông và gia đình phải chấp nhận ưu tiên công việc hơn gia đình và ngược lại, đôi khi ông sẽ để những ưu tiên cá nhân lên hàng đầu. Aurik đã hi sinh rất nhiều thời gian cho công ty nhưng điều đó không có nghĩa là ông xếp gia đình của mình ở vị trí thứ hai. Ông để cuộc sống quyết định những ưu tiên của mình.

Ý nghĩa của những câu chuyện này chính là đề cao tình cảm gia đình trong sự nghiệp của các CEO. Để xây dựng một sự nghiệp thành công thì cần phải có một cuộc sống cá nhân ổn định, hạnh phúc, và để có một cuộc sống hạnh phúc thì những nhận thức về mục tiêu nghề nghiệp là yếu tố tiên quyết. Đây là những bài học mà các CEO trong câu chuyện đã trải qua khi họ xây dựng sự nghiệp của mình.

CEO và “tấm gương”

Trong cuộc sống, sớm hay muộn chúng ta cũng đều phải quyết định việc mình có nên nối nghiệp cha mẹ hay không. Điều này có thể là tiếp tục công việc kinh doanh hoặc nghề nghiệp của gia đình, hoặc là có thể học theo phong cách sống của cha mẹ. Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Các CEO cũng vậy.

Ba CEO nổi tiếng, Richard Edelman, Sir Andrew Likierman và Chris Burggraeve đều đã từng phải đứng trước câu hỏi: Liệu có nối nghiệp gia đình hay không? Trong khi Edelman chọn theo con đường nghiệp của gia đình thì Likierman lại chọn con đường ngược lại. Burggraeve thậm chí còn không có con đường nào để lựa chọn. Nhưng cả ba con người tài năng này đều có một điểm chung, họ đều sao chép những đặc điểm mà họ ngưỡng mộ nhất ở cha mẹ mình. Với Edelman, đó là chữ tín từ cha, sự nhạy cảm từ mẹ và thái độ cho đi – nhận về của cả hai. Với Likierman, đó là dám bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng như ông nội của ông từng làm. Ông nội của ông đã từng bắt đầu lại ở một quốc gia khác, còn ông chọn cách bắt đầu trong một nghề khác. Với Burggraeve, đó là niềm yêu thích phiêu lưu của cả cha và mẹ.

Bài học thông qua những câu chuyện về tấm gương gia đình mà cuốn sách muốn gửi gắm tới độc giả có thể được tóm lại như sau:

  • Ngay từ đầu cần phải đưa ra một lựa chọn có tính linh hoạt.
  • Nếu đã chấp nhận rủi ro thì không được hối tiếc.


Kết

Peter Vanham là một cây viết về đề tài kinh doanh cho nhiều báo và tạp chí nổi tiếng như Financial Times, Business Insider, Forbes. Ông cũng là một chiến lược gia về truyền thông xuất sắc ở Mỹ, đồng thời cũng là thành viên trong nhóm lãnh đạo toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cuốn sách Trước khi tôi là CEO của Peter Vanham được viết dựa trên những cuộc phỏng vấn, trò chuyện của ông với cá nhân 20 CEO đến từ những công ty với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Heineken, Nestlé hay những tổ chức uy tín như Trường Wharton, Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ,....

Tuy nhiên Trước khi tôi là CEO có cách trình bày không giống như các cuốn sách khác cùng chủ đề. Nó như một bộ phim tài liệu được tổng hợp lại bởi “đạo diễn” Peter Vanham, trong bộ phim đó là sự kết hợp của nhiều câu chuyện kinh doanh khác nhau, ở đó “dàn diễn viên” là những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Mỗi một câu chuyện đều được kể một cách tỉ mỉ, chính xác và vô cùng chân thực, bởi đó là câu chuyện được tóm tắt lại từ những cuộc phỏng vấn trực tiếp “mặt đối mặt” của Peter Vanham với các CEO. Thông qua cuốn sách, Peter Vanham không chỉ cung cấp cho độc giả những câu chuyện về cuộc đời của các CEO hàng đầu thế giới mà ông còn muốn gửi gắm cho độc giả những bài học, những định hướng về sự nghiệp. Đó không phải là lý thuyết, đó là những điều được đúc rút từ thành công của những con người bằng xương bằng thịt, những con người có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Tác giả: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

Xem thêm

Đối với tất cả những người thức đêm tự hỏi liệu họ đang đi lên hay xuống bậc thang của công ty, bộ sưu tập những câu chuyện cá nhân này từ một nhóm đáng chú ý gồm những người đàn ông và phụ nữ thành công nhất trong kinh doanh ngày nay chứng minh rằng mọi người đều có thể đặt mình vào hoàn cảnh khác nhau bằng cách đi theo nhiều con đường khác nhau — tất cả là cách bạn thực hiện. Một số tìm thấy cơ hội thông qua nghịch cảnh và những người khác đến nhờ những khoảnh khắc đột phá của họ thông qua sự tình cờ. Một nhóm trong số họ rời bỏ cuộc sống công ty và sống theo những cách khác và những người khác thực hiện những bước đi có tính toán để thăng tiến sự nghiệp của họ. Theo cách nói của riêng họ, hãy đọc tất cả diễn ra như thế nào, những quyết định khó khăn mà họ phải vật lộn, những rủi ro và phần thưởng mà họ nhìn thấy, và tất cả đều kết hợp với nhau như thế nào. Bạn không cần phải có phả hệ hoàng gia hoặc giáo dục của Ivy League để đạt đến đỉnh cao miễn là bạn: Sải cánh, coi trọng gia đình và đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên ước mơ của bạn Hãy dành ba mươi lăm năm đầu đời để khám phá điều bạn quan tâm và đừng vội trở thành CEO Đối phó với thất bại một cách chiến lược, ghi nhớ những bài học bạn đã học và thích ứng với những tình huống bạn không thể thay đổi.

Cuốn sách này tách biệt khỏi nhiều lựa chọn mà bạn có thể tìm thấy tại hiệu sách mục leadership. Tính độc đáo của nó làm cho nó đáng mua. Cuốn sách bao gồm một bộ sưu tập 20 câu chuyện từ các giám đốc điều hành đã lãnh đạo các công ty toàn cầu rất quan trọng: Orit Gadiesh từ Bain, ‘Kris’ Gopalakrishnan từ Infosys và Paul Bulcke từ Nestlé, cùng những người khác. Xuyên suốt cuốn sách, Peter Vanham áp dụng những bộ lọc thú vị để trích xuất những góc nhìn độc đáo từ những cuộc đời đáng chú ý này: nghịch cảnh, tình cờ, ‘thoát khỏi ràng buộc’, mô hình hóa vai trò. Bản thân là một người xa xứ, tác giả sử dụng giọng văn của mình để đưa ra những câu hỏi hấp dẫn những người chia sẻ kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài của bản thân. Và câu trả lời của anh ấy rất đáng khích lệ đối với khán giả này khi anh ấy nhấn mạnh việc theo đuổi giấc mơ Mỹ vẫn xứng đáng, đạo đức làm việc mạnh mẽ của lực lượng lao động nhập cư và nhu cầu sâu sắc để tiếp xúc với nhiều nền văn hóa là những đặc điểm chính cho những người mong muốn vươn tới các tổ chức ngày nay. Thật kỳ lạ, anh ấy lập luận rằng việc đạt được những vị trí hàng đầu này trong tương lai không nên át đi niềm vui khi yêu thích những gì bạn làm, làm tốt và nhận được sự tin tưởng của những người xung quanh. Theo quan điểm của anh, hạnh phúc và vươn tới một cuộc sống cân bằng cũng rất quan trọng. Khi anh ấy chứng minh trong hồi ức của mình về những hồ sơ này rằng câu chuyện về đất nước bạn sinh ra cũng có thể là của riêng bạn, anh ấy cũng sử dụng ví dụ của những nhà lãnh đạo toàn cầu này để khuyến khích những cá nhân đầy tham vọng trong hành trình chuyên nghiệp của họ, tất cả những điều này mà không có hành vi chuẩn mực hoặc lặp lại khuôn sáo. quá thường thấy trong các cuốn sách self-help. Đây là một bài đọc thú vị, thúc đẩy sự suy ngẫm về những bài học kinh nghiệm của riêng bạn cho cuộc sống và nhận ra sức mạnh không thể nhầm lẫn của cơ hội và thời gian trên con đường của chúng ta.