Tâm trí chúng ta có lúc lặng yên nhưng có lúc lại có dữ dội với những đợt sóng cuộn trào. Chúng ta đều phải đi qua những thăng trầm trong chính nội tại của mình. Có thể cơn sóng dữ sẽ cuốn ta vào những vòng xoáy tuyệt vọng rồi để lại những mảnh vỡ tinh thần, dù vậy đừng mất niềm tin rằng Trong Ta Rồi Sẽ Lành Lại. Trong Ta Rồi Sẽ Lành Lại của nữ tác giả Giang Kate là hành trình vượt qua những tổn thương từ một tuổi thơ không vẹn tròn, vượt qua giai đoạn trầm cảm, đi tìm gốc của nỗi đau sâu thẳm và tìm thấy yên bình trong chính mình. Cuốn sách là sự kết hợp cân bằng giữa trải nghiệm, suy nghĩ của chính tác giả và cả những kiến thức về tâm lý học trị liệu. Mình tin rằng đây không chỉ là một cuốn sách thông thường mà còn là một người đồng hành để nhắc chúng ta rằng rồi những mảnh vỡ tâm hồn sẽ được chữa lành.
Nhìn lại những mảnh vỡ tâm hồn:
Trong cuộc sống có rất nhiều điều có thể để lại những mảnh vỡ trong tâm hồn, những tổn thương hay đau đớn tinh thần nhưng có lẽ điều để lại những sự tan vỡ hằn sâu nhất trong mỗi người là một gia đình không hạnh phúc và một tuổi thơ không trọn vẹn. Điều tồi tệ hơn cả đó là những tổn thương từ sự tan vỡ ấy vô hình, ăn sâu vào tiềm thức mà chúng ta chẳng dễ dàng nhận ra. Và kể cả khi nhìn thấy chúng, ta cũng khó có thể xua đuổi chúng đi vì sự bất lực, chẳng thể làm gì để bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm trong quá khứ đã đi qua quá xa.
Tuổi thơ của nữ tác giả Giang Kate đã đi qua điều tương tự khi gia đình cô tan vỡ, bố mẹ li dị và sống một mình phần lớn khoảng thời gian khi còn nhỏ. Mình may mắn không phải trải qua những sự chia ly như vậy nhưng đọc về hành trình đi qua những sự cô đơn, cảm giác trống vắng, buồn bã từ nhỏ cho đến khi trưởng thành của cô, mình mới hiểu được những tác động tinh thần to lớn của sự thiếu vắng tình cảm gia đình. Con người luôn có một sợi dây liên kết với quá khứ, đặc biệt với tuổi thơ của mình. Dù có lớn lên thì một phần trong ta vẫn sẽ kết nối với khoảng thời gian đó. Bởi vậy, những ảnh hưởng từ thơ ấu, theo thời gian, vẫn sẽ tác động đến ta của hiện tại.
Trong sâu thẳm, tôi thấy mình cô độc. Như thể cả thế giới xung quanh trở nên xa cách và chỉ còn mình tôi đứng trơ lại trong quả cầu bóng tối đang bao trùm lên tôi, như một vỏ bọc mà ai đó cho rằng tôi đang giả tạo này.
[...] Cũng đi tập thể thao như hồi đó, nhưng lần này không khiến cho cơ thể tôi khoẻ hơn, mà tôi vẫn thấy kiệt quệ, cạn năng lượng. Những chuyến đi phượt cũng không làm tôi cảm thấy bình yên hơn. Nó chỉ đỡ lúc đi, còn khi về vẫn cảm thấy trống rỗng. Dạo gần đây, những cơn ác mộng giống hồi ở bên Mỹ lại xuất hiện. Trong mơ, tôi có cảm giác như thật, luôn là cảm giác bị rượt đuổi, nguy hiểm đến tính mạng. Giấc mơ tôi nhớ nhất là có một người đàn ông cầm dao đuổi theo muốn giết mình, khi tôi cố đóng cánh cửa của một phòng lại thì người đàn ông đó cầm con dao nhọn thọc tay qua ke cửa, cố gắng tóm lấy tôi. Rồi đến đường cùng, tôi phải chiến đấu lại và cảnh cuối cùng là một vũng máu không biết là của ai. Tôi bàng hoàng tỉnh dậy, tim đập thình thịch như trống dội, đầu nặng trĩu.
Mệt mỏi, cạn năng lượng, thuyết hư vô và ý nghĩa kết thúc, đổ vỡ tình bạn,... Giang Kate trải qua những giai đoạn trầm này trong cuộc đời cô ngay sau khi có những ngày tháng tự do, tươi đẹp, được tìm thấy tự do ở Mỹ nơi cô du học và ở Pháp - đất nước mà cô luôn muốn ghé thăm. Nhưng rồi những sự trống vắng, lạc lõng trong một mối tình không trọn vẹn đã khiến cô nhận ra những lỗ hổng trong tâm hồn mình. Quả thực có những hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp và bản thân hạnh phúc để rồi rơi vào hố đen tuyệt vọng sẽ càng làm cho chúng ta cảm thấy hoang mang hơn. Như thể khi ta tưởng ánh sáng mặt trời chói rạng và đó sẽ là một ngày tươi đẹp thì cuối cùng chỉ vài tiếng sau, bầu trời chuyển xầm xì, xám xịt vậy. Những trang sách miêu tả nước Pháp tràn ngập hi vọng và niềm vui bao nhiêu thì đến những chương sau, đó hoàn toàn trái ngược.
Nếu như ta có thể tự nhiên biến mất khỏi cuộc đời thì sao nhỉ? Năm mười tám tuổi, tôi từng lấy dao rọc giấy cứa một vết nhỏ vào tay vì một mối tình ngắn ngủi hai tuần. Năm hai mươi tuổi, khi có một biến cố trong gia đình, thỉnh thoảng người tôi bị run lên bần bật, mắt tối sầm lại, khó thở, choáng váng, gần như ngất. Đi khám thì không ra bệnh, bác sĩ chỉ nói là rối loạn hệ thần kinh thực vật. Giai đoạn đó, tôi từng nghĩ nếu ta có thể biết mất như bong bóng xà phòng nhẹ nhàng tan dần vào không trung, không có ai phải luyến tiếc, đau khổ cho sự mất đi của nó, tất cả hình ảnh đọng lại chỉ là nó từng lung linh đầy màu sắc mà thôi. Nếu có thể biến mất mà không khiến ai đau khổ như vậy thì thật tuyệt.
Gắn liền những mảnh vỡ bên trong:
Dù lúc nào cô cũng khát khao hạnh phúc và một gia đình riêng, nỗi buồn giống như một bãi cát lún, khó thoát ra nhưng cũng không phải là không thể. Vì khó khăn nên đó là cả một quá trình nhận thức, tranh đấu với chính mình. Trong ta rồi sẽ lành lại là cuốn sách viết về cả một quá trình hàn gắn vết thương tâm hồn với những giai đoạn cuộc đời của Giang Kate, bạn có thể thấy chính mình cũng như mình đã nhìn thấy bản thân trong đó, vì có lẽ đó cũng đều là những giai đoạn ta sẽ đi qua.
Mức độ chán nản và dễ thất vọng trong tôi ngày càng tăng. Một vấn đề nhỏ xảy ra cũng dễ khiến tôi rơi xuống vực sâu của sự thất vọng, tồi tệ. Tôi trở nên dễ xúc động và dễ bị ức chế. Tôi không thể hiểu tại sao mình lại thấy tệ như thế này. Mới cách đây hai năm, tôi còn là một cô gái có nội lực một mình đi sang Mỹ, hào hứng, vui vẻ, yêu đời viết thư từ Pháp về cho bố mẹ, sao giờ đây cảm xúc của tôi trở nên trồi sụt, dễ khóc lóc thế này? Tôi như muốn nổ tung với mớ cảm xúc vật lộn bên trong.
Khi lên chức mẹ và chuyển sang Singapore, Giang Kate bắt đầu có những nhận thức về chính những cảm xúc, hành vi của mình. Có thể vì một mái ấm, điều mà cô hằng mong ước, đang dần lấp đầy những trống vắng mà cô vẫn luôn ám ảnh. Dành nhiều thời gian hơn để có những kết nối riêng với chồng hay người thân yêu của bạn, cố gắng mỉm cười nhiều hơn và sống trách nhiệm với chính mình, những giá trị này làm mình nhận ra rằng chúng ta cần phải chủ động trong chính cuộc đời mình, chỉ có sự chủ động tự nhìn lại, chủ động hành động mới có thể đem lại những thay đổi mà mình muốn mà thôi.
Đừng mong chờ tìm thấy một đam mê cả đời. Ngày hôm nay bạn có thể ham mê việc này, ngày mai bạn có thể đam mê việc khác, điều đó không sao cả. Quan trọng là bạn làm việc đó trọn vẹn với tâm huyết của mình tại thời điểm hiện tại để đem lại giá trị chân thực. Vấn đề khiến bạn trăn trở nhất, có thể đó chính là sứ mệnh của bạn. “Your mission comes from your pain" (Sứ mệnh đến từ nỗi đau). Nỗi đau đó có thể là của bạn hay của người khác mà bạn có khao khát muốn góp phần giúp đỡ. Và có thể, chúng ta không chỉ có một sứ mệnh, mà có nhiều sứ mệnh tuỳ theo giá trị ưu tiên trong mỗi giai đoạn của cuộc đời.
Chẳng còn cách nào khác để hoàn toàn chữa lành những mảnh vỡ tâm hồn sâu thẳm nếu không đi vào những chính nơi sâu thẳm đó. Hành trình quay trở vào trong là cách tác giả và cả chính chúng ta tìm lại và ôm lấy bản thân với nhiều mảnh vỡ. Đúng vậy, như cách Giang nói, hạnh phúc là thứ mà ta không thể tìm kiếm từ bên ngoài mà phải được sản xuất từ nội tại chúng ta.
Nhưng làm thế nào để tĩnh lặng khi những ý nghĩ cứ liên tục đến, không thể kiểm soát? Giả như tâm trí của ta là một mặt hồ và các ý nghĩa về các sự kiện, vấn đề trong cuộc sống là những con thuyền nhỏ. Nếu có nhiều con thuyền nhỏ vào mặt hồ cùng một lúc thật nhanh và liên tục, thì ta không biết được con thuyền nào gây ra từng tác động gì cho mặt hồ. Khi ấy, tâm trạng ta như mặt nước bị xáo trộn bởi quá nhiều thứ.
Nếu ta có thể dừng lại, chỉ quan sát những con thuyền đang ra vào tự nhiên trong dòng chảy của tâm trí, mà không túm con thuyền lại để đuổi nó ra hoặc nhảy vào lục lọi, phân tích, phán xét nó thì ta sẽ nhìn thấy rõ được toàn cảnh từng con thuyền đang tác động lên mặt hồ ra sao. Con thuyền nào tạo ra rung động khiến ta buồn, con thuyền nào tạo ra rung động khiến ta vui. Khi ta không còn bám giữ nó lại mà thả nó tự trôi đi “như nó là", có thuyền thì có hồ, có hồ thì có thuyền, có thuyền thì có đến và đi, tạo vật là thế, thì mặt hồ sẽ dần lắng lại.
Chính vì vậy, hành trình đến với tâm lý học trị liệu của tác giả đã mở ra những cánh cửa mới đến với những vùng ký ức tuổi thơ, giải mã những cảm xúc hành vi tâm lý liên quan đến tầng tiềm thức và sâu hơn nữa là tầng vô thức của chính cô. Thực sự khi đọc Trong Ta Rồi Sẽ Lành Lại, mình cũng bỏ túi được kha khá kiến thức về tâm lý học và tâm lý học trị liệu. Cuốn sách kể ngắn gọn về lịch sử của tâm lý học, những thuyết tâm lý học nổi tiếng thuyết từ tính động vật, thuyết phân tâm học,... khơi gợi trong mình những sự tò mò, hứng thú với lĩnh vực này.
Cảm xúc tiêu cực và ức đau buồn là để cho ta biết mình có tổn thương cần chữa lành, mong ước cần thoả nguyện và bài học cần lĩnh hội. Nếu ta bỏ chúng thì ta sẽ không thể chữa lành gốc nỗi đau, thoả mãn những khát vọng đích thực và thu được kinh nghiệm để trưởng thành. Chúng ta cần quay vào bên trong để tìm hiểu về bản thân, tìm căn nguyên để hoá giải.
Trong đó, thuật thôi miên là phương pháp mà tác giả đã sử dụng để “chữa trị" cho chính mình nhưng trái với những định kiến luôn có của mình, thuật thôi miên có rất nhiều mới mẻ. Khi Giang Kate tự soi chiếu những hiện tượng tâm lý lên chính cuộc sống của mình, mình càng thấy rõ hơn mối liên kết của tâm lý học và con người. Và có thể việc bắt đầu tìm hiểu về tâm trí của riêng chúng ta sẽ là cách thấu hiểu mình và chữa lành tổn thương. Khi đọc về những khái niệm tâm lý như Đứa Trẻ Bên Trong, Cái Tôi Giả, Cái Tôi Thật, mình thường tự hỏi bản thân thể hiện chúng như thế nào, phần thích thú phần sợ hãi khi nhìn thấy những “góc khuất” của bản thân. Dù đáng sợ biết được những điều ấy cũng dần thúc đẩy sự kết nối với bản thân như cách tác giả kết nối với chính mình và chữa lành Đứa Trẻ Bên Trong vậy.
Đừng mất niềm tin vào bản thân bạn nhé! Bạn không tệ, bạn không xấu. Chẳng có gì là sai, là không ổn với bạn cả. Chỉ đơn giản một sự thật là bên trong bạn đang có vết thương nào đó cần được chữa lành. Đừng chối bỏ mình nhé! Hãy yêu thương bản thân và tìm mọi cách có thể để khám phá nguồn gốc của nỗi đau bên trong đó. Để vun tưới cho nó xanh tươi, có sức sống trở lại và nó sẽ lớn lên xanh mát, toả bóng an lành, bao dung, che chở cho bạn. Rồi bạn sẽ bình yên thôi.
3. Phương tiện chữa lành tâm hồn
Vẽ, Yoga và chụp ảnh đều là những phương tiện chữa lành tâm hồn của không chỉ tác giả mà còn của chúng ta. Vẽ hay rộng hơn là trị liệu bằng nghệ thuật (Art Therapy) đưa ta trở về con người bản thể, chân thật nhất mà không phán xét, chỉ có những nét bút nét cọ uốn lượn mà thôi. Đối với mình, vẽ là cách tìm lại tĩnh lặng trong chính mình khi ta tập trung, thoả sức thể hiện cảm xúc của mình trên những mặt giấy. Càng vẽ, ta càng thấy tự do như thể trang giấy là bầu trời và ta là cánh chim bay lượn thoả thích, vô lo vô nghĩ. Ngoài vẽ, việc cầm trên tay một chiếc máy ảnh là một cảm giác mới lạ hoàn toàn sau khi mình đọc cuốn sách này. Mỗi một chiếc máy ảnh không chỉ là phương tiện để lưu giữ khoảnh khắc mà còn là một lời nhắc nhở về những thay đổi và khả năng của chúng ta. Chụp ảnh là cách kết nối với những vẻ đẹp trong cuộc sống, mỗi bức ảnh được chụp từ rất lâu rồi nhưng khi nhìn lại bạn có nhận ra những thay đổi trong lối suy nghĩ của mình không? Một bức ảnh càng nhìn lâu ta sẽ càng nhìn ra những vẻ đẹp mà khi nhìn trực tiếp ta sẽ chẳng nhận ra. Xem ảnh ở những thời điểm khác nhau còn đem lại những cảm xúc khác nhau nữa.
Khi chụp ảnh trong điều kiện sáng tốt, sự khác biệt giữa một chiếc máy ảnh thường, thậm chí là điện thoại với máy ảnh chuyên nghiệp không quá lớn. Chỉ khi chụp trong điều kiện sáng yếu thì mới thấy rõ sự khác biệt của từng loại máy ảnh. Cuộc sống cũng vậy, trong hoàn cảnh bình thường ai cũng có thể dễ làm tốt mọi việc. Chỉ đến khi rơi vào khó khăn thì ta mới biết người nào thực sự có cách đón nhận, xử trí tình huống tình cảm, lý trí, cân nhắc, hài hoà ra sao.
Nghệ thuật là một trong những con đường để tìm về bản thể. Bởi trong nghệ thuật, xấu hay đẹp không phụ thuộc vào sự phán xét của người khác mà người sáng tác chỉ chân thật bày tỏ những cảm xúc thành thực của mình. Họ không quan tâm nét vẽ của mình xấu hay đẹp theo đánh giá bên ngoài. [...] Họ vẽ chỉ vì nhu cầu chân thật, vẽ vì muốn vẽ, nhảy vì muốn nhảy, hát vì muốn hát. Hành động phát sinh không phải vì tiền, không phải vì muốn nổi tiếng, không phải vì mong được ca tụng.
Nhưng dù là phương pháp nào, điều cốt lõi là chúng ta quay về trong, lắng nghe chính mình, gọi tên và thừa nhận những cảm xúc tiêu cực. Giống như Carl Jung đã từng nói: Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakes" (Người nhìn ra ngoài, đang mơ; Người nhìn vào trong, thức tỉnh). Niềm vui trong cuộc sống có thể đến từ những người xung quanh bạn nhưng đến cuối cùng nếu chúng ta có thể tự tạo niềm vui cho chính mình thì đó sẽ là niềm vui bền vững, dài lâu và mạnh mẽ hơn cả.
Cầu nguyện không giúp ta trúng xổ số nhưng cầu nguyện trong lúc tuyệt vọng nhất giúp ta biết được thực sự trong sâu thẳm ta mong mỏi điều gì. Lời cầu nguyện chính là tiếng nói chân thực phát ra từ nơi ánh sáng của tâm hồn.
Khi tôi không phụ thuộc vào bên ngoài mà thường xuyên chủ động tạo ra niềm vui cho bản thân thì niềm vui cũng như một người bạn quen thuộc dần được hình thành bên trong. Anh bạn buồn, cô đơn sau một thời gian được nghỉ ngơi, chăm sóc riêng biệt giờ đã trở thành Niềm vui. Thỉnh thoảng, trong lúc tôi đang loay hoay vẽ, Niềm vui lại đến chơi, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, vắt chân thong thả, thư thái bảo “Hôm nay vui nhỉ". Tôi gật gù mỉm cười, tay vẫn bận rộn với đám màu cọ.
Sau tất cả, cô đã nhìn lại ý nghĩa của những giai đoạn trầm trong cuộc đời mình, trong đó có trầm cảm. Nếu tìm được ý nghĩa trong cả những điều làm chúng ta đau khổ, đó có nghĩa là ta đã có thể đối mặt, chấp nhận và yêu thương tất cả những gì mình trải qua. Đối với Giang Kate, việc từng có suy nghĩ kết thúc, rơi vào khủng hoảng về chính sự tồn tại của mình đã giúp cô cảm nhận rõ rệt nhận thức về sự sống và nhận thức về cái chết. Đứng giữa hai lực kéo đó, cô quay về bên trong để hiểu chính mình, để hiểu vì sao mình muốn sống, để thuyết phục chính mình trước suy nghĩ kết thúc. Ta đối mặt với chính mình để hiểu rằng những nỗi đau sâu thẳm nhất chỉ có ta mới có thể chữa lành được.
Nếu bản chất của cuộc sống đơn thuần là dù vui hay buồn, có tiền hay không có tiền, rong chơi hay tù túng, đều là những thứ lặp lại và có lúc ta thấy tẻ nhạt với lối mòn này, thì ta cần chủ động làm gì để tạo ra những điều ý nghĩa cho mình? Mỗi người sẽ lựa chọn cho mình giá trị và ý nghĩa sống khác nhau. Không có ý nghĩa cuộc sống của ai là to lớn hay nhỏ bé hơn ai, và có thể còn thay đổi tuỳ theo từng giai đoạn. Điều quan trọng là giá trị, ý nghĩa đó chân thực và cụ thể riêng với chính bạn.
Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc với những nỗi buồn kéo dài, hãy thử đối diện, gọi tên rồi chấp nhận và hiểu được ảnh hưởng của những cảm xúc đó. Nếu không thể hãy tìm kiếm sự giúp đỡ hay sự lắng nghe từ những người xung quanh bạn, hay theo cách mình từng làm, viết những cảm xúc xuống để biến những trang giấy trở thành tấm gương phản chiếu chính tâm hồn mình. Bạn có thể đến với tâm lý học trị liệu, đến với vẽ, thiền, yoga và chụp ảnh để dành thời gian nhiều hơn cho chính nội tâm mình. Đó cũng là một cách chữa lành để ta từ từ mở lòng mình đón nhận những điều tốt đẹp hơn. Đừng đánh mất niềm tin vào khả năng chữa lành tâm hồn từ chính mình nhé!
Khi ta giăng buồm ra khơi, xa khỏi nơi mình sinh ra để khám phá những thứ đang diễn ra bên ngoài kia, những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, lối sống và cách ứng xử. Khi ta hoàn toàn lạc lối giữa đại dương, tự hỏi mình là ai, mình đang ở đâu, đi đâu, làm gì và nên hành xử như thế nào đây? Khi những con sóng, ngọn gió thổi tung cánh buồm ta lên cao, rồi lại tàn nhẫn dập chìm con thuyền ta xuống đáy. [...] Để rồi từ nơi sâu thẳm dưới đáy đại dương của tiềm thức, ta thúc mình bật dậy vươn lên, phóng mình vượt lên khỏi những con sóng, hít trọn hơi thở đầu tiên đầy vào trong vòm họng, hoàn thành việc đã tưởng chừng như không thể. Đó là khoảnh khắc ta bắt đầu đón nhận chính mình. Niềm khao khát sống trỗi dậy mãnh liệt từ bên trong.
Tác giả: Diệp Anh
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
"Trong ta rồi sẽ lại lành" là một trong hàng ngàn cuốn hồi ký, sách tự truyện, tại sao bạn nên chọn cuốn này? Không chỉ câu chuyện mà những khó khăn mà tác giả đã trải qua cũng được khắc họa. Trong tôi, từ hỗn loạn đến tìm ra lối đi cho riêng mình, đến yêu, đến yêu, tôi chia sẻ với các bạn một hành trình đặc biệt mà tôi tin tưởng mãnh liệt ai cũng phải trải qua. Ngay cả khi nó bị hỏng, nó sẽ tự sửa chữa. Trên hết, đây là hành trình tìm kiếm con người thật của bạn.
Không cần sử dụng những cụm từ hào nhoáng hay chia sẻ những bài học quý giá với độc giả khắp mọi nơi… Tác giả dùng trải nghiệm thực tế của chính mình để truyền tải những ngôn từ chân thật, giản dị và những thông điệp đầy ý nghĩa. Tầm quan trọng của việc chữa bệnh đối với độc giả...