Bấc là hình tượng nhân vật kiệt xuất của tác giả Jack London, một tâm hồn khắc khoải giữa hiện tượng thiên nhiên thảm khốc, một trực diện tàn bạo nơi lòng người bị tha hoá. Hình ảnh tiếng gọi cất lên như là một lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang đi trên con đường tìm lời giải cho câu hỏi: Tôi là ai?

Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã, nguyên bản là tiểu thuyết The Call of Wild xuất sắc đến từng góc cạnh nội tâm của từng nhân vật. Ở đó là một xứ Alaska lạnh lẽo, cùng cực và khốn khổ. Ở đó là một xã hội tha hoá đổ xô chạy theo những thứ mà người ta đồn thổi. Ở đó, nơi con người không thể chiến thắng được ma lực của thứ kim loại ánh vàng. Nhưng cũng từ nơi đó Jack London thắp lên tia sáng nơi cuối đường hầm để dẫn dắt cuộc đời chú chó Bấc trước chuyến phiêu lưu trường kỳ. Để thổi lên ngọn lửa nhân văn nơi tình thương là chiếc mỏ neo giữa ranh giới của băng tuyết và sự hy sinh. Để lan tỏa hơi ấm của những giá trị triết lý từ quá khứ tới tiếng gọi của hiện thực.

Hành trình của nhân vật Bấc được giới thiệu với xuất thân là một ông 'vua' được cưng chiều tại gia đình ngài thẩm phán Miller của vùng đất phía Nam. Cuộc đời của chú chó va phải bước ngoặt đầu tiên khi lòng tin của chú bị phản bội, bị bắt cóc và bị làm thứ hàng hoá và phục tùng xã hội loài người đang đổ xô nhau đi tìm vàng. Cuộc phiêu lưu đoạ đày đã tôi luyện tinh thần vốn có của một con chó lai sói. Trải qua hành hạ, đánh đập dưới quy luật của dùi cui và răng nanh, thoi thóp giữa cuộc chiến với cái giá lạnh của vùng đất phía Bắc, của quân phản bội trong chính những con chó chung đàn, Bấc đã sử dụng trí tuệ, tài năng và phẩm chất vượt bậc của tổ tiên để đứng dậy ở những thời khắc cuối cùng, xứng đáng với tình yêu thương vô tận của người chủ cuối cùng, trước khi chính tình yêu thương ấy là bàn đạp để Bấc hú lên tiếng hú vốn đã ẩn mình cho sự khao khát được tự do vĩnh cửu.

Hình tượng nhân vật Bấc cùng những bức tranh trên chuyến phiêu lưu của chú chó đã để lại cho nhân loại không ít những bài học khắc cốt ghi tâm. Đối với thời đại của chúng ta, mỗi giây trôi đi là một giây chúng ta để lỡ những cơ hội. Thân chinh ra chiến trường để rồi khi tiếng gọi nơi con tim cất lên là lúc giọt nước mắt kêu gào rằng: thêm một lần nữa chúng ta mắc sai lầm. Nhưng một khi chúng ta bị đẩy vào nơi bắt đầu, có nghĩa là chúng ta đã dám chấp nhận tất cả, dù có là dùi cui hay răng nanh như bức tranh của Bấc, hay có là nơi đáy vực thẳm, chúng ta buộc phải đứng lên như tinh thần của một con sói thực thụ.


1/ Để đi qua băng giá chúng ta cần chiếc cầu mang tên tình thương.

Tiểu thuyết nói lên tiếng lòng của thời đại, không chỉ có con người khao khát được sống trong tình yêu thương, mà kể cả những sinh vật nhỏ bé nhất cũng mong muốn được đối xử bằng tình yêu chân thật. Khi tình yêu thương ấy không còn, nỗi thống khổ chế ngự là điều kiện để bản thân ta nghe theo tiếng gọi từ nơi sâu nhất trong con người mình. Bấc cũng thế!

     Bấc đã nghe vang vọng đâu đó một âm thanh xa lạ mà hết sức quen thuộc từ chốn hoang vu nơi rừng xanh sâu thẳm kia

Nhân vật Bấc được vẽ lên bằng câu từ của nhà văn Jack London vô cùng tinh tế và sắc sảo. Chiêm nghiệm về thời "chúng ta còn trẻ" chúng ta đã làm những điều gì? Chúng ta đã từng ở những cung bậc nào của cảm xúc?

Bấc xuất thân trong yêu thương và kính trọng, chưa bao giờ chú chó không tuân lệnh chủ nhân. Đó cũng là lý do mà chú để lòng tin của mình vào tay làm vườn, người đã bán chú đi để lấy tiền trả nợ. Tiếng kêu của chú khi chứng kiến ngôi nhà mình vẫn sống xa dần xa dần qua khung cũi là một tiếng kêu rứt lòng. Tuy nhiên, khi Bấc vô định nhất, cũng là khi Bấc có thời gian để lắng nghe tiếng gọi của cội nguồn rõ ràng nhất. Đó là lần đầu tiên Bấc tự mình ý thức được cuộc sống sau này, mình phải tự đứng dậy bằng bản năng của một thủ lĩnh, cô độc và duy nhất.

Xuyên suốt hành trình, Bấc gặp bốn người chủ, họ đến rồi đi, và đến rồi lại đi. Bấc luôn nhận thấy được điều chẳng lành giữa những lần chuyển giao như thế. Thuở nhỏ được sống trong yêu thương, và phải ra đi. Lần cuối cùng, Bấc cũng được sống trong yêu thương và chứng kiến cái chết của chủ. Nhưng Bấc của hai lần này hoàn toàn khác nhau, yêu thương chân thành của chú dành cho người chủ cuối cùng sẽ mãi không thể thay thế. Đó là lý do vì sao tình thương ấy đủ sức lôi kéo Bấc ở lại thế giới văn minh, Bấc chấp nhận thay đổi bản chất của mình nhờ thứ tình cảm đó.

Bài học về tình thương yêu mãnh liệt, nhân văn mà tác giả đã gửi gắm qua bức tranh đó sẽ là cảm hứng cho những người trẻ chúng ta. Không phải Bấc chưa từng cùng cực, mà vì Bấc đã từng thoi thóp và bị đoạ đày khủng khiếp bởi dùi cui, bởi bóc lột kiệt quệ, nên Bấc đã đứng lên cho một người chủ xứng đáng. Chúng ta cũng vậy.

2/ Cái lưới bài trừ của xã hội không chừa một ai.

Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã đúng như cái tên mà Jack London đã đặt cho tác phẩm và còn đúng hơn với cả xã hội loài người.

Bấc biết chắc chắn cậu sẽ chết nếu không ngồi im trước dùi cui của tên khốn mang thắt lưng màu đỏ.

Bấc biết chắc chắn cậu sẽ chết nếu chống đối lại Spitz khi ở trên boong tàu.

Bấc biết chắc chắn cậu sẽ chết nếu đứng dậy mà kéo xe vượt qua sông băng đang tan chảy.

Bấc biết nếu cứ giữ thói quen ăn uống thuở nhỏ, cậu sẽ bị cái đói tù túng.

Bấc biết nếu không đào một cái hố tuyết, cậu sẽ chết vì cái lạnh của xứ Alaska.

Nếu thế giới văn minh của Bấc hồi nhỏ là gia đình. Thì hiện thực sẽ là một thế giới hoang dã không theo một quy củ nào cả. Chúng ta - buộc phải tự thích nghi và thay đổi ở ngoài xã hội kia.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào được ăn ngon cũng là lòng tốt. Trong công việc, không phải lúc nào làm theo những gì đã cũ được gọi là thành công. Hành trình của Bấc nếu được vẽ trên một tờ giấy, chắc chắn sẽ có đỉnh nhọn và bên cạnh đỉnh núi ấy chắc chắn có vực sâu. Nhân vật Bấc đã ở tất cả những con đường đó.

Chúng ta là những công dân tiêu biểu của xã hội, cần phải có quan điểm của riêng mình. Ấy vậy, là chúng ta nên có một cái đầu lạnh trước thời cuộc, để quyết định thay đổi và trưởng thành. Cuộc đời của chúng ta là do chúng ta quyết định, thay đổi để tốt hơn mình của ngày hôm qua, và thay đổi để không bị đào thải xuống cùng cực xã hội. Đó là luật!

 

3/ Bấc và tiếng hú của tự do

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, Jack London chưa hề để nhân vật chính của mình biết nói. Mặc dù ông hoàn toàn có thể làm vậy để tác phẩm diễn tả đầy đủ xúc cảm của Bấc. Thế nhưng, Bấc không được nhân cách hoá để biết nói giống con người. Bởi vì Bấc không phải con người, suy nghĩ của Bấc là của Bấc chứ không phải của bất kì sinh vật nào khác. Đó là điểm thực tế trong cuốn tiểu thuyết và là điểm nhấn của tiếng gọi hoang vu, chốn "rừng thiêng, nước độc".

Bấc không nói, nhưng biểu cảm của Bấc là có thực. Bấc không nói, không có nghĩa là chú sẽ để yên cho cái xấu lộng hành nơi thế giới của động vật. Nơi nào có sự chuyên quyền và tha hoá, nơi đó Bấc sẽ đứng lên và đứng về phía công bằng.

Hình ảnh trận chiến giữa Bấc và con đầu đàn Spitz là điều tất yếu phải xảy ra, nhưng Bấc cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dù đã gần như bị xé xác bởi gần 100 con sói xung quanh. Tiếng nói của Bấc lúc ấy ẩn sau đôi mắt ánh lên sự chính nghĩa.

Bấc không nói, nhưng Bấc biết quan sát và học hỏi rất nhanh để không bị chìm mãi vào cái sâu vô tận. Hình ảnh lần đầu tiên chạm chân vào mặt tuyết, Bấc còn nhảy lên đớp đớp để rồi làm trò cười cho đoàn người vừa bước xuống tàu. Nay, Bấc đã coi tuyết là nhà, băng đá và giá lạnh cùng lắm cũng chỉ làm ướt lông bên ngoài chứ không ướt lòng.

Mặc dù không nói, nhưng khi đi sâu vào tâm hồn của Bấc. Thì chú chó ấy hẳn là cuộc đời rong ruổi như một con người, sinh vật cao cấp hơn chú nhiều bậc. Chỉ khác là Bấc nhìn thấy tiếng hú để vực dậy tinh thần mạnh mẽ nơi trái tim cậu. Tiếng hú được lồng ghép trong tiểu thuyết không hề quá nhiều mà lại được sắp xếp tinh tế. Xuất hiện khi và chỉ khi Bấc cảm thấy cô độc. Là bậc lãnh đạo thì tâm trí luôn phải tĩnh, Bấc chọn tiếng hú như lời khẳng định với thế giới văn minh rằng cậu độc lập và kiên cường. Bấc chọn tiếng hú cũng chính là để làm bạn với những suy nghĩ về hành trình của cậu đậm nét và gai góc.

Lời Kết:

Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã không chỉ là một tiểu thuyết đọc xong để đó. Mà những ký ức về chú chó Bấc sẽ ghim vào tâm thức của thế hệ những công dân như chúng ta. Một cuốn sách thực sự giá trị và 'đẹp'. Những câu từ để lại bài học về tình yêu thương, về bản chất của xã hội, và bản năng tồn tại là một yếu tố trỗi dậy khi con người ta ở những bước đường cùng nhất, mạnh mẽ, mãnh liệt và sáng suốt nhất.

Cuốn sách gom góp cung bậc cảm xúc và pha trộn hoàn hảo của những góc cạnh của đời sống thế kỉ XIX nói chung, và sự chiêm nghiệm cho kho tàng văn học nói riêng.

***

Tác giả: G.Br - Bookademy

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

Xem thêm

“Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London luôn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Mỹ. Không chỉ được biết tới như là một cuốn sách thể hiện được sự am hiểu tường tận về thiên nhiên hoang dã, những cuộc phiêu lưu và tập tính của loài chó, tác phẩm còn khơi dậy tinh thần chiến đấu trong bản năng mỗi con người.
Cuốn sách kể về cuộc đời Buck – chú chó cưng của gia đình thẩm phán Miller. Sự cưng chiều của chủ nhân đã khiến Buck trở nên ngang ngược, quậy phá; không một ai trong thị trấn dám đụng đến Buck. Cho đến một ngày Buck lọt vào tầm ngắm của bọn trộm chó, cuộc sống vương giả từ đó bị thay bằng những ngày tháng cực khổ.
Buck bị bán đến vùng Alaska lạnh giá phương bắc, thời tiết trái ngược hoàn toàn với miền nam ấm áp. Tại đây Buck phải học cách làm quen với cái lạnh tê buốt, học cách trở thành một chú chó kéo xe – điều mà trước đây chú chưa bao giờ trải qua. Perraul và Francois là hai người chủ đầu tiên của Buck sau khi chú bị bắt cóc. Họ là những người đàn ông làm công việc đưa thư cho chính phủ Canada, và công việc vận chuyển hàng tá bao thư giữa trời tuyết đòi hỏi họ cần đến một đội chó kéo xe khỏe mạnh. Những người này khá tử tế với Buck, còn xoa bóp chân và mang cá đến tận nơi cho Buck khi chú kiệt sức. Tuy vậy, họ cũng thường xuyên sử dụng roi để điều khiển xe, giải quyết các xung đột trong đàn, dạy dỗ đàn chó đúng như luật lệ đáng sợ mà Buck buộc phải làm quen – “luật của dùi cui và răng nanh”. Hành trình kéo xe đưa thư của những chú chó cũng diễn tả sự khắc nghiệt quá đỗi của thiên nhiên. Vậy mà, Buck còn bị đày đọa bởi việc mất tất cả đồng đội trong nhóm mà nó làm thủ lĩnh.
John Thornton là một nhân vật quan trọng trong cuộc đời Buck. Ông là người đã cứu Buck từ tay của người chủ mới ngu ngốc, độc ác và đánh thức ở Buck tình yêu thương, mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ với con người. Bên cạnh John, chú chó Buck từng bị ngược đãi và tách khỏi gia đình êm ấm giờ đã biết thế nào là được yêu thương chân thành và không còn phải chịu bất cứ đòn roi hay tủi cực. Đọc truyện, người đọc được sống giữa khung cảnh sục sôi của cơn sốt vàng những năm 1890, khi John Thornton và những người bạn mạo hiểm đi tìm vàng ở những miền đất xa lạ. Trên một bãi sỏi cát nông giữa một thung lũng rộng, “vàng hiện ra như một lớp bơ nằm dưới đáy của chiếc giần đãi”. Đó quả là giấc mơ về một tương lai sung túc xán lạn khiến người ta bất chấp tất cả để đánh đổi.
Thế nhưng, xuyên suốt truyện, Buck dần dần khám phá ra bản năng nguyên thủy nhờ tiếng gọi thăm thẳm từ nơi hoang dã và sự xuất hiện của một con sói xám. Luôn có một tiếng nói như thôi thúc nó từ bên trong "Mỗi lần nghe tiếng gọi ấy là lòng Buck tràn ngập nỗi xao xuyến bồi hồi và những ham muốn kỳ lạ. Nó mang đến cho Buck một niềm vui mơ hồ mà thú vị, và Buck nhận thấy trong lòng mình sôi lên cuồng nhiệt bao nỗi khát khao mong muốn những điều mà Buck không rõ là gì. Thỉnh thoảng Buck vùng dậy chạy vào rừng, đuổi theo tiếng gọi, sục tìm nó như thể nó là một vật có thể sờ mó được”…
Và đỉnh điểm là khi người chủ yêu quý nhất - người đã cứu nó khỏi đám người tàn nhẫn, John Thornton bị giết hại, Buck trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết, nó lao vào những người đã giết hại John. Mất đi chủ nhân, Buck đi theo tiếng gọi của bản năng để thỏa sức chạy nhảy nơi rừng sâu. Ta có cảm giác như mọi xiềng xích xung quanh Buck đã được gỡ bỏ để nó có thể sống với những điều nó thực sự muốn.
Truyện gây ấn tượng sâu sắc bởi tình cảm giữa John Thornton với con chó Buck. Jack London không miêu tả ngoại hình, sinh hoạt bản năng của Buck mà đi sâu vào thế giới tâm hồn thấm đẫm tình cảm của con vật. Hành trình trở về với thiên nhiên tự do của chú chó Buck đã chứng tỏ một chân lý: Chỉ có tình yêu thương vô bờ mới có thể cảm hóa sự hoang dã mà thôi.

Mở đầu tác phẩm đầy nhẹ nhàng, nhà văn bắt đầu câu chuyện thực sự bằng một chuỗi các sự kiện có lẽ là rất tồi tệ đối với Buck. Tôi vẫn nhớ cách tác giả miêu tả của Buck khi bị bọn trộm chó bắt đi khỏi nhà ông thẩm phán: “Nhưng khi đầu của sợi dây thừng được đặt vào bàn tay của người lạ mặt, thì nói gừ lên đe dọa. Ấy là nó cũng chỉ đơn giản muốn gợi ý cho kẻ kia biết là nó không bằng lòng, mà với đức tính kiêu hãnh của nó thì nó cho rằng gợi ý tức là ra lệnh. Thế mà có ngờ đâu chiếc dây thừng lại thít chặt lấy cổ nó, làm nó nghẹt thở. Tên này đón lấy nó nửa chừng, túm chặt lấy họng nó, rồi bằng một cái vặn tay khéo léo, quật nó ngã ngửa. Thế rồi, sợi dây thắt chặt lại không thương xót, còn Buck thì điên cuồng vùng vẫy, lưỡi thè ra, lồng ngực to lớn hổn hển một cách vô ích. Suốt đời nó, chưa bao giờ nó lại bị đối xử đê hèn đến như vậy, và cũng suốt đời nó, chưa bao giờ nó lại giận đến như vậy.” Buck quả thực là một chú chó vô cùng thông minh khi nhận ra mình bị bắt cóc. Nhưng nó cũng là một chú chó vô cùng kiêu hãnh khi không chấp nhận việc mình bị trói lại như vậy. Nó yêu gia đình ông thị trưởng và không chấp nhận cách đối xử như vậy.