Dựa trên việc phân tích chuyên sâu hơn 2.700
lãnh đạo, qua hơn 13.000 giờ phỏng vấn và 20 năm kinh nghiệm tư vấn cho hội đồng
quản trị và các CEO, nhóm tác giả Elena L. Botelho, Kim R. Powell và Tahl Raz
đã xuất bản cuốn sách The CEO Next Door.
Thông qua cuốn sách, các tác giả đã mạnh mẽ xóa tan mọi lầm tưởng về hành trình
đạt đến vị trí CEO đỉnh cao và cung cấp lời khuyên đắt giá cho tất cả những ai
mong muốn phát triển bản thân, dù bạn đang ở nơi nào trên hành trình sự nghiệp.
Các
nhà lãnh đạo bình thường hơn chúng ta tưởng. Đa phần các CEO quyền lực không hề
có ý định vươn tới vị trí này ngay từ khi còn nhỏ. Thực ra, khoảng 70% CEO
không hề dự định trở thành CEO cho đến gần cuối chặng đường sự nghiệp. Bạn
không cần phải tốt nghiệp trường đại học hàng đầu hay thuộc nhóm tinh hoa, vì
chỉ 7% CEO, trong dữ liệu 17.000 người, từng tốt nghiệp khối trường Ivy League,
và 8% chưa tốt nghiệp, hoặc mất rất lâu mới được tốt nghiệp. Để trở thành CEO,
bạn cũng không cần phải có một hồ sơ xin việc hoàn mỹ, vì khoảng 45% số ứng
viên CEO từng thất bại thảm hại đến mức mất việc hoặc phải trả một giá rất đắt.
Nhưng
điều đó không có nghĩa là họ “bình thường” như những người bình thường khác. Xuất
phát điểm của nhiều người có thể như nhau, nhưng tại đích, các CEO lại kết thúc
ở một đỉnh cao khiến cho người khác phải ngưỡng mộ. Tại sao lại như vậy?
Bởi
vì, giữa những CEO rất “bình thường” này, họ đều có một điểm chung. Họ cùng sở
hữu bốn kỹ năng mà bất cứ ai cũng có thể luyện rèn và thành thạo, nhưng các CEO
đã xuất sắc hơn trong việc kiểm soát và vận dụng chúng. Đó chính là sự khác biệt.
Quyết đoán: Tốc độ quan trọng hơn sự chuẩn xác
Có quá nhiều câu chuyện và huyền thoại về các CEO đến nỗi
chúng dần trở thành thứ mà chúng ta gọi là “quyết định lớn”. Vào thời khắc “đặt
cược vận mệnh cả công ty”, khi tất cả lâm nguy và CEO phải đưa ra lựa chọn. Nếu
chọn sai, công ty sụp đổ, người người mất việc, thậm chí cả công ty tan thành
mây khói. Và hiển nhiên, sự nghiệp của CEO đó cũng chấm hết. Vì vậy, CEO phải
thu thập thông tin, xem xét các kịch bản có thể xảy ra, cân nhắc thật thận trọng.
CEO thảo luận với đồng nghiệp, với hội đồng quản trị, vật lộn trong nỗi nghi hoặc.
Cuối cùng, dựa trên kinh nghiệm và bản năng, hướng đến tương lai mặc cho những
kẻ chống đối, CEO đưa ra hiệu lệnh cứu vớt cả công ty và giúp tổ chức đó ngày một
thịnh vượng.
Các CEO quyết đoán có động lực là tinh thần trách nhiệm
rất đặc trưng. Họ hiểu bản thân có trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Trong khi
hầu hết chúng ta trói buộc mình vào những quyết định chuẩn y, họ lại đưa ra những
quyết định có khả năng sai và mở ra cho công ty muôn vàn bất định. Quan trọng
là, họ phải quyết định thật nhanh và kiên quyết. Hơn hết, họ cẩn trọng rút ra
bài học từ mọi quyết định.
Thành công phụ thuộc vào hành động chứ không phải trí
tuệ. Thường thì, các CEO có chỉ số thông minh cao nhất lại không được quyết
đoán. Họ sẽ chùn chân trước những phân tích và chật vật để thiết lập ưu tiên
hàng đầu. Đội ngũ nhân viên và các cổ đông sẽ phải trả giá cho sự cầu toàn của
các CEO này.
Các CEO quyết đoán đều phải tập trung vào ba đặc tính:
Quyết định nhanh hơn; Ra ít quyết định hơn; Lấy thực tiễn để cải thiện mỗi lần
đưa ra quyết định.
Muốn quyết đoán, đầu tiên CEO đó phải là người có khả
năng ra quyết định nhanh. Thách thức đối với việc ra quyết định của một CEO
không phải là sự khôn ngoan của quyết định đó, mà là số lượng và tốc độ các quyết
định nảy ra trong đầu họ. Có hai nguyên tắc để ra quyết định nhanh chóng mà bất
cứ CEO nào cũng cần phải biết. Nguyên tắc đầu tiên là “Biến chuyện phức tạp
thành giản đơn”. Các CEO phát triển một mẫu tư duy đặc trưng cho ngành và công
ty để giảm rủi ro, chọn lọc thông tin, tầm soát những nguồn gây nhiễu và ra quyết
định thật nhanh. Những mẫu tư duy này tập trung chủ yếu vào các yếu tố quan trọng
nhất, có tác dụng định hướng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nguyên tắc thứ
hai chính là “Lên tiếng, đừng bỏ phiếu”. Điều này không có nghĩa là từ chối cộng
tác, nhưng cần biết rằng, bỏ phiếu luôn tốn rất nhiều thời gian tranh cãi. Các
CEO xuất sắc luôn cho mọi người nói lên quan điểm khác nhau, sau đó sẽ ra quyết
định và trình bày với họ. Hợp tác tất nhiên là cần thiết, nhưng thỏa hiệp thì
không bao giờ.
Câu thần chú của một CEO quyết đoán là: Ai cũng có tiếng
nói riêng, chứ không phải lựa chọn riêng.
Một CEO quyết đoán cần phải biết ra ít quyết định hơn. Lợi ích to lớn của việc sử dụng khung ra quyết định đơn giản là một khi đã được cả công ty áp dụng thì CEO sẽ không cần phải nhúng tay vào nhiều việc nữa, vì tự nhân viên cũng có thể làm được điều này. Các CEO rất giỏi trong việc phân loại vấn đề theo mức độ quan trọng. Khi những vấn đề và giải pháp được trình lên, họ biết những cái nào mình cần cân nhắc, cần ra quyết định và triển khai thực hiện, còn việc nào họ có thể ủy thác cho người khác. Kết quả là họ không cần ra quá nhiều quyết định.
Cuối cùng, một CEO quyết đoán cần biết tập trung vào việc
tiến bộ sau mỗi lần quyết định. Những CEO giỏi luôn ra quyết định nhanh và kiên
trì với quyết định đó. Họ làm được như vậy bởi họ biết cách áp dụng thực tiễn để
tiến bộ sau mỗi lần quyết định.
Những lãnh đạo quyết đoán không bám riết lấy một quyết
định để tìm kiếm sự hoàn hảo tạm bợ. Họ biết rằng sự cầu toàn có giá trị của
nó. Cho nên, họ tiếp tục tiến tới và cải thiện không ngừng.
Tất cả các CEO giỏi đã học được cách lấy quyết định làm nền tảng cho sự phát triển và tiến bộ của bản thân thông qua bốn định hướng thực tiễn:
- Nhìn lại quá khứ: Biến sai lầm thành thử nghiệm.
- Nhìn vào bản thân: Điều chỉnh tư duy để quyết đoán hơn.
- Hướng đến tương lai.
- Nhìn quanh mình: Tìm kiếm quan điểm trái chiều.
Gắn kết để tạo sức ảnh hưởng: Phối hợp các bên hữu quan hướng
tới thành quả
Vào thời kỳ đỉnh cao, các CEO có thể tạo nên một hiện
thực mới mẻ và tốt hơn. Nhưng cách duy nhất để thực hiện được như thế là người
lãnh đạo phải kêu gọi mọi người xung quanh làm những điều khác biệt. Các CEO
luôn phải là bậc thầy tạo lập mối quan hệ và sức ảnh hưởng. Ngày nay, thử thách
này gian nan hơn và chứa đựng nhiều rủi ro hơn. CEO phải thương lượng với lượng
người hữu quan vô cùng đông đảo.
Dù nắm trong tay quyền lực và thẩm quyền, CEO lại gần
như phụ thuộc hoàn toàn vào những hành động của mọi người để có được thành
công. Những người biết gắn kết, chứ không phải đứng một mình, mới là người thắng
cuộc.
Một CEO biết gắn kết để tạo sức ảnh hưởng
cũng giống người nhạc trưởng.
Người duy nhất trong dàn nhạc giao hưởng
không trực tiếp tạo ra chút âm nhạc nào, cũng như CEO, mà phụ thuộc hoàn toàn
vào người khác để tạo ra thành quả.
Có một nguyên lý chung của các CEO biết gắn kết để tạo sức ảnh hưởng. Nguyên lý đó được xây dựng dựa trên ba phương pháp chủ đạo.
Phương pháp đầu tiên chính là “Lãnh đạo với mục
đích rõ ràng”. Những CEO này biến tầm nhìn, mục tiêu và nhận thức dài hạn của họ
về thế giới xung quanh thành mục đích thương mại cho cả doanh nghiệp và mỗi hoạt
động họ tham gia. Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có ba tố chất: Trình bày
rõ ràng mục đích với chính mình; Điều chỉnh hoạt động hàng ngày của bản thân để
nhất quán với mục đích đó; Hành động dựa trên mục đích đó và sự thấu hiểu sâu sắc
bối cảnh cũng như đối tượng tương tác.
Phương pháp thứ hai là “Thấu hiểu người trong
cuộc”. Các CEO xuất sắc luôn biết cách lắng nghe để hiểu được những nhu cầu
riêng biệt của người trong cuộc, những người có ảnh hưởng đến việc hiện thực
hóa mục đích đề ra. Dù đang ở vị trí nào trong sự nghiệp, chúng ta đều là một
phần của một mạng lưới lớn. Chúng ta đều sẽ hưởng lợi từ việc tạo mối liên hệ
trong mạng lưới đó khi biết đặt câu hỏi và lắng nghe đúng mức để phát triển kỹ
năng tiếp thu quan điểm của người khác.
Phương pháp cuối cùng chính là “Xây dựng mối
quan hệ thông qua nếp làm việc”. Giống như dàn nhạc, nếu biết cách đặt ra những
phương pháp và nề nếp chơi nhạc hiệu quả, ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ
có những quy tắc phối hợp khiến cho cả dàn nhạc gồm nhiều nhạc công khác nhau
hòa tấu trơn tru và dễ dàng. Có ba nếp làm việc phổ biến giúp cho các CEO thành
công trong việc tạo sự gắn kết để gây sức ảnh hưởng.
Đầu
tiên, đó chính là “Giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp”. Nếu không đẩy mạnh tác động,
thông điệp sẽ không đủ bền vững để đọng lại trong đầu người đối diện, vì thế sẽ
không thể gắn kết được với mọi người.
Nếp
làm việc phổ biến thứ hai là “Vượt qua rào cản giao tiếp”. CEO phải chủ động
tìm cách để mọi người cảm thấy đủ thoải mái để cởi mở, đưa ra những thông tin
quan trọng, dù đó là dấu hiệu cảnh báo sớm hay cơ hội cải thiện tình hình.
Cuối
cùng là “Kết hôn với công ty, hẹn hò với thị trường”. Những CEO thành công thường
rời văn phòng để gặp gỡ nhân viên khi họ thoải mái – thời điểm công việc đã giải
quyết xong. Ngoài ra, họ cũng luôn dành một quỹ thời gian để ra ngoài thực địa.
Một mạng lưới gắn kết cực mạnh sẽ được tạo dựng khi CEO vừa biết cách trò chuyện
với cả những người trong công ty lẫn những đối tác hữu cơ ngoài thị trường.
Luôn đáng tin cậy: Tạo thái độ kiên định
Khi tiến hành nghiên cứu, nhóm tác giả bất ngờ phát hiện
một phẩm chất thường bị cho là tầm thường và chẳng bao giờ được tung hô trong hồ
sơ của một CEO hay trên mặt báo của các tạp chí về kinh doanh. Nhưng phẩm chất
đó lại là một trong những hành vi giúp nhà lãnh đạo thành công. Không phải sự tự
tin, không phải kinh nghiệm, mà đó là sự đáng tin cậy.
Những CEO đáng tin cậy có khả năng làm việc hiệu quả gấp
15 lần và xác suất được tuyển dụng cao gấp đôi người khác.
Tại sao sự đáng tin cậy lại có sức mạnh lớn như vậy? Những nhà lãnh đạo đáng tin cậy sẽ làm cho khách hàng, hội đồng quản trị và nhân viên có lòng tin rằng mọi thứ vào tay họ sẽ hoàn thành. Hội đồng quản trị muốn một người mà họ có thể “chọn mặt gửi vàng”. Những nhân sự cấp cao khác cũng thế. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những ứng viên như thế sẽ tạo nên những công ty hoạt động hiệu quả cao.
Một trong những biểu hiện điển hình của sự đáng tin cậy là sự kiên định với những cam kết. Các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học tổ chức đã phát hiện rằng, những người có trật tự, kỷ luật, và tỉ mỉ – tức là những người có điểm số tận tâm cao – có nhiều khả năng thành công hơn khi đảm nhận vai trò quản trị. Trong kinh doanh, những người có năng lực và đáng tin cậy luôn được trân trọng. Những vị sếp và khách hàng dám liều lĩnh cùng họ và cho họ cơ hội. Bằng bản năng, họ biết rằng quyết tâm dấn thân của mình sẽ là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công trong sự nghiệp và của công ty. Hơn thế nữa, sự đáng tin cậy sẽ giúp bạn được mọi người công nhận.
Những trụ cột tạo nên sự đáng tin cậy bao gồm: Kiên định;
Đặt ra những kỳ vọng thực tế; Có trách nhiệm tối đa với nhiệm vụ của bản thân;
Lan tỏa tinh thần làm việc nhất quán cho cả công ty.
Hội đồng quản trị và cổ đông rất coi trọng sự kiên định
với kết quả. Sự kiên định khiến họ tin rằng mình có thể trông đợi vào hiệu quả
hoạt động mạnh mẽ liên tục của công ty trong tương lai. Hầu hết các hội đồng quản
trị ưa chọn ứng viên dễ đoán hơn là một ứng viên bất định. Đời luôn tràn đầy điều
bất ngờ, nhưng với họ, không nên có chuyện bất ngờ do CEO gây ra. Sự thật là,
ta có thể tiên đoán và kiểm soát một người thất thường để anh ta trở nên kiên định
hơn, nhưng quản trị hay làm việc cho một ông sếp hay cộng sự “nắng mưa thất thường”
chẳng khác nào vừa chạy quanh bãi mìn vừa cố gắng làm mọi thứ thật tốt. Sự kiên
định của cá nhân sẽ tạo ra một nhịp điệu mạnh mẽ và cuốn hút thôi thúc mọi người
phát huy hết năng lực của mình.
Đặt ra kỳ vọng thực tế cũng là một yếu tố rất quan trọng
của một CEO đáng tin cậy. Khi thiết lập kỳ vọng với sếp hay với hội đồng quản
trị, ban quản trị không cho rằng bạn có quyền tự đặt ra những điều khoản và lịch
trình. Việc này liên quan đến khả năng thấu hiểu mong muốn ngầm của người khác,
cũng như khả năng thuyết phục họ nhìn thấy tương lai mà bạn định gây dựng. Các
CEO thành công luôn đảm bảo làm theo đúng những gì họ đã đề ra, bởi kỳ vọng của
họ là hoàn toàn thực tế.
Một CEO đáng tin cậy còn là một người có trách nhiệm với
nhiệm vụ và bản thân mình. Họ giỏi giành được lòng tin của người khác bằng cách
chịu trách nhiệm tối đa với những việc của bản thân trước các bên hữu quan –
nhân viên, khách hàng, đối tác và hội đồng quản trị. Họ được quyền yêu cầu người
khác có trách nhiệm bằng cách để bản thân chịu trách nhiệm theo những chuẩn mực
cao nhất.
Cuối cùng, để trở thành một CEO đáng tin cậy, anh ta cần
biết lan tỏa tinh thần làm việc nhất quán cho cả công ty. Ở mọi cấp bậc trong
công ty, những lãnh đạo đáng tin cậy không chỉ hành động kiên định mà còn xây dựng
sự nhất quán trong công ty bằng cách thiết lập những quy trình đáng tin cậy. Để
duy trì những thành quả đáng tin cậy, cần có một hệ thống quản trị thấu đáo, được
hoàn thiện với các quy trình, phép đo và nhịp điệu làm việc có thể dự đoán nhằm
củng cố tính kỷ luật. 75% các CEO giỏi mà nhóm tác giả nghiên cứu đạt điểm cao
về kỹ năng tổ chức và lên kế hoạch.
Thích nghi mạnh mẽ: Băng qua vùng biển vô danh
Những lãnh đạo giỏi nhất vẫn thành công trong điều kiện
khó khăn liên tục nhờ giúp công ty và chính mình thích nghi với hoàn cảnh. Họ
luôn vẽ ra hướng đi mới trước khi không còn lựa chọn nào khác. Nói cách khác, họ
gặt hái được lợi ích từ việc thích nghi mạnh mẽ. Nếu sự đáng tin cậy là yếu tố
phân hóa hiệu quả làm việc rõ nét thì khả năng thích ứng là hành vi ngày càng
quan trọng. Nó đóng vai trò không thể thiếu để CEO đạt được thành công trên vị
trí đỉnh cao, nơi những quy tắc cứng nhắc không tồn tại. Nghiên cứu của nhóm
tác giả chỉ ra rằng những CEO biết thích ứng có tỷ lệ thành công hơn gấp 7 lần
so với người chỉ biết chờ thời. Những CEO giỏi giúp bản thân và công ty thích ứng
nhất đã học được cách đón nhận khó khăn, mâu thuẫn và biến động. Họ chọn lấy
thái độ: Nếu không thấy khó khăn gì, chắc chắn tôi chưa học hỏi đủ nhiều hoặc
thay đổi đủ nhanh.
Có hai công cụ then chốt giúp cho các CEO băng qua “Vùng biển vô danh”.
Công cụ đầu tiên là “Buông
bỏ quá khứ”. Các CEO giỏi luôn biết cách chủ động tìm kiếm cái mới. Tạo cho
mình thói quen, kỹ năng và trải nghiệm mới trong đời sống cá nhân cũng là một
phép thử an toàn để trau dồi khả năng thích ứng. Các CEO giỏi biết cân nhắc dựa
trên tiềm năng học hỏi được điều mới cũng như công sức phải bỏ ra. Ngoài ra, họ
còn có khả năng tiếp thu những kỹ năng mà họ không có. Họ dám dấn thân và thực
hành chúng dù lúc đầu họ cảm thấy vô cùng khó chịu và kỳ cục. Cuối cùng, các
CEO thành công luôn sẵn sàng từ bỏ những phương pháp cũ.
Thực ra, hầu như mọi
nỗ lực thích ứng thất bại của các lãnh đạo là hệ quả từ việc không thể rũ bỏ những
phương thức giúp họ thành công trong quá khứ.
Công cụ thứ hai giúp ích
cho các CEO là “Tầm soát tương lai”. Nhiều nhân viên và giám đốc dành nhiều thời
gian tập trung vào những nhiệm vụ ngắn hạn và chỉ hoàn thành ở mức thông thường.
Nhưng khi trở thành CEO, mục tiêu đó không đủ. Để công ty luôn bền vững, CEO phải
định hướng được trọng tâm của họ trong tương lai.
Lượng thời gian mà một
lãnh đạo dành để suy nghĩ về tương lai xa hơn trong năm tới tăng lên gấp đôi
khi người đó trở thành CEO.
Những CEO với định hướng tương lai hiệu quả nhất thường tạo cho mình một “ăng – ten” tầm soát và biết động. Chiếc “ăng – ten” này chính là thời gian và nguồn lực mà họ bỏ ra để tầm soát tương lai. Để có được chiếc “ăng – ten” này, các CEO thường sử dụng một số cách sau:
- Xây dựng mạng lưới thông tin đa dạng
- Tận dụng sức mạnh của những câu hỏi
- “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
- Tìm hiểu trải nghiệm của khách hàng
Kết
Với cách tiếp cận kỹ năng lãnh đạo “Thắng mọi
cuộc chơi”, cuốn sách The CEO Next Door của
nhóm tác giả Elena L. Botelho, Kim R. Powell và Tahl Raz đã hé lộ bốn hành vi đặc trưng của các CEO đã được
nghiên cứu kỹ lưỡng và vạch ra con đường vươn đến vị trí hàng đầu kia và giữ
nguyên phong độ. Bức màn bí mật về các kỹ năng đã đưa những con người thành
công ấy khác biệt so với phần còn lại của thế giới đã khéo léo được kéo ra
thông qua một công trình nghiên cứu có quy mô của nhóm tác giả. Tất cả được
trình bày gọn gàng trong một cuốn sách hơn 300 trang, cuốn sách có tên The CEO Next Door. Theo Jim Donald, cựu
CEO của thương hiệu Starbucks, The CEO
Next Door là cuốn sách không thể thiếu cho các nhà lãnh đạo, CEO, thành
viên hội đồng quản trị hay bất cứ ai đảm trách chọn lựa đội ngũ đứng đầu trong
tương lai.
Tác giả: DO
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để
cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
Dựa trên nghiên cứu về hàng nghìn nhà lãnh đạo, những cuốn sách này cung cấp một số khuôn mẫu và thói quen giúp bạn vươn lên vị trí cao nhất, có được những thói quen của một CEO giỏi và vượt qua những thách thức của vai trò CEO: xây dựng đội ngũ phù hợp, đối mặt với những nguy hiểm ở cấp cao và quản lý hội đồng quản trị.
Yếu tố then chốt mà cuốn sách đưa ra để giúp bạn thăng tiến và trở thành một CEO giỏi là sự đáng tin cậy không ngừng. Bạn cần phải luôn mang lại kết quả và được biết đến với sự đáng tin cậy. Được biết đến với sự đáng tin cậy khiến người khác cảm thấy rằng khi một công việc được giao cho bạn, bạn sẽ hoàn thành nó đúng hạn và với chất lượng cao nhất. Bạn nên trở thành một người [điền vào chỗ trống]
Tiếp theo, cuốn sách đề cập đến việc ra quyết định mà bạn nên cải thiện với vai trò CEO, đưa ra quyết định nhanh hơn trong khi vẫn có những yếu tố chưa biết. Một CEO thành đạt nên lãnh đạo công ty và suy nghĩ cho tương lai (hơn 12 tháng).
Các tác giả nhận thấy rằng các CEO dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ dài hạn trong khi các giám đốc điều hành và nhân viên khác chủ yếu tập trung vào 12 tháng tới.
Ngoài ra, các CEO thành công còn gắn kết với các nhân viên khác để tạo ra tác động: họ đủ tốt để được yêu mến nhưng không quá tốt đến mức tránh sa thải những người kém hiệu quả. Họ đủ thoải mái để nói về kết quả và thúc đẩy mọi người đạt được kết quả.
Để lên đến đỉnh cao, bạn nên tìm một số "cú hích sự nghiệp", nghĩa là các vị trí thăng tiến, nơi bạn có cơ hội nhân rộng trách nhiệm và tác động của mình. Bạn nên chứng minh khả năng thúc đẩy kết quả kinh doanh. Khi vượt lên cấp điều hành, bạn được kỳ vọng sẽ cải thiện kết quả và hiệu suất kinh doanh chứ không chỉ thực hiện công việc được giao. Hãy tìm kiếm những mớ bòng bong trong tổ chức của bạn hoặc những công việc mà mọi người không muốn làm, chịu trách nhiệm về kết quả của Profit and Loss Statement.