Cuốn sách Sống Ảo, Ảo Bao Nhiêu Cho Vừa? Được viết bởi Nam Lâm - là bút danh của hai tác giả Hoài Nam và Lâm Hân. Hoài Nam hiện là biên tập viên, sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra anh còn là nhà sáng lập và bình luận phim tại trang phancaohoainam.com. Lâm Hân là một nhà báo, biên tập viên. Nhiều tác phẩm truyện ngắn của chị cũng đã được đăng tải trên tạp chí Sinh Viên Việt Nam. Tất cả những điều được nhắc đến trong cuốn sách đều sẽ giúp cho mỗi cá nhân hình thành tấm khiên tâm lý vững chắc để tự bảo vệ, làm tiền đề cho việc tiến lên, chinh phục những mục tiêu đời mình. 

Về Cuốn Sách

Sống Ảo, Ảo Bao Nhiêu Cho Vừa? Không phải là cuốn sách đem đến câu trả lời ta cần đi đâu hay phải làm gì, ta nên lao vào thử thách hay tìm nơi trú thân yên ổn. Cuốn sách này sẽ đem đến một số chỉ dẫn ta cần: những biến động nghề nghiệp khi thế giới mạng lên ngôi. Các định nghĩa mới về đam mê, hạnh phúc và thành công. Các nguy cơ lẫn cơ hội nằm trong phần chìm tảng băng mạng xã hội… Và như vậy, khi có một hình dung nhất định về thế giới của thế kỷ 21, ta sẽ tái xác định chân dung chính mình, vị trí mình chọn để tồn tại trong thế giới đó. 

Những bài viết trong cuốn sách này cũng đề xuất một số kỹ năng thiết yếu để thích nghi và tồn tại trong bầu khí quyển mạng, như tư duy phản biện là kỹ năng sống còn để phân biệt thật giả, khả năng hòa nhập để trở thành một mắt xích trong xã hội liên kết, bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để bắt lấy thời cơ trong dòng chảy thông tin, hay lựa chọn thái độ trước các tác động của thế giới ảo để sống hạnh phúc. 

Hòa Nhập Để Phát Triển

Không hợp với bầu không khí xung quanh, không hợp với bạn học, không hợp với đồng nghiệp, không hợp với sếp, không hợp với điều kiện làm việc… những cảm giác này bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng trải qua khi đặt chân vào một môi trường mới, từ trường đại học cho đến nơi thực tập, và nhất là nơi chốn làm việc. Dường như có cả tỉ thứ không hợp, trong khi điều phù hợp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, vấn đề ở đây là do chúng ta kén chọn, hay quả thật chúng ta đang thiếu một kỹ năng cơ bản: hòa nhập với môi trường mới?

Nếu trong môi trường giáo dục, chỉ cần xuất sắc học đều các môn là đủ, thì môi trường làm việc yêu cầu chúng ta nhiều kỹ năng hơn thế. Một nhân viên giỏi giang nhưng chỉ biết tập trung vào công việc, tách biệt khỏi các quan hệ đồng nghiệp chưa chắc được trọng dụng bằng người sẵn sàng nhận lãnh công việc chung, không ngại trách nhiệm, hòa đồng thân thiện, hay giúp đỡ người xung quanh. Đây chính là “nghịch lý nhưng hợp lý” của các trường hợp đáng tiếc không thể thăng tiến sau hàng chục năm trong nghề, dù sở hữu chuyên môn vượt trội.

Trong mỗi giai đoạn, chúng ta đều phải học cách ứng xử để tồn tại và hòa nhập. Ở đây, có hai điểm không thể bỏ qua: học cách định vị bản thân và học hiểu môi trường quanh mình. Cân bằng được mối liên hệ giữa hai điểm trên chính là giải được bài toán ứng xử đúng đắn và hòa nhập thành công. 

Nếu vẫn còn chần chừ e dè trước một cơ hội học tập hay làm việc mới, chỉ vì lo ngại “không phù hợp”, ta nên đưa ra một quyết định đơn giản: quăng mình vào dòng chảy. Hãy tự đặt mình vào những môi trường khác nhau, học hỏi và tồn tại ở đó, và dần dần, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Qua mỗi vấp ngã hay sai lầm, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm quý giá, hình thành một phản xạ có điều kiện của việc phân tích, phán đoán, và xác định cách thức để trở thành một phần của cộng đồng. Hãy đi, hãy tiếp xúc với những người bạn mới, hiểu thêm về con người, tìm hiểu văn hóa, tham gia các khóa học, hòa mình vào cuộc sống, vượt qua nỗi sợ hãi, thử sức điều mới mẻ, hoàn thiện những thiếu sót,...


Chúng Ta Ra Sao Giữa Dòng Đời Biến Đổi

Làn sóng freelancer lan rộng từ năm 2008, thời điểm Internet bùng nổ. Mọi người có thể liên lạc với nhau ở bất kỳ đâu, việc lưu trữ và truyền tải dữ liệu dễ dàng, các ứng dụng hỗ trợ hoạt động nhóm ngày càng hiệu quả… Các công ty nhận ra họ nên sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài với kỹ năng và mức giá phù hợp. Trong khi đó, người lao động có thể làm nhiều công việc một lúc, thu nhập tăng lên. Cung đã gặp cầu và tất yếu ra đời một thị trường việc làm màu mỡ.

Hình thái này được các chuyên gia kinh tế gọi là Gig Economy hay nói cách khác là mô hình kinh tế tự do, trong đó tính di động là yếu tố chi phối. Chúng ta chủ động không gian và thời gian, miễn đảm bảo hoàn thành công việc đúng hạn.

Nếu Gig Economy mang đến sự dịch chuyển văn hóa và môi trường kinh doanh, thì Sharing Economy (kinh tế chia sẻ), Gift Economy (kinh tế cho tặng) và Barter Economy (kinh tế đổi chác) hiện thực hóa và đa dạng hóa ý niệm về “tự do”. Kinh tế chia sẻ chính là các dịch vụ Grab, Uber (đi chung) hay Airbnb (chia sẻ nhà), nơi tài sản cá nhân được chia sẻ giá trị sử dụng mang đến lợi nhuận. 

Tất cả các mô hình kể trên đưa nhận thức nghề nghiệp của người trẻ chúng ta sang một trang mới. Khái niệm nghề nghiệp đang bước từ “đơn nhất” (single) thành “đa tuyến” (multiplex) khi mỗi cá nhân làm nhiều việc cùng lúc , tùy thuộc sở thích và khả năng. Thành công và danh tiếng ở các lĩnh vực khác nhau có thể hỗ trợ cho nhau. Các giới hạn được nới rộng, đi cùng nó là cơ hội trải nghiệm, khám phá bản thân, và làm giàu cho từng cá nhân.

Tương Lai Mang Đến Bất Ngờ

Chúng ta đang sống trong thời đại mà dòng chảy nghề nghiệp có tốc độ chuyển biến quá nhanh. Chúng ta có cơ hội mới, nhưng chúng ta cũng phải đối diện khả năng bị gạt qua bên lề. Không có gì là bất biến trong lựa chọn nghề nghiệp và chính bản thân nghề nghiệp. Việt Nam của năm nay hay mười năm nữa có thể rất khác với tưởng tượng của chúng ta. Ai dám chắc nghề nghiệp ta đang cố sức theo đuổi lúc này còn tồn tại khi ta bước ra khỏi trường đại học. Vậy, chúng ta phải tìm ở đâu câu trả lời “đúng” và “chắc chắn” cho con đường sự nghiệp?

Sự khắc nghiệt và cơ hội luôn cách nhau chỉ một khe hẹp. Tương lai vô định đi kèm với các điều kiện và khả năng mới, giúp chúng ta khám phá tiềm năng chính mình. Trong thời đại nhiều biến động như hiện nay, thứ bất biến duy nhất chính là thái độ của chúng ta. Kiến thức tích lũy quan trọng, nhưng khả năng phán đoán và thích nghi mới là thứ giúp ích hơn cả. Ta có sẵn sàng cho sự thay đổi? Ta có sẵn sàng học hỏi các kỹ năng mới? Ta có sẵn sàng chuyển động? Cách ta trả lời các câu hỏi đó sẽ quyết định thành công, dù ta ở nghề nghiệp hay môi trường nào. 

Giờ đây, ai cũng có công cụ mạnh để thể hiện bản thân, để trao đổi với người khác, để học hỏi, tìm kiếm. Các dòng chảy nghề nghiệp mang đến nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. Các kỹ năng luôn có chỗ để rèn giũa, phát huy. Ta sẽ đi xa đến đâu? Ta có tìm thấy đam mê? Ta có thể biến công việc thành sự nghiệp hay không? Tất cả đều là lựa chọn của ta. Nhưng, trước hết, như một câu nói chưa bao giờ cũ: muốn đến đích, ta phải bước đi!


Avatar Hay Một Bông Hoa? 

Một trong vài câu hỏi sáo rỗng nhất mà vẫn được sử dụng nhiều nhất trong mọi cuộc thi nhan sắc là so sánh tầm quan trọng giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn. Câu hỏi này đến từ sự nghi ngờ chưa bao giờ chấm dứt trong suy nghĩ của bất kỳ ai trong chúng ta, từ thế hệ này sang thế hệ khác: Phải chăng vẻ đẹp ngoại hình chỉ là một thứ phù du? Phải chăng cái nết có khả năng “đánh chết” cái đẹp? Phải chăng ta có thể xem nhẹ lớp vỏ bề ngoài và tập trung cho những giá trị bên trong để đạt được hạnh phúc?

Vậy đẹp để làm gì? 

Câu trả lời rất đơn giản: Đẹp thì dễ dàng thu hút lượt like. Đẹp sẽ đông người ưa thích. Đẹp mới được các nhãn hàng tìm tới… Trong thời đại thế giới số hiện nay, , các mạng xã hội đã đẩy định nghĩa về “cái đẹp” lên nấc thang mới: từ một yếu tố để được chiếu cố (hãy tha thứ cho nàng vì đẹp). Giờ đây nó vươn lên thành một loại quyền lực (tôi đẹp, tôi có quyền). Tiếng nói của người đẹp có sức nặng không kém người giỏi. Đẹp thì có quyền tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngay cả ở những nơi chủ nhân nhan sắc không có chuyên môn. Xã hội hôm nay đã chấp nhận thực tế rất nhiều cô gái chàng trai kiếm sống thoải mái, dễ dàng tạo dựng cả gia tài chỉ nhờ đẹp. 

Càng tiếp xúc và ngắm nhìn những hình ảnh lung linh trên Facebook hay Instagram, một cách vô thức, ta càng ham muốn lao vào cuộc đua kỳ quặc: Đẹp không chỉ ở ngoài đời thật, đẹp online cũng quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn. Một số người thay vì chăm chút bản thân, lại dành nhiều thời gian cho các điện thoại đắt tiền, phần mềm chỉnh sửa, nhằm tạo ra các ảnh ảo trên mạng. Nhan sắc trở thành tấm danh thiếp đắt giá hơn mọi chức danh. “Thông minh phải chứng minh, đẹp khỏi cần” không hẳn là câu nói cửa miệng. Bên trong nó ngầm chứa một kiểu chân lý mới, thực tế, đơn giản, hiệu quả và được người trẻ tin dùng. 

Khái niệm đẹp xấu còn thay đổi tùy theo góc nhìn và mục đích của người quan sát. Chẳng hạn, bề ngoài của một người nếu nhìn dưới con mắt phổ thông sẽ rất khác khi được nhìn bởi một họa sĩ, và chắc chắn rất ít tương đồng với một con mắt huấn luyện viên thể thao. Tất nhiên, dưới con mắt người yêu lại là chuyện khác nữa. Thị Nở là đẹp nhất đối với Chí Phèo. Hay không chàng trai nào sánh bằng Romeo trong đôi mắt lụy tình của Juliet. Một cô gái Châu Á da nâu, mắt xếch, răng hô bị xem là “khó coi” ở đây nhưng chỉ cần thay đổi địa bàn đã được đánh giá “đẹp lạ”. Như vậy, bàn về ngoại hình của ai đó hay chính bản thân, phân tích chuyện đẹp và xấu, ta cần phải xét đến yếu tố “trong lĩnh vực nào”, “trong bối cảnh nào” và “so với cái gì”.

Không có gì sai khi ta tìm kiếm một diện mạo đẹp xinh, một cơ thể quyến rũ theo những hình ảnh trong đầu ta đã cài đặt. Nhưng có một điều chúng ta thường quên, đó là mục đích cho vẻ đẹp ấy. Gần như tất cả chúng ta đều muốn mình đẹp, mà không ai rõ “Đẹp để làm gì?" Giống như tham gia một cuộc đua mà không rõ đích đến, ta có thể chạy được một quãng nào đó, vui trong khoảnh khắc, nhưng mãi không biết mình lao về đâu.


Hãy nhớ lại cảm giác ngắm nhìn một bông hoa trong buổi sáng xuân. Vì sao bông hoa nhỏ bé lại khiến ta thư thái, dễ chịu và yêu đời đến vậy? Chắc chắn không chỉ bởi vẻ mềm mại hay sắc màu tinh tế của những cánh hoa, mà còn là hương thơm dịu nhẹ, sự phản chiếu của ánh sáng, sự hòa hợp với khung cảnh xung quanh, và cả nhựa sống mà ta cảm nhận được trong bông hoa đang hé nở. Tất cả điều đó đều tự nhiên, chân thật, tự tại. Và ta biết, mình nên trở thành gì, một avatar hay một bông hoa.

Bước Ra Khỏi Vùng An Toàn 

Có một giấc mơ được nuôi dưỡng trong tất cả chúng ta, dù ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh sống nào. Giấc mơ ấy có thể gọi tên bằng một từ duy nhất: thay đổi. Thay đổi bối cảnh quen thuộc, thay đổi công việc lâu ngày đã trở nên buồn tẻ. Và thay đổi chính mình. Nhưng, luôn tồn tại khoảng cách giữa giấc mơ và hiện thực của mỗi cá nhân. Rất hiếm ai trong chúng ta có đủ can đảm chọn lựa, đủ kiên định để đi đến tận cùng, biến ước mơ kia trở thành hiện thực, dù chúng ta đều biết, chắc chắn sẽ có một món quà chờ mình cuối cuộc hành trình. Món quà tuyệt nhất, là tìm lại chính mình, đánh thức đam mê ngỡ đã lãng quên.

Mình thử lấy một ví dụ nhé. Có một anh chàng tên A nọ, luôn nói không với mọi thứ, mình tạm gọi anh ta là “No Man”. Anh ta không chấp nhận bất kỳ hồ sơ nào tại nơi làm việc, từ chối tất cả lời mời của bạn bè, chẳng thèm giao thiệp với người mới đến. Cuộc sống anh ta được an toàn, nhưng tẻ nhạt, vì chẳng có gì mới mẻ. Vậy bao nhiêu người trong chúng ta giống A, một “No Man” chính hiệu, sử dụng 365 ngày sống mỗi năm theo cách của một ngày duy nhất? 

Ngược với No Man, ta sẽ có Yes Man. Vậy giữa Yes ManNo Man sẽ khác nhau chỗ nào? Thật ra nó rất đơn giản, đó chính là ở khoảnh khắc của sự lựa chọn. Cuộc đời của mỗi cá nhân vốn dĩ là một chuỗi nguyên nhân và hệ quả, nơi ta thực hiện hàng ngàn lựa chọn mỗi ngày và chấp nhận mọi điều xảy đến. Mỗi lựa chọn đều dẫn đến một hoặc nhiều lựa chọn khác nhau, rồi chúng lại dẫn đến nhiều hơn nữa. Sáng nay ta sẽ thức dậy tập thể dục hay ngủ nướng thêm chút nữa? Ta chọn chiếc áo nào, cặp kính nào, đôi giày nào cho hình ảnh của ta hôm nay? Ta sẽ gặp gỡ ai, nói chuyện gì, sẽ về nhà ngay khi tan trường tan sở, hay ghé đến khu giải trí mới khai trương? Cuộc đời ta dệt nên từ từng quyết định của bản thân. Các hình thái của sự lựa chọn là vô vàn, và mức độ quan trọng có thể hơn kém trong từng loại quyết định, nhưng bản chất chỉ có một: ta chỉ được phép nói hoặc Không

Mở Cửa Cho Niềm Tin 

Rất nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng đóng chặt cửa, dửng dưng với đời sống xã hội, mất dần niềm tin vào điều tốt đẹp trong cuộc sống xung quanh. Dù hiểu rõ giá trị của yêu thương và chia sẻ, thực tế chúng ta luôn đề phòng trước người lạ, tránh bắt chuyện với người không quen,.. Ngay cả những người ở gần bên như bạn học, hàng xóm, lòng tin chúng ta đặt vào họ cũng ít dần. 

Thiếu vắng niềm tin, chúng ta như những con tàu đi trong sương mù, nguyên liệu sẵn đầy trong khoang chứa nhưng đích đến cứ xa vời vợi. Mỗi chặng dừng, ta lại phân vân tự hỏi cứ tiếp tục hay bỏ cuộc giữa chừng? Nếu hết lần này đến lần khác ta nói với bản thân rằng mình không thể đến đích, vậy điều duy nhất ta có thể làm là gì? 

Câu trả lời: Ta không thể làm gì cả. 

Ý chí hay khát vọng là cách gọi khác của niềm tin vào bản thân. Duy trì nó, cần thêm niềm tin vào con người và môi trường xung quanh mình. Một khi thiếu vắng niềm tin, mãi mãi ta là con tàu lênh đênh giữa đại dương. Niềm tin là ngọn hải đăng dẫn lối. Thắp sáng ngọn hải đăng ấy chính là thách thức lớn với mỗi người trẻ. 

Trước mỗi chặng đường mới, chúng ta lại có những lời chúc cho chính mình. Có lẽ bên cạnh những điều quen thuộc như công việc tốt hơn, mối quan hệ hạnh phúc hơn, tiền bạc nhiều hơn… chúng ta ước có được “một niềm tin vững chắc hơn” vào cuộc sống và con người. 


Hãy tìm chiếc bật lửa. Bằng động tác nhẹ nhàng, ta thắp lên trong lòng tay mình một ngọn lửa, ấm áp, sống động. Ta bỗng nhận ra rằng, điều ta cần cũng giống như thứ vật chất đang tỏa nhiệt lượng kia. Một đốm sáng, một niềm hy vọng dẫn lối. Như những homo sapiens nhiều triệu năm trước, ta bước khỏi bóng đêm, bắt đầu bước đi mới, tập lại cách nhìn thế giới với nguồn sáng bé nhỏ.

Lời Kết

Sống Ảo, Ảo Bao Nhiêu Cho Vừa? Được viết bởi hai tác giả Hoài Nam và Lâm Hân dành cho những người Việt trẻ đang cảm thấy lạc lõng giữa kỷ nguyên số luôn biến động theo từng ngày. Cuốn sách như một tấm bản đồ, giúp bạn không bị lạc lối giữa một khu rừng mang tên Internet. Hy vọng qua cuốn sách, bạn sẽ có một hình dung nhất định về thế giới của thế kỷ 21, sẽ tái xác định chân dung chính mình, vị trí mình chọn để tồn tại trong thế giới này. 


Tác giả: Hồng Dịu - Bookademy

Hình ảnh: Hồng Dịu - Bookademy

______________  

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Ai cũng biết việc công nghệ phát triển trong thời đại mới cùng với sự phát triển của thế hệ trẻ trong môi trường Internet đa chiều như hiện nay là những tiến bộ vượt bậc mà các nhà phát minh đã thực hiện thành công. Tuy nhiên có phải ai trong mỗi chúng ta đều biết cách dùng và sử dụng đúng. Internet là một vùng thông tin đa chiều và ở nơi đó, con người trên thế giới có thể tương tác với nhau dễ dàng và nhanh chóng, ngoài ra nó còn giúp ta cập nhật thông tin từ các bài báo, các fanpage của chính phủ, các group làm đẹp, học tập, xin việc làm,....Như vậy ta thấy mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho mỗi người những đi cùng với nó là những tác hại không lường. Thế hệ trẻ ngày nay đa phần sử dụng mạng xã hội trong nhiều giờ liên tục. Điều đó làm giảm khả năng thị giác của mắt và gây ra các ảnh hưởng xấu về da và cơ thể. Ngoài ra mạng xã hội còn khiến con người trở nên bi quan vì những thông tin sai lệch, không chính thống, những cái like ảo khiến người ta gây ra cảm giác khoan khoái cho người sử dụng. Đắm chìm vào mạng xã hội thực sự rất nguy hiểm và cuốn sách "Sống ảo, Ảo bao nhiêu cho vừa" đã chỉ cho tôi những bài học và giải pháp khác phục những vấn đề đó.

Sống ảo - Ảo bao nhiêu cho vừa là tập sách vừa được Công ty sách Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành, hướng đến nhóm độc giả trẻ tuổi. Sách chứa đựng khá nhiều chiêm nghiệm và tâm huyết của hai tác giả: nhà văn, nhà báo Phan Hồn Nhiên và Phan Cao Hoài Nam về thế giới hiện tại xoay quanh công nghệ Internet. Hai tác giả đã cố gắng thấu hiểu vấn đề của người trẻ, nắm bắt tâm lý của con người hiện đại, đưa ra các gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại chân dung bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động. Mất một năm để họ cùng nhau viết lách, chỉnh sửa bản thảo để cho ra đời tác phẩm có cái tên rất thời sự trong xã hội hiện tại. Theo khảo sát của Ditch the Label, 40% bạn trẻ cho biết, họ cảm thấy tồi tệ nếu không ai like hình ảnh của mình. 35% nói rằng, sự tự tin của họ liên quan trực tiếp đến số lượng người theo dõi họ trên mạng xã hội. Thế giới ảo khi đó không còn là ảo mà tác động trực tiếp đến cuộc sống. Viễn cảnh phải nằm ngoài các cuộc bàn tán và các sự kiện nóng sẽ khiến ta lo ngại giống như bị lãng quên. Sống ảo - Ảo bao nhiêu cho vừa sẽ giúp các bạn trẻ gỡ rối nhiều thắc mắc và hoà nhập tốt hơn trong thời đại con người phụ thuộc vào công nghệ thông tin. Làm sao để giữ được sự tĩnh tâm, bình an trong tâm hồn mới là cái đích của hạnh phúc mà mỗi người trẻ hướng tới.

Thế hệ trẻ hôm nay sống trong thế giới phẳng, một xã hội kết nối, tương tác. Cuốn sách “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” khám phá đời sống người trẻ trong kỷ nguyên Internet. Internet mở ra khả năng kết nối, đưa con người ở mọi ngóc ngách đến gần nhau hơn. Cũng trên môi trường mạng, người ta làm việc, lập nghiệp, định hình cái tôi… Mạng xã hội đã hình thành nên phương thức giao tiếp, kết nối mới. Bên cạnh những khả năng tưởng chừng vô hạn mà Internet mang tới, thế hệ trẻ hôm nay còn chịu nhiều tổn thương, đối mặt những vấn đề mà thế giới mạng mang lại. Nhóm tác giả Nam Lâm (Hoài Nam và Lâm Hân) đã thể hiện bức tranh nhiều mảng màu sáng – tối của tâm lý người trẻ hiện nay qua cuốn sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? (Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phát hành). Sống trong bầu khí quyển công nghệ Đối tượng chính trong sách là những người trẻ – được các tác giả gọi là Thế hệ Y – những người sở hữu tuổi trẻ trước khi bước vào thiên niên kỷ mới. Đó là những người đang ở tầm 17-34 tuổi. “Những người này đang chiếm 30% dân số Việt Nam, xấp xỉ 28 triệu người. Đặc trưng của thế hệ này là chào đời và trưởng thành trong thời đại cách mạng công nghệ”, nhóm tác giả viết. Cuốn sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? phân tích những thay đổi trong đời sống giới trẻ, chỉ ra những khác biệt giữa giới trẻ ngày nay và thế hệ cha ông. Tất cả đổi thay này được nhìn dưới tác động của công nghệ. Theo các tác giả, giới trẻ ngày nay được lên tiếng, lắng nghe nhiều hơn. Nguyên nhân là cách tiếp nhận và nhận thức về thế giới đã thay đổi rất nhiều từ khi có mạng Internet. Mạng xã hội khuyến khích người dùng chia sẻ, lên tiếng, thể hiện cái tôi, chính kiến riêng một cách mạnh mẽ. Các ý kiến đó có thể khác biệt hoàn toàn thế hệ trước, tách biệt suy nghĩ của số đông hiện nay. Với tâm thế chủ động, thế hệ trẻ bước ra hòa chung dòng chảy thế giới. Ở đó, họ quan tâm những vấn đề chung của nhân loại như bảo vệ môi trường, đấu tranh cho bình đẳng giới… Người trẻ cũng quan tâm các giá trị mang tính phổ quát: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đề cao sự cân bằng, lối sống lành mạnh, lên tiếng và hành động tích cực. Các tác giả viết: “Theo cách của người Mỹ, là thế hệ Me (Megeneration – thế hệ Tôi). Mỗi cá nhân tích cực chứng tỏ sự hiện diện của mình với xung quanh. Ý kiến, thái độ của chúng ta được thể hiện bằng phương tiện sống động”. Ví dụ, khi nấu món ăn ngon, ta quay một chút hình ảnh và “khoe” lên mạng. Khi trồng được một cây hoa đẹp ở balcon, ta cũng nhanh chóng đưa hình ảnh cùng vài dòng cảm xúc lên Facebook. Khi phối được một bộ trang phục đẹp, lập tức hình ảnh ấy xuất hiện trên Instagram… Cái tôi được thể hiện sinh động. Nhiều khi, người ta định dạng bạn thông qua môi trường mạng xã hội – nơi bộc lộ cá tính, hiểu biết, ước mơ. Nhiều người trở nên nổi tiếng với cái tôi trên mạng xã hội. Kênh cá nhân của họ trở thành nơi kiếm tiền đầy tiềm năng – nơi các doanh nghiệp trả tiền cho những ai có nhiều lượt theo dõi qua mạng. Lúc này, cái tôi trở thành thước đo giá trị và cũng trở thành món hàng. Cô đơn, rối loạn cảm xúc Tuy vậy, thế hệ Y cũng chịu nhiều tác động của công nghệ, mạng xã hội. Khả năng kết nối tiện dụng, nhanh chóng, rộng mở khiến thế hệ trẻ có xu hướng giao tiếp qua mạng nhiều hơn tiếp xúc ở thế giới thật. “Smartphone, máy nghe nhạc, laptop… là thủ phạm khiến chúng ta ngày càng khó giao tiếp với nhau. Đây không phải các chi tiết cường điều, mà là thực trạng có thể thấy ở bất kỳ nơi đâu”, các tác giả viết trong sách. Họ còn chỉ ra trong thời đại công nghệ, con người phải đối mặt thách thức: Giữ được “cảm xúc người”. Cảm xúc tưởng chừng là chuyện đơn giản, nhưng khi trí tuệ nhân tạo dần chiếm ưu thế, mỗi người lại cố thủ ở các ốc đảo riêng biệt, làm sao để truyền tải yêu thương đến ai đó là một thách thức. Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? chỉ ra những cơ hội, thách thức, giúp người đọc nhận diện bức tranh tâm lý của thế hệ trẻ. Cuốn sách không cổ vũ người trẻ lao vào, dấn sâu thêm trong thế giới ảo. Tác phẩm cũng không khuyên bạn đọc tránh xa thế giới mạng để trở thành những chú cừu công nghệ. Thay vào đó, sách khuyến khích bạn trẻ định vị bản thân, nhận diện các vấn đề của mình khi tham gia “siêu cao tốc” của thế giới mạng. Nhà văn Dương Thụy nhận xét về sách: “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? là bức tranh toàn cảnh về thời đại Internet. Thấu hiểu người trẻ, nắm bắt tâm lý con người hiện đại, đưa ra gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động này”. PGS.TS Nguyễn Phương Mai – Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan – nói về cuốn sách: “Như một cốc phê, đủ ngọt để tin, đủ đắng để nhìn ra sự thật và phản biện lại chính những điều mà cuốn sách nêu ra. Và quan trọng nhất, đủ caffeine để một người đọc trẻ tuổi buông sách xuống để lên kế hoạch đổi thay”. Tác giả Hoài Nam là biên tập viên, sống và làm việc tại TP.HCM. Anh còn là nhà sáng lập và bình luận phim. Tác giả Lâm Hân là một nhà báo, biên tập viên. Chị cũng viết nhiều truyện ngắn.

Internet mang lại tiện ích cho con người, nhưng cũng có nhiều mối nguy tiềm ẩn. Để không trở thành những chú “cừu non” của thời đại công nghệ, ta cần phải có một bản đồ chỉ dẫn. Cuốn sách “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” là một gợi ý cho bạn. Ngay từ những trang sách đầu tiên, hai tác giả Hoài Nam và Lâm Hân đã cho thấy công nghệ và thế giới mạng đã thay đổi gần như toàn diện cách sống của chúng ta từ việc giao tiếp, học tập và làm việc hàng ngày. Con người liên kết, chia sẻ với nhau mọi điều trong một “thế giới phẳng” và hiển nhiên, việc sống ảo là điều không thể thiếu, nhất là đối với các bạn trẻ. Cuốn sách “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” được chia làm 3 phần: Nhận diện; Trong rừng thẳm và Bước cùng ánh sáng. Nội dung được trình bày vô cùng dễ hiểu cùng các minh chứng, ví dụ cụ thể. Những dẫn chứng ấy đều được lấy từ các sự kiện tin tức gần gũi với sự quan tâm của giới trẻ hiện nay. Và có thể thấy rằng, cuộc sống của chúng ta bây giờ dường như gắn chặt với những chiếc điện thoại, thiết bị điện tử thông minh và phương thức giao tiếp chủ yếu thông qua các mạng xã hội. Nếu chấm dứt một trong những phương thức giao tiếp đó, đồng nghĩa với việc bạn trở nên cô đơn. Song song với những tiện ích mà thế giới mạng mang lại, mỗi người còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: cảm giác lạc lõng mang tính thời đại hay sự thất lạc bản thân khi ranh giới giữa thật và ảo ngày càng mờ đi. Có thể nói, mỗi một người sử dụng mạng xã hội và phụ thuộc vào nó đều có lý do mà họ cho là chính đáng. Nhiều người cũng cho rằng cuộc sống hiện đại buộc người ta phải dùng mạng xã hội để trở nên hợp thời hơn, thậm chí là định vị một thương hiệu cá nhân. Và dường như, ở trên mạng xã hội thì ai cũng cảm thấy rằng cuộc sống của người khác rất là tuyệt vời. Họ là những con người rất hoàn hảo, rất toàn diện còn mình thì tẻ nhạt và thiếu tự tin. Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng “màu hồng” và “lấp lánh” như trên mạng. Vâng, “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” là một cuốn sách đặc biệt bởi đây không phải là cuốn sách đem đến câu trả lời rằng ta cần đi đâu hay phải làm gì mà nó đưa ra những chỉ dẫn từ sự thấu hiểu giúp định vị bản thân, nhận diện các vấn đề của chính mình khi tham gia các siêu cao tốc của thế kỷ 21. Cuốn sách sẽ là hành trang để chúng ta biết cách tự bảo vệ tìm kiếm hạnh phúc phát triển bản thân và chinh phục những mục tiêu của đời mình trong thời đại công nghệ số.

Mất hàng triệu năm để con người phát minh ra chữ viết, hàng ngàn năm tạo ra sách vở, hơn một trăm năm tiến đến truyền thanh, vài chục năm làm chủ truyền hình. Thế nhưng, chỉ mất chưa đầy một thập niên, chúng ta bước vào kỷ nguyên bùng nổ thông tin. Thế giới mạng đã thay đổi toàn diện cách chúng ta sống, giao tiếp, học hành và làm việc. "Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?" là bức tranh chi tiết về thời đại Internet. Thấu hiểu vấn đề của người trẻ, nắm bắt tâm lý của con người hiện đại, đưa ra các gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại chân dung bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động. “Mỗi người chúng ta dù ở thời đại nào, suy cho cùng, vẫn có nhu cầu căn bản nhất: Được thấu hiểu và yêu thương. Để được như thế, chúng ta chỉ có một cách là dành thời giờ bên nhau, lắng nghe nhau. So với thời chưa có Internet, chúng ta đối diện ít hơn hay nhiều hơn các vấn đề? Chúng ta có hạnh phúc hơn không?Mọi ứng cứu đến từ bên ngoài đều vô nghĩa nếu không đi cùng sự biến chuyển bên trong của mỗi cá nhân. Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? là một cuốn sách để chúng ta cùng đọc, cùng suy nghĩ và cùng trả lời những câu hỏi của ngày hôm nay.” - Nhà văn Dương Thụy, tác giả Oxford thương yêu "Không theo đuổi đam mê’, ‘đừng tin vào chân lý’ là hai trong số rất nhiều lời chia sẻ của Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? Như một cốc cà phê, đủ ngọt để tin, đủ đắng để nhìn ra sự thật và phản biện lại chính những điều mà cuốn sách nêu ra. Và quan trọng nhất, là đủ caffeine để một người đọc trẻ tuổi buông sách xuống và lên kế hoạch đổi thay.” - Pgs.Ts Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa Hoc Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Tác giả Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo

“Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” chính là một quyển sách hấp dẫn bóc trần sự thật về “nạn” sống ảo của con người hiện nay. Khi mà thế giới công nghệ số trở nên quá phát triển, kéo theo đó là những hệ lụy đến khó tin, người ta ngày nay đang sống dựa vào giá trị ảo hơn là những trị giá bản thân đích thực. Quyển sách sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại bản thân để có thể giữ mình kỹ hơn, tránh sống ảo quá mức vì tác hại khôn lường của nó. Có lẽ chúng ta ngày nay luôn bị ám ảnh về việc phải luôn hoàn hảo trong ánh nhìn của người khác. Chính vì thế mà mạng xã hội là nơi để tung lên những điều ảo diệu để có được sự tán dương của đám đông. Vậy là cách sống đúng với bản chất đã bị bài trừ không thương tiếc, nhường chỗ cho sống ảo lên ngôi. Nhưng đến một lúc nào đó, những sự giả dối mà ta cố tình đăng lên mạng xã hội cũng bị bóc mẻ không thương tiếc. Chẳng hạn như một người thường hay nói về chế độ sống xanh, ăn xanh sạch thì đến một ngày nhiều người phát hiện cô ngồi nhâm nhi một khúc cá với vẻ khoái chí và bị quay lại sẽ khiến cả thế giới quay lưng. Rồi cũng không thiếu những cô nàng hotgirl nổi lên nhờ mạng nhưng khi người ta thấy họ ngoài đời thì vô cùng xấu xí, sự thật là họ đã lạm dụng các phần mềm chỉnh sửa để khiến bức ảnh trông đẹp hơn và biến hóa vịt đen thành thiên nga trắng mà thôi. Những câu chuyện ảo diệu như thế cứ xảy ra ra rả hàng ngày mà nguyên nhân chính là lối thích sống ảo của một phần lớn số người hiện nay. Đôi lúc, sống ảo còn đem lại bi kịch khủng khiếp như nạn tẩy chay và văn hóa sỉ nhục trên mạng. Nguyên nhân mà quyển sách đưa ra là do chúng ta đang bị kích thích bởi tính ganh tỵ khi mà thấy người khác trên mạng xã hội được yêu thích và chú ý. Khi thấy một người được nhiều sự mến mộ, chúng ta cũng muốn được như thế và khi nhiều người mong muốn được nổi tiếng thì nó tạo thành hiệu ứng domino – người người sống ảo, nhà nhà sống ảo để gia tăng độ nổi tiếng và kéo sự yêu thích từ người khác. Bằng chứng là đăng hình không ai like thì buồn 8 ngày, vì thế mà tìm mọi cách ảo diệu để khiến bản thân xinh hơn, tốt hơn để kiếm like và nút like từ đó lại trở thành một biểu tượng cho sự yêu thích ảo trên mạng. Đây có lẽ liên quan đến tâm lý của con người khi mà thế giới ảo có thể phô bày ra cho toàn thế giới thấy thì chúng ta sẽ giấu nhẹm đi những cái xấu của bản thân và chỉ khoe những điều tốt đẹp hoặc biến cái xấu thành cái tốt để khoe mẽ. Và thậm chí là người ta sẵn sàng đi đến sân bay chụp một tấm ảnh để chứng minh là bản thân đi máy bay thường xuyên, đi vào mấy shop nổi tiếng chụp hàng tá đồ hiệu để khoe rằng bản thân xài hàng nổi tiếng nhưng sự thật là chẳng mua món nào trong số đó cả. Có lẽ thế giới này không còn là thế giới của những con người hai mặt nữa mà là những con người nhiều mặt khi mỗi ngày lựa một chiếc mặt nạ khác nhau để sống ảo cho kỳ được. Và cách sống ảo như thế đã vô tình làm chúng ta không còn là chính mình, tệ hại hơn là dẫn đến chứng rối loạn tâm trạng khi bị so sánh với người khác. Giải pháp là bạn hãy chấp nhận mọi thứ của bản thân thay vì trưng ra một bộ mặt giả tạo như thế, cố gắng trở thành con người khác không khiến bạn hạnh phúc hơn đâu. Hãy thử một thời gian nào đó quên đi điện thoại, quên đi mạng mẽo mà hẹn bạn bè đi ăn uống, đi coi phim hay đi hóng gió, bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn rất nhiều. “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa” giúp chúng ta nhìn nhận lại những giá trị đích thực cho bản thân thay vì cứ giả giả ảo ảo mãi.

Sống ảo là một trào lưu thường thấy trên các mạng xã hội, đặc biệt là đối với mạng xã hội Facebook, Instagram. Sống ảo là hành động, việc làm cập nhật trên mạng xã hội xa rời với thực tế, tự tạo ra niềm vui cho riêng mình qua những lượt tương tác trên mạng xã hội như like, thả tim, lượt theo dõi… Sống ảo trên Facebook hay mạng xã hội đang trở thành xu hướng khá phổ biến của nhiều bạn trẻ tham gia các trang mạng xã hội nói chung hay Facebook nói riêng. Việc sống ảo được hiểu là các trạng thái, hình ảnh hay bất cứ điều gì trong cuộc sống được đăng tải lên mạng xã hội nhằm tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm hay đơn giản chỉ là thu hút sự chú ý bằng các lượt like và theo dõi. Nguồn gốc của sống ảo được bắt nguồn từ các trang mạng xã hội. Khi mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông phổ biến, con người dần sử dụng nó nhiều hơn. Và từ đó, sống ảo cũng dần trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với giới trẻ hiện nay. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được, việc sống ảo nhiều nhất là khi giới trẻ sử dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh hay các app chụp ảnh để làm đẹp rồi đăng lên các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay ví dụ như Facebook, Instagram khiến mọi người lầm tưởng về vẻ đẹp và ngoại hình của mình. Sau đó, họ sẽ đăng tải những dòng trạng thái thả thính hay thậm chí nói sai sự thật về bản thân nhằm mục đích câu like và khoe khoang về bản thân mình. Họ đăng hình ảnh và trạng thái không gần với thực tế, cho đến khác xa với thực tế, hoàn toàn trái ngược với hiện thực để được sự khen ngợi, trầm trồ và thán phục của người xem. Không chỉ dừng lại ở đó, sống ảo chính là một cách để con người ta trốn tránh hiện thực đời sống thường ngày, họ không dám đối mặt với nó. Những bức bối, khó chịu, những sự khó khăn của cuộc sống đời thực khiến con người ta mệt mỏi, bất lực muốn tìm đến một nơi để giải tỏa, để trút hết những tâm tư. Và họ đã tìm đến mạng xã hội như một thứ thuốc giải tâm lý thần kì. Từ đó tạo nên sự đối lập giữa sống thật và sống ảo. Nguyên nhân của lối sống này là do xã hội ngày càng phát triển, các máy móc hiện đại ra đời, các ứng dụng được nâng cấp tinh vi, nó thỏa mãn nhu cầu giải tỏa tâm trạng của giới trẻ. Giới trẻ tìm đến mạng xã hội nhiều hơn, đắm chìm vào nó để quên rằng mình đang sống trong một cuộc sống thật với các mối quan hệ. Bố mẹ ngày nay có tâm lý chiều con hơn, con thích điều gì là sẽ đáp ứng được, vì vậy giới trẻ dễ đua đòi mà phụ huynh thì dần mất đi sự kiểm soát. Những nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người trẻ. Họ dễ bị cám dỗ, không làm chủ được mình, không có ý thức sắp xếp thời gian hợp lý, vì vậy vô tình để thế giới ảo điều khiển con người mình. Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội, nhưng nếu chúng ta quá lạm dụng thì chúng sẽ dần làm suy tổn đến cuộc sống và tâm lý của bạn. • Sống ảo cũng phải điều độ, healthy and balance. • Hạn chế tiếp xúc với mạng xã hội ít nhất có thể, tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, vui chơi bên ngoài. • Dành quỹ thời gian của bản thân vào công việc, học tập, chăm sóc và ở bên người thân và bạn bè. Cách khắc phục tuyệt vời nhất đó là sống thực tế, chấp nhận hiện thực, Thế giới tuy là ảo nhưng tổn thương lại là thật. Mạng xã hội không xấu nếu như chúng được con người sử dụng đúng cách, đúng mục đích. Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về mạng xã hội và dần tránh xa hiện tượng sống ảo để có một đời sống lành mạnh nhé!

Chúng ta, những người được cả xã hội gọi là "những người trẻ", luôn mong muốn làm những điều lớn lao. Chính vì thế, cả xã hội cũng mong muốn chúng ta làm được những điều có ích giúp cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Nói một cách đúng đắn hơn, chúng ta được kì vọng rất nhiều. Bởi một lẽ nữa, tuổi trẻ là độ tuổi tràn trề năng lượng nhất. Nhưng, chúng ta đã và đang làm được gì rồi? Hay chúng ta chỉ sống trong đống ảo tưởng ngổn ngang ngoài kia mà cho rằng đó là màu đẹp nhất của cuộc đời. Từng vấp ngã, từng đau thương, từng sai lầm và từng bồng bột, đó là cách Mr. Thinker đã sống, trải nghiệm, gửi tới bạn cuốn sách “Rồi một ngày bạn sẽ hiểu”. Chắc chắn, tác giả cũng đã cố gắng, đã nỗ lực, cũng trải qua thất bại, cũng trải qua những giây phút mất mát. Để giờ đây, khi lên tới đỉnh cao, Mr. Thinker không giấu giếm mà sẵn sàng chia sẻ với chúng ta, những con người nhiều nhiệt huyết trong cuộc đời nhưng có lẽ chưa đủ trải nghiệm để giữ lửa nhiệt huyết này, để nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế hơn. Bằng sự chỉ ra Những ảo tưởng của tuổi trẻ, phần nào đó, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về suy nghĩ này của Mr. Thinker. Ảo tưởng thứ nhất: Quen biết nhiều người là giỏi Rất nhiều người tưởng rằng quen biết nhiều người là ghê gớm lắm, hoặc quen biết nhiều người thì người khác có thể giúp được mình. Nhưng, cũng rất nhiều người trong chúng ta tụ tập lại chỉ là để cho xôm tụ, gặp ai cũng kết bạn trên mạng. Người ta nói, tuổi trẻ là đi nhiều, trải nghiệm nhiều và cả kết thân nhiều nhưng cứ kết thân một cách vô bổ, mở rộng danh sách bạn bè trên mạng xã hội suy cho cùng cũng chỉ để tăng những tương tác sống ảo của chính chúng ta, làm những điều vô bổ thì có chăng là đã lãng phí rất nhiều thời gian không? Chẳng có những người nào dạy bạn làm giàu nếu bạn không chịu làm bất cứ thứ gì. Quen cả triệu người không bằng thực lòng yêu một người. Quen biết nhiều không chỉ đơn thuần là gặp nhiều, biết nhiều người hoặc thậm chí có cả nhiều người biết bạn, mà một người quen biết thực sự phải biết kết nối và gieo những cảm xúc tích cực cho người tiếp nhận. Số ít những người kết nối được với mọi người là những người không chỉ lướt newfeed thả những like, comment hời hợt, khen nhau vài câu và coi đó là mối quan hệ tri kỷ. Chắc chỉ bạn biết đó là những người yêu thương bạn thực sự hay chỉ là lời nói đầu môi, thoáng đến cũng thoáng đi. Ai cũng giao tiếp nhưng mấy người kết nối Ảo tưởng thứ hai: Đối xử tốt với bạn chính là thích bạn Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều được răn dạy về lòng tốt, nhưng chắc không phải ai biết đến khái niệm “lòng tốt cần phải có giới hạn”. Và chắc chỉ bạn mới cảm thấy đối xử tốt là thích bạn, chẳng qua họ cũng hiểu lẽ như trên, lòng tốt họ chỉ dùng với bạn vừa đủ thôi. Đừng cảm nắng ai đó rồi nghĩ cả hai đã thấm đẫm trong cơn say nắng tình yêu. Họ chỉ coi bạn như bao cô gái khác, đối xử với bạn như bao con người khác mà không vướng chút tơ vương như bạn. Nếu bạn là người khác giới, bạn có yêu mình không? Nếu bản thân bạn cũng không thể yêu nổi mình, thì sao người khác có thể dễ dàng mù mắt như thế được. Hầu hết những người thích thả thính đều không có tình cảm thật với đối phương. Họ dành những lời lẽ ngọt ngào, cử chỉ quan tâm, tỏ vẻ yêu thương với người khác, nhưng lại không hề nghiêm túc coi đó là tình yêu. Họ cứ hồn nhiên gieo vào trái tim người khác cái cảm nhận họ cũng đang có tình cảm với mình. Mà không hề quan tâm đến khi sự thật được phơi bày, thì những con cá đớp phải thính như bạn sẽ đau khổ và mất niềm tin vào tình yêu ghê gớm. Chỉ một dòng status "Buồn quá, ai qua đón mình đi cà phê với." Là ôi thôi, bên dưới có hàng chục người vào comment "đang đâu anh đón," "đợi tý tôi qua,"... Mà đâu biết rằng, cái người vừa thả thính đó đang ngồi ở quán cà phê cùng đám bạn, cười như được mùa vì lừa được mấy con cá ngờ nghệch. Thế nên hãy kết bạn bình thường, đừng nghĩ vớ nghĩ vẩn rồi tự làm khổ chính mình. Không phải tình cảm đẹp nào cũng phải phát triển thành tình yêu, đa số tình yêu quá đoản mệnh, mất nhiều hơn là được. Đâu phải hôm mưa có ai đưa chiếc ô mà trái tim bạn vội hóa cầu vồng! Ảo tưởng thứ ba: Cần cù ắt thành công Khi bạn bắt đầu ngày làm việc của mình, bạn có thể cảm thấy thoải mái với những kế hoạch được lặp ra để làm cho hết ngày. Công việc đến với bạn không có chút hứng thú nhưng bạn vẫn làm. Bạn giải quyết các nhiệm vụ và công việc khi được giao và hoàn thành nó trước deadline. Có vẻ như bạn đã thành công vì sắp xếp công việc theo deadline đâu ra đó. Vấn đề ở đây: Đó thật sự không phải cách lên kế hoạch hiệu quả cho ngày làm việc của bạn. Bạn hãy làm việc thông minh hơn, đừng lao lực một cách mù quáng để đến một lúc khi sự cần cù cạn kiệt, bạn chỉ còn cách gượng dậy để làm việc cho qua năm. Đừng để những người suốt ngày kêu gọi bạn cần cù lừa phỉnh bạn, họ nói thế là muốn bạn cần cù, để họ không cần cù cũng được. Vì vậy, vừa chăm chỉ nghiêm túc làm tốt việc của mình vừa không quên hưởng thụ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống là được rồi. Cứ tiếp tục mơ ước, tiếp tục tham vọng nhưng ngưng ảo tưởng. Cho dù thế nào, thế giới vẫn luôn chừa chỗ cho những người muốn vươn tới thành công và tất nhiên, ước mơ chính là bệ phóng lạc quan nhất. Nhưng cũng đừng ảo tưởng rằng mình đặc biệt, mình sinh ra để làm việc lớn nên chỉ cần "vẽ voi" là sẽ thành voi. Mỗi chúng ta chỉ trở nên đặc biệt sau một quá trình lao động chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân. Rồi một ngày, khi trưởng thành dạy cho bạn biết, thế giới ngoài kia tưởng vậy mà không phải vậy, có những bài học không thể mô tả bằng lời mà chỉ có thể kinh qua những bước chân thẫm đẫm những đau thương, sai lầm của bạn. Rồi một ngày bạn sẽ hiểu của Mr. Thinker với những triết lý sống nhẹ nhàng mà sâu sắc, những quan điểm nhân sinh và bài học thực tế giản dị, giản dị và thực tế đến mức bạn sẽ phải trầm trồ như những câu chuyện, những vấn đề của nó được gửi đến dành riêng cho bạn.

Cuốn sách “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” của Nam Lâm – một cuốn sách không chỉ thấu hiểu người trẻ, nắm bắt tâm lý con người hiện đại mà còn đưa ra những gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động này. Lớn lên trong thời đại Internet và mạng xã hội bùng nổ, thế hệ Millennials, hay còn gọi là thế hệ Y (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) được tiếp cận nhiều hơn với với công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội. Họ thụ hưởng những thành tựu, tham gia và tác động mạnh mẽ lên bầu khí quyển ấy. Nhưng song song với những tiện ích mà thế giới mạng mang lại, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ Millennials còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: cảm giác lạc lõng mang tính thời đại; sự thất lạc bản thân khi ranh giới giữa thật và ảo ngày càng mờ đi hay số vụ trầm cảm và tự tử tăng lên, tỉ lệ thuận với sự phổ biến của mạng ảo. Cuộc sống và tâm lý người trẻ cũng bị tác động mạnh bởi các vấn đề mới như: khát khao nổi tiếng, so sánh bản thân với người khác, chuộng ngoại hình… Có thể thấy rằng, dù Internet và mạng xã hội có đem đến cảm giác tự do, khiến chúng ta tin mình nắm quyền chủ động thì thực tế chúng ta vẫn bị chi phối bởi chính mạng lưới ấy. Và thế hệ Y, dù là thế hệ phiêu lưu nhất nhưng vẫn cần đến một số bảng chỉ đường. “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” không phải là cuốn sách đem đến câu trả lời, rằng ta cần đi đâu hay phải làm gì, ta nên lao vào thử thách hay tìm nơi trú thân yên ổn trong thời đại công nghệ số. Mà nó đưa ra những chỉ dẫn từ sự thông hiểu, giúp định vị bản thân, nhận diện các vấn đề của chính mình khi tham gia các siêu cao tốc của thế kỷ XXI: Những biến động nghề nghiệp khi thế giới mạng lên ngôi; Các định nghĩa mới về đam mê, hạnh phúc và thành công; Các nguy cơ lẫn cơ hội nằm trong phần chìm tảng băng mạng xã hội… Khi có một hình dung nhất định về thế giới của thế kỷ XXI, ta sẽ tái xác định chân dung của chính mình cũng như vị trí mình chọn để tồn tại trong thế giới đó. Ngoài ra, cuốn sách cũng đề xuất một số kỹ năng thiết yếu để thích nghi và tồn tại trong bầu khí quyển mạng, như tư duy phản biện là kỹ năng sống còn để phân biệt thật giả, khả năng hòa nhập để trở thành một mắt xích trong xã hội liên kết, bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để bắt lấy thời cơ trong dòng chảy thông tin, hay lựa chọn thái độ trước các tác động của thế giới ảo để sống hạnh phúc. Viết nên “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?”, Nam Lâm hy vọng cuốn sách của mình có thể giúp mỗi cá nhân hình thành tấm khiên tâm lý vững chắc để tự bảo vệ, làm tiền đề cho việc tiến lên, chinh phục những mục tiêu đời mình, để không trở thành những chú cừu của thời đại công nghệ, quẩn quanh trong các tường rào vô hình nhưng nghĩ mình tự do.

Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? của nhóm tác giả Nam Lâm là bức tranh chi tiết về thời đại Internet. Thấu hiểu vấn đề của người trẻ, nắm bắt tâm lý của con người hiện đại, đưa ra các gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số phát triển. Thế giới chúng ta sống là thế giới phẳng, nơi mà mọi người thường kết nối với nhau thông qua mạng Internet. Internet mang lại tiện ích cho con người, nhưng cũng có nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn: khao khát sự nổi tiếng nhất thời, sống ảo, trầm cảm, hay có thể là dễ đưa ra những quyết định sai lầm,... Để không trở thành những chú “cừu non” của thời đại công nghệ, ta cần phải có một bản đồ chỉ dẫn. Và cuốn sách “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” của nhóm tác giả Nam Lâm chính là bản đồ chỉ dẫn đó.Họ là những biên tập viên, nhà báo năng động, nhiệt huyết. Họ cập nhật xu thế của thời đại nhanh chóng và đem đến một góc nhìn mới mẻ, sáng tạo, độc đáo, thú vị về kỷ nguyên số. Tác giả chỉ ra rằng thế hệ Y là những người sở hữu tuổi trẻ khi bước vào thiên niên kỉ mới. “Nếu thế hệ X – cha mẹ của chúng ta, khá hoài nghi và cẩn trọng, thì thế hệ Y lại dễ dàng tiếp nhận mọi thứ”. “Sự hiện diện và tồn tại đang được định nghĩa lại. Nếu ta không có tài khoản Facebook, Instagram hay Twitter, ta không tồn tại. Chúng ta có xu hướng tiếp xúc trên mạng nhiều hơn ở thế giới thật”. Cuốn sách “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” mà hai tác giả kết hợp không chỉ nói về bức tranh toàn cảnh thời đại Internet mà nó còn chỉ ra cách mà chúng -nhất là những bạn trẻ đang đối diện trước biến động của thời đại này, giúp người trẻ định vị bản thân và nhận diện các vấn đề của chính mình. Thế giới mạng đã thay đổi toàn diện cách chúng ta sống, giao tiếp, học hành và làm việc.