“Then am I

A happy fly

If I live

Or if I die.”


“Vẫn là ta

Chú ruồi sung sướng

Sống xứng đáng

Chết chẳng vấn vương.”


Có lẽ, xưa nay, con người ta vẫn thường coi loài ruồi là một loài vật xấu xí, thấp hèn và đáng kinh tởm. Kiếp ruồi trong mắt con người chỉ là loài vật bẩn thỉu, reo rắc mầm bệnh và nhỡ may nó có bay lại gần thì người ta cũng chỉ muốn mau mau lánh ra xa, hệt như cái cách người ta tránh bệnh hủi vậy. Thế nhưng, có bao giờ bạn nhận ra, rằng trong xã hội loài người ấy, trong thế giới của con người “cao quý” kia, đâu đó vẫn còn tồn tại những số phận bất hạnh mà cuộc đời của họ cũng chẳng hơn kém gì một kiếp ruồi? Có thể bạn sẽ bật cười vì cho rằng ai mà lại tự ví bản thân mình với loài côn trùng dơ dáy kia, nhưng nếu sự đúng là vậy, xin cho phép mình cười lại. Bởi lẽ, không chỉ một mà có tới hai con người, những con người có thể bình thường nhưng họ đã chứng minh được sự không hề tầm thường của mình, tự nhận mình là Ruồi, một con Ruồi trâu. Nếu bạn còn quan ngại về hình tượng ấy thì cuốn sách Ruồi trâu (nguyên gốc tiếng Anh: The Gadfly) của nữ nhà văn Ethel Lilian Voynich sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn, một cơn ác mộng khiến bạn buộc phải tỉnh giấc. 


Ruồi trâu là một cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc chiến tranh, chính trị và tôn giáo. Mình đọc Ruồi trâu trong những tháng năm yên bình của thời thế, chẳng còn chiến tranh để mà thấu cảm được chính xác những gian nan khốc liệt, mình cũng chẳng phải con chiên đi theo bất kỳ một tôn giáo nào. Trước khi lật giở những trang sách đầu tiên của Ruồi trâu, mình cũng khá quan ngại về chủ đề lớn bao trùm lên cuốn sách và tính thời sự của nó. Thế nhưng, hẳn là chẳng phải ngẫu nhiên khi qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, người ta vẫn coi Ruồi trâu là một cuốn sách kinh điển và được nhiều người mến mộ. Với Ruồi trâu, bạn không cần phải sống trong thời chiến, bạn cũng không cần phải là người con của Đạo, không cần quan tâm thời thế, vì cái cách dẫn dắt của tác giả sẽ buộc bạn phải thấu cảm và day dứt, dù muốn hay không.


Ethel Lilian Voynich - cuộc đời, sự nghiệp và cơ duyên bén rễ Ruồi trâu

Thông thường, các tác phẩm văn học, đặc biệt là văn học kinh điển thường được ra đời trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt hoặc lấy cảm hứng từ chính câu chuyện của các tác giả. Nếu như J.K.Rowling, tác giả bộ truyện giả tưởng nổi tiếng Harry Potter có được nguồn cảm hứng sáng tác một cách ngẫu nhiên thông qua một buổi ngồi trên chuyến tàu bị trễ; nhà văn F. Scott Fitzgerald chắp bút tạo nên Đại gia Gatsby từ chính câu chuyện cuộc đời sóng gió của bản thân thì với Ruồi trâu lại khác. Nguồn cảm hứng tạo nên Ruồi trâu, có lẽ, như một cơn sóng âm ỉ đang chực chờ trong tâm trí của Ethel Lilian Voynich. Ruồi trâu không hoàn toàn là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, cũng không phải là câu chuyện tự thuật lại cuộc đời của tác giả, mà là cả quá trình đúc kết và trải nghiệm của Ethel Lilian Voynich, là sự đan xen một cách khéo léo từ hiện thực cho tới sáng tạo. Bởi lẽ, xuyên suốt tác phẩm, độc giả sẽ được lần theo quá khứ với những cuộc đấu tranh trên khắp thế giới, với tư tưởng cách mạng của các chiến sĩ quật cường hay những hoạt động chính trị mà bản thân bà đã được chứng kiến hoặc nghe kể lại trong suốt những năm tháng trưởng thành.

Ethel Lilian Voynich, hay tên khác là Ethel Boole (sinh ngày 11 tháng 5 năm 1864, mất ngày 27 tháng 7 năm 1960), là một tiểu thuyết gia, nhạc sĩ, có khuynh hướng ủng hộ cách mạng. Cha bà là George Boole, một nhà toán học nổi tiếng. Mẹ là nhà triết học nổi tiếng Mary Everest, cháu gái của George Everest. Chồng bà là Wilfrit Michael Voynich, một nhà cách mạng Ba Lan.

Sinh trưởng trong một gia đình tuy không phải quý tộc hoặc giàu có nhưng lại có học vấn rất cao, Ethel Lilian (tên gọi tắt là Lily) sớm đã tỏ ra vẻ thông minh và sáng dạ, mặc dù thể chất yếu hơn so với các anh chị em của mình. Bà cẩn thận và say mê học hành, có khiếu cả về khoa học lẫn ngoại ngữ. Lily tốt nghiệp khoa Fortepiano tại Nhạc viện Berlin (Đức). Trong suốt những năm tháng sinh viên, bà đã có dịp tham quan nhiều thành phố Tây Âu nhờ gần một năm sinh sống tại Paris. Chính khoảng thời gian này đã giúp Ethel Lilian tiếp thu nhiều kiến thức mới mẻ và rộng rãi từ cuộc cách mạng công nghiệp Anh trong thế kỷ trước và cả từ cao trào cách mạng giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội, từ các cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất đất nước vang dội ở hàng loạt nước châu Âu, suốt từ giữa thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Nhờ những trải nghiệm này mà xuyên suốt tác phẩm Ruồi trâu, bạn đọc không khó để bắt gặp sự hiện diện của các cuộc đấu tranh đã diễn ra trong thực tế hay các sự kiện lịch sử diễn ra khắp châu Âu.

Năm 1886, Ethel Lilian trở về London lập thân trong lúc thủ đô Anh đang trở thành nơi tập trung, lai vãng, gặp gỡ và thậm chí nơi lưu vong của nhiều nhà hoạt động nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Đây chính là nguyên do khiến Ethel lựa chọn dấn mình vào các hoạt động chính trị - xã hội đang rất sôi nổi đương thời. Vì thế, đọc Ruồi trâu, ta không chỉ cảm giác được tính chất văn học của một tiểu thuyết gia mà câu chuyện còn mang một màu sắc rất sôi nổi đặc trưng của các nhà hoạt động chính trị. 

Cuộc đời của Ethel Lilian trải qua hai sự kiện lớn mang tính “bước ngoặt” đã thay đổi hướng đi của cuộc đời bà. 

Sự kiện thứ nhất là khi Ethel Lilian Boole gặp nhà cách mạng Ba Lan trẻ tuổi Wilfrid Voynich. Ông làm việc tại Ban biên tập tạp chí “Nước Nga tự do” cùng với Ethel Lilian và về sau được cử vào ủy ban quản trị “Quỹ báo chí Nga tự do” với sự cộng tác của Ethel. Tuy tính tình có phần trái ngược nhưng hai người đã yêu nhau thắm thiết và thành hôn vào hè 1892, và từ đó đã xuất hiện tên Ethel Lilian Voynich, nữ sĩ nổi danh trên thế giới sau này.

Sự kiện thứ hai còn mang tính bước ngoặt lớn hơn nhiều. Qua những bức thư đi công tác Ethel Lilian gửi về cho mình, nhà cách mạng người Nga Stepniak đã nhận ra tài năng của một cây bút tương lai và khuyên bà nên “thử sức mình trong văn chương”. Vốn từ lâu đã nuôi nấng chí hướng đó, thì nay E.L.Voynich đã có một định hướng mới: ấp ủ một cuốn tiểu thuyết về phong trào đấu tranh của nhân dân Ý và những nhà cách mạng Ý. Và đó là nguồn gốc của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng sau này được người ta biết đến mang tên Ruồi trâu


Ruồi trâu và hoàn cảnh ra đời

Ruồi trâu là đứa con văn học đầu lòng của nữ sĩ Ethel Lilian Voynich sau tám năm thai nghén. Trong tác phẩm, bà đã xây dựng hình tượng một chiến sĩ đấu tranh cách mạng kiên trinh, bất khuất cùng với một mối tình đẹp đẽ và trong sáng, trong khung cảnh đấu tranh giành độc lập và thống nhất hết sức hào hùng của nhân dân Ý đang ở giai đoạn gay go nhất (1830-1840).

Ngay khi ra đời, tác phẩm đã gây tiếng vang lớn ở cả New York và London. Riêng ở London từ 9/1897 đến 3/1898 đã xuất và tái bản đến bốn lần và đã được Bernard Shaw, nhà văn lớn người Ireland, tác giả của các tiểu thuyết và kịch nổi tiếng, biên kịch cho ca kịch công diễn vào ngày 31/3/1898 tại Victoria Hall. Ở New York, báo chí đã đưa tin rất giật gân về cuốn tiểu thuyết, gọi đó là “cuốn sách đã gây chấn động nhất thời đại hiện nay” (New York Herald).

Năm 1955, khi Ethel nhận được tờ tạp chí đầu tiên của Liên Xô qua cuộc thăm viếng đầu tiên của đoàn các nhà báo Xô viết, lúc bấy giờ Liên Xô đã ấn hành tới 2 triệu cuốn Ruồi trâu. Ở phương Tây, con số này đã lên tới trên 10 triệu bản, nhưng tới đầu năm 1981, con số đó chỉ riêng Liên Xô đã là hơn 12 triệu bản, ấy là chưa kể hàng triệu bản ở Trung Quốc và các nước khác nữa, trong đó có Việt Nam. 

Bá tước Bertrand Russell, triết gia và nhà logic học người Anh, đã thừa nhận rằng: “Đây là cuốn tiểu thuyết xúc động nhất mà tôi đã được đọc trong tiếng Anh”, và một nhà báo Mỹ khẳng định rằng: “Đó là một trong những cuốn sách bán chạy một cách phi thường nhất của thế kỷ XX”. 

Như vậy, không còn nghi ngờ gì rằng: theo tiến trình lịch sử vẫn sẽ có những thế hệ độc giả ngày càng mới và trẻ, nối tiếp nhau say mê đọc và soi mình trong Ruồi trâu - một viên ngọc quý giá E.L.Voynich đã để lại cho nhân loại.

Vậy, điều gì đã làm nên Ruồi trâu, yếu tố nào đã tạo nên dư âm mãnh liệt đến từ một tác phẩm kinh điển có tính để đời như thế?


Vài nét về tác phẩm

Ruồi Trâu là một cuốn tiểu thuyết phi thường, được đặt trong bối cảnh nước Ý cách đây trên một thế kỷ. Thời đó, đất nước này đang bị chia cắt. Dưới quyền kiểm soát của đế quốc Áo, các phong trào cách mạng nhằm thống nhất nước Ý đều bị đàn áp. Ruồi trâu là một nhà hoạt động cách mạng kiên cường, đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho lý tưởng giải phóng đất nước.

Cuốn sách được chia thành 3 phần đi theo hành trình trưởng thành và “thoát xác” của chàng trai trẻ mang tên Arthur, người mà sau bao năm lưu lạc, trải qua bao hiểm nguy với một cuộc đời bất hạnh có, cay đắng có để rồi trở thành một con người với cá tính mạnh mẽ và sắc sảo mang tên Rivarez, hay còn được gọi với bí danh “Ruồi trâu”. Nếu như phần thứ nhất chúng ta được nhìn thấy hình ảnh Arthur tuổi 19 lạc quan, yêu đời, là hình mẫu điển hình của một chàng trai trẻ hiền lành và thánh thiện với lòng tôn thờ và ngưỡng mộ dành cho Chúa và cho người cha cố đạo Montanelli thì 13 năm sau, tức ở phần thứ hai và ba, độc giả có thể sẽ không khỏi bất ngờ về cái cách cuộc đời và số phận có thể thay đổi một con người.

Ruồi trâu, người đọc thấy rõ một con người cách mạng giàu tình cảm. Cuộc đời anh chứa đựng những bí mật khiến anh bị giằng xé giữa tình yêu và nỗi oán giận, chịu đựng nỗi đau cả về thể xác và tinh thần. Nhưng vượt lên tất cả, anh luôn tiến về phía trước. Anh đã sống với ý chí và nghị lực đáng khâm phục.

Ruồi trâu gửi tới người đọc một thông điệp: Cuộc sống dù ngắn ngủi nhưng vẫn có ý nghĩa khi ta sống có lí tưởng.


Ruồi trâu

Theo khoa học, Ruồi trâu là một loài ruồi sống ký sinh trên cơ thể động vật có vú vốn nổi tiếng với những hình ảnh kinh dị trong giai đoạn ấu trùng của nó. Ruồi trâu thường xuất hiện nhiều ở xung quanh những con ngựa, trâu bò cũng như những động vật lớn khác, chắc có lẽ vì vậy mà nên cái tên ruồi trâu. Ruồi trâu không lây bệnh sang cho người. Nhưng nếu bị ruồi cắn, bạn sẽ biết vết thương trở nên tồi tệ như thế nào. Một khi bị ruồi trâu cắn, bạn sẽ thấy giống như lưỡi dao lam cứa một rãnh nông trên da và chảy máu. 

Chắc có lẽ, trước khi đắm mình vào từng trang sách của Ruồi trâu, sẽ không có ít người hình dung về cuốn sách này gắn liền với một loài vật hay thứ gì đó đáng sợ như thế. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một loài vật nào đó, cụ thể là một (hoặc vài) con Ruồi trâu dơ dáy thì xin thứ lỗi, cuốn sách này có thể đã làm bạn thất vọng. Chẳng có loài vật cấp thấp và bẩn thỉu nào xuất hiện trong đây cả, nhưng cái cách Ethel Lilian Voynich khắc họa nên Ruồi trâu thì sẽ khiến độc giả không khó để hình dung những “lưỡi dao găm” mà hình ảnh thực tế có thể mang lại cho các bạn. Và cho tới những trang sách cuối cùng, bạn sẽ hiểu được lý do vì sao bà lựa chọn loài Ruồi trâu mà không phải bất kỳ một loài vật cao quý hay vĩ đại khác.

Ruồi trâu, ấy là cái biệt hiệu người đời gọi anh, người chiến sĩ cách mạng với số phận nghiệt ngã dành cả cuộc đời để sống vì lý tưởng.

Felice Rivarez, biệt danh Ruồi trâu. Tuổi: khoảng ba mươi. Sinh quán và gia đình: không rõ, có thể là Nam Mỹ. Nghề nghiệp: nhà báo. Người thấp; tóc đen, râu đen, da sẫm; mắt xanh, trán rộng và vuông, mũi, mồm, cằm…”. Vâng, còn đây nữa: “Đặc điểm: chân phải khập khiễng, cánh tay trái khoèo, bàn tay trái mất hai ngón; có vết gương chém chưa bao lâu ở ngang mặt; nói lắp”. Chỗ này còn có một chú thích: “Tay súng thiện nghệ - khi bắt phải thận trọng”.

Đây là những đặc điểm nhận dạng mà người ta in trên tờ cáo thị để lùng bắt Ruồi trâu. Bạn thấy sao? Chà, có vẻ như là một con người dị hợm mang đậm vết tích của chiến tranh, đúng không nhỉ? Tuy vậy nhưng hẳn là chẳng phải ngẫu nhiên mà “những tên buôn lậu ở tận trên dãy Apennines” lại đặt cho anh cái tên “Ruồi trâu”, bởi lẽ, dù kỳ quặc nhưng miệng lưỡi của anh hoàn toàn có thể thuyết phục và mang tới cho người khác sự đồng cảm và đặc biệt là với tư cách một nhà báo, nhất là một người chuyên hướng ngòi bút với mục đích châm biếm chính trị, Ruồi trâu có thể khiến con người ta nể phục và kính trọng.

Ông ấy là một trong những người có trí óc sắc sảo nhất mà tôi được gặp. Trong cái tuần lễ lúc bấy giờ ở Leghorn có trời biết chúng tôi còn vui nỗi gì được. Cứ nhìn vào cái cậu Lambertini đáng thương, cũng đủ tan nát cõi lòng rồi. Nhưng một khi Rivarez có mặt ở trong phòng là không nín cười nổi. Ông ấy đúng là có một kho vô tận những câu chuyện lạ kỳ! Tôi còn nhớ ngang mặt ông ấy có một vết gươm chém thành sẹo gắn khít hai nửa mặt lại một cách đáng sợ. Ông ấy là con người kỳ quặc, nhưng tôi tin rằng ông ấy cùng những câu chuyện khôi hài của ông ấy đã giúp một số chàng trai đau thương lúc đó khỏi suy sụp.

Và ấy chính là lý do mà người ta cần tới Ruồi trâu, như một mồi lửa châm ngòi cho cuộc chiến cách mạng.

Nhưng thành phố này “đã quá lờ đờ với các quy mô của nó và cần phải có một con ruồi trâu thì mới làm cho nó thức tỉnh được”

Trong quá khứ, triết gia cổ đại của Hy Lạp mang tên Socrates cũng tự xưng là “ruồi trâu” và luôn dùng châm biếm làm vũ khí đấu tranh để bảo vệ chân lý và chính kiến của mình. Sau cùng thì ông bị vu cáo và bị xử tử bằng thuốc độc. Với Rivarez, số phận của anh cũng lặp lại với chiều hướng tương tự, nhưng dĩ nhiên, mình sẽ không bàn luận quá chi tiết tới vấn đề đó trong bài viết này. Bởi lẽ, bạn chỉ có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất cho tới khi bạn thả hồn vào cuộc chiến tranh qua từng câu chữ của Ruồi trâu mà thôi.   


Rồi một ngày, thế giới… sụp đổ

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Arthur ngồi trong thư viện của chủng viện thần học cùng với Kinh sĩ Montanelli, cha Giám đốc chủng viện, người thường đối xử với Arthur như con đẻ của mình và đổi lại, Arthur cũng kính mến và thậm chí là tôn sùng cha đạo hơn tất cả. Arthur khi ấy được phác họa với hình dung của một chàng trai trẻ, hiền lành, thánh thiện, sinh trưởng từ trong một gia đình tư sản Anh và dường như có trong tay tất thảy mọi thứ. Và mặc dầu anh mất đi người mẹ thân yêu nhất, phải sống trong một gia đình người anh trai cùng cha khác mẹ với sự khinh miệt trong ứng xử hàng ngày, nhưng anh vẫn có một người cha đạo làm thay vai trò của người cha đã khuất, có một mái nhà để trở về, được học tập, được đến trường cùng bè bạn và nhìn chung vẫn có một cuộc sống khá đủ đầy và sung túc so với những người cùng trang lứa.

Và cuộc đời anh tưởng như sẽ cứ đủ đầy và no ấm như vậy cho đến cuối đời nếu như anh không biết tới phong trào Nước Ý trẻ - phong trào đấu tranh giải phóng nước Ý lúc bấy giờ. Giống như một cuộc cách mạng sinh ra để giải phóng cho một đất nước thì Nước Ý trẻ trong Arthur cũng mang vai trò tương tự. Ngay lúc này, tư tưởng của anh đã có sự chuyển biến và chính điều này một phần đã làm cho mối quan hệ của anh với cha đạo trở nên có phần căng thẳng và phức tạp hơn khi một bức rào chắn vô hình nào đó đã được hình thành. 

Và đỉnh điểm của sự chia cắt là khi anh bị phát hiện và bắt giữ bởi quân đế quốc. Cho tới khi ấy, mọi chuyện mới thực sự vỡ lở. Mọi sự giống như được giấu kín trong một chiếc bao suốt gần hai chục năm và tưởng chừng như sẽ được giấu kín mãi cho tới khi anh nhắm mắt xuôi tay, ấy vậy mà chỉ sau một lần bị bắt ấy, cả thế giới dường như quay lưng lại với anh. Gia đình buông lời sỉ vả và có ý muốn tống cổ anh đi, người con gái anh thương hoài nghi và mất niềm tin vào anh, và hơn cả là người cha đạo Montanelli mà anh tôn thờ bấy lâu nay lại mang trong mình cái bí mật mà khiến anh đau khổ hơn cả. Lúc này, thần thánh đã chẳng còn có ý nghĩa gì với Arthur, mọi thứ từ con người cho tới cuộc sống, trong mắt anh dường như trở nên xấu xa và đáng ghê tởm. Nếu bạn đã từng trải qua cái cảm giác bị phản bội hoặc mất tất cả mọi thứ trong tay thì có lẽ bạn sẽ phần nào hiểu được cảm giác của Arthur khi ấy. 

Chuỗi cười điên dại ngừng bặt trên môi Arthur. Anh chộp lấy chiếc búa trên bàn và nhảy xổ tới tượng Thánh giá.

Tiếng đổ vỡ sau đó đã làm anh sực tỉnh lại, anh thấy mình đang đứng trước cái bệ trống không, một tay vẫn còn nắm chiếc búa, những mảnh tượng vỡ tan tành văng trên sàn quanh chân anh. 

Chính vì những chuyện như thế - vì những con người giả dối và nô lệ ấy, vì những thần thánh câm như hến và vô hồn ấy - mà anh phải chịu mọi sự giày vò của nhục nhã, giận hờn và tuyệt vọng; và anh còn đã sửa soạn cả dây nhợ để treo cổ nữa, chỉ vì, quả vậy, có một lão cố đạo đã ăn gian nói dối ấy! Nhưng, thôi, mọi chuyện ấy thế là đã xong, giờ đây anh đã khôn hơn. Anh chỉ cần rũ sạch những dòi bọ ấy khỏi mình và bắt đầu làm lại cuộc đời. 

Cười nói điên dại, hoảng loạn và đã mang ý định tự tử, đập nát tượng Thánh và gọi người mình vẫn yêu thương suốt mười mấy năm bằng “lão cố đạo ăn gian nói dối”, chắc có lẽ ngần này hành động đã đủ để các bạn tưởng tượng ra cái bóng đen mà sau khi thế giới tươi đẹp của Arthur sụp đổ nó đáng sợ tới mức nào. Từ góc độ của một người ngoại đạo như mình thì duy chỉ việc đập vỡ Thánh giá nó đã là một điều cấm kỵ và tai hại mà chắc hẳn động cơ để con người ta làm điều đấy nó đã lớn lao tới mức nào rồi. Và bức tượng kia vỡ tan cũng đặt dấu chấm hết cho Arthur của suốt gần hai thập kỷ qua.

Tôi đã tin ông như đã tin Chúa Trời. Nhưng Chúa Trời chỉ là vật bằng đất, tôi có thể dùng búa đập tan, còn ông thì ông đã lừa tôi bằng lời nói dối. 

Niềm tin đã mất, thế giới sụp đổ, và thế là xin chào tạm biệt, Arthur của ngày xưa…


13 năm sau

13 năm không phải là một quãng thời gian ngắn. Một đứa trẻ mới lọt lòng, 13 năm sau nó sẽ lớn phổng phao lên trông thấy. Một cô hay cậu bé tiểu học sau 13 năm rồi cũng sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành. Một người trưởng thành sau 13 năm rồi cuộc sống ắt hẳn cũng phải trải qua những bước ngoặt lớn mang tính chuyển biến rõ rệt như gầy dựng sự nghiệp hay lập gia đình và có con… 13 năm ấy là quãng thời gian đủ để thời thế thay đổi, xã hội thay đổi và cả con người cũng sẽ đổi thay theo, bất kể người ta có cho rằng “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” đi chăng nữa. 

Nếu như khép lại phần đầu của câu chuyện, người ta nhìn thấy hình ảnh chàng thanh niên trẻ Arthur vứt bỏ tất cả và phó mặc bản thân mình cho cuộc đời xô đẩy thì sang tới phần thứ hai, chàng trai ấy, dường như, đã tan biến vào hư vô. Thay vào đó, người ta được chứng kiến một con người với tính cách và phong thái hoàn toàn khác, một kẻ dị hợm với “cung cách méo mó” mang tên Rivarez, hay còn được gọi với bí danh Ruồi trâu. Hai con người này trừ cái lý tưởng sống một lòng vì đất nước, vì cách mạng ra thì có lẽ chẳng có một chút nào mang nét đồng điệu cả, xét về cả hình hài và tính cách.

Cho tới cuối truyện, tác giả Ethel Lilian Voynich vẫn hoàn toàn không tiết lộ về danh tính thực sự của Ruồi trâu, nhưng điều này cũng chẳng thực sự cần thiết vì thông qua những hành động và lời kể của Rivarez, độc giả ắt hẳn cũng có thể đoán được thân thế thực sự của anh. 


Nước Ý trẻ - lý tưởng sống và tinh thần cách mạng 

Lấy bối cảnh thời kỳ chiến tranh và đặc biệt là phong trào cách mạng Nước Ý trẻ, Ruồi trâu có thể được coi như một cuốn hồi ký của những nhà hoạt động trong chiến tranh. Có lẽ vì thế nên nhiều người xem Ruồi trâu như một tượng đài bất hủ hay hình mẫu dành cho những người sống và cống hiến vì lý tưởng, vì cách mạng và vì đất nước. 

Ở Việt Nam, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng nhắc tới Ruồi trâu và Gemma trong nhật ký của mình.

Trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, nhân vật chính Pavel đã đọc cuốn Ruồi trâu cho tất cả những đồng chí của mình cùng nghe và chia sẻ tình cảm ngưỡng mộ với Ruồi trâu, một con người đã sống vì lý tưởng cách mạng: 

"Câu chuyện bi thảm thật. Ai mà tưởng tượng được có những con người bản lĩnh như thế trên đời này. Một con người thường không thể chịu cực hình đến độ ấy. Nhưng khi người ấy vì lý tưởng mà chiến đấu thì nhất định giữ vững được tinh thần".

Ruồi trâu, người ta được chứng kiến những chiến sĩ cách mạng sống hết mình vì lý tưởng, thậm chí bạn còn được trải nghiệm và có được cái nhìn sâu hơn về cách thức họ hoạt động. Từ những ám hiệu, những buổi họp bí mật cho tới những chiến dịch cụ thể như vận chuyển vũ khí,... tất cả đều được Ethel Lilian Voynich khắc họa hết sức chi tiết thông qua ngòi bút của mình. 

Cũng ở Ruồi trâu, người ta được nhìn thấy những cuộc lùng bắt, được chứng kiến cái cách những nhà hoạt động cách mạng “đấu đá” chính trị bằng những con chữ.

Suy cho cùng, với Ruồi trâu, người ta có cảm giác được sống trong chiến tranh, được hóa thân vào những chiến sĩ cách mạng và có cơ hội thấu cảm một cách sâu sắc nhất những đau thương của chiến tranh, bất kể bạn có đang sống trong thời bình đi chăng nữa.


Padre, cái ông Chúa này của cha chỉ là kẻ lừa bịp


Mặc dù không gian chung của Ruồi trâu mang đậm màu sắc chiến tranh và cách mạng, nhưng câu chuyện của chúng ta không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài những chiến sĩ cách mạng can trường, sẽ có những trang sách khiến bạn phải đau đớn và day dứt không nguôi…

… ôi, những ông thánh trái tim mềm yếu này! Mà đây lại chính là con người cứ ăn năn hối lỗi để mà sống. Mà nào có ai chết đâu cơ chứ, chỉ có con trai ông ta thôi. Cha nói cha yêu con, - tình yêu ấy của cha, - con đã phải trả giá khá đắt rồi! Cha tưởng chỉ vì vài lời ngon ngọt là con có thể xí xóa hết thảy để trở thành thằng bé Arthur ngày xưa sao? Để trở lại thành chính con, là cái đứa rửa bát đĩa trong các nhà chứa nhố nhăng nhơ nhớp, là cái thằng rửa chuồng ngựa cho các chủ đồn điền lai da đen, những kẻ còn cục súc hơn cả những gia súc của chúng? Thành chính con, là cái đứa đã phải đội mũ, đeo nhạc nhí nhố cho gánh xiếc rong, làm lao công và đầu sai cho các matador trong trường đấu bò? Thành chính con đã phải làm nô lệ cho mọi kẻ thú vật da đen để chúng được thỏa thích đè đầu cưỡi cổ mình? Thành chính con từng bị đói rách, bị phỉ nhổ vào mặt và bị chà đạp dưới chân kẻ khác? Thành chính con đã phải ngửa tay xin chút cơm thừa canh cặn mà người ta vẫn không cho, vì những con chó còn được quyền ưu tiên hàng đầu?

Trên đây chính xác là lời bộc bạch của Ruồi trâu về những tháng năm bôn ba của cuộc đời mình. Đói khát, thương tổn, khổ đau,... tất cả những thứ ấy mình anh gánh vác. Có lẽ chỉ cần những dòng này là đủ để bạn có thể cảm nhận cái cách sóng gió cuộc đời vùi dập anh. Không biết bao nhiêu lần anh tưởng như đã chết, vậy mà sau cùng sự sống vẫn mỉm cười với anh, bởi lẽ, Ruồi trâu quyết sống vì lý tưởng và hơn cả là mục đích quay trở lại để trả thù, không phải trả thù kẻ sát nhân nào đó hay báo thù ai đó hãm hại anh, mà là để khiến người cha đạo xưa kia anh từng coi là tất cả phải trả giá, và “ông Chúa” vô hình trên cao kia phải được nhìn nhận lại một cách đúng nghĩa.   

Ôi, tất cả những chuyện đó nói ra nào có ích gì! Kể lể sao cho xiết tất cả những gì cha đã đem đến cho con? Vậy mà giờ đây… cha lại nói yêu con! Cha yêu con được bao nhiêu? Có đủ để vì con mà từ bỏ ông Chúa của cha được không? Ồ, cái Người ấy đã làm gì cho cha, cái ông Giêsu vĩnh hằng vĩnh cửu ấy? Cái ông Người ấy đã chịu khổ sở gì cho cha mà cha lại phải yêu thương ông ấy hơn con? Có phải vì Ông ta bị đóng đinh thủng hai tay nên cha yêu quý Ông ấy đến thế không? Vậy hãy nhìn vào hai tay con đây! Nhìn vào đây, vào đây, và cả đây nữa…

Xét về mặt tôn giáo, Ruồi trâu mang tới cho người đọc một góc nhìn khác về những thứ con người vẫn gọi là Thánh hay Chúa, khiến người đọc phải nhìn nhận lại về giá trị thực sự và đức tin dành cho Chúa. Từ một con chiên ngoan đạo, Arthur đã rũ bỏ niềm tin và sống mà không trông cậy hay đặt bất kỳ niềm tin nào dành cho Chúa. Bởi lẽ, trong mắt anh, Chúa trời dường như trở nên vô tích sự với những đớn đau anh đã từng trải qua. Anh mất niềm tin vào Chúa một phần vì những niềm tin mù quáng và hơn cả là tất cả những tổn thương mà trong Kinh thánh người ta hay kể rằng Chúa trời đã phải chịu đựng ấy, anh đã phải chịu đựng và vượt qua những thử thách và khó khăn ấy gấp bội phần mà thậm chí chẳng có được sự hồi sinh hay bất kỳ sự an ủi và trợ giúp.

Padre, cái ông Chúa này của cha chỉ là kẻ lừa bịp. Những vết thương của ông ta chỉ là giả vờ. Nỗi đau của Ông ta chỉ rặt là trò hề! Chỉ con là có quyền nhận lòng yêu thương của cha! Padre, không còn cảnh tra tấn nào mà cha chưa đẩy con vào, phải chi cha biết được rằng đời con đã cực khổ biết bao nhiêu? Ấy vậy mà con vẫn không chết! Con đã chịu đựng hết thảy và đã làm chủ linh hồn mình trong nhẫn nại, vì con quyết trở về để đấu tranh với ông Chúa này của cha. Con đã giữ vững mục đích ấy làm tấm lá chắn che chở cho trái tim con, chính tấm lá chắn này đã cứu con khỏi hóa điên rồ, và khỏi bị chết lần thứ hai nữa. Thế mà bây giờ, khi đã trở về, con lại thấy kẻ chiếm ngự địa vị của con vẫn là Ông ta, - một kẻ chịu nạn giả vờ, chỉ bị đóng đinh trên giá chữ thập đích xác vẻn vẹn có sáu tiếng đồng hồ, rồi lại từ cõi chết ngóc đầu dậy! Padre, con đã bị đóng đinh trên giá chữ thập năm năm ròng và con cũng thế, con đã trỗi dậy từ cõi chết. Bây giờ cha định sẽ đối xử với con ra sao? Bây giờ cha định sẽ đối xử với con như thế nào?

Những lời bộc bạch ấy, sao mà đau đến xé lòng! Chính những khoảnh khắc này đã khiến không ít người phải rơi lệ. Sống với đức tin thực chất không có gì là sai cả, bởi lẽ, trong xã hội ngày nay có vô vàn người Công giáo và sống với đức tin cùng với sự tôn thờ gần như tuyệt đối dành cho Chúa. Tuy nhiên, đặt niềm tin một cách mù quáng và quá trông cậy vào một “sức mạnh vô hình” ấy, xét ở mức độ nào đó, có thể sẽ hủy hoại cuộc sống và tính cách của con người, như chính cách thế giới tươi đẹp của Arthur sụp đổ vậy. Mình không dám đề cập quá sâu về khía cạnh tôn giáo, nhưng nhìn ở một góc độ rộng hơn, nhiều khi con người ta ngoài trông cậy vào Chúa, người ta còn luôn kiếm tìm cho mình một tấm lá chắn an toàn để chở che và lẩn trốn mỗi lúc khó khăn. Đó có thể là một con người thực, cũng có thể là một loại thú vui nào đó mà gây tác động xấu tới bản thân hoặc thậm chí là xã hội,... dù bất kỳ thứ gì đi chăng nữa thì dần dần con người ta sẽ trở nên bị lệ thuộc và có khả năng sẽ đánh mất chính mình. Vì thế, đừng để niềm tin chỉ song hành với trái tim nóng, bởi lẽ, đức tin đôi khi cũng cần được nuôi dưỡng bởi một cái đầu lạnh.


Cha yêu ai hơn, con hay cái kia?


Chúng ta đã có chiến tranh, có chính trị và có tôn giáo, nhưng ở Ruồi trâu, tác giả Ethel Lilian Voynich còn tạo cho người đọc được sự đồng cảm với những phút giây đầy xót xa của tình thương, và cụ thể là tình phụ tử.

Vẫn là Arthur “chết đi sống lại” sau ngần ấy năm với gian khó cuộc đời, khi sóng gió vùi dập anh dường như từ yêu hóa hận, nhưng sau cùng tình thân vẫn khiến anh phải yếu lòng. Chắc có lẽ, chẳng vết thương nào về thể xác có thể đớn đau hơn thương tổn về tinh thần, khi cha thay vì thương yêu mình mà dành trọn tâm trí cho một thứ khác.

Con không đòi hỏi gì cả. Có ai cưỡng ép tình yêu bao giờ? Cha được tự do chọn người mà cha yêu quý nhất giữa con và ông ta. Nếu cha yêu quý ông ta nhất, cha cứ việc chọn ông ta.

Một đứa trẻ có thể khóc than rằng cha mẹ chúng dành tình thương cho các em hơn mình, không sao cả, đó là sự ghen tị trẻ con. Thế nhưng, khi cha mẹ dành tình thương cho một thứ vốn dĩ vô hình và thậm chí có thể vô nghĩa mà hướng mình cũng phải mang niềm tin ấy thì có lẽ câu chuyện nó đã đi theo chiều hướng khác. Và đau khổ nhất có lẽ là khi phải lựa chọn giữa “con hay cái kia”, khi hai bên dường như trở nên “không đội trời chung” và bắt buộc phải đưa ra quyết định mang tính sống còn, thì “cái kia” đã giành chiến thắng. 


Thay lời kết

Ruồi trâu khép lại bằng lá thư cuối đời mà Rivarez gửi cho người con gái mình thầm thương trộm nhớ từ thuở ấu thơ. Như thế, gạt bỏ những yếu tố thương đau của chiến tranh, xóa đi sự hà khắc của chính trị và tôn giáo thì Ruồi trâu còn mang trong mình một câu chuyện tình thật đẹp. Dữ dội mà vẫn dịu êm, cuốn sách này có thể đưa độc giả trải qua bao cung bậc cảm xúc để con người ta có thể thấu cảm được đủ vị đắng, cay, mặn, ngọt của cuộc đời. Dù thế gian có yên ổn hòa bình, dù cuộc sống có xoay vần và vạn vật thay đổi, dù con người ta có dần lãng quên đi giá trị đích thực của sự sống thì Ruồi trâu vẫn sẽ sống mãi trong lòng người đọc. Vẫn sẽ còn đó bóng dáng người đã “bước ra pháp trường với tấm lòng thanh thản, thanh thản như một cậu trò nhỏ rảo bước về nhà để nghỉ hè” và kiếp ruồi bỗng dưng có dịp được trở nên sáng ngời như thế, như ánh sáng ta tìm được ở phía cuối đường hầm…

“Then am I

A happy fly

If I live

Or if I die.”


“Vẫn là ta

Chú ruồi sung sướng

Sống xứng đáng

Chết chẳng vấn vương.”


Tác giả: Annie - Bookademy

--------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Sau bao tháng ngày xa cách, Ruồi Trâu vẫn là chàng thanh niên trẻ run rẩy khi đối mặt với người phụ nữ anh yêu. Anh mong được chia sẻ với cô trong những cuộc chuyện trò không hồi kết. Anh luôn mong có thể thấu hiểu và được thấu hiểu bởi cô gái Gemma.

“Dẫu sao tôi vẫn còn có điều mong muốn. Người nào sắp chết mà lại chẳng có quyền vòi vĩnh đôi chút. Vòi vĩnh ở chỗ là tôi muốn giải thích cho Dim hiểu tại sao tôi hay cục cằn với Dim và tại sao tôi lại khó có thể quên được chuyện cũ. Thật ra Dim cũng đã tự hiểu, nhưng tôi muốn nhắc lại là chỉ bởi vì tôi thích viết lại những dòng này mà thôi.

Giê- ma ạ, tôi đã yêu Giê- ma từ khi Giê- ma còn là một cô bé con xấu xí, từ khi Giê-ma còn mặc chiếc áo vải kẻ ca rô với cổ áo nhàu nhĩ, và còn để bím tóc nhỏ xíu sau lưng. Đến bây giờ tôi vẫn yêu Giê-ma. Giê-ma còn nhớ cái ngày tôi đã hôn tay Giê-ma và Giê-ma khẩn khoản xin tôi “đừng bao giờ làm như thế nữa”? Tôi biết làm thế là bậy bạ nhưng Giê-ma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ tôi lại hôn tờ giấy đã viết tên Giê-ma. Như thế là tôi đã hôn Giê-ma hai lần và cả hai lần đều không được Giê-ma cho phép.

Tất cả chỉ có thế thôi. Giê-ma thân yêu, vĩnh biệt nhé!”

Nhân vật chính trong Ruồi Trâu là chàng trai trẻ có tên Arthur. Anh là một người lành, thánh thiện, sinh trưởng trong một gia đình tư sản Anh.

Arthur có mối quan hệ thân thiết với cố đạo Motaneli – giám đốc trường dòng thánh Pida, người đối xử với anh như con đẻ và Arthur cũng vô cùng kính trọng vị cố đạo này. 

Lớn lên, Arthur có niềm say mê mới, anh tham gia “Nước Ý trẻ”, một tổ chức bao gồm nhiều người sinh viên khác, với mục đích đấu tranh cho nền cộng hòa. Khi có những lý tưởng rõ ràng hơn về tôn giáo thì anh đã thay đổi cách suy nghĩ về Montaneli.

Trong tổ chức nước Ý trẻ, Arthur có tình cảm đặc biệt với Gemma nhưng cô thì theo Kito giáo.  Anh từng bị Gemma nghi ngờ nhưng không vì thế mà ngọn lửa tình yêu trong anh nguội tắt.

Sau một lần xưng tội với một linh mục, đồng thời là tay sai của đế quốc Áo, Arthur bị bắt và tra tấn nhưng chính vì thế mà anh biết được, Montaneli chính là cha ruột của mình. 

Sau khi được thả ra, anh bắt đầu cuộc sống lưu lạc tại Nam Mỹ. Chính cuộc ra đi này đã hình thành trong anh tính cách mạnh mẽ, sắc sảo dưới cái tên Ruồi Trâu. Anh quay về Ý để trả thù những gì đã lừa dối mình, ngoại trừ người cha là hồng y Montaneli. 

Trong một cuộc đấu tranh với bọn mật thám, anh bị bắt và nhận án tử hình. Không hề khúm núm, lo sợ hay nuối tiếc, Ruồi Trâu cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì đã cống hiến đời mình cho lý tưởng cách mạng.