Tui vừa đọc xong 1 cuốn sách hay kinh khủng. Cuộc đời tui cho tới bây giờ không nghĩ là có ngày tui sẽ cầm một cuốn sách thuộc thể loại kinh tế lên để đọc đâu. Con người tui nó điên điên không chút quy luật nào theo kịp ấy mà, làm sao tui có thể thích mấy cái thể loại sách như vậy chứ, vậy mà tui đã đọc “ Qua Pixar là vô cực” một cách ngấu nghiến.
Vào một chiều tháng 11/1994, Lawrence Levy nhận được một cuộc gọi định mệnh từ Steve Job, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong việc đưa PIXAR trở thành thương hiệu toàn cầu.
Vào tại thời điểm đó, Lawrence Levy đang là giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị tại Electronics for Imaging, và đương nhiên có rất nhiều thứ lôi cuốn và cần sự có mặt của anh ta.
Những lời dụ dỗ và thuyết phục từ một con người có bộ óc vĩ đại như Steve Job cũng chỉ dừng lại ở mức khiến cho Lawrence Levy cân nhắc về những lời đề nghị ấy như những lời đề nghị hấp dẫn khác trong thung lũng Silicon cho đến khi anh được tận mắt chứng kiến một e kip với những con người đặc biệt cùng nhau làm việc vì niềm đam mê thật sự và 1 ý chí vững tin về “ Câu chuyện đồ chơi – Toy Story” thì anh mới tin rằng cuộc đời mình vẫn chưa thể dừng lại ở Electronics for Imaging, và PIXAR sẽ là nơi mà anh muốn làm điều gì đó thật sự ý nghĩa mặc dù trước đó vài ngày anh còn không biết PIXAR là cái quái quỷ gì ở trên đời?.
“Steve Job đã mua lại quyền sở hữu của PIXAR sau khi George Lucas tách nó ra khỏi Lucasfilm vào 1986. Sau đó dường như steve job đã đổ vào Pixar hàng triệu đô la với hy vọng phát triển đồ họa cao cấp và các phần mềm đi kèm. Kết quả: không đáng kể”. Có lẽ bạn đang tự hỏi vậy thì vì sao những Toy story, Finding nemo, Car, Gia đình siêu nhân, hay Công chúa tóc xù lại nổi tiếng một cách đáng kinh ngạc như vậy?
Đợi đã nào!
Ngay cả steve job cũng không nghờ rằng chính PIXAR đã biến ông trở thành tỷ phú của thung lũng silicon chứ không phải là Apple. Và ban đầu thì Steve job chưa bao giờ có hứng thú với một công ty viết nên các câu chuyện, cái mà anh ta quan tâm là phát triển PIXAR trở thành một công ty phần cứng chứ không phải là phim hoạt hình như bây giờ. Ở giai đoạn mà người ta chưa biết đến PIXAR là gì thì Steve job đã rót vào đó gần 50 triệu đô la mỹ, và đó là một con số khổng lồ theo tiêu chuẩn của các công ty khởi nghiệp ở thung lũng silicon vào thời điểm đó.
Lawrence Levy có mặt tại PIXAR vào tháng 2/1995. Steve không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn cụ thể nào cho công việc. Mọi người đều thân thiện và chào đón Levy với một thái độ rất lịch sự, nhưng ông vẫn cảm nhận được không khí ngượng ngùng và có chút hờ hững. Cái bản tính đồng bóng của Steve Job thì hầu như ai làm việc chung với anh đều dễ dàng thấy, nhưng điều mà mọi người dè chừng ở đây là mối quan hệ của Levy và Steve Job . Steve là người sở hữu mọi nhân viên của PIXAR nhưng anh ta chưa bao giờ là một trong số đó, và mọi người sợ hãi khi nhìn thấy Steve.
Cuối hè năm 1995 PIXAR đang phát triển theo chiều hướng tích cực trong việc nỗ lực hoàn thành câu chuyện đồ chơi và đợi ngày phát hành. Và kế hoạch tiếp theo của PIXAR bên cạnh việc sản xuất ra những bộ phim đạt doanh thu phòng vé chưa từng có trên thế giới là từng bước đi giải quyết 4 vấn đề then chốt sau:
  • Tăng phần chia lợi nhuận nhận được từ Disney lên bốn lần (Những bộ phim mà PIXAR sản xuất đã được Disney ký kết hợp đồng phát hành).
  • Huy động ít nhất 75 triệu đô la để trang trải chi phí sản xuất
  • Sản xuất phim đều đặn hơn nhiều so với tốc độ mà PIXAR đang làm
  • Xây dựng PIXAR thành một thương hiệu toàn cầu.
22/11/1995 Câu chuyện đồ chơi - Toy story được ấn định phát hành sau hơn 4 năm thai nghén. Và danh thu phòng vé cuối tuần đầu tiên sẽ cho biết Toy-story thắng hay thua về tổng thể, Steve hy vọng rằng con số sẽ là 15-20 triệu đô cuối tuần đầu tiên, tức nhiên lúc đó không ai còn nghi ngờ điều gì về thành công của PIXAR nữa. Theo chiều dài lịch sử ngành phim ảnh, chỉ có 4 phim hoạt hình có doanh thu phòng vé trong nước cao hơn con số mà Steve mong đợi, và tất cả đều do Disney sản xuất lần lượt là: Người đẹp và quái vật, Aladdin, Vua sư tử, và Pocabontas. Đó là các bom tấn của Disney, còn các bộ phim hoạt hình khác trung bình chỉ đạt dưới 3 triệu đô la. Nói gì đi nữa thì giấc mơ này đã đặt quá cao. Cùng lúc đó PIXAR có ý định bán ra thị trường 6 triệu cổ phiếu với giá chào bán từ 12-14 đô la cho 1 cổ phiếu với mong muốn huy động được số vốn lớn từ các nhà đầu tư.
Kết quả sau khi bộ phim phát hành Disney đã dự báo doanh thu phòng vé cuối tuần đầu tiên gần 30 triệu đô, một sự choáng ngợp không thể tả khi nhận được thông tin này từ phía Disney. Khán giả đã thật sự yêu thích “ Câu chuyện đồ chơi - Toy story”, đã có cảm tình với Woody và Buzz. Và lúc đó họ có quyền mơ ước về biểu tượng văn hóa như chuột Mickey và nai Bambi. Song song với thành công của bộ phim là 6 triệu cổ phiếu của PIXAR được bán cho các nhà đầu tư với giá 22 đô la/1 cổ phiếu sau đó tăng lên là 30 đô la và 39 đô la vào cuối ngày giao dịch đầu tiên, đưa giá trị của PIXAR lên gần 1.5 tỷ đô la và điều này thực sự đưa Steve trở thành một tỷ phú. Ngày hôm đó tờ nhật báo Wall Street Journal có viết một bài với tiêu đề “ STEVE JOBS ĐÃ QUAY TRỞ LẠI, TRỞ THÀNH TỶ PHÚ TRONG ĐỢT IPO CỦA PIXAR”.Câu chuyện đồ chơi đã trở thành bộ phim bom tấn có doanh thu khủng thứ 3 trong số những bộ phim đã từng ra mắt trước đó sau Aladdin và Vua sư tử của Disney với tổng doanh thu phòng vé nội địa gần 192 triệu đô la.
2/1997, 2 năm sau khi phát hành bộ phim Câu chuyện đồ chơi – Toy story, PIXAR đã đi đến việc ký kết lại các điều khoản đã thỏa thuận với Disney theo chiều hướng đôi bên cùng có lợi. Và đó không phải là sự kiện duy nhất xảy ra tại thời điểm đó. “Apple computer đã mua lại NeXT, một cuộc đảo chính cực kỳ vĩ đại của Steve. Khó có thể bỏ qua sự trớ trêu khi Apple mua lại một công ty mà Steve đã khởi xướng trong sự nổi loạn ngang ngạnh chống lại Apple”. Sau sự kiện bán NeXT, Levy thường hay thấy sự suy tư hiện lên trên khuôn mặt của Steve, anh luôn lo lắng về tương lai của Apple và cảm thấy nó đang đi lạc hướng. Có lẽ ban điều hành của Apple sẽ phải là những người nên đứng lại và nhìn nhận một cách nghiêm túc về sự phát triển này, mua lại NeXT là một chiến lược hay nhưng điều đó vẫn chưa đủ.
Vào một ngày thứ 7 đầu hè năm 1997 khi hai người đang đi dạo ở Palo Alto Steve nói với Levy rằng anh đang có suy nghĩ về việc sẽ quay về Apple vì sự lạc lối khá lâu của ban điều hành. Ngay khi Steve nói ra ý định của mình Levy biết rằng anh đã có quyết định. PIXAR đang dần ổn định và tốt hơn bao giờ hết, nhờ nó mà giờ đây Steve không chỉ là một tổng giám đốc điều hành công nghệ cao mà còn là một vị lãnh đạo đã thấu hiểu nhiều về lĩnh vực giải trí. Rất ít người có thể làm được tốt cả hai lĩnh vực như Steve và đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Steve lèo lái Apple đi qua chặng đường chông gai phức tạp của âm nhạc và giải trí. “Tổng hợp lại thì có rất nhiều phương diện của PIXAR đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của Steve: trở thành tỷ phú, trải nghiệm sự trở lại nổi bật trong mắt công chúng, học được chi tiết những kiến thức của ngành giải trí, tận hưởng sự biến chuyển trong mối quan hệ với PIXAR, và phối hợp các yêu cầu trong cả kinh doanh và sáng tạo một cách nhịp nhàng. Kết hợp với tài năng về nghệ thuật và tầm nhìn về sản phẩm của Steve, những tác động này làm nên một sức mạnh vững chắc khi anh nhảy vào cơn lốc của Apple. PIXAR có thể chỉ là thời gian giải lao trong hành trình của Steve – nơi vẫn đang là nguồn đem lại hầu hết tài sản của anh – nhưng nếu không có PIXAR thì ai cũng có thể chứng minh rằng cuộc cách mạng từ hành động thứ hai của Steve tại Apple có thể không bao giờ xảy ra”. 7/1997 Steve quay về với Apple, anh sẽ làm việc trong một thế giới mới, thế giới mà ở đó Levy không bước chân vào.
Steve bị chẩn đoán ung thư vào năm 2003 và phải trải qua một loạt đợt trị liệu trong nhiều năm liền. Levy luôn đồng hành cùng Steve trong những năm tháng đó, anh lần đầu tiên được nghe nhạc trên một chiếc iPod, nói chuyện trên một chiếc iPhone và chơi game trên một chiếc iPad. Và chúng của sau này đã thay đổi toàn bộ thế giới.
Có hai vị quản lý tài ba mà bản thân tui và hội khẩu nghiệp của tụi tui rất thích và luôn có hứng thú đào bới đó chính là Bill gates và Steve Job. Và phong cách lãnh đạo của hai vị này đi theo 2 trường phái trái ngược nhau.
Trong sách Levy đã từng nói. Steve có cách để tách biệt các phương diện khác nhau trong cuộc sống của anh, chỉ anh mới có chìa khóa của các ngăn. Nếu bạn nằm trong ngăn này, mặc nhiên bạn có rất ít quyền truy cập vào các ngăn khác. Và hơn ai hết có lẽ Steve job là người sinh ra để hành động nhiều hơn là đối xử nhẹ nhàng với người khác. Khi địa vị của Steve đã tăng vọt về sự nổi tiếng,cũng như sự thành công của Apple Levy đã nhận ra vai trò của mình trong cuộc sống của Steve đã dần rút lại. Nhưng hai người vẫn thường xuyên đi dạo cùng nhau và cùng trân trọng tình bạn này,cũng như trân trọng cuộc gọi lúc ban chiều ở thời điểm cuối năm 1994.
Trong 5 năm qua cổ phiểu của PIXAR đã tăng từ 1.5 tỉ đô la lên đến 6 tỉ đô la, biến Steve từ một tỷ phú trở thành đại tỷ phú. Và PIXAR ở thời điểm này đang là một ngôi sao rực rỡ nhưng lại bay rất gần mặt trời, bất kỳ một cú trượt chân nào dù nhỏ cũng sẽ làm cho giá trị của PIXAR giảm đi nhanh chóng, 10 năm liền với toàn những bộ phim bom tấn, một sự vận hành tuyệt vời. Nhưng đã đến lúc PIXAR nên có một chiến lược khác.
Vào ngày 24/1/2006, Disney công bố mua lại PIXAR với giá 7,4 tỉ đô la. Steve vẫn sẽ sở hữu hơn 50% cổ phần của PIXAR, tương ứng với giá trị cổ phiếu gần 4 tỉ đô la và trở thành cổ đông lớn nhất của Disney.
Mãi cho đến sau khi đọc hết quyển sách này tui mới thực sự hiểu được niềm tự hào, sự hạnh phúc của toàn thể những nhân viên những con người vĩ đại đã cùng nhau tạo nên Vương quốc đồ chơi, Chú chuột đầu bếp, Finding Nemo, Công chúa tóc xù, họ tâm huyết như thế nào?.
Cuốn sách là hành trình để chúng ta có thể cảm nhận và biết rõ được quá trình chông gai mà PIXAR đã trải qua để ghi tên mình trên đỉnh vinh quang của nhân loại. Và hơn ai hết chúng ta đều hiểu rằng những con người vĩ đại dám ước mơ, dám kiên trì và cố chấp với ước mơ đó mới có thể làm và nhận được thành quả ngọt ngào đến như vậy. Bạn cũng đừng ngần ngại vì bản thân không thích đọc sách về kinh tế, mình cũng là một trong những số đó nhưng cứ thử cầm cuốn sách này lên và đọc đi, bạn không nỡ bỏ xuống đâu! Có một đọc giả đã viết về cảm nhận quyển sách như thế này” I don't really read business books, but I loved this. Levy's story is a really well-told personal narrative about bridging the gap between art and commerce, and anyone who's seen a Pixar movie in the last twenty years will find something of value here. Tôi không thực sự thích đọc sách kinh doanh, nhưng tôi thích cuốn sách này. Câu chuyện của Levy là một câu chuyện riêng tư cá nhân được kể lại rất tuyệt về việc thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và thương mại, và bất cứ ai trong chúng ta đã từng xem một bộ phim nào đó của Pixar trong hai mươi năm qua sẽ tìm thấy điều gì đó giá trị trong quyển sách này.”
Tui không có mong mỏi gì nhiều khi đọc cuốn sách này, trong thời buổi kinh tế hiện nay con người chúng ta mang tính thực dụng khá cao, họ có nhiều mục đích và lý tưởng khi làm một việc gì đó, không sao việc đó tốt mà! Chỉ là nó không hợp với tui, chỉ mong rằng bạn đọc cầm cuốn sách lên đọc xong gấp sách lại thích thú, vui vẻ và chia sẻ ngay cho đứa bạn thân nhất để chúng ta có thêm kiến thức mới, cái nhìn mới và cảm nhận mới. Vậy thôi. 
Xem thêm

Chưa đọc hết nhưng mà bứt rứt quá phải review ngay! Không hiểu sao dù chỉ in 1000 cuốn và phát hành từ năm 2017 nhưng tới giờ "To Pixar and beyond" mới chỉ tái bản đến lần thứ 2. Sách xứng đáng được nhiều sự chú ý hơn thế. Chắc là do mình đọc chưa đủ nhiều, nên sách về tài chính kinh doanh trong đầu mình chỉ có những cuốn giáo trình khô khốc về cách định giá cổ phiếu trái phiếu, quản trị rủi ro hay phân tích báo cáo tài chính... cho tới khi mình đọc cuốn này, khái niệm sách tài chính của mình lật sang trang khác viết lại luôn ạ. 💡Về tên sách: To Pixar and beyond (tựa Việt là Qua Pixar là vô cực, mình thích cả 2 vì ý nghĩa rất đặc biệt.) Đầu tiên là To Pixar and beyond xuất phát từ câu thoại cực nổi tiếng của Buzz Lightyear trong Toy Story: "To infinity and beyond". Câu thoại này phải nói là iconic nhất của anh cảnh sát vũ trụ rồi. Câu chuyện bên trong chủ yếu xoay quanh thời gian từ lúc Pixar bắt đầu làm Toy Story cho tới các thành công liên quan. Trong sách không nói về nghệ thuật kể chuyện hay làm phim của Pixar, nhưng Toy Story là một điểm xoáy đặc biệt đưa mọi quyết định kinh doanh của Pixar đi theo nó. Về tựa tiếng Việt, "Qua Pixar là vô cực" tuy không dịch quá sát với tựa gốc nhưng mình rất thích cách dịch này. Với một tượng đài trong ngành hoạt hình máy tính, 10 năm làm phim toàn là bom tấn liên tiếp, tự phá đổ kỉ lục phòng vé của chính mình, tạo ra tuổi thơ của biết bao triệu trẻ em trên thế giới, vượt qua được Pixar đúng là chỉ có vô cực chứ chẳng có cực nào làm được ở thời điểm hiện tại. 💡Về hình thức: - Sách khổ lớn hơn khổ thường một chút, chữ to nét căng đét như đề thi đại học. - Giấy xốp nên dù dày 331 trang mà sách nhẹ tênh rất phù hợp với kiểu người vừa nằm vừa đọc như mình không bị gãy mũi nếu lỡ làm rơi. - Giấy xốp nên cộng điểm mùi thơm nữa 👏 - Bìa đẹp ạ, so với bìa sách gốc bản tiếng Anh là bức tường bầu trời trong căn phòng của Andy trong Toy Story thì mình thích bìa bản Việt hơn vì có cây đèn bàn huyền thoại trên bìa, nhìn là thấy rất "Pixar" rồi. 💡Về nội dung: Ban đầu mình đọc phần tóm tắt sách mình chỉ nghĩ cuốn này sẽ phân tích về quá trình kinh doanh của Pixar, thú thực ban đầu mua cũng chỉ để có động lực chuyển sang sách chuyên môn bớt đọc tiểu thuyết nên mình đã sợ sách khô khan như mọi cuốn sách kinh doanh khác từng đọc... Nhưng không ạ, mình bị choáng ngợp từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Cực đỉnh thật sự. Chưa bàn về nội dung, cách trình bày và kể truyện của tác giả cũng làm mình ấn tượng. Ủa sách tài chính mà bánh cuốn như tiểu thuyết là sao? Sách chia thành 4 phần, tương đương 4 thời điểm quan trọng của Pixar và cũng là của tác giả Lawrence Levy - cựu Giám đốc Tài chính, từ khi Pixar là một công ty nhỏ xíu nằm khuất sau một nhà máy lọc dầu đến khi trở thành một trong các tượng đài thành công của lĩnh vực phim hoạt hình. Mỗi phần được chia thành từng chương. Mỗi chương là một câu chuyện của Pixar tại thời điểm đó, đầy đủ mở thân kết, một câu chuyện đầy đủ mà mình vừa đọc vừa choáng ngợp vì cách kể chuyện "Quá đỉnh!!!". Khối lượng mỗi chương vừa phải, nội dung cô đọng, mệt thì nghỉ, chưa mệt thì đọc tiếp. Mình không biết có phải do ảnh hưởng của văn hóa Pixar không (thứ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong sách, và được tác giả gọi là thứ cốt lõi làm nên Pixar của ngày nay) mà cách viết sách của tác giả - một Giám đốc Tài chính - công việc không hề liên quan đến làm phim - nhưng có cách kể chuyện như một nhà làm phim. Mình cảm giác như vừa trải qua hết 4 season với 27 tập của một bộ phim mang tên "To Pixar and beyond" vậy. Có những chương happy ending, có chương sad ending, và có những lúc opening ending khiến mình tò mò phải đọc chương tiếp để biết câu chuyện đi tiếp đến đâu. Có cả những chương spin off nhẹ nhàng giữa sách để mình khai thác những khía cạnh khác rất thú vị về Pixar. Cái mình thích nhất là việc chia chương cũng như chia nội dung vào từng chương đủ mở thân kết giúp mình có thể tiêu hóa kiến thức tài chính từ từ, mệt thì nghỉ cho ngấm và lúc quay lại không sợ bị mơ hồ không biết đang ở phần kiến thức nào. Và không nản nữa nếu bạn không quen đọc sách chuyên môn!! Ủa đây có phải sách tài chính không vậy trời... Bây giờ mới bàn về nội dung nè: Sách dạng tự truyện, kiến thức được lồng ghép khá thú vị, không chỉ kể từng quá trình mà còn được giải thích lí do vì sao ra quyết định, giúp mình hiểu được mục đích và tầm nhìn của mỗi quyết định kinh doanh. Vì không phải giáo trình nên nếu bạn có kiến thức cơ bản về tài chính đọc sẽ thấm nhanh hơn, chưa có thì vẫn sẽ hiểu vì.... (⚠️⚠️ từ đoạn này có spoil nè) Tác giả viết khá rõ ràng về quá trình cách Pixar bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về xây dựng kế hoạch tài chính (mà trước đó cũng ngáo ngơ như bao doanh nghiệp khác), chuẩn bị cho IPO (từ tìm ngân hàng phát hành, quy trình nộp bản cáo bạch lên SEC, đến định giá, đến các cuộc roadshow, cho tới lúc cổ phiếu lên sàn chính thức), IPO có tiền rồi thì phải làm gì tiếp, các cuộc đàm phán với Disney (học được kha khá kiến thức về quy trình xây dựng hợp đồng, điều khoản thế nào cho chặt chẽ), hành trình mua lại Pixar của Disney (mua để làm gì, mua như nào, mua xong thì ra sao) Một điểm mình rất thích nữa là mỗi một nhân vật mới xuất hiện đều có mô tả kèm ngoại hình hay đặc điểm thú vị của người đó theo cảm quan của tác giả. Điều này giúp mình trong quá trình đọc không bị lẫn tên nhân vật (khi mà có quá nhiều con người bước vào quá trình phát triển của Pixar và toàn là tên nước ngoài na ná nhau 😳) Bản thân mình đọc xong cuốn này cảm giác như đang học casestudy của môn Tài chính doanh nghiệp ý và đúng là đọc rồi mới thấm huy động vốn cho doanh nghiệp đã khó, dùng vốn sao cho hợp lý hiệu quả còn khó hơn. Càng thành công lại càng áp lực. Và không phải cứ bị công ty khác mua lại nghĩa là công ty đấy thất bại (mình đã từng ngu ngơ nghĩ thế) Trước khi đọc cuốn này mình chỉ biết Pixar là một hãng phim hoạt hình với rất nhiều thành công và Steve Jobs là CEO của Apple nổi tiếng cùng rất nhiều sản phẩm vượt trội. Và cuốn sách đã cho mình thấy một Pixar rất khác từ hồi còn nghèo rớt mùng tơi và một Steve Jobs dưới vai trò "ông chủ nhưng không được ai yêu thích" của Pixar 🤣 Đúng như bình luận của Ed Catmull được in sau sách, sách cho mình một câu chuyện rất khác mà không ai biết. 💎💎 Kết luận là quyển này 10/10 rất phù hợp cho các bạn cần tìm một cuốn sách chuyên môn nhẹ nhàng để làm quen ạ 💎💎