Không biết từ bao giờ “Samsung man” (người Samsung) đã trở thành cụm từ tượng trưng cho những nhân viên mẫu mực, có năng lực. Vậy điều gì đã tạo ra sự khác biệt đến vậy ở những “Samsung man”? Thông qua cuốn sách Phong cách Samsung, Cựu Giám đốc Điều hành Samsung SDI – Moon Hyung Jin sẽ làm sáng tỏ câu trả lời cho độc giả.

Nếu làm việc ở Samsung, sẽ có lúc bạn được nhận những khoản tiền thưởng không nhỏ, và khi trở thành thành viên trong Ban Giám đốc, công ty còn dành cho bạn những đãi ngộ đặc biệt lớn hơn nữa. Nhưng chỉ tiền thưởng và đãi ngộ thì chưa thể giải thích hết được sự nhiệt huyết của những “Samsung man”, bởi có nhiều công ty còn trả lương nhân viên cao hơn cả Samsung. Nếu vậy, có phải nhiệt huyết của nhân viên được tạo ra từ chính cái tên “Samsung” hay không? Nhưng trên thị trường thế giới, có biết bao nhiêu doanh nghiệp đa quốc gia có tên tuổi hơn Samsung, và ở đó cũng có không ít người Hàn Quốc đang làm việc. Vậy thì, vì sao cụm từ “Samsung man” lại ra đời, và nó có tạo ra sự khác biệt giữa những nhân viên làm việc tại Samsung và những nhân viên văn phòng khác?

Câu trả lời chính là: Tinh thần làm việc của “Samsung man”

Những “Samsung man” mang trong mình tinh thần làm việc chuyên nghiệp vô cùng nghiêm túc, ý thức mục tiêu, không lùi bước trước bất kỳ trở ngại nào và tinh thần dám đối diện với thách thức mà không hề sợ hãi. Có người đã nói về phong cách làm việc của Samsung thế này: “Yêu cầu nhân viên làm việc quá nhiều và luôn yêu cầu sự hoàn hảo trong mọi việc”. Nếu chỉ nghe qua thì có vẻ điều này là gánh nặng đối với nhân viên. Nhưng rõ ràng cách làm việc như thế là cơ hội để bồi đắp, nuôi dưỡng năng lực cho những người được trao trách nhiệm, giúp họ trở thành “số 1” trong lĩnh vực nghiệp vụ của mình.

Những con người ở Samsung có các chuẩn mực đến mức khiến cho cụm từ “Samsung man” trở thành một danh từ riêng. Vậy hành trình trở thành những “Samsung man” của họ diễn ra như thế nào? Để có thể trở thành một chuẩn mực của thế giới, chắc chắn hành trình đó không hề đơn giản, nhưng thành quả mà các “Samsung man” nhận được từ sự cống hiến và tinh thần làm việc chuyên nghiệp chắc chắn sẽ xứng đáng với những gì mà họ đã bỏ ra.


Hành trình trở thành các “Samsung man” được diễn ra thông qua 5 bước.

Bước khởi đầu: Áp đảo từ những điều cơ bản nhất

Tại Samsung, 5 năm đầu tiên bắt đầu làm việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, còn hơn cả ý nghĩa đơn thuần “nói về một khoảng thời gian”. Đặc biệt, khi xét tới tương lai làm việc của bản thân trong 5, 10 năm tới, thì việc khắc sâu “ý nghĩa của thời gian 5 năm” này sẽ giúp các “Samsung man” dự đoán trước được những tình huống tương tự trong tương lai, nhờ đó tăng thêm quyết tâm và ý thức hướng tới mục tiêu của tập đoàn Samsung. “Ý nghĩa của thời gian 5 năm” vì thế càng trở nên quan trọng và góp phần tạo nên bước khởi đầu vững chắc cho các “Samsung man”. Vậy trong khoảng thời gian “5 năm đặc biệt” ấy, các “Samsung man” có thể làm được những gì?

  • 5 năm – Thời gian hoàn thành nguyên tắc 10.000 giờ
  • 5 năm – Thời gian giúp cho các “Samsung man” thấu hiểu tổ chức từ góc nhìn của một Giám đốc
  • 5 năm – Thời gian xây dựng nền tảng cho một nhà lãnh đạo, bắt đầu từ việc xây dựng các mối quan hệ
  • 5 năm – Thời gian có thể giúp mở rộng thời kỳ đỉnh cao lần hai của bản thân thông qua việc chuyển chỗ làm

Tại Samsung, tất cả công việc ở công ty đều liên quan tới hai chữ “thời gian”. “Samsung man” có “thời gian đi làm”, “thời gian hoàn thành dự án được giao”. Trong lúc họp, họ cũng có “thời gian họp”, ngoài ra còn có cả “thời gian đi công tác” nữa. Doanh thu và lợi nhuận đương nhiên cũng được tính toán và đánh giá trên yếu tố “thời gian” như theo tháng, quý, năm. Sự bắt đầu và kết thúc một công việc cũng được sắp xếp chặt chẽ theo thời gian và tất cả công việc phải được giải quyết trong khoảng thời gian đã định. Không quá khi nói rằng ở Samsung, thời gian là “tất cả”.

Ở Samsung, nơi mà một khi đã bắt tay vào làm thì phải tạo ra được kết quả tốt nhất, những lý do này lại càng khiến mọi người bị ám ảnh bởi yếu tố thời gian. Người nắm bắt được thời gian có thể nắm bắt được thành công và lợi nhuận, doanh nghiệp đón đầu thời đại là doanh nghiệp có thể nắm bắt được mạch chảy của ngành thương mại và tạo tầm ảnh hưởng trên thị trường.

Chính vì vậy, các “Samsung man” tuyệt đối không được dễ dãi, không được qua loa về mặt thời gian. Tại Samsung, “6 giờ và 6 giờ 3 phút là sự khác biệt trời vực”. Những suy nghĩ cho rằng “3 phút có là gì”, “chẳng lẽ không đợi nổi 30 phút” của nhân viên là những suy nghĩ biếng nhác và chắc chắn sẽ bị Samsung nghiêm khắc nhắc nhở.


Samsung quan niệm rằng: “Hình ảnh của một cá nhân sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của toàn doanh nghiệp”, do đó họ có những yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với vấn đề ăn mặc của nhân viên. Cách ăn mặc có liên quan tới mức độ đáng tin cậy trong công việc. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang không ngừng nỗ lực để tạo ra một “hình ảnh đẹp” trong mắt khách hàng. Thiết kế thương hiệu, hoặc là làm ra những mẫu giấy tờ, công văn sử dụng trong nội bộ công ty cũng như gửi sang các cơ quan khác, rồi việc tạo ra một hệ thống kinh doanh triệt để tuân theo các nguyên tắc, nội quy của công ty, tất cả đều là vì một “hình ảnh đẹp”. Nhưng trên tất cả, điều gây ảnh hưởng lớn nhất đến công ty chính là con người. Mặc dù mỗi người đều sống với ngoại hình mình được ban cho từ khi sinh ra, nhưng quần áo là thứ chúng ta có thể thay đổi bao nhiêu cũng được, tùy theo khả năng của mỗi người. Vì thế, những nhân viên không quan tâm tới cách ăn mặc của bản thân bao nhiêu cũng tức là đang hạ thấp hình ảnh của công ty bấy nhiêu. Xét về bề ngoài, quần áo tạo ra hình ảnh tích cực cho người mặc, đồng thời giúp người đó có thái độ nghiêm túc, đúng mực đối với công việc hàng ngày. Chính vì vậy, Samsung luôn chủ động đầu tư và quản lý thông qua những yêu cầu khắt khe về phục trang của nhân viên.

Samsung có những hành động và cách suy nghĩ về thời gian tan làm rất rõ ràng. Với nhiều người, giờ tan làm là vấn đề khá nhạy cảm. Ở một khía cạnh nào đó, “giờ tan làm” có thể coi là mốc phân định rạch ròi giữa đường hướng hoạt động của công ty và lợi ích cá nhân. Mặc dù xét về bản chất, giờ tan làm không hoàn toàn là sự đối nghịch về lợi ích giữa công ty và nhân viên, nhưng trong tình huống thực tế thì nó lại có thể là sự đối nghịch về mong muốn của hai bên. Vì vậy, Samsung cần phải có một lập trường kiên định về vấn đề giờ tan làm, và dựa vào lập trường đó mà đưa ra quyết định tiếp tục ở lại công ty và làm việc chăm chỉ hay tìm một nơi khác có thời gian tan làm phù hợp với điều kiện và mong muốn của bản thân.

Bước trung cấp: Năng lực chuyên môn không phải ai cũng có thể có được

Các “Samsung man” cần phải sắp xếp bàn làm việc để nâng cao sự tập trung vào công việc. Khi mới vào làm tại công ty, vì lượng công việc không nhiều nên hiếm khi bàn làm việc của một nhân viên Samsung bị chất đống tài liệu. Nhưng khi công việc bắt đầu nhiều lên thì bàn làm việc cũng dần trở nên bừa bộn. Việc sắp xếp bàn làm việc của cá nhân nhìn qua thì có vẻ giống như một việc vặt, không có ý nghĩa gì. Nhiều người nghĩ rằng khi nào có thời gian rảnh, hoặc bàn làm việc quá bừa bộn thì mới cần phải sắp xếp lại. Nhưng “sắp xếp bàn làm việc” lại có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Đặc biệt, vì sắp xếp gọn gàng bàn làm việc giúp nâng cao sự tập trung vào công việc nên các “Samsung man” càng phải chú ý đến vấn đề này.

Samsung luôn đề cao ý nghĩa của việc làm việc hết mình, tận tụy và trung thành như một giám đốc. Thực tế thì quan niệm này không phải có ý nghĩa đòi hỏi nhân viên phải hi sinh lợi ích của bản thân hay phải làm những việc chỉ có lợi cho giám đốc, thay vì đó, đây là lời khuyên, là phương pháp tốt nhất để các “Samsung man” có thể phá vỡ giới hạn của bản thân, từ đó nuôi dưỡng cho mình một cái nhìn vĩ mô, có thể nhìn thấy tương lai và một năng lực phán đoán tổng hợp.

“Luyện tập làm việc như giám đốc” cũng chính là “luyện tập để thành công”.


Samsung luôn quan niệm rằng: “Biết cách làm việc đáp ứng được tiêu chuẩn và phong cách của lãnh đạo cũng giống như tự nâng cấp bản thân lên cấp lãnh đạo”. Khi đã làm việc tại Samsung được 2 – 3 năm, nhân viên sẽ có nhiều cơ hội đối diện trực tiếp với các lãnh đạo và còn cùng lãnh đạo đi công tác nữa. Đối diện hay làm việc trực tiếp với lãnh đạo không phải là việc thoải mái gì, nhưng đó lại là cơ hội tốt để nhân viên tự nâng cấp bản thân. Hơn nữa, Samsung là một thực thể có nguyên tắc hoạt động riêng, nên nếu sau vài lần giao việc mà không thấy được ý chí phấn đấu, cải thiện của cấp dưới thì ngay lập tức người lãnh đạo sẽ nhận định rằng “người này không được”. Do đó, nhân viên cấp dưới bắt buộc phải chọn ra cách thức làm việc phù hợp nhất với phong cách của lãnh đạo.

Về cách tiếp đãi khách hàng, khi phải họp với khách hàng, nếu biết trước những quán ăn ngon hay quán rượu có không khí tốt sẽ giúp ích rất lớn cho buổi gặp mặt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tiếp đãi khách hàng là bắt buộc phải ở những nhà hàng sang trọng, đắt tiền.

Có những lúc chúng ta cần một nơi hâm nóng bầu không khí bằng những chén rượu soju.

Một việc nữa liên quan đến tiếp đãi khách hàng chính là “quà tặng”. Việc này vô cùng quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Nếu không chú ý, quà tặng có thể sẽ trở thành “hối lộ”, và nếu quà tặng quá thường xuyên đôi khi lại làm cho đối phương cảm thấy như gánh nặng, do đó làm cản trở công việc. Ngoài ra, nếu tặng những món quà không có ý nghĩa thì thà không tặng còn hơn. Nhưng nếu được tặng những món quà đẹp mắt mà giá cả hợp lý thì tâm lý người nhận quà sẽ vui vẻ và có thể cải thiện hình ảnh của công ty. Vì vậy, “chọn quà tặng” cũng là một trong những năng lực mà các “Samsung man” cần có.

Bước cao cấp: Cố chấp theo đuổi thắng lợi và Chủ nghĩa hoàn mỹ

Với các “Samsung man”, có được sức hấp dẫn riêng mới là một người chuyên nghiệp thực sự. Mặc dù sức hút cá nhân và công việc tưởng như không có liên quan gì lớn đến nhau, nhưng trên thực tế, về mặt tâm lý chúng lại có ảnh hưởng tương đối lên nhau. Suy nghĩ và thái độ của nhân viên đối với công việc do một cấp trên có thái độ coi thường người khác phân phó và khó gần với công việc do một cấp trên có phong cách làm việc thân thiện, nhanh nhẹn giao cho sẽ hoàn toàn khác nhau. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện công việc.

Nếu muốn trở thành một người chuyên nghiệp thực sự thì trước hết phải xác định được “làm thế nào để thỏa mãn đối phương”. Nếu hòa hợp được sự thỏa mãn của đối phương và lòng nhiệt tình của bản thân thì có thể đem lại kết quả như thế nào? Và chúng ta cũng cần phải suy nghĩ xem làm thế nào để có thể tiến gần hơn, trở nên thân thiết hơn với đối phương bằng cách vận dụng “sức hấp dẫn cá nhân” nữa. Một người chuyên nghiệp thật sự không chỉ là người làm việc giỏi mà còn là một người nhiệt thành, không để “tính người” bị công việc che lấp.

Đàm phán là một trong những năng lực quan trọng nhất mà “Samsung man” cần đạt được, vì không chỉ dừng lại ở việc chủ động giải quyết công việc, năng lực đàm phán còn có thể ảnh hưởng tới cả doanh thu của công ty cũng như nghiệp vụ của bản thân thông qua việc biết cách “đưa”, “đẩy” đối tác. Khi trên bàn đàm phán, các “Samsung man” cần phải ý thức được rằng, điều quan trọng nhất không phải là “lòng tự tôn” mà là “lợi ích cụ thể được thể hiện dưới dạng kết quả vật chất”.

Ở những nơi quan trọng như trên bàn đàm phán, đôi khi chúng ta cũng cần phải tạm đặt lòng tự tôn của bản thân sang một bên mới được việc.

Các “Samsung man” luôn phải biết vượt qua giới hạn nghiệp vụ của bản thân và nắm rõ được phương hướng phát triển trong tương lai. Để làm được điều này, họ luôn phải hiểu rõ xu hướng phát triển của ngành hay của lĩnh vực nghiệp vụ có liên quan đến công việc mà bản thân đang phụ trách. Có như vậy thì họ mới đạt được năng lực nghiệp vụ vượt trội và có thể đi đầu làm chủ xu hướng phát triển của ngành và nâng cao kết quả thực tế của công việc.


Câu chuyện cuối cùng trong bước cao cấp chính là “Hôn nhân”. Cuộc sống gia đình đem đến môi trường ổn định để một cá nhân có thể dốc hết mình cho công việc. Người có cuộc sống hạnh phúc với người mình yêu sẽ không có chuyện phải chịu căng thẳng từ những người xung quanh, và vì họ cũng sống trong trạng thái thỏa mãn về mặt tâm lý nên tất nhiên có thể nâng cao mức độ tận tâm với công việc. Hơn nữa, hôn nhân mang đến trách nhiệm cho con người, vì vậy họ có thể phát huy năng lực làm việc tốt hơn, bởi khi đã có gia đình, họ phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn kinh tế cho gia đình, họ không thể sống tự do, buông thả như khi còn độc thân được nữa. Lúc này họ sẽ cảm thấy trân trọng công ty nơi mình làm việc, và sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành những công việc được giao. Cách nghĩ về cuộc sống của một người “mất việc cũng không sao” và một người “không thể để mất việc” là hoàn toàn khác nhau.

Bước quan hệ: Mọi việc đều được hoàn thiện nhờ các mối quan hệ

Ở nơi làm việc, duy trì được “mối quan hệ tốt” với tất cả mọi người là việc không dễ dàng. Trong những trường hợp như không ganh đua thì sẽ bị tụt hậu, hay tìm ra người chịu trách nhiệm cho một kết quả nào đó, thì việc không tạo ra “kẻ thù” gần như là không thể. Nhưng có một sự thật là những người lên được vị trí lãnh đạo, hay những doanh nhân thành công lại luôn tâm niệm một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là “Đừng tạo ra kẻ thù ở nơi làm việc”. Để không tạo ra kẻ thù, các “Samsung man” luôn phải ý thức được ba cấp độ ứng xử.

Đầu tiên là “phương pháp kiềm chế cảm xúc bộc phát”, thứ hai là “đối diện bằng sự chân thành”, và thứ ba là “xây dựng lòng tin để hiểu lẫn nhau”. Trong số ba cấp này thì điều thứ ba là quan trọng nhất. Nếu hai việc đầu là dùng sự nhẫn nại và chân thành để đối xử với đối phương thì điều thứ ba lại cần có một khoảng thời gian nhất định để hai bên có thể mở rộng tấm lòng với nhau.

Nếu làm chủ được ba cấp này thì dù có vấn đề phát sinh hay có sự bất hòa giữa hai bên, các nhân viên đều có thể kết thúc chúng trong hòa bình giống như “giông bão trong tách trà”.

Phần lớn mọi người đều nghĩ để được thăng tiến thì phải làm việc thật tốt. Mọi người cho rằng chỉ những người có năng lực vượt trội mới có thể lên đến những chức vụ cao. Suy nghĩ này không sai, tuy nhiên chỉ có năng lực vượt trội thì chưa đủ để thăng tiến, bởi việc thăng tiến còn có sự can thiệp của cấp trên, mà cấp trên thì mỗi người lại một phong cách. Dù mục tiêu cuối cùng giống nhau, nhưng phương thức thực hiện khác nhau có thể tạo ra ý kiến đánh giá khác nhau. Đây chính là lý do mà khi làm việc, các “Samsung man” luôn phải chú ý đến phong cách làm việc của cấp trên.

Thẳng thắn mà nói, dù làm việc và chăm chỉ đến đâu nhưng nếu cách làm việc của chúng ta không hợp với ý cấp trên thì việc thăng tiến của chúng ta vẫn sẽ giậm chân tại chỗ. Cùng một nỗ lực nhưng nếu nó hợp với ý cấp trên thì thời gian thăng tiến của chúng ta sẽ được rút ngắn lại.

Bất kỳ “Samsung man” nào cũng hiểu được tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ. Họ quan niệm rằng trọng tâm của một mạng lưới quan hệ không phải là việc liên tục quen biết thêm nhiều người mới. Biết thêm người mới chỉ là việc mở rộng quan hệ. Họ hiểu rằng số lượng người không phải là yếu tố quan trọng nhất, bởi cốt lõi không phải là trong điện thoại của họ có bao nhiêu số liên hệ, mà quan trọng là quá trình thắt chặt các mối quan hệ trong mạng lưới đó. Điều tối quan trọng trong quá trình này chính là cân bằng giữa “cho và nhận”. Trong mối quan hệ với những người trực tiếp làm việc thì “cho và nhận” là vấn đề cần suy xét thận trọng, việc đánh mất sự cân bằng cũng làm cho đối phương cảm thấy không muốn tiếp tục giúp đỡ nữa. Tại Samsung, “cân bằng trong việc cho và nhận” là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc mở rộng và giữ vững mạng lưới quan hệ.


Samsung hiểu rằng mối quan hệ “cấp trên tốt – cấp dưới tốt” không hề dễ dàng tạo dựng, bởi nếu dễ thì những phiền não của biết bao lãnh đạo đã có thể nhanh chóng được giải quyết, và những vấn đề về các mối quan hệ trong công ty cũng chẳng bao giờ xảy ra cả. Vì thế, những người lãnh đạo tại Samsung luôn ghi nhớ rằng mối quan hệ với cấp dưới của họ là một vấn đề vô cùng quan trọng, và để giải quyết vấn đề này, cũng như để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp, họ luôn phải nỗ lực trên nhiều phương diện.

Bước ước mơ: “Tôi phiên bản 3.0” nhằm hiện thực hóa câu chuyện thành công của chính tôi

Các “Samsung man” luôn có những “năng lực đặc biệt”, và năng lực đó không chỉ bao gồm khả năng Tiếng Anh và chuyên môn nghiệp vụ. Những loại năng lực này cũng là “năng lực đặc biệt”, tuy nhiên nó chỉ là bề ngoài. Bên trong các “Samsung man” còn có một loại “năng lực đặc biệt” khác, đó chính là “năng lực tinh thần”. Sức mạnh tinh thần có thể thay đổi vận mệnh của một “Samsung man”.

Năng lực đặc biệt bên trong mỗi người còn giúp chúng ta mạnh mẽ hơn nhiều so với những năng lực bên ngoài. Nếu biết kết hợp sức mạnh của sự nhẫn nại, sức mạnh của tinh thần vào năng lực nghiệp vụ vốn có của mình thì việc trở thành một nhân viên “thiên hạ vô địch” không khó như chúng ta vẫn nghĩ.

Khi làm việc, sự say mê công việc có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng nếu sự say mê đó trở nên thái quá thì có thể khiến một người bị chôn vùi trong công việc. Có không ít trường hợp nhân viên thực sự bị chôn vùi trong công việc theo đúng nghĩa đen. Khi đó anh ta có thể quên mất mình đang làm việc vì điều gì hay đang hướng tới mục tiêu nào. Say mê công việc là tốt nhưng nếu không cẩn thận, quá đắm chìm trong công việc sẽ khiến cuộc sống trở nên khô khan, nhạt nhẽo và quên mất mục tiêu ban đầu của mình. Để biến cuộc sống khô khan chỉ có công việc trở thành một cuộc sống phong phú, trọn vẹn, các “Samsung man” có một “chất xúc tác”. Họ gieo ước mơ vào bầu nhiệt huyết với công việc. Ước mơ sẽ giúp họ hợp nhất cuộc đời với công việc và xác định cho họ một mục tiêu rõ ràng. Nhờ đó, bầu nhiệt huyết của các “Samsung man” sẽ không bị biến thành “chôn vùi” cuộc sống trong công việc. Điều quan trọng là họ phải gieo ước mơ đến mức độ nào, vì ước mơ là thứ vẫn chưa đạt được nên việc xác lập nó cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Để có thể đặt ra được một ước mơ “khả thi”, các “Samsung man” luôn phải có những tiêu chí cụ thể để có thể thiết lập lộ trình để đạt được ước mơ đó. Họ phấn đấu vì ước mơ đó hàng ngày hàng giờ, luôn đối chiếu bản thân có đang đi đúng lộ trình hay không, từ đó điều chỉnh bản thân.

Cuộc sống nơi công sở mà không có ước mơ thì chỉ là một hình thức “giết thời gian”, nhưng có ước mơ mà không có đường hướng cụ thể thì cũng chỉ là một ước mơ hoang đường mà thôi.


Con người có một đặc điểm là nếu không có sự kích thích từ bên ngoài và những động cơ hợp lý thì họ sẽ luôn yên phận với những gì bản thân đã quen thuộc và không thể tạo ra những chuyển biến ngoài dự đoán. Các “Samsung man” hiểu điều đó. Ai cũng đều mong được sống an nhàn, thoải mái, nhưng tất cả những con người vĩ đại mà chúng ta biết đều không phải như vậy. Họ không bao giờ ngừng tự phát triển bản thân. Dù không có kích thích từ bên ngoài, các “Samsung man” vẫn hướng về tương lai tươi sáng ở phía trước và nỗ lực không ngừng để phát triển bản thân cho phù hợp với tương lai đó. Họ là những người luôn nỗ lực, tự nâng cấp bản thân và tạo ra “tôi phiên bản 3.0”. Nhưng việc trở thành “tôi phiên bản 3.0” của họ không chỉ dừng lại ở việc vượt qua cái tôi trong quá khứ và tạo ra một cái tôi mới. “Tôi phiên bản 3.0” được nâng cấp và trang bị động cơ mạnh mẽ, phải có khả năng quan sát tổng thể, nhìn thấy hi vọng và những tiềm năng mới trong tương lai, phải thúc đẩy bản thân dũng cảm, không sợ hãi khi hướng tới tương lai đó. Các “Samsung man” ý thức được rằng nếu họ không phá vỡ khuôn mẫu cũ thì sẽ không thể tạo ra sự phát triển được.

Một điều quan trọng nữa trong bước ước mơ của các “Samsung man” chính là họ cần có sự “căng thẳng lành mạnh” để hiện thực hóa câu chuyện thành công của mình. Những người ở gần thành công luôn phải chịu đựng “sự căng thẳng liên tục”, nhưng họ có thể chịu đựng được chúng mà vẫn say mê, dồn hết sức mình vào công việc. Họ có cái nhìn thực tế với công việc và tốc độ giải quyết công việc nhanh chóng. Họ hiểu rõ từng nút thắt trong công việc, và họ ý thức rằng chỉ giải quyết công việc nhanh chóng thôi chưa đủ mà còn phải tốt nữa. Cách một người đối diện với căng thẳng có mối liên hệ với sự kiên nhẫn của người đó, và một người thành công là người có thể đi đến giới hạn cuối cùng của sự kiên nhẫn và chịu đựng mọi căng thẳng. Dĩ nhiên đây là một việc khó, nhưng những người đã viết nên câu chuyện thành công đều là những người chế ngự được sự căng thẳng dù cho nó có đạt đến cực hạn mà không hề đưa ra bất cứ lời phàn nàn hay kêu ca nào.

Kết

Những “Samsung man” mang trong mình tinh thần làm việc chuyên nghiệp vô cùng nghiêm túc. Họ ý thức mục tiêu, không lùi bước trước bất kỳ trở ngại nào và luôn sẵn sàng đối diện với mọi thách thức mà không hề sợ hãi. Đó là những gì mà độc giả của cuốn sách Phong cách Samsung có thể học được.

Với những người ngày ngày đi làm với suy nghĩ “làm cho xong” thì việc đi làm có thể sẽ trở thành gánh nặng. Tuy nhiên, với những người nhiệt huyết, quyết tâm học hỏi mọi kinh nghiệm, bí quyết nghiệp vụ thì cuốn sách Phong cách Samsung sẽ chỉ ra con đường tắt cho họ. Không chỉ học được “phong cách làm việc của Samsung”, cuốn sách của tác giả Moon Hyung Jin còn đề cập đến các triết lý, thái độ làm việc, cũng như giúp mọi nhân viên văn phòng thay đổi cách làm việc ngay từ trong suy nghĩ.

Tác giả: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

Xem thêm

Đây là cuốn sách mà mình nghĩ các bạn sinh viên nên đọc để có thể chuẩn bị bản thân thật tốt khi bước vào môi trường công việc chuyên nghiệp và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình, đặc biệt các bạn muốn làm việc trong các công ty Hàn Quốc hay các bạn sinh viên đang chuẩn bị cho Kì thì tuyển dụng Fresh Staff hàng năm của Samsung. Hầu hết, những điều viết trong cuốn sách này là những điều nhà tuyển dụng Samsung mong muốn các ứng viên của mình thể hiện trong buổi phỏng vấn.

Cuốn sách đưa ra những lời khuyên chi tiết theo từng năm, từng giai đoạn (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) mà một nhân viên cần đạt được để trước tiên có thể hoàn thành tốt công việc, sau đó là bước đệm cho sự phát triển bản thân và quá trình thăng tiến sau này và cuối cùng để chúng ta có thể gắn bó lâu dài với công ty, không vì chán nản, vô định mà bỏ ngang giữa chừng. Những lời khuyên đó đi kèm với từng nhân chứng sống cụ thể mà tác giả được chứng kiến và cuối mỗi chương tác giả đều tổng kết lại những ý cốt lõi.

Cuốn sách không chỉ đưa ra những lời khuyên để bạn trở thành một nhân viên nổi bật, một vị lãnh đạo tiềm năng mà còn đưa ra lời khuyên để bạn trở thành một con người hoàn hảo. Không chỉ trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn bằng cách làm một báo cáo chỉn chu, nắm được nguyên nhân, đề xuất giải pháp trước khi báo cáo vấn đề với cấp trên, mà còn cần học cách chú tâm đến môi trường xung quanh mình như sắp xếp bàn làm việc, biết các địa điểm ăn ngon quanh công ty,... nghiêm khắc bản thân từ những điều nhỏ nhất như trang phục, thái độ với việc tăng ca, với các tình huống xảy ra luôn đặt mình ở vị trí lãnh đạo, đến con đường thăng tiến bằng việc tạo mối quan hệ, thêm bạn bớt thù, phối hợp hiệu quả với các phòng ban khác nhau,...

Với những nhân viên đã kinh qua nhiều công ty khác nhau không khó để bắt gặp hình ảnh bản thân trong cuốn sách. Vì vậy, đây là cuốn sách mà các bạn sinh viên mới ra trường nhất định nên đọc để bản thân có thể đi trước một bước trên con đường sự nghiệp của mình.