Lão đánh cá Santiago mang theo góc nhìn mà đại văn hào người Mỹ Ernest Hemingway đã khắc họa lại trong truyện ngắn Ông lão và Biển cả của mình. Câu chuyện của ông lão này là một hình tượng đầy bi hùng giữa cuộc chiến đấu giữa con người với sự khôn lường của thiên nhiên. Hoàn cảnh mà Santiago rơi vào với con cá chuồn khổng lồ ở vịnh Caribbean có một mối tương đồng nào đó với cách mà nhân loại đứng trước đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Sau nửa thế kỷ, dường như ta vẫn có thể chiêm nghiệm được rất nhiều giá trị khi lật lại Ông già và Biển cả, tác phẩm làm nên tên tuổi của Hemingway với giải Nobel văn học năm 1954 và có lẽ cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời oanh liệt của ông. Câu chuyện cho thấy rằng ngay trong những tình cảnh ngặt nghèo nhất nhân cách vẫn có thể vượt qua và thậm chí là thương yêu cái hùng vĩ đầy hung tợn của thế giới ta đang sống. Do đó mà đây là món quà của Hemingway - một con người từ nửa thế kỷ trước cho tất cả chúng ta, những con người đang sống trong một đại dịch chưa từng có tiền lệ mà thiên nhiên mang tới.

Hành trình chinh phục biển cả

Những trang đầu tiên của tác phẩm cho chúng ta biết về Santiago, một lão ngư dân đã không thể bắt được một con cá nào trong suốt 84 ngày long đong trên vịnh Caribbean. Cũng vì cái rủi đó mà gia đình cậu học việc Manolin của ông cũng đã cản cấm không cho cậu đi theo Santiago, sau cùng chỉ còn lại ông với chiếc thuyền nhỏ bé của mình giữa đại dương mênh mông, vô định. Nhưng Santiago đã không bỏ cuộc, lão dong buồm ra tận xa bên ngoài khơi và nhanh chóng đối mặt với một con cá chuồn khổng lồ. Với kinh nghiệm của một lão ngư dân già tuổi, Santiago đã chiến đấu với con cá trong suốt 3 ngày liên tục bằng tất cả sự kính trọng của một người đánh cá.

....

Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng Nhiệt lưu và đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào. Bốn mươi ngày đầu thằng bé đi với lão. Nhưng sau bốn mươi ngày không câu được cá, cha mẹ thằng bé bảo nó rằng rốt cuộc bây giờ ông lão đã hoàn toàn salao, cách diễn đạt tệ nhất của vận rủi, rồi buộc nó đi theo thuyền khác và ngay trong tuần lễ đầu tiên chiếc thuyền ấy đã câu được ba con cá lớn. Điều đó khiến thằng bé buồn khi hằng ngày thấy ông lão trở về với chiếc thuyền không, nó luôn xuống giúp lão mang khi thì cuộn dây, cái lao móc săn cá, khi thì cái sào hay tấm buồm quấn quanh cột. Tấm buồm được vá bằng bao bột, cuộn lại trông như một lá cờ bại trận triền miên.

Ông lão gầy gò, giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da má của lão do bị ung thư bởi ánh mặt trời phản hồi trên mặt biển nhiệt đới. Những vệt ấy kéo dài xuống cả hai bên má, tay lão hằn những vết sẹo sâu bởi kéo những con cá lớn. Nhưng chẳng có vết nào trong số sẹo ấy còn mới cả. Chúng cũ kỹ như mấy vệt xói mòn trên sa mạc không cá. Mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt; chúng có cùng màu với nước biển, vui vẻ và không hề thất bại.

....

Họ tháo vật dụng khỏi thuyền. Ông lão vác cột buồm, thằng bé mang thùng gỗ đựng dây, những sợi dây câu màu nâu được bện thật chắc, cái móc, ngọn lao với cán của nó. Thùng đựng mồi để ở đuôi thuyền, bên cạnh cái chày được dùng để quật những con cá lớn khi bị kéo lên khoang.

Chẳng ai ăn trộm đồ đạc của ông lão, nhưng tốt hơn thì cứ đưa cánh buồm, cuộn dây nặng vào nhà bởi sương có thể làm chúng hỏng và dẫu cho lão có hoàn toàn tin chắc là chẳng có người địa phương nào ăn cắp của lão thì lão vẫn nghĩ cái móc và ngọn lao hẳn có sức cám dỗ khi để trên thuyền. Họ cùng đi bộ trên con đường đến lều ông lão rồi bước vào qua cánh cửa để ngỏ. Ông lão dựng cột buồm với lá buồm quấn quanh vào vách, thằng bé đặt cái thùng gỗ và mấy thứ khác bên cạnh. Cột buồm cao gần bằng chiều cao của căn lều một buồng. Vách lều được ghép bằng thân loài cọ xù xì có tên gọi là guano; trong lều có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cái bếp trên nền đất để nấu bằng than củi. Trên bức tường màu nâu của những thân cọ guano đập giập với mấy chiếc lá cứng queo của chúng chồng lên nhau, là hai bức ảnh màu của Đức Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng Trinh xứ Cobre Đấy là di vật của vợ lão. Có dạo bức ảnh tô màu của vợ lão cũng được treo trên tường nhưng rồi lão đã tháo xuống bởi nó khiến lão càng cô đơn hơn khi nhìn thấy, lão để nó trên giá trong góc dưới chiếc sơ mi sạch của lão.

….

Thằng bé đi ra. Họ ăn mò, không có đèn trên bàn; ông lão cởi quần dài, đi ngủ trong bóng tối. Lão quấn chiếc quần quanh tờ báo làm gối. Lão cuộn người trong chăn, nằm lên những tờ báo cũ trải trên giát giường. Lão ngủ ngay và mơ về châu Phi, khi lão hãy còn là một chú nhóc, với những bờ biển cát vàng, cát trắng trải dài, trắng đến nỗi làm mắt đau nhức, những mũi đất cao nhô ra biển, những ngọn núi xám đồ sộ. Bây giờ hằng đêm lão về lại bờ biển ấy và trong mơ lão nghe tiếng sóng gầm, lão thấy đoàn thuyền của người bản địa đang trườn qua những con sóng. Khi ngủ, lão ngửi thấy mùi nhựa đường, mùi gỗ sồi lát boong tàu; rồi lão ngửi thấy hương vị châu Phi theo làn gió đất phả tới vào buổi sáng. Thông thường khi ngửi thấy làn gió nội địa, lão thức dậy, mặc đồ, đến đánh thức thằng bé. Nhưng đêm nay, gió nội địa đến rất sớm và trong mơ lão biết hãy còn quá sớm nên lão tiếp tục mơ để thấy những mỏm trắng xóa của những hòn đảo nhô trên biển. Lát sau lão mơ về những hải cảng khác, những vũng tàu đậu khác của quần đảo Canara. Lão không còn mơ về bão, không còn mơ về đàn bà, về những sự kiện trọng đại, những con cá lớn, những trận đánh, những cuộc đấu sức hay vợ lão. Bây giờ lão chỉ mơ về các vùng đất, về những con sư tử trên bờ biển. Chúng nô đùa như những chú mèo con trong hoàng hôn; lão yêu chúng như yêu thằng bé. Lão không bao giờ mơ về thằng bé.

.....

Hemingway luôn hứng thú với việc đặt các nhân vật của mình vào một vị trí đầy thách thức, khi con người nhỏ bé của họ phải đối mặt với cái to lớn của tự nhiên. Họ phải dấn thân vào cuộc thách thức để có thể vượt qua thế lưỡng nan của mình, ngoài việc để bảo vệ sự sống còn thì đó còn là một cuộc tranh đấu để tìm kiếm và gìn giữ định mệnh của chính họ. 

Trong trường hợp của Santiago, ông bị cuốn theo một sinh vật biển to lớn hơn cả chiếc thuyền nhỏ của mình. Ông lão không đơn thuần chỉ muốn bắt con cá chuồn vì sự sinh kế, mà to lớn hơn thế đó là một cuộc thách thức để ông có thể sống trọn vẹn với vận mệnh của mình như một người ngư dân Caribbean. Suốt 3 ngày chiến đấu, Santiago ngoài việc phải tìm cách đâm mũi lao vào tim con cá chuồn thì ông còn phải học cách gìn giữ sự tôn trọng của mình đối với con vật - vốn là một phần của đại dương, của nơi mà cả cuộc đời ông đã thuộc về. Bằng việc đặt lão đánh cá vào tình thế như vậy, Hemingway đã giúp cho nhân cách của Santiago tỏa rạng. Bởi nhẽ cuộc chiến giữa lão và con cá không chỉ đơn thuần là cuộc chiến sinh tồn giữa con người và tự nhiên nữa, đó là một cuộc chiến của tình yêu sâu sắc, dù bạo liệt nhưng cũng rất nồng cháy. Lão Santiago không đơn thuần là một thợ săn mà còn là một người đàn ông với trái tim nhiệt thành và tình yêu bao la.

....

Lão tra quai chèo vào cọc, nghiêng người tới trước khua mạnh mái chèo xuống nước; trong bóng tối, lão chèo ra khỏi bến. Có nhiều chiếc thuyền từ các bãi khác ra khơi; ông lão nghe tiếng mái chèo khua nước mặc dù lão không thể nhìn thấy họ bởi bây giờ mặt trăng đã khuất sau rặng đồi. Thỉnh thoảng, có tiếng ai đó nói trên thuyền. Nhưng hầu hết các thuyền đều im lặng trừ tiếng mái chèo khua nước.

Họ tỏa rộng sau khi ra khỏi cửa biển; mỗi người đi đến phần đại dương nơi họ hy vọng tìm thấy cá. Ông lão biết mình sẽ đi thật xa, để lại mùi đất sau lưng, chèo vào vùng hương tinh khôi của đại dương ban mai. Lão thấy ánh lân quang của đám rong vùng nhiệt lưu trong nước khi lão chèo qua vùng biển mà ngư dân gọi là vùng Giếng lớn, bởi vì độ sâu ở đấy bất thình lình tụt xuống đến bảy trăm sải nước; họ hàng nhà cá đều dồn tất tại đó do xoáy nước dội thẳng vào bờ vách dốc của đáy đại dương. Ở đấy tập trung tôm, cá mòi và thỉnh thoảng hàng đàn cá mực, sống trong những hố sâu nhất ngoi lên gần mặt nước vào ban đêm để làm mồi cho những con cá lang thang.

Trong bóng tối, ông lão có thể cảm nhận bình minh đang đến và lúc chèo, lão nghe thấy những âm thanh run rẩy khi đàn cá chuồn rời mặt nước và cả tiếng lao xao phát ra từ bộ cánh cứng khi chúng lao xao trong bóng tối. Lão rất quý loài cá chuồn bởi chúng là bạn gần gũi của lão trên đại dương. Lão thương cho lũ chim, đặc biệt là loài nhạn đen nhỏ, mỏng manh cứ bay và tìm kiếm mãi nhưng hầu như chẳng tìm thấy gì; lão nghĩ loài chim sống khổ hơn ta trừ mấy cái giống chim kẻ cướp và những loài to xác, kềnh càng. Tại sao tạo hóa lại sinh ra cái giống chim quá xinh xẻo mỏng manh như loài nhạn biển này trong khi đại dương lại có thể quá ư nghiệt ngã?


Đại dương tử tế và rất đẹp. Nhưng nó có thể rất độc ác và tráo trở bất thình lình; còn loài chim kia thì phải bay, nhao xuống săn mồi; và tiếng kêu thảng thốt, khẽ khàng của chúng lại quá yếu ớt giữa trùng khơi. Lão luôn nghĩ về biển như el mar, đấy là cách người ta gọi biển bằng tiếng Tây Ban Nha khi họ yêu biển.

Thỉnh thoảng những người yêu biển cũng buông lời nguyền rủa biển nhưng họ luôn nói như thể biển là phụ nữ. Vài tay đánh cá trẻ, sử dụng phao nhựa làm phao câu và đi thuyền máy, sắm được khi gan cá mập được giá,  gọi biển là el mar, tức giống đực. Chúng nói về biển như một đối thủ, một địa điểm hay thậm chí là một kẻ thù. Nhưng ông lão thì luôn nghĩ về biển như về một phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ơn huệ, và nếu biển làm điều ác độc hay tàn bạo thì bởi lẽ lúc ấy biển không thể nào kìm giữ nổi.

Mặt trăng tỏa chiếu trên biển như thể tỏa chiếu trên cơ thể của người đàn bà, lão nghĩ. Lão buông chèo nhịp nhàng, không phải mất nhiều sức bởi lão làm chủ tốc độ của mình và bởi đại dương bình lặng trừ đôi chỗ có dòng xoáy. Lão đang để dòng chảy đỡ đi một phần ba công việc và khi trời vừa hửng sáng lão thấy mình đã đi xa hơn quãng đường lão nghĩ vào thời điểm ấy. Mình đã câu ở vùng Giếng lớn suốt cả tuần nay mà chẳng bắt được mống nào hết, lão nghĩ. Hôm nay mình sẽ ra tận nơi các đàn cá bonito và albacore kiếm ăn và có thể con cá lớn sẽ quanh quẩn đâu đấy.

….

Con chim khuyến khích lão nói chuyện bởi suốt đêm lưng lão đã tê cứng còn bây giờ thì thực sự nhức nhối.

Hãy ở lại nhà ta nếu chú mày muốn, chim à! - lão nói. - Ta lấy làm tiếc là không thể giương buồm nương theo làn gió nhẹ đang thổi đưa chú mày vào đất liền. Bởi ta đang bận tiếp một người bạn!

Đúng lúc ấy, bất thình lình con cá giật mạnh, kéo lão ngã sấp xuống mũi thuyền và suýt lôi lão xuống biển nếu lão không gồng hết sức níu giữ và nới thêm dây. Con chim bay vụt lên khi sợi dây giật mạnh và ông lão thậm chí cũng không nhìn thấy nó bay đi. Lão thận trọng đưa tay phải sờ sợi dây và thấy bàn tay mình đang chảy máu.

Đúng là có cái gì đó làm đau nó! lão nói lớn và kéo dây lại để xem có thể lay chuyển được con cá không. Nhưng khi ráng đến điểm căng nhất thì lão đành giữ chặt và quay lại chống đỡ sức kéo của sợi dây.

Giờ thì mày sắp nếm mùi rồi đấy, cá à! - lão nói. - Và lạy Chúa, cả tao cũng vậy!

Lúc này lão nhìn quanh tìm con chim bởi lẽ lão muốn có nó làm bè bạn. Con chim đã bay đi. Mày không chịu ở lâu với tao rồi, lão nghĩ. Nhưng suốt đoạn đường vào bờ mày sẽ chịu gian nan hơn đấy. Làm sao mà mình lại để con cá cắt đứt tay bằng cú quẫy chớp nhoáng ấy? Hẳn mình đang hóa ngu đần rồi. Hay có lẽ tại mình mải nhìn con chim và nghĩ về nó. Giờ đây mình sẽ tập trung vào việc của mình và lát nữa mình phải ăn con thu để không bị đuối sức.

….


Sợi dây tuồn nhanh xuống, nhưng đều đặn, chứng tỏ con cá không hề hoảng sợ. Ông lão dồn cả hai tay hãm sợi dây nhưng chỉ trong mức an toàn, tránh để bị đứt. Lão biết, nếu lão không kìm chậm tốc độ của con cá thì nó có thể lôi tuột hết cả dây và bứt đứt. Chú cá thật kiêu hùng và mình phải chinh phục nó, lão nghĩ. Ta phải không để nó biết rằng nó khỏe cũng như nếu nó cứ bơi hoài như thế thì nó cũng sẽ chẳng mảy may biết chuyện đã gây ra cho ta. Nếu ta là nó thì ta sẽ dốc hết sức bình sinh kéo cho dây câu đứt tung hết cả lên. Nhưng, tạ ơn Chúa, loài vật thì chẳng thông minh bằng kẻ tiêu diệt chúng; mặc dù chúng cao thượng và hùng tráng hơn. Ông lão đã từng thấy nhiều cá lớn. Lão đã tận mắt chứng kiến nhiều con cân nặng hơn nửa tấn và trong đời chính lão cũng đã bắt được hai con lớn như thế, nhưng không phải chỉ một mình.

Giờ đây, chỉ mình lão, đất liền lại khuất xa tầm mắt mà lão lại tóm được con cá lớn nhất, một con cá lão chưa từng thấy và lớn hơn cả những con được cánh chài lưới truyền tụng, trong lúc bàn tay trái của lão vẫn quắp chặt như cái vuốt của con đại bàng lúc co vào. Dẫu sao thì nó cũng sẽ khỏi, lão nghĩ. Chắc chắn nó sẽ duỗi ra để giúp bàn tay phải. Có ba thứ là anh em ta: con cá và hai bàn tay. Nó phải thôi cái thói chuột rút ấy đi. Bị chuột rút thì chẳng còn chút giá trị gì nữa. Con cá lại giảm tốc độ và tiến đều đều như trước. Mình thắc mắc tại sao nó lại nhảy lên nhỉ, lão nghĩ. Nó nhảy lồng lên như thể nó để mình biết nó lớn nhường nào. Dẫu sao thì bây giờ mình đã biết; lão nghĩ. Giá mà mình có thể cho nó thấy mình thuộc loại người nào. Nhưng ngộ nhỡ nó nhìn thấy bàn tay bị chuột rút. Cứ để cho nó nghĩ mình khỏe hơn chính bản thân mình và mình sẽ là như thế. Ước gì ta là con cá, lão nghĩ, với mọi phẩm chất nó có chỉ trừ khát vọng và trí tuệ của ta. Lão lựa chiều tựa người thoải mái hơn vào mạn thuyền, rán sức chịu đựng trọng lực dồn tới khi con cá bình thản bơi và con thuyền chầm chậm trôi trên làn nước thẫm. Khi gió từ hướng Đông thổi lại, mặt biển khẽ cồn lên và đến trưa, bàn tay trái của lão hết bị chuột rút.

Tin xấu cho mày đây, cá! - lão nói và dịch sợi dây trên chiếc bao phủ vai lão.

Đã chọn được tư thế thoải mái nhưng lão vẫn thấy đau nhức dẫu cho lão chẳng bận tâm đến cơn đau ấy tí nào.

Mình vô thần! - lão nói. - Nhưng mình sẽ đọc mười lần bài kinh Lạy Cha và mười lần bài kinh Mừng Đức Mẹ để mình có thể bắt được con cá này và mình hứa mình sẽ hành hương đến nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh xứ Cobre nếu mình bắt được nó. Mình xin hứa như thế!


Con người vượt lên và yêu thương thiên nhiên

Nét đẹp của Ông già và Biển cả không phải chỉ nằm ở diễn biến đầy kịch tính, mà hơn thế nữa đó là cách mà Hemingway kể lại câu chuyện. Bối cảnh mặc dù có vẻ đơn độc và cô quạnh như thế, nhưng góc nhìn thứ nhất xuyên suốt tác phẩm của lão ngư dân lại cho thấy một cảm giác cao cả vượt lên sự cam chịu cái vô thường của tự nhiên. Cuộc phiêu lưu của Santiago được mô tả bằng những câu văn ngắn, gọn gàng với một vốn ngôn ngữ giàu giàu có và đầy cá tính của tác gia. Sự hiện hữu đầy trắc trở của ông lão được diễn đạt một cách rành mạch, cuồng nhiệt trái ngược với hình tượng yếu ớt và rã rời của nhân vật. Hemingway hoàn toàn không cần phải viết những câu phức với nhiều thành tố để truyền đạt ý tưởng của mình, những câu đơn của ông luôn thể hiện cho một tư duy văn học đầy tinh tế với những từ vựng giúp cho câu chuyện luôn diễn tiến một cách mượt mà. Với Ông già và Biển cả, bản thân tôi tận hưởng việc đọc từng câu chữ và mường tượng viễn cảnh trong hành trình của Santiago.

....

“Cháu vẫn nhớ cái đuôi quật mạnh; chỗ ngồi chèo thuyền bị gãy và tiếng nện của cái chày. Cháu nhớ ông ném cháu ra đằng mũi thuyền, nơi lùng nhùng những sợi dây ướt rồi cháu cảm thấy toàn bộ con thuyền chao đảo và tiếng ông quật con cá nghe như thể đang đốn cây, máu nóng hổi bắn cả lên người cháu!”

Và rồi với sự trợ giúp của thằng bé, lão lôi con cá lên thuyền trong lúc con cá đực vẫn cứ sán lại bên mạn thuyền. Rồi trong lúc lão đang rửa sợi dây câu và xem xét lại cây lao, con cá đực tung mình nhảy vọt lên lửng lơ trong không trung bên cạnh chiếc thuyền để xem con cá cái ở đâu, rồi rơi lặn sâu xuống; đôi cánh màu đỏ hồng, tức đôi vây hai bên ngực, xòe rộng phô hết ra những đường sọc đỏ hồng rộng. Nó thật đẹp, ông lão nhớ, và nó thủy chung. Đấy là chuyện buồn nhất mà mình từng chứng kiến qua đôi cá ấy, ông lão nghĩ. Thằng bé cũng buồn và bọn mình cầu xin nó tha thứ trước khi vội xả thịt nó.

….

Nếu không thế thì mọi người hẳn muốn đợi xem cho đến lúc kết thúc. Nhưng dẫu sao thì lão cũng kết thúc trận đấu trước lúc mọi người phải đi làm. Trong suốt thời gian dài sau sự kiện ấy, mọi người đều gọi lão là Nhà Vô Địch; dĩ nhiên còn có cả trận phục thù vào mùa xuân nữa kia. Nhưng tiền đặt cược không nhiều và lão đã chiến thắng quá dễ dàng bởi đã đập tan lòng tin của tay da đen ở Cienfuegoa trong trận chạm trán đầu tiên. Sau chiến thắng ấy, lão còn đấu vài trận nữa rồi nghỉ hẳn. Lão biết lão có thể đánh bại bất cứ ai nếu lão thực sự khao khát và lão cũng hiểu rằng bàn tay phải của lão sẽ kém đi khi câu cá. Lão đã thử vài trận đấu luyện với bàn tay trái. Nhưng tay trái lão luôn là kẻ phản bội, không chịu làm theo ý chí lão nên lão không thể tin cậy nó.

Lúc này, mặt trời đã làm nó đủ ấm, lão nghĩ. Nó sẽ không bị chuột rút nữa nếu ban đêm không bị lạnh quá. Mình không rõ, đêm nay chuyện gì sẽ đến đây. Một chiếc máy bay vượt qua bầu trời trên đường đến Miami, lão thấy cái bóng của nó làm cả đàn cá chuồn hoảng sợ.

Nhiều cá chuồn đến thế thì ở đó chắc có cá dorado! - lão nói rồi trì sợi dây lại xem thử có khả năng đoạt được đoạn dây nào từ con cá kia không.

Nhưng lão không thể, nó cứ trơ trơ, sợi dây rung rung bắn cả nước cơ hồ như sắp đứt. Chiếc thuyền vẫn bình lặng tiến về phía trước và lão dõi theo chiếc máy bay cho đến khi không còn nhìn thấy nó. Ngồi trong máy bay chắc là lạ lắm, lão nghĩ. Ở độ cao ấy, mình không biết mặt biển trông ra sao? Họ có thể thấy rõ con cá nếu không bay cao quá. Mình thích bay thật chậm ở độ cao hai trăm sải để quan sát cá từ trên cao. Những lần theo thuyền săn rùa, mình đứng trên xà ngang của cột buồm tiền và chỉ với độ cao ngần ấy mình cũng đã nhìn rõ ra phết. Đám cá dorado trông xanh hơn từ trên đấy và bạn có thể nhìn thấy những đường sọc, những đốm đỏ tía trên mình chúng và có thể thấy hết cả đàn khi chúng bơi. Tại sao tất thảy các loài cá bơi nhanh trong vùng nước tối thì lưng lại tím sẫm và luôn có vằn và đốm tím? Loài cá dorado có màu xanh thẫm là vì da chúng vàng ruộm. Nhưng khi chúng đi kiếm mồi, vào những lúc đói ngấu thì mấy cái vằn tím hai bên lườn trông giống hệt như vằn của loài cá kiếm. Có phải là do giận dữ hay là do tốc độ lớn mà da chúng có hiện tượng ấy?

….

Vòng lượn tiếp theo, lão gần như kìm được con cá. Nhưng lần nữa nó lại lách mình, từ từ bơi ra xa. Mày đang giết tao, cá à, ông lão nghĩ. Nhưng mày có quyền làm như thế. Tao chưa bao giờ thấy bất kỳ ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ. Hãy đến và  giết ta đi. Ta không quan tâm chuyện ai giết ai. Giờ thì đầu óc mày đang lú lẫn lên hết cả rồi, lão nghĩ. Mày phải giữ đầu óc tỉnh táo. Hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người. Hay như một con cá, lão nghĩ.

Đầu ơi, hãy tỉnh táo! - lão nói bằng giọng mà bản thân hầu như không còn nghe nổi. - Hãy tỉnh táo!

Con cá điềm nhiên lượn thêm hai vòng nữa. Mình không biết, ông lão nghĩ. Lão có cảm giác như lão có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Mình không biết. Nhưng mình sẽ cố thêm lần nữa. Lão cố thêm lần nữa và khi kìm con cá, lão tưởng như mình đang ngất đi. Con cá lại giãy ra, chầm chậm bơi xa, cái đuôi đồ sộ lắc lư trong không trung. Mình sẽ lại cố thêm, ông lão hứa mặc dù hai tay lão đã rã rời và mắt lão không thể nhìn rõ vì hoa quá. Lão lại cố và mọi chuyện vẫn như cũ. Thế đấy, lão nghĩ và lão cảm thấy xây xẩm cả mặt mày trước lúc bắt đầu. Mình sẽ lại cố thêm một lần nữa. Cố nén cơn  đau, dồn hết tàn lực, dốc hết lòng kiêu hãnh còn lại lão mang ra đương đầu với nỗi đớn đau vô bờ của con cá; con cá tiến gần mạn thuyền, từ từ bơi nghiêng, mõm nó gần như chạm vào ván thuyền và sắp sửa vượt qua, dài, sâu, rộng, ánh bạc, vằn tím sẫm và bất tận trong dòng nước. Ông lão buông sợi dây xuống, giẫm chân giữ rồi nhấc cao ngọn lao hết mức, vận hết sức bình sinh, cộng thêm sức lực lão vừa huy động trong người, phóng xuống sườn con cá ngay sau cái vây ngực đồ sộ, vươn cao trong không trung ngang ngực ông lão. Cảm thấy mũi sắt cắm phập vào, lão tì người lên ấn sâu xuống rồi dồn hết trọng lực lên cán lao. Con cá sực tỉnh; mang cái chết trong mình, nó phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức  lực. Nó dường như treo lơ lửng trong không trung phía trên ông lão và chiếc thuyền.

Thoáng chốc nó rơi sầm xuống làm nước bắn tung trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền. Ông lão cảm thấy choáng váng, đau đớn; lão không thể nhìn rõ. Nhưng lão vẫn kịp đón sợi dây của ngọn lao rồi để nó từ từ chạy qua đôi tay xây xát, và khi đã nhìn rõ, lão thấy con cá nằm ngửa phơi cái bụng ánh bạc của nó lên trời. Cán lao nhô ra từ cái hốc sau vây cá, còn biển thì đang đổi màu bởi máu đỏ loang ra từ tim cá. Thoạt tiên, làn máu đen sẫm trông như bãi cát ngầm trong làn nước biếc sâu hơn ngàn thước. Rồi nó lan rộng nom tựa đám mây. Con cá trắng bạc, thẳng đơ, bồng bềnh trên sóng. Ông lão thận trọng quan sát khi thị lực còn tỏ. Rồi lão quấn sợi dây mũi lao hai vòng quanh cái mấu ở đầu thuyền và gục đầu vào lòng bàn tay.

….

Sự can trường của một lão ngư dân

Khi đọc Ông già và Biển cả, độc giả có thể dễ dàng cảm nhận được nhịp điệu của câu chuyện. Mỗi lần con cá chuồn kéo dây câu, từ ngữ sẽ trở nên căng thẳng hơn để rồi dần nhẹ đi mỗi khi nó lặn xuống mặt nước để lão đánh cá có thể giải lao trong một vài thời khắc ngắn ngủi. Chính vì vậy mà suốt thời gian đọc Ông già và Biển cả, tôi không còn nhận thức khô khan rằng mình đang đọc các con chữ biểu tượng mà là đang chứng kiến những cảnh tượng sống động thực sự.

Con cá chuồn sau cùng đã chỉ còn là những khúc xương sau 3 ngày dài căng dây, lũ cá mập đã làm thịt nó và công sức của Santiago thì trở về công cốc, thế nhưng cái kết của câu chuyện đã được Hemingway đóng lại một cách khá bất ngờ. Lão đánh cá mơ về bãi biển châu Phi. Sau cùng thì định mệnh mà lão đã dành cả đời để đeo đuổi dường như đóng lại cùng cái chết của con cá buồm, tất cả chỉ còn lại những hồi ức về ngày cũ, nhưng đó là cái kết thật diễm lệ. Con cá còn về cảng cùng Santiago hay không xem ra cũng chẳng còn quan trọng, trên hết là lão đã chiến đấu và đã yêu nó cho đến giây phút của cùng.

….


Khi thằng bé ra khỏi cửa, đi xuống con đường rải đá san hô vụn, nó lại khóc. Chiều hôm ấy có đoàn du khách ở Terrace vào nhìn xuống khoảng nước ngổn ngang lon bia rỗng và xác cá nhồng. Một người phụ nữ trông thấy bộ xương sống dài, trắng phau, cực lớn với chiếc đuôi đồ sộ dính đằng cuối dập dềnh, đung đưa theo làn sóng trong lúc gió Đông thổi trên vùng biển cồn sóng không ngớt phía ngoài cửa cảng.

Cái gì kia? - bà ta hỏi anh bồi và đưa tay chỉ chiếc xương sống dài của con cá khổng lồ, bây giờ chỉ là đồ rác thải đang đợi thủy triều cuốn đi.

Tiburon! - anh bồi đáp.

Cá mập ấy mà!

Anh ta hàm ý giải thích chuyện gì đã xảy ra.

Tôi không ngờ cá mập lại đẹp như thế, dáng đuôi thật duyên dáng!

Anh cũng thế! - bạn trai của bà ta nói.

Phía trên đường, trong căn lều, ông lão lại ngủ. Lão vẫn nằm úp mặt ngủ; thằng bé ngồi bên cạnh nhìn lão. Ông lão đang mơ về những con sư tử.

….

Lại nói về sự tương đồng giữa chủ đề của Hemingway và thời khắc mà chúng ta đang vướng vào ngay lúc này, chẳng phải chúng ta cũng đang đối mặt với chú cá chuồn của riêng mình sao? Dịch bệnh làm suy thoái các nền kinh tế, chia cách mối liên kết của con người, đó là thế lưỡng nan và ngọn lửa thử vàng cho định mệnh của con người. Nhân loại dù nhỏ bé vẫn sẽ kiên cường sống và tiến về phía trước dù cho biến động có to lớn đến thế nào đi chăng nữa.

-----

Review chi tiết bởi: Nhất Minh - Bookademy

Hình ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thảo - Bookademy 


-----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Không chối bỏ sự tồn tại của yếu tố may mắn nhưng Santiago cũng chẳng dựa dẫm và coi nó như lí do cho sự lười biếng. Ông luôn chuẩn bị chu đáo "để khi may mắn đến, mình đã sẵn sàng".

Nhắc đến tiểu thuyết, ta thường mặc định đó là những bộ sách đồ sộ hàng trăm, hàng nghìn trang nhưng "Ông già và biển cả" của Ernest Hemingway không như vậy. Cuốn sách mỏng, nhưng nội dung ẩn chứa của nó mới thực sự "dày".

Có lẽ bạn từng nghe qua Nguyên Lí Tảng Băng Trôi (Iceberg Theory) 3 phần nổi 7 phần chìm: đằng sau sự súc tích, kiệm lời của câu văn là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa sâu sắc mà tác giả ẩn giấu. "Ông già và biển cả" cũng không ngoại lệ. Nếu chờ đợi một bản tóm tắt, chắc hẳn bạn sẽ thất vọng. Câu chuyện chẳng có gì đáng kể, chỉ là lão đánh cá già Santiago và chuyến ra khơi đánh cá thất bại, lão để lũ cá mập Galanos chén sạch con cá kiếm khổng lồ của mình và vào bờ với bộ xương cá đồ sộ không còn chút thịt. Vậy tại sao cuốn sách mỏng cùng câu chuyện giản đơn lại có thể đạt giải Pulitzer và Nobel Văn Học, trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp của Hemingway? Tất nhiên là nhờ "7 phần chìm" của tác phẩm rồi!


Tại sao ở tiêu đề, tôi lại viết đây là viết về "Hành trình vĩ đại của một con người thất bại"? Thất bại có gì đáng để tự hào? Ông lão đánh cá Santiago trong một đời ôm giấc mộng chinh phục biển cả nhưng chưa vẹn. Ông muốn lần ra khơi này sẽ may mắn có được con cá ra trò. Chuyến đi biển gần như cuối cùng trong đời thực sự là một cuộc vật lộn. Santiago cũng như mọi nhân vật khác trong hệ tác phẩm của Hemingway - những người mang đặc trưng của chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism – chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh). Tuổi già, kiệt sức, vết thừng cứa sâu nơi lòng bàn tay, sự tấn công dồn dập của lũ cá mập Galanos và trở lực lớn nhất: Dường như giấc mơ này quá tầm với rồi. Đó là hành trình của một con người thất bại nhưng luôn là hành trình vĩ đại bởi ông lão Santiago dám theo đuổi và không từ bỏ khát vọng ban đầu. Nếu theo motif thông thường, ông sẽ chiến thắng, mang về con cá kiếm khổng lồ khiến bao người kinh ngạc, trở thành hình mẫu tiêu biểu. Nhưng đây là văn, cũng là đời. Santiago vượt qua mọi khó khăn mà chỉ nhận lại bộ xương cá kiếm đã bị lũ cá mập rỉa hết thịt, nhận lại cả cay đắng, thảm hại và sự tự nhạo báng. Trong con mắt người khác, có những người như Santiago suốt đời chỉ ôm bộ xương cá kiếm. Nhưng dù ước mộng bất thành, con người vẫn tham vọng theo đuổi hành trình nhọc nhằn, mệt mỏi để chứng minh mình:

"Con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị đánh bại".

Không mang được con cá về nguyên vẹn, nhưng ông Santiago thanh thản vì mình đã nỗ lực hết sức, bộ xương chính là minh chứng. Trong tác phẩm, hình ảnh giấc mơ về những con sư tử châu Phi trở đi trở lại trong tâm trí lão, trước khi ra khơi, khi lão kiệt sức trên biển vì vật lộn với lũ cá mập và ở kết thúc truyện, Santiago nằm vật trên chiếc giường cũ mèm lót báo, hai bàn tay ngửa ra, lão mơ về những con sư tử. Sư tử - chúa sơn lâm: là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền. Từ khi chưa có gì trong tay ngoài hi vọng cháy bỏng, khi bắt được cá kiếm khổng lồ, đánh trả lũ cá mập tấn công và cả khi chỉ còn bộ xương cá quay trở về, lão luôn mơ tới sư tử. Có lẽ, chính Santiago cũng như chúa sơn lâm kia, ông là chúa tể biển khơi.

Không chối bỏ sự tồn tại của yếu tố may mắn nhưng Santiago cũng chẳng dựa dẫm và coi nó như lí do cho sự lười biếng. Ông luôn chuẩn bị chu đáo "để khi may mắn đến, mình đã sẵn sàng".

Đó chỉ là một tầng trong tầng tầng lớp lớp ẩn ý trong tác phẩm mà nhà văn gửi gắm. Đọc và cảm nhận chính là quá trình độc giả tự mình lí giải những tầng sâu ấy. Còn bạn, bạn đã tìm được tầng sâu nào?

Khi suy ngẫm về hành trình của mình qua tác phẩm kinh điển vượt thời gian của Ernest Hemingway, “Ông già và biển cả”, tôi không thể không cảm thấy thỏa mãn và ngưỡng mộ câu chuyện mở ra trước mắt. Đó là một trong những cuốn sách nằm trong danh sách 10 tác phẩm kinh điển nên đọc trong năm 2018 của tôi và mặc dù sự tiến bộ của tôi không đáng chú ý như tôi mong đợi nhưng tôi vẫn quyết tâm tạo ra sự thay đổi trong những năm tới.

Quyết định chọn “Ông già và biển cả” xuất phát từ việc tôi tham gia một cuộc đọc sách trên Instagram, trong đó lời nhắc là đọc một cuốn sách trong danh sách “100 cuốn sách nên đọc trong đời”. Kiệt tác của Hemingway thường xuyên lọt vào những danh sách như vậy, khiến nó trở thành một lựa chọn hiển nhiên đối với tôi.

Mặc dù “Ông già và biển cả” có thể không phải là một cuốn sách dễ đọc đối với những người không quen với biệt ngữ, kỹ thuật và thiết bị câu cá, nhưng nó mang lại cơ hội duy nhất cho người đọc để mở rộng kiến thức. Cá nhân tôi thấy mình thường xuyên tìm kiếm trên Internet để biết thêm thông tin và lớp tương tác bổ sung này mang lại cho tôi sự hài lòng vô cùng.

Mặc dù cuốn sách có thể đòi hỏi một số nỗ lực để hoàn toàn đắm mình vào câu chuyện, nhưng không thể phủ nhận rằng mỗi phút bạn dành ra để đọc nó đều đáng giá. “Ông già và biển cả” là cuốn sách phải đọc dành cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về thế giới kinh điển. Tuy nhiên, nếu những câu chuyện có nhịp độ chậm và kinh điển không phải là thể loại bạn yêu thích, bạn có thể cân nhắc bỏ qua cuốn sách cụ thể này.

Tóm lại, hành trình của tôi qua “Ông già và biển cả” là một hành trình đáng nhớ. Lối kể chuyện mạnh mẽ của Hemingway và những chủ đề sâu sắc được khám phá trong câu chuyện đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong hành trình văn chương của tôi. Tôi biết ơn vì có cơ hội được trải nghiệm tác phẩm kinh điển vượt thời gian này và háo hức chờ đợi cuộc phiêu lưu tiếp theo của mình trong thế giới văn học.

Con người chúng ta luôn luôn phải tham gia những cuộc đấu tranh gay gắt với thiên nhiên, những cuộc đấu tranh tưởng chừng không có hồi kết, những cuộc đấu tranh không hề cân xứng, nhưng nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta có niềm tin thì chúng ta có thể thắng, thắng cái khốc liệt của thiên nhiên và thắng cả cái khó khăn của cuộc đời.

Tác phẩm “Ông già và biển cả” của tác giả người Mỹ Ernest Hemingway có tên tiếng Anh là The Old Man and The Sea. Nó được đánh giá là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông khi sử dụng nguyên lý “tảng băng trôi”.

Đọc truyện, mình như bị cuốn cùng vào dòng chảy nhịp điệu của tác giả, khi thì nhẹ nhàng, dung dị bởi những thói quen hằng ngày của ngư dân làng chài, khi thì lại mạnh mẽ, dữ dội như mặt biển những ngày có bão, đôi lúc lại khô khan, cục cằn đến đỗi khó nhọc bởi hình ảnh già nua và luôn độc thoại một mình của ông lão đánh cá.

Ông lão đánh cá có tên là Santiago. Tác giả đã miêu tả ông một cách chân thực đến trần trụi: “Ông lão gầy gò, giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da má của lão do bị ung thư bơi ánh mặt trời phản hồi trên mặt biển nhiệt đới... Mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt, chúng có cùng màu với nước biển, vui vẻ và không hề thất bại.”

Tiếp sau đó, là hành trình chinh phục con cá kiếm khổng lồ của ông lão, bắt đầu từ việc ông lão ra khơi – nơi vùng biển mang tên Giếng lớn, rồi ông lão phải vật lộn để chiến đấu ba ngày đêm với con cá ấy. Nó là quà tặng của bà mẹ thiên nhiên, nó to lớn, nó hùng vĩ, và nó cũng vô cùng đẹp “Ông lão có thể nhìn thấy thân hình đồ sộ và những sọc tím sẫm trên mình nó. Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to lớn bên sườn đang xòe rộng.” Lão luôn nhắc nhở mình phải tỉnh táo, lão không thể thua, lão phải chứng minh cho người dân làng chài thấy được rằng lão không phải là lão già vô dụng, lão vẫn là một tay săn cá cừ khôi. Mặc dù giờ lão cảm thấy thật tệ, cơn đau chuột rút hành hạ lão, nhưng lão luôn nhắc nhở mình “hãy tỉnh táo, mày khỏe, mày sẽ luôn khỏe”. Bằng niềm tin, bằng khát vọng, lão đã thắng, lão đã dùng lao và đâm chết con cá, rồi buộc nó vào mạn thuyền và lôi về. Tưởng chừng như vậy đã là kết thúc, nhưng không, cuộc sống vẫn chứa đựng đầy rẫy những khó khăn, những hiểm nguy. Con cá kiếm của lão trên đường trở về đã bị lũ cá mập xấu xa ăn thịt gần hết, để lại thành quả cho lão là bộ xương bạc trắng khổng lồ.

Và giờ lão thấy buồn, lão thấy mình không được may mắn nữa. Sau tất cả những nỗ lực, những cố gắng, thậm chí lão đã luôn chiến đấu đến cùng, lão đã đuổi và giết được vô số con cá mập hung dữ, nhưng bù lại lão chỉ nhận được bộ xương của kẻ mà cùng lão ngày đêm lênh đênh trên biển. Phải chăng lão mới là kẻ thua cuộc.

Không! Lão không thua! Lão không hề thua!

Kẻ thua là chính là con cá kiếm khổng lồ ấy, là lũ cá mập xấu xa kia. Chúng mới những kẻ chịu khuất phục. Chúng khuất phục bởi sự kiên cường, bền bỉ của lão. Chúng không thể so bì được với kho tàng kinh nghiệm và lòng yêu nghề của lão. Và chúng cũng không thể đấu lại được với khát vọng cháy bỏng muốn chinh phục thiên nhiên của lão. Lão hoàn toàn chiến thắng. Ở lão, ta thấy sáng lên một chân lý “Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị khuất phục.”

Con người chúng ta luôn luôn phải tham gia những cuộc đấu tranh gay gắt với thiên nhiên, những cuộc đấu tranh tưởng chừng không có hồi kết, những cuộc đấu tranh không hề cân xứng, nhưng nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta có niềm tin thì chúng ta có thể thắng, thắng cái khốc liệt của thiên nhiên và thắng cả cái khó khăn của cuộc đời.

Con đường đi đến thành công, đi đến vinh quang chưa lúc nào là dễ dàng với lão Santigo, trong quá trình chiến đầu với con cá kiếm đã có lúc lão đã thấm mệt, lão muốn nghỉ ngơi  nhưng không lão đã không bỏ cuộc, lão nghĩ rằng “Ta có thể chịu đựng mà không cần ngủ, lão tự nhủ. Nhưng nhứ thế thì thật quá nguy hiểm. lão bắt đầu dò dẫm bò về phía đuôi thuyền, thận tọng không làm giật sợi dây. “có lẽ nó cũng đang lơ mở ngủ” lão nghĩ. Nhưng mình không muốn nó được nghỉ ngơi, nó phải kéo cho đến khi chết”- Những lời tự nhủ của Santigo đã dạy cho chúng ta một bài học vô cùng sâu sắc và ý nghĩa đó là không nên lười biếng hay quá dễ dãi với bản thân, hãy luôn tận dụng cơ hội vì có thể cơ hội sẽ vụt mất, lúc đó ta sẽ thật sự hối tiếc.

Điểm nổi bật trước khi kết thúc câu chuyện đó chính là hình ảnh bộ xương của con cá kiếm. Sau 3 ngày 2 đêm mệt mỏi, chống chọi với biết bao khó khăn, lão đã đem về được bộ xương cá kiếm khổng lồ. Vậy thì điều băn khoăn của chúng ta ở đây đó là lão đã thất bại hay thành công sau cuộc hành trình này? Nhiều người nghĩ rằng lão đã thất bại vì con cá kiếm đã bị lũ cá mập chén sạch. Nhưng không, Lão Santigo đã thực sự thành công đó mọi người ạ, thành công đầu tiên là lão đã chiến thắng được bản thân mình và câu được con cá kiếm to sau nhiều lần thất bại vẫn không nản chí. Thành công thứ hai đó là lão đã chiến thắng được bầy “ hung thần biển cả” mà cập bến an toàn. Lão Santigo chính là một con người rất đỗi bình thường nhưnglạicó nghị lựcphi thường. Một lão già đã chinh phục được thiên nhiên vô tận mà không hề nao núng.

Ngoài ra, trong tác phẩm có có sự góp mặt của một lũ cả mập hung dữ, chúng lăm le tấn công con cá kiếm - kết quả duy nhất sau chuyến đi của lão Santigo, đây cũng là một cách mà Hemingway muốn phê phán, mỉa mai những kẻ ganh ghét, đố kị với thành công của người khác và luôn tranh dành kết quả tốt đẹp của người khác trong khi đó là cả một quá trình dài đầy gian nan và vất vả của họ. 

“Ông già và biển cả” đã được Hemingway miêu tả đầy chân thật, sinh động, rất hấp dẫn, cuốn hút người đọc đến từng chi tiết khiến bất kỳ môt ai khi đọc cuốn sách cũng không thể rời mắt. Cuốn sách đã mang đến những bài học, những triết lý sống rất thân thuộc, gần gũi và sâu sắc và đầy tính giáo dục mà đôi khi chúng ta lại lãng quên mất trong cuộc sống.

Hành trình đi tìm và chinh phục ước mơ của mỗi một chúng ta sẽ vô cùng khó khăn và gian khổ nhưng hãy như ông lão Santigo, luôn kiên trì, lạc quan có niềm tin và hy vọng trong những lúc khó khăn nhất. Đừng ngần ngại đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc sống ban nhé! Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho thật đáng để sau này về già chúng ta sẽ không hối tiếc về những dự định dang dỡ của tuổi trẻ. Chúc bạn đọc sách vui vẻ!

Những cuốn truyện được đọc tới hơn hai lần, với mình không phải ít, nhất là kiểu truyện của A.Dumas, truyện của Kim Dung hay bộ Harry Porter . Nhưng có lẽ đọc lại nhiều lần nhất là hai quyển Cuốn theo chiều gió của Magaret Michell và “Ông già và biển cả” của E.Hemingway . Kể cũng lạ vì văn Hemingway với nhiều người là khó đọc . Nó cô đọng quá,chắt lọc quá . Nhắc đến ông thường người ta hay đề cập từ Tảng băng trôi mà nhiều người có lẽ chưa đọc ông bao giờ hay diễn giải linh tinh . Người phương Tây cứ ngỡ rằng ông sáng tạo ra kiểu viết này mà không biết cái kiểu viết “Ý tại ngôn ngoại” ấy ở Phương Đông đã có hàng nghìn năm rồi . Trang tử nói : “:Thư bất tận ngôn,ngôn bất tận ý” cơ mà . Còn lối viết cô đọng thì thơ Đường đã là vô địch .

Thực sự thì văn thơ nào thì cũng như vậy,đều phải chắt lọc và bóng bẩy,ý nhị . Nhưng ở văn của Hemingway thì nó ở đỉnh cao . Đọc văn Hemingway chưa bao giờ dễ dàng . Để hiểu và yêu lại càng khó . Nhưng cuốn nào đã đọc “vào”,bắt được cái thần của ông rồi thì không thể không say mê như rượu vị xưa càng uống càng thấm,càng say . Với mình,ba cuốn của ông là tuyệt thích,tuyệt mê : “Ông già và biển cả”, Chuông nguyện hồn ai,Hạnh phúc ngắn ngủi của Malcomb .

Có lẽ cuốn “Ông già và biển cả” là tập trung tất cả những gì tinh túy,hấp dẫn nhất của Hemingway . Cái lối văn tự sự độc đáo,hình ảnh người hùng cô đơn,tuýp nhân vật dám nghĩ và hành động theo ý chí và niềm tin của mình, những người có sức mạnh tinh thần, thích suy tư và có cách nhìn cuộc sống của rất riêng mình, không lệ thuộc .

Câu chuyện về ông già Santiago thật đơn giản . Những ai muốn đọc kiểu văn chương hấp dẫn bằng tình tiết,cốt chuyện thì sẽ thất vọng . Chỉ là câu chuyện của một người đánh cá già,có những giấc mơ thật đẹp về bờ biển xa với những con sư tử . Ông tin và mơ rằng mình sẽ bắt được con cá của đời mình . Mặc cho mọi đàm tiếu và những lần thất bại,niềm tin ấy không hề suy chuyển . Cuối cùng thì ông cũng bắt gặp được con cá định mệnh ấy . Ông chiến đấu với nó,tâm sự cùng nó,chia sẻ mọi suy tư cùng nó . Con cá đã trở nên người bạn của ông . Không may,trên đường về một lũ cá mập đã đuổi theo và tấn công,cắn xé con cá . Lúc này ông già dũng cảm đương đầu với lũ cá mập đến thứ vũ khí cuối cùng . Ông đã thất bại và chỉ còn mang về bộ xương cá vĩ đại,chứng tích cho cuộc chiến của ông .

Câu chuyện chỉ như vậy mà thu hút hồn mình từ đầu đến cuối . Mình chia sẻ ,với sự thán phục ,về niềm tin mạnh mẽ vào bản thân mình của ông già,thán phục sự bình thản của ông trước thị phi và thất bại . Trong con người già nua,mệt mỏi vì thất bại ấy,ánh mắt vẫn sáng lên niềm tin vào bản thân và sức mạnh tinh thần . Sự kiên trì vào mục đích cuộc đời mới thật đáng nể làm sao,nó nói lên đời sống tinh thần nội tâm mạnh mẽ của ông . Ông dám sống theo đức tin của mình . Và trong cô đơn,ông là người biết suy tưởng,biết ước mơ . Hình tượng ông già như nhân loại,biết suy tư,lựa chọn,kiên trì với lựa chọn của mình,chấp nhận trả giá cho nó và trên hết là thực hiện điều đó trong cô đơn và bình thản .

Lại nhớ đến Robert Jordan trong Chuông nguyện hồn ai . Mình yêu thích cái tuýp nhân vật người hùng cô đơn này quá . Họ can đảm một cách bình thản,yêu thương một cách bình thản,hy sinh một cách bình thản . Không ồn ào,khoe mẽ, lên gân, cứ như là cuộc sống đương nhiên phải như vậy . Đó chính là những Hiện sinh đích thực . Ý thức sâu sắc Nhân vị của mình . Lựa chọn một cách can đảm và độc lập . Chấp nhận một cách dũng cảm mọi kết quả mà không hề hối hận hay rên rỉ . Cuộc chiến đấu của ông với con cá chính là cuộc chiến của con người với thiên nhiên . Vì cuộc sống,con người phải chiến đấu với thiên nhiên nhưng chúng ta nên phải tôn trọng và gần gũi với nó,vì thiên nhiên,như con cá,chính là người bạn nuôi sống,bầu bạn,đồng hành với chúng ta .

Mình biết đến tác phẩm này qua đoạn trích trong sách Ngữ Văn, nhưng lần này, tự đọc toàn bộ tác phẩm, mình mới thật sự thấy nó hay mà không phải do đọc văn mẫu.

Santiago là một ngư dân già, hình ảnh ông một mình một thuyền câu cá trên biển sao mà cô đơn, khắc khổ, đã vậy tám mươi tư ngày qua, ông không câu được con cá nào. Tác giả dường như muốn đẩy ông đến tận cùng cái khổ. Để rồi đến ngày tám mươi lăm, tác giả lại cho ông bắt được con cá kiếm khổng lồ, hiếm thấy. Con cá được miêu tả một cách đẹp đẽ và lộng lẫy, tượng trưng cho khát vọng của con người. Tác giả bắt ông lão phải già để loại bỏ phần sức mạnh và tinh anh của ông khi còn trẻ, ông chỉ có ý chí, sự nhẫn nại và kinh nghiệm để chịu đựng, chinh phục con cá. Trong ba ngày đêm bị con cá kéo đi, ông lão phải chiến đấu với chứng chuột rút và những cơn đau trên cơ thể, phải chiến đấu với những cảm xúc và suy nghĩ bên trong như sợ hãi, mệt mỏi, buồn bã, cô đơn, tuyệt vọng…Con người phải chiến đấu cả với chính mình. Đọc đến đoạn này, mình không thể không khâm phục trước sức mạnh ý chí của ông, và đó cũng chính là điểm khác biệt để ông đánh bại con cá. Chưa kịp tận hưởng thành quả của mình, ông lão lại phải chiến đấu với đàn cá mập đến xâu xé con cá của ông.

Mặc dù đã già, ông lại là một thợ câu cá lão luyện, ông hiểu và yêu đại dương đến từng chi tiết. Tác giả cũng phải là người yêu đại dương nhiều lắm mới có thể tả cảnh đại dương sinh động đến thế, từng sinh vật được miêu tả có cá tính riêng và cả những tập tính chung của chúng, chỉ cần chúng chuyển động nhẹ, ông cũng có thể hiểu nó là ai và nó muốn gì. Cũng trong lúc một mình đối mặt với đại dương như thế, ông chiêm nghiệm về quy luật của tự nhiên và ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của sự may mắn.

Vốn dĩ, con cá là một khát vọng vượt quá khả năng, ông để nó kéo đi quá xa, thu hút những con cá mập, cũng như cuộc đời tồn tại những người có cùng khao khát giống như mình, và họ thì có khả năng giành lấy nó từ tay mình.

Xây dựng hình tượng ông lão Santiago và con cá kiếm, Hemingway muốn đề cao vẻ đẹp ẩn chứa bên trong mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Đây là điều đặc biết làm nên sức hút của tác phẩm. Chúng ta cần phải chinh phục tự nhiên nhưng cũng không quên sống hài hoà và yêu mến. Santiago từng gọi con cá kiếm là “người anh em”, dù là đối thủ nhưng ông lão vẫn luôn luôn tôn trọng và khâm phục sức mạnh của nó. Ở điểm này, nhà văn đạt từng giải Nobel còn khơi gợi một “phần chìm” quan trọng trong “Nguyên lý tảng băng trôi”: “Thừa nhận vẻ đẹp cũng như hành động không thể khác của đối thủ nói riêng và con người nói chung là thái độ cần thiết để chúng ta giữ thăng bằng trong cuộc sống, để tránh nhìn đời, nhìn người phiến diện, để biết cảm thông và chia sẻ với người khác hơn”…

Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đây, nó vẫn còn một nửa sau với kịch tính đến từ đàn cá mập hung dữ, chỉ hăm he tấn công xác con cá kiếm khổng lồ. Liệu ông lão có một lần nữa vượt qua được hay không? Khi mà xác thân đã rã rời sau hàng giờ chiến đấu liên tục với con cá kiếm ở phần đầu tác phẩm? Bạn đọc hẳn sẽ phải bất ngờ với cái kết của câu chuyện sâu sắc và đầy tính giáo dục này…

“Ông già và biển cả” đã khép lại nhưng những bài học mà tác phẩm mang đến cho tất cả mọi người vẫn còn nguyên giá trị :“Hãy giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo và biết cách chịu đựng như – một – con – người”. Cuộc hành trình đơn độc nhọc nhằn của ông lão già nua để thực hiện một khát vọng chinh phục lớn lao như minh chứng cho một chân lý của cuộc đời: “Con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị đánh bại”. Sẽ mãi là như thế…

Tôi thừa nhận rằng tôi luôn là một người hâm mộ phong cách giản dị, hiệu quả và giản lược của Hemingway. Trong cuốn sách này, điều đó sẽ đặt ra một câu chuyện sâu sắc hơn nhiều. Tôi đã đọc nó khi còn là một sinh viên trẻ và sau đó có lẽ chỉ đọc một câu chuyện về một ông già câu cá. Sau khi đọc lại nó, được truyền cảm hứng từ rất nhiều người đã theo đuổi lối sống trên đảo và cuốn sách này, tôi hiểu rằng bây giờ nó nói về nhiều điều hơn thế nữa. Lòng can đảm, sự tôn trọng, quyết tâm, sự từ bỏ, nỗi sợ hãi, nỗi sợ không còn đủ sức để vượt qua những thách thức của cuộc sống, đây là tất cả những chủ đề phức tạp mà Hemingway trình bày chỉ trong 94 trang. Vì vậy, khi thế giới khép lại, khi bạn tự hỏi liệu mình có thể theo kịp không, khi bạn cảm thấy cô đơn và đối mặt với thử thách lớn nhất của mình, hãy cầm cuốn sách này lên và nhận ra rằng bạn không phải là làn đường. Ông già này vẫn đang chiến đấu nếu không phải với bạn, thì đồng thời với bạn, liệu câu chuyện và câu đố của nó là tốt nhất nếu bạn đọc nó vì tôi đã đủ may mắn để, trong ngôi nhà bán thời gian của mình trên đảo, nhìn chằm chằm vào biển và được biển hát tặng.