Nguyên lý 80/20 Bí quyết làm ít được nhiều của Richard Kock đưa ra cho bạn nguyên lý giúp bạn làm “ít” nhưng được “nhiều” hơn. Chúng ta ai cũng yêu thích sự cân bằng, thậm chí cho rằng, bạn bỏ ra càng nhiều sức để làm thì bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, thực tế lại không hề công bằng như vậy. Nói cách khác cuộc sống không áp dụng nguyên lý 50/50 (50% công sức tạo ra 50% thành tựu), mà luôn là sự mất cân bằng như 70/30 90/10 hay thậm chí 99,1/0,1.
Cơ sở nền tảng của Nguyên lý 80/20 được Vilfredo Pareto (1848-1923), một nhà kinh tế học người Ý, đã tập trung viết sách sau khi về hưu năm 1990. Nguyên lý này được khám phá ra năm 1897 và được biết đến với các tên gọi khác nhau như Nguyên lý Pareto, Định luật Pareto, Quy tắc 80/20, Nguyên lý thiểu công và Nguyên lý bất cân bằng. Vilfredo Pareto đã nghiên cứu những quy luật về của cải và thu nhập ở nước Anh thế kỷ XIX. Chính ông cũng là người đã áp dụng thành công Nguyên lý 80/20 cho cuộc đời của mình. Ông nhận thấy rằng, phần lớn thu nhập và của cải về tay một nhóm người thiểu số. Ông cũng khám phá ra hai điều quan trọng khác: một là giữa tỷ lệ người và lượng của cải của họ có mối quan hệ nhất quán và có tính toán học.Hai là, quy luật bất cân đối này lặp đi lặp lại một cách ổn định bất cứ khi nào ông xem xét dữ liệu đến những giai đoạn lịch sử khác nhau hoặc ở những quốc gia khác nhau. Hiểu được nguyên lý tưởng chừng như đơn giản này nhưng có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, sức lực và tập trung vào những vấn đề cốt lõi.
Cuốn sách Nguyên lý 80/20 Bí quyết làm ít được nhiều gồm 4 phần chính:
Phần 1 là khái niệm, cách thức của nguyên lý; phần 2 là tóm tắt những ứng dụng vào doanh nghiệp có sức tác động mạnh mẽ nhất của nguyên lý này; phần 3 cho thấy nguyên lý này có thể sử dụng thế nào để áp dụng vào đời sống hiện tại của bạn; phần cuối là việc mở rộng áp dụng Nguyên lý 80/20 cho quyền lợi của công chúng cũng như việc tạo ra của cải lợi nhuận cho các doanh nghiệp và sự thăng tiến của từng cá nhân.
Phần 1: Nguyên lý 80/20 là gì? Và tại sao Nguyên lý 80/20 lại quan trọng đến thế?
Theo Nguyên lý 80/20 luôn có sự chênh lệch tồn tại giữa nguyên nhân và kết quả. Thành quả hay thu hoạch xuất phát từ những tỷ lệ nhỏ những nguyên nhân. Khi sự chênh lệch này đo lường bằng số học thì một tỷ lệ phổ quát cho tình trạng này là tỷ lệ 80/20. 80% kết quả xuất phát chỉ từ 20% nguyên nhân tác động hay nỗ lực. Để áp dụng nguyên lý này bạn phải có 2 nhóm dữ liệu, cả hai quy về 100 phần trăm.
Lý do làm cho Nguyên lý 80/20 có giá trị đến thế là do nó có giá trị đi ngược lại với những gì chỉ cảm nhận bằng trực giác. Chúng ta vẫn thường cứ hay nghĩ rằng tất cả những nguyên nhân đều sẽ dẫn đến những kết quả có tầm quan trọng như nhau. Những ảo tưởng vì sự cân bằng này là điều sai lạc nhất và có hại, nguyên lý này khẳng định quy luật mất cân bằng giữa nguyên nhân và kết quả.
Phần 2: Thuyết 80/20 cho doanh nghiệp
Nguyên lý 80/20 có một tầm quan trọng và cũng được các nhà quản lý biết đến, tuy nhiên, cho đến nay, nguyên lý này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Mặc dù việc áp dụng nó là muôn hình vạn trạng, vẫn có một logic nền tảng thống nhất giải thích lý do tại sao nguyên lý này có thể phát huy tác dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ý nghĩa của việc sử dụng nguyên lý này trong kinh doanh đó là tìm ra được điều quan trọng cần tập trung và giúp tạo ra doanh thu cao nhất với mức công sức thấp nhất. Hơn nữa, doanh nghiệp của bạn có thể nâng cao thặng dư kinh tế với cấp độ lớn bằng cách chỉ tập trung vào những đối tượng khách hàng và phân khúc thị trường đang đem lại giá trị thặng dư lớn nhất. Cuối cùng, mọi doanh nghiệp đều có thể nâng cao mức thặng dư bằng cách giảm thiểu sự bất cân xứng giữa sản lượng và phần thưởng trong nội bộ công ty nhờ áp dụng Nguyên lý 80/20.
Trong cuốn sách này, tác giả không đưa ra những lý thuyết suông mà còn hướng dẫn cách để sử dụng nguyên lý này tăng lợi nhuận cho công ty. Bằng những phân tích chính xác, hợp lý cùng những minh họa dễ hiểu giúp chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với Nguyên lý 80/20. Sự thật là, ít nhất 80% số tiền và lợi nhuận của công ty bạn được tạo ra từ 20% hoạt động của nó và từ 20% doanh thu của công ty, vậy làm thế nào tìm ra được đó là 20% nào? Để tìm hiểu nguyên nhân của một sự việc, cách cần làm đó là bóc tách từng vấn đề để tìm hiểu nguyên nhân. Richard Koch cho rằng, việc đầu tiên cần làm đó là tìm hiểu xem bạn đang kiếm được nhiều tiền nhất ở những bộ phận nào? Sau đó xem xét khả năng sinh lời của khách hàng ra sao, phân khúc cạnh tranh là gì? Từ đó, tìm ra được 20% giá trị cốt lõi, tập trung và tìm cách tăng trưởng nó. Với những hướng dẫn về cách phân tích cụ thể, hình minh họa và ví dụ về cách tìm ra 20% cốt lõi là một điểm cộng cho cuốn sách.
Nguyên lý 80/20 thực sự hữu ích để áp dụng cho việc phát triển một công ty, doanh nghiệp. Với 10 ứng dụng của Nguyên lý 80/20 gồm: Chiến lược, chất lượng, cắt giảm chi phí và cải tiến dịch vụ, tiếp thị, bán hàng, công nghệ thông tin, ra quyết định và phân tích vấn đề, quản trị kho, quản trị dự án và đàm phán xuyên suốt các chương của quyển sách giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về tính hiệu quả của nguyên lý này.
Phần 3: Làm thế nào để vận dụng Nguyên lý 80/20 vào cuộc sống hàng ngày: làm “ít” được “nhiều”
Điều mình thích nhất của quyển sách này đó là những hướng dẫn chi tiết của tác giả về cách ứng dụng Nguyên lý 80/20 vào cuộc sống, công việc, tiền bạc và thành tựu. Nguyên lý 80/20 tới nay đã chứng minh được giá trị của nó trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đã góp phần không nhỏ tạo nên những thành công ngoài sức tưởng tượng cho cả ở phương Tây lẫn châu Á. Kể cả những người không thích các hoạt động kinh doanh, hoặc không biết chút gì về nguyên lý này cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng Nguyên lý 80/20 đâu chỉ là nguyên lý của các hoạt động doanh thương mà là nguyên lý cuộc sống. Hãy thử ứng dụng nguyên lý này vào đời sống của riêng bạn để tạo ra những giá trị tối ưu nhất.
Trước tiên, bạn cần có Tư duy 80/20. Những đặc tính chung của Nguyên lý 80/20 đó là tính chiêm nghiệm, bất thường quy, hưởng lạc, chiến lược và phi tuyến tính. Thêm đó, nó kết hợp giữa tham vọng cực đoan (ý nghĩa thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn) với cung cách tự tin, thoải mái.
Cách mạng thời gian
Hầu hết bất cứ ai, dù cực kỳ bận rộn hay cực kỳ nhàn rỗi đều cần một cuộc cách mạng thời gian. Vấn đề không phải chúng ta thiếu hay thừa thời gian, mà là cách chúng ta sử dụng chúng. Cái đáng lo không phải sự thiếu hụt thời gian, mà là việc chúng ta sử dụng chúng, phần lớn là cho những hoạt động có giá trị thấp. Cách kết nối thời gian trong quá khứ với hiện tại trong việc cách mạng thời gian trong tương lai được gợi ý trong cuốn sách này là rất cần thiết. Đằng sau vấn đề phân bố lại thời gian là một vấn đề cơ bản hơn về những gì chúng ta muốn có được từ cuộc sống của mình. Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra những sai lầm về cách quản lý thời gian hằng ngày mà chúng ta vẫn đang mắc phải, từ đó, liệt kê ra 10 cách sử dụng thời gian tạo giá trị cao nhất. Hãy luôn tự hỏi rằng: cách sử dụng thời gian như thế có hứa hẹn tăng hiệu quả hay không?
Các mối quan hệ giúp ta xác định mình là ai và sẽ có thể như thế nào trong tương lai.
Trong cuộc sống hàng ngày, các mối quan hệ luôn tồn tại. Sự thật là nếu không có những mối quan hệ thì coi như hoặc chúng ta chẳng màng gì đến nhân tình thế thái hoặc đã chết rồi. Nghe có vẻ tầm thường nhưng các mối quan hệ bằng hữu chính là cái chính yếu trong đời sống. Các mối quan hệ thân thiết sẽ trợ giúp bạn hướng tới những gì bạn mong muốn. Trên thực tế các mối quan hệ là rất nhiều và bạn có thể đang loay hoay với việc nên làm thế nào để quan tâm đúng các mối quan hệ quan trọng và cần thiết. Trong cuốn sách này, Richard Kock đã đưa ra cách để bạn có thể nhìn nhận được các mối quan hệ của mình và biết được mối quan hệ nào là mối quan hệ quan trọng với bạn.
Trước tiên, hãy lập bảng liệt kê 20 mối quan hệ quan trọng nhất của bạn. Tiếp theo phân tổng số điểm 100 ra cho các quan hệ đã được liệt kê tùy theo mức độ quan trọng của chúng đối với bạn. Ví dụ, nếu người đứng đầu quan trọng đúng bằng 19 người khác trên danh sách gộp lại, hãy cho người ấy 50 điểm. Quan sát kết quả cuối cùng sẽ thấy, nó trùng khớp với Nguyên lý 80/20. Mối quan hệ đứng đầu danh sách (20% trên tổng số) sẽ chiếm phần lớn số điểm (có thể là 80%). Và có một mối quan hệ bất biến giữa con số với con số kế tiếp phía sau như số thứ 2 có thể bằng 2/3 hoặc ½ số thứ nhất về mức độ quan trọng tương tự như vậy với các con số liền sau. Đáng lưu ý là quan hệ đứng trước quan trọng gấp hai lần quan hệ đứng sau. Như vậy số thứ 6 chỉ xấp xỉ bằng 3% số thứ nhất về mức độ quan trọng. Cuối cùng hoàn tất danh sách này bằng cách ghi chú bên cạnh mỗi cái tên tỷ lệ thời gian mà bạn chủ động bỏ ra để trò chuyện hay làm việc việc cùng họ. Xem tổng thời gian bỏ ra là 100 đơn vị và phân bố tương ứng. Thông thường bạn sẽ thấy rằng bạn bỏ ra ít hơn 80% thời gian nhiều với nhóm người ít ỏi mang đến cho bạn 80% “giá trị quan hệ”. Với danh sách này, và cách phân tích theo tư duy 80/20, các mối quan hệ quan trọng của bạn và thời gian bạn bỏ ra với họ được nổi bật hơn, giúp bạn điều chỉnh lại hướng quan tâm và mang lại lợi ích cho của sống của bạn.
Không có gì quan trọng hơn là việc chọn liên minh và cách xây dựng liên minh. Không có họ, bạn chỉ là con số không. Có họ, bạn luôn có thể thay đổi đời mình, thường xuyên có thể thay đổi cuộc sống của người khác, và đôi khi, bằng cách này hay cách nọ thay đổi cả một tiến trình lịch sử.
Phần 4: Nguyên lý 80/20 và ứng dụng trong xã hội
Những hiệu quả của Nguyên lý 80/20 đem đến cho hoạt động sản xuất kinh doanh như gia tăng tính hiệu quả, đẩy mạnh lợi nhuận và những gì dẫn đến lợi nhuận. Tuy nhiên tác giả muốn tập trung vào việc hiệu quả được cải thiện thế nào và tạo ra như thế nào. Sự hiệu quả được nhân lên bằng cách tăng cường sức mạnh và nguồn lực “lành tính”, bằng cách xác định và ngăn chặn những nguồn lực tiêu cực và nâng cao hiệu quả hoặc thay đổi vai trò của nhóm đa số những động lực yếu kém. Tất cả những điều này đều mang đến những giá trị về của cải đối với các doanh nghiệp và tăng hạnh phúc cùng tính hiệu quả đối với các cá nhân
Lời Kết
Nguyên lý 80/20 không chỉ là nguyên lý đơn thuần để áp dụng trong cuộc sống, nó còn là đại diện cho sự mất cân bằng tự nhiên. Nguyên lý 80/20 hướng chúng ta chú ý đến sự mất cân bằng nhưng không khẳng định vũ trụ, tự nhiên hay hoạt động kinh doanh, xã hội hoặc lối sống của chúng ta không cân bằng theo một phương thức hữu lý hoặc có tính chức năng nào. Tuy nhiên những ứng dụng và động lực của Nguyên lý 80/20 là chỉ ra tình trạng đáng ngạc nhiên và cần được tối ưu để đạt hiệu quả cao nhưng lại mất ít thời gian và sức lực hơn. Cuốn sách Nguyên lý 80/20 Bí quyết làm ít được nhiều là một cuốn sách đáng đọc và hữu ích cho những ai muốn tiết kiệm thời gian nhưng làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Với những ví dụ thực tế và những phân tích chi tiết đầy sức thuyết phục, tác giả mang đến những lời khuyên thực sự hữu dụng cho chúng ta về quản lý.
Cuốn sách này trình bày lý thuyết về sự mất cân bằng. Một khi bạn đã làm quen với ý tưởng chung, bạn sẽ dễ dàng nhận ra mối tương quan giữa nguyên nhân và kết quả trong bất kỳ việc gì bạn làm. Việc bạn có thấy cuốn sách này sâu sắc và ý tưởng của nó có liên quan hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn đọc. Đúng là cuốn sách đôi khi khá lặp đi lặp lại nên tôi cho rằng bạn sử dụng cách tiếp cận tương tự để đọc nó mà chính cuốn sách đề xuất. Nắm được nguyên tắc và chuyển sang các chương có liên quan đến bạn. Cuộc cách mạng thời gian một và cuộc cách mạng về đồng minh/bạn bè trong kinh doanh là một cuốn sách phải đọc.