Điều tuyệt vời nhất thế giới là được trở thành người bạn muốn trở thành, được làm điều mà không ai khác với những năng lực khác, điều kiện khác có thể làm được, ngoại trừ bạn.”

Mỗi chúng ta, ai cũng sẽ trải qua khoảng thời gian mông lung giữa những lựa chọn về sự nghiệp. Lúc đó, chúng ta không biết mình phù hợp với cái gì, và liệu có thể làm việc với nó cả đời hay không? Phải nói rằng khoảnh khắc lựa chọn công việc để theo đuổi là ngưỡng cửa quan trọng của đời người, nhưng chúng ta rất ít ai chịu bỏ thời gian để tìm hiểu một cách kĩ càng. Bởi vậy mà rất nhiều người sau này, đều phải làm việc một cách gượng ép thay vì làm việc với niềm say mê, nhiệt huyết. 

Người chọn nghề hay nghề chọn người là một trong những tác phẩm hay nhất về hướng nghiệp. Cuốn sách này lên là tài liệu thiết yếu cho mọi bạn trẻ khi lựa chọn sự nghiệp, bởi vì, như tác giả đã nói, rất nhiều khi thứ bạn thực sự lựa chọn chỉ là lối sống. Hầu hết mọi người đều đưa ra lựa chọn căn bản này mà không có sự chuẩn bị, thậm chí không suy nghĩ gì về hệ quả xa dài từ những bí kịch của họ. Marden nhấn mạnh bị kịch của “kẻ lạc loài”, về những lựa chọn nghề nghiệp sai lầm, về việc chọn một công việc, sự nghiệp chỉ vì nó “dễ”, hay việc làm điều gì đó chỉ để nối bước cha ông.

Tác giả Marden sinh ra tại Anh năm 1950, ông tốt nghiệp trường đại học Boston năm 1871, và từng học tại Chủng viện Thần học Andover. Năm 1881 ông nhận được bằng Dược và năm 1882 là bằng Luật, cả hai đều từ trường Harvard. Tiếp sau đó ông theo học trường hùng biện Boston. Kiến thức uyên thâm của Marden từ lịch sử, triết học, thần học và nhiều mảng khác, cùng khả năng cô đọng, truyền tải kiến thức một cách rõ ràng đến kinh ngạc theo cách thức rất thú vị và thu hút đã khiến cho những tác phẩm này trở thành thiết yếu đối với bất cứ ai đang tìm kiếm thành công cho cuộc sống của mình, hay đơn giản chỉ là tìm kiếm những câu trả lời cho cuộc đời này.



Sẽ không còn là bi kịch nếu bạn được đặt đúng chỗ

Hãy tin rằng có một vị trí cho bạn ở đâu đó, nơi bạn có thể cảm nhận được mọi năng lực và sức mạnh của mình kéo giật bạn về phía một mục đích sống vĩ đại và nói lời cảm ơn vì chính sự lựa chọn của bạn.

Bạn sẽ hạnh phúc và vui vẻ biết bao nếu mỗi ngày được làm công việc mình mong muốn, khi đó đối với bạn không phải là phải làm việc mà là được làm việc. Nếu công việc đang làm khiến bạn chán nản, nếu bạn cảm thấy nó cực nhọc, nếu bạn chỉ xem đó đơn thuần như điều cần thiết để kiếm sống, bạn không ngừng tự hỏi tại sao lại không có kế hoạch nào tốt hơn cho mình, thì nghĩa là bạn đang ở sai nơi. Trừ khi bạn giải quyết công việc với tinh thần của một hoạ sĩ yêu tấm vải canvas của mình như yêu sinh mạng, khao khát được bắt tay vào làm việc mỗi sáng và sợ phải dừng việc mỗi đêm, thì nghĩa là bạn đã ở đúng nơi.

Chúng ta có thể làm điều mình giỏi nhất một cách dễ dàng, làm theo bản năng là điều tự nhiên, còn những cố gắng, nỗ lực, vật lộn, cảm giác vất vả là bởi chúng ta không ở đúng nơi, không làm điều chúng ta sinh ra để làm. Chim bạch yến, chim bobolink chẳng hề cố gắng để biết hót, điều đó vơi chúng là tự nhiên như hơi thở. Với tất cả những gì khiến ta nhiệt huyết, ta cảm thấy như đang chơi đùa sáng tạo, tận hưởng, ta chẳng phải vất vả hay gượng ép chính mình. Nhưng khi ở sai chỗ, ta sẽ cảm thấy cực nhọc, trì trệ, đây là biểu hiện của sự kháng cự trong chính ta trước điều mà ta không sinh ra để làm. Đừng sống cuộc đời chỉ để làm những việc nhỏ bé trong đau đớn khi mà bạn được tạo ra để làm những điều lớn lao một cách xuất sắc, tuyệt vời.

Lấy mình chứng là các cầu thủ bóng đá vậy, họ đều là những người yêu bản thân nhưng lại chấp nhận chịu những tổn thương trên cơ thể, chịu bỏ lại những tuổi thơ thong rong để bắt đầu từ rất sớm. Trên sân cỏ đã có rất nhiều lần đổ máu nhưng họ không sợ hãi, vẫn một lòng chiến đấu vì ước mơ, vì tổ quốc mình. Và có lẽ, chỉ có đam mê, nhiệt huyết mới khiến họ kiên cường đến vậy, và cũng chắc rằng chỉ có những người sinh ra mang sứ mệnh cầu thủ mới có thể hoàn thành xuất sắc đến thế.

Không biết bạn có từng nghe về câu chuyện của cha đẻ KFC Colonel Harland Sanders chưa? Ông đã trải qua vô số công việc khi còn trẻ, và những công việc đó đều khiến ông chật vật với chúng, ông đã từng đổi qua nhiều công việc mà hầu hết những công việc đó ông làm chỉ để kiếm sống. Cho đến tận độ tuổi nghỉ hưu ông mới bắt đầu khởi nghiệp bằng cửa hàng gà rán, và cũng chính cửa hàng đó là nền tảng cho KFC bây giờ. Bạn thấy đấy, chỉ khi được đặt đúng chỗ bạn mới có thể hoàn toàn toàn tâm toàn ý vì nó, bạn sẽ hết mình vì công việc đó là không sớm thì muộn bạn nhất định sẽ thành công. Không chắc rằng làm công việc mình sinh ra để làm sẽ thành công, nhưng ít nhất bạn cũng dễ dàng hoàn thành nó hơn những người khác.

Thật khó khăn biết bao cho nhiều người trong số chúng ta khi phải cố gắng kiếm sống bằng một công việc mà mình không bao giờ muốn làm! Giá như chúng ta tìm thấy đúng chỗ của mình sớm hơn, nơi toàn bộ tài năng của chúng ta được khai mở, nơi mọi năng lực của chúng ta được thể hiện thay vì chỉ một phần nhỏ bé, thì cuộc đời của chúng ta đã khác biết bao. Vì vậy mà chúng ta, khi phải đứng trước ngã rẽ sự nghiệp cần cố gắng bỏ thời gian để xác định xem liệu đâu mới là nơi thuộc về mình.



Những sai lầm trong lựa chọn nghề nghiệp

Cũng như mỗi ổ khoá có một chiếc chìa, ai cũng đến với thế giới này vì một kết tạo đặc biệt, và việc đầu tiên chúng ta phải làm là tìm ra chỗ trống chúng ta được sinh ra để đứng vào.

Tác giả Marden đã chỉ ra những sai lầm mà hầu như chúng ta đều mắc phải khi lựa chọn sự nghiệp. Những sai lầm đó đã vô tình khiến chúng ta phải chấp nhận hoàn cảnh nồi lành vùng méo, trong khi nếu không phạm sai lầm đó chúng ta đã có thể sống đúng với sứ mệnh của mình.

Sai lầm đầu tiên mà cũng là phổ biến nhất ở các bạn trẻ đó là: Lựa chọn công việc dễ dàng

Tôi từng nghe kể về một chàng trai khao khát trở thành kiến trúc sư nhưng lại quyết định trở thành nông dân vì không biết cách đánh vần chữ “kiến trúc sư.” Vô số các chàng trai cô gái đã dấn thân vào các công việc và yên vị ở các vị trí dưới khả năng của họ, đơn giản chỉ vì họ ngả theo sức cám dỗ của việc chọn con đường dễ dàng hơn thay vì trả cái giá là sự chuẩn bị công phu hơn, đau đớn hơn để đạt được điều lớn lao hơn.

Phải rất dũng cảm và có niềm tin lớn lao rằng mình phù hợp để bắt đầu một công việc đòi hỏi nhiều năm rèn luyện và kỷ luật hà khắc trước khi có đủ năng lực và sự chuyên nghiệp để có thể toả sáng. Nhưng ngày nay, một số người trẻ lại không bằng lòng trả cái giá đó. Họ ra trường tìm công việc dễ dàng mang đến cho họ lợi ích ngày mà không chịu bỏ thời gian công sức ra rèn luyện để làm công việc khó một cách dễ dàng. Và rồi họ cứ ở vị trí dễ dàng đó cho đến hết cuộc đời, trao tất cả tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết đáng ra có thể làm việc lớn để sống một cuộc đời tầm thường, tẻ nhạt.

May cho tất cả chúng ta là những công việc dễ dàng chẳng có nhiều và xã tầm với. Cuộc sống chẳng phải một tấm thảm trải hoa hồng, bởi vậy mà vẫn rất nhiều bạn trẻ loay hoay đến khi tìm ra sứ mệnh thật sự của mình.

Nối tiếp đó là sai lầm thứ hai, mang tên: Nối bước cha ông

Thật ngô nghê khi một người cha nói với con mình rằng nó lên làm điều này, điều nọ, rằng nó lên làm luật sư vì cha nó cũng là luật sư, nó lên làm nhà vật lý học vì ông là một nhà vật lí học, nó lên làm một thương gia vì ông cũng là một thương gia. Một số nhạc sĩ vĩ đại trên thế giới đã phải kháng cự lại thúc ép của cha mình. Họ đã bị đòn rồi, bị bắt phải im miệng, bị bỏ đói, và bị ảnh hưởng bằng mọi cách nhằm ép họ phải từ bỏ thứ bị xem là niềm đam mê ngu ngốc dành cho âm nhạc của họ. Bạn không biết sẽ là tai hoạ biết nhường nào nếu đè nén một cuộc đời, sẽ là đáng tiếc nếu bạn ngăn con cái mình trở hoàn thành sứ mệnh mà họ nên thực hiện. Tuy nhiên, nếu còn bạn không có một khao khát nào thì việc của các bậc phụ huynh chính là hãy tạo cho con cái mình niềm hứng khởi, đam mê với công việc mà mình còn mình thực hiện. Vì chỉ có đam mê, và yêu thích mới khiến con người ta có cách hoàn thành công việc một cách hoàn hảo và tuyệt vời.

Sai lầm thứ ba mà tác giả chỉ ra là: Ảo vọng của sở thích giết chết thiên mệnh vốn có

Việc làm rất tốt một điều gì đó bằng nỗ lực to lớn khi ta không thật sự có năng lực trong lĩnh vực đó cũng giống như cố gắng chèo thuyền ngược dòng. Nếu muốn nâng tầm bản thân, bạn phải làm công việc đúng với tài năng của mình. Nhưng cũng đừng vì muốn bức phá mà phá hủy thiên mệnh vốn có của mình, đừng vì muốn thành công mà làm kẻ lạc hướng đi. Đừng vội kết luận rằng vì bạn thích rạp hát, nên bạn được sinh ra để làm một diễn viên, hay vì bạn thích đọc thơ, nên bạn sẽ trở thành một nhà thơ. Tôi biết có những người đã rất nỗ lực để có được một chút khả năng ca hát, hay diễn xuất trong khi họ thực sự không phù hợp với nó. Sự chăm chỉ và kiên trì sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát triển cảm quan nghệ thuật, hoặc khả năng nào đó về hội họa hay điêu khắc, nhưng để trở thành chuyên gia người ta phải có tài năng thiên bẩm. Vì vậy mà bạn hãy nghiêm túc nhìn nhận giữa ham muốn và tài năng xem đâu mới là thứ phù hợp với cuộc đời mình.

Và còn một loại sai lầm cuối cùng nữa mang tên: Lựa chọn theo số đông

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp theo số đông, xu hướng ngành hot mà không nghề tìm hiểu kĩ lưỡng về nó. Thậm chí, một số còn lựa chọn chỉ vì có nhiều bạn học ở ngành đó hay có người quen biết làm ở ngành đó. Điển hình, là nhiều năm về trước khi ngành ngân hàng là hiện tượng của ngành hot thì vô số học sinh, sinh viên chọn theo học ngân hàng, dẫn đến tình trạng thừa nguồn nhân lực, và các bạn trẻ chạy theo xu hướng đó vô tình đã làm mất đi cơ hội tìm được lí tưởng của mình. 

Trên đây là một số sai lầm phổ biến khi lựa chọn nghề nghiệp mà tác giả Marden chỉ ra, các bạn trẻ của chúng ta lên đọc được điều này trước khi đưa ra lựa chọn về sự nghiệp của mình. Bởi sau hôn nhân thì lựa chọn nghề nghiệp chính là vấn đề quan trọng nhất của cuộc đời. Đừng chọn lựa theo cảm tính, hay chọn theo lời người khác khi chính bản thân mình không biết gì về công việc đó.


Công việc đầu tiên rất quan trọng, nhưng hầu hết chúng ta đều để khoảnh khắc đó lướt qua 

Không có thời điểm nào quan trọng hơn thời điểm bạn đưa ra lựa chọn cho sự khởi đầu của mình.

Công việc đầu tiên của một người trẻ là yếu tố cáo tính then chốt trong đời . Nó có thể hoàn toàn không phù hợp với bản chất trí tuệ của ta, hơn thế, nó có thể dẫn ta tới một lựa chọn sai lầm khác, bởi vì đám trẻ rất háo hức được làm mọi thứ, và tự hào về những công cụ cùng kĩ năng mình học được. Nếu chúng ta không biết lợi thế của bất cứ công việc nào khác, chúng ta có thể tiếp tục làm những công việc nào mình có thể yêu thích nhất.

Nhiều người bắt đầu cuộc đời với rất nhiều khiếm khuyết. Họ không hợp với môi trường xung quanh, hoặc không nhận thấy những thiên hướng sẵn có lẫn ảnh hưởng của nghề nghiệp lên một số điểm yếu của mình. Họ ít nhiều bị đặt vào vị trí vô cùng bất lợi cho cuộc đua tới thành công. 

Điều quan trọng nhất chính là tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và bắt đầu một công việc mình yêu thích, hoặc bắt đầu với một công việc cho mình giá trị lâu dài. Bởi công việc đầu tiên sẽ là yếu tố then chốt quyết định vị trí của bạn sau này ở đâu giữa thế giới công việc đa dạng.



Cá rời nước, kỉ luật và nỗ lực

Giống như cá rời khỏi mặt nước, dù có cố gắng mấy cũng khó có thể thích nghi nổi với môi trường vốn không thuộc về nó. Chúng ta cũng vậy, khi không ở đúng chỗ, dù có vất vả kiệt lực đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có được đà tiến lên hoặc niềm sướng vui trong công việc vốn đến từ nỗ lực vận dụng tài năng của chúng ta. Chúng ta sẽ hoàn toàn mất đi năng lượng khi bị ép buộc đặt vào một nơi mà bên trong ta kháng cự. Nếu tìm được đúng chỗ khi còn trẻ, thì thấy vì phải nằm trong phân nửa thất bại của thế giới này, chúng ta sẽ thành công.

Nhưng hơn hết, dù là vị trí nào nếu không nỗ lực nhất định sẽ không thể thành công. Người có tài năng thiên bẩm sẽ vì vậy mà hoài phí, người không yêu thích sẽ chỉ ôm lấy sự chật vật và nỗi oán hận cuộc đời. Bước đầu tiên, hãy giữ cho mình kỉ luật, bước tiếp theo hãy tìm cho mình một người thầy. Không quan trọng bạn muốn học gì, mà quan trọng người thầy bạn là ai? Nếu chọn cho mình người thầy đúng, bạn sẽ rút ngắn lại thời gian giật lấy thành công. Và cuối cùng hãy nỗ lực, dù bạn có tài năng hay năng khiếu bẩm sinh cũng nhất định phải nỗ lực đến cùng. Vì một ngày bạn không nỗ lực sẽ giết chết những ngày tương lại tươi đẹp của mình.

Lời kết

Giữa một bầy cá bạn có muốn riêng mình là chú mèo con, khi nhìn lũ cá bơi bạn sẽ thấy mình thật kém cỏi. Nhưng bạn biết không? Nếu giữa bầy mèo bạn sẽ là con mèo thông mình nhất, bạn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một con mèo. Ấy vậy mà chúng ta rất nhiều người vẫn luôn giống chú mèo lạc giữa bầy cá, tự oán trách và làm thui chột khả năng của mình. Nếu không lựa chọn đúng công việc người phá hoại chính sự nghiệp của mình không ai khác ngoài bạn. Vì vậy, bạn hãy lựa chọn cho thật chuẩn xác nhé, cuộc đời vốn không phải nét bút chì có thể tẩy đi vẽ lại, mà nó là đường thẳng không thể quay đầu. Đừng vì những lựa chọn sai lầm mà lãng phí thiên bẩm của chính mình.



Review chi tiết bởi: Lê Trang - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt 





Xem thêm

Tôi chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng đang nghĩ trong đầu rằng mơ ước để có một công việc việc nhẹ lương cao, công việc nhà nước,… Theo Người chọn nghề hay nghề chọn người, chúng ta thường lựa chọn những công việc theo nhu cầu của bản thân thay vì đam mê vì cho rằng bất kỳ công việc gì cũng cần mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên chúng ta không thể đạt được điều gì nếu bạn không thật sự có đủ đam mê và sự nhiệt huyết. Muốn tiến đến một công việc hoàn hảo trước hết bạn phải hoàn thiện bản thân mình. Phải có niềm tin, sự phấn đấu rèn luyện cả về chuyên môn lẫn kỹ năng bạn mới có thể tỏa sáng. Bất kỳ một công việc gì quá dễ dàng cũng sẽ khiến bạn ỷ lại và bạn sẽ không bao giờ thăng tiến được. Khi bạn được sinh ra để làm những điều lớn lao hơn thì bạn lại lựa chọn một công việc quá dễ dàng. Bạn đang tự đánh mất đi giá trị của bản thân. Trải qua những thử thách và khó khăn trong đời mình, bạn sẽ càng nhận được thêm những bài học quý giá. Chẳng có thành công nào trải hoa hồng, bởi vậy hãy đứng lên đi tìm sứ mệnh của chính mình. Người chọn nghề hay nghề chọn người cho rằng mọi sự nỗ lực đều nhận được sự đền đáp xứng đáng.

Mình mua quyển sách này (bản dịch tiếng Việt) tại một ngăn dưới cùng ở nhà sách FAHASA. Một cuốn sách tuyệt vời dành cho những sinh viên mới ra trường như mình và đang loay hoay với các lựa chọn nghề nghiệp. Quyển sách có tuổi đời khá cao, được viết trong khoảng thời gian từ năm 1895 - 1917, nhưng những kiến thức mà tác giả đem đến hiện đại đến nổi mình nghĩ ông đang viết cho chính thời đại này. Nội dung cuốn sách tập trung đưa ra những ví dụ, những hướng đi đúng đắn cần thực hiện khi lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó là dẫn chứng cho việc chọn lựa sai lầm. Điều mình nhớ và tâm đắc nhất là tác giả đưa ra lời khuyên rằng công việc có thể sẽ ảnh hưởng đến hành vi và phẩm chất đạo đức của chúng ta, nên chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng và không nên chỉ vì lương cao mà dấn thân vào những công việc ảnh hưởng xấu đến bản thân mình. Tóm lại, đây là một quyển sách hay và đáng đọc, không chỉ riêng các bạn sinh viên năm cuối và mới ra trường mà đối tượng của nó còn có thể là những người đang mắc kẹt trong những công việc không phù hợp với họ. Và hơn hết nó còn là một quyển sách với những tôn chỉ khá chính xác và có thể áp dụng qua từng thời đại.

Áp dụng thuyết con nhím của Jim Collins để giải thích "Người chọn nghề hay nghề chọn người". (Cái này các bạn có thể search google để có thể thấy hình minh hoạ nhé) Qua sơ đồ thuyết con nhím chúng ta sẽ thấy rõ, đâu là vùng người chọn nghề và đâu là vùng nghề chọn người: - Vùng người chọn nghề, là vùng bạn thích và xã hội cần. - Vùng nghề chọn người, lại chính là vùng bạn giỏi và xã hội cần. Giao thoa của 2 vùng này chính là vùng nghề nghiệp lý tưởng. Tức là chỉ khi bạn thật sự xuất chúng trong nghành nghề đó bạn mới có quyền chọn được nghề, phần đa còn lại họ thất bại trong cuộc chiến cạnh tranh ngành nghề và bị đào thải tự nhiên, họ buộc phải rẽ sang nghề khác mà họ thật sự phù hợp và giỏi hơn dù thời điểm đó họ không yêu thích bằng. Bạn đã từng nghe đâu đó câu nói rằng “Nếu bạn làm những gì mình yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang làm việc”. Mỗi chúng ta ai cũng sẽ trải qua quãng thời gian mông lung với những dự định của bản thân, những sự lựa chọn nghề nghiệp. Ai cũng mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp với khả năng, sự đam mê và một mức lương ổn định. Tuy nhiên không hề dễ dàng nếu chúng ta không chịu bỏ thời gian để tìm hiểu kỹ công việc đó. Việc lựa chọn công việc đầu tiên vô cùng quan trọng bởi nó sẽ là chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa tương lai đầy những dự định và kế hoạch. TheAnt.Work muốn giới thiệu thêm cho bạn đọc, cuốn sách "Người chọn nghề hay nghề chọn người" của tác giả Marden sẽ giúp định hướng con đường sự nghiệp của bạn một cách đúng đắn để bạn được làm đúng công việc mà mình yêu thích để dường như bạn không cần làm việc bất kỳ một ngày nào trong cuộc đời mình cả.

Có một số câu chuyện thú vị mà mình sưu tầm được trên Forum lamchame.com: 1. “Nghề chọn người hay người chọn nghề! Câu này tớ hay hỏi lắm. Ví như bản thân tớ, là con gái cơ khí ( chuyên ngành cơ khí ), nhưng tớ chỉ biết về cơ khí một cách rất khái quát. Đôi lúc, tự hỏi, không biết ai đã dun rủi mình vào con đường cơ khí này, mà có dính tới cơ khí, thì vợ chồng tớ mới nên duyên với nhau. Và từ khi nên duyên, là kết thúc với sự nghiệp cơ khí. Có những người, có niềm đam mê vô bờ bến vào một nghề hay một việc nào đó, tớ nghĩ đó là người chọn nghề. Nhưng có những người, ko muốn, không hề nghĩ mình sẽ làm trong lĩnh vực đó, nhưng do hoàn cảnh , duyên may, lại làm, và đó là nghề chọn người.” 2. “Mỗi người 1 tính cách, 1 phong cách sống và 1 vài ngành nghề phù hợp với mình! Nếu làm 1 công việc phù hợp thì rất tốt còn ngược lại thì rất vất vả, có thể là sẽ phải đổi công việc! Theo mình nếu 1 người có ước mơ, có lý tưởng và phấn đấu vì nó thì việc chọn nghề của họ đó là "người chọn nghề".” 3. “Theo mình thì không có nghề nào tồi quan trọng là mình đam mê nghề nào thích hợp với mình và mình cảm thấy vui vẻ và đặc biệt là số lương khá thì là ổn nhất” Như các bạn đã thấy, tuy là “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người mỗi câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên tất cả họ đều có điểm chung là khi quyết định chọn làm công việc đó rồi, họ sẽ cố gắng hết sức cho công việc đó dù cho lý do họ đưa ra là khác nhau đi chăng nữa. Điều này cũng sẽ được tác giả Orison Swett Marden nhắc đến trong cuốn sách “Người chọn nghề hay nghề chọn người” và giải thích rất kỹ, ngoài ra tác giả cũng sẽ đưa ra các yếu tố bên trong và bên ngoài, những cái ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. Vì thế, những bạn nào đang mông lung với quyết định của mình, không riêng gì chọn nghề nghiệp cho bản thân mà kể cả trong việc chọn trường, chọn ngành thì đây là cuốn sách mình highly-recommended cho bạn. Sau khi đọc xong, bạn sẽ có thể tìm thấy chính bản thân mình và đưa ra những định hướng tốt nhất cho quyết định của mình, tránh những nuối tiếc và hối hận về sau.

Đây có lẽ mà câu nói rất nhiều người trung niên, sau bao năm phiêu bạt, lênh đênh với sóng gió trên đường đời mà đúc rút ra, rồi chia sẻ lại. Họ cũng từng là những chàng trai cô gái trẻ năng động, là những sinh viên mới ra trường đầy nhiệt huyết như bạn. Nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được công việc mình ưng ý ngay và gắn bó với nó. Nhiều người sau một thời gian vật lộn tìm hướng đi với tấm bằng của mình, cuối cùng cũng phải chấp nhận làm trái ngành trái nghề để mưu sinh. Họ luôn ấp ủ cơ hội được làm việc với đúng chuyên môn được đạo tạo của mình nhưng theo năm tháng điều đó càng trở nên mờ mịt. Công việc mà họ từng thích từng ao ước không bao giờ tới. Nó như cảm giác hoài niệm về mối tình đầu đơn phương đầy dang dở. Và vì chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền, dần dần họ lại gặt hái thành công trên con đường mới với công việc mà trước đây chưa bao giờ họ nghĩ tới mình sẽ làm và gắn bó với nó. Cho nên nghề chọn người chứ người không chọn được nghề là vậy. Vậy tại sao cuộc đời lại luôn trớ trêu như vậy? Người chọn nghề hay nghề chọn người? Hãy đọc ngay cuốn sách hướng nghiệp tuyệt vời của Marden và bạn sẽ nhận ra rằng để lựa chọn nghề nghiệp chính xác đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị và suy nghĩ sâu xa về những hệ quả trong tương lai của lựa chọn đó. Bi kịch của một kẻ lạc loài khi lựa chọn nghề nghiệp sai lầm hoặc chỉ chọn nghề nó “dễ làm” hoặc chọn nghề để kế nghiệp cha ông,… tất cả có thể giúp bạn nhìn nhận lại, đánh giá lại công việc của mình hiện tại và thực sự nếu có thể ngộ ra sớm hơn thì bạn hoàn toàn có quyền chọn lại mà!

Bạn – tôi, ai trong chúng ta cũng đã từng ở trong cái bi kịch – bi kịch của sự mông lung, khi phải đứng giữa những sự lựa chọn: lựa chọn trường, khối thi hay đơn giản chỉ là chọn mua một bộ quần áo, đôi dép,… Và gần gũi, quen thuộc hơn cả là việc chọn ngành, chọn nghề học. Khi bạn biết, bạn sẽ rất hạnh phúc nếu mỗi ngày được đi làm công việc bạn thích, công việc mà khiến bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, công việc mà bạn muốn được làm chứ không phải là phải làm như bao người. Hiểu được điều đó, Orison Swett Marden – tác giả truyền cảm hứng số #1 thế giới đã viết nên cuốn sách “Người chọn nghề hay nghề chọn người” để giúp bạn đọc có thể thoát li ra khỏi cái bi kịch mông lung mà bạn đã, đang và sẽ gặp phải. Nổi bật lên trên nhiều cuốn sách hướng nghiệp cơ bản. “Người chọn nghề hay nghề chọn người” có lẽ sẽ là cuốn sách mà khiến bạn phải dừng lại mà cầm lên đọc hồi lâu. Bạn có tò mò Orison Swett Marden sẽ chỉ cho bạn những gì trong cuốn sách này, hãy thử tìm đọc và biết đâu bạn cũng thích nó như tôi thích những câu nói ấn tượng này: - Mối hấp dẫn nhận lấy công việc mà mình không phù hợp chỉ vì được trả lương cao hơn một chút so với việc khác lúc ban đầu, trên hết, chính là nguyên cớ gây ra nhiều kết hợp không vững chắc nhất. - Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là học cách sống độc lập, đường hoàng. Tồn tại thôi là chưa đủ. Mọi người đều nên được sống theo nghĩa cao quý nhất của từ đó. - Hãy tin rằng có một vị trí cho bạn đâu đó, nơi bạn có thể cảm nhận được mọi năng lực và sức mạnh của mình kéo giật bạn về phía một mục đích sống vĩ đại và nói “Tạ ơn Chúa” với lựa chọn của bạn. - Hiệu suất lao động và thành công phần lớn phụ thuộc vào khả năng tương thích. Không ai thu được kết quả tốt nếu dùng bò kéo hàng và đem ngựa vắt sữa cả. Nguồn: Câu lạc bộ Sách và Hành động THPT Yên Phong 1 chính thức

Có bao giờ bạn tự hỏi mình nên chọn ngành nào khi kết thúc cấp 3? Học xong thì ra trường mình sẽ làm công việc gì? Lựa chọn này có đúng đắn không? Điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì? Mình có phù hợp với công việc này không? Học ngành gì ra trường dễ có việc làm? Chắc hẳn là đa số chúng ta, đặc biệt là các bạn học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp để đặt chân vào giảng đường đại học đều đã suy nghĩ tới những câu hỏi này. “Hãy cẩn thận với người luôn nói với bạn rằng bất kể bạn làm gì, đừng đi theo ngành nghề, chuyên môn của họ! Những người từng thất bại hoặc thành công nửa chừng trong công việc rõ ràng chưa bao giờ đi đủ xa để thực sự có được đủ những khả năng, sự thoải mái và hài lòng trong đó để thấy được vẻ đẹp, khía cạnh hấp dẫn của công việc đó.”. Đây là câu nói mà mình tâm đắc và đáng để suy ngẫm sau khi mình đọc xong cuốn sách này. Nếu các bạn cũng đã từng băn khoăn, chìm ngập trong biển câu hỏi như mình, vậy thì hãy để cuốn sách “Người chọn nghề hay nghề chọn người” của tác giả người Mỹ Orison Swett Mardon giúp bạn trả lời những câu hỏi này. Đầu cuốn sách sẽ là phần mục lục giúp bạn dễ dàng nắm bắt được đề mục cũng như nội dung chính mà mình sắp đọc. Trong cuốn sách này, tác giả sẽ đề cập tới những hệ luỵ khi chọn sai ngành hay “Bi kịch của kẻ lạc loài” cùng với những nguyên nhân dẫn tới sự lựa chọn sai đó. Như chúng ta đều biết, hàng triệu người chúng ta được tiếp cận với chương trình giáo dục giống nhau, sau đó là tập trung vào những môn học chủ yếu để đến cái đích gọi là đại học. Tuy cái đích đến này thoả mãn mong muốn của cha mẹ NHƯNG liệu bản thân chúng ta có thực sự muốn hay không? Chắc chắn nhiều bạn đã từng rất mơ hồ khi điền vào tấm phiếu nguyện vọng. Tiếp theo, sau khi đã xác định được nguyên nhân và lý do cho những suy nghĩ mơ hồ đó. Tác giả sẽ dẫn dắt các bạn gần đến cách lựa chọn nghề nghiệp cũng như cách tìm kiếm niềm vui từ công việc của mình hay cũng có thể gọi là “động lực trong công việc”. Ngoài ra, có một điều mà mình cảm thấy rất hay đó là nếu như bạn có lỡ chọn sai công việc, thì hãy thử một lần toàn tâm toàn lực đối vơi nó xem sao, biết đâu khi đạt được thành công nho nhỏ, bạn sẽ hứng thú với công việc đó thì sao. Tuy nhiên, vì là sách self-help - cuốn sách chỉ giúp ta định hướng. Chính vì thế, qua mỗi chương khác nhau, mỗi bạn đọc nên rút ra những lời khuyên phù hợp với trường hợp của mình. Mình cũng mong là sau khi đóng sách lại, mỗi người sẽ có những nhận định, kết luận và kế hoạch cụ thể để tìm ra được hướng đi phù hợp với khả năng của mình.

Có câu nói rất hay rằng “Muốn hạnh phúc một giờ, hãy đọc một cuốn sách. Muốn hạnh phúc một ngày, hãy đi du lịch. Muốn hạnh phúc một đời, hãy làm việc mà mình yêu thích”. Chúng ta dành cả tuổi trẻ và thời gian để thực hiện những ước mơ của bản thân mình. Bạn sẽ hạnh phúc nếu bạn được làm những công việc mình yêu thích và sống trọn vẹn với nó. Không ai trong chúng ta muốn mỗi ngày làm công việc mà mình không thích cả. Như vậy thật sự rất tệ trong những năm tháng sống trên đời. Nếu bạn đang mông lung trên con đường lựa chọn nghề nghiệp. Bạn hãy thử sức mình với một công việc nào đó bạn sẽ nhận ra bạn có đang lựa chọn đúng nghề hay không. Chẳng hạn như bạn cảm thấy công việc mình làm đầy những áp lực, sự chán nản và căng thẳng, hay bạn cảm thấy mình được tôn trọng và công việc đó không đem lại giá trị cho bạn mà chỉ nhằm mục đích kiếm tiền thì chắc chắn rằng công việc đó không dành cho bạn. Theo Người chọn nghề hay nghề chọn người, một công việc bạn cần là công việc đó phải đem lại giá trị cho bản thân bạn cả về tinh thần và vật chất. Đối với công việc, bạn có niềm khao khát với nó, bạn sẵn sàng vượt qua những khó khăn để được làm công việc đó, bạn dành hết thời gian và tâm trí cho nó khi đó bạn cảm thấy hạnh phúc tức là bạn đang chọn đúng công việc của chính mình. Nói thì dễ nhưng chẳng mấy ai có thể thực hiện nó một cách dễ dàng, người may mắn chọn được công việc ngay lần đầu tiên thử sức, người vài 3 lần, người dành cả đời để đi tìm kiếm. Suy cho cùng vì chúng ta chưa tìm được phương hướng để lựa chọn công việc một cách đúng đắn. Nên chúng ta thường chấp nhận những công việc mình không yêu thích chỉ vì mức lương cao hay truyền thống gia đình thậm chí là sợ sự đánh giá từ người khác. Người chọn nghề hay nghề chọn người cho rằng chúng ta sinh ra có những khả năng tiềm ẩn chưa thể khám phá hết. Bạn chắc chắn được sinh ra để mang đến sứ mệnh riêng cho cuộc đời mình. Vì vậy khi bạn đang lựa chọn công việc của mình bạn cũng đang thực hiện sứ mệnh của bạn thân. Bạn tìm được công việc mình thích tức là bạn đang tạo ra giá trị cho bản thân mình.