Tác Giả Và Tác Phẩm.
Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc khai quốc công thần của nước Nhật Bản hiện đại. Hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên.
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là Voltaire của Nhật Bản, không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp. Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Để phổ biến kiến thức văn minh và tư tưởng tiến bộ phương Tây tới dân chúng, Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và cổ vũ cho thể chế chính quyền nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.
Khuyến Học được ông viết trong khoảng thời gian 1872 -1876. Như vậy chúng ta có thể hiểu, Nhật Bản lúc ấy đã nhìn nhận, ý thức được tầm quan trọng của việc học, chạy đua theo sự phát triển của thời đại văn minh. Không hẳn là tác phẩm xuất sắc, đồ sộ của Fukuzawa Yukichi nhưng Khuyến Học lại được hàng triệu người dân Nhật Bản coi như cuốn sách gối đầu giường. Cuốn sách viết hơn một trăm năm trước ở cái thời phong kiến của Nhật Bản song tôi cảm tưởng tác giả đang viết về Việt Nam của ngày hôm nay.
Người Việt Nam cần đọc Khuyến Học để hiểu tại sao xứ sở Mặt trời mọc lại được coi là đế quốc kinh tế hùng mạnh nhất; tại sao nước họ được coi là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản phẩm công nghiệp; tại sao quốc gia nhỏ bé ấy có thể phát triển từ chiến tranh đổ nát, thiên tai triền miên. Tôi tin rằng để có được những con người khổng lồ với tài chính vững vàng, mạnh mẽ như hiện tại ắt hẳn họ phải học hỏi, hun đúc giá trị văn hóa, tri thức, lịch sử truyền thống từng phút từng giây.
Cuốn Sách Dành Cho Ai?
Theo tôi tất cả người Việt Nam nên quan tâm và nghiêm túc đọc Khuyến Học một lần trong đời. Chúng ta sinh ra đều đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ nên có khác là do trình độ học vấn. Những gì Fukuzawa Yukichi viết sẽ giúp bạn thức tỉnh mục đích sống, giá trị kỳ diệu và sức mạnh tiềm tàng của bản thân. Mỗi người là tế bào của xã hội, là bông hoa trong vườn hoa muôn màu muôn vẻ. Chúng ta học để khẳng định giá trị chính mình, để chung sống, để xây dựng, góp ích cho xã hội.

Đặc biệt với các bạn học sinh, sinh viên cuốn sách này thực sự hữu ích và hoàn toàn phù hợp. Phần lớn người trẻ, thành niên Việt Nam hiện nay chưa định hình cái tôi, chưa xác định mục tiêu, chưa cống hiến hết mình. Nếu coi tuổi trẻ là mặt trời thì những tri thức mà các bạn có sẽ là ánh nắng soi rọi, nhen nhóm giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Duy trì một đất nước cũng như duy trì sức khỏe của con người. Và nếu muốn duy trì nền tảng của đất nước phát triển bền vững, các học sinh, sinh viên phải ra sức học tập.
Chúng ta học được gì từ Khuyến Học?
1. Người Vô Học Là Kẻ Gặp Thiệt Thòi
Người Việt thường có quan niệm: "Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau". Hiểu theo nghĩa bóng nghĩa là trong cuộc sống ai cũng muốn được ăn ngon mặc đẹp và làm việc nhẹ nhàng, cỏn con. Trên thế gian này luôn tồn tại hai mặt đối lập song song, có cả cái hay và cái dở, có cả cái dễ và cái khó... Theo tác giả viết: "Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ". Như tôi đã nói ở trên, con người sinh ra đều có tư cách, địa vị, đẳng cấp, trình độ và quyền sống như nhau. Người miệt mài học tập, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người được xã hội công nhận và tôn trọng, sống cuộc đời hạnh phúc, sung túc. Ngược lại người vô học sẽ trở thành rủi ro cho một xã hội nghèo khổ, thấp kém. Tài năng, phẩm chất và vai trò của mỗi người sẽ được dư luận đánh giá và nhìn nhận.

Fukuzawa Yukichi còn cho rằng: "Nghĩa vụ của người dân là thực hiện thật đúng luật, tôn trọng và bảo vệ luật". Nhưng hãy thử nhìn lại đất nước ta, bao người trẻ lười biếng, xa đà vào các tệ nạn xã hội, cái ác dường như lên ngôi. Không những vậy, họ còn cực kỳ tham vọng: hối lộ, luồn lách pháp luật, gian lận trong thi cử - bệnh thành tích trong giáo dục, sinh con quá dày nhưng lại ít khi giáo dục, yêu thương chúng. Thế nên, "ngay từ bây giờ chúng ta cần mài giũa tài năng và nhân cách, phải có thực lực để đứng vững trên địa vị và tư cách bình đẳng, để tranh đấu với những sai trái chính quyền."
2. Hun Đúc Nuôi Dưỡng Chí Khí Độc Lập Và Lòng Dũng Cảm
Chúng ta nhất định không được làm hại, xâm phạm đến quyền lợi của nhau. Trên thế giới, bên cạnh các quốc gia tiến bộ, văn minh thì còn không ít quốc gia lạc hậu, yếu kém. Sự giàu, nghèo, mạnh, yếu phụ thuộc vào lịch sử, thực trạng, điều kiện của mỗi nước; phụ thuộc vào con người nỗ lực hay lười nhác, ngủ quên trên chiến thắng hay tiếp tục chiến đấu. Bởi vậy, con người độc lập sẽ tạo ra quốc gia độc lập. Vậy tính cách độc lập là gì?Theo tôi, người có tính cách độc lập là người không bị chi phối và chịu ảnh hưởng của người khác, tự mình biết phân biệt đúng - sai, phải - trái, vuông - tròn. Và hơn hết, chúng ta cần độc lập cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vì thế, chúng ta không thể luôn dựa dẫm, ỷ lại ăn bám bố mẹ cũng như người xung quanh. Người thiếu chí khí độc lập thì "lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn", thì sự chủ động và tự giác bị mất đi, dần dần cái xấu sẽ tồn tại trong xã hội một cách đáng buồn. Bên cạnh đó, các chính trị gia nên kết gắn nhân dân thành một khối, sướng khổ cùng dân. Như vậy chúng ta hiểu rằng, độc lập dân tộc được duy trì bởi sức dân và chính phủ.
Hãy thử nghĩ mà xem, những đứa trẻ thường xuyên được gia đình chiều chuộng, chăm bẵm nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa và chưa va vấp, trải đời với cuộc sống bon chen, đầy tranh giành liệu có thể đủ sức để thích nghi với khó khăn và nghịch cảnh hay không? Trong cuộc sống, con người không tiến ắt có lùi, chỉ có quyết tâm và kiên trì mới giúp bạn tiến về phía trước và thành công. Cho nên, đừng bao giờ thấy người khác giỏi hơn mình rồi ngồi bi quan và ghen ghét, đố kỵ với họ. Nếu người dân muốn xây dựng nền văn minh hiện đại ắt phải bất chấp khó khăn, gian khổ đồng thời nguyện đem hết tri thức có được với 100% tim và não. Các bạn học sinh, sinh viên hãy nhớ rằng, con đường học tập là con đường duy nhất giúp cuộc đời mỗi người trở nên hạnh phúc.
3. Ý Nghĩa Của Pháp Luật Và Trách Nhiệm Của Chúng Ta
Nếu chỉ cậy vào sức mình để chống lại kẻ ác xem chừng khá khó khăn. Bởi vì, việc bắt giữ tội phạm, xét xử đồng thời hòa giải mọi cuộc tranh chấp là quyền hạn của chính phủ. Nếu tự cho mình quyền đánh đập, trả thù kẻ ác nhân thì hành động đó bị Luật pháp cho là tội giết người. Mặt khác, luật cần trình bày rõ ràng, đơn giản nhưng buộc phải thực hiện nghiêm minh để tránh trường hợp một số bộ phận người dân tìm mọi kẽ hở, lỗ hổng mà luồn lách, né tránh. Chính phủ là người đại diện quốc dân để đứng ra bảo vệ trật tự an ninh, cai trị nhân dân, đổi lại người dân sẽ đóng thuế - đầu tư để đảm bảo mọi khoản chi tiêu của chính phủ.

Mọi người dân đều phải tôn trọng luật pháp và không ai được cản trở quyền lợi, chiếm đoạt niềm vui, cướp của người khác hòng tư lợi cho bản thân. Điều quan trọng hơn cả, đó là chúng ta phải hết lòng hợp tác với chính phủ. Nếu thấy các quan chức hành động sai trái, chúng ta phải tố cáo một cách trung thực với chính phủ, chứ đừng im lặng để mọi việc xảy ra rồi mới lên tiếng. Nói tới văn minh là nói đến tri thức và đạo đức của con người. Chúng ta cần kiểm soát hành vi, cảm xúc động thời điều khiển con tim, khối óc của mình. Tất cả chúng ta đều có một cơ thể và trí tuệ. Và ai cũng có những ham muốn, tham vọng riêng của bản thân kể cả khi cuộc đời đã ổn định. Nhưng tham vọng như cái thùng không dây, nếu ngu dốt, không nỗ lực mà lại quá tham vọng ắt sẽ để lại ít nhiều hậu quả khôn lường.
4. Giá Trị Của Học Vấn Đối Với Tương Lai Chúng Ta
Mưu cầu được hạnh phúc, được học hành, có cái ăn, cái mặc là ham muốn tột bậc của mỗi con người. Khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với thế giới xung quanh thì bản thân chúng ta đang là thành viên cần có nghĩa vụ với xã hội. Tiến bộ văn minh của con người vô cùng nhanh chóng, thay đổi một cách sâu rộng, chúng ta cần phải không ngừng phấn đấu cho sự phát triển đó ngày càng tích cực. Còn trẻ là còn nhiệt huyết để mà xây dựng sự nghiệp của chính mình và dân tộc. Những quá trình nghiên cứu tri thức cần phải tiếp nhận thật chọn lọc, nghiêm túc và tinh tế. Con người càng giỏi càng được coi trọng, càng giá trị. Vì vậy, sự học là hành trình cả đời, đòi hỏi tính kiên trì và bền bỉ. Học và hành động phải là một. Ứng dụng vào thực tiễn chứ không chỉ đơn thuần là lý luận suông - "Chỉ khi nào có kiến thức sâu như vực thẳm, tiếp xúc trao đổi với người khác như chim tung cánh rộng mở tự do tự tại trong không trung, mới đúng là học giả thực thụ". Bên cạnh đó, đầu óc con người đừng chỉ bó hẹp trong phạm vi trong nước mà hãy biết vươn ra toàn thế giới, bạn bè quốc tế để phân tích, so sánh kịp thời mà tiếp tục tiến lên.

Trí tuệ là vậy, còn nhân cách thì sao? Ranh giới giữa dục vọng và tham lam, giữa gièm pha và phê phán chỉ như sợi tóc mong manh. Đầu tiên, tham lam có thể khiến cho con người hãm hại người khác, chạy theo đồng tiền một cách mù quáng nhằm xoa dịu nỗi đau khổ, bất hạnh của chính mình. Tiếp theo, gièm pha là nói xấu; phê phán là nhận định cái hay dở trên cơ sở của sự rạch ròi, minh bạch. Để duy trì bất cứ mối quan hệ nào muốn tốt đẹp nhất định cần thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, chân thành lẫn nhau.
Lời kết:
Người châu u có câu: Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người. Những kẻ không chịu lao động trí óc, lao động chân tay, không sống trọn từng phút giây, không hướng tới mục đích cơ bản của loài người chẳng khác nào loài sâu bọ phá hoại cho vườn hoa muôn hương muôn sắc. Thế nên, các bạn hãy đọc nhiều, suy nghĩ khách quan, nuôi dưỡng tri thức để mà "hôm nay phải hơn hôm qua" được không nào? Xã hội vô cùng rộng lớn, con người vô cùng phức tạp. Những điều chúng ta biết hôm nay chỉ là hạt cát giữa sa mạc, có thể bị gió thổi đi lúc nào chẳng hay. Thực sự, học tập rất quan trọng với bản thân, gia đình và xã hội.
Với tôi Khuyến Học là cuốn sách dễ đọc, phù hợp với trình độ của hầu hết mọi người. Tuy đã viết rất lâu nhưng mọi thứ Fukuzawa Yukichi viết đến nay đều rất thời sự, có chiều sâu mang một tư tưởng uyên thâm. Nếu bạn đang băn khoăn, hoang mang, chưa tìm ra con đường học tập đúng đắn thì cuốn sách này dành cho bạn. Nếu bạn muốn hiểu thêm về con người, lịch sử cuộc Duy tân Minh Trị của Nhật Bản thì nhất định không nên bỏ qua cuốn sách hay ho này. Tôi rất mong tất cả con người Việt Nam hãy đọc cuốn sách này một lần để thêm yêu nước, thêm thấu hiểu chính mình.
Review chi tiết bởi: Phạm Linh
Hình ảnh: Phương Chu
______________
Theo
dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách
và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành
CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tỉnh Quảng Trị. Cát, nắng và gió lào tiết hạ đã tạo nên cảnh quan tổng thể cằn cỗi, khô khan. Gió mùa Đông Bắc cùng những dòng mưa xối xả, cái lạnh cắt da cắt thịt như băng hoá từng tế bào. Đứng trước sự khắc nghiệt đó, con người chỉ có hai sự lựa chọn hoặc là chịu khuất phục hoặc là đương đầu với nó. Và người Quảng Trị, cần cù cùng chịu khó, đã chinh phục thiên nhiên. Tự hào với điều đó, tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân thương ấy. Đó không phải là bất lợi, đó là lợi thế. Điều căn bản, dù có sinh ra ở đâu, dù có là bất kỳ ai, chúng ta đều bình đẳng. Triết lý sống đó đã mở mang tôi, dẫn dắt tôi đến một chân trời kiến thức, mà ở đó tôi cảm thấy trưởng thành hơn. Một triết lý xuyên suốt qua những dòng chữ chân thực, mộc mạc trong cuốn sách “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi.
Thật may mắn khi được sinh ra ở thời bình. Xưa kia, Quảng Trị, nơi vĩ tuyến 17 chia cắt Bắc–Nam, trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh đẫm máu, chứng kiến những cơn mưa bom, đạn xối xả, xót xa với sự hy sinh của biết bao chiến sĩ để lại một mảnh đất yên bình. “Các vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Một quá khứ oanh liệt thật đáng được trân trọng. Đó là điều mà ông nội của tôi – khi còn sống – đã từng nói với tôi như thế, khi còn năm tuổi, đầu óc thật mơ hồ nhưng luôn thích thú với những câu chuyện của ông. Cho đến nay, sự phát triển về kinh tế - xã hội thật mạnh mẽ, thật khác biệt so với trước đây. Tuy nhiên, dù là thành phố hay nông thôn, Quảng Trị vẫn giữ vẹn nguyên nét giản dị, mộc mạc. Cũng chính vì thế, tôi lớn lên trong không gian thật yên bình, nhẹ nhàng. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Câu nói này có thể sai nhưng lại đúng với tôi. Bố mẹ tôi nghỉ học sớm, một phần vì kinh tế cũng một phần vì tính chất cuộc sống, và rồi họ là những công nhân – những người làm công ăn lương. Thế nên, họ trở nên tất bật với công việc, chú tâm vào nó để mưu sinh, cống hiến cho mái ấm gia đình. Với tôi, sự nhẹ nhàng trong không gian có lẽ đã ngấm dần trong tâm hồn. Một sự nhẹ nhàng vô vị, bình phẳng. Khoảng trưởng thành của tôi là những chuỗi ngày đi học-về nhà tuần hoàn. Vì thế, tôi có nhiều thời không cho riêng mình, tôi dành nó cho những sở thích cá nhân đặc biệt là đọc sách. Truyện ngắn, tiểu thuyết... là những thể loại đã gắn liền những tháng năm cấp hai, cấp ba của tôi. Những mẩu truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh đã thắp lên cho tôi ngọn lửa về tình bạn, tình yêu thương, tình người. Những tiểu thuyết “Giết con chim nhại”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”... dẫn dắt tôi đến ngọn lửa lớn hơn về luật pháp, sự công bằng, những triết lý nhân sinh. “Khuyến học” lại đem đến cho tôi một không gian khác, một cuốn sách triết học không nặng về ẩn dụ như “Nhà giả kim”. Tổng thể “Khuyến học” như một lời khuyên, tấm chân tình sâu sắc của người đi trước muốn truyền đạt cho thế hệ trẻ sau này, từng câu từng chữ tuy mộc mạc, gần gũi nhưng thấm đẫm những bài học sâu sắc. Và chính cuốn sách đó, đã khai mở tâm trí tôi thêm một cánh cửa mới. Cánh cửa của tình yêu thương. Tình yêu thương không chỉ dừng lại ở việc yêu bản thân, những người xung quanh, nó phát triển thành tình yêu quê hương, đất nước, muốn cống hiến cho xã hội. Chính tình cảm đó đánh thức trách nhiệm của mỗi cá nhân về bổn phận, hành động để tận hiến cho xã hội tương lai.
Xuyên suốt nội dung sách, bình đẳng là yếu tố đầu tiên được tác giả khai thác. Fukuzawa Yukichi xuất thân từ một gia đình võ sĩ cấp thấp. Cha ông - một viên chức tài chính của tỉnh - mất sớm, càng khiến gia cảnh lâm vào túng quẫn. Nỗi khổ đó cùng với chế độ đẳng cấp ở Nhật Bản lúc bấy giờ càng khiến ông thấu đạt sự tủi nhục. Chế độ quyền thế gia truyền giữa các sĩ tộc được quy định nghiêm ngặt, con cái của các Võ sĩ cấp thấp phải thưa gửi, lễ phép khi nói chuyện với con cái của các Võ sĩ cấp cao. Ngược lại, con cái của các Võ sĩ cấp cao luôn cao giọng, khiếm nhã. Sự phân biệt, chia rẽ trên dưới, sang hèn còn thể hiện trong cả lúc chơi đùa chạy nhảy. Con cái nhà quyền thế chỉ chơi với con cái nhà quyền thế. Mãi đến năm mười bốn, mười lăm tuổi ông mới được đi học ở trường làng. Ông được tiếp xúc với Nho học, nhưng lại không lấy đó làm “khuôn vàng, thước ngọc”. Mà ngược lại, Fukuzawa Yukichi nhận thấy sự bất công trong xã hội phong kiến, từ trật tự xã hội đến thao túng nền kinh tế. Người sinh ra trong gia đình thấp cổ bé họng thì sau này cũng vẫn thấp cổ bé họng. Tổ tiên là quyền quý thì đời đời là quyền quý. Tổ tiên nghèo hèn thì từ đời này sang đời khác vẫn cứ nghèo hèn.
Chỉ với một vài nét về thân thế của ông, tôi nhận ra rõ sự bất công trong xã hội. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, luôn có người giàu, kẻ nghèo. Có kẻ được sinh ra đã trong nhung lụa, nhưng có người sinh ra lại được coi là gánh nặng, khốn cùng. Thường thấy, những mẫu trích ngắn trong chương trình Ngữ văn như “Lão Hạc”, “Tức nước vỡ bờ”… đều thể hiện đậm nét về một xã hội phong kiến mục nát, phân luồng giai cấp, phân chia đẳng cấp trong xã hội. Tuy nhiên, góc nhìn của Fukuzawa Yukichi như một làn gió mới thổi qua những suy nghĩ rập khuôn, khô cứng của tôi. Thật đúng, khi sự bất công về điều kiện, vật chất ban đầu là những thứ hữu hình. Vật chất quyết định ý thức. Nó xâm chiếm đầu óc chúng ta, một tiền đề: kinh tế, mà mọi người coi là chuẩn mực đánh giá một cá nhân, một kiếp đời. Con người sinh ra là do ý muốn của Trời, không phải ý muốn con người. Chúng ta được sinh ra, ai cũng có quyền tự do sinh sống, không phân biệt trên dưới. Chúng ta có đủ những điều kiện hữu hình để phát triển theo mong muốn bản thân. Vậy điều gì khiến khoảng cách giữa người với người lại cách biệt như thế?
Suốt quãng đời học sinh, tôi như một chú cá trong biển hồ tĩnh lặng. Dòng thời gian như mặt hồ êm ả, tôi vẫy vùng, phiêu du trong biển hồ ấy. Những chú cá nhỏ là bạn, thuỷ sinh là nguồn sống. Đôi lúc, tôi bật lên khỏi mặt hồ để chớp lấy những chú chuồn chuồn nhưng cũng không ít lần để hụt. Tôi và đám bạn của mình cùng chung sống trong biển hồ - êm đềm. Chung quanh, có những chú cá có vẻ to lớn hơn, linh động trong biển hồ rộng lớn, cựa quậy mò mẫm xung quanh như để khám phá, thấu đạt. Một vài chú cá thì ngày càng bật cao hơn khỏi mặt nước, như để thoát ly sự tình xung quanh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp khác của thế giới rộng lớn. Sự va chạm, xê dịch ấy như khiến chúng thêm trưởng thành, không ít lần chúng gặp những loài cá khác, không ít lần trong lúc bật nhảy khiến nó mắc cạn, nhưng, tất cả dường như đã khác, đã thay đổi so với trước kia. Tôi thì khác, yên vị với những gì mình đang có, thoả mãn với những gì mình đạt được. Cũng chính vì thế, tôi chỉ mãi thấy ánh dương dát lên những giọt nước rồi từ từ nhạt dần – ngày qua ngày. Cũng chính sự lung linh đó càng thuyết phục, mê hoặc tâm can bình phẳng của tôi. Ngụp lặn trong biển hồ mặc cho những dòng nước liên tục dạt qua người. Tôi tĩnh tại ở một vị trí mà tôi cho rằng nó an toàn. Cho đến khi, những chú cá hoạt bát xung quanh tôi đã ngày một tiến xa hơn hiện tại, họ tiến đến những biển hồ rộng lớn hơn, những đại dương vượt xa những đám thuỷ sinh hiện tại, những vùng biển có cả gió, cát, sóng ào ạt từng khoảnh khắc.
“Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. Tựa đề “Khuyến học” như một phần nào nói lên nội dung của cuốn sách. Một cuốn sách triết học đề cao về học vấn, tầm quan trọng của giáo dục và ảnh hưởng của nó đối với đại chúng. Suy rộng ra toàn xã hội, sự chênh lệch về kinh tế xuất phát từ trình độ, kiến thức mỗi người. Chính từ sự ung dung tự tại, dậm chân tại chỗ của mình trong “vùng an toàn”, mà những người bạn của tôi đã đi đến những chân trời mới, khám phá những thứ mới mẻ. Dẫu ban đầu, tôi và bạn cũng chỉ là những chú cá trong biển hồ rộng lớn, yên tĩnh. Học vấn như những tảng đá lớn lao thẳng xuống mặt hồ ấy tạo ra những đợt dao động mạnh mẽ. Cũng từ sự lan truyền đó, người thì tránh né, người thì vui vẻ đón nhận. Liệu bạn có dập dềnh theo những đợt lan truyền đó để cảm thụ những trải nghiệm mà học thức mang lại? Chính những đợt dao động ấy làm khoảng cách giữa những người có học thức và những kẻ vô học thêm lớn dần, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người giàu, kẻ nghèo. Trình độ và kỹ năng - kết quả của học vấn đúng cách - là thước đo không chỉ giá trị của mỗi cá nhân mà còn là một xã hội, quốc gia.
Nhật Bản là một quốc gia với sự phát triển thần kì, mặc cho vị trí địa lý không tốt, những vật chất tự nhiên ít ỏi, họ vẫn phát triển trở thành một cường quốc. Bởi, con người là ưu tiên hàng đầu. Yếu tố con người dẫn đến sự thành bại của một sự kiện, phi vụ, một tổ chức, tập đoàn, một quốc gia, lãnh thổ. Trình độ con người tiên quyết về sự đột phá, đưa ra những nước đi táo bạo để vượt qua những nghịch cảnh khó khăn. Chúng ta mong muốn một cuộc sống tốt hơn, chúng ta mưu cầu những hạnh phúc để khiến tương lai thêm sáng lạn. Bản thân chúng ta – những người trẻ – tôi đã phá vỡ cái kén của vỏ bọc an toàn, không muốn dậm chân tại chỗ, không muốn thua kém người khác. Tôi đã liên tục tạo ra những giới hạn mới cho bản thân. Chính con người trước đây là người luôn tự ti, rụt rè khi đứng trước đám đông, luôn cảm thấy nhỏ bé trước quyết định của người khác mà giờ đây, bản sắc cá nhân được bộc lộ, tôi tìm kiếm những cơ hội, thách thức để đối đầu nó, đúc kết những kinh nghiệm quý giá và kiến tạo chúng cho tương lai. Tôi dám nghĩ, dám làm những điều mình muốn và bằng mọi cách tôi sẽ đạt được.
“Học, học nữa, học mãi”, dù là bất cứ ai, bất kỳ độ tuổi nào, việc học không bao giờ dừng lại. Kiến thức không chỉ nằm ở sách vở, nó còn hiện hữu trong những va chạm xã hội, cọ sát với thế giới xung quanh. Chính vì thế, chúng ta có thể tiếp cận bất kì loại kiến thức nào, vô vàn những thứ để học hỏi. Tuy nhiên, “học không chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng không phải là việc học để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học như vậy không có ích gì cho cuộc sống cả” (trích Khuyến học). Fukuzawa Yukichi - nhắc đến ông không người Nhật nào là không biết - họ nói về ông như một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại. Cốt yếu vì những tác phẩm của ông mặc dù viết hơn từ một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ. Ông đã khai thác triệt để học vấn: học những môn thiết thực cho cuộc sống. Năm hai mươi lăm tuổi, Fukuzawa Yukichi lên Tokyo, ông được tiếp xúc với thương nghiệp, “chỗ nào cũng gặp người phương Tây, tôi dùng tiếng Hà Lan để trao đổi. Họ không hiểu. Nhìn vào những tờ cáo thị, hàng chữ trên bảng quảng cáo, tôi không đọc được” (trích Fukuzawa - Tự truyện). Nhận thấy “Hà Lan học” đã trở nên lạc hậu so với thời đại, ông quyết chí bắt tay vào học tiếng Anh. Và cũng từ đó, sự nghiệp của ông như diều gặp gió. Ông được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, tiếp cận với thế giới văn vật của các quốc gia phát triển phương Tây, đồng thời mở ra những hướng mới trong nhận thức về thế giới.
Không phải ai cũng dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, đó là những người có đủ dũng khí, tư duy tiến bộ, mong muốn bản thân tốt hơn trước kia. Điều đó cũng đem đến nhiều thử thách, va chạm cho chúng ta. Những người có cá tính mạnh mẽ, biết bản thân cần gì là những cá thể độc lập, tự chủ. Nhưng lại không ít người còn hoang mang, trúc trắc, chưa biết định hướng bản thân, họ sẵn sàng tiếp nhận tất cả kiến thức xung quanh nhưng có thể chẳng đọng lại được bao nhiêu. Thiết nghĩ, chúng ta nên tự vấn: Bản thân muốn gì? và Xã hội cần gì? Chính vùng giao thoa của hai trường nhận thức trên quyết định đến phong cách sống mỗi người. Tôi muốn được quen biết thêm nhiều người, xã hội quý trọng những người năng động, tôi thực hiện nó. Tôi muốn đạt nhiều thành tích trong học vấn, xã hội cần những người tài giỏi, thông tuệ, tôi chăm chỉ học tập. Tôi yêu thích âm nhạc, xã hội là tổng hoà của những sắc màu riêng biệt, tôi nắm bắt nó. Người xưa có câu “Học đi đôi với hành”. Kiến thức được sinh ra từ thực tiễn, và cũng chính kiến thức thúc đẩy xã hội. “Dù có nhồi nhét tri thức trong đầu, nhưng không thể ứng dụng vào hành động, thực tế thì cũng vô nghĩa. Dù có thuộc làu làu truyện xưa tích cũ, nhưng không biết giá một kilogram gạo, một mớ rau là bao nhiêu. Mất nhiều năm gian khổ đèn sách, tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc để học hành, trang bị đủ loại kiến thức Âu Tây, nhưng kiếm miếng ăn chỉ nuôi miệng mình còn không nổi. Những người ấy chỉ là “cái tủ kiến thức” suông. Đối với chính miếng cơm của bản thân, đối với lợi ích của đất nước, đối với nền kinh tế quốc gia, họ hoàn toàn vô dụng, họ chỉ là hạng người “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm””(trích Khuyến học). Theo đuổi đam mê thật đáng được trân trọng, nhưng đam mê không phù hợp xã hội, gây phương hại đến bản thân thì cũng thất bại. Tôi định nghĩa “thành công” khi bạn thực hiện được những gì mình muốn, đem lại lợi ích cho bản thân, đóng góp cho xã hội. Để đạt được điều đó, trang bị những kiến thức cơ bản là điều tất yếu. Chúng ta học cách viết, ghi chép để lưu trữ kiến thức; chúng ta học tính toán, học kinh tế để giải quyết vấn đề tài chính cá nhân. Chúng ta học Đạo đức để hiểu cách đối nhân xử thế, giao tiếp hằng ngày, hình thành thái độ chuẩn mực. Chúng ta học Sử để biết quá khứ, hiện tại của quốc gia, biết cặn kẽ các sự kiện tiêu biểu từ đó rút ra những kinh nghiệm quan trọng trong xây dựng đất nước, xã hội tương lai.
Tự hào Việt Nam bốn nghìn năm văn hiến, một quá khứ lịch sử oai hùng, chúng ta chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt, những chiến công hiển hách tạo nên một Việt Nam bi tráng. Ngay thời điểm đó, truyền thống yêu nước của nhân dân ta được đẩy lên cao nhất, một truyền thống xuyên suốt và sẽ mãi tồn tại từ xưa đến nay. “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Chúng ta có một tiền đề thật to lớn để phát triển, một gốc gác đồ sộ mà hiếm đất nước nào có được. Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn nối tiếp, nhưng cũng song hành bổ trợ nhau. Những ảnh hưởng của quá khứ có thể tác động đến hiện tại và cả tương lai. Lịch sử hào hùng nước ta không những để lại những bài học về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh, giải phóng dân tộc để giành lại độc lập, tự do cho bản thân và đất nước mà còn là những bài học lớn về kinh tế, giáo dục phải kể đến “xoá nạn mù chữ 1945” hay “tuần lễ vàng 1945”. Tôi cảm thấy thích thú khi được nghe từ những người hiểu biết, những người đi trước kể về quá khứ. Tôi thích không gian náo động ấy, khung cảnh mang âm hưởng rạo rực, khí thế sẵn sàng cho những cuộc chiến. Đó là điều hiếm có để có thể quan sát, lắng nghe trong khi cách dạy Sử hiện nay thật khô khan, biến môn Sử thành môn học thuộc, chỉ để qua môn, chỉ để tốt nghiệp. Giá trị căn bản của Lịch sử không nằm ở việc bạn nhớ bao nhiêu mốc thời gian, bạn nhớ diễn biến của bao nhiêu cuộc chiến mà nằm ở sự chiêm nghiệm, thấu cảm rằng: Chúng ta được tồn tại ngày hôm nay phải đánh đổi biết bao nhiêu sự hy sinh xương máu của cha ông? Chúng ta có biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống ấy thêm ngày một phát triển và tốt đẹp?. Bốn ngàn năm văn hiến của chúng ta là một quãng thời gian không hề nhỏ, nhưng chúng ta có thể khai thác, am hiểu nó một cách tường tận và sâu sắc qua nhiều giá trị lịch sử để lại, tuy nhiên việc tiếp thu kiến thức lịch sử đa số đối với học sinh, sinh viên chỉ dừng lại ở những con số, những cái tên mà bỏ qua nhiều điều cốt yếu căn bản. Cũng chính vì thế, lịch sử Việt Nam chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, mà hiếm khi có tính ứng dụng vào đời sống hiện đại. Mỗi một cá nhân, một xã hội, một quốc gia thực sự phát triển không chỉ là sự tăng lên vượt trội về kinh tế mà nó còn gắn liền với bản sắc, nét truyền thống của cá nhân, xã hội, quốc gia đó. Nghĩa là sự phát triển phải gắn liền với lịch sử, không được tách rời quá khứ, không được đánh mất chính mình mới là sự phát triển đúng đắn, toàn vẹn.
“Học để hiểu trách nhiệm của bản thân”. Một quốc gia phát triển khi các tỉnh, thành đều phát triển; mỗi tỉnh, thành phát triển khi phường, xã phát triển; mỗi phường xã phát triển khi mỗi gia đình phát triển; một gia đình văn hoá khi các thành viên bao dung với nhau, thúc đẩy nhau; mỗi người, cá thể là mỗi bản sắc cá nhân không trộn lẫn. “Có người dân nào lại mong cho đất nước kém phát triển? Có người dân nào lại mong cho nước mình bị ngoại bang khinh miệt? Không và không thể có. Đó là tình con người trong mỗi chúng ta” - Fukuzawa Yukichi đúc kết từ tinh thần học tập to lớn cùng những quan sát tỉ mẩn – ông đã làm sáng tỏ một điều: “Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng”. Mỗi cá nhân tuy nhỏ bé nhưng là nhân tố quan trọng quyết định đến sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia. Chúng ta học tập, làm việc chỉ dừng lại ở mục đích phục vụ đời sống cá nhân, an nhàn, hưởng thụ thì chả khác gì loài kiến kiếm ăn, xây tổ, sinh sản và sống hết phần đời còn lại. Chúng ta hãy vươn lên, vượt qua những giới hạn, vòng lặp tuần hoàn của cuộc sống mà hãy hướng đến những sáng tạo, đột phá. Chỉ có thế, mỗi người mới thực sự cảm thấy sống có ý nghĩa, thấu hiểu ra rằng: Chỉ khi chúng ta vượt trội đã là một cống hiến to lớn cho xã hội, đất nước. “Do vậy, điều quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác là mỗi người chúng ta ai ai cũng phải học hành, mở mang tri thức, mài giũa tài năng, nhân cách sao cho xứng với bổn phận của mình”. Chỉ có tri thức, nhân cách là hai yếu tố giúp chúng ta trường tồn, ngày càng thăng hoa cho chính chúng ta và cho cả xã hội.
Lúc này đã là giữa những trưa tháng sáu, cái nắng Đà Nẵng không quá gắt, cũng không êm dịu sướt qua làn da của một cậu bé Quảng Trị - kể từ khi bắt đầu cuộc sống Đại học ở nơi khác. Nó hồi tưởng tôi đến cái nắng Quảng Trị hừng hực, nóng ran làm tôi hoài niệm về một trời hè thơ ấu, chứng kiến sự thay đổi của quê hương cũng là thời gian trưởng thành với gia đình, bạn bè. Nghĩ về một Quảng Trị còn thua kém nhiều điều so với tỉnh, thành khác, tôi một mực đau đáu mong muốn một Quảng Trị phát triển vượt bậc về kinh tế những vẫn vẹn nguyên giá trị cốt lõi: con người vẫn bình dị, thân thương. Sự kiên trung, lòng nhiệt thành và một ngày không xa trong tương lai, tôi khát khao về sự cống hiến, dốc sức toàn tâm toàn lực đóng góp cho quê hương.