Cụm từ “Startup” hẳn đã không còn xa lạ với giới trẻ. Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp lại càng trở nên mạnh mẽ. Hàng loạt chương trình, cuộc thi, phong trào khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, doanh nghiệp được quan tâm và rót vốn. Thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ thất bại của startup là hơn 90%. Nếu bạn đang có đam mê với khởi nghiệp, bạn chưa hề có kinh nghiệm gì trong tay, Khởi Nghiệp Bán Lẻ đích thị là cuốn sách dành cho bạn. Cuốn sách giống như một “người thuyền trưởng” đưa bạn đến một vùng đất mới với một cách thức khác để khởi nghiệp kinh doanh với tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều.

 

Câu chuyện của tác giả

Trần Thanh Phong là một tác giả, chủ doanh nghiệp và vận động viên ba môn phối hợp Ironman. Anh thành công với vai trò là CEO – chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ chơi trẻ em Bingo. Không xuất thân từ diễn giả hay tác giả mà Khởi nghiệp bán lẻ được viết từ chính những trải nghiệm làm nghề thực tế mà anh đúc kết.

Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên 20 tuổi, anh cùng với hai người bạn đã cùng nhau lập ra một kế hoạch kinh doanh rực rỡ với mơ ước phát triển một công ty phần mềm trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới. Tất nhiên, đời không như là mơ, nhất là đối với những người chưa có kinh nghiệm trong tay mà dám ước mơ lớn.

Khởi nghiệp từ con số 0, đến khi phá sản, mỗi đứa chia nhau món nợ hơn 3 tỷ đồng vào năm 2008. Tôi hay nói vui với đám bạn đó là “sự tích tay trắng làm nên nợ nần”. Năm đó tôi mới 24 tuổi và đã trải qua những ngày tháng ở tận đáy của sự căng thẳng và khổ nhục.

Ba tôi đã phải bán bầy gia súc để giúp tôi trả một phần nợ. Người bạn cùng phòng với tôi cũng không khá hơn, nó phải cắt bán một phần đất của gia đình. Nhiều người thân không mấy khá giả, trước đó đã cho tôi vay tiền, hay tin tôi đóng cửa công ty, họ kéo đến tận nhà, khóc lóc, chì chiết, đòi ba má phải thay tôi trả những khoản nợ. Suốt 2 năm sau, nợ nần không ngừng bủa vây. Tôi đã đi qua một giai đoạn rất khó khăn của cuộc sống.

 

Mơ về đảo vàng



Câu chuyện về món nợ hơn 3 tỷ đã cho chúng ta thấy rõ hơn khởi nghiệp chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng. Từ việc phá sản công ty đầu tiên của mình, tác giả đã rút ra được bài học xương máu: Nếu không có kinh nghiệm, hãy bắt đầu từ cái nhỏ thôi vì đằng nào mày cũng sẽ phải làm bài tập!

Và thế là với những “kinh nghiệm cày cuốc” trong 15 năm khởi nghiệp, đến với bán lẻ như một sự tình cờ, Trần Thanh Phong đã cho chúng ta thấy có một cách khác để khởi nghiệp kinh doanh với tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều. Đó là khởi nghiệp bằng những mô hình kinh doanh sẵn có hay còn gọi là SME hoặc Small Business. Việc của bạn chỉ là học hỏi công thức đã thành công ở nơi khác, bổ sung các cải tiến mới và nỗ lực để làm tốt hơn tại địa phương của mình.

Vậy điều gì làm cho ngành bán lẻ trở nên hấp dẫn đến vậy?


Lý do thứ nhất: Những tỷ phú hàng đầu thế giới thuộc về ngành bán lẻ

Chúng ta có thể thấy rõ minh chứng trên toàn thế giới. Từ đất nước cách ta nửa địa cầu, nước Mỹ, Sam Walton – người được mệnh danh là “ông vua bán lẻ ở Mỹ”, chủ của tập đoàn bán lẻ WalMart với hàng chục nghìn cửa hàng nằm rải rác khắp Bắc Mỹ, châu Âu và tích cực vươn sang châu Á cho đến Ortega ở châu Âu với chuỗi bán lẻ thời trang Zara. Ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không thể không nhắc đến Taobao.com của Jack Ma. Ở Việt Nam cũng có Nguyễn Đức Tài với chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động.

Một trong những bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể học từ sự thành công của họ đó là: Hãy bắt đầu từ xuất phát điểm đơn giản nhất.

Việc khởi sự kinh doanh với một cửa hàng bình thường không có nghĩa là bạn không thể tạo ra được thành tựu lớn sau này. Đôi khi, đó còn là một thuận lợi, vì ở một thị trường bị bỏ quên, bạn sẽ có ít đối thủ hơn. Bạn có đủ thời gian và cơ hội để thử sai nhiều lần trước khi mở rộng hệ thống.


Lý do thứ hai: Bán lẻ là ngành dễ dàng để bắt đầu

Bán lẻ không hề rủi ro như start-up. Bản chất của bán lẻ đó là bạn chỉ cần khoanh vùng khách hàng mục tiêu, tìm ra đúng nhu cầu của họ và đáp ứng nhu cầu đó bằng một cửa hàng thích hợp.

Bán lẻ cho bạn cơ hội để thử sai nhiều lần: Việc bạn có thể khởi động với một ít hàng hóa, hàng nào bán chậm, bạn có thể bán giảm giá để thu hồi vốn rồi thử tìm một dòng sản phẩm khác để kinh doanh. Nếu mặt bằng kinh doanh không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể di dời cửa hàng sang một địa điểm mới.

Bán lẻ cho bạn cơ hội làm từ nhỏ đến lớn: Với ngành bán lẻ, bạn có thể bắt đầu từ một cửa hiệu nhỏ, sau đó mở rộng từ từ khi đã có nhiều khách hàng hơn. Khi cửa hàng đã đạt mức ổn định và sinh lời, bạn có thể nhân rộng mô hình bằng các điểm bán mới.


Lý do thứ ba: Bán lẻ cho dòng tiền mặt đều đặn mỗi ngày

Dòng tiền chính là doanh thu mỗi ngày mà doanh nghiệp thu được.

Với bán lẻ, câu quen thuộc nhất chính là: “tiền trao, cháo múc”. Trừ khi bạn bán hàng online và chấp nhận thanh toán theo hình thức COD (giao hàng mới thu tiền), sẽ không có công nợ cũng như không có hợp đồng với các điều khoản thanh toán lằng nhằng.


Lý do thứ tư: Bán lẻ dễ dàng tự động hóa và kiểm soát từ xa

Rõ ràng rằng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhiều thiết bị, phần mềm, ứng dụng từ rẻ tiền đến đắt tiền đã ra đời giúp cho bạn có thể quản lý một cửa hàng hay một chuỗi cửa hàng một cách chưa bao giờ dễ dàng hơn.

Bạn ở nhà nhưng vẫn biết được sáng nay cửa hàng đã bán được bao nhiêu đơn hàng, cho những ai, cụ thể là sản phẩm gì. Thậm chí nếu thích, bạn có thể cài đặt để điện thoại mình sẽ rung lên mỗi khi có một đơn hàng mới.


Lý do cuối cùng: Bán lẻ dễ dàng nhân rộng

Có hai cách để tiếp tục phát triển mô hình bán lẻ thành công. Một là mở tiếp các cửa hàng khác tương tự và toàn quyền quản lý chúng. Hai là nhượng quyền kinh doanh. Dù chọn cách thức nào đi chăng nữa, thu nhập của bạn cũng sẽ tăng dần lên theo số lượng hàng mà bạn sở hữu hoặc nhượng quyền.

 

Với những lý do tuyệt vời trên, rõ ràng rằng lựa chọn bán lẻ để khởi nghiệp là một quyết định vô cùng sáng suốt, nhất là đối với những người chưa có kinh nghiệm. Tất nhiên, khởi nghiệp luôn tồn tại những nỗi sợ của sự bắt đầu. Thế nhưng hãy tin rằng không gì là không thể và việc nào thì cũng cần phải có lúc bắt đầu. Không có thời điểm nào hoàn hảo hơn thời điểm hiện tại vậy nên hãy bắt tay ngay vào các bước khởi nghiệp bán lẻ trong cuốn sách này.

 

Bản đồ kho báu


Ý tưởng kinh doanh


Việc đầu tiên đặt nền móng cho khởi nghiệp bán lẻ đó là tìm kiếm ý tưởng kinh doanh. Nghĩ ra ý tưởng kinh doanh không đồng nghĩa với việc bạn chỉ ngồi đó và suy nghĩ. Ý tưởng đó phải đến từ thực tiễn. Ý tưởng đó chỉ đến khi bạn đứng dậy và tìm kiếm ý tưởng từ những thứ xung quanh mình: ý tưởng kinh doanh ở ngay địa phương bạn, ý tưởng có ngay trên Internet, ý tưởng có ở các thành phố và trung tâm thương mại lớn, ý tưởng đến từ những người thành công đi trước hoặc cũng có thể giải quyết nhanh chóng bằng cách mua lại một thương hiệu nhượng quyền.

Lúc này bạn đã có trong tay thật nhiều những ý tưởng hấp dẫn, việc cần thiết bây giờ là tìm ra đâu mới là ý tưởng phù hợp để bạn bắt đầu. Đó có phải là lĩnh vực bạn yêu thích? Quy mô nào phù hợp với bạn? Mô hình kinh doanh này liệu có bền vững? Đây sẽ là một quá trình khó khăn đòi hỏi bạn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để biết chọn ý tưởng nào là phù hợp.

Lựa chọn nào của bạn cũng đúng và nó chỉ diễn ra khi bạn quyết định. Nhưng để có quyết định tốt nhất, hãy lắng nghe trái tim mình.


Phác thảo mô hình cửa hàng

Khi bạn đã có trong tay ý tưởng, điều bạn cần làm tiếp theo đó là xác định một chiến lược kinh doanh cụ thể. Để làm được điều này bạn cần tập trung nghiên cứu trả lời các câu hỏi: Bạn bán sản phẩm gì? Khách hàng của bạn là ai? Bạn có hiểu khách hàng của mình? Vì sao khách hàng nên mua hàng của bạn? Quy mô của cửa hàng thế nào là phù hợp?

Giả sử như để trả lời cho câu hỏi vì sao khách hàng nên mua hàng của bạn, câu hỏi này cũng đồng nghĩa với “cái nhất mà cửa hàng bạn có là gì?”, rẻ nhất hay lớn nhất, mới nhất hay tiện lợi nhất? Cái nhất nào cũng là lợi thế của cửa hàng, tuy nhiên cũng phải dựa vào độ phù hợp của sản phẩm đối với mong muốn khách hàng

Ví dụ bạn mở cửa hàng thực phẩm chức năng thì không nên chọn mới nhất, mà thay vào đó hãy chọn lớn nhất để gây dựng niềm tin. Ngược lại nếu bạn mở một cửa hàng đồ chơi trẻ em thì rẻ nhất là không phù hợp vì rẻ thường được hiểu là kém chất lượng. Thay vào đó, lớn nhất và tiện lợi nhất là hai giá trị cần phải được xem xét vì ngày nay rất nhiều gia đình có con nhỏ di chuyển bằng ô tô riêng.

 

Lập kế hoạch và huy động vốn

“Muốn kinh doanh phải có vốn”. Trên thực tế, huy động vốn là một phần của quá trình khởi nghiệp. Để huy động vốn, bạn cần phải có một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh từ A-Z. Bản kế hoạch này chính là sản phẩm đầu tiên mà bạn phải bán. Có 5 cách huy động vốn phổ biến nhất hiện nay. Bạn có thể vay vốn ngân hàng khi bạn hoặc người thân có tài sản thế chấp; vay tiền từ người thân và gia đình cũng là một phương án tốt; rủ bạn bè, người góp vốn cùng làm; thuyết phục nhà đầu tư góp vốn (tuy nhiên cách này phù hợp hơn với những người đã có kinh nghiệm hoặc thành tựu nhất định) và cách cuối cùng đó là tự tích lũy vốn.

Hãy nhớ là mọi thứ sẽ đến từ ý tưởng và sự quyết tâm của bạn. Đây là bước đi đầu tiên, thử thách đầu tiên mà bạn phải vượt qua. Nó cũng là bước đi an toàn nhất vì tới đây bạn chưa có gì để mất cả.

 

Câu thần chú của ngành bán lẻ

Yếu tố trọng tâm nhất của cửa hàng chính là sản phẩm. Sản phẩm chính là hạt nhân cốt lõi của bán lẻ, là lý do thúc đẩy họ đến với cửa hàng của bạn. Nếu không có sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng thì dù chất lượng hay giá cả có tốt đến mấy cũng vô ích.

Bạn dành rất nhiều tiền và thời gian để thiết kế, trang trí một cửa hàng lộng lẫy, để rồi sau đó họ không còn đủ tiền để có một lượng hàng phong phú ở bên trong. Tôi không phủ nhận rằng nó rất thu hút người đi đường. Nhưng sau khi bị cuốn vào khách hàng chợt nhận ra: “Ồ... shop đẹp thế mà chả có gì để mua!”. Kết quả là khách hàng lượn lờ vài vòng, hỏi bâng quơ vài câu rồi lặng lẽ đi ra. Những khách hàng đó sẽ không bao giờ quay trở lại! Tệ hơn, họ lên mạng comment cho bạn vài dòng, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

 

Đóng thuyền ra khơi

Đến với chương này, tác giả sẽ trả lời cho bạn câu hỏi làm sao để tìm được mặt bằng tốt, thiết kế cửa hàng như nào cho tiết kiệm và làm sao tổ chức khai trương thật đông khách. 

Đầu tiên chính là mặt bằng bán lẻ - yếu tố quyết định đến 50% khả năng thành bại của bạn.

Mặt bằng là công cụ quảng cáo đắc lực nhất; mặt bằng giúp xây dựng niềm tin với khách hàng; quyết định tới trải nghiệm mua sắm và ảnh hưởng trực tiếp lên vốn đầu tư và chi phí vận hành của cửa hàng.

Để chọn một mặt bằng tốt ta cần dựa vào các tiêu chí như: vị trí, diện tích,giá thuê, mức độ nhận biết, mức độ thuận tiện, thời hạn thuê, hướng nhà,...

Thứ hai là làm sao để thiết kế cửa hàng một cách thu hút mà vẫn tiết kiệm. Tác giả đã chỉ ra 4 nguyên tắc thu hút và 10 nguyên tắc tiết kiệm để các bạn có thể học tập. Ở điểm xuất phát, bạn không cần phải áp dụng tất cả các cách mà tác giả chỉ ra, bạn chỉ cần làm theo 1-2 cách là cũng đủ để có một cửa hàng tiết kiệm rồi.

Cuối cùng chính là khai trương cửa hàng mới. Khai trương là một sự kiện quan trọng, là chiêu thức hiệu quả để đem khách hàng đến với cửa hàng. Cách để ngày khai trương đông nghẹt khách là thu hút khách hàng bằng cách gây sự tò mò và hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.


 

Bắt đúng mạch vàng

Đây là phần quan trọng nhất của cuốn sách bởi nó tổng hợp tất cả các bí quyết để làm nên một cửa hàng thành công thực thụ.

Bí quyết 1: Hình ảnh thu hút – Bạn phải biết rằng trước khi khách hàng quyết định bước chân vào cửa hàng của bạn, họ phải bị thu hút bởi một cái gì đó như âm thanh, ánh sáng, các poster, bandroll.

Bí quyết 2: Không gian mua sắm lý tưởng – Mùi hương, âm nhạc, ấn phẩm, cách trưng bày cũng là những điểm nhấn tạo nên một trải nghiệm mua sắm lý tưởng.

Bí quyết 3: Khuyến mãi thường xuyên – nên nhớ thường xuyên chứ không phải liên tục, bởi mục đích chính của khuyến mãi chính là gây chú ý và tạo hiệu ứng lan truyền

Bí quyết 4: Hàng dẫn dụ

Bí quyết 5: Hiệu ứng đám đông

Bí quyết 6: Dịch vụ khách hàng bất ngờ - đừng quên rằng sự bất ngờ sẽ tạo ra lý do để mọi người bàn tán và lan truyền thương hiệu cho bạn.

Bí quyết 7: Đòn bẩy mạng xã hội

 

Ở lại cùng biển cả

Bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào cũng đều phải trải qua 4 giai đoạn của chu kỳ sống: ra đời, phát triển, bão hòa rồi chết đi. Ngành bán lẻ cũng vậy. Nếu để cho doanh nghiệp đứng yên, doanh nghiệp sẽ chết. “Nó giống như bạn bơi ngược dòng nước, khi bạn ngừng lại, bạn sẽ bị dòng nước cuốn trôi”. Để có thể giữ cho doanh nghiệp luôn phát triển, bạn phải liên tục điều chỉnh, hướng đến những mục tiêu và thách thức mới mà cách tốt nhất chính là mở thêm cửa hàng mới.

Có hai chiến lược để mở thêm cửa hàng, đó là: lặp lại toàn bộ mô hình và thương hiệu đã thành công hoặc lặp lại công thức quản lý thành công nhưng với một sản phẩm mới, thương hiệu mới.

Trong bất kỳ doanh nghiệp, công ty nào cũng cần có ý thức rằng sự thành công không thể tồn tại mãi mãi, ngày hôm nay bạn có thể đứng ở vinh quang nhưng rất có thể ngày mai đối thủ sẽ vươn lên đánh bại bạn. Vì vậy, hãy “thay máu” liên tục để tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp của mình.

 

Lời kết

Đã xác định ra biển lớn thì đừng ngần ngại những khó khăn, thử thách. Bạn có khao khát làm giàu, bạn đang nung nấu trong mình một ý tưởng kinh doanh nhưng không biết bắt đầu từ đâu, Khởi nghiệp bán lẻ chính là cuốn cẩm nang hữu ích nhất cho bạn. Không khó để tìm thấy một quyển sách khởi nghiệp đến từ nước ngoài nhưng để tìm đến một cuốn sách khởi nghiệp của Việt Nam, Khởi nghiệp bán lẻ tự hào là một trong những cuốn sách hiếm hoi đó. Cuốn sách không chỉ thiết thực với tình hình thế giới mà còn phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

 

Review chi tiết bởi: Trần Ngọc Hà - Bookademy

Hình ảnh: Thanh Thảo

--------------------------------------------


Xem thêm

“Khởi Nghiệp Bán Lẻ” sẽ trả lời cho bạn câu hỏi làm sao để tìm được mặt bằng tốt, thiết kế cửa hàng, quản lý bán hàng và tổ chức khai trương thật đông khách. Mặt bằng là yếu tố quan trọng đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ. Mặt bằng quan trọng bởi vì nó là công cụ quảng cáo đắc lực nhất. Mặt bằng tốt sẽ thu hút khách hàng bởi khi họ nhìn thấy cửa hàng của bạn mỗi ngày trên phố, nó sẽ in dấu trong tâm trí họ và khi có nhu cầu cửa hàng bạn là nơi họ chọn đầu tiên để quyết định mua sản phẩm. Tiêu chí vị trí được xem là tiêu chí số 1 mà bạn cần định hình rõ ràng. Tiêu chí thứ 2 là diện tích. Tiêu chí thứ 3 là giá thuê. Tiêu chí thứ 4 là mức độ nhận biết. Mặt bằng không cần ở khu trung tâm nhưng cần thuận lợi về đường đi, dễ nhìn thấy từ xa và gây chú ý cho người đi đường. Tiêu chí thứ 5 là mức độ thuận tiện. Vị trí bạn chọn có dễ dàng để khách ghé qua hay không? Tiêu chí thứ 6 là thời hạn thuê. Tiêu chí thứ 7 là tình trạng mặt bằng. Tiêu chí này tùy thuộc vào nhu cầu của cửa hàng bạn có cần sữa chữa hay xây dựng lại cho phù hợp hay không. Tiêu chí thứ 8 là hướng nhà. Hướng nhà ảnh hưởng đến sản phẩm và đôi khi cửa hàng nằm ở hướng hơi nóng sẽ đem đến cảm giác mua sắm không thoải mái và cũng liên quan đến phong thủy bởi bán hàng cũng cần quan tâm đến yếu tố này. Tiêu chí thứ 9 là lối đi và thứ 10 là thái độ của chủ nhà cũng vô cùng quan trọng đối với vấn đề thuê mặt bằng trong khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, một cửa hàng bán lẻ cũng cần quan tâm đến hình thức thiết kế cửa hàng, cách chọn màu sắc và cách đặt tên cho cửa hàng sao cho cuốn hút. Tất cả những vấn đề trên đều được tác giả làm rõ thông qua cuốn sách Khởi Nghiệp Bán Lẻ này!