Michel De Montaigne, một triết gia người Pháp trong Rằng triết học không phải là học cách chết đã đề cập về vấn đề cái chết:

“Nếu tôi là một nhà văn, tôi sẽ biên soạn một cuốn sách sinh tử, kèm theo một dòng ghi chú về những cái chết khác nhau của loài người: ai dạy con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống”.


Khi hơi thở hóa thinh không nói về những cái chết như vậy, những cái chết mà khi được kể lại dưới góc nhìn của người trong cuộc, chúng ta có thể nhận ra cuộc sống này đáng giá và đáng quý đến nhường nào, chúng ta biết yêu quý sinh mệnh của chính mình hơn và trân trọng sự sống của người khác.

Trước khi đến với cuốn sách, tôi muốn dẫn các bạn đến thăm một con người đặc biệt: Paul Sudhir Arul Kalanithi. Đó là tác giả của cuốn sách, một bác sĩ, một người yêu văn chương và đã từng theo văn chương, một người đã từng chứng kiến những cái chết của người khác hàng ngày và đã từng chứng kiến cơ thể mình chết đi từng giờ. Sự đặc biệt đến từ vị tác giả quá cố đã phần nào khiến cuốn sách trở nên đặc biệt hơn. Cuốn sách lớn hơn là một cuốn tự truyện, “những lời cuối cùng của tác giả khi sắp hoá hư vô", cuốn sách không phải là những dòng trải lòng muốn níu kéo một chút gì đó dấu ấn của mình rằng những con chữ kia là dấu tích còn lại rằng mình đã từng sống như thế. Với tôi cuốn sách là cuộc hành trình tìm đi tìm sự sống của người viết, đi tìm chân lí cho một sự sống đích thực của một cá nhân, của một người sắp chết. Vì thế mà ta thấy cuốn sách trở nên dữ dội hơn, sâu sắc hơn.

Paul là một tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn. Trong một cuộc trò chuyện với Abraham Verghese, anh nói rằng từng theo chuyên ngành Anh ngữ và Sinh học thời đại học ở Stanford, sau đó tiếp tục làm thạc sĩ về văn học Anh. Trong một thời điểm, anh đã từng có ý định theo đuổi con đường văn học và đã trở thành một giáo sư Anh ngữ. Nhưng rồi, hệt như người cùng tên trên hành trình tới Damacus, anh cảm thấy như là một "tiếng gọi". Thay vào đó, anh đã trở thành bác sĩ, một bác sĩ nhưng vẫn nung nấu giấc mơ trở lại với văn học bằng một cách nào đó. Như cuốn sách này vậy.

Và đọc cuốn sách này, thực sự là một hành trình dũng cảm, để chiến đấu với sự ỳ chệ và vô tâm của chính bản thân mình, để đối mặt với sự thật trần trụi về nghề y, sự sống và cái chết của chính bản thân mỗi chúng ta. Nhất là “...trong một thế giới thông tin thiếu đồng bộ, khi chúng ta vùi mặt vào màn hình, mắt dán chặt vào những thiết bị chữ nhật trên tay, sự chú ý của chúng ta bị thiêu rụi bởi những phù du, xin hãy dừng lại để trải nghiệm cuộc đối thoại này…” với Paul, và thậm chí, là với bản thân mỗi chúng ta.

Về những cái chết

           “ Webster ám ảnh nhiều về cái chết

            Và nhìn thấy xương sọ dưới lớp da

             Những sinh vật không ngực sâu trong đất

             Ngả về sai trong nụ cười không mùi

                             - T.S.Eliot, “Lời thì thầm của bất diệt”  -

Đã có những khoảnh khắc, đọc cuốn sách này là một điều khó khăn với tôi, bởi có nhiều khoảnh khắc đau đớn, có nhiều sự ra đi và những ám ảnh về sự mất mát. Paul là một bác sĩ, môi trường xung quanh cuộc sống của anh là bệnh viện. Và không ai hết, chính anh đã cho chúng ta thấy những cuộc đời với những mảng sáng tối khác nhau, nhưng chung quy lại, họ đều bằng một cách nào đấy đối diện cái chết, với sự sống của chính bản thân họ. Cái chết là một điều ám ảnh không chỉ với Paul, với các nhân vật của mình mà còn với chính bản thân người đọc. Đôi khi, với một số người, cái chết là một điều quá xa vời để họ nghĩ đến, để lường trước, hay được chuẩn bị, dù biết là sau cùng ai cũng phải chết. Tại khoảnh khắc giữa sống và chết đó, ta chỉ có thể nghĩ về Samuel Beckett, về phép ẩn dụ về những giới hạn cuối cùng:

            “ Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây… Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên trong một khoảnh khắc, và lần nữa lại là đêm.”.

Có thể đôi khi trong cuốn sách, chúng ta cảm thấy lạnh lẽo bởi các bác sĩ, những cô y tá quá quen với những xác chết. Vì vậy đọc cuốn sách là một điều khó khăn, để chấp nhận sự vô thường đến và đi như những điều hiển nhiên trong cuộc đời. Như cậu bé Matthew tám tuổi, nhập viện vì những cơn đau đầu để rồi cậu đã phát hiện ra cậu bị một khối u tiếp giáp khối dưới đồi. Hay như một ông nghiện rượu, mất khả năng đông máu, bị chảy máu tới chết ở những khớp xương và dưới da. Một nhà nghiên cứu bệnh học thì chết vì viêm phổi, khò khè từng hơi thở hấp hối trước khi đi khám nghiệm tử thi và hàng tá những trường hợp chấn thương khác: tự tử, bị bắn súng, đánh nhau, tai nạn xe máy, đâm ô tô,... Và ngay cả chính Paul cũng cảm nhận được “Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra”. Vì vậy đọc cuốn sách này, là một cách gián tiếp để chúng ta đối diện với cái chết, hay cụ thể là cái chết của chính bản thân mình một cách dũng cảm hơn, theo đuổi nó, nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt.

Những cái chết ấy là một sự phản chiếu để chúng ta nhìn lại chính cuộc đời mình. Đọc sách không phải chỉ là công việc của trái tim, của lòng thương cảm và nơi lòng trắc ẩn được rung lên. Cuốn sách đã cho chúng ta thấy rõ về bản thân và cuộc đời mình, để điều chỉnh một lối sống, để nhớ rằng mình đang sống và một ngày nào đó mình sẽ mất đi, để sống có ý nghĩa hơn, tử tế hơn. Vì cái chết và ý nghĩa, là những câu hỏi mà tất cả chúng ta sẽ đều phải đối mặt tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Và trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là sống như thế nào là đáng sống?

Những trải nghiệm ngành Y

 Ấn tượng của tôi đối với bác sĩ, rằng họ là những người lạnh lùng, là những con người có tinh thần thép, họ bất khuất trước mỗi sự đụng độ với cái chết, trong cuộc tranh giành mạng sống với tử thần. Bản thân Paul là một bác sĩ, nên cuốn sách là môi bộ phim tài liệu chân thực không kém về ngành Y, không chỉ với những hoạt động của họ, mà còn ở trong suy nghĩ, qua lý tưởng, niềm tin, sự day dứt hay trăn trở của họ qua từng câu chữ. Như Paul đã kể rằng

“Trước đây, khi tôi tạo một đường cắt nhanh qua cơ hoành của người hiến tặng để dò tìm động mạch lá lách, giám thị của chúng tôi vừa giận tím người vừa khiếp đảm. Không phải vì tôi đã tàn phá một cấu trúc quan trọng hay hiểu sai một quan niệm chính yếu hay phá huỷ những đường nét cắt mổ sau đó mà bởi vì tôi đã có vẻ mặt rất ung dung trong việc làm việc đó. Ánh nhìn trên khuôn mặt ông, sự bất lực của ông để thể hiện nỗi buồn đó thành lời đã dạy cho tôi nhiều hơn về y học hơn bất cứ một bài giảng nào tôi từng dự”.


Và chính Paul, anh không cho phép mình trở thành một bác sĩ kiểu Tolstoy, luôn chú tâm đến mấy phương thức chữa bệnh và hoàn toàn để lỡ những điều quan trọng lớn lao hơn của con người . Với bản thân anh, lý tưởng cao nhất không phải là cứu lấy mạng sống, vì suy cho cùng, ai rồi cũng sẽ chết, mà là dẫn dắt để người thân và gia đình họ có được sự thấu hiểu về cái chết và bệnh tật. Những gia đình đứng trước những người thân yêu của họ, họ thấy quá khứ, những ký ức chất dồn, tình yêu mới nhen, đều ở trong cơ thể trước mặt. Còn những bác sĩ, họ thấy những khả năng trong tương lai, về sự sống còn, vì vậy trong những khoảnh khắc đó, bác sĩ chính là những người thân của họ hiểu rằng, họ sẽ phải đưa những sự lựa chọn: một cái chết nhẹ nhàng hay một tương lai bị chằng buộc giữa những túi dung dịch đi vào trong cơ thể, để bám trụ cuộc sống dù mất khả năng chiến đấu.

Đọc cuốn sách, chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn về những con người đã lựa chọn hiến dâng cuộc đời của mình cho ngành Y. Những con chữ vượt ra ngoài khả năng của nó để cho chúng ta thấy sự trăn trở, day dứt của Paul hay chính đồng nghiệp của anh về đạo đức, về lương y về nghề nghiệp, về sự sống còn cho bệnh nhân hay là một cuộc đời thật sự ý nghĩa. Paul đã viết về tâm lý của một bác sĩ không phải trong vai một bác sĩ đối với bệnh nhân, mà là một con người đối với con người. Để từ ấy mà ta có thể thấu cảm, đồng cảm với nhau, để yêu thương, trân trọng nhau, trân trọng sự sống của chính mình, sự lao động và tấm lòng của những người làm nghề y.

Sau cùng

Cuốn sách là một hành trình của Paul trong việc đi tìm kiếm ý nghĩa cuối cùng trong cuộc đời mình. Paul vừa là bác sĩ, vừa là bệnh nhân. Vì cuốn sách là cuốn tự truyện của anh trong những ngày cuối đời nên ta đã cảm nhận được không phải chỉ là sự lo lắng, nuối tiếc, mà sau cùng còn là nỗ lực sống, khát khao sống để hướng đến một cuộc đời ý nghĩa. Một vị bác sĩ chuyên khoa nội trú tài năng, từng đứng ra để giành lại sự sống cho người khác nay lại bất lực trước chính căn bệnh của mình. Ta đã chứng kiến anh đau đớn đến thế nào, không thể tự quyết định được cho chính mình, khi sống mà chứng kiến cơ thể mình sẽ dần héo mòn đi. Paul đã từng chứng kiến cái chết của biết bao bệnh nhân khi còn làm việc, nhưng đến nay thì anh phải đối mặt với cái chết của chính mình vào ngay cái thời điểm sự nghiệp đang thăng hoa nhất, tình yêu đang đong đầy nhất. Một người đã tưởng như là hiểu rõ cái chết nhưng chỉ khi ở trong nghịch cảnh đó, anh mới hiểu được cái chết thực sự là thế nào. Có cách nào hiểu được nó tốt hơn việc sống trong nó? Chính trong khoảng thời gian đó, cuốn sách này được viết ra như là để anh suy nghiệm về những chặng hành trình của bản thân. Để hiểu được tất cả những trải nghiệm của bản thân, anh cần phải dịch ngược chúng thành lời. Hemingway mô tả quá trình này theo cách tương tự: Thu lượm những trải nghiệm phong phú, sau đó lui mình về để suy tư và viết chúng. Và viết cuốn sách này là cách để Paul kết nối với quá khứ, với những trái nghiệm đã qua, đồng thời cũng là cách để hướng về tương lai, về sự sống phía trước. Cuốn sách không phải là một cuốn tiểu thuyết, cuốn sách là cuộc đời thật, là những chia sẻ, là kinh nghiệm của một con người đã hiểu và đã sống trong hoàn cảnh đó, để cho chúng ta cơ hội soi chiếu một cuộc sống đúng nghĩa hơn.

Một điều khiến tôi cảm thấy ý nghĩa hơn ở trong cuốn sách này, là phần còn lại của cuốn sách được viết bởi người vợ của anh - Lucy - vì phần cuối đời anh không có khả năng viết tiếp được. Cuộc sống của anh lại một lần nữa sống dậy trong chính những câu chuyện của vợ anh, của con gái anh, Cady, gia đình anh. Anh đã là một người bác sĩ trong thì quá khứ, đã sống rất tốt ở hiện tại hoàn thành, và thì tương lai, không phải là một dấu chấm hết, không phải là những tờ giấy trắng tinh. Thì tương lai của Paul, nằm ở trong chính những người thân yêu của anh, nằm ở niềm tin, hy vọng trong họ. Như chính thông điệp cuối cùng mà anh gửi tới con gái anh:

“Khi đến một khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có ý nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm tháng trước đây, một niềm vui không khiến cha thèm thuồng hơn nữa mà là thoả mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”

Để sau cùng, tôi nhận ra, cuộc sống của một người không bao giờ chấm dứt. Đâu đó trong cuộc sống này, dù ai đó đã mất đi, nhưng họ vẫn bằng một cách nào đấy sống trong mỗi chúng ta: qua một dáng hình, một giọng điệu, một thói quen, qua những câu chuyện rời rạc còn lại và còn qua cả những kỉ niệm, nỗi nhớ. Và nỗi sợ nếu như cuộc đời bạn là vô nghĩa có khủng khiếp không ư? Tôi dám khẳng định rằng cuộc đời của chúng ta không ai là vô nghĩa. Cho dù bạn có đi tìm kiếm định nghĩa về cái chết, sự sống và ý nghĩa của nó, hay bạn không có ý định đi truy tìm những định nghĩa ấy, thì cuộc đời bạn vẫn có giá trị đối với cuộc đời một ai đấy, như cách mà Cady đã làm tròn vẹn cái niềm vui và ý nghĩa cuộc đời của một người cha đã mất. 

             “Khi nghĩ về mục đích sống của Paul, tôi thường nghĩ về ca từ của một bản thánh ca trích trong Trên Đường Hành Hương: 

                           “Người nhìn thấy dũng khí thật sự

                             Hãy đến đây

                             …

                             Những viển vông sẽ bay đi

                             Ngươi sẽ không còn sợ những gì người đời nói

                             Ngươi sẽ gắng sức cả đêm lẫn ngày

                             Để trở thành một kẻ hành hương”

Quyết định nhìn thẳng vào cái chết của Paul không chỉ là một minh chứng cho con người anh trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mà chính anh như trước đây vẫn vậy. Phần lớn cuộc đời mình, Paul luôn băn khoăn về cái chết - và liệu anh có thể đối mặt với nó một cách trọn vẹn tâm hồn mình hay không. Kết thúc, câu trả lời là Có".

Khi hơi thở hóa thinh không là một cuốn sách đáng đọc, trong khoảng lặng những câu chữ của anh, hãy lắng nghe anh để rồi lắng nghe thấy chính mình. Tôi hy vọng bạn sẽ trải nghiệm được nó. Và cuốn sách này, là một món quà, cho tất cả chúng ta, những kẻ đang sống.


Review chi tiết bởi: Hoàng Dịu - Bookademy


Hình ảnh: Hoàng Dịu - Bookademy

--------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Mình tìm đến “Khi hơi thở hóa thinh không” vào những ngày chán nản của cuộc đời, khi xung quanh đều là những cảm xúc tiêu cực, mình quyết định chìm đắm trong những trang sách để tìm lại bản thân, tìm kiếm những động lực để sống tốt. Những cảm xúc sách mang lại cho mình quá nhiều: từ xúc động đến day dứt sau đó là bài học rút ra từ cuốn tự truyện này. Dưới đây sẽ là những dòng review sách dựa trên cảm xúc của bản thân mình.

Mở đầu cuốn sách là những dòng tâm sự đầy nặng nề của Kalanithi

“Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chuẩn đoán đã rõ ràng: Hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.”

Từng là một “thiên thần” cứu rỗi sự sống cho rất nhiều người, giờ đây từ vị trí bác sĩ trở thành bệnh nhân, là một bác sĩ anh hiểu rõ hơn hết căn bệnh này sẽ nhanh chóng cướp đi sinh mệnh của mình. Lúc này anh đành phải giành lấy sự sống nhờ đồng nghiệp của mình mặc dù anh còn hiểu rõ hơn hết tình trạng của mình hơn cả bác sĩ điều trị cho anh. Nghe thật xót xa, bạn sẽ làm gì nếu biết mình sắp phải chết? Khi nói đến cái chết chúng ta đều sẽ suy nghĩ đến những điểm tiêu cực của cuộc sống. Chết có nghĩa là hết, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa, nhưng đối với Kalanithi thì khác anh rất dũng cảm khi đối diện với nó. Với kinh nghiệm lâu năm, anh đã chứng kiến rất nhiều người phải tạm biệt thế giới này bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện tại lại chính là Kalanithi, anh hiểu rõ hơn hết cảm xúc của họ và chính bản thân mình đang chuẩn bị phải đối diện với điều gì? Những gì Kalanithi làm chỉ vỏn vẹn trong hai từ là “dũng cảm” mà thôi nếu là các bạn có thể làm gì khi đứng trước cái chết? Mình thật sự cảm động khi đọc những dòng tự truyện này, trong cuộc chiến đấu với tử thần Kalanithi đã đem tất cả dũng khí của mình để đối diện, anh chiến đấu như một chiến binh thật sự.

Là một bác sĩ đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, căn bệnh ập đến không một thông báo như dập tắt hết tất cả dự định của Kalanithi. Nhưng cách mà Kalanithi đối diện với cái chết làm ai trong mỗi chúng ta đều phải nể phục, bệnh tật không đánh gục tinh thần của anh, nó làm anh trân trọng cuộc sống, trân trọng những ngày cuối đời của mình, thực hiện ước mơ viết lách. Cuốn sách được viết một cách cẩn thận, tỉ mỉ bởi Kalanithi. “Khi hơi thở hóa thinh không” sẽ mang đến cho bạn những hoài niệm về sự sống và cái chết. Được sống là một điều tuyệt vời nhất, cuộc chạy đua với bệnh tật của Tác giả sẽ đem lại cho bạn đọc những cảm xúc đặc biệt. Không than vãn một câu, không buông xuôi. Tận hưởng những ngày cuối đời một cách đúng nghĩa là cách Kalanithi đối diện với “án tử” của cuộc đời mình.

“Kalanithi mất vào ngày mùng 9 tháng ba năm 2015 bên cạnh gia đình, bên chiếc giường chỉ cách phòng sinh đẻ nơi con gái Candy của chúng tôi chào đời tám tháng trước đó chưa đầy 200m. Trong khoảng thời gian giữa ngày sinh của Candy và ngày mất của Paul nếu bạn bắt gặp chúng tôi đang ngồi gặm sườn nướng tại một nhà hàng BBQ địa phương và mỉm cười bên ly bia uống chung, bên cạnh là cô gái nhỏ tóc tối màu với hàng mi dài nằm trên xe đẩy, bạn sẽ không bao giờ đoán được rằng cuộc sống của Paul chỉ còn chưa đầy một năm nữa, và chúng tôi cũng không hiểu được điều đó” – Lucy Kalanithi

Khi đọc đến những trang cuốn cùng của cuốn sách mình có chút hụt hẫng vì Kalanithi đã không thể hoàn thành nó mà chính người vợ của anh Lucy đã giúp anh viết nên những trang cuối cùng của cuốn tự truyện ấy. Và điều làm mình thật sự rơi nước mắt chính là những dòng nhật ký mà Lucy viết cho cô con gái của họ là Cady

“Khi một ai đó ra đi, mọi người thường có xu hướng sẽ nói những điều tốt đẹp về người đó. Con hãy nhớ rằng những điều tuyệt vời mọi người đang nói về cha con là thực. Cha con thật sự tốt đẹp và dũng cảm”

Quả thật cái chết rất đáng sợ. Thế nhưng vẫn còn một điều đáng sợ hơn, đó là khi cận kề với tử thần nhưng không đủ dũng khí để đối diện. Câu chuyện của Paul Kalanithi trong “Khi hơi thở hóa thinh không” chính là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, muốn sống trọn vẹn hơn nữa khi còn có thể, và thanh thản bước đi đến khoảnh khắc nhắm mắt xuôi tay.

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở tuổi 36, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Tưởng chừng như đây sẽ là cột mốc đánh dấu cho những trang đầu tiên trong chương cuối cuộc đời của vị bác sĩ trẻ, thế nhưng thực tế lại diễn ra trái ngược hoàn toàn. Paul Kalanithi vùng dậy đấu chọi với số phận và có cho mình những ngày tháng đẹp nhất trong quãng thời gian còn lại của anh. Bác sĩ Kalanithi quyết định thử nghiệm các cách chữa trị mới thay vì hóa trị, xạ trị, cùng vợ bàn bạc rồi đưa ra quyết định sinh con, cũng như thử làm điều mà anh vẫn luôn đam mê từ thuở bé là viết lách.

Sống đủ lâu, người ta có thể hiểu rằng cuộc sống này không có gì là thực sự trọn vẹn. Với cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không” này cũng vậy. Tác giả Paul Kalanithi đã ra đi thanh thản bên những người thân yêu, để lại bản thảo vẫn còn dang dở cho vợ mình tiếp bút viết xong chương cuối. Qua ngòi bút của người hiểu rất rõ về căn bệnh ung thư, cái chết hiện lên lạnh lùng, ám ảnh đến não nề. Thế nhưng bên cạnh đó, độc giả vẫn có thể cảm nhận được sức sống mãnh liệt, một tinh thần sống hết mình, đừng chỉ tồn tại rồi phải hối tiếc về sau. Đó chính là thứ khiến “Khi hơi thở hóa thinh không” mang đầy giá trị nhân văn và xứng đáng nằm trên kệ sách của bất kỳ ai.

Trong tác phẩm, chúng ta không chỉ cảm thấy ngưỡng mộ một trái tim mạnh mẽ của Paul, mà còn trân trọng những người cùng anh đi suốt những khó khăn của cuộc đời. Câu chuyện không chỉ là bài ca của sự dũng cảm, của nghị lực mà còn là một khúc tình ca về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, về thứ tình cảm gia đình không thể xóa nhòa. Dù mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn, dù con người dần trở nên bất lực trước sự trớ trêu của cuộc đời, không đồng nghĩa người ta chỉ cô độc một mình. Paul có được sự mạnh mẽ ấy vì bên anh còn có một gia đình, một tình yêu giúp anh vững bước trên con đường níu giữ sự sống. Tình yêu khiến con người ta trở nên mạnh mẽ, trở nên dũng cảm, và trở nên tham lam, tham lam vì sự sống, tham lam vì những người mình yêu. Lucy, vợ của Paul, đã trải lòng mình trong đoạn viết tưởng nhớ những ngày cuối cùng bên chồng, đó là: “Chúng tôi hiểu rằng, bí kíp để kiểm soát một căn bệnh thập tử nhất sinh lại chính là yêu thương – để có thể bị tổn thương, để có lòng tử tế, để bao dung và để biết ơn”. Chính Paul cũng đã thì thầm với đứa con gái chưa biết gọi tiếng cha của mình: “Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”

Tiêu đề của quyển sách khiến tôi trằn trọc, rồi suy nghĩ mãi. Một tác phẩm hay là một tác phẩm gợi mở nhiều điều để người đọc tiếp nhận, nó là một tiếng gọi cho lòng người chứ không phải một bài diễn văn về giá trị của cuộc sống. “Khi hơi thở hóa thinh không” là một nhan đề đầy gợi mở, chỉ bảy chữ mà khiến lòng người bai dư ba bão táp. Nó như một lời đề từ cho cả tác phẩm, giúp người đọc một phần đoán ra giá trị mà tác phẩm muốn thể hiện. Quả thật, khi cầm quyển sách trên tay, đọc cái tiêu đề trên nền xanh ấy, chính bản thân cũng nhói lên một nhịp. Không phải vì cái hình ảnh người bác sĩ, không phải từ cái câu chữ in trên bìa sách, mà là vì cuộc đời của người bác sĩ tài hoa Paul Sudhir Arul Kalanithi.

Tôi, đi theo hành trình của tác giả, là đi theo chuỗi những ngày dài đấu tranh với cái chết. Cái chết, ung thư, có đáng sợ? Cái chết liệu có phải sự kết thúc? Hay đơn giản, cái chết chính là kết thúc của một khởi đầu. Cái chết trong tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất . Mặc dù trong tác phẩm, xuất hiện rất nhiều từ ngữ chuyên ngành y học, tuy nhiên bằng ngòi bút văn chương của bản thân, tác giả đã đưa ra một cách nhìn đơn giản nhất nhưng cũng triết lý nhất  về cái chết. Là một bác sĩ, tác giả nhận thức mình đã và đang mang trên mình một cái ách nặng nề về trách nhiệm trọng đại, về cái sự cao cả của một chiến binh chiến đấu hết mình dẫu biết phải hy sinh trên chiến trường đầy ác liệt. Chính tác giả cũng hiểu được một cái đạo lý vốn không công bằng của cuộc đời “Cho dù bạn có hoàn hảo, nhưng nhân gian thì không.” ,như một lẽ tự nhiên, cái chết sẽ luôn chiến thắng hả hê trước bao nỗ lực níu giữ chân người bệnh. Dù biết rằng  cuộc sống vốn dĩ ăn gian, tất cả sẽ thua cuộc trước bánh xe của cuộc đời nhưng điều đó không cho phép tác giả buông tay, hay ngừng nghỉ chiến đấu. Sẽ chẳng có ai đạt đến được sự hoàn hảo, nhưng “ bạn có thể tin vào đường tiệm cạn của những gì mình không  ngừng hướng tới.”

Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra. Paul đối mặt với cái chết, “cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỉ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.” có lẽ đôi tay cầm dao mổ đã hóa thinh không , nhưng chính anh cũng mở ra một cánh cửa mới về văn chương – một phần con người anh. Paul chọn văn học để làm cuộc sống của mình thêm ý nghĩa, dựa vào những câu chữ mà viết nên một triết lý nhân sinh. “Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước. Văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi. Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?” Giữa sự sống và cái chết, Paul như một chiến binh sừng sững, giữa chiến trường an nguy mà không sờn, anh hũng như một vị thần dũng mãnh. Bởi, chính anh hiểu trọn vẹn được rằng, sự sống không đo bằng tháng năm mà bằng những khoảnh khắc mình đang sống. Song hành cùng tác phẩm của mình, Paul đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về cái chết. Văn học đem đến cho người đọc nhiều điều hơn là câu chữ, một tình cảm ta chưa có, một cảm xúc ta đã có. Văn học là một khối cầu nhiều màu sắc của cuộc đời, qua những ánh sáng phản quang mà kiến tạo một cuộc sống muôn hình vạn trạng. Nếu như Paul nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn bình thường, cái chết khiến Paul gục ngã, chính bản thân anh trầm mình vào những đau thương của một linh hồn dần bị cái chết dẫn dắt thì “Khi hơi thở hóa thinh không” đã không làm thổn thức bao tâm hồn giữa dòng đời chênh vênh. Trong sự chòng chành của cuộc đời, Paul đã nương mình theo một điểm tựa, sống là để cống hiến, sống sao cho lòng không hối hận, dù ngay cái chết đã cận kề sau từng ngưỡng cửa, vẫn vươn mình đón những ánh nắng sớm mai. Tác phẩm viết vể cái chết, nhưng không làm người đọc cảm thấy sợ hãi. Tác phẩm viết về cái chết mà làm lòng người thổn thức. Nó đặt ra những suy nghĩ trong lòng người đọc. “Khi hơi thở hóa thinh không” đã làm trọn vẹn thiên chức của một tác phẩm văn học, nó nhìn về cái bi lụy của cái chết để tìm ra cái ánh sáng của sự sống. Cái chết đóng lại cuộc đời của một người bác sĩ, nhưng cái tuổi 35 ấy lại sống trọn giữa thế thái nhân sinh, để trái tim của cuộc đời người bác sĩ tài hoa ấy vẫn ngàn năm còn đập những nhịp đập rung rinh trước cuộc đời. Tác phẩm lấy một đề tài về cái chết, viết về cái chết nhưng lại giúp tác giả níu trọn sự sống, cái sự sống khi tìm ra ý nghĩa cuộc đời.

Phải chăng, chỉ khi con người giả từ sự sống để hòa vào vòng tay cõi chết thì chúng ta mới đứng tại làn ranh đó để nhận ra ý nghĩa cuộc đời, mới vứt bỏ mọi phù phiếm, đi sâu vào nội tâm mình và sống trọn vẹn khi còn có thể. Paul không thuyết giáo, không hô hào, mà chỉ dung đôi dòng tâm sự. Tựa như bầy tôi của khoa học những cũng là đứa con của văn chương, tác giả đã lựa chọn chân thành với người đọc khi đối diện với cái chết của chính mình, để người đọc sống cùng anh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời dù thời gian của chính anh đã sắp ngừng trôi, để khi câu chuyện qua đi, trong lòng người vẫn còn dư ba súc tích.Paul nhận ra rằng: “Hầu hết chúng ta đang sống với sự nhận biết thụ động về cái chết – đó là điều xảy ra với bạn và những người xung quanh bạn. Nhưng chúng tôi (các bác sĩ) được đào tạo để chủ động giao chiến với cái chết, vật lộn với nó – và trong lúc làm điều đó, trực diện với câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời”.

“Khi hơi thở hóa thinh không” là một quyển sách đặc biệt. Sự đặc biệt của nó không chỉ nằm ở nội dung cao cả mà nó biểu đạt, mà nằm ngay câu chuyện đằng sau của tác giả Paul Kalanithi. Một tác phẩm văn học có chiều sâu là tác phẩm ẩn chứa một thông điệp sâu sắc, người nghệ sĩ lấy chất liệu từ hiện thực đời sống khách quan, dưới lăng kính của bản thân mà thổi hồn vào tác phẩm, đem cái triết lý được trải nghiệm suốt cả cuộc đời để tìm kiếm những con người đồng điệu. Dưới lớp vỏ của ngôn từ, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc triết lý của cuộc đời, của sự sống và cái chết. “Ai dạy cho con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống”, triết lý của tác phẩm không phải giáo điều cũ kĩ, không phải bài diễn văn về triết lý nhân sinh, mà từ câu chuyện của một người mà làm triệu người rơi nước mắt. Những câu chuyện về người làm ngành y cố gắng cứu chữa bệnh nhân, cách các tác giả đấu tranh với thần chết để níu trọn sự sống cho người bệnh đã là một câu chuyện cũ, ở đây, vẫn đề này được tiếp nhận một cách mới mẻ và thực tế hơn. Chính tác giả cũng là một bác sĩ, ở tuổi 35, chính anh cũng nhiều lần trải nghiệm sự giao thoa giữa sự sống và cái chết, vì vậy, cái cách trần thuật trong tác phẩm cũng gần gũi và “trần trụi” hơn nhiều. Trong tác phẩm, anh vừa là bác sĩ, bất ngờ hơn, đau đớn hơn, anh cũng là một bệnh nhân, một bệnh nhân hiểu rõ trọn vẹn quá trình “héo mòn” của mình, một người “giúp theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt”.

Bằng cách đảo ngược dòng trần thuật, từ việc mô tả cảm xúc khi nhận được xét nghiệm “Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối của chương trình nội trú, trong suốt sau năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biêt: ảnh chụp là của… chính tôi.” rồi hồi tưởng cái khoảng thời gian ngày xưa ấy, cái khoảng thời gian thơ ấu khi tác giả được mẹ mình, thông qua những tác phẩm kinh điển, mà gieo vào những hạt mầm của triết lý, của đạo đức, về cuộc sống về cuộc đời. Đến lúc, hoang mang giữa một ngã tư đường trở thành một nhà văn hay theo nghiệp y nối tiếp truyền thống gia đình, tới thời điểm trở thành một trong những bác sỹ phẫu thuật thần kinh vượt trội và cuối cùng là kết thúc trên giường bệnh của một bệnh nhân mà sự sống chỉ kéo dài một vài năm. Dòng trần thuật này cũng là một điểm cộng trong cách hành văn của tác giả. Không theo dòng thời gian đơn thuần, sự việc nào xảy ra trước được kể trước, cách hành văn này khiến tác giả gây ấn tượng hơn trước chuỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời của tác giả, góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của Paul cũng như khiến những triết lý trong tác phẩm có một cơ sở rõ ràng, chứ không đơn thuần là sự “ngộ nhận” hay trải nghiệm suông.

Chết có gì đáng sợ, dũng cảm đối mặt & chiến đấu với cái chết đó mới là thứ cao đẹp mà không nhiều người làm được. Với “Khi hơi thở hóa thinh không”, Paul Kalanithi đã cho cả thế giới thấy một cái nhìn đầy chân thực về tình cảnh của một con người văn minh lúc cận kề cái chết. Đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố, từ hy vọng tới tuyệt vọng, từ buồn đau tới sung sướng, và trên tất cả, là một sự nuối tiếc cho một sự nghiệp sắp tới đỉnh cao biểu hiện rõ nhất bằng việc khi anh lìa đời thì đây là một cuốn sách vẫn chỉ còn là bản thảo.

Cũng như nhiều tài năng trẻ khác, Paul vẫn có nhiều ước ao và dự định khi anh trở thành một bác sĩ. Điều ước giản đơn như xây dựng tổ ấm, có một công việc ổn định hay thậm chí là viết một cuốn sách để đời. Tất cả đều là những ước mơ không hiếm gặp. Tôi & bạn, đều đã từng có những giấc mơ như thế.

Với một người bình thường, một tuổi trẻ tràn trề năng lượng chắc hẳn sẽ tuyệt vọng biết chừng nào khi biết mình mắc bệnh. Còn với cương vị là một bác sĩ, hiểu rõ chắc chắn nhất về sự chết và căn bệnh ung thư, thì sự tuyệt vọng còn đến nhanh và quyết liệt hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, kể từ lúc bị chẩn đoán mắc bệnh, Paul đã liên tục hỏi bác sĩ của mình về đồ thị đường cong chết chóc

Nhưng khác với nhiều người lựa chọn buông bỏ, sống một cuộc sống không ngày mai, Paul chọn cách đối mặt dũng cảm hơn. Anh thử nghiệm phương án chữa trị mới, không cần đến xạ hóa trị. Anh quay về với cuộc sống thường ngày của một bác sĩ. Anh bàn với vợ về vấn đề sinh con. Anh chiến đấu với tử thần trong một nỗ lực tột cùng để níu kéo lấy sự sống. Đó không đơn giản chỉ là một sự lựa chọn, đó là thứ ánh sáng hy vọng cho những người cùng cảnh ngộ như anh!

Khi bác sĩ Paul Kalanithi viết email cho người bạn thân nhất vào tháng Năm 2013 để thông báo về căn bệnh ung thư của mình, anh viết, “Tin vui là tớ đã sống lâu hơn cả Brontës, Keats và Stephen Crane. Tin buồn là tớ vẫn chưa viết được cái gì cả.” Đó là cách đùa của Kalanithi khi anh nói về căn bệnh ung thư bất ngờ ập đến với mình. Bên cạnh đó Kalanithi cũng mong muốn viết một tác phẩm để đời. Anh đã sống một cuộc đời tốt đẹp, dũng cảm và không muốn nó bị lãng quên.

“Khi hơi thở hóa thinh không” là một cuốn sách phi thường về một điều hết sức bình thường: cách chúng ta sống và đối diện với cái chết. Kalanithi là một bác sĩ giải phẫu thần kinh trẻ tuổi, tài năng, người được định sẵn cho những điều tuyệt vời. Anh ấy đưa người đọc vào một cuộc hành trình cực kỳ nhạy cảm, ngoạn mục, và đôi khi rất đau lòng qua cuộc chiến đấu của một chàng trai trẻ với căn bệnh nan y. Nhưng Kalanithi không viết về một bệnh nhân anh ấy đã chữa trị mà anh ấy đang viết về chính mình.

Trước khi đổ bệnh, cuộc sống của Kalanithi là cuộc sống của sự phấn đấu không ngừng nghỉ và những thành tích vượt trội. Anh lớn lên ở Kingman, Arizona, tốt nghiệp từ trường Stanford với bằng cử nhân và thạc sĩ về Văn học Anh. Tuy nhiên anh dần nhận ra niềm đam mê với khoa học của mình không phù hợp lắm với khoa Anh ngữ (Luận văn của anh - “Whitman và sự Y khoa hóa Tính cách” có hàm lượng lịch sử tâm thần học và khoa học thần kinh cũng ngang bằng với hàm lượng phê bình văn học). Hơn thế nữa, Kalanithi cảm thấy mệt mỏi khi chỉ ngồi suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống, anh muốn hành động và có được trải nghiệm trực tiếp, “cơ hội để tìm thấy câu trả lời không có trong sách vở, để tìm được một hình thức cao siêu khác, để rèn giũa mối quan hệ với những người thống khổ, và để tiếp tục theo đuổi câu hỏi về điều gì khiến cuộc đời có ý nghĩa, thậm chí ngay cả khi đối mặt với cái chết và ruỗng mục.” Vì thế anh quyết định theo học Y khoa tại trường Yale.Đối với Kalanithi, Y học chưa bao giờ đơn thuần chỉ là một công việc, đó là một cách tiếp cận khác đối với những câu hỏi siêu hình mà anh đã luôn hướng đến trong thời gian học khoa Anh ngữ. Vào năm thứ tư ở Yale, anh cảm thấy bối rối khi nhiều người bạn cùng thời với anh quyết định chuyên về các lĩnh vực đòi hỏi ít áp lực hơn và lương cao hơn, chẳng hạn như X quang hoặc da liễu. Tuy nhiên sau đó anh nhận ra sự nghiệp Y khoa “đem tới cho tôi không chỉ một sân khấu cho những hành động trắc ẩn mà còn là sự nâng cấp về tồn tại của chính bản thân tôi: tránh càng xa càng tốt những vật chất tầm thường, những tự cao tự đại, để mà đi tới nơi đó, trọng tâm của vấn đề, những quyết định và vật lộn thực sự giữa sống-và-chết… sự siêu nghiệm hẳn sẽ được tìm thấy ở đó?”Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi. Ở độ tuổi 36, khi mà Paul Kalanithi sắp có được những thứ anh đang cố gắng từng ngày để đạt được: anh sắp trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh chuyên nghiệp sau một thập kỷ đào tạo và đang lên kế hoạch có con với Lucy - vợ của mình. Thay vì mong đợi một tương lai xán lạn, anh nhận ra mình đang đối mặt với không chỉ căn bệnh nan y mà còn là một cuộc khủng hoảng nhân dạng sâu sắc: “Giằng xé trong vai trò của một bác sĩ và một bệnh nhân, đào sâu trong những thông tin y khoa để tìm kiếm câu trả lời, tôi vùng vẫy một cách khó khăn. Cùng lúc đó, tôi phải đối mặt với cái chết của chính mình, để xây lại cuộc đời cũ - hoặc có lẽ tìm ra một cuộc đời mới.”