Bạn có bao giờ tự hỏi bản thân rằng mình sinh ra để làm gì không? Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì cả một thời gian dài phải sống theo kỳ vọng của người khác không? Nếu câu trả lời là có, hãy để Ikigai của tôi - Hướng tới một cuộc đời xứng đáng của Caroline De Surany dẫn dắt và trang bị cho bạn những phương pháp tuy đơn giản nhưng lại thực tế và dễ thực hiện, góp phần khiến cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, đồng thời giúp bạn định hình được mục đích sống của đời mình và tạo ra giá trị cho những người xung quanh nói riêng và thế giới nói chung.

*Giới thiệu về tác giả:

Caroline De Surany là tác giả, là nhiếp ảnh gia và là huấn luyện viên cuộc sống. Trong thời gian ở Ấn Độ, cô đã phát hiện ra các phương pháp huấn luyện viên cuộc sống, rèn luyện bản thân từ bộ môn thôi miên, Watsu và Reiki.

Với 12 tuần được lên kế hoạch rõ ràng và khoa học, các bạn có thể áp dụng ngay lập tức để tạo dựng nên cuộc đời bạn mong muốn.


|| TUẦN 1: TÔI KẾT NỐI LẠI VỚI CHÍNH MÌNH

Tuần đầu tiên tập trung vào việc tìm hiểu chính bản thân, lắng nghe những gì cơ thể và cảm xúc của bạn đang đưa ra tín hiệu cho bạn.

|| THỬ THÁCH 1: LẮNG NGHE CƠ THỂ ĐANG NÓI GÌ

Đây là ngày dành cho cơ thể. Xuyên suốt cả ngày, cố gắng lắng nghe những gì cơ thể của bạn đang lên tiếng. Bạn ngáp ư? Một giờ nghĩ sẽ hữu ích, thường chỉ khoảng 5 phút là đủ. Bụng bạn đang kêu ùng ục? Hãy dùng buổi trưa đi nào. Một cơn rùng mình mang theo hơi lạnh lướt qua người bạn, hãy pha cho mình một tách trà hay cà phê để sưởi ấm. Nói tóm lại, ngày hôm nay hãy chú ý tới những tín hiệu nhỏ xíu của cơ thể và cố gắng đáp lại chúng một cách tốt nhất có thể tùy theo hoàn cảnh nhé.

|| THỬ THÁCH 2: QUÝ NGÀI VUI VẺ.

Hôm nay hãy ra khỏi nhà với nụ cười lớn trên môi. Chia sẻ hết mức có thể với tâm trạng vui vẻ, cất lời chào từng người mà bạn bắt gặp. Hãy nói những lời tốt đẹp với mỗi người mà bạn trao đổi. Nở nụ cười với người tài xế, thợ làm bánh, những người đi cùng thang máy, vv. Quan sát các đợt sóng vui vẻ mà bạn tạo ra. Hôm nay bạn là người quyết định xem ngày hôm nay của mình có vui vẻ hay rầu rĩ.

 ||TUẦN 2 - ÁP DỤNG LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT


Trong xã hội hiện đại, thật khó để có thể không so sánh bản thân với người khác, sự phát triển của mạng Internet và những hình ảnh hào nhoáng trên Facebook hay Instagram của ai đó cũng đều khiến cho chúng ta choáng ngợp và dần dần chúng ta trở thành một “phiên bản sống ảo”, liên tục so sánh hình ảnh tồi tệ của mình với hình ảnh đẹp nhất của người khác và rồi kéo theo những trạng thái trầm cảm và căng thẳng.

Để tìm được ikigai đời mình, hãy áp dụng một số bài tập thực hành và thử thách về lối sống tối giản của người Nhật sau đây để giải phóng bản thân khỏi những cám dỗ, nhường chỗ cho những không gian riêng về mặt vật lý và sự trống trải trong tâm hồn của bạn. Những bài tập này liên quan đến việc mua sắm quá độ (chủ nghĩa tiêu dùng) và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà.

Chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay đang hướng chúng ta mua sắm quá độ để đáp ứng những kỳ vọng của xã hội và khoác lên mình một “cái tôi giả mạo”. Không khó để công nhận rằng mua sắm khiến cho bản thân chúng ta tốt đẹp hơn theo một cách nào đó. Hãy cùng bắt tay hành động nào.

|| THỬ THÁCH 1: MUA SẮM TRONG TƯỞNG TƯỢNG

Bạn có phải là một “con nghiện” mua sắm không?

Bạn có xu hướng mua nhiều đồ cùng một lúc khi đi trung tâm thương mại không? 

Bạn có không cần suy nghĩ trước khi mua đôi giày mới toanh từ thương hiệu bạn yêu thích nhất không?

Nếu câu trả lời là “Có” cho tất cả những câu hỏi trên, bạn đang chi tiêu quá độ và có xu hướng không kiểm soát hành vi của mình. Hãy cùng thực hành thử thách này để thấy tính hiệu quả của nó, đồng thời giảm ham muốn mua sắm của bạn trong những lần tiếp theo.

Ví dụ: Bạn muốn mua một đôi giày mới trong lúc bạn bắt gặp chúng trong một cửa hàng. Cách này còn có thể áp dụng với những thứ khác như: sách, mỹ phẩm, vật dụng nhà bếp, quần áo, vv tùy tình hình thực tế của bạn.

  •  Hãy tưởng tượng đôi giày đó trên chân bạn, chúng mới đẹp làm sao, chúng thơm mùi da mới. 

  • Hình dung bạn đang trong một bữa tiệc và bạn đi chúng. Tất cả mọi người đều nhìn và dành cho bạn những lời khen ngợi. 

  • Bạn đi chúng mỗi ngày, ở chỗ làm hay những tình huống khác, bạn hình dung đủ loại tình huống mà đôi giày mang đến cho bạn. 

  • Sau đó, từng chút từng chút một, khao khát được xỏ chân vào chúng giảm dần, bạn đắn đo giữa chúng với những đôi giày khác. 

  • Chúng dần lộ rõ là đã qua sử dụng, cũ kỹ và bạn hơi xấu hổ về chúng. Dần dần bạn không còn đi chúng nữa, chúng thường xuyên ở trong góc tủ và cuối cùng bạn vứt nó trong một đống đồ xếp loại “vứt đi”.

Nếu bạn thực sự nhập vai vào trò chơi này, bạn sẽ chẳng còn thèm khát vào việc mua đôi giày mà bạn “lỡ yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” nữa.

|| THỬ THÁCH 2: SỰ PHÂN LOẠI CỨU RỖI

Thử thách này theo cá nhân mình rất dễ thực hiện. Nó giúp mình cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều sau một giai đoạn căng thẳng và lo âu nặng.

Tìm một khung thời gian trong tuần mà bạn cảm thấy rảnh rỗi để cùng nhau dọn dẹp tất cả những vật dụng trong ngôi nhà của bạn. Từ kệ sách, tủ đồ, nhà bếp, phòng khách hay đơn giản hơn là căn phòng của bạn. Hãy lau chùi, dọn dẹp và phân loại những đồ đạc theo những danh mục riêng, đặt ở những vị trí thích hợp và dễ tìm kiếm. Trong lúc phân loại, hãy hỏi bản thân liệu món đồ này có làm cuộc sống của mình tốt hơn hay không? Chúng có làm mình vui vẻ hơn không? Nếu không, hãy bỏ qua một bên và có kế hoạch bán, vứt hay tặng cho ai đó nếu họ cần nhé. 

Thực hành bài tập này là một phương pháp trị liệu tâm lý tốt cho việc giảm căng thẳng, đồng thời giúp cho không gian nhà của bạn sáng và tinh gọn hơn. Hãy tận hưởng niềm vui của việc giải phóng bản thân và niềm vui khi có nhiều không gian hơn để thở”.

|| THỬ THÁCH 3: BẠN MUA SẮM KHI NÀO?

Ở đây, chúng ta xác định chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn bị lung lay ý chí và quyết định mua sắm. Trong lần mua đồ sắp tới (ngoại trừ đồ ăn và đồ dùng thiết yếu), hãy ghi chú hay quan sát thật cẩn thận tình huống đã xảy ra. 

Bạn trong tâm trạng vui vẻ hay u uất? Thời tiết đẹp hay xấu? Bạn mua sắm cho ai? Người đó là ai? Khi đó là mấy giờ? Ngày hôm đó của bạn thế nào? Hãy ghi lại tất cả những chi tiết này nhé.

Trong vòng 15 ngày tới, tự đặt cho mình những câu hỏi mỗi lần trong số 15 lần mua, bạn luôn mua sắm để làm hài lòng một ai đó? Bạn thường mua sắm khi trầm uất hay buồn bã? Bạn thường mua sắm để giải tỏa căng thẳng và stress?

Khi đã xác định được thói quen của bạn, hãy tự hỏi rằng liệu mình có thể làm khác đi không? Ví dụ thay vì liên tục mua những món quà vật chất đắt tiền hay một món đồ ăn xa xỉ, bạn có thể dành thời gian tự mình làm gì đó, dành cho họ một trải nghiệm đặc biệt. Hoặc bạn có thể đánh lạc hướng bản thân bằng cách tập thể dục, nghe nhạc, gọi cho một người bạn, đan lát, vv.

Bài tập này rất hiệu quả vì bạn sẽ kiểm soát hành vi mua sắm của mình tốt hơn và tìm trước những ý tưởng nhằm giảm bớt số lần mua sắm ít hữu dụng nhất của mình.

|| TUẦN 3: TỪ BỎ NHỮNG ĐỊNH KIẾN

 Việc tìm ra ý nghĩa của cuộc sống đòi hỏi bạn phải dọn dẹp mình, rũ bỏ khỏi tâm trí những gì thừa thãi. Tuần trước chúng ta đã làm nhẹ đi các ngăn tủ và đồ đạc, tuần này chúng ta chúng ta sẽ đi tìm và xóa bỏ những gì bạn tưởng rằng mình đã biết về bản thân và cuộc sống. Hay nói cách khác, hãy thay đổi góc nhìn và từ bỏ những định kiến cổ hủ.

Ở Nhật Bản, việc tắm hằng ngày, furo, là một bước rất quan trọng. Theo truyền thống, người ta tắm trước bữa tối để làm sạch thân thể, nhưng hơn thế nữa là làm sạch tinh thần. Họ không giữ bên mình những âu lo thường ngày. Hãy làm điều tương tự với những niềm tin sai lầm của bạn, để chúng ra đi với một buổi tắm thanh lọc theo phong cách Nhật.

Việc cứ khăng khăng giữ vững những định kiến về bản thân và thế giới xung quanh vô hình chung sẽ cản trở sự phát triển của bạn, giảm sự đồng cảm và gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Trên thực tế, sẽ rất khó để có thể loại bỏ những niềm tin đã gắn sâu trong tâm trí bạn từ xa xưa, tuy nhiên bằng những phương pháp như NLP - Lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro Linguistic Programming) hoặc Thuật thôi miên, bạn sẽ thay đổi cách suy nghĩ cũng như ngôn từ của mình về một sự vật, sự việc nào đó để tránh áp đặt góc nhìn quá chủ quan lên vật thể.

Sau đây là một vài thử thách bạn nên áp dụng để thanh lọc tâm hồn nhé.

|| THỬ THÁCH 1: TÌM KIẾM ĐỊNH KIẾN VỚI PHẢN XẠ VIẾT

Tập trung vào hơi thở và hít thật sau, hãy chuẩn bị cho mình một quyển sổ và một cây viết.

Bắt đầu viết ra 10 chủ đề đầu tiên trong số những niềm tin của bạn. Những chủ đề này có thể là tình yêu, công việc, sức khỏe, gia đình, định nghĩa về bản thân, những định nghĩa về cuộc sống, hôn nhân, vv. Sau đó đã ghi ra hết từng chủ đề, liệt kê tất cả những gì bạn nghĩ trong đầu, những niềm tin hay những khái niệm mà bạn đang có về chủ đề đó.

Ví dụ: 

/Với công việc/:

  • Cần phải làm việc chăm chỉ để thành công

  • Kiếm được nhiều tiền với công việc mà mình yêu thích là điều không thể

  • Phải công tư phân minh và luôn có sự công bằng

  • Không phải lúc nào làm việc quá nhiều cũng mang lại kết quả tốt

  • Công việc lúc nào cũng áp lực

/Với tình yêu/:

  • Đàn ông bao giờ cũng lừa dối người phụ nữ của họ

  • Tình yêu chỉ kéo dài ba năm

  • Thà một mình còn hơn là ở cùng một ai đó mà mình thật sự không thích

  • Yêu là phải kiểm soát đối phương, phải có sự cấm đoán

/ Với định nghĩa về bản thân/

  • Mình rất nhút nhát

  • Mình thật vô dụng

  • Mình thật lười biếng, vv

Đừng ngần ngại viết ra những suy nghĩ chân thực nhất trong lòng bạn, thỉnh thoảng hãy quay lại bổ sung thêm những niềm tin còn thiếu sót.

Sau khi hoàn thành xong, hãy nhìn lại xem những niềm tin của bạn để xem chúng chi phối tư duy và hành động của bạn như thế nào. Hãy tìm ra 3 điều có “sức nặng” nhất, sau đó tìm những lời khẳng định tích cực để vô hiệu hóa chúng. Mục đích không phải là tìm những điều trái ngược lại với nó, mà là thế chỗ nó bằng một câu nói đúng hơn, gần hơn với sự thật, đặt niềm tin vào đúng vị trí. Hãy tự hỏi bản thân 3 câu hỏi:

1/ Khi nào khẳng định này là sai?

2/ Có thể diễn đạt lại nó như thế nào để nó gần với sự thật hơn?

3/ Có thể nhào nặn nó như thế nào để tạo nên một công thức tích cực hơn?

Ví dụ: “ Tình yêu chỉ kéo dài ba năm”

1/ Khi nào khẳng định này là sai?

Matt, bạn tôi, ở bên bạn trai của cô ấy đã 8 năm nay, họ rất yêu nhau.

2/ Có thể diễn đạt lại nó như thế nào để nó gần với sự thật hơn?

Cũng có khi tình cảm chỉ dừng lại sau thời gian ba năm của một mối quan hệ

3/ Có thể nhào nặn nó như thế nào để tạo nên một công thức tích cực hơn?

Rất nhiều cặp đôi, sau nhiều năm bên nhau, vẫn rất hạnh phúc.

Khi bạn đã tạo lập những công thức tích cực, hãy kiểm tra xem liệu chúng có ĐÚNG với bạn không. Nếu không, đừng ngần ngại diễn đạt lại chúng cho đến khi nào bạn cảm thấy chúng đúng đắn nhất. Khi thử thách bản thân với những niềm tin sai lệch này, bạn sẽ có những trải nghiệm mới mẻ hơn và tiến gần hơn với ikigai của mình. Không phải lúc nào sự việc cũng tồi tệ và tiêu cực như thế, chỉ cần bạn dành thời gian cho việc này, kết quả sẽ khiến cho bạn ngạc nhiên đấy.

|| THỬ THÁCH 2: HÃY LÀM NHƯ THỂ

Hãy chọn lấy một định kiến về bản thân mà bạn cảm thấy không thể lay chuyển, một định kiến mạnh tới mức khiến bạn nghĩ rằng mình ko6ng thể thoát khỏi nó. Ngày hôm nay, bạn quyết định sẽ sống như thể bạn tin vào những điều hoàn toàn ngược lại. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

 Ví dụ: “Tôi nhút nhát” trở thành “Tôi rất dễ gần và rất thích giao du”; “Tôi vô tích sự” thành “Tôi thật tuyệt”; “Tôi lúc nào cũng cạn kiệt năng lượng” thành “Tôi là người tràn đầy năng lượng và tự tin”.

Khi thức dậy, hãy thực sự nhập tâm vào nhân vật của bạn. Hãy thử đặt cho mình một vài câu hỏi: Một người tràn đầy năng lượng sẽ cư xử ra sao trong các mối quan hệ? Một người chuyên nghiệp và tự tin sẽ làm như thế nào? Một người bình tĩnh sẽ ứng phó với những việc bất như ý như thế nào?

Ở bất cứ thời điểm nào, hãy kích hoạt những suy nghĩ hoàn toàn ngược lại với tính cách của bạn: Hãy nói Không, không cần bận tâm tới những gì người khác nghĩ về bạn, hãy quyết đoán và tôn trọng cảm nhận của bản thân trên hết, vv.

Buổi tối trước khi đi ngủ, hãy tổng kết lại một ngày của bạn. Có điều gì dễ chịu? Điều gì là khó khăn nhất? Có những thói quen nào mà bạn muốn thay đổi không? Hãy phân tích thật kỹ và liên tục cải tiến bản thân bằng cách thử thách những niềm tin khác trong bạn nữa để giải phóng bản thân nhé.

|| TUẦN 4:  TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI BẠN VẪN TƯỞNG

Tuần này, tập trung vào việc nhận ra những chiếc mặt nạ mà bạn đang đeo, những con đường mà bạn đi qua nhưng chúng không dành cho bạn, đồng thời định hình lại những điều cốt lõi nhất trong con người bạn.

Kỳ vọng của xã hội đang khiến cho bạn phát điên, bạn có bao giờ tự hỏi những lựa chọn mà bạn đưa ra có thật sự là do chính bản thân bạn quyết định hay chúng là những yêu cầu và kỳ vọng mà người khác áp đặt lên bạn. Làm hài lòng người khác không khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn. Bạn luôn có quyền ra quyết định. Không ai có thể ép buộc bạn trừ khi bạn cho phép.  Cũng đừng cố gắng trở thành ai, hãy trở thành phiên bản tốt nhất của bạn.

Wabi-sabi là một triết lý sống của Nhật Bản, wabi-sabi gợi nhắc cho chúng ta về sự vô thường của thời gian, thưởng thức những vẻ đẹp dung dị của mọi vật theo một cách tự nhiên nhất, vẻ đẹp không hoàn hảo nhưng trọn vẹn vô cùng. Thay vì chạy theo những thứ phù phiếm trên các bìa tạp chí, sẽ ra sao nếu chúng ta biết đánh giá cao những khiếm khuyết của mình, những dấu vết thời gian, những sai lầm đã trải qua. Tất cả đều tạo nên vẻ đẹp của riêng bạn, đừng cố gắng che đậy chúng.

|| THỬ THÁCH 1: TẤM GƯƠNG!

 Bạn nghĩ gì về những người bạn của mình? Những sự thật nào bạn không dám nói ra với họ? Liệu có những điều bạn muốn cải thiện hay thay đổi ở họ không?

Hãy lên danh sách 15 người gần gũi với bạn, hoặc có thể là 5 người cũng chấp nhận được. Liệt kê những điều bạn muốn nhìn thấy họ cải thiện và cả những gì bạn ngưỡng mộ nhất ở người đó. 

Hãy đọc lại tờ danh sách, gạch bỏ đi tất cả tên họ, rồi viết tên của bạn lên đầu trang giấy. Những điểm mạnh và điểm yếu này bạn có bắt gặp chúng ở chính mình không? Con người chúng ta rất kỳ lạ, nếu có ai đó đề nghị bạn lên danh sách những khiếm khuyết và điểm mạnh của mình, có lẽ bạn đã không viết ra những điều tương tự., bời vì chúng ta không được tỉnh táo và sáng suốt lắm khi đánh giá bản thân, kể cả những điểm tích cực và tiêu cực.

 Hãy trân trọng những khiếm khuyết của mình, vì đâu đó chúng vẫn mang đến cho bạn những giá trị nhất định. Đừng che giấu chúng, hãy chấp nhận chúng và làm  cho chúng trở nên có giá trị. Bằng cách lên danh sách những việc như thế sẽ giúp cho bạn có một bức tranh toàn cảnh về việc mình cần phải làm gì để dung hòa những mặt tốt và xấu của bản thân.

Bài tập này mình đã dành thời gian thực hiện và thấy rất hiệu quả. Nó giúp mình nhận ra những điều mà mình hay không vừa ý ở người khác đôi khi lại nằm trong chính con người mình, vì vậy mình sẽ bớt phán xét người khác và thông cảm hơn cho họ. Đồng thời, tìm cách để cải thiện những điều không vừa ý đó.

|| THỬ THÁCH 2: HẠ MẶT NẠ XUỐNG!

 Trong hôm nay, bạn sẽ phải trải qua một ngày trọn vẹn mà không có bất cứ sự bảo vệ nào. Nghĩa là một ngày không giả vờ, không nói dối, không bày trò. Hãy sống đúng với những gì bạn tin. Việc này bạn sẽ phải “trả giá” cho lựa chọn của mình, cũng sẽ châm ngòi cho một vài mâu thuẫn. Nhưng nếu hôm nay bạn không làm thì bạn sẽ không bao giờ có thể làm được.

Ví dụ:

Ở chỗ làm, nếu hôm nay bạn đi làm, hãy tránh nói dối nhưng cũng đừng ra vẻ khó chịu.

Ở nhà, hãy nói lên những gì bạn cảm nhận, những gì bạn cần, những gì làm bạn khổ sở. Đừng bỏ qua bất cứ thứ gì, hãy sống thật và nói thẳng bằng một cách lịch sự và nhã nhặn, và để ý đến cảm xúc của người nghe.

Buổi tối, hãy tổng kết lại, có phải bạn đã sống một ngày dễ chịu không? Bạn có thành công trong việc làm những gì mình mong muốn không? Bạn có hoàn toàn sống thật không? Khi ta biểu đạt những yêu cầu của mình mà không cố tổn thương người khác, ta chiến thắng một cách đầy tự do và không làm mọi người cảm thấy bực dọc.

|| TUẦN 5: NHƯNG, THỰC RA TÔI LÀ AI?

Tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những gì cốt lõi khiến bạn vận động, khiến bạn ham muốn, thỏa mãn những nhu cầu của bạn, đó chính là cách để tìm ra nền tảng ikigai của bạn.

Việc đi tìm giá trị của bản thân đang nằm ở đâu và khám phá chúng ta thật sự là ai là yếu tố cốt lõi trong việc tìm mục đích sống của bạn. Nếu kể cả bạn cũng không biết mình là ai và mình muốn điều gì thì ai có thể giúp bạn đây? Chẳng lẽ bạn chỉ có thể sống theo cách nhìn và kỳ vọng của người khác thôi sao?

 || THỬ THÁCH 1: HÃY TRỖI DẬY NÀO

Mục đích của bài tập này là tìm ra giá trị cốt lõi của bạn, điều gì bạn quan tâm và sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ nó.

Hãy liệt kê 5 điều khiến bạn phẫn nộ trong thế giới hiện tại, hãy đi sâu vào chi tiết một cách cụ thể xem điều gì đang khiến bạn phát ốm, những điều mà bạn có thể bắt tay vào hành động, thậm chí có đổ máu!

Đằng sau mỗi việc khiến bạn phẫn nộ, hãy tìm ra giá trị cốt lõi mà nó xâm phạm: sự tự do, hòa bình, vv

Hãy quan sát danh sách này, có điều gì thường lặp đi lặp lại? Đó chính là những giá trị cốt lõi của bạn. Việc lên danh sách này, bạn sẽ thấy rằng đôi khi bạn cũng không tôn trọng chúng và giúp bạn quay về đúng với quỹ đạo của mình.

Đối với cá nhân mình, 5 điều đó là: đạo hiếu, trách nhiệm & sự chủ động, làm việc đến nơi đến chốn, sự sẻ chia và lòng trắc ẩn. Còn bạn thì sao?

|| THỬ THÁCH 2: CHẲNG THÈM SỢ HÃI.

Mục đích của bài tập này nhằm giúp bạn phân tích và tìm hiểu điều gì ẩn giấu đằng sau nỗi sợ của mình.

Ví dụ:

Sợ cái chết = sợ điều không đoán được = nhu cầu được bảo vệ

Sợ sự trống rỗng = sợ sự thiếu vắng = nhu cầu được mọi người vây quanh

Sợ bị đánh giá = sợ người khác xem mình kém cỏi = nhu cầu được tôn trọng và công nhận

Việc nhận ra những lý do ẩn sau những nỗi sợ kia sẽ giúp bạn ý thức được mình hơn, đồng thời tìm ra những giải pháp tích cực để khắc phục những gánh nặng vô hình ấy. Con người ai có những phần yếu đuối, việc liệt kê danh sách những nỗi sợ không làm cho bạn trở nên mềm yếu, ngược lại chứng tỏ bạn là người dũng cảm, dám nhìn nhận và đối mặt với “mảng tối nhất” sâu trong con người bạn.

 || TUẦN 6: TÔI ĐÀO SÂU NHỮNG CÂU HỎI

Tuần này, chúng ta tập trung vào những tương tác xung quanh, các mối quan hệ bạn bè nói lên rất nhiều điều về bạn. Bạn đặt câu hỏi về thế giới xung quanh để tìm bản ngã của chính mình.

 Hãy cùng nhau thực hiện một số thử thách sau nhé:

|| THỬ THÁCH 1: LUẬT NĂM NGƯỜI!

Bạn có biết bạn chính là hình ảnh phản chiếu của năm người mà bạn thường xuyên gặp gỡ nhất? Nếu số đông những người bạn gặp là những người tiêu cực thì không bất ngờ khi tâm trạng và suy nghĩ của bạn cũng có xu hướng tương tự.

1/ Hãy kể tên năm người mà bạn gặp gỡ nhiều nhất, không phải những người mà bạn yêu quý, cũng không phải người mà bạn muốn dành thời gian cho họ, mà trên thực tế là những người bạn gặp ngày qua ngày, hằng tối, mỗi cuối tuần.

2/ Bên cạnh những cái tên, hãy ghi lại 3 điều về tính cách mà bạn nghĩ ngay trong đầu về họ. Nếu bạn chúng không có nghĩa lý gì cả, cũng không sao cả.

3/ Khoanh đỏ trong danh sách những tính cách bạn không muốn thấy nữa, và màu xanh là những đặc điểm mà bạn muốn thấy nhiều hơn.

4/ Xem lại danh sách, xem màu nào nhiều hơn? Đỏ hay xanh? Bạn muốn tiếp xúc nhiều hơn với màu nào?

5/ Sau đó, hãy phân tích những đặc điểm mà bạn muốn phát triển, bên cạnh mỗi phẩm chất, hãy cố gắng tìm ít nhất một người xung quanh sở hữu tính cách đó.

Qua việc thực hành thử thách này, bạn sẽ hiểu hơn về bản thân hơn, bạn muốn kết bạn với ai, với những đặc điểm tính cách nào, chính những điều này sẽ nói lên con người bạn.

|| THỬ THÁCH 2: AI ĐỐ KỴ VỚI BẠN?

Con người hay có xu hướng đố kị với người khác, nhưng chính sự đố kị này có thể làm sáng tỏ những gì chúng ta thật sự mong muốn.

Hãy lập danh sách những người bạn ganh tị, những người mà bạn khao khát được trở thành họ, và những người mà bạn ngưỡng mộ. Ở bên cạnh mỗi cái tên, hãy ghi ra 3 tố chất của người đó mà bạn mong muốn có được. Đừng suy nghĩ quá nhiều, hãy làm theo bản năng. Hơn nữa, hãy chỉ ra một hay hai thành quả đạt được của mỗi người trong số họ khiến họ mơ ước. Sau đó, hãy nhìn lại tất cả những dữ liệu trên xem có một số tố chất hay đặc điểm nào lặp lại không, cố gắng xem điều này nói lên điều gì về bạn nhé.

||TUẦN 7: NHÌN LẠI QUÁ KHỨ CỦA MÌNH


Tuần này, chúng ta tập trung vào việc nhìn qua những thất bại, những khó khăn khiến chúng ta trưởng thành như thế nào, đồng thời định hình con người chúng ta hôm nay. Chỉ khi bạn tìm được ý nghĩa trong những giây phút khó khăn, bạn mới có lý do để tiếp tục để sống hạnh phúc và có mục đích  hơn.

|| THỬ THÁCH 1: KHÁM PHÁ MÓN QUÀ ẨN SAU SỰ THẤT BẠI

Hãy liệt kê những thất bại bạn đã trải qua, sau đó rút ra những bài học hay lợi ích mà chúng mang lại cho bạn. Kể cả những thất bại kinh khủng nhất cũng có thể dạy cho bạn nhiều bài học khác nhau. Nếu như bạn thất bại trong việc thuyết phục khách hàng, hãy tìm hiểu lý do vì sao và tìm cách khắc phục những nhược điểm trong cách trình bày của bạn và cải thiện cho lần sau. Chính những thất bại sẽ định hình bạn của ngày hôm nay. Đừng khước từ thất bại nhé.

|| THỬ THÁCH 2: BẠN THÀNH CÔNG HƠN BẠN NGHĨ.

 Khám phá những ưu điểm mạnh nhất của bạn, bằng cách này bạn sẽ biết mình dựa vào đâu những khi khó khăn.

Hãy liệt kê 3 thành tựu lớn nhất của bạn, những điều mà bạn rất tự hào về chúng. Với mỗi thành công, hãy tự hỏi điều gì đã giúp bạn đạt được những thành công ấy. Có phải bạn đã liều lĩnh? Có phải bạn đã làm việc rất có trách nhiệm? Với mỗi thành công, hãy liệt kê 3 tố chất giúp bạn thành công. Có điều gì thường xuyên lặp lại sau khi bạn ghi chép xong không? Sau khi phân tích, hãy ghi vào một quyển sổ những tố chất bạn đang có. Hãy nhìn lại chúng những lúc bạn gặp khó khăn để chúng có thể tiếp thêm sức mạnh cho bạn vượt qua những lúc nản lòng nhé.

|| TUẦN 8: HÃY YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH

 Việc chấp nhận những ưu, khuyết điểm của mình đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận con người mình. Tôn trọng bản thân là liệu pháp giúp bạn tự tin về bản thân và yêu người khác hơn. Hãy cùng nhau thực hiện những thử thách sau nhé.

|| THỬ THÁCH 1: 21 NGÀY TỬ TẾ!

Trong vòng 21 ngày, bạn tuyệt đối không được ngược đãi bản thân, không nghi ngờ hay trách móc bản thân. Hãy tử tế với bản thân và những người xung quanh. Nếu bạn bỗng dưng bắt gặp mình đang bắt gặp một câu nói khó chịu trong đầu, hãy ngừng lại ngay lập tức và thay vào đó tự nhủ với mình những điều gì đó thật dễ thương.

Xuyên suốt thử thách 21 ngày, hãy ghi lại trong nhật ký những cảm xúc của bạn, những gì bạn xém chút nữa nói với mình và về người khác, và cuối cùng bạn đã thay thế chúng bằng những từ nào.

Hãy tự an ủi chính mình khi bạn đang có dấu hiệu chỉ trích bản thân. Bản thân bạn đáng được tôn trọng hơn bất cứ ai nhé.

|| THỬ THÁCH 2: LỊCH HẸN VỚI NHỮNG NIỀM VUI

 Chúng ta đã có quá nhiều thời gian biểu cho những cuộc họp hành và những kế hoạch khác, ít khi chúng ta nhìn lại và tận hưởng niềm vui nhỏ bé khi làm những việc mình yêu thích và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Hãy cùng nhau lập danh sách khoảng 25 điều khiến cho bạn hạnh phúc mỗi khi thực hiện chúng. Những điều này có thể là đọc sách, đi dạo, thưởng thức trà một mình, nghe nhạc, hay tập thể dục. Trong số 25 điều, hãy loại bỏ 5 điều khiến bạn cảm thấy không hấp dẫn lắm để thực hiện. Sau đó, trong số 20 điều còn lại, hãy thêm vào thời khóa biểu của bạn 1 hoặc 2 điều mỗi ngày để một ngày của bạn không trôi qua một cách nhàm chán. Nếu đọc sách là điều khiến bạn hạnh phúc, hãy làm chúng mỗi ngày nhé. Đừng quá cứng nhắc và khô khan trong việc tìm niềm vui cho chính mình nhé.

|| TUẦN 9: KHÁM PHÁ NHIỆM VỤ CUỘC ĐỜI MÌNH

Tuần này, chúng ta tập trung vào việc bạn có thể làm gì cho thế giới, ý nghĩa tồn tại của bạn và bạn có thể làm gì để khiến cho thế giới tốt đẹp hơn.

|| THỬ THÁCH 1: HÌNH DUNG VỀ CÁI CHẾT CỦA BẠN

Hãy hình dung hôm nay là ngày tang lễ của bạn và nhắm mặt lại. Tất cả mọi người xung quanh đều đang vây quanh ngôi mộ của bạn, họ đang nói điều gì, họ đang có sắc thái ra sao. Họ đang khen ngợi hay chỉ trích bạn? Bạn muốn họ nói gì về bạn khi bạn ra đi? Hãy lắng nghe thật kỹ những gì được nói ra, tập trung vào hơi thở và sau đó mở mắt ra.

Ngay lập tức, ghi chép lại những gì để lại ấn tượng với bạn. Tưởng tượng mình đã chết sẽ giúp bạn ý thức hơn những mong muốn thực sự bên trong bạn, bạn sẽ làm gì cho thế giới này để khi ra đi bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc.

|| THỬ THÁCH 2: BẠN THAY ĐỔI THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

 Hãy tưởng tượng bạn có thể thay đổi 5 điều  trên thế giới, và hãy viết 5 điều đó ra giấy. Sau khi viết ra 5 điều, hãy loại bỏ 2 điều và chỉ giữ lại 3 điều thôi. Sau đó, bạn muốn làm gì ngay lập tức để thay đổi 3 điều đó? Ví dụ: Nếu bạn chọn rằng sẽ không còn rác thải nữa và chúng ta cần phải bảo vệ môi trường, bạn sẽ bắt đầu bằng việc không xả rác bừa bãi và ý thức môi trường xung quanh hơn. Không sử dụng đồ nhựa và bao nilon, vv. Những hành động nhỏ sẽ mang lại kết quả lớn. Việc liệt kê những mong muốn của bạn góp phần nhìn ra giá trị của mình trong việc thay đổi thế giới và khám phá mong muốn thực sự của bạn nữa đấy.

|| TUẦN 10: XÂY DỰNG VÒNG TRÒN QUANH MÌNH

Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa tham khảo nhiều ý kiến của những người gần gũi xung quanh, tuần này sẽ là lúc để những người bạn, gia đình, và cả những người mới xuất hiện trong cuộc đời bạn. Những sáng kiến, lời khuyên, ý kiến của họ rốt cuộc có thể hữu ích với bạn, bởi bạn đã có cách nhìn nhận tốt hơn về ý kiến bản thân và sẵn sàng dung hòa giữa chúng.

 Trên hòn đảo Okinawa nơi bắt nguồn của ikigai, mỗi đứa trẻ khi sinh ra sẽ tìm thấy mình được gắn liền với một thị tộc: năm người, tuổi tác lẫn lộn, được chỉ định để chịu trách nhiệm về nhau. Theo phong tục, họ thường xuyên gặp mặt để vui vẻ cùng nhau, nhưng cũng là cơ hội để mỗi người chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, những băn khoăn, và trăn trở của họ. Phong tục nổi tiếng này gọi là MOAI - NĂM ĐỒNG MINH TRỌN ĐỜI.

Để tìm ikigai của đời mình, hãy cùng nhau thực hiện một vài thử thách sau đây để kết nối với các mối quan hệ xung quanh bạn nhé.

|| THỬ THÁCH 1: ĐI TÌM CẢM HỨNG TỪ NHỮNG NGƯỜI BẠN NGƯỠNG MỘ

Hãy tập hợp một vài người bạn mà theo bạn họ đã thành công với việc mang lại ý nghĩa trong công việc họ làm, những người đã tìm thấy chính mình. Tốt hơn hết là hãy chọn những người đã không tìm được thiên hướng của mình ngay từ khi còn nhỏ, những người đã chọn thay đổi con đường của riêng họ.

Hãy rủ họ đi uống một chút gì đó tại một quán cà phê nào đó để có thể thoải mái nói chuyện. Hãy khéo léo hỏi và tìm hiểu về cách họ có được thành công như hôm nay. Làm cách nào họ có thể khám phá ý nghĩa của cuộc sống và đâu là điều quan trọng nhất với họ. Hãy lắng nghe thật kỹ những chia sẻ từ họ và học hỏi. Việc nghe câu chuyện của họ sẽ mang đến cho họ những ý tưởng mới và những nguồn cảm hứng mới trong công cuộc tìm kiếm ikigai của bạn.

|| THỬ THÁCH 2:  ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI LẠ

 Ngày hôm nay bạn sẽ trò chuyện với ba người lạ và khám phá ra ít nhất 3 khía cạnh về con người bạn. 

Hãy đến những địa điểm mà mọi người thường hay lang thang: công viên, bảo tàng, trung tâm mua sắm, vv.

Hãy đặt một câu hỏi khiến bạn băn khoăn về cuộc sống nói chung. Ví dụ: “Làm thế nào mà chị/anh biết được mình sinh ra để làm việc gì?”. Nếu điều này nghe có vẻ đường đột và thô lỗ, bạn có thể dùng đến một lời khen: “Chị làm nghề liên quan đến nghệ thuật ư?”, rồi tiếp tục đào sâu vào những điều bạn quan tâm.

Hãy nghe kỹ những gì người đối thoại với bạn nói và phân tích chúng bằng cách đặt những câu hỏi mở. Càng có nhiều cuộc trò chuyện, bạn sẽ ngày càng có nhiều kinh nghiệm làm nguồn cảm hứng cho mình.

|| TUẦN 11: BẮT TAY VÀO HÀNH ĐỘNG


Để tìm kiếm ikigai của mình thì bạn phải bắt tay vào hành động, không có việc ngồi mơ mộng rồi giấc mơ sẽ thành hiện thực. Bạn sẽ phải liên tục tìm kiếm bản thân và tự đặt cho mình những câu hỏi. Chỉ có việc bạn bắt tay vào việc và rồi trải nghiệm mới làm sáng tỏ ý nghĩa cuộc đời bạn. Đôi lúc bạn cần mạnh dạn hơn một chút, cần phải mạnh dạn hơn một chút, cần phải chấp nhận mọi trải nghiệm mà không suy nghĩ quá nhiều. Việc thử nhiều điều mới mẻ sẽ giúp bạn biết đâu mới là điều bạn thực sự đam mê.

|| THỬ THÁCH 1: BUCKET LIST!

 Hãy cầm cuốn sổ tay và một cây bút. Liệt kê tất cả những gì bạn muốn thực hiện trước khi chết. Đặt ra những ưu tiên với ba mức độ khẩn cấp khác nhau: 1 là sớm nhất có thể, 2 là muộn hơn một chút, 3 là những thứ có thể chờ đợi thêm một thời gian nữa. Cầm lấy danh sách khẩn cấp số 1 của bạn và chỉ định 1 ngày trong vòng lâu nhất là ba tháng để thực hiện mỗi điều trong danh sách này. Hãy cố gắng lên lịch trình cho ít nhất một hoạt động mỗi tuần. Với những gì bạn không thực hiện được trong vòng 3 tháng, hãy tìm ra cách để biến điều đó thành hiện thực bằng cách lập ra kế hoạch với từng bước thật cụ thể và chi tiết.

|| THỬ THÁCH 2: HÀNH ĐỘNG!

Bạn thường xuyên càu nhàu, ca thán? Hôm nay, điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều!

Ngay từ buổi sáng, hãy xác định xem lúc nào thì bạn sẽ bắt đầu than thở hay phàn nàn về một điều gì đó. Hãy giữ sổ tay bên mình để có thể ghi chép lại. Ghi chép lại những chủ đề khiến bạn không hài lòng và mức độ trầm trọng của nó.

Buổi tối đến, hãy xem lại những ghi chép của bạn: Lý do khiến bạn phàn nàn có thường xuyên lặp lại hay không? Đâu là lời những than phiền khó chịu nhất?

Bên cạnh những lời phàn nàn, hãy tìm ra ba hành động mà bạn có thể thực hiện để khiến nguyên do của lời phàn nàn đó biến mất. 

Ví dụ: Nếu bạn than phiền về việc chi tiêu quá mức của mình thì hãy bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ, chỉ mua những thứ cần thiết. Hạn chế ham muốn mua sắm quá đà. Nếu bạn than phiền về vấn đề kẹt xe vào mỗi buổi sáng, sao không đi sớm hơn 15 phút để hạn chế những phiền toái đó.

|| THỬ THÁCH 2: TẤN CÔNG TRÊN MỌI ĐỊA BÀN

Hãy bắt tay vào việc dọn dẹp “bãi công trường” ngổn ngang, lộn xộn của cuộc đời bạn.

 Hãy ghi lại tất cả tất cả những gì bạn muốn cải thiện trong đời sống của mình: từ quan hệ yêu đương cho tới giữ được công việc hiện tại, những mối quan hệ gia đình, rồi tình trạng sức khỏe tinh thần, vv. 

Đánh số từng mục trong danh sách của bạn theo thư tự ưu tiên. Với ba điều đầu tiên, hãy ngay lập tức tìm ra ba ý tưởng để khiến tình trạng trở nên tốt hơn. Khi bạn bắt tay vào hành động, mọi thứ sẽ thật hấp dẫn và bạn sẽ có nhiều động lực hơn để cải thiện tình hình hiện tại.

|| TUẦN 12: TÔI TỎA SÁNG

Trong tuần cuối cùng này, chúng ta sẽ làm cách nào, với những hiểu biết sâu rộng về bản thân, bạn sẽ có những khái niệm hay hơn nữa về lý do bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng, để rồi rốt cuộc, có thể tỏa sáng rực rỡ.

Thế giới này luôn cần đến những khả năng độc nhất của bạn, vì vậy đừng ngần ngại tỏa sáng và sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc.

|| THỬ THÁCH: VIẾT CÂU VĂN MIÊU TẢ IKIGAI CỦA BẠN

Thông qua những thử thách của 11 tuần trước, bạn cũng đã phần nào hiểu được ý nghĩa về sự tồn tại của mình trong cuộc sống. Lần này, hãy đi sâu hơn trong việc hỏi những câu hỏi: 

Bốn câu hỏi bạn nên hỏi là:

1/ Nếu bạn chỉ làm đúng ba việc, thì đó sẽ là những việc gì?

2/ Đâu là những tố chất khiến bạn tự hào nhất?

3/ Những phẩm chất nào mãnh liệt nhất trong mắt bạn, tới mức bạn sẵn sàng làm tất cả để giữ gìn chúng?

4/ Theo bạn, thế giới cần tới điều gì để trở nên tốt đẹp hơn?

Bây giờ hãy soạn một câu mô tả: Ikigai của tôi (câu trả lời số 1) nhờ vào (câu trả lời số 2) để có một thế giới (câu trả lời số 3&4). Hãy khiến cho chúng đơn giản nhất có thể, hãy giữ lại những gì đúng nhất với bạn ở thời điểm hiện tại. Tùy theo từng thời điểm và trải nghiệm của mình, bạn có thể chỉnh sửa cho phù hợp ikigai của mình.

Riêng cá nhân mình, mình sẽ trả lời như sau:

1/Nếu chỉ làm đúng ba việc thì ba việc đó là: viết, giúp đỡ người khác và sự sẻ chia.

2/ Những tố chất mình tự hào về bản thân nhất là: sự lắng nghe chân thành, trí nhớ tốt, và lòng trắc ẩn.

3/ Những phẩm chất mà mình muốn giữ gìn chúng là: lòng tốt, trái tim biết yêu thương người khác, trách nhiệm với bản thân và người khác.

4/ Theo mình, thế giới cần tình yêu thương vô điều kiện và lòng trắc ẩn của mọi người để có thể tốt hơn và hóa giải mọi đau thương.

=> Ikigai của tôi là viết (lan tỏa những quan niệm và kinh nghiệm sống), giúp đỡ và chia sẻ với người khác nhờ vào khả năng ghi nhớ sự kiện rất tốt, kèm với khả năng lắng nghe chân thành và luôn bày tỏ sự thông cảm cho người khác của mình để có tạo ra một thế giới không còn đau thương, chỉ có tình yêu và lòng trắc ẩn.

Sau khi đã biết ikigai của mình, hãy áp dụng lối sống đó mỗi ngày. Hãy tìm tất cả những khoảnh khắc mà bạn có thể áp dụng ikigai, liên tục tự hỏi làm sao để bạn có thể ứng dụng ikigai của mình nhiều hơn nữa, bằng những hành động nào, vv. 

Lời kết

Việc tìm kiếm ikigai của chính mình là một hành trình dài và nó đòi hỏi bạn phải liên tục tự đặt những câu hỏi cho chính mình. Thông qua 12 tuần thực hành trong việc khám phá và tìm hiểu sâu hơn về bản thân, hy vọng bạn sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau hơn về điều gì là quan trọng nhất với mình và quan trọng hơn hết là định nghĩa được bạn là ai trong vô số những bản ngã ngoài kia.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy

--------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Theo những gì mình đúc kết lại được, Ikigai là sứ mệnh của cuộc đời bạn. Nó là lý do thôi thúc bạn thức dậy mỗi sáng. Ví dụ như trong Itaewon Class, Ikigai của anh Park là trả thù chủ tịch Jangga, tuy nhiên, chúng ta nên tìm cho mình một Ikigai tích cực hơn, đúng không nào? Bạn không nhất thiết phải cứu lấy trái đất, hay bảo vệ màu xanh của địa cầu mới được cho là một Ikigai tích cực. Với mình, Ikigai tích cực là điều bạn làm vì bản thân bạn thực sự mong muốn, chứ không phải bắt chước một ai đó, hay lấy ai đó làm lý do. Suy nghĩ của bạn đôi khi sẽ mông lung một chút, nhất là khi bạn đang ở độ tuổi 20s. Có thể bạn gặp một ai đó thật tuyệt vời, và bạn muốn dành cả đời này để ở bên cạnh người ấy, giúp người ấy thành đạt và hạnh phúc. Cũng có thể rằng bạn gặp một công việc trái với dự định ban đầu của bạn, thay đổi tất cả các kế hoạch trước đó, và cố gắng mỗi ngày cho công việc mới đó. Ikigai sẽ thay đổi bởi những gì diễn ra xung quanh bạn. Đó là lý do vì sao bạn cần phải dành thời gian tìm hiểu về bản thân mình, để có thể tìm được Ikigai “bền chặt” nhất. Theo như Caroline De Surany, cô ấy đã mất nhiều năm trời để tìm ra Ikigai của mình. Tuy nhiên, mình lại cho rằng chẳng có Ikigai nào là không đúng, bạn sẽ chuyển hướng sang một điều ý nghĩa hơn khi bạn đã trải nghiệm đủ nhiều trong một lĩnh vực nào đó.

Nhắc đến Ikigai thì chắc chắn nhiều bạn sẽ không thể hiểu được rằng ý nghĩa của Ikigai là gì? Hiểu một cách đơn giản thì Ikigai chính là một trong những concept hay có nghĩa là một đối tượng và một hình thức cơ bản trong tư duy và nhưng phản ánh thuộc tính chất chung và bản chất của sự vật trong mọi quá trình và hiện tượng trong tâm lý học ở mỗi mối liên hệ cơ bản trong các thực hiện khách quan. Đây chính là những mục đích sống với những điều bạn quan tâm chính là điều bạn giỏi, điều mà thế giới cần, điều bạn thích,... Nhưng bạn không nhất thiết phải cứu lấy trái đất, hay bảo vệ màu xanh của địa cầu mới được cho là một Ikigai tích cực. Với mình, Ikigai tích cực là điều bạn làm vì bản thân bạn thực sự mong muốn, chứ không phải bắt chước một ai đó, hay lấy ai đó làm lý do. Điều sâu sắc mà khi chúng ta đọc cuốn sách có thể cảm nhận được là Hãy lắng nghe chính bản thân bạn và đáp ứng mọi điều cơ thể cần – từ những gì nhỏ nhất. Bạn luôn suy nghĩ cho mọi người, thế còn bản thân bạn, sao bạn lại bỏ qua và “chèn ép chính mình” chỉ vì sợ họ sẽ nghĩ bạn là người ích kỷ? Yêu thương bản thân không đồng nghĩa với việc trở nên xấu tính và coi thường tất cả mọi người xung quanh. Bạn bắt đầu đối xử tốt với chính mình trước, và bạn sẽ học được cách đối xử với mọi người xung quanh sau đó. Ngoài ra, trong cuốn sách còn có những bài tập thiền khá thú vị.

1. Giúp bạn không bỏ lỡ những điều thực sự có 'giá trị' với bản thân Nhiều người cho rằng 'ikigai' là khái niệm giới hạn trong lĩnh vực công việc - khi bạn được trả tiền để làm gì đó. Tuy nhiên ở "Ikigai của tôi - Hướng tới một cuộc đời xứng đáng", ikigai được lý giải theo những khía cạnh trong đời sống thường nhật và được hiểu như /có một lý do tốt đẹp để thức dậy mỗi sáng/. Ikigai của bạn có thể là sở thích viết bullet journal mỗi tuần; có thể là bữa ăn sáng quen thuộc tưởng chừng đến 'nhàm chán' cùng gia đình; cũng có thể là bữa hẹn hò trà đá mà cả hai chẳng nói với nhau được mấy câu cùng đứa bạn thân. Một người có thể tìm thấy ikigai của mình ở bất cứ đâu, vào bất cứ khoảng thời gian nào, thế nhưng hầu hết chúng ta đều vô tình đi ngang qua chúng mà không biết rằng rất nhiều trong số đó thực sự có ý nghĩa và đang tạo nên thứ 'giá trị' mà bạn muốn theo đuổi trong cuộc sống. "Ikigai của tôi - Hướng tới một cuộc đời xứng đáng" sẽ giúp bạn kịp thời nắm lấy những điều ý nghĩa đó. 2. Một cuốn sách lý tưởng để đọc và làm theo, chứ không phải 'để đó' "Ikigai của tôi - Hướng tới một cuộc đời xứng đáng" được phân bố nội dung rõ ràng với 12 chương tương ứng 12 tuần thực hành - mỗi tuần là một định nghĩa, khái niệm mới từ lối sống đáng học hỏi của người Nhật; cùng với đó là những 'thử thách', 'trò chơi' bạn dễ dàng thực hiện - giúp bạn từng bước tìm ra 'ikigai' của chính mình. 3. Sự khởi đầu 'chỉn chu' cho năm 2020 Là cuốn sách mở đầu cho một thập niên mới của Bloom Books, "Ikigai của tôi - Hướng tới cuộc đời xứng đáng" là thành quả của sự tỉ mỉ, chỉn chu trong tất cả các khâu biên dịch, trình bày, in ấn. 285 trang sách hoàn toàn được in màu trên chất liệu giấy cứng cáp do chính Bloom tuyển chọn. Mong rằng cùng với Bloom và "Ikigai của tôi - Hướng tới một cuộc đời xứng đáng", bạn sẽ bắt đầu 2020 - năm của thực hành, một cách tròn vẹn và rực rỡ nhất

Thật dễ chịu khi đọc về những thứ bạn muốn tìm hiểu, trong cuốn sách thiết kế xinh xắn, trang giấy thơm tho và ngôn từ chau chuốt, dễ hiểu. Khi bắt đầu làm việc trong một công ty sở hữu rất nhiều nhà hàng Nhật Bản, mình đem lòng yêu thêm văn hóa nơi này. “Nhật Bản là một trong những quốc gia đáng để đi du lịch” – trích lời một người anh mê đi đây đi đó. Học mỗi ngày một chút, từ ẩm thực, địa lý đến văn hóa, để rồi đôi khi mình vẫn lúng túng khi chào cô Manager người Nhật, nhưng lấy đó làm động lực để học hỏi nhiều thêm. Moai – Năm đồng minh trọn đời Thói quen học cái này một chút, cái kia một chút về Nhật Bản đã thấm vào mình khi bắt đầu làm content cho nhà hàng Sushi. Từ một đứa còn chẳng biết sushi với sashimi khác nhau như thế nào, mình đi tìm google từng bài về việc con cá ngừ có ba loại thịt khác nhau như thế nào, cho đến việc người ta tin rằng ăn cá Madai sẽ gặp may mắn. Cũng như cuốn Japonisme – Những điều rất Nhật Bản, mọi thứ chỉ viết ở tầm giới thiệu thông tin thôi. Tuy nhiên, cảm giác an tâm vì tác giả và cả một đội ngũ đã research và chắt lọc thông tin cũng đã đủ khiến mình hài lòng.

“Ikigai là một từ tiếng Nhật: Nó được viết bởi bốn ký tự với ý nghĩa ‘sự sống’, ‘những gì xứng đáng’, ‘sự ưu tiên, khởi xướng’ và ‘vẻ đẹp, sự thanh lịch’.” Nói ngắn gọn: Có một lý do tốt đẹp để thức dậy mỗi sáng. Vốn được lưu truyền như một bí quyết sống hạnh phúc và lâu dài của người Nhật, ikigai không đơn thuần chỉ là những điều mang lại niềm vui, sự hài lòng cho cá nhân trong mọi lĩnh vực đời sống, mà còn là nguồn động lực và đích đến cho một cuộc sống đầy ý nghĩa. Vậy, làm thế nào để tìm ra ikigai của riêng mình? Cuốn sách này không phải một chiếc la bàn, chính xác thì nó giống như một “khoảng lặng”, dẫn dắt bạn khai phá từng khía cạnh của bản thân, từ đó tìm ra con đường lý tưởng trong hành trình giải đáp câu hỏi đầy triết lý nhưng không kém phần hấp dẫn và thi vị này. “Hãy quan sát thế giới bằng một góc nhìn mới mẻ, miệt mài dấn thân vào những hoạt động tưởng chừng như ‘vô bổ’, để mặc cho bản thân được sống và trải nghiệm, đừng lo lắng sẽ lãng phí thời gian và chấp nhận sự chán chường, chậm chạp, tĩnh lặng. Bằng cách không làm gì cả, tạo ra sự trống rỗng nhàn rỗi trong mọi khía cạnh, bạn sẽ tìm được ikigai của mình.”