Hóa Thân của Kafka thật ngắn, gói gọn 126 trang, nhưng áng văn siêu thực của ông đã trở thành một di sản vượt thời gian. Khi chạm đến, ta mải miết đắm chìm đến mặt chữ cuối cùng để chứng kiến toàn bộ những bi kịch, xung đột và mâu thuẫn.

Nếu phải dùng 4 từ để mô tả về hành trình Hóa Thân, đó sẽ là: Đau đớn, không lối thoát, chấp nhận và giải thoát.


Phi lý đến đau đớn

Hóa Thân hiện hữu đến thế giới quan của chúng ta bằng cách đặt góc nhìn vào một sinh vật bị hắt hủi nhiều nhất của thế giới hiện đại - gián. Không phải gián thường, mà hòa trộn giữa người và gián, tiếng nói người bên trong, lớp da cứng cáp quái gở xù xì bọc bên ngoài. Nhân vật chính của chúng ta, người từng sống cả đời trong vai một người con thảo, một người anh hiền, một công dân lao động mải miết quên thân, nay lại tỉnh thức trong lốt của một loài bọ gớm ghiếc – lối mở chuyện bàng hoàng, sửng sốt cứ tiếp diễn liên tục.

Như được dự đoán trước, bi kịch bắt đầu.

Khó tưởng tượng, một ngày bạn rời chiếc giường êm, dưới mái nhà quen thuộc, mọi thứ dường như vẫn vậy, chỉ bạn thay đổi, bạn vận một hình hài quái gở, và cam phận với sự biến đổi đó cả đời. Người bình thường hẳn nhiên lo sốt vó và tìm mọi phương án thoát khỏi sự kiện kinh hoàng này. Vậy mà ở Gregor Samsa - nhân vật chính, anh chỉ dành chút ít thời gian để thích nghi, anh dối bản thân rằng đây chỉ là một trận ốm thường để dành thời gian còn lại suy nghĩ về gánh nặng tài chính mình sẽ giáng lên gia đình. Trách nhiệm buộc anh vực dậy, gắng gượng tới chỗ làm. Rồi không lường trước, anh làm cả gia đình nháo nhào tá hỏa trước nhân dạng mới.

Đứng trước nguy cơ mất việc đã đủ khổ, gia đình anh, đặc biệt là cô em gái anh yêu thương nhất, đều đi từ sợ hãi, tuyệt vọng đến quyết định hắt hủi, vứt bỏ người thân - người từng cống hiến cả cuộc đời và tuổi trẻ để kiếm tiền vì họ.  Vỏn vẹn chưa đến 10 nhân vật xuất hiện trong Hóa Thân, mỗi nhân vật là cả một đại diện nhức nhối của một xã hội rối loạn, lấp đầy bởi lòng tham. Riêng nam chính, từ một quá khứ đầy mạnh mẽ mãnh liệt, cuối cùng mục ruỗng trong nỗi hấp hối vô danh – không ai muốn nhớ tới anh như một con người. Trước cõi đời phù phiếm, sự ra đi của anh như một tiếng khóc lặng, nửa đau đớn, nửa chơi vơi.

Hóa Thân của Kafka thật ngắn, gói gọn 126 trang, nhưng áng văn siêu thực của ông đã trở thành thành một di sản vượt thời gian. Khi chạm đến, ta mải miết đắm chìm đến mặt chữ cuối cùng để chứng kiến toàn bộ những bi kịch, xung đột và mâu thuẫn.

Nếu phải dùng 4 từ để mô tả về hành trình Hóa Thân, đó sẽ là: Đau đớn, không lối thoát, chấp nhận và giải thoát.


Thay đổi nhân dạng, và nhiều hơn thế

Gregor từ lâu đã mất kết nối với chính khát vọng và tiếng nói bên trong anh. Hình hài con gián vô tình là phương tiện để độc giả thêm xác nhận về điều đó. Xuyên suốt diễn biến câu chuyện, chính anh lại không phát hiện sự thật này. Gregor dành cả tuổi trẻ chạy theo công việc chào hàng mình không thích, đến bến tàu rất sớm, vật vờ thiếu ngủ tại những nơi chật chội lạnh lẽo, ăn món ăn nhạt nhẽo cầm chừng.

Mình chọn chi cái nghề quá đỗi nhọc nhằn này! Chạy rông hết ngày này sang ngày khác. Một công việc thật còn khó chịu hơn cả nghề bán buôn ở cửa hàng và bực mình nhất đời là cứ phải liên tục di chuyển, cứ phải lo lắng chuyện đổi tàu, chuyển ga, ăn uống thất thường, gặp đâu ngủ đấy, lúc nào cũng phải làm quen với những kẻ tình tờ gặp gỡ để rồi không bao giờ thấy mặt lần thứ hai, không bao giờ trở thành bạn hữu thân tình. Quỷ bắt cái nghề này đi!

Đã bao lâu rồi anh chưa dành thời gian cho mình? Lần cuối cùng anh bình yên ngắm nhìn căn phòng ấm cúng bố trí bởi các vật dụng quen thuộc – một không gian thinh lặng anh muốn ấp ôm và tận hưởng, là khi nào? Đã bao lâu rồi anh chưa nghĩ tới chuyện tình cảm lứa đôi, thưởng thức món mình thích, làm công việc mình đam mê. Không có khái niệm “mong ước cá nhân”, anh đã vì gia đình mà hy sinh mọi thứ. Mọi thúc đẩy hiện hữu trong Gregor là lao lực kiếm tiền nuôi gia đình, giúp người cha quên đi công cuộc làm ăn thất bại nhiều năm trước và đưa em gái vào học ở nhạc viện. Sự đủ đầy vật chất gia đình mới là mong ước của anh. Và cứ thế, anh mất đi khả năng lắng nghe tiếng nói bên trong.


Đồng tiền nghĩa vụ trở thành dây sắt trói chặt Gregor. Tiền anh kiếm được giúp anh mua nhà, đảm bảo gia đình có một nơi trú thân êm ấm. Khoản anh tích góp cũng sẽ đảm bảo một vị trí trong Học viện cho cô em gái bé bỏng đam mê đánh đàn dương cầm. Trật tự xã hội lúc bấy giờ đã đẩy anh vào một lựa chọn duy nhất là bán sức khỏe và thanh xuân.

Khi biến thành gián, anh vô vọng tìm đến những kết nối cuối cùng của mình với thực tại nơi người thân. Đắng ngắt, bạc bẽo! Họ trở mặt, họ hắt hủi, xua đuổi anh như một giống loài mang dịch bệnh, những liên kết cuối cùng đứt gãy... Nếu như ngay từ đầu Gregor kết nối được với bản thân, anh sẽ lý trí hơn trong việc tìm được tự do của riêng mình và trốn chạy, thay vì lìa xa cõi trần, không còn gì, dù chỉ là một chút xót thương cuối cùng.

Điều gì đau đớn hơn cảm giác bị chính người thân chối bỏ?

Như chưa đủ trong thảm cảnh của một con bọ, người chủ tại chỗ làm đích thân đến “hỏi tội” anh vì sự vắng mặt vô phép trong ngày làm việc. Chưa thấu đạt sự tình, lão ra sức lăng mạ và mặc định sự bê trễ trong công việc hôm nay là do thói lười biếng. Lão chủ là đại diện điển hình của một xã hội vô tâm, coi khinh sức khỏe và nỗ lực cống hiến con người, người ta không quan tâm năng lượng thể chất và tinh thần anh ra sao, chỉ cần anh kiếm được nhiều khách, anh buộc phải làm việc. Đãi ngộ nhân viên không tốt, vậy mà chỉ cần một sơ suất công việc, anh bị trực tiếp kiểm điểm ngay lập tức. Sự khoan dung và chối bỏ từ xã hội là thứ đầu tiên khiến anh mất giá trị.

Thứ hai, điều cuối cùng, cũng là điều tồi tệ nhất – sự phủ nhận từ gia đình.

Thời điểm 5 năm trước, để giúp người cha vượt qua phi vụ làm ăn thất bại, Gregor đã một mình tìm đến công việc chào hàng đầy những khổ cực không tên. Anh thức khuya dậy sớm, ngủ tại những khách sạn hạng bét, đối mặt với đồng nghiệp và những khách hàng khó chịu, đổ nước mắt, dốc sức mình kiếm cho gia đình thật nhiều tiền. Tài chính đảm bảo thì có thể mua nhà, tận hưởng những bữa ăn ngon, thậm chí thuê người hầu về phụ giúp. Cả gia đình anh hoan hỉ vì một người con thảo biết kiếm tiền, biết lấp đầy hạnh phúc vật chất xa xỉ cho gia đình. Nhưng dần dần, những đóng góp mặc nhiên biến thành nghĩa vụ. Anh! con trai cả! anh phải kiếm tiền! - đó là làm tròn trọng trách người làm con. Chua xót, mấy ai nhận ra, ngày đầu biến thành gián, điều gia đình quan tâm đầu tiên không phải tình trạng sức khỏe của Gregor, mà sợ anh lỡ chuyến tàu đầu tiên đi chào hàng.

Chứng kiến nhân dạng kỳ lạ của Gregor, cả gia đình hoảng hốt và ghê sợ. Người cha 5 lần 7 lượt suýt làm hại anh vì những tưởng sự biến đổi về ngoại hình đồng nghĩa với sự suy đồi trong nhân cách. Với cô em gái mà anh hết mực yêu thương, ban đầu chịu khó chăm sóc anh một cách dè chừng, sau đó sự quan tâm dần biến mất, thay thế bằng thờ ơ, lãnh đạm. Gregor mất đi vị thế chính trong nhà là một công cụ kiếm tiền hạng nhất cho gia đình, vì thế mọi người bắt đầu khinh mạt anh, đối xử với anh như một gánh nặng. Sau cuối, anh hóa thành một chiếc bóng vô hình, một thực thể vô thừa nhận:

Thoạt tiên, anh ngỡ rằng chính nỗi chán nản về tình trạng bẩn thỉu của căn phòng đã làm anh không ăn nổi, nhưng sau đó anh dần quen với những thay đổi trong phòng mình. Trong gia đình, đã hình thành cái thói quen tống bừa vào phòng anh những đồ đạc không có chỗ chứa, và đến này những món ấy đã chất chồng, bởi vì phải dọn trống một căn phòng trong nhà để cho ba người lạ thuê

Sự chối bỏ này tưởng như chỉ dừng lại ở đây. Đêm định mệnh bắt đầu từ ngày gia đình anh ăn tối chung với 3 kẻ thuê trọ có vẻ ngoài lịch sự gọn gàng nhưng trong lòng ích kỷ đầy toan tính. Khi tiếng đàn của cô em gái cất lên, sau tháng ngày bị đày đọa trong u hoài đơn độc, những xúc cảm nhân tính của anh được đánh thức bởi âm nhạc, tiếng đàn gợi về tình cảm lớn lao mà anh dành cho cô em gái bé bỏng. Gregor không kìm được lòng và lao ra ngoài. Và chính vì cớ này mà 3 kẻ thuê trọ một mực đòi kiện cả gia đình, không trả tiền thuê trọ. Ngọn lửa xung đột bùng lên, cả gia đình anh phỉ báng, mắng nhiếc anh là một sinh vật tai ương đáng khinh bỉ, và rằng anh là kẻ phá hoại mọi thứ, họ đẩy anh vào đường cùng không lối thoát. Sau tất cả cống hiến, anh nhận lại cái nhìn thù hận của những người máu mủ.

Đầu truyện khi ý thức về nhân dạng còn rõ rệt, giọng nói Gregor-gián lẫn chút gì đó sót lại của con người. Sau cùng khi sự từ chối bản dạng tới từ nhận thức cá nhân và cái nhìn của người thân ngày một lớn, anh hoàn toàn mất tiếng người. Bi kịch đẩy anh đến tự vẫn. Anh chọn cách ra đi, trút hơi thở cuối cùng nơi góc phòng quen thuộc.

Trong trạng thái suy tư bình an và lơ đãng ấy, anh nằm liệt một chỗ mãi đến lúc chuông đồng hồ trên tháp gõ ba giờ sáng. Ý thức của anh lại một lần nữa tiếp nhận ánh hừng đông đầu tiên dần trải rộng ở thế giới bên ngoài khung cửa sổ. Rồi đầu anh tự động gục xuống sàn nhà và hơi thở mong manh cuối cùng của sự sống thoát khỏi hai lỗ mũi anh.

Ngay cả trong xã hội hiện đại, sự chối bỏ từ cộng đồng cũng không thể đau đớn bằng sự ghẻ lạnh từ người thân. Lấy ví dụ điển hình như cộng đồng người đồng tính. Nhiều người trẻ đã thu hết can đảm để bộc bạch về giới tính của mình cho người thân, chỉ để sau đó nhận lại sự hắt hủi và xua đuổi đến lạnh người. Giống như Gregor, sự thiếu hiểu biết của gia đình cùng lòng ích kỷ nhỏ nhen đưa họ tới một kết luận nghịch lý: con cái của họ, nếu khác biệt thì đều là tội đồ, là một mầm mống bất hạnh, là tai ương và dấu chấm hết cho thứ gọi là bộ mặt danh giá của gia đình. Bị phủ nhận hoàn toàn bởi gia đình, nơi họ từng tin rằng có thể tìm được một sự bảo bọc vững vàng nhất, người trẻ đầy tổn thương, không thể gào khóc thành tiếng, đều tìm đến một lối thoát đầy cám dỗ nhất – cái chết. Hay chính xác hơn, sự giải thoát.

Hình tượng con gián và sự giải thoát?

Gián, cùng với chuột là một hình tượng ẩn dụ ám chỉ tầng lớp tận cùng xã hội, bị hắt hủi và kinh sợ bởi tất cả mọi người. Chúng đáng sợ vì ngoại hình và mùi hôi phần 5, thì đáng sợ vì sức tàn phá đến đời sống con người phần 10. Gregor biến thành gián là một phép ẩn dụ về cái nhìn của xã hội đương thời, và là tấm gương phản chiếu tâm địa ích kỷ của gia đình anh và của xã hội.

Gregor hết lòng vì gia đình. Mù quáng đến tội nghiệp, vẫn cảm thông kể cả khi gia đình đối xử với anh như một đám rẻ cũ nát vô giá trị. Hiểu được gánh nặng mình gây ra, anh tìm về căn phòng cũ tự trút hơi thở cuối cùng. Cô đơn, lạnh giá, nhưng đầy dễ chịu. Bậu cửa sổ câm lặng được soi rọi bởi ánh mai bình minh, mang hình hài của một sự khởi đầu. Đau đớn đã dứt. Ra đi, song lại là giải thoát.

Toàn bộ không gian của câu chuyện diễn ra trong một ngôi nhà, từ ấm cúng, nhỏ gọn biến thành một không gian chật hẹp, tù túng, nhen nhóm bởi sự ích kỷ, cố chấp. Sự dịch chuyển không chỉ từ không khí trong ngôi nhà, mà còn cả cách tư duy của những cá thể đang ẩn trú trong đó.


Có ai đó nói rằng, Hóa Thân đang âm thầm kể lại câu chuyện của một người đàn ông bị bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình, cuối cùng tìm đến sự giải thoát vĩnh cửu. Đây là một giả thiết hợp lý đến đau đớn. Thực ra, Gregor có thể là bất kỳ ai trong chúng ta, hết lòng vì người chúng ta thương yêu, nhưng rồi một ngày bị ghẻ lạnh vì đánh mất giá trị của mình. 

Trách nhiệm với cộng đồng dẫu quan trọng, nhưng đôi khi cần cho mình nhiều hơn những khoảng lặng để lắng nghe tiếng lòng, để cần mẫn săn sóc cơ thể và tâm trí. Sau cùng, chỗ dựa tốt nhất vẫn là bản thân mình, vì nó sẽ không bao giờ rời bỏ ta. Mọi chuyện lẽ ra sẽ khác nếu Gregor lo cho bản thân mình, trốn chạy ra ngoài, bỏ mặc thế gian tàn nhẫn.

Tóm lại, Hóa Thân là một câu chuyện đáng đọc và chiêm nghiệm. Kafa đã cho thấy, 1 ý tưởng hay không cần đến hàng triệu câu từ để bộc bạch. Cách kể chuyện của Kafka lôi cuốn, sử dụng rất nhiều câu ghép khiến cho câu văn mang nhiều mạch suy nghĩ chồng chéo, đúng với tâm lý đầy ngổn ngang của “chú gián Gregor”.

Review chi tiết bởi: Hà Phát - Bookademy

Hình ảnh: Hà Phát

--------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Như tựa đề, “Hoá thân” nói về anh chàng Gregor Samsa, người làm công việc chào hàng, bỗng sau một giấc ngủ hoá thành loài bọ*. (*Theo wiki thì chữ gốc trong tiếng Đức có nghĩa chỉ chung cho loài vật giống như bọ, có thể bọ cánh cứng, có thể gián, tác giả chưa từng nhắc cụ thể là loài nào.) Trước đó, trong mắt các thành viên khác trong nhà, Gregor là trụ cột, là người cung cấp cho họ cuộc sống xa hoa, nhàn nhã; trong mắt ông chủ, Gregor là máy kiếm tiền, và anh không được phép lười biếng dù khi ngã bệnh. Ngày Gregor biến thành bọ, cả nhà kể cả người quản lý của anh đến tận cửa phòng anh, buông lời trách móc vì anh dám có một ngày lười biếng. Họ tỏ thái độ thất vọng, cáu gắt vì nghĩ cái cỗ máy làm việc của họ bỗng dưng dở chứng đau xoàng, chứ nào hay biết nó đã có một sự thay đổi mà chính nó cũng không tưởng tượng nổi. Điều đáng nói ở đây là Gregor sau khi hoá thân, dù với sự ngỡ ngàng trước những thay đổi của cơ thể, nhưng đầu óc anh vẫn còn suy nghĩ tới chuyến tàu hàng, số tiền cho cô em gái vào nhạc viện và tỉ ti các thứ trách nhiệm khác mà mọi người đổ nó cho anh như một lẽ đương nhiên. Bằng hết nổ lực của mình, cuối cùng Gregor cũng mở được cánh cửa phòng ngủ với thân hình của một con bọ, lưng cứng, bụng phân thành đốt, chân nhỏ lêu khêu, hai cái râu trên đầu. Không ngoài dự liệu, cả nhà ai nấy đều hốt hoảng bởi sự khủng khiếp trước mắt họ, bà mẹ té xỉu, ông bố kinh hoàng, tay quản lý chạy trối chết… Và đây là lần đầu Gregor bị người cha của mình xua đuổi, doạ nạt. Từ hôm ấy, Gregor bị nhốt trong căn phòng khoá kín, ngoài cô em gái lương thiện giúp anh đưa đồ ăn thì mọi người đều tỏ ra kinh tởm trước hình thù ấy. Gregor thay đổi, trong nhà cũng thay đổi. Ba, mẹ và em gái anh không còn ăn không ngồi rồi nữa mà bắt đầu làm việc, dù trước đó cái tình trạng mà họ tỏ ra là “tôi chẳng thể làm bất cứ công việc gì cả”, thoạt nhìn thì đây là dấu hiệu tốt sau tai hoạ của gia đình họ. Em gái và mẹ của Gregor muốn giúp anh thoải mái hơn trong thú tiêu khiển, ờm, chính là tiêu khiển bằng cái trò thả mình trên trần nhà xuống và bò khắp phòng, bằng cách khuân hết đồ đạt ra ngoài. Nhưng so với trò tiêu khiển tự nghĩ ấy, Gregor lại muốn được nhìn thấy những vật dụng chứng minh mình đã từng là người hơn, nên anh đã cố ngăn cản việc làm của cô em và mẹ, kết quả lại doạ cho bà mẹ té xỉu trong lần thứ hai thấy hình hài của anh. Rồi đây cũng là lần thứ hai Gregor bị hành hung, một quả táo ném trúng thân người, và lõm xuống, nằm yên đấy hằng tháng trời rồi thối rữa đi. Nhà Gregor chừa một phòng cho thuê, khách thuê là ba người đàn ông hay soi mói và cáu gắt. Từ lần thứ hai bị đánh, cả nhà kể cả cô em đều tỏ ra thờ ơ với anh, cho rằng quan tâm anh chỉ là một nghĩa vụ. Họ cung kính với những người khách thuê như ông hoàng trước mặt anh, đãi khách món ngon, còn của anh là bất cứ thứ gì họ tiện chân đá vào. Họ tuân lệnh mang đàn vào giải khuây cho khách, chỉ có mỗi Gregor biết thưởng thức tiếng vĩ cầm của cô em gái, còn đâu đều mang tâm trạng chán chường với nó. Gregor bị tiếng đàn thu hút trường mình ra khỏi căn phòng kín đã phủ đầy bụi bẩn, đồ đạc, rác thải, của mình để đến với căn phòng có buổi hoà nhạc tuyệt vời. Thấy mọi người không mảy may chú ý buổi biểu diễn, Gregor bỗng nảy ra ý muốn nhốt cô em và tiếng đàn lại cho riêng mình, với điều kiện cô em tự nguyện. Bởi vì thân hình quá mức gây chú ý của Gregor mà ba vị khách dễ dàng phát hiện sự có mặt của anh trong phòng, họ không kinh hoảng, mà trái lại còn thích thú, vì đó là cái cớ để họ khỏi phải trả tiền nhà. Lần thứ ba Gregor đối mặt với mọi người cũng là lần khiến anh tuyệt vọng nhất. Cô em gái luôn chăm sóc anh không những thờ ơ mà còn muốn tống khứ anh đi, vu cho anh cái tội muốn độc chiếm căn nhà, giết hết cha mẹ, rằng anh không phải Gregor mà chỉ là con quái vật khủng khiếp, lẽ ra từ đầu họ nên tống anh ra ngoài để giữ lại phần ký ức tốt đẹp của Gregor, hơn là giữ một con quái vật trong nhà. Gregor tổn thương bởi lời nói ấy, anh vào phòng với thân thể cồng kềnh đầy những vết thương, trái táo đã phân hủy vẫn còn vướng trên lưng, vết thương đã nhiễm trùng, và sáng hôm sau anh được phát hiện chết trong căn phòng riêng bẩn thỉu của anh. Ba người khách bị đuổi đi, cả nhà sau trận thương tâm lại bắt đầu cuộc sống mới có ý nghĩa hơn. ____________ Ở đầu đề mình đã nói “Hoá thân” là tác phẩm viết về con người không còn là người khi mất đi giá trị. Giá trị của Gregor là kiếm tiền, giá trị của anh đối với chủ hay gia đình đều là cái máy kiếm tiền. Trong tác phẩm không nhắc đến chi tiết anh tự nhìn nhận giá trị của mình, mà giá trị của anh được “định giá” bởi người khác. Thế thì khi hoá thành bọ, cái giá trị ấy của anh tự nhiên cũng biến mất. Nói theo tưởng tượng cảm tính một chút thì có khi hình tượng con bọ của anh nào có phải là bọ, có thể anh vì một lý do nào đó mà mất đi sức lao động, nằm bẹp trong căn phòng, rồi thế là người khác tự nghĩ anh thành bọ, không có giá trị thì một con vật vô dụng, ghê tởm, bẩn thỉu cũng đáng để gán ghép cho anh. Nhìn theo hướng nghệ thuật, chi tiết Gregor quên cả đau đớn trườn tới căn phòng em gái biểu diễn vĩ cầm, cái ý nghĩ của Gregor ập tới: “Anh có phải là một con vật không, khi âm nhạc vẫn còn tác động đến anh mạnh mẽ dường ây?” Thế mới có chuyện để bàn, giá trị là cái gì mà họ phải gồng lên để đối diện với cuộc sống, kể cả những giây phút thư thả, họ cũng chẳng thể thẩm thấu âm nhạc, sống thua cả một con vật thì làm người có gì hay? Phong cách của Kafka trong hầu hết các tác phẩm là tạo mê cung, hoá thần thoại, “Hoá thân” tạo ra hai cái hộp, một hộp ảo là giá trị của Gregor; một hộp thực thể là căn phòng của Gregor, nơi anh hoá thân và chết đi. Khi cái hộp ảo mất đi, cái hộp thực thể biến thành nhà tù giam cầm thể xác và tinh thần anh, gợi anh nhớ tới giá trị mà người ta gán cho mình, để rồi tự dằn vặt bản thân mà chết. Bên cạnh các chi tiết nghệ thuật tận đẩu đâu thì cái nội dung mà đọc vào ai cũng thấy là tình cảm giữa người với người. Đầu tiên là Gregor và em gái, đoạn đầu cả hai trông thật đồng điệu, cô em nhận việc chăm sóc Gregor vào mình, Gregor tự tìm chỗ ẩn nấp tránh doạ sợ người em. Nhưng sau đó bởi cái giá trị kiếm tiền của cô được kích hoạt, mà giá trị của Gregor đã trở về số không, khoảng cách giá trị tạo nên khoảng cách giữa con người, đúng hơn là giữa người và con vật có tính người, cho nên cô em mới dần bỏ mặc và muốn tống khứ anh. Còn người bố, cái người được miêu tả trước đó chỉ làm ông già suy yếu, thì khi Gregor hoá thân, cái dây lao động của ông bỗng căng như dây đàn, kể cả đi ngủ cũng phải ngủ gật trên sô pha, bộ quần áo lao động bám miết trên người thay cho cái ngủ vô dụng treo trên giá. Nhân vật này khiến mình bỗng nhớ đến ông cố Hồng trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, giá như khi ấy bác Phụng cũng hứng lên viết cho ông ta một cái nút biến cố thì hẳn ổng cũng y đúc hình tượng cha của Gregor. Khi mà người và người không đến với nhau bằng tình cảm thì thang đo độ ân cần chính là giá trị mà bạn có, dù là ở thời điểm viết tác phẩm hay hiện tại thì điều này cũng là chân lý. Đọc truyện này làm mình nhớ đến loài gián, cái loài mình ghét cay ghét đắng, những đoạn Gregor bị đánh và xua đuổi, rồi mấy đoạn diễn tả cảnh bị thương, đau đớn khiến mình thương loài gián kinh khủng, nhưng méo có vụ vì một tác phẩm mà mình không giết gián nữa đâu, khi đang viết bài này mình đã xịt cho một con ngửa bụng vì dám bay vào phòng doạ mình. Thương cảm là thương cảm, còn giống loài ấy là phải diệt, nhé! À, một điểm cộng nữa cho “Hoá thân” là bản dịch Đức Tài rất ok, tuy là truyện Tây nhưng người dịch diễn đạt rất tốt, khi đọc không có giác đuôi lộn lên đầu như những truyện Tây khác mình từng đọc. Tóm lại là dịch tốt, nội dung sâu sắc, tác giả thiên tài thuộc hàng kinh điển, thì nào còn cái cớ gì mà bỏ qua nó phải không?

Để hiểu hơn về tác phẩm của nhà văn KafKa, trước tiên tôi muốn giới thiệu qua về chủ nghĩa hiện sinh và dòng văn học phi lý. Sơ lược về chủ nghĩa hiện sinh: Sở dĩ có tên gọi chủ nghĩa hiện sinh là vì chủ nghĩa này nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời. Người ta sống, chứ không phải tồn tại, trong mỗi phút giây, và kinh nghiệm về cuộc sống của mỗi người luôn có tính chất độc đáo, khác biệt hoàn toàn với kinh nghiệm của mọi người, và chỉ có thể được hiểu đúng thông qua sự dấn thân của anh ta vào cuộc sống. [1] Sơ lược về văn học phi lý: Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ “loại hình văn học phi lý có nhiệm vụ nhận thức và mô tả cái hiện thực vô nghĩa, phi lôgic, phi lý tính, trái với năng lực nhận thức của con người” .... “khi nói đến văn học phi lý thì chúng ta phải hiểu rằng đó là văn học con đẻ của thế kỷ XX, hay nói đúng hơn là kết quả của cuộc khủng hoảng về nhiều mặt của thế kỷ XX” [2] Có muôn vàn cánh cửa để bắt đầu tiếp cận tác phẩm của nhà văn Franz Kafka, tác phẩm của ông giống như một mê cung khiến người đọc lỡ bước chân vào sẽ bị dẫn đi muôn vàn lối đi với muôn vàn ngã rẽ. Trong phạm vi bài review ngắn này, tôi chỉ xin đánh giá theo ý kiến cá nhân của mình về chương một trong tác phẩm Hóa Thân của ông. Câu chuyện của hóa thân bắt đầu bằng một sự tỉnh giấc: “Một sáng tỉnh giấc sau những cơn mơ xáo động, Greor Samsa, nằm trên giường, nhận thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ”. Trước sự "tỉnh giấc” này Greor là một người thế nào? Chẳng ai biết. Anh ta gầy hay béo, cao hay thấp, hình dáng trông ra sao? Chẳng ai biết luôn. Ngay từ đầu, quá khứ, con người, cuộc sống của Greor đã mơ hồ, sự tồn tại của anh cũng thật mơ hồ, ví thử đổi cái nghề nghiệp “nhân viên chào hàng” mà tác giả đã gán cho anh ta bằng bất kỳ cái nghề nghiệp nào khác thì cốt truyện cũng chẳng khác gì. Greor cứ như đã mơ một giấc mơ thật dài, mông lung cho đến tận thời điểm câu chuyện bắt đầu, và anh mới “tỉnh giấc”. Sau khi Greor “tỉnh giấc” mọi thứ mới rõ ràng làm sao, anh bị biến thành một con côn trùng khổng lồ (loại côn trùng gì thì chính anh cũng chẳng biết, thật mơ hồ), điều kỳ lạ ở đây là anh ta chẳng ngạc nhiên, chẳng hoảng sợ lắm trước biến đổi kinh khủng của bản thân mình. Việc Greor bị biến thành bọ thật phi lý, hết sức phi lý, ấy vậy mà anh mặc nhiên chấp nhận điều phi lý đó, chấp nhận phi lý mà không cần biết lý do, phi lý đã mặc nhiên tồn tại. Suy nghĩ đầu tiên của Greor trong lốt bọ là “Lạy Chúa! Mình chọn chi cái nghề quá đỗi nhọc nhằn này...”. Anh nghĩ ngay tới cái công việc mưu sinh, cái trách nhiệm với đời sống, chứ chưa hề bận tâm đến tình cảnh của bản thân. Thế kỷ XX, thế kỷ của các cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ, con người bị cuốn vào những guồng quay chóng mặt, có biết bao người như Greor đây? Có biết bao người đang nhắm mắt lao vào cái guồng quay chóng mặt ấy đây, cái vòng quay mà Camus gọi là “vòng lặp phi lý”. Greor bị biến thành bọ, nhưng anh vẫn có suy nghĩ của con người, vẫn hiểu những điều mọi người nói chuyện, và trong hình hài quái đản này anh vẫn muốn đi làm, bởi vì từ trước đến giờ anh là lao động chính và duy nhất trong nhà, anh nghĩ rằng nếu anh dừng lại thì gia đình anh sẽ không biết xoay sở ra sao? Đỉnh điểm nỗ lực của Greor là khi anh cố mở cửa phòng bằng mồm, “từ trong mồm anh đã ứa ra một chất lỏng màu nâu, trào giàn giụa trên chiếc chìa khóa rồi nhỏ tong tong xuống sàn”. Vậy mà người ta đã “ghi nhận” cố gắng của anh thế này đây: Người mẹ anh vô vàn kính yêu rú lên “Cứu tôi với, lạy Chúa!”; Lão quản lý thì “nhảy ào xuống mấy bậc thang liền và biến mất”; Người bố yêu quý của anh “nện chân xuống sàn ầm ĩ” và rít lên “xéo đi! Xéo đi” như một kẻ man rợ. Greor thực sự bàng hoàng, lúc này anh mới shock thực sự, lúc này anh mới ý thức được vẻ khác biệt, quái đản của mình. Trước khi mọi người nhìn thấy mình, dù đã hóa thành bọ, Greor vẫn thấy bình thường, anh còn cố gắng làm quen và điểu khiển cơ thể mới lạ của mình, anh không hề thấy mình quái đản, tâm trí anh vẫn là của con người bình thường, và anh cũng thấy mình bình thường. Ấy vậy mà khi thấy phản ứng của những người xung quanh, anh đã bị thay đổi hoàn toàn, bản thân anh cũng tự thấy mình quái đản. Vẫn con bọ đó, trước khi bước qua cánh cửa phòng và sau khi bước qua cánh của phòng, trong một sát na đã thay đổi hoàn toàn. Tôi tự hỏi: Điều gì định nghĩa nên một con người? Là bản thân anh ta tự nhận thức và thấu tỏ bản thân hay anh ta chính là hình bóng của các khuôn mẫu mà cộng đồng và xã hội áp đặt lên anh ta? Greor quay lại phòng, với vết thương đầm đìa máu trên lưng, với cánh của phòng đóng sầm lại, tối om, lạc lõng, anh chui xuống gầm ghế sofa, nằm im, cô đơn, anh dần hành xử như một con bọ thực sự (dù trí tuệ của anh vẫn là của con người). Anh đã hành xử đúng như những gì mọi người đã nhìn nhận về anh. Greor nhận ra từ trước đến giờ anh chẳng hiểu về những người thân của mình, anh chỉ là cái bóng giữa gia đình, là cái máy kiếm tiền để những người kia yên tâm hưởng thụ. Tâm hồn nhạy cảm với trách nhiệm, tình thương của Greor bị tổn thương. Thế nhưng anh vẫn không nguôi tình yêu thương gia đình. Anh cô đơn giữa xã hội, cô đơn giữa đồng nghiệp và cô đơn ngay chính giữa gia đình thân yêu của mình. Đây cũng là thực trạng về cuộc khủng hoảng tâm lý của con người trong bối cảnh bất an, lo âu của đầu thế kỷ XX

Có thể nói Kafka chính là người đã lồng ghép nửa mơ nửa thực ấy trong tác phẩm Hóa thân của mình. Gregor Samsa chỉ là một anh chàng nhân viên tầm thường đến không thể tầm thường hơn, và một ngày đầy mệt mỏi, sau khi anh tỉnh lại, thì anh đã bị vướng vào một ác mộng - anh bị hóa thành một loài động vật với thân mình bè ra, và bốn cái chân cũn cỡn. Đó là con gián, và nói một cách chính xác, anh thành một con-gián-có-mặt-người. Cuộc đời thật tàn nhẫn với Gregor, anh chẳng thế làm một con người bình thường, cũng chẳng thể làm một con gián bình thường, tiếp tục cuộc đời đơn điệu của mình, mà anh phải sống tiếp, sống một cách mệt mỏi, vì những lo nghĩ cho gia đình, vì những gánh nặng gia đình vốn đè trên vai mình đã quen, khi bỏ xuống lại trái lo phải nghĩ tới nó. Đề tài của Hóa thân không phải thật mới lạ trong thời hiện đại bây giờ: hóa thành loài vật. Cùng là việc hóa thành các loài động vật khác, tôi có đọc Animorphs - người hóa thú, và từng thích nó. Mặc dù mỗi cuốn có một đề tài riêng - cuộc phiêu lưu của đám thiếu niên trong cuộc hành trình chống lại người ngoài hành tinh, và cuộc sống của anh chàng nhân viên tầm thường - nhưng nếu phải nói tôi thích cuốn nào hơn, thì có lẽ đó là Hóa thân. Ở Animorphs hay Hóa thân, thì sự biến hóa diễn ra ở cả tâm sinh lý, nhưng Animorphs chỉ là những bản năng, còn Hóa thân là những nội tâm vặn vẹo theo hình hài... Một cơn ác mộng theo nghĩa bóng nhưng lại ẩn chứa những điều chân thực và "rất đời". Kafka thật khéo léo khi khắc họa chân dung cuộc đời của cả một gia đình một cách chân thực, xúc động nhưng cũng đáng sợ đến vậy. Hóa thân làm tôi ghê sợ loài người bởi một người cha, người mẹ, người em gái, nhưng còn ghê sợ hơn bởi chính Gregor. Mang hình hài ác quỷ, và cái tâm cũng dần thay đổi, yêu gia đình, nhưng rồi trong tình yêu ấy cũng mang một sự ích kỷ đến đáng thương riêng. Cái ích kỷ của Gregor là ích kỷ đối với người thân, nhưng yêu thương chính mình, và tôi thích điều ấy ở anh. Cuốn Hóa thân thật sự rất mỏng, nhưng nó làm tôi phải mất kha khá thời gian đọc, và đọc lại vài lần vài đoạn. Không phải do Hóa thân dở, mà do tôi sợ hãi, sợ hãi trước những con người trần trụi, xã hội trần trụi với những bộ mặt thật xấu xí. Nếu họ không đối xử vậy với Gregor, nếu Gregor không "hóa thân", nếu....

Trước đó anh là trụ cột nuôi sống gia đình gồm một người cha thất bại trong kinh doanh, người mẹ đau ốm và đứa em khờ khạo chỉ biết ăn sung mặc sướng và chơi violin. Khi anh nhận thức bản thân cách nào đó đã trở thành một chú bọ, anh chỉ lặp đi lặp lại suy nghĩ làm sao cho kịp chuyến tàu 7h rồi 8h, làm sao để giải thích với ông chủ, anh chấp nhận hóa thân mới của mình nhưng anh vẫn muốn lao động để bảo bọc gia đình của mình. Gia đình và ông chủ anh thì ngược lại, họ hết sức kinh hãi, ông chủ anh tắt tiếng, bỏ chạy, anh chính thức mất việc. Gregor từ trụ cột gia đình trở thành người cần cưu mang, bao bọc, giờ đây anh đích thực là một kẻ phụ thuộc, ""ăn bám"" gia đình. Chúng ta có thể cảm nhận được Gregor là một người đàn ông hết sức yêu thương cha mẹ, em gái mình. Nhưng với hình hài quái dị này, gia đình anh liệu có chấp nhận anh? Có cưu mang, thương yêu anh như anh đã chăm lo, bảo bọc họ bao tháng ngày qua? Kết thúc truyện bản thân tôi cảm thận như là một sự giải thoát, là cánh cửa duy nhất dẫn Gregor và cả gia đình anh đến với bình yên. Tác phẩm chỉ trên 100 trang nhưng chứa đựng tấn bi kịch hãi hùng, nỗi đau đớn khủng khiếp của một số phận con người, cần đọc nhiều lần để nhắc nhở bản thân trân quý cuộc sống và thân thể, sự tự do, khả năng và quyền lao động - tạo ra giá trị của bản thân mình.

Là một tiểu thuyết hư cấu khá ngắn( chỉ khoảng hơn 100 trang bản tiếng việt), Hóa thân là một cuốn sách mà bạn có thể đọc trong chỉ một ngày, xong những ấn tượng về cuốn sách này sẽ còn hằn in mãi trong tâm trí người đọc. Truyện kể về một anh chàng có tên Gregor thức giấc vào một buổi sáng sớm như thường lệ nhưng đột nhiên nhận ra bản thân mình đã trở thành một con côn trùng. Điều đáng nói là mọi việc xảy ra rất điềm nhiên, Gregor không hề tỏ ra hoảng sợ hay mất bình tĩnh , trong suy nghĩ anh vẫn luôn là hình ảnh của công việc vất vả thường ngày nay đây mai đó để chăm lo cho gia đình , anh lo lắng nếu đến muộn sẽ bị trừ lương hay bị chủ mắng. Qua từng trang giấy tác giả phác họa hình ảnh của Gregor trong hình hài côn trùng một cách rất dị biệt, vẫn đầy tính con người trong đó. Gregor dường như vẫn giữ một bộ não tỉnh táo của loài người, nhưng với thân thể và giọng nói của một con côn trùng. Anh đau đớn biết nhường nào nhưng chẳng thể nói ra suy nghĩ của mình. Anh quen dần với những thức ăn hàng ngày mà hàng ngày bỏ đi , những thức ăn ôi thiu mốc thối. Anh vẫn cố che chở cho em gái, vẫn nghĩ về giấc mơ trở thành một nhạc sĩ của cô em, vẫn nấp dười chiếc trường kỉ mỗi khi em gái cho ăn để tránh làm cho em mình hoảng sợ. Tất cả đều thay đổi, từ một người trụ cột trong gia đình, nay anh trở thành một kẻ ăn bám, một kẻ khiến chính người nhà phải khiếp sợ. Mọi thứ diễn ra như hiệu ứng domino, Gregor bị cha rồi mẹ rồi cuối cùng là chính em gái mình hắt hủi bỏ bê, bị chính cha ruột quăng một quả táo găm thằng vào lưng-còn nỗi đau nào hơn. Cái chết đến với anh một cách tưởng chừng như thanh thản nhưng thực ra chỉ là sự giải thoát khỏi những nỗi đau mà anh phải chịu đựng. Tác phẩm mang đến cho người đọc một cái nhìn khác biệt về số phận con người. Nhìn Gregor không giống như một con côn trùng mà chỉ như một con người đang khỏe mạnh bỗng chốc trở nên vô dụng. Con người là vậy, khi có ích thì được mọi người quý mến , khi tàn phế thì chỉ như một bãi rác không ai thèm chứa chấp ngay cả chính gia đình mình!

Hừm, Kafka. Thực ra ban đầu mình muốn bắt đầu với Franz Kafka bằng cuốn này, vì có vẻ như đây là truyện dễ đọc nhất của Kafka, cũng là truyện được nhiều người biết tới nhất. Nhưng cũng do đẩy đưa, nên truyện ngắn đầu tiên mình đọc của Kafka lại là Nghệ sĩ trò nhịn đói, viết không lâu trước lúc Kakfa mất. Rồi sau đó lại bưng luôn quyển tuyển tập Kafka, bản tiếng Anh trong bộ Everyman's Library (đẹp khỏi nói rồi) rồi với cuốn Vụ Án nữa. Tóm lại Hóa Thân là một trong những truyện cuối cùng mình đọc của Kafka. Và đúng như người ta nói thì truyện này là truyện dễ đọc nhất của ông, mình cũng thấy vậy. Cốt truyện thì mình nghĩ ai cũng biết rồi Gregor Samsa một hôm ngủ dậy thấy mình bị hóa thành một con bọ xấu xí, rồi chuyện gì xảy đến với anh thì đọc đi rồi biết ;) tại vì cuốn này ngắn lắm, nói ra là hết chuyện để đọc luôn á. Mà cũng hay thật, mình thấy sao nhã xuất bản Nhã Nam hay xuất bản những cuốn mỏng dánh như vầy hay thật ấy. Vì lúc mình đọc trong bộ tuyển tập Kafka (bạn nào có điều kiện tìm thử bản của Everyman's Library đọc sẽ thấy) mình thấy truyện nó ngắn lắm. Vậy mà bản tiếng Việt, không biết chỉnh font chữ, căn lề, bla bla làm sao mà thành được một cuốn sách hơn 100, mà cầm lên vẫn không cảm giác quá mỏng. Tiêu đề Hóa thân gợi cho người đọc nhiều cách hiểu. Theo mình, trong cuốn này không chỉ có Gregor hóa thân thành con bọ, mà còn nhiều lần hóa thân khác nữa mà khi đọc nếu cố chú ý sẽ thấy được. Mình không nghĩ đây là tác phẩm hay nhất của KAfka, chắc chắn là không, nhưng nếu ai muốn thử đọc Kafka thì nên bắt đầu với Hóa Thân.