"Đừng bao giờ tìm gió trên cánh đồng. Thật vô ích khi cố tìm kiếm những điều đã mất". Đó là câu ngạn ngữ trong cuốn tiểu thuyết kinh điển "Hai số phận" được chấp bút bởi Jeffrey Archer. Không phải ngẫu nhiên mà từ khi xuất bản năm 1979 cho đến nay, cuốn sách luôn được lọt vào top best seller của tờ New York Times và xứng đáng là cuốn sách "gối đầu giường" cho những người trẻ và cho cả những người đã từng là người trẻ.


Đúng như tên gọi của nó, "Hai số phận" là câu chuyện kể về cuộc đời của hai con người, từ khi sinh ra, trưởng thành, làm việc, kết hôn, rồi gia đình, con cái, về hưu và qua đời. Họ sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng lại có số phận khác nhau một trời một vực. Để rồi số phận đưa họ đến cùng một đất nước, số phận khiến họ trở thành kẻ thù, số phận biến họ thành những người đồng chí trên trận mạc và cũng chính số phận nghiệt ngã đã khiến họ chẳng thể hóa giải hiểu lầm cho đến lúc một trong hai người chết đi.


Hai số phận - hai vạch xuất phát


Một người thì sinh ra trong nhung lụa, trong sự chúc phúc của gia đình, dòng họ.

  • “Ở Boston, bang Massachusetts, có một bệnh viện chuyên phục vụ cho những ai mắc các chứng bệnh của người giàu có, và vào một số trường hợp đặc biệt nào đó bệnh viện cũng kiêm cả việc đỡ đẻ cho những trẻ sơ sinh giàu có được ra đời”, “Hai bác sĩ khoa nhi sẽ được trả một món tiền lớn với mỗi một việc là đứng đó để  chuyện sinh đẻ thôi”, ”Richard đã chở Anne, vợ anh, đến bệnh viện bằng cỗ xe ngựa hai bánh”, “Anne không đụng gì đến hoa quả bánh kẹo đem đến chất đầy ở bên giường”, thậm chí “Nếu đứa bé sinh ra hôm nay là con trai, có lẽ anh sẽ xây tặng cho bệnh viện một khu mới mà bệnh viện đang rất cần. Anh đã tặng họ một thư viện và một trường tiểu học rồi.”

Còn một người thì sinh ra bên bờ suối với thân thế bí ẩn, may mắn được chú bé thợ săn phát hiện. 

“Chú nhỏ đang đi săn thỏ trong rừng gần đó nghe thấy lạ nhưng không phân biệt được đó là tiếng hét cuối cùng của người đàn bà hay tiếng khóc đầu tiên của đứa bé... Chú thợ săn nhỏ rón rén phía bờ sông, nơi có tiếng kêu lạ vẳng đến... Bỗng chú trông thấy người đàn bà nằm đó, áo váy vén lên ngang ngực còn hai chân thì giang rộng. Chú chưa hề thấy người đàn bà nào như thế bao giờ. Chú chạy vội đến bên cạnh, nhìn xuống bụng người đàn bà và chú hoảng sợ. Giữa hai chân người đàn bà có một vật nhỏ đỏ hỏn và ướt đẫm, dính vào người bằng một cái gì đó như sợi dây thừng. Chú bé thợ săn bỏ mấy con thỏ mới lột da xuống rồi quỳ bên cạnh vật nhỏ bé ấy.”


Hai số phận - hai tuổi thơ


Một người thì lớn lên trong một gia đình quyền lực bậc nhất và nắm trong tay cổ phần lớn khắp các ngân hàng ở Mỹ lúc bấy giờ.

“Những ai được phép đến thăm trong mấy ngày đầu này đều phải là người trong gia đình hoặc là thuộc những gia đình quyền quý nhất. Còn những người khác sẽ chỉ được trả lời là chị chưa sẵn sàng tiếp”, “Trong cả buổi chiều, các bạn thân của Anne và Richard kéo đến với đủ các quà mừng bằng vàng bằng bạc và những lời chúc tụng nhiệt tình”.


Còn người kia thì chịu cảnh chia nhau từng miếng bánh, từng ngụm sữa, chịu sự hắt hủi của những thành viên trong gia đình. 

“Hay là nó chết rồi? Jasio nghĩ bụng thôi mình chả nên dính đến cái của nợ này nữa. Cứ việc đi làm như thường, để mặc cho vợ anh lo chuyện sống chết của nó... Anh ta rảo bước về phía rừng, không muốn nghĩ gì đến đứa bé nữa và chỉ mong đây là lần cuối cùng anh ta trông thấy nó.”


Hai số phận - hai hoàn cảnh


Một người phải gánh vác trách nhiệm duy trì và phát triển sự nghiệp của gia đình, được kì vọng và săn sóc, dạy dỗ từng li từng tí ngay từ khi mới chào đời:

"Một lần nữa, William Lowell Kane lại bị bê ra để xem xét kỹ lưỡng, chẳng khác nào như người bố điểm lại việc thu chi cuối ngày ở ngân hàng vậy. Mọi thứ có vẻ đâu ra đấy. Đứa bé có đủ hai chân, hai tay, mười ngón tay, mười ngón chân. Richard không thấy có gì ở đứa bé để sau này khiến anh phải phiền lòng. Thế là William lại được bế đ- Đêm qua anh đã điện cho ông hiệu trưởng trường St Paul. William sẽ được nhận vào đó tháng chín năm 1918

Anne không nói gì. Rõ ràng là Richard đã bắt đầu tính đến sự nghiệp của William rồi.”

Và chúng ta có thể thấy rõ được gánh nặng mà William phải gánh vác cho dòng họ trong câu nói của bà nội Kane khi con trai bà đột ngột qua đời.

“Bây giờ cháu là người đứng đầu trong gia đình và là người thừa kế một tài sản lớn. Vậy cháu phải chuẩn bị làm thế nào cho xứng đáng với sự thừa kế đó, cũng với tinh thần mà bố cháu đã làm để đến lượt cháu được thừa hưởng như vậy.”


Ngược lại, con người kia phải trải qua một tuổi thơ đầy dữ dội:

“Waladek Koskiewicz lớn rất chậm. Bà mẹ nuôi dần hiểu ra rằng sức khỏe của nó có nhiều vấn đề. Nó mắc đủ các chứng bệnh của trẻ đang lớn và mắc cả những bệnh mà trẻ khác không có”. Khi lớn hơn một chút, cậu may mắn được nuôi dạy trong lâu đài của Nam tước nhưng chỉ một thời gian sau, cậu lại phải chạy trốn mưa đạn của quân nội chiến, phải sống trong căn hầm tối bốn năm liền và suýt chút nữa bị người Hồi giáo chém đứt tay chỉ vì một quả cam.


Hai số phận - hai con đường giáo dục


Nếu như William đại diện cho tầng lớp giàu có thì Abel chính là tầng lớp nghèo khó tận cùng của xã hội. Hai con người với hai số phận, hai con đường khác nhau, song họ giống nhau bởi ý chí vươn lên không ngừng nghỉ trong sự nghiệp. Điều gì làm nên ý chí, thành công của họ? Giáo dục! Họ giống nhau bởi họ đều được nhận sự giáo dục chu đáo từ khi còn bé. Nhìn vào con đường giáo dục mà William đã trải qua, chúng ta không thể phủ nhận phần lớn tài năng của cậu là nhờ được tôi luyện trong môi trường tốt nhất thế giới. 

“Những năm đầu đời chung quanh chú thường chỉ có bà con trong nhà và những người hầu hạ được chọn lọc”, “Cô bảo mẫu là một người thuê ở tận bên Anh mang về. Cô nuôi thằng bé theo một chế độ mà đến một sĩ quan kỵ binh của nước Phổ cũng phải lấy làm hài lòng”, “Vào ngày sinh nhật lần thứ năm của William, anh rút thằng bé ra khỏi bàn tay quản lý của đàn bà và giao nó cho một ông thầy dạy tư và trả lương cho ông ta 450 đô-la một năm. Ông thầy tên là Munro, một người do Richard đích thân chọn lựa trong số tám người được cô thư ký riêng của anh giới thiệu lên”, “William học đọc và viết rất nhanh chóng dễ dàng, nhưng chú đặc biệt rất thích thú với những con số. Điều phàn nàn duy nhất của chú là trong tám bài học mỗi tuần chỉ có một bài là toán. Nhưng William cũng đã có thể cho bố chú thấy được là một phần tám thời gian ấy coi như một thứ đầu tư nhỏ cho ai đó một ngày kia sẽ trở thành thống đốc và chủ tịch của một ngân hàng”.


Còn với Abel, thời gian ngắn ngủi được học cùng với Leon đã chứng tỏ tinh thần ham học hỏi và trí thông minh, nhanh nhạy của cậu. 

“Thời kỳ đầu, rõ ràng Leon vượt xa Wladek, nhưng rồi Wladek học rất kiên trì nên chỉ mấy tuần sau khoảng cách giữa hai người đã thu hẹp dần”. Tinh thần ham học ấy tưởng chừng như đã dập tắt trong cảnh ngục tù tăm tối “chỉ có thức ăn đưa đến, chỉ có ánh sáng và bóng tối, cho biết là mươi hai tiếng đồng hồ đã trôi qua. Chỉ có ánh sáng nhiều hay ít, tùy ở trời quang hay có giông bão, rồi đến băng tuyết đóng trên tường hầm, và khi có ánh sáng rọi vào nó lại chảy ra, là báo cho biết từ mùa này chuyển sang mùa khác, mà Wladek thì không thể nào rút ra được bài học gì của thiên nhiên cả” và tinh thần ấy lại được thắp sáng lên nhờ câu nói của Nam tước: “Còn đời cháu thì bây giờ mới bắt đầu. Do đó, ta sẽ tiếp tục làm cái việc dạy dỗ cho cháu.”


Hơn hết, điều không thể không nhận ra, họ giống nhau vì họ đều mang trong mình lòng tự tôn của một dòng họ danh giá, một người là con của một chủ ngân hàng, một người là con của một Nam tước.


Hai số phận - những bài học quý giá


"Hai số phận" không đơn thuần là một câu chuyện mà nó còn là cuốn sách của những bài học đắt giá về cuộc đời, về con người. "Hai số phận" cho ta thấy được một điều rằng bất kể bạn là ai, dù bạn có giàu có như William hay bạn có ở tận cùng của sự nghèo khó như Abel thì bạn đều có thể thành công. Chỉ cần bạn có khao khát đủ lớn và ý chí vươn lên không ngừng nghỉ, không ai có thể ngăn cản con đường thành công của bạn. Những người có điểm xuất phát là số âm như Abel thì phải nỗ lực gấp nghìn lần để có thể có được một chiếc ghế vững trong xã hội. Còn với những người giàu có như William, họ cũng rất dễ mất tài sản, danh tiếng. Họ làm việc không phải vì tiền mà là vì tự tôn, vì truyền thống gia đình, vì hạnh phúc, danh dự của bản thân và những người thân yêu.


Đọc "Hai số phận", chúng ta thấy rõ nhất điều làm nên thành công ở hai người chính là nền tảng giáo dục. Đứa trẻ sinh ra trong giàu có như William từ bé đã được dạy rằng gia sản mà cha mẹ cậu để lại rồi sẽ có ngày biến mất nếu cậu không tự gây dựng sự nghiệp của riêng mình. Từ việc “giỏi tất cả các môn học, và riêng trong môn toán không những chú đứng đầu lớp mà còn vươn tới cả những lớp trên nữa”, đến học bổng Hammington rồi Harvard, William luôn được hưởng sự giáo dục tốt nhất nước Mỹ. Còn với Abel, dù là trong túp lều lụp xụp hay trong ngục tối vô vọng, cậu vẫn luôn cố gắng học tập. Cậu chấp nhận bục mặt ở quầy rửa bát năm năm để lấy được tấm bằng ở Đại học Colombia. Nếu không có giáo dục, hai con người đó đã không thể tiến xa được như vậy.

Và cuối cùng, cũng chính là bài học đắt giá nhất mà cuốn truyện mang lại, hãy trân trọng những gì bạn đang có. "Đừng bao giờ tìm gió trên cánh đồng. Thật vô ích khi cố tìm kiếm những điều đã mất", đó là câu ngạn ngữ mà Abel đã dạy cho con gái mình và được cô nhắc lại khi thấy ông vì hiểu lầm, vì hận thù mù quáng mà đánh mất những người thân yêu. Zaphia, từ người vợ mà ông yêu nhất lại hóa thành một cái gai trong mắt ông. Từ một cuộc tình bồng bột, non trẻ trên con tàu đi tới miền đất hứa, cuối cùng lại chấm dứt bằng một tờ giấy li hôn. “Abel cố thuyết phục Zaphia đừng làm thế”, không phải vì để gìn giữ chút tình cảm tốt đẹp cuối cùng mà “vì như vậy sẽ có ảnh hưởng đến chỗ đứng của anh trong cộng đồng người Ba Lan, không những thế sẽ còn ngăn cản những hoạt động chính trị xã hội của anh sau này”. William – một con người đã âm thầm giúp đỡ ông xây dựng nên một đế chế khách sạn thành công rực rỡ, lại cũng chính là người bị ông hãm hại vì những hiểu lầm không đáng có, để rồi vào cuối truyện, Abel phải nói với con trai của William trong sự hối hận: “Anh phải tha thứ cho chúng tôi, Richard. Người Ba Lan vốn là một giống tình cảm”. Trước khi ra đi, thậm chí Abel đã để lại chiếc vòng bạc quý giá cho đứa cháu trai với tên được ghép từ tên của hai người – William Abel Kane.


Song có lẽ William mới chính là nhân vật cho ta thấm thía nhất điều này. Con tàu Titanic đã cướp đi người cha mà cậu thương yêu khi cậu mới năm tuổi khiến cậu trở thành một đứa trẻ đơn độc, sống khép mình. 

“Bất cứ gì bố chú đã làm được, chú quyết tâm làm được hơn thế. Chú gần gũi với mẹ hơn bao giờ hết, và trở thành hoài nghi đối với tất cả những ai không phải trong gia đình. Cứ như vậy, chú trở thành một đứa trẻ cô đơn, đơn độc, và hóa ra một con người hợm mình.”, “Ở trường, William không có mấy bạn, phần vì chú ngại không muốn chơi với những ai không thuộc gia đình Cabot và Lowell, hoặc đám trẻ thuộc những gia đình giàu có hơn mình. Điều đó khiến chú trở thành một con người hay tư lự.”


Điều đáng buồn hơn nữa, vì mối tình của mẹ với dượng mà cậu đã rời xa mẹ cậu để rồi khi bà mất thì cậu hối hận cũng đã quá muộn.

“Làm sao mẹ tôi chết được? Sao ông có thể để cho bà ấy chết được?”, “Mẹ tôi chết rồi”, “Ông đi đâu trong khi bà ấy cần đến chồng?”. 


Những câu nói đầy đau đớn của William không chỉ cho ta thấy được nỗi đau của một người con mất mẹ, mà còn là nỗi đau của một người cảm thấy đã không làm tròn bổn phận, đã không thể thay thế bố chăm sóc cho mẹ tử tế hơn. Và đỉnh điểm của nỗi đau ấy chính là cậu bạn thân Matthew qua đời vì ung thư khi chính anh là người từng khiển trách cậu ấy về công việc.

“William nhìn Matthew ngủ lại và ngủ rất say. Anh nhấc cốc nước đã uống được một nửa trong tay Matthew ra. Nước cà chua loang ra một vệt trên chăn.

- Cậu đừng chết, - anh nói khẽ với mình. - Matthew ơi cậu đừng chết. Cậu đừng quên rằng cậu với mình sắp sửa làm chủ một ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đấy nhé?”, “anh thấy các tuần lễ trôi qua vừa quá chậm lại vừa quá nhanh, cứ mỗi buổi sáng ngủ dậy không biết Matthew còn sống hay không”. 

Thế nhưng, “Matthew chết vào ngày thứ năm, hãy còn bỏ dở bốn chục trang của Cuốn theo chiều gió chưa đọc hết.” Nỗi đau ấy kéo dài cho đến tận kết truyện, khi William đã quyết định tha thứ cho người con trai của mình sau 15 năm xa cách thì anh vẫn chẳng thể ăn tối cùng con bởi anh đã chết vì căn bệnh đau tim ngay trước đó.


Hai số phận - đâu mới là một cuộc đời đáng sống?


"Hai số phận" là cuốn sách không chỉ đọc một lần. Nó cho ta thấy những bài học kinh doanh tuyệt vời cũng như thực tế phũ phàng trong xã hội tư bản. Cả William và Abel đều là những doanh nhân xuất sắc nhưng William lại là người cay đắng hơn vì anh chính là người đã góp phần lớn tạo nên thành công của ngân hàng Lester nhưng rồi cũng chính ngân hàng Lester lại đá anh ra khỏi nơi anh đã dành cả tâm huyết, cả sự nghiệp của mình đặt vào.


“Hai số phận” còn đem lại cho ta những bài học về tình yêu, về lòng thủy chung và sự vị tha của những con người phương Tây để rồi khi đọc xong cuốn truyện, ai cũng tự đặt cho mình câu hỏi "Cuộc đời chúng ta có thực sự cần phải sống như vậy không?". Khoan hãy nghĩ đến những điều cao siêu, những ước mơ làm giàu vĩ đại, điều gì làm bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc? Điều gì khiến bạn khao khát có được để không phải hối hận trước khi nhắm mắt xuôi tay? Có lời yêu thương nào bạn muốn nói ra mà vẫn chưa kịp nói? Có hành động đau đớn nào đã làm khiến bạn day dứt không quên? Chúng ta chỉ có một lần để sống. Không! Chúng ta sống mỗi ngày và chỉ chết đi một lần và mãi mãi. Hãy làm sao để sống cho thật đáng với cuộc đời này, hãy sống vị tha, hãy mở rộng tấm lòng của mình và dẹp đi cái tôi không cần thiết bởi cuộc đời quá ngắn để mà cứ suy xét những hận thù, những vụn vặt như thế. Giống như Rosie Nguyễn đã từng viết: "Ta chỉ có một cuộc đời để sống. Sao không làm những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân?".


Review chi tiết bởi: Trần Ngọc Hà - Bookademy

Hình ảnh: Linh Trang

-------------------------------------------------  

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Một cuốn tiểu thuyết,về hai con ngừơi,hai số phận,Abel Rosnovski từ khi lọt lòng đã mồ côi được gia đình thợ săn nhận nuôi, cậu lớn lên từng ngày với  biết bao biến cố lớn của cả một đời người, bằng sự thông minh, nhẫn nại và may mắn. Cậu vựợt qua tất cả.Sinh ra tại Ba Lan, bị đầy dọa ở Nga, một mình lang thang đến Thổ Nhĩ Kỳ , cuối cùng cậu chọn cho mình đất nước của sự tự do Hoa kỳ. Abel là đại diện cho tầng lớp nghèo khó,luôn nổ lực trao dồi kiến thức cho bản thân,một tấm gương sáng về sự tự lực rèn sách, cậu tạo lên sự nghiệp bằng chính đôi tay mình.

William Kane,từ khi chào đời, cậu đã định sẵn là người thừa kế, lớn lên trong một gia đình danh tiếng mà cậu là con trai một với khối tài sản khổng lồ. Tuyệt vời thay khi câu không vì thế mà lơ là trách nghiệm, cậu luôn nổ lực hằng ngày, thông minh và quyết đoán. Chỉ ít tuổi cậu đã bước những bước dài trên con đừơng đến mục tiêu của đời mình. Chủ tịch ngân hàng vĩ đại của nước Mỹ. William là đại diện cho tầng lớp giàu có,cha mẹ có tiền lực kinh tế,có đầy đủ hành trang về vật chất cũng như kiến thức.Hai con người, hai số phận, họ gặp nhau tại Mỹ, trên cương vị đối lập, họ xung đột, đối đầu nhau,nhưng cùng một mục tiêu là xậy dựng đế chế hùng mạnh tại Tân thế giới.Ai sẽ là người dành được chiến thắng trong cuộc chiến thương trường đầy biến động cũng không kém phần khóc liệt này?


Một cuốn sách không chỉ xoay quanh cuộc đời hai nhân vật,về những chiến lược kinh doanh, mà trong đó còn tóm gọn những sự kiện lịch sử lớn làm thay đổi cả thế giới. Phải nói đó là thời điểm vàng cho những cuốn sách được ra đời, quá nhiều sự chuyển biến trong một khoản thời gian ngắn. Câu chuyện đưa bạn từ bất ngờ này đến những bất ngờ khác, đầy hồi hợp, phiêu lưu và tin thần tự cừơng với Abel. Những bài học kinh doanh thông minh của William. Ở họ ta thấy những phẩm chất sắc xảo tuyệt vời của nhà lãnh đạo nhưng không kém phần tham vọng và cố chấp. Điều tôi thán phục hơn hết ở họ là sự mãnh liệt chiến đấu trong chiến tranh. Hai doanh nhân thành đạt, đứng trên đỉnh cao danh vọng lại có thể đánh đổi sự nghịêp,gia đình và mạng sống để chiến đấu vì dân tộc, vì đất nước của mình. Chiến tranh tuy chỉ là một phần trong câu truyện, nhưng đủ để tôi cảm thấy rùng mình,ám ảnh bởi sự tàng ác và đen tối mà chiến tranh mang lại. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ II. Abel và William họ vẫn tiếp tục chiến đấu trên thương trường.Tác giả đã rất khéo léo khi đưa hai kẻ thù của nhau,lại vô tình giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàng cảnh ngặc nghèo nhất , suốt gần 40 năm họ căm thù nhau, hạ bệ nhau, để rồi cái kết là một khoảng lặng...

Hai lão già đứng trên cùng một con đừơng,bất chợt mặt đối mặt nhau, không nói lời nào, họ chỉ chào nhau.

Cả hai đều ra đi trứơc khi thấy đựơc hạnh phúc...

Họ thực sự giống nhau về mọi mặt, tính cách lẫn tài năng, nếu không là kẻ thù thì có thể họ đã là try kỹ của nhau.Tôi hy vọng họ đang ngồi với nhau, cùng miễn cười ở một nơi nào đó.

Những sự kiện lịch sử trong HAI SỐ PHẬN

-14-4-1912 thảm họa tàu Titanic

-1918 Chiến tranh thế giới thứ I vào thời kỳ cuối.

-29/10/1929 Ngày thứ ba đen tối, Phố Wall sụp đổ

-1937 xuất bản tác phẩm nổi tiếng “ Cuốn theo chiều gió”

-1939 Bùng nổ chiến tranh thế giới II, Quôn Đức trở lại BaLan

-3/1967  Johnson chưa tung hết lực lượng tấn công ở Việt Nam