“Đặt ra những ranh giới rõ ràng là điều kiện thiết yếu để có
được một cuộc sống lành mạnh và cân bằng. Một ranh giới là giới hạn cá nhân,
phân định rõ những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của chúng ta. Nói cách khác, những
ranh giới xác định chúng ta là hay không là ai, và chúng tác động đến mọi mặt
trong đời sống của chúng ta.”
Đây là một
cuốn sách trong tủ sách phát triển cá nhân của Alphabook mà khi đọc mình cảm thấy
khá tâm đắc bởi những gì được viết trong cuốn sách thực sự rất thật, thật tới mức
mình cảm nhận được hình bóng của chính bản thân mình trong một số trích đoạn của
cuốn sách “self-help” này.
Tác giả của
cuốn Giới hạn cho chính bạn là Henry
Cloud và John Townsend, đều là những nhà tâm lý học sinh vào giữa thế kỷ trước ở
Mỹ. Hai người đều là tiến sỹ tâm lý học lâm sàng nổi tiếng và là tác giả của rất
nhiều nghiên cứu cũng như những cuốn sách phát triển bản thân nổi tiếng trên
toàn thế giới.
Cuốn Giới hạn cho chính bạn là một tác phẩm thành công bởi nó đã giúp rất nhiều người tạo ra được “ranh giới” trong cuộc sống của chính họ để có được một cuộc sống của chính mình. Điều mà cuốn sách muốn truyền tải tới độc giả có lẽ là cách mà bạn nói “Có” và nói “Không” với những tình huống xảy ra trong đời sống thường nhật. Nếu bạn đọc từ đầu tới cuối cuốn sách và làm theo những lời khuyên mà tác giả đưa ra thì mình chắc chắn rằng bạn sẽ có thể nắm quyền kiểm soát cuộc đời của chính bạn mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai cả.
Cuốn sách gồm
16 chương và được chia thành ba phần lớn:
Phần 1: Ranh giới là gì?
Trong phần
này, tác giả đưa ra những tình huống cụ thể và chân thực vô cùng trong cuộc sống
để bạn hiểu rõ được hai chữ “ranh giới”
và những hiểu nhầm khi bạn nghĩ tới “ranh giới”.
Phần 2: Các mâu thuẫn về ranh giới
Cho dù bạn
đã hiểu rằng “ranh giới” là gì, và tại sao chúng ta cần có những ranh giới
trong cuộc sống song bạn lại chẳng thể nào từ “hiểu” chuyển sang “thực hành” và
“áp dụng” ngay tức khắc được. Có rất nhiều rào cản giữa việc hiểu và thực hành.
Bởi vậy, trong phần này, cuốn sách sẽ chỉ ra tại sao bạn cần phải đặt ranh giới
và cách bạn làm thế nào đặt ra những ranh giới giữa bản thân mình và gia đình,
bạn bè, người thân xung quanh,…
Phần 3: Phát triển ranh giới lành mạnh
Đây là khi bạn
đã thành công bước đầu tiên trong việc hình thành các ranh giới với những người
xung quanh để họ biết rằng bạn cũng cần có cuộc sống của chính bạn- chỉ bạn mà
thôi. Lúc này, khi đã xây dựng được những hàng rào cho chính mình, điều bạn cần
làm là bảo vệ chúng và duy trì một cuộc sống trọn vẹn.
Đây là cuốn sách mình ấn tượng ngay từ nhan đề của sách. Tại sao ư? Bởi vì trong cuộc sống ai chẳng có những giới hạn mà bản thân tự đặt ra cho chính mình chứ? Ai chẳng có một lần không dám làm, không dám đứng lên chỉ vì cái “ranh giới” cho chính mình ấy? Đấy là điều khiến mình cầm cuốn sách lên và đọc. Nhưng mà, Henry Cloud và John Townsend đã làm mình ngạc nhiên khi mở trang sách đầu tiên. Giới hạn mà hai người nói đến không chỉ đơn giản là giới hạn mà mình đặt ra cho bản thân, mà nó còn là giới hạn bản thân mình đặt ra với những người xung quanh: cha mẹ, anh chị em, bạn bè, và người mình yêu nữa.
Ranh giới
Mình là một
người rất hay vì cả nể người khác mà giúp đỡ người đó những chuyện mà mình
không thích. Mình cũng rất hay vì làm vừa lòng người khác mà phải cắn răng bỏ mất
chút thời gian rảnh rỗi ít ỏi của bản thân. Ví dụ như đôi lúc chỉ vì không muốn
cắt ngang câu chuyện của một ai đó mà mình tốn rất nhiều thời gian chịu đựng sự
tẻ ngắt của cuộc nói chuyện mà mình thực sự chán ghét. Và mình tin là cũng có rất
nhiều người giống như mình, đều ghét cảm giác không làm người đối diện thoải
mái. Nếu bạn cảm thấy giống mình, thì đây thực sự là cuốn sách mà bạn nên đọc đấy!
Mở đầu cuốn
sách là một câu chuyện về một người phụ nữ có vẻ dưới con mắt người khác rất
thành đạt và hạnh phúc nhưng thực tế, cô ấy- Sherrie, vì để người khác vượt qua
những ranh giới của mình nên cuộc sống ngày một trở nên tồi tệ khi chính giá trị
của Sherrie ngày một giảm sút trong mắt người khác, đặc biệt là trong mắt chồng,
con cái và bạn thân của cô. Bởi thế, mỗi ngày đối với Sherrie là một cực hình,
bởi từ lúc tỉnh dậy cho đến lúc kết thúc một ngày dài thì những người xung
quanh cô dường như chẳng hề quan tâm hay trân trọng cô một chút nào. Câu chuyện
sẽ khiến bạn thực sự phải nghĩ lại xem rằng, ranh giới giữa bản thân mình với
những người xung quanh có vai trò ra sao?
“Mất đi khả năng nói
không với cái xấu đã trở thành tự nhiên với nhiều người. Nó không chỉ ngăn
chúng ta từ chối những điều xấu trong cuộc sống mà nó cũng ngăn chúng ta nhận định
được điều xấu. Rất nhiều người thuộc dạng phục tùng này nhận ra khi đã quá muộn
rằng họ đang ở trong một mối quan hệ nguy hiểm hoặc bị lạm dụng. “Rada” tinh thần
và cảm xúc của họ bị tổn thương; họ không có khả năng gìn giữ trái tim mình”
(Theo Cách ngôn 4:23)
Tác giả cũng
chỉ ra rằng, loại vấn đề về ranh giới khiến người ta thường có xu hướng rơi vào
trạng thái tê liệt. Mỗi khi họ cần phải nói không để bảo vệ chính bản thân mình
thì từ “không” luôn nghẹn lại nơi cổ họng. Tại sao ư? Điều đó xảy ra bởi một
vài lý do mà hai nhà tâm lý học đã đề cập đến như sau:
1. Sợ làm người khác bị tổn thương
2. Sợ bị bỏ rơi hoặc chia ly
3. Mong muốn được hoàn toàn phụ thuộc
vào một người khác
4. Sợ cơn tức giận của người khác
5. Sợ bị trừng phạt
6. Sợ bị xấu hổ
7. Sợ bị nhìn nhận là người xấu hoặc ích
kỷ
8. Sợ đánh mất sự cao thượng
9. Sợ phải đối diện với một lương tâm
quá khắt khe và phê phán
Những “nỗi sợ”
này thực ra vẫn giống như một cảm giác tội lỗi. Những người có lương tâm khắt
khe và phê phán sẽ tự dằn vặt mình và dần dà làm họ càng siết chặt thêm các
ranh giới của bản thân.
Mâu thuẫn ranh giới
Bạn có thể
phải đương đầu với rất nhiều mâu thuẫn ranh giới trong cuộc sống. Có những điều
tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất, theo sự phân tích từ khía cạnh tâm lý học,
thì lại là một “mâu thuẫn ranh giới” trong nội tâm của chính chúng ta. Mâu thuẫn
này đến từ rất nhiều phía, có thể là trong những ranh giới mà bạn muốn đặt ra
giữa bố mẹ, gia đình, bạn bè và người yêu, đối với một số người thì còn có thể
là mâu thuẫn ranh giới đến từ những đứa con của chính họ.
Song cho dù
mâu thuẫn đến từ đâu và đến từ ai đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải hiểu được
rằng bản thân mình cần tự đặt ra các giới hạn cho các mối quan hệ nếu bạn muốn
đạt được cuộc sống hạnh phúc.
“Chúng ta là những kẻ
có giới hạn và chúng ta hãy cho đi tùy theo “quyết định của lòng mình” (2 Cor.
9:7), trong khi ý thức rõ ràng rằng khi nào thì việc cho đi ấy vượt quá mức
tình yêu hay mức oán giận của mình. Vấn đề nảy sinh khi chúng ta đổ lỗi cho người
khác về sự thiếu ranh giới của bản thân chúng ta. Thông thường, người vợ hoặc
chồng sẽ làm nhiều hơn những gì họ thực sự muốn và sau đó oán giận người kia vì
đã không ngăn họ cho đi quá nhiều.”
Cuốn sách Giới hạn cho chính bạn chỉ ra rất nhiều cách mà mình có thể thay đổi được trong việc đặt ra ranh giới giữa mình và những người xung quanh. Và mình tin rằng các bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều qua kinh nghiệm của hai vị tiến sỹ tâm lý học Henry Cloud và John Townsend.
Phát triển ranh giới lành mạnh
Trong phần
này, hai tác giả tập trung phân tích những tình huống thực tế khi những người gặp
khó khăn với vấn đề thiết lập ranh giới trong các mối quan hệ cần đến sự giúp đỡ
từ bác sỹ và các nhóm hỗ trợ. Khi đọc về những tình huống ấy, bạn sẽ hiểu một
điều rằng để thiết lập được những ranh giới có thể đưa cuộc sống của bạn trở
nên viên mãn thì bạn cần trải qua một quá trình “chống đối” đến từ những người
xung quanh, đặc biệt là từ những người thân cận với bạn nhất như gia đình, người
yêu và con cái. Giai đoạn đó có thể vất vả vô cùng nhưng những gì Henry và John
viết trong cuốn sách sẽ phần nào giúp bạn có được động lực để vượt qua và đạt
được những gì mà bạn nhắm tới.
Kết luận
Trong cuốn
sách Giới hạn cho chính bạn, bạn sẽ học
được rằng khi nào nên nói có và khi nào nên nói không để kiểm soát được cuộc sống
của chính mình để có thể đạt được một cuộc sống thật hạnh phúc và viên mãn.
Cuốn sách giống
như một nhà tâm lý học đang nói chuyện và tư vấn cho bạn về các mối quan hệ
trong cuộc sống của mình. Bởi vậy, nếu bạn đang gặp khó khăn trong các mối quan
hệ và các vệt lằn ranh giới thì Giới hạn
cho chính bạn sẽ là một lựa chọn hoàn hảo cho bạn đấy.
Tác giả: Lệ Duyên- Bookademy
--------------------------
Theo dõi fanpage của
Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng
Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại
link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Tôi đã đọc "Những thay đổi chữa lành" có lẽ khoảng 15 năm trước và luôn cho rằng "Ranh giới" là bản làm lại của cuốn sách đó, nhưng chỉ với một tựa đề hay hơn, vì tôi nhớ nó nói khá nhiều về ranh giới. Tôi đã đề cập với ai đó rằng tôi đã nghiên cứu về ranh giới trong vài năm qua và anh ấy khuyên tôi nên đọc cuốn sách này. Tôi cảm thấy đó sẽ là những nội dung tương đối trực quan hoặc gợi nhớ lại cuốn sách tôi đã đọc khi còn học đại học, nhưng phần lớn trong số đó thực sự thách thức lối suy nghĩ mặc định của tôi. Tôi nghĩ là Cơ-đốc nhân, chúng ta thường bị nhầm lẫn giữa “dễ thương” với “yêu thương”, điều này có thể là một sai lầm tai hại. Cloud đã viết bài này một cách có cấu trúc rất tốt với nhiều lý thuyết nhưng cũng có những ví dụ thực tế để giúp ai đó có cái nhìn thực tế về cuộc sống của chính mình. Đây là một cuốn sách hữu ích đối với tôi và tôi cảm thấy như mình đã tiến bộ hơn trong lĩnh vực thiết lập ranh giới.